Hotline 24/7
08983-08983

Các biến chứng nguy hiểm của gãy xương

Việc em nữ sinh bị tai nạn giao thông, sau đó hoại tử phải cưa chân, một lần nữa nhắc nhở trường hợp gãy xương phải chữa trị đúng ngay từ đầu, để không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.


X quang gãy xương đùi và hai xương cẳng chân

Cấp cứu kịp thời, điều trị đúng phương pháp

Ngày nay, tai nạn giao thông, tai nạn lao động có thể có những chấn thương gãy xương phức tạp. Sự tôn trọng luật giao thông đòi hỏi ý thức của người dân ngày một cao. Các biến chứng sớm có thể đe dọa tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời cũng như những di chứng muộn gây tàn phế nếu điều trị không đúng phương pháp ngay từ đầu.

Những quan niệm cổ điển của người dân khi bị gãy xương là đưa đến thầy lang nắn bóp, xoa thuốc rượu gia truyền. Trường hợp chấn thương nhẹ thì có khả năng tự phục hồi, ngược lại có gãy xương thì thường để lại di chứng nếu không được nắn chỉnh đúng phương pháp.

Đến giai đoạn xương không lành hoặc lành nhưng biến dạng, không thẳng trục đưa đến chi bị mất chức năng (mất khả năng lao động). Việc điều trị gãy xương đòi hỏi người thầy thuốc có kiến thức giải phẫu xương, hiểu được sự phân bố mạch máu, sự bao bọc xung quanh của mô mềm…

Hiểu được các biến chứng sớm và muộn của gãy xương sẽ cứu được bệnh nhân khỏi tử vong do sốc đau đớn, mất máu… tránh được các di chứng muộn: liệt thần kinh, xương lành không thẳng trục, khớp giả…

Các biến chứng sớm:

1/ Sốc do mất máu và đau đớn: có thể gây tử vong nếu sơ cứu ban đầu không đúng, bất động xương không vững chắc, thường xảy ra ở các xương dài, lớn: xương đùi, xương chậu, cẳng chân. Lượng máu mất có thể đến cả lít, bệnh nhân sẽ suy sụp tuần hoàn nếu không truyền máu và cố định xương kịp thời. Cố định xương ban đầu và gây tê ổ gãy đúng phương pháp sẽ giúp bệnh nhân thoát sốc.         


X-quang xương đùi và xương hai cẳng chân

2/ Tắc mạch máu do mỡ:

Khi bị gãy xương, đặc biệt là xương dài và gãy nhiều xương… lượng mỡ từ tủy xương chảy ra, gây tăng áp lực và ngấm trở lại vào máu. Người bệnh có biểu hiện vật vã, lơ mơ và dần dần đi vào hôn mê. Dấu hiệu hô hấp: khó thở nhanh nông và  suy hô hấp. Toàn thân: xuất huyết dưới da, kết mạc mắt… kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn đông máu. Xét nghiệm cận lâm sàng: hồng cầu, tiểu cầu, Pa O2 và heamatocrit giảm...

Biến chứng này có thể gây tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời. Việc điều trị là cần thở oxy và pha truyền hydrocortisone theo đường tĩnh mạch.

3/ Chèn ép khoang:


Hệ thống khoang ở chân tay chứa đựng các cơ quan: mạch máu, thần kinh, cơ… một khi bị gãy xương sẽ gây tổn thương mạch máu, cơ và thần kinh, lượng máu chảy ra gây tăng áp lực và chèn ép khoang. Hậu quả có thể gây hoại tử nếu không chẩn đoán kịp thời. Vài trường hợp thấy chân tay sưng to, người ta cho là gãy xương thông thường và đi bó thuốc nam hoặc bó bột, dẫn đến thâm tím chân tay, phải cắt cụt thì mới cứu được tính mạng.


Gãy xương đùi

Cố định ngoài để điều trị gãy xương

Trường hợp này, người bị gãy xương sẽ có biểu hiện chân hoặc tay bị gãy sưng to, căng đau liên tục, không đáp ứng với thuốc giảm đau. Mạch ngoai vi bắt nhẹ, sau đó không bắt được, cảm giác tê buốt và hạn chế vận động chi.

4/ Viêm xương, gãy xương hở:

Đầu nhọn của xương gãy có thể đâm thủng da biến gãy kín thành gãy hở. Vết thương dập nát và dính nhiều di vật (đất, cát…) xung quanh ổ gãy xương. Sự không hiểu biết có thể đến bó thuốc nam khi dị vật chưa được loại trừ, hậu quả nhiễm trùng và viêm xương là không thể tránh khỏi.

Khuyến cáo nên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cắt lọc mô bầm dập và loại trừ dị vật nếu có, sau đó diều trị kháng sinh chống nhiễm trùng. Việc cố định bên trong và chỉnh xương cầu toàn, không nhất thiết được đặt ra lúc này.      


Hình ảnh nhiễm trùng do viêm xương

5/ Tổn thương mạch máu, thần kinh:

Khi bị gãy xương, đầu xương gãy có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh lân cận. Mức độ tổn thương có thể bầm dập hoặc đứt thần kinh, mạch máu. Nếu không phát hiện biến chứng này có thể đưa đến liệt, mất chức năng hoặc phải cắt cụt chi.

6/ Khớp giả, chậm lành xương, can xương lệch:

Đây là biến chứng muộn sau điều trị gãy xương. Điều trị không đúng phương pháp, cố định lỏng lẻo, bó thuốc nam mà không được nắn chỉnh hoặc bệnh nhân tự ý tháo bột sớm… Bệnh nhân không đau đớn nhiều nhưng không cử động được chân/tay, đi lại không bình thường hoặc xương lành trong trạng thái lệch trục, bị cong gây mất thẩm mỹ.

Sự hiểu biết biến chứng khi bị gãy xương sẽ giúp người dân đưa nạn nhân đến đúng chuyên khoa của cơ sở y tế, không nên tự ý điều trị hoặc bó thuốc nam khi chưa được nắn chỉnh và loại trừ các biến chứng của gãy xương.

Theo TS.BS Nguyễn Đình Phú - BV Nhân Dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X