Hotline 24/7
08983-08983

Các bài thuốc có lá lốt trong y học dân gian

Có hàng chục bài thuốc hay với lá lốt, từ trị các chứng bệnh thường gặp như chảy nước mũi, đầy bụng… cho đến những bệnh ít gặp hơn như tổ đỉa, phong thấp, phù thũng...

Lá lốt (Hình minh họa: wikipedia.org
Lá lốt (Hình minh họa: wikipedia.org

Lá lốt là loại cây gia vị rất phổ biến đối với người Việt Nam, nhất là ở vùng thôn quê. Cây lá lốt thường được trồng rất nhiều ở vườn nhà để làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, đặc biệt là các món chả.

Thân thuộc là vậy, tuy nhiên có lẽ ít người biết rằng, trong y học cổ truyền, cây lá lốt cũng là một vị thuốc rất hữu dụng với khả năng chữa được rất nhiều loại bệnh. GS Đoàn Thị Nhu, PGS Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm trong cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật) đã chỉ ra rất nhiều công dụng của lá lốt cũng như cách tiến hành các bài thuốc chữa bệnh có loại cây này.

Theo đó, lá lốt có mùi cay, vị thơm, tính ấm, vào hai kinh tỳ và phế có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống, trừ phong thấp, kiên vị, tiêu thực, giảm đau và cầm nôn.

Lá lốt được dùng điều trị phong thấp, thấp khớp mãn tính, đau lưng, đau khớp, đau nhức xương, tay chân lạnh tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, trướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau đầu, đau nhức răng, viêm cấp tính vùng răng miệng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân và bệnh phù thũng. Công thức áp dụng là ngày dùng từ 8 đến 12g lá phơi khô hay 15 đến 30g lá tươi sắc với nước, chia làm 2 đến 3 lần uống trong ngày.

Ngoài ra, lá lốt sắc đặc, ngậm trong miệng là bài thuốc chữa bệnh đau răng rất hữu hiệu. Theo các chuyên gia dược học cổ truyền, có một số trường hợp nên kiêng kỵ loại dược liệu thiên nhiên này là những người bị dạ dày nhiệt (đau dạ dày thể nhiệt với các biểu hiện như đau dạ dày theo chu kỳ, ợ hơi, đau bụng, khát nước, dạ dày cồn cào, tiểu tiện ngắn…) và người bị táo bón.

Lá thanh yên – vị thuốc thường xuyên kết hợp với lá lốt trong chữa nhiều loại bệnh (Hình minh họa: lubera.co.uk)
Lá thanh yên – vị thuốc thường xuyên kết hợp với lá lốt trong chữa nhiều loại bệnh (Hình minh họa: lubera.co.uk)

Các bài thuốc có lá lốt:

- Chữa chứng lợm giọng: Lá lốt 40g, tán nhỏ, Uống 2g trước mỗi bữa ăn với nước cơm.

- Chữa chứng chảy nước mũi: Lá lốt tán ra bột, thổi vào mũi.

- Chữa nhọt độc vỡ lâu không liền miệng: Lá lốt, lá chanh, lá thanh yên (hay còn gọi là chanh yên), lá ráy, tía tô lượng đều bằng nhau, giã nhỏ, sau đó lấy vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ thô phía bên ngoài) phơi khô, giã thành bột mịn rắc vào hỗn hợp. Gói các thuốc trên vào lá chuối tiêu, dùi lỗ, đắp vào. Mỗi ngày đêm thay thuốc một lần.

- Chữa bệnh tổ đỉa: Lá thanh yên nấu nước để nguội rửa. Sau đó, lấy lá lốt, lá cà gai leo lượng đều bằng nhau giã nhỏ, trộn với giấm để bôi.

- Chữa vết thương do bị chém: Lá lốt 1 phần, lá thanh yên 2 phần, nõn khoai môn hai phần. Tất cả thái thật nhỏ, gói vào lá chuối hột, dùi nhiều lỗ nhỏ rồi đắp vào chỗ đau. Mỗi ngày rửa và thay đắp 3 lần.

- Chữa chứng phong thấp, đau nhức xương (7 bài thuốc):

+ Rễ lá lốt, dây chìa vôi, rễ cỏ xước, hoàng lực, độc lực (rễ quýt rừng), hạt xích hoa xà, đơn gối hạc, mỗi vị 12g. Sắc uống.

+ Lá lốt 16g, tầm gửi cây dâu 12g, tục đoạn 12g. Sắc với 250ml nước đến khi còn 150ml, chia làm hai lần uống vào ban ngày và buổi tối trước khi đi ngủ.

+ Lá lốt 20g, vòi voi 40g, ké đầu ngựa 20g, ngưu tất 10g. Làm thành thuốc viên, mỗi lần uống từ 10 đến 15g.

+ Lá lốt, cỏ xước, cành dâu, cà gai mỗi vị 20g cùng với 10g ngưu tất. Sao qua, sắc uống mỗi ngày một thang, trong từ 3 đến 5 ngày. Có thể củng cố kết quả bằng cách ăn lá lốt nấu với lạc trong 7 ngày liền.

+ Rễ và thân lá lốt 20g, dây đậu xương 10g, rễ thầu dầu tía 10g. Tất cả cắt ngắn, phơi khô, sắc với 400ml nước đến khi còn 10ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng bài thuốc trong vòng từ 7 đến 8 ngày.

+ Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoọng 16g. Sắc uống trong ngày.

+ Lá lốt, cỏ xước, cẩu tích, hy thiêm mỗi vị 20g, rế si 16g, rễ quýt rừng 16g, cà gai leo 12g, thiên niên kiện 12g. Sắc uống, ngày một thang.

- Chữa đau lưng, sung khớp gối, bàn chân tê buốt (2 bài thuốc):

+ Rễ lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước, mỗi vị 50g tươi. Tất cả thái mỏng, sao vàng, sau đó sắc với 600ml nước đến khi còn 300ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

+ Lá lốt, ngải cứu, lượng đều bằng nhau. Giã nát, chế thâm giấm, chưng nóng, có thể dùng đắp hoặc chườm.

- Chữa phù thũng (2 bài thuốc):

+ Lá lốt tươi 40g, ngải cứu tươi 40g, lá sả tươi 40g, nghệ 10g. Tất cả sao vàng, sắc với 900ml nước đến khi còn 300ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

+ Lá lốt, rễ cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ gai tầm xoọng, lá đa lông, mã đề mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.

- Chữa viêm xoang, chảy nước mũi đặc: Lá lốt vò nát, đặt vào lỗ mũi.

- Chữa viêm cấp tính do các bệnh về răng miệng, gây sưng nề ở má cằm, vùng hàm, viêm khớp dây chằng ở răng, túi viêm răng khôn: Cao mềm lá lốt 2g, đường kính 2g, nước vừa đủ 10ml. Hòa tan hỗn hợp rồi ngậm.

- Chữa viêm lợi, viêm nha chu: Cao mềm lá lốt, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu, clorophyl chiết từ lá tre. Tất cả bào chế thành cao lỏng với cồn thấp độ. Dùng tăm bông thấm thuốc, chấm vào chỗ răng đau trong vòng từ 5 đến 10 phút, sau đó súc miệng cho sạch.

- Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: Lá lốt, lá khế, lá đậu ván trắng mỗi vị 50g. Giã nát, thêm nước, gạn uống.

- Chữa đầy bụng, nôn mửa: Lá lốt từ 10 đến 20g. Sắc uống.

- Chữa ong bò vẽ đốt: Giã nát lá lốt cùng quả cà dại hoa trắng, lấy nước bôi lên vết đốt.

- Chữa đái tháo đường: Rễ cây lá lốt, rễ rau ngót, rễ cườm gạo, cối xay mỗi vị 20g. Các vị băm nhỏ, sao qua, cho 4 bát nước sắc nhỏ lửa tới khi còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

Theo VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X