Hotline 24/7
08983-08983

Ca mổ tim chạy đua thời gian cứu sống bệnh nhân người Mỹ

Bệnh nhân 72 tuổi bị tách động mạch chủ type A cấp tính nguy kịch, được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cứu sống.

Bệnh nhân quốc tịch Mỹ đang làm việc ở Hà Nội, tiền sử cao huyết áp và bệnh tim mạch. Cách đây 2 tháng, ông bị đau ngực, bác sĩ chẩn đoán bị giả phồng quai động mạch chủ, một biến chứng rất phức tạp của xơ vữa mạch máu.

Bệnh nhân đã phẫu thuật vá chỗ loét, thủng quai động mạch chủ qua đường mổ tim hở, tại Thái Lan. Sau mổ, ông về Việt Nam.

Ba ngày trước, bệnh nhân bị đau ngực, đau bụng dữ dội, khám tại Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội được chẩn đoán lóc động mạch chủ type A cấp tính lan xuống tận chi dưới. Bệnh tiến triển từng giờ, nguy cơ tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trưa 7/1.

Bệnh nhân được đưa vào phòng hồi sức, khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, tình trạng rất nặng, khó thở, đau ngực, kích thích, phải kiểm soát huyết áp bằng thuốc truyền tĩnh mạch, thiếu máu chân trái. Phim chụp cắt lớp cho thấy hình ảnh lóc toàn bộ động mạch chủ, từ gốc xuống tận động mạch chậu trái. Siêu âm tim thấy hở van động mạch chủ nặng. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và phẫu thuật tim cấp cứu ngay trong đêm.

Ca mổ kéo dài 9 giờ và rất khó khăn do bệnh lý phức tạp trên nền mới phẫu thuật được 2 tháng. Kíp mổ gồm hơn 15 y bác sĩ, với phẫu thuật viên chính là Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực. Kíp mổ đã thay van động mạch chủ và động mạch chủ lên, cắm lại các động mạch vành nuôi tim, bắc cầu động mạch đùi phải - đùi trái bằng mạch nhân tạo cho bệnh nhân.

4 ngày sau mổ, bệnh nhân chủ động sang Thái Lan tiếp tục điều trị phục hồi.

 Kíp phẫu thuật mất 9 giờ để cứu sống bệnh nhân người Mỹ. Ảnh: K.O.
Kíp phẫu thuật mất 9 giờ để cứu sống bệnh nhân người Mỹ. Ảnh: K.O.


Phó giáo sư Ước cho biết, lóc động mạch chủ type A cấp tính là biến chứng tim mạch rất nặng, đe dọa tính mạng người bệnh, nên đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay tại chỗ (không vận chuyển bằng máy bay được). Theo thống kê trên thế giới, nếu không được can thiệp, 25% khả năng bệnh nhân tử vong trong ngày đầu tiên, 50% sau 3 ngày, 80% sau 2 tuần và 90% trong tháng đầu sau khởi bệnh.

Bệnh lý lóc động mạch chủ cấp tính thường xảy ra khi thời tiết đang ấm trở lạnh. Các yếu tố nguy cơ chính thường gặp gây lóc tách thành động mạch chủ là xơ vữa động mạch, rối loạn bẩm sinh tổ chức cấu tạo nên thành mạch (ví dụ bệnh Marfan) và tăng huyết áp.

"Gộp hai yếu tố là thành mạch yếu và tăng huyết áp sẽ làm bùng phát lóc tách bất cứ lúc nào nếu không được điều trị", ông Ước nói.

Triệu chứng lâm sàng gặp nhiều nhất là đau ngực, sốc mất máu khi biến chứng thành mạch vỡ thường khó cứu, mất mạch cảnh, thậm chí liệt nửa người, hôn mê. Đặc biệt, người bệnh còn bị thiếu máu cấp tính chi, thiếu máu các tạng trong ổ bụng gây đau trướng bụng cấp tính - biểu hiện này rất nguy hiểm do tình trạng hoại tử ruột thường dẫn đến tử vong.

Phương pháp điều trị chính của lóc động mạch chủ type A cấp tính là phẫu thuật, đây là loại phẫu thuật rất phức tạp, kéo dài vì phải xử lý nhiều thương tổn nguy hiểm phối hợp. Hơn nữa, việc khâu nối phải thực hiện trên nền động mạch chủ có bệnh lý viêm mủn nát nên rất khó khăn. Thường thời gian để cầm máu các miệng nối khá lâu, chảy máu sau mổ là một trong những nguyên nhân gây biến loạn nhiều nhất của ca phẫu thuật. 

Bác sĩ khuyến cáo, việc dự phòng và ngăn ngừa bệnh lý của động mạch chủ rất quan trọng. Trong đó, phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp - nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm rất cần thiết. Người bệnh cần được chuyển đến các bệnh viện có khả năng phẫu thuật, tránh trải qua nhiều tuyến trung gian, kéo dài thời gian làm nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Lê Nga - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X