Hotline 24/7
08983-08983

Ca mổ sinh tử và bản năng người thầy thuốc

Nhiều lúc người thầy thuốc phải hành động trong tích tắc để cứu mạng bệnh nhân, dù quyết định đó không có trong sách vở.

Sau bốn ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được tiếp tục chăm sóc

Khi đó khó biết được tại sao họ làm như thế, nhưng khi nhìn lại, họ mới lý giải được đó là bản năng đặt tính mạng bệnh nhân lên trên hết.

Tay nghề “siêu hạng”

Chiều 12/1/2018, trước cửa phòng hồi sức phẫu thuật tim BV Nhân dân Gia Định TPHCM, ông Nguyễn Quốc Hưng, 63 tuổi, ngồi vững vàng trên xe lăn, không ai ngờ bốn ngày trước đó ông đã cận kề với cái chết.

Đến BV Nhân dân Gia Định ngày 6/1, bác sĩ xác nhận ông Hưng bị tắc mạch vành, cho điều trị nội khoa tích cực và lên lịch mổ. Tuy nhiên, sáng 8/1 ông lên cơn đau, dự báo tình hình xấu, bác sĩ cho tiến hành mổ ngay bắc cầu mạch vành.

Vào phòng mổ, bệnh nhân được gây mê đúng quy trình, thế rồi đột nhiên diễn tiến xấu dần, huyết áp tụt, tim ngưng đập. Đó không phải là tình huống hiếm gặp trong phẫu thuật. Nhưng ở đây, bất chấp việc xoa bóp tim ngoài lồng ngực liên tục, sử dụng đến 120 ống Adrenaline tiêm thẳng vào tim và sốc điện, trái tim vẫn trơ lỳ.

Phẫu thuật viên chính, TS.BS Bùi Minh Thành, trưởng khoa phẫu thuật tim, quyết định cưa ngay xương ức, mở ngực bệnh nhân để xoa bóp tim trực tiếp, nếu không bệnh nhân chết chắc 100%. Nhưng tình huống nan giải là vị trí xoa bóp tim ngoài lồng ngực lại nằm ngay chỗ mở ngực. Nếu mở ngực, xoa bóp tim dừng lại, tim bệnh nhân ngưng đập và tuần hoàn phải ngừng lại chốc lát.

BS Thành nhớ lại: “Tôi chỉ kịp chạy vội ra hỏi ý con trai bệnh nhân. Anh ta vừa đồng ý, tôi chạy ngay vào, sát trùng tay qua loa, mang nhanh găng tay, cắt xương ức bệnh nhân, mở màng ngoài tim và đưa một tay vào xoa bóp tim trực tiếp. Cùng lúc này, tay còn lại tôi thực hiện các mũi khâu trên tim để khởi động hệ tuần hoàn ngoài cơ thể đã được chuẩn bị cùng lúc. Toàn bộ diễn ra cực nhanh vì bệnh nhân mất não, đồng tử giãn lớn, cái chết đến rất gần”.

Cấp cứu thành công bệnh nhân trên bàn mổ, khi mọi chỉ số ổn định hoàn toàn, BS Thành mới tiến hành cắt bỏ ba nhánh động mạch vành bị hẹp, lấy mạch máu từ chân lên ghép vào và cho tim đập trở lại. Ca mổ kéo dài năm giờ, toàn bộ ê kíp mổ thở phào, nhưng phải hơn một ngày sau, khi bệnh nhân được rút nội khí quản, sinh hiệu bình thường họ mới chắc chắn thành công.

Một bác sĩ hồi sức, gần 20 năm trong nghề làm việc tại BV đại học Y dược TP.HCM, nhận định: “Ở bệnh viện tôi cũng gặp vài ca phải xoa bóp tim trực tiếp nhưng tôi chưa gặp trường hợp bác sĩ một lúc làm hai việc khác nhau, một tay bóp tim, một tay khâu. Tay nghề thật siêu hạng, tôi không hình dung nổi. Quá ngoạn mục khi bệnh nhân sống được mà không mất não”.

Bản năng cứu bệnh nhân

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, giám đốc BV Nhân dân Gia Định TPHCM, nói về TS.BS Bùi Minh Thành: “Chúng tôi gọi anh ấy là bàn tay vàng của phẫu thuật tim, xem là tài sản quý của bệnh viện. Khoa và anh ấy làm rất nhiều nhưng không bao giờ chịu xuất hiện trên báo chí. Lần này chúng tôi phải “áp đặt”, anh ấy mới chịu”.

Lặng lẽ làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, không mở phòng mạch tư, người bác sĩ sinh trưởng tại Huế như dành hết thời gian của mình cho bệnh nhân.

Chiều thứ sáu 12/1, hẹn gặp ông, mãi gần 17h30 ông mới về đến, vì bận qua đại học Y dược TPHCM chấm luận văn. Mệt nhoài sau một ngày vất vả, không ăn uống gì, ông lại lao vào xem hồ sơ. Tranh thủ lúc ông ngừng tay, tôi nói: “Đồng nghiệp nhận xét ông là một trong những bậc thầy về mổ tim, nhưng cũng có người nói ông rất khó tính và kỹ lưỡng”.

Ông đáp: “Tôi không quan tâm những gì người khác nói. Nhưng trong nghề nghiệp, theo tôi khó tính, kỹ lưỡng là rất cần thiết. Tôi tâm niệm trời sinh tôi ra để làm ngành y, một nghề cứu người. Bệnh nhân chấp nhận giao tính mạng của họ thì người thầy thuốc phải làm tất cả những gì có lợi nhất cho bệnh nhân”.

“Nhiều bác sĩ không tưởng tượng nổi những gì ông làm trong ca mổ, vì nó không có trong hướng dẫn hồi sức tim?”, tôi hỏi lại.

Dừng lại hồi lâu, BS Thành trả lời: “Giờ anh nói, tôi mới bình tĩnh nhớ lại hôm đó mình chỉ làm theo bản năng. Quyết định đi tiếp hay dừng lại là rất nan giải, vì bất chấp mọi nỗ lực bệnh nhân đã ngưng tim. Việc mở lồng ngực xoa bóp tim trực tiếp là làm theo bản năng. Dù bệnh nhân chỉ còn 1 phần triệu hy vọng sống, nhưng người thầy thuốc cũng không được bỏ cuộc, vì tôi không chấp nhận để bệnh nhân của mình chết”.

Hơn 18g, khoa vắng lặng, nhân viên lục tục ra về chuẩn bị những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng người trưởng khoa vẫn nán lại để giải quyết cho  xong những chuyện buổi chiều chưa làm được. Có người nói ông khó tính, nhưng nếu khó vì bệnh nhân thì có gì băn khoăn.

Gặp điều dưỡng trưởng khoa Trần Thị Tuyết Mai, cô nói: “Thầy của em thương bệnh nhân lắm, quên hết bản thân mình vì họ. Có ngày thầy quên ăn uống vì mổ ca khó và cấp cứu từ sáng đến tối. Làm ở bệnh viện chưa đủ, thầy còn đi các tỉnh xa, khám tầm soát trẻ nghèo mắc bệnh tim rồi mang về bệnh viện mổ. Mỗi năm khoa mổ hơn 200 ca, nhưng một nửa được miễn, giảm vì nhờ thầy vận động nhà tài trợ giúp đỡ”.

Theo Phan Sơn - Tiếp thị thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X