Hotline 24/7
08983-08983

Ca bệnh áp xe gan khiến bác sĩ nhớ lại mình từng suýt chết vì bệnh này

"Khi tôi đã trở thành bác sĩ, thì tôi biết rằng tôi đã mắc bệnh lỵ Amip sau đó chuyển lên áp xe gan nhưng tự khỏi. Tôi cũng biết là tôi có thể chết vì mũi tiêm thuốc xít tép của ông y tá hàm thụ bác sĩ".

Chuyện kể vào đêm trực 

Lúc 17g30 phút, bác sĩ trực cấp cứu liên hệ với tôi, có một bệnh nhân nam 57 tuổi, đau hạ sườn phải và sốt cao 40 độ ngày thứ 8, chẩn đoán áp xe gan. 

Kết quả chụp cắt lớp vi tính có ổ áp xe khoảng 6cm đã hóa mủ hoàn toàn, nhưng nằm ngay dưới vỏ vào gan nguy cơ vỡ vào ổ bụng hoặc vỡ lên khoang màng phổi rất nguy hiểm.

Bệnh nhân có chỉ định chọc hút áp xe cấp cứu.

Trước khi gây tê, tôi siêu âm để đo độ dày thành bụng. Điều này rất quan trọng vì có 2 vị trí thuốc tê phải đảm bảo nhiều nhất để bệnh nhân mất hoàn toàn cảm giác đau khi làm thủ thuật, đó là khu vực dưới da và phúc mạc thành bụng.

Xác định đường chọc, phải đi qua nhu mô gan dày trên 4cm trở lên. Tại sao phải làm thế? Tại vì khi nhu mô gan đủ dày trên 4cm, thì sẽ không có nguy cơ vỡ mủ vào khoang ổ bụng. Thực tế một số bác sĩ đã hiểu sai, là chọn đường vào gần nhất, như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Khi chọc phải sử dụng “Kĩ thuật tay tự do - Free Hands Technique”. Tức là tay trái cầm đầu dò siêu âm, tay phải cầm kim chọc, đảm bảo luôn kiểm soát được đầu kim để tránh mạch máu, đi đúng vào trung tâm ổ áp xe, không bị xuyên qua bao gan vào đại tràng hay lên khoang lồng ngực.

Một số bác sĩ tôi xem họ chọc, là một người siêu âm nói hướng đi, một bác sĩ khác chọc mò theo lời nói của bác sĩ siêu âm; chọc như thế không chính xác, phải chọc đi chọc lại, có thể gây nguy hiểm.

Kim chọc chúng tôi sử dụng kim Angiocath. Đây là kim nhỏ, nên không gây rò mủ vào ổ bụng, không gây tổn thương mạch máu dẫn đến nhiễm trùng huyết hay viêm hệ thống bạch huyết; là những biến chứng cực kì nguy hiểm đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Hạn chế của kim Angiocath là kim nhỏ nên dễ tắc khi hút. Có một biện pháp khắc phục, là dùng dao mổ khoét một lỗ bên cách đầu kim khoảng 10mm, để khi tắc lỗ này thì còn lỗ kia. Thực tế chúng tôi chưa bao giờ bị tắc kim. 

Còn một hạn chế khác của kim Angiocath, là khi lưu kim dẫn lưu thì sẽ bị tắc nên không có tác dụng. Bản thân tôi lưu kim hang trăm bệnh nhân đều không hiệu quả, nên sau đó tôi quyết định rút kim ngay. Câu hỏi đặt ra là, khi rút kim có bị rò mủ không?

Thực tế hàng ngàn ca, chúng tôi chưa thấy trường hợp nào bị dò. Còn việc ổ áp xe tái lập lại, thì kinh nghiệm tôi thấy rằng nếu đường kính dưới 5cm thường chỉ chọc 1 lần là xong. Trường hợp áp xe lớn, thì có thể phải chọc vài lần, nhưng không sao vì làm đúng kĩ thuật bệnh nhân không hề có cảm giác đau gì cả.

Một số người bơm rửa áp xe, hoặc luồn dây dẫn qua kim để phá vách ổ áp xe. Tôi không làm như vậy, vì có thể gây chảy máu, phá vỡ hàng rào viêm là nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết hay viêm bạch huyết cực kì nguy hiểm. Thực tế động tác phá vách cũng chả hút thêm được ít mủ nào, nên không có giá trị và lợi bất cập hại.

Một lưu ý mà tôi muốn nói thêm, là chỉ định chọc hút với ổ áp xe trên 4cm trở lên. Tuy nhiên, ở những vị trí nguy hiểm như gan trái nguy cơ vỡ lên tim, sát bao gan nguy cơ vỡ lên lồng ngực hoặc vào ổ bụng, bệnh nhân sốt không cắt được, thì dù kích thước có nhỏ 2cm vẫn chỉ định chọc. 

Khi chọc gan trái, chú ý có đám rối dương nên rễ gây ngừng tim. Bởi vậy mà phải thiết lập được truyền ven thật tốt, chủa bị sẵn sàng cấp cứu ngừng tim.

Với kinh nghiệm chọc áp xe gan từ năm 2003 đến nay, chúng tôi đã chọc hàng ngàn ca bệnh, thủ thuật luôn an toàn, chúng tôi chưa gặp bất kì một biến chứng nào. 

Đọc các công trình nghiên cứu của thế giới, chúng tôi vẫn thấy các biến chứng là phổ biến, như tràn mủ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, tràn mủ lên khoang màng tim màng phổi, tràn khí màng phổi, thủng đại tràng, chảy máu, nhiễm trùng huyết, viêm hệ thống bạch huyết.

Ca bệnh của tôi hôm nay, bệnh nhân phản ánh không hề có cảm giác đau tí nào, trừ lúc tôi gây tê thì nhói cái như con kiến đốt. Tôi hút được 60ml mủ Chocolate, trước khi chọc bệnh nhân sốt cao 40 độ nhưng sau đó hai tiếng nhiệt độ còn có 37,7 độ. 

Tôi tin chắc trong đêm bệnh nhân ngủ ngon và hết sốt.

Screen Shot 2018-04-08 at 19.50.45

Và câu chuyện của tôi 

Câu chuyện của bệnh nhân đêm nay khiến tôi nhớ lại câu chuyện của chính mình khi bị măc căn bệnh này. Năm 1981, khi tôi đang là cậu bé 8 tuổi, học lớp 3 trường làng. Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng hôm đó, tôi bị đau quặn vùng bụng dưới, mót rặn liên tục nhưng đi ngoài chỉ ra nhầy máu mũi. Suốt những ngày sau đó, tôi vẫn bị như vậy, kèm theo bụng chướng căng lên như cái trống, buồn nôn và nôn.

Dân nghèo quê tôi ai cũng biết đó là bệnh kiết lị. Bố đi hái lá mơ thối. Mẹ mua bên hàng xóm quả trứng gà, rồi băm nhỏ lá mơ cho vào hấp để tôi ăn. Đó là món ăn ngon nhất với đứa trẻ đói bụng lâu ngày, nhưng tôi lại không cảm thấy ngon.

Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, tôi ăn trứng gà hấp lá mơ thối để chữa bệnh kiết lị, nhưng vẫn không khỏi. Sau đó 1 tháng, thì da mắt tôi vàng như nghệ, bụng đau tức nặng vùng hạ sườn phải, cơ thể nhanh chóng gầy còm và suy kiệt.

Suốt 4 tháng trời chống chọi với bệnh tật, tôi chỉ còn da bọc xương. Nằm trong căn buồng tối chờ chết, nhưng tôi lại bắt đầu nuôi hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ được bác sĩ chữa khỏi bệnh.

Ngày tháng cứ trôi qua, cuối cùng tôi cũng nghe thấy tiếng ông y tá hàm thụ bác sĩ, ông hứa nếu bố tôi chịu làm mướn không công đủ 3 tháng, ông sẽ tiêm cho thuốc xít tép vào mông.

Bố bỏ hết công việc nhà, ngày đêm đi làm cho ông y tá hàm thụ bác sĩ. Mỗi đêm mẹ ôm tôi trong căn buồng tối, vỗ về tôi với kế hoạch sẽ có những mũi thuốc xít tép tiêm vào mông. Còn tôi, đã một lần chứng kiến lời hứa của ông không thành hiện thực, nên tôi chỉ biết cầu nguyện điều kì diệu sẽ xảy ra với tôi.

Buổi chiều cuối thu năm ấy, khi mẹ thấy hơi thở của tôi đã yếu dần, mẹ gọi bố vào buồng để nói với tôi những lời cuối cùng. Bố ôm tôi vào lòng và khóc, những giọt nước mắt của người đàn ông bất lực nhỏ ướt đẫm khuôn mặt tôi. Mẹ cũng ôm tôi khóc, mẹ xin lỗi vì không thể làm gì khác được.

Sự nghèo khó của gia đình đã chặn mọi con đường không cho tôi tiếp tục được sống.

Nhưng tôi không muốn chết. Trong căn buồng tối nhìn qua khe cửa hẹp, tôi thấy cây cối trong vườn có những chiếc lá héo úa sắp rơi, thì tự đáy lòng cũng cảm thấy cuộc đời mình sắp kết thúc, đó là điều không bao giờ tôi có thể buông xuôi chấp nhận. 

Trước khi từ giã cõi đời, tôi khao khát được nhìn thấy ánh mặt trời, nhìn thấy chúng bạn trong xóm vui cười, nhưng đôi chân của tôi không còn đủ sức đứng lên để bước ra ngoài như những đứa trẻ khác.

Bố lặng lẽ ôm tôi ra ngoài sân. Mẹ gọi thêm mấy đứa trẻ bên hàng xóm, những người mà chắc chắn hôm nay đã lên chức ông bà, họ đang cùng con cháu hàng ngày đọc từng bài viết trên Fanpage này của tôi.

Nhìn những đứa bạn cùng trang lứa đùa vui trong niềm đau đớn tận cùng, tôi thèm khát được sống mà thốt lên một câu vô thức: “Bố ơi! Con muốn dậy và đi”.

Ngay buổi tối hôm đó, tôi xác định mình phải chiến đấu với bệnh tật. Và tôi không nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ cố ăn cái gì đó, ngủ một giấc thật ngon chờ trời sáng, để lại được hít thở không khí trong lành, được cố gắng sống tiếp và sống tiếp.

Buổi sáng hôm sau đã thay đổi hẳn mọi thứ. Bố nghỉ việc ở nhà ông y tá hàm thụ bác sĩ. Với tình yêu thương vô bờ của người cha dành cho con trai, bố ra ngoài đồng mót hái bất cứ thứ gì còn sót lại, mang về nấu cho tôi ăn. 

Buổi trưa bố vay được một ít khoai mang về luộc. Mẹ bóc từng miếng cho tôi ăn. Trong tận cùng của đói nghèo và bệnh tật, chưa bao giờ tôi cảm nhận được những phút giây hạnh phúc trong cuộc đời mình lại đặc biệt đến vậy, nó như ánh mặt trời tỏa sáng giúp tôi vượt tất cả.

Hai tháng sau đó tôi khỏi bệnh. 

Ông y tá gặp tôi ngoài đường đã chặn lại hỏi: Tại sao cậu vẫn còn sống? 

Lúc đó tôi không đủ hiểu biết để trả lời câu hỏi của ông y tá hàm thụ bác sĩ. Và hôm nay, khi tôi đã trở thành bác sĩ, thì tôi biết rằng tôi đã mắc bệnh lỵ Amip sau đó chuyển lên áp xe gan nhưng tự khỏi. Tôi cũng biết là tôi có thể chết vì mũi tiêm thuốc xít tép của ông y tá hàm thụ bác sĩ.

12

Thủ phạm gây bệnh và hướng đi cho điều trị như thế nào?

Vào thời điểm khủng khiếp nhất trong lịch sử, hàng triệu năm sau khi lớp vỏ trái đất đã đông đặc lại, các nguyên tử Hydro, Oxy, Carbon và Nito kết hợp với nhau để tạo nên bầu khí quyển bao quanh trái đất, sau đó là sự sống kì diệu. 

Một trong những hình thức đơn giản nhất của sự sống, đó là loài sinh vật đầu tiên có cấu trúc đơn bào, được gọi với cái tên Amip.

Từ một chủng Amip ban đầu, đã nhanh chóng phát triển thành nhiều loài khác nhau. Một trong số đó là con Amip có tên Entamoeba Histolytica, chúng sinh sống ở những vùng biển nhiệt đới, kiên nhẫn chờ đợi con người hàng triệu năm.

Sau quá trình tiến hóa từ loài vượn, con người bắt đầu sử dụng đôi chân của mình đi lang thang trên mặt đất. Họ vục nước lên uống và mắc phải căn bệnh kì lạ, nhưng không biết nguyên nhân. Những cái chết tức tưởi suốt thời gian dài được gắn với cái tên “bệnh của những kẻ ăn mày”.

Khoảng 2500 năm trước, ông tổ nghề y Hipppcrates, người cùng thời với nhà sử học vĩ đại nhất của nhân loại Herodotos và triết gia Socrates, ông là người đầu tiên không tin vào các thuật bói toán và mê tín dị đoan, đã xem xét nghiêm túc căn bệnh của những kẻ ăn mày... Cuối cùng, Hippocrates khẳng định căn bệnh đó chính là áp xe gan.

Hippocrates đã nhận thức được rõ ràng rằng, áp xe gan trong tương lai chủ yếu là tự khỏi, bác sĩ có nhiệm vụ hỗ trợ để bệnh khỏi nhanh hơn. 

Ông cũng tuyên bố áp xe gan là căn bệnh tuyệt vọng cần phải có các biện pháp khắc nghiệt mới chữa khỏi. Đó chính là lí do để suốt thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, y học đã phải trải qua những thời kì áp dụng các biện pháp liều lĩnh, nỗ lực không mệt mỏi mới có thể chinh phục được căn bệnh này.

Trong suốt thế kỷ XIX, điều trị áp xe gan chủ yếu là phẫu thuật dãn lưu ổ áp xe, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi nhưng tử vong cũng không phải là ít. Nhưng theo như Hippocrates, nếu con người tìm kiếm một cách nghiêm túc có thể khám phá ra tính chất của bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả. 

Điều này đã được chứng minh tính đúng đắn, khi nửa cuối thế kỉ XX, nhờ có sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như máy siêu âm, máy chụp cắt lớp vi tính, đã cho phép nhìn thấy những hình ảnh cụ thể hơn của áp xe gan Amíp.

Các bác sĩ đã kiên nhẫn và cống hiến, câu chuyện điều trị áp xe gan dù mới bắt đầu trong thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng mang lại nhiều thành tựu.

Theo Diệp Ngân - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X