Hotline 24/7
08983-08983

Bướu giáp đa nhân TI - RADS IV có thể đốt sóng cao tần được không BS?

Câu hỏi

Chào BS, Em có 1 bướu giáp hai thùy, đã đi khám tại BV Tân Hưng và ĐH Y dược, BS nói em theo dõi. Vậy với kết quả trên em có thể điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần được không? Mong nhận được sự tư vấn của BS.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Kết quả xét nghiệm bướu giáp. Ảnh do bạn đọc cung cấp
Kết quả xét nghiệm bướu giáp. Ảnh do bạn đọc cung cấp

Chào bạn,

Cắt đốt bằng sóng điện cao tần được chỉ định cho một số các trường hợp sau:

- Nhân giáp lành tính kích thước ≥ 1,5 cm.

- Nhân giáp có triệu chứng (đau vùng cổ, cảm giác khó chịu, nuốt vướng, khó nói, ho, ảnh hưởng thẩm mỹ).

- Nhân độc tuyến giáp.

- Ung thư giáp tái phát tại vị trí đã cắt trọn tuyến giáp cũng như các hạch.

Cắt đốt bằng sóng điện cao tần không được khuyến cáo thực hiện cho các ung thư giáp nguyên phát hoặc ung thư dạng túi tuyến vì không có bằng chứng cắt đốt bằng sóng điện cao tần có ích lợi hơn trong điều trị ung thư giáp. Thông thường BS sẽ chỉ định cắt đốt bằng sóng điện cao tần khi đã có 2 kết quả tế bào học (FNA) đều lành tính.

Các kết quả siêu âm và tế bào học của bạn hiện vẫn chưa thể chắc chắn đây là nhân lành tính, do đó bạn không nên thực hiện đốt bướu bằng sóng cao tần.

Theo phân loại tế bào học tuyến giáp BETHESDA nhóm IV là tân tạo dạng nang hoặc nghi ngờ tân tạo dạng nang, nghĩa là hiện tại chưa tìm thấy tổn thương dạng ác tính, nhưng khoảng 15-30% các trường hợp này sẽ tiến triển đến ung thư.

Khuyến cáo điều trị đối với trường hợp không có các đặc điểm nguy cơ ác tính cao trên siêu âm là theo dõi và lặp lại FNA hoặc có thể phẫu thuật để sinh thiết. Nếu siêu âm có đặc điểm nghi ngờ ác tính cao kèm tăng dần kích thước nhân giáp, thì chỉ định phẫu thuật là bắt buộc. Do đó bạn nên tuân thủ hướng dẫn theo dõi và tái khám định kỳ bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Nhân tuyến giáp là tổn thương dạng khối khu trú nằm ở tuyến giáp, làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tuyến giáp.

Đây là bệnh lý thường gặp, qua khám lâm sàng phát hiện bệnh ở khoảng 4 - 7% dân số, tỷ lệ mắc phải ở nữ cao gấp 5 lần so với nam giới. Tỷ lệ phát hiện bệnh qua siêu âm cao hơn rất nhiều, từ 19 - 67%. Độ tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là từ 36 - 55 tuổi.

Hầu hết các trường hợp là nhân tuyến giáp lành tính, một tỷ lệ nhỏ phát hiện nhân có chứa tế bào ung thư. Do đó khi có biểu hiện của bệnh, cần đi khám chuyên khoa để các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác, phát hiện sớm bướu nhân hay là ung thư để điều trị kịp thời.

Nhân tuyến giáp có 2 loại: đơn nhân và đa nhân. Thông thường bệnh nhân chỉ sờ thấy các nhân lớn, nằm ở gần bề mặt, còn các nhân nhỏ có đường kính dưới 1cm rất khó để phát hiện khi khám bằng tay, phải chẩn đoán bằng siêu âm. Đa số bướu nhân tuyến giáp lành tính tiến triển rất chậm.

Nhân tuyến giáp lành tính cần được theo dõi thường xuyên bằng siêu âm mỗi 6-12 tháng và thăm khám lâm sàng hàng năm, có thể tiến hành xét nghiệm FT4, TSH và chọc hút tế bào tuyến giáp nếu cần. Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi tình trạng tái phát bướu nhân và đánh giá tình trạng suy giáp để có biện pháp điều trị kịp thời.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X