Hotline 24/7
08983-08983

Buồng trứng bị bệnh

Buồng trứng bị bệnh có thể gây khó khăn cho quá trình mang thai, thậm chí dẫn đến vô sinh, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cần biết bệnh của buồng trứng để phòng từ xa.

U buồng trứng (UBT)

Buồng trứng có khối u thường được phát hiện khi siêu âm. Một chị có UBT 10cm kể: "Tôi bị hành đau bụng, đau lưng rất khó chịu. Tôi lầm tưởng mình ăn uống không an toàn hoặc làm việc quá sức. Nghỉ ngơi, ăn uống kỹ lưỡng vẫn bị đau, tôi đi khám tổng quát thì phát hiện có UBT, bác sĩ đề nghị phẫu thuật nội soi".

Nếu đang mang thai lại bị UBT, thai phụ sẽ phải đối mặt các biến chứng: khối u quá to "lấn đất" các vùng lân cận như tử cung cản trở sự phát triển của thai nhi, đè lên bàng quang (bọng đái) gây tiểu khó… Hoặc UBT to ở vị trí cản trở đường đi của thai nhi khi sinh gọi là u tiền đạo. Trong trường hợp này, thai nhi không thể sinh ngả âm đạo mà phải mổ lấy thai. Ngoài ra, UBT còn có thể bị xoắn, ác tính…

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM, trưởng phòng khám phụ sản Hoàng Gia: "U nang buồng trứng hay UBT là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Không phải UBT nào cũng cần can thiệp điều trị. UBT có thể là u chức năng hoặc u thực thể (UTT). U chức năng chỉ cần theo dõi qua ba tháng thì u sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Một số "thực phẩm chức năng" được quảng cáo có tác dụng điều trị UBT là không đúng vì bản thân những UBT chức năng có thểtự khỏi.

UTT mới cần can thiệp điều trị. Việc chẩn đoán UTT buồng trứng có thể dựa vào siêu âm hoặc qua quá trình theo dõi u nang chức năng buồng trứng, sau ba tháng mà u nang không tự biến mất được xem là UTT. Khi xác định là UTT, cần được phân biệt đó là u lành tính hay u ác tính.

Đa phần UBT là lành tính nhưng việc xác định u lành tính hay ác tính nhiều khi không đơn giản, nhất là trong giai đoạn sớm của bệnh. Bác sĩ chuyên khoa cần phối hợp khám lâm sàng, hình ảnh siêu âm và cả các dấu chứng xét nghiệm máu để tiên lượng lành, ác của khối u.

Phần lớn các trường hợp khi xác định UTT cần được phẫu thuật để điều trị và có chẩn đoán xác định về mặt giải phẫu bệnh của khối u, trừ một số trường hợp đặc biệt cần cân nhắc kỹ thời điểm phẫu thuật như u dạng lạc nội mạc tử cung, u bì buồng trứng…".

Ung thư buồng trứng (UTBT)

Là loại ung thư (UT) dữ đe dọa sinh mạng của chị em. Bởi, từ khi nhỏ như trái tắc đến lúc lớn bằng quả cam, khối UT này không "làm phiền" các cơ quan bên cạnh. Vì vậy khi được phát hiện chúng thường rất to, điều trị kém hiệu quả.

Có bốn giai đoạn bệnh. Giai đoạn một: u UT ở một bên buồng trứng. Giai đoạn hai: UT "lấn sân" các vị trí khác như tử cung, vòi trứng… Giai đoạn ba: UT lan tràn ra khỏi vùng chậu, đến các hạt lympho trong bụng. Giai đoạn bốn: UT di căn đến các cơ quan xa khác như phổi chẳng hạn.

Triệu chứng của UTBT rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn các bệnh khác, bao gồm: đau bụng, đau vùng chậu, đau lưng, đau khi yêu… bên cạnh đó còn có táo bón, kinh nguyệt thay đổi, giảm cân trong thời gian ngắn, đi tiểu nhiều lần. Vì vậy, không ít người nghi mình bị đau dạ dày, bị bệnh đường tiêu hóa… khiến cho UTBT trở thành bệnh nguy hiểm vì phát hiện trễ.

UTBT hầu như xuất hiện ở mọi độ tuổi của phụ nữ, từ lứa tuổi trước dậy thì đến tuổi sinh sản và sau mãn kinh. Tuy nhiên, tuổi càng lớn nguy cơ càng cao, bệnh thường gặp sau khi mãn kinh. Phòng bệnh là điều nên làm, nhất là khi chưa từng mang thai, khi trong gia đình có người UT tử cung, vú, ruột già…

Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa nào hữu hiệu ngoại trừ khám phụ khoa, siêu âm vùng bụng. Với bác sĩ có kinh nghiệm, chỉ cần siêu âm đã "thấy" khối u và đề nghị hướng xác định bệnh, điều trị tiếp theo.

Đa nang buồng trứng (ĐNBT)

Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết toàn thân, trong đó có buồng trứng. Người bị ĐNBT dễ rơi vào tình trạng vô sinh do nang noãn không phát triển vì chịu ảnh hưởng của nội tiết, không phải do vỏ trứng dày như quan niệm trước đây. Noãn không phát triển chẳng khác bị "cầm chân" tại chỗ, không có cơ hội tiếp cận tinh trùng để phát triển thành phôi.

Có thể kiểm nghiệm xem mình có bị ĐNBT hay không thông qua chu kỳ đèn đỏ. Nếu đèn đỏ dưới 25 hoặc trên 35 ngày song song với hiện tượng hệ mao phát triển thái quá (do nột tiết tố nam tăng nên mọc ria mép, lông mày rậm, lông chân nhiều) thì nên đi khám phụ khoa, siêu âm tìm xem có hình ảnh buồng trứng đa nang, có hiện tượng phóng noãn hay không.

Do buồng trứng không phóng noãn tự nhiên, muốn có con cần dùng thuốc uống hoặc tiêm để gây phóng noãn. Nếu có thể phóng noãn, và không có nguyên nhân hiếm muộn khác đi kèm, các chị em này có thể có con tự nhiên. Sau khi có con, người phụ nữ vẫn tiếp tục bị hội chứng ĐNBT. Nếu chưa muốn có con, phải ngừa thai nhưng không dùng thuốc vì thuốc sẽ ức chế quá trình phóng noãn.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, Trung tâm nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản, khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM: hội chứng ĐNBT thường gặp nhất ở phụ nữ trong tuổi sinh sản (khoảng 10%). Đây không phải là bệnh và chưa biết rõ nguyên nhân, y học chưa có biện pháp điều trị, tuy nhiên hội chứng này không nguy hiểm nhiều cho sức khỏe. Có thể tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường hay bệnh tim mạch khi lớn tuổi.

Viêm phần phụ (VPP)

Bao gồm viêm nhiễm vòi trứng, buồng trứng và vùng lân cận. Khi nói đến viêm, ta thường nghĩ đến một vùng nào đó trong cơ thể bị vi trùng tấn công. Nhưng hiện tượng VPP có thể do nhiều tác nhân, trong đó có vi trùng. Có nhiều nguyên nhân khiến vi trùng tấn công "thâm cung" nơi chứa nang noãn như viêm ống dẫn trứng (viêm mãn tính dễ gây tắc vòi trứng - một trong những nguyên nhân gây thai ngoài tử cung và vô sinh).

Chính việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt trong thời gian đèn đỏ, sinh hoạt tình dục không an toàn trong giai đoạn đèn đỏ cũng giúp vi khuẩn xâm nhập buồng trứng. Vi trùng còn lợi dụng lúc đề kháng yếu do phải đương cự với bệnh, phá thai, sau khi sinh… để theo đường âm đạo đi vào tử cung, gây ra bệnh viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng.

Môi trường thay đổi sẽ gây khó không cho tinh trùng tiếp cận trứng, thậm chí không sống nổi. Buồng trứng bị viêm sẽ ở trong tình trạng đấu tranh với "quân xâm lược", vì thế quá trình phát triển của trứng cũng bị ảnh hưởng, không thể chín nên khó "sánh đôi" với tinh trùng. Như vậy, từ một viêm nhiễm ban đầu có thể dẫn đến tình trạng vô sinh hoặc ung thư.

Đã có nhiều trường hợp viêm buồng trứng nhưng nhờ phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ đã mang thai, sinh con mà không cần đến sự hỗ trợ sinh sản nhân tạo như thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, để bảo vệ khả năng sinh sản, để có được những thiên thần khỏe mạnh, người phụ nữ cần giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân, quan hệ tình dục an toàn, sử dụng biện pháp ngừa thai khi chưa muốn sinh con.

Suy buồng trứng (SBT)

Người bị SBT sớm sẽ có các triệu chứng như người tiền mãn kinh, mãn kinh dù đang ở độ tuổi trên dưới 40. Họ cũng bị tình trạng đèn đỏ khi sáng khi tắt, có các triệu chứng khó ở trong người như: bốc hỏa, cáu kỉnh, dễ nổi quạu, không hứng thú quan hệ yêu đương. SBT sớm là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở chị em phụ nữ.

Có nhiều nguyên nhân làm buồng trứng (BT) suy yếu như: di truyền, suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm virus, căng thẳng, hút thuốc, uống rượu… Song, có một nguyên nhân cần quan tâm là giảm cân quá mức để có vóc dáng người mẫu. Khi cân nặng giảm, lượng mỡ trong cơ thể giảm, ảnh hưởng đến quá trình tạo nội tiết tố khiến mất kinh, trứng không phát triển, không rụng.

Do đó, cần duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao để tránh bị bệnh vì đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Ngay cả việc nạo phá thai, ngoài việc làm "sần sùi" lớp niêm mạc khiến trứng khó làm tổ, còn khiến BT bị rối loạn vì trứng sẽ ngưng chín, dồn sức nuôi thai.

Khi không còn thai nữa, BT buộc phải hoạt động nên sinh ra trứng kém chất lượng hoặc không có trứng. Hiện nay không có cách nào phục hồi BT khi đã suy. Cách duy nhất là bổ sung oestrogen và nhiều hoóc môn khác mà BT không tạo ra được.

Nhờ dùng nội tiết tố mà giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và duy trì khối lượng xương. Cách thường thấy là dùng nội tiết tố đến khi vào tuổi mãn kinh tự nhiên. Dùng nội tiết tố cần có chỉ định của bác sĩ và thăm khám cẩn thận để tránh tác dụng phụ của thuốc.

Người bị SBT sớm có thể may mắn có con nhưng con số này không nhiều, phần lớn phải xin trứng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X