Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo: Hiểu đúng về hóa trị ung thư và tác dụng phụ

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo - Phó khoa Hóa trị, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra những thông tin cần biết về hóa trị trong điều trị ung thư, giúp bạn đọc AloBacsi có cái nhìn đúng phương pháp này.

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo hiện là Phó trưởng khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ có hơn 17 năm khám và điều trị chuyên ngành ung thư: Tư vấn tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư; Khám, tư vấn phương pháp điều trị ung thư; Theo dõi tái khám các bệnh ung thư đã và đang điều trị; Chăm sóc giảm đau…

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1/ Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư, xin hỏi bác sĩ hóa trị đóng vai trò như thế nào trong quá trình điều trị cho một bệnh nhân? Có ung thư nào mà một mình hóa trị có thể tiêu diệt khối u hay không ạ?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư, hóa trị chỉ là một trong số các phương pháp đó. hóa trị nghĩa là dùng thuốc để điều trị 1 bệnh nào đó nhưng chúng ta vẫn thầm quan niệm hóa trị dành cho ung thư.

Phẫu thuật, xạ trị điều trị khối u tại chỗ tại vùng nên chỉ ảnh hưởng đến 1 bộ phận của cơ thể. Trong khi đó hóa trị mang tính chất toàn thân do thuốc theo đường máu đi khắp cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư lan tràn (di căn) xa khỏi khối u nguyên phát. Vì vậy hóa trị có thể giúp chữa khỏi hẳn ung thư, làm chậm diễn tiến bệnh hoặc ít nhất cũng làm thuyên giảm triệu chứng do bệnh gây ra

Có nhiều loại thuốc điều trị ung thư và cơ chế hoạt động của thuốc cũng khác nhau. Bác sĩ ung thư sẽ quyết định chọn lựa thuốc nào tuỳ theo loại ung thư, giai đoạn lan tràn của bệnh phù hợp với sức khoẻ thể trạng của người bệnh.

Có 1 số ít loại ung thư chỉ cần hóa trị đơn độc, thường trong ung thư hệ huyết học như bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết. Đa số ung thư còn lại cho đến ngày nay vẫn cần sự phối hợp của nhiều phương pháp điều trị (chuyên môn gọi là: kết hợp đa mô thức).

2/ Nhắc đến hóa trị, rất nhiều bệnh nhân e ngại tác dụng phụ của phương pháp điều trị này. Nhờ bác sĩ mô tả rõ những tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi điều trị hóa trị?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Hoá trị là dùng thuốc tiêu diệt các tế bào ung thư đang sinh sôi nhanh. Do thuốc đi khắp cơ thể nên các tế bào lành đang phát triển cũng bị ít nhiều ảnh hưởng, gây ra các tác dụng phụ.

Những tế bào lành thường bị hóa trị tác động đến như:

+ Nang lông tóc

+ Tế bào tạo máu

+ Niêm mạc miệng, đường tiêu hóa và sinh sản

Loại tác dụng phụ nào, mức độ nghiêm trọng ra sao tuỳ loại thuốc hóa chất và tuỳ cơ địa thể trạng của mỗi người. Có loại tác dụng phụ chỉ xảy ra thoáng qua nhưng cũng có loại gây ảnh hưởng lâu dài.

Một số tác dụng phụ thường gặp: mệt mỏi; rụng tóc; dễ bầm, dễ chảy máu; nhiễm trùng; thiếu máu; nôn, cảm giác buồn nôn; chán ăn; lở miệng táo bón; tiêu chảy; tê tay, chân; cảm giác châm chích; khô sạm da, sạm móng; suy thận; vô sinh.

3/ Có cách nào để giảm những tác dụng phụ mà bác sĩ vừa nêu không ạ?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Mỗi người có mức độ phản ứng với tác dụng phụ khác nhau và cũng tuỳ loại thuốc được điều trị. Các loại thuốc thế hệ mới ra đời có thể làm giảm một phần các tác dụng phụ.

Một số mẹo, phương pháp làm giảm tác dụng phụ có thể áp dụng:

- Nôn ói: Thường bác sĩ đã kê thuốc chống nôn trong lúc hóa trị và sau khi hóa trị.

Bệnh nhân có thể thay đổi cách ăn uống, chẳng hạn chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ngày 3 bữa. Uống các loại sinh tố hoa quả trước hoặc sau ăn hơn là uống kèm lúc ăn, có thể uống các loại thức uống có ga, uống trà gừng.

Tránh ngửi mùi thức ăn, mùi thức ăn bốc lên khi còn nóng có thể khiến cảm giác buồn nôn tăng. Thay vào đó chúng ta có thể chờ thức ăn nguội hẵng ăn. Đôi khi 1 số món ăn chúng ta đang rất thích bỗng trở nên không thích, không nên ép mà có thể thử ăn món khác.

- Tiêu chảy: uống nhiều nước để bù lượng nước mất; ăn đủ chất

- Chán ăn: áp dụng mẹo của chống buồn nôn. 1 số thuốc giúp thèm ăn như Megestrol acetate.

- Khô sạm da: dùng kem chống nắng SPF 30, kem dưỡng da tay chân bôi mỗi ngày mặc dù người Việt Nam chưa có thói quen bôi dưỡng da. Điều này giúp giảm thiểu sự khô ráp, sậm màu.

- Mệt mỏi: nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ như đi bộ, bàn bạc với người phụ trách phân công việc trong cơ quan để có thể làm các công việc nhẹ nhàng phù hợp hơn.

Một số tác dụng phụ khác ít gặp hơn, nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị: lở miệng, mất ngủ,...

Lưu ý: những tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm chết người mà bệnh nhân cần lưu ý để có thể quay lại bệnh viện ngay hoặc báo với bác sĩ điều trị khi bị như sau trong thời gian hóa trị:

- Sốt cao (>38,5 độ C, đo bằng nhiệt kế. Mỗi bệnh nhân hóa trị nên có sẵn 1 nhiệt kế), sốt lạnh run

- Chảy máu, bầm da không rõ nguyên nhân

- Nổi ban, ngứa ngáy cảm giác dị ứng

- Tiêu chảy hoặc nôn ói kéo dài nhiều ngày không cầm được

- Đi cầu, đi tiểu máu

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo thường xuyên tham gia các nghiên cứu quốc tế về liệu pháp nhắm đích, miễn dịch trong ung thư vú, phổi, tiêu hóa, tiết niệu… Đồng thời, bác sĩ Thy Hảo là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chuyên về hóa trị ung thư vú, bướu mô đệm đường tiêu hóa (GIST),v.v..

4/ Vậy sau khi kết thúc điều trị hóa trị, bao lâu thì các tác dụng phụ này sẽ mất hẳn, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Tuỳ loại thuốc hóa trị, liều lượng thuốc, đường dùng cũng như tổng trạng bệnh nhân,...

1 số tdp xảy ra lúc bệnh nhân đang đt và sẽ hết ngay sau đó. Chẳng hạn tóc sẽ mọc lại sau khi ngưng hóa trị; tiêu chảy sẽ hết khi niêm mạc đường tiêu hóa tái tạo lại.

Dị cảm tê thần kinh đầu tay có thể kéo dài hàng năm.

Một số tác dụng phụ xảy ra muộn, như suy tim nếu dùng quá liều thuốc.

Vô sinh do 1 số thuốc ảnh hưởng cơ quan sinh sản.

5/ Hơi thở, mồ hôi, nước tiểu, phân… của bệnh nhân ung thư đang hóa trị có chứa thành phần hóa chất của thuốc hóa trị không, thưa bác sĩ? Bệnh nhân hóa trị tiếp xúc với trẻ em, thai phụ… có gây ảnh hưởng gì không?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Hóa chất là chất độc tế bào cho nên chúng ta thấy thuốc hóa chất cần được pha trộn trong buồng pha chế được trang bị cách ly để tránh cho nhân viên y tế tiếp xúc dài lâu với hóa chất. Đáng tiếc là nhiều trung tâm ung thư ở nước ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Sau mỗi đợt hóa trị, hóa chất tồn tại trong cơ thể bệnh nhân đến cả tuần, tuỳ loại thuốc, sau đó thuốc sẽ thải qua nước tiểu, phân, dịch nôn ói, nước bọt, mồ hôi, sữa mẹ,...

Để người thân, ngượì xung quanh chúng ta không bị tiếp xúc hóa chất có những cách để hạn chế rơi vãi dịch tiết trong 1 tuần sau hóa trị: nôn ói trong chậu riêng; tránh rơi vãi dịch tiết, nước tiểu; giặt đồ riêng; không cho con bú sữa mẹ, mang bao cao su khi quan hệ,...

6/ Trong thời gian hóa trị, nếu bệnh nhân đang có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… thì có tiếp tục dùng thuốc trị bệnh này không?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Trong thời gian hóa trị bệnh nhân vẫn cần được tiếp tục điều trị bệnh nền, thậm chí còn cần được tầm soát các bệnh nền trước hóa trị để đảm bảo kiểm soát được bệnh, không làm bệnh nền trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến quá trình hóa trị.

Bệnh nhân cần kể rõ với bác sĩ các bệnh đang mắc, thuốc đang điều trị. Tầm soát bệnh gan siêu vi B, bệnh suy tim, tiểu đường, cao huyết áp,... là bắt buộc trước khi hóa trị.

7/ Và nếu đang điều trị hóa trị, bệnh nhân ung thư đột xuất bị sốt, cảm, ho… thì sau khi có toa thuốc điều trị cảm ho, có cần phải đưa cho bác sĩ điều trị ung thư xem lại hay không ạ?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Sốt là 1 trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất là những bệnh nhân đang hóa trị vì các tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn. Vì vậy khi có các triệu chứng của cảm cúm như sốt, chảy mũi, đau họng, ho... đừng xem thường mà hãy báo với bác sĩ điều trị ngay hoặc nhập viện để có sự theo dõi thích hợp.

8/ Bệnh nhân đang hóa trị có được chích ngừa không ạ? Chẳng hạn như bị chó cắn hay giẫm đinh?

BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Đa số không nên tiêm ngừa trong quá trình hóa trị, do cơ thể hóa trị không đủ hình thành miễn dịch bảo vệ cơ thể, một số vắc xin là vi khuẩn sống còn có thể làm hại bệnh nhân. Có thể tiêm ngừa cúm trước hóa trị

9/ Xin bác sĩ hướng dẫn thời gian tạm nghỉ giữa 2 lần hóa trị, bệnh nhân nên và không nên làm gì? Trong thời gian này, việc dùng các sản phẩm được quảng cáo là thanh lọc cơ thể có làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị không ạ?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo:

Tuỳ sức chịu đựng của mỗi người mà có những kế hoạch khác nhau giữa các lần hóa trị.

Khoảng cách giữa các lần hóa trị (thông thường thay đổi từ 1-3 tuần) là khoảng thời gian cho phép các tế bào lành cùng bị tiêu diệt bởi hóa chất có thời gian hồi phục. Trong giai đoạn này cần lưu ý những vấn đề như dễ bị nhiễm trùng, mệt mỏi, tiêu chảy,...

Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống sữa bổ sung năng lượng. Nếu chán ăn, có thể chia nhỏ nhiều bữa ăn.

Bệnh nhân cần thời gian nghỉ ngơi, hồi phục. Nếu đang đi làm, bệnh nhân nên báo cáo cấp trên về thời gian điều trị, thời gian nghỉ ngơi để cơ quan có thể thu xếp thời gian lao động, cường độ làm việc hợp lý.

Về việc dùng các sản phẩm quảng cáo thanh lọc cơ thể trong thời gian hóa trị, trước tiên cần nắm rõ thành phần của sản phẩm đó. Các chế phẩm giàu vitamin, khoáng chất, axit amin,... có thể giúp cơ thể bổ sung thêm năng lượng, vi chất hỗ trợ cho hóa trị. Cần hỏi bác sĩ điều trị về các thành phần trong thực phẩm chức năng bạn muốn sử dụng.

Tuy nhiên có một số bệnh nhân lạm dụng thực phẩm chức năng, từ chối điều trị ung thư bằng hóa trị, đó là điều nguy hiểm nhất vì thực phẩm chức năng không chứng minh được khả năng phòng ngừa cũng như điều trị ung thư, trái lại còn làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh ung thư.

(Còn tiếp)

Thực hiện: Lê Bình - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X