Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Vũ Hải Long: Điếc tai, nghe kém có khắc phục được không?

Điếc tai, nghe kém khiến nhiều người gặp rắc rối trong giao tiếp với người thân, bạn bè, hay đối tác... BS.CK2 Vũ Hải Long - Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nhân dân 115 giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng suy giảm thính lực này. Kính mời quý độc giả theo dõi.

Thưa BS, nghe kém và điếc thường do những nguyên nhân nào ạ? Có phải nếu không điều trị nghe kém thì sẽ dẫn đến bị điếc hay không?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghe kém và điếc. Có thể phân ra theo độ tuổi trưởng thành, độ tuổi phát triển của một con người như từ khi còn trong bào thai của mẹ có những yếu tố ảnh hưởng đến thính giác. Trong quá trình sinh nở cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến thính giác, khi ra đời rồi cũng có rất nhiều yếu tố đe dọa đến việc nghe kém, khiếm thính sau này, trong các tuổi trưởng thành như mẫu giáo, thiếu niên… cũng đều có nguyên nhân. Khi xác định được người đó nghe kém thì phải tìm ra nguyên nhân do đâu mói có chiến lược điều trị thích hợp.

Khi bệnh nhân tự dưng cảm thấy mình nghe kém so với trước, có rất nhiều nguyên nhân: do nhiễm trùng, cản trở vật lý (như nút ráy tai bị lệch), viêm nhiễm mũi họng lan vào tai giữa hoặc nhưng viêm nhiễm đã có sẵn từ trong tai giữa, bệnh nhân đã xử lý nhưng lại dẫn đến viêm sâu hơn, tổn thương nặng hơn gây ra tình trạng nghe kém đến mức độ bệnh nhân có thể cảm nhận được. Lúc này, bệnh nhân nên đi thăm khám để tìm ra nguyên nhân từ đó đưa ra phương pháp điều trị từ những nguyên nhân đơn giản tới phức tạp.

Ví dụ có những trường hợp tuổi trung niên tự nhiên nghe kém hoặc điếc một bên, xảy ra điếc đột ngột, đó gần như là cấp cứu tai mũi họng về vấn đề sức nghe do co thắt mạch máu, thiếu máu tai trong thì bệnh nhân cần được can thiệp ngay lập tức. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức nghe, xác định đúng điếc đột ngột để dùng thuốc lấy lại sức nghe cho bệnh nhân, nếu không cơ quan phía trong tai trong sẽ bị hủy hoại. Những trường hợp đó cần được đến khám và can thiệp ngay đối với những trường hợp điếc đột ngột, bệnh nhân có thể cảm nhận được ngay.

Có những cách gì để mọi người tự kiểm tra là mình có bị nghe kém hay không, thưa BS?

Bệnh nhân hoàn toàn có thể tự kiểm tra mình có bị nghe kém hay không, với những người ít nhạy cảm, người trong gia đình giao tiếp như lúc bình thường họ không nghe thấy rõ nữa. Trẻ em bình thường gọi thì nghe nhưng bây giờ gọi không thấy ngoảnh đầu lại, không đáp ứng yêu cầu thì nên đến những cơ sở y tế kiểm tra.

BS.CK2 Vũ Hải Long hiện là Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nhân dân 115

Xin BS cho biết, hiện nay có những cách nào để điều trị hay khắc phục tình trạng nghe kém?

Một người bình thường bỗng dưng nghe kém hẳn đi ở lứa tuổi trưởng thành hoặc thiếu niên, nguyên nhân đơn giản chỉ là 1 nút ráy tai, khi lấy ra được thì lại bình thường.

Hoặc những bệnh gây nên tình trạng nghe kém như thủng màng nhĩ có thể vá màng nhĩ. Chuỗi xương con bị hỏng có thể làm lại chuỗi xương con mới để dẫn truyền âm thanh.

Đó là những phương pháp lấy lại sức nghe cho bệnh nhân tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên hiện tượng đó.

Khi nào bệnh nhân có chỉ định cấy ốc tai điện tử, thưa BS? Hiện tại ở Việt Nam có những BV nào thực hiện kỹ thuật này ạ?

Ốc tai điện tử sử dụng để lấy lại sức nghe cho bệnh nhân thoái hóa cơ quan cảm nhận ở tai trong, tức là tế bào bị thoái hóa sẽ được đặt điện cực thay cho tế bào cảm nhận âm thanh, chuyển thành tín hiệu xung điện lên não để dẫn truyền thay tế bào đó vào dây thần kinh thính giác giúp não xử lý được âm thanh.

Phương pháp này có từ những năm 70, bắt đầu từ những năm 90 được triển khai rộng rãi, còn ở Việt Nam thì đầu những năm 2000, đặc biệt là những năm gần đây một số những bệnh viện lớn trong cả nước triển khai. Ở TPHCM có BV Tai Mũi Họng thành phố, BV Đại học Y Dược, ở Hà Nội có Bệnh viện Tai Mũi Họng TW, và cả những bệnh viện tỉnh như BV Việt Tiệp Hải Phòng, BV TW Huế...

Tuy nhiên để triển khai kỹ thuật cấy ốc tai điện tử đòi hỏi trang thiết bị, hơn nữa, về phía bệnh nhân phải làm đúng trình tự, nhưng vì chi phí quá lớn nên các BS cũng phải cân nhắc vì có liên quan về mặt lợi ích kinh tế. Theo thống kê số lượng bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử khoảng 1/4 chất lượng tốt, 2/4 kết quả đạt loại khá, sau khi cấy ốc tai bệnh  nhân có thể nghe được điện thoại..., khoảng 1/4 thất bại, không nghe rõ.

Hiện nay giá thành những loại ốc tai điện tử còn rất đắt, đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ, khi các em đang ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ, nếu được cấy ốc tai điện tử sớm, có thể phát triển trí tuệ, giao tiếp với xã hội tốt hơn.

Chi phí cho một lần cấy ốc tai khoảng 20.000 USD.

Với người cao tuổi, có cách nào trì hoãn tình trạng nghe kém diễn tiến theo tuổi tác không ạ? Việc đeo máy trợ thính có phải là lựa chọn tối ưu không?

Tuổi tác là một trong những nguyên nhân gây nên nghe kém. Nghe kém có nguyên nhân do lão hóa gọi là lão thính. Khi con người lớn tuổi, các cơ quan đi vào lão hóa thì thính giác cũng không ngoại lệ.

Khi tế bào cảm nhận thoái hóa, ngay cả hệ thống dẫn truyền âm thanh cũng bị xơ, mất độ mềm dẻo, tế bào bên trong bị teo đi, sợi dẫn truyền thần kinh từ tế bào cảm nhận đến tai trong cũng bị teo đi, đó gọi là lão thính.

Hiện tại chưa có phương pháp nào điều trị tình trạng này. Cơ thể con người không thể nào trẻ mãi, một số người thóa hóa ít, có người thoái hóa nhiều, tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Để khắc phục  tình trạng này cũng là vấn đề sức khỏe chung về lão khoa, có thể tham gia hoạt động thể chất, dưỡng sinh, chế độ dinh dưỡng kèm với thuốc hỗ trợ tăng cường tuần hoàn não...

Những phương pháp trên chỉ hỗ trợ ngăn ngừa chứ không thể nào chế ngự được quá trình lão hóa của con người.

Đeo máy trợ thính là tốt nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, chuyên gia về máy trợ thính khuyên dùng loại máy có tần số nghe phù hợp với bệnh nhân giúp trả lại khả năng giao tiếp xã hội cho bệnh nhân.

Máy trợ thính là phương pháp hỗ trợ cho bệnh nhân ngoài thuốc, khi người bệnh đã phẫu thuật nhưng dùng máy trợ thính vẫn không lấy lại khả năng giao tiếp cho bệnh nhân thì khi đó bác sĩ mới tính đến việc cấy ốc tai điện tử, nhưng máy trợ thính luôn luôn là lựa chọn đầu tiên.

Nhiều bạn trẻ thường xuyên đeo tai nghe để học hành hay giải trí thì nên sử dụng tai nghe như thế nào là an toàn, thưa BS?

Tai của con người có hệ thống tự bảo vệ, nếu âm thanh nghe nhỏ thì trong tai luôn có hệ thống khuếch đại âm thanh nhưng khi âm thanh quá lớn đe dọa đến cơ quan cảm nhận trong tai trong thì luôn có cơ chế ngăn âm thanh đó lại, đó là cửa sổ của xương bàn đạp ấn vào ốc tai bên trong. Khi âm thanh quá lớn, cơ bàn đạp co cứng, nằm im không nhúc nhích để bảo vệ tai trong khỏi tiếng động mạnh.

Ví dụ khi nghe tiếng súng nổ, cường độ âm thanh >100dB, cơ bàn đạp sẽ co đóng cửa đó lại, và co từ 2-6 giờ, trong thời gian đó, tai bị ù không nghe rõ. Khi cơ bàn đạp giãn ra thì ta có thể nghe lại bình thường, điều đó chứng tỏ tai có cơ chế bảo vệ.

Khi ta mở nhạc lớn, đặc biệt với những loại tai nghe đời mới, cơ bàn đạp cũng cần co để bảo vệ bên trong tai. Tuy nhiên, khi co nhiều quá sẽ bị giãn, không đàn hồi được, âm thanh tác động lên cơ quan nhạy cảm, mỏng manh thì đương nhiên sẽ gây hư hỏng một cách từ từ, chúng ta không cảm nhận được. Khi đã cảm nhận được sự sa sút về cảm nhận âm thanh thì mức độ tổn thương đã quá lớn.

Cho nên các bạn đeo tai nghe nên đeo ở mức độ vừa phải, nên cho tai nghỉ ngơi sau một thời gian đeo tai nghe.



Nhờ BS hướng dẫn mọi người cách bảo vệ sức nghe cho đôi tai của mình trong môi trường đô thị ồn ào hiện nay?

Trong việc bảo vệ sức khỏe có đặt vấn đề tiếng ồn, rất nhiều đề tài nghiên cứu về sức khỏe về tiếng ồn đó. Trong môi trường đô thị ồn ào hiện nay, đặc biệt trong những khu công nghiệp, chế xuất, đóng tàu... công nhân tiếp xúc thời gian khá lâu với môi trường tiếng động vượt quá ngưỡng. Đáng lẽ ra ở những môi trường làm việc như thế cần có chế độ bảo hộ lao động như nút chống ồn, chụp tai chống ồn...

Có nhiều người đi ngoài đường vào giờ tan tầm hay đi qua những công trường ồn ào cũng hay mang nút chống ồn, được bán đại trà ở những cửa hàng thiết bị y tế hoặc bán đồ bảo hộ để bảo vệ sức khỏe đôi tai.

~~~~

Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK2 Vũ Hải Long - Trưởng khoa Tai mũi họng của BV Nhân dân 115, mọi người sẽ hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghe kém và điếc, từ đó có biện pháp bảo vệ đôi tai của mình.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS Vũ Hải Long!

Quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh youtube: AloBacsi - video.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:
Website: AloBacsi.com

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Email: tuvan@alobacsi.vn
Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Trân trọng!

Thực hiện: Thanh Thủy
Ảnh: Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X