Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn: Túi mật có thể bị bệnh gì, điều trị ra sao?

Chiều 3/3, BS Lưu Phương đã dành thời gian giải thích cặn kẽ và dễ hiểu những thắc mắc của bạn đọc chung quanh Túi mật như: Những ai dễ bị sỏi túi mật, nguyên nhân dày thành túi mật, polyp túi mật gồm những dạng gì, điều trị như thế nào…?


BS. CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Chuyên gia Tiêu hóa - Nội soi, "Bàn tay vàng" trong Nội soi Tiêu hóa, trưởng đơn vị Nội soi Tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Hoàng Long.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1 - Mật thường đi đôi với gan, người ta thường nói “gan mật”. Xin hỏi BS, túi mật nằm ở vị trí nào? Mật đóng vai trò gì trong hệ tiêu hóa?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Người ta nói gan mật là đúng rồi, bởi vì mật không tự nhiên từ... trên trời rơi xuống. Chính lá gan của chúng ta sản xuất ra nước mật, do đó phải gọi là gan mật, chứ không phải túi mật sản xuất ra mật.

Túi mật chỉ là cái nơi chứa, nói đơn giản là cái tủ "để dành". Bình thường mật được gan tiết ra và chảy theo ống dẫn mật xuống ruột để làm nhiệm vụ. Còn những gì dư thừa mới được giữ lại ở túi mật để dự trữ. Như vậy, nói gan mật là hoàn toàn chính xác. Vì túi mật có nhiệm vụ dự trữ nên nằm sát lá gan, ngay mặt dưới của lá gan, giống như con kangaroo con nằm trong túi trước bụng mẹ nó vậy. Mình tưởng tượng lá gan như con kangaroo con thì túi mật chính là cái túi mà con kangaroo con nó nằm ngay trước bụng.

Mật đóng vai trò rất lớn. Chính mật giúp cho hệ tiêu hóa xử lý được chất béo. Chúng ta ăn béo là nhờ gan tiết mật. Mật, theo thuật ngữ về hóa học chúng tôi gọi là "nhũ tương hóa chất béo".

Khi rửa chén, chúng ta thấy nước thường không làm tan được chất béo, nhờ có xà bông mới giúp tan những chất mỡ đó ra được. Như vậy, xà bông là nhũ tương hóa chất béo. Khi chúng ta ăn chất béo vào trong bụng, với ruột, gan, bao tử thông thường, thì chất béo cũng y chang chất béo trên thành bát đĩa mà chúng ta rửa bằng nước, không thể nào tiêu hóa và hấp thu được. Nhờ mật giống như xà bông làm tan loãng chất béo ra. Lúc đó, men tiêu hóa từ tụy, bao tử, ruột mới xử lý được và hấp thu chuyển hóa thành chất dinh dưỡng cho cơ thể. Như vậy, vai trò của mật rất quan trọng.

Ngoài ra, mật là nơi thải những chất độc trong cơ thể, bởi gan sẽ tiết ra mật đồng thời những chất độc được gan lọc ra sẽ theo mật chảy ra đường tiêu hóa và đi cầu ra ngoài.  Đây cũng là lý do chúng ta thường thấy những người mắc bệnh gan mật, mắt thường vàng là bởi vì mật có màu vàng.

Thân mến.

Câu 2 - Những bệnh thường gặp tại túi mật gồm những gì ạ? Có những phương pháp nào để khảo sát bệnh của túi mật?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Túi mật có 4 bệnh thường gặp: Sỏi túi mật, polyp túi mật, ung thư túi mật và viêm túi mật, đặc biệt là viêm túi mật cấp tính.

Để khảo sát túi mật rất dễ dàng. Phương tiện rẻ tiền, đơn giản nhất luôn luôn thấy được túi mật là siêu âm bụng. Nhưng, muốn khảo sát được túi mật cần nhịn đói thì siêu âm mới “hiện hình” túi mật rõ hơn. Còn chúng ta ăn uống rồi, nhất là ăn no, thì mặc dù siêu âm vẫn thấy được túi mật, túi gan nhưng không thấy rõ bằng lúc chúng ta đang đói dữ dội, cần phải lưu ý chuyện này.

Không cần phải đến các nước Âu, Mỹ, Tây, Tàu… gì cả, siêu âm vẫn là phương tiện rẻ tiền và khảo sát túi mật đúng đến 90-95%. Chỉ trừ một số trường hợp, nhất là ung thư túi mật hoặc polyp túi mật nếu khó quá mới phải dùng tới phương pháp cao cấp hơn là chụp CT hoặc MRI.

Thân!

Siêu âm túi mật. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 3 - Túi mật quá to hay quá nhỏ là biểu hiện của bệnh gì thưa BS, và điều trị thế nào ạ?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Túi mật quá to hay quá nhỏ đầu tiên có thể là do bẩm sinh. Ông Trời sinh ra có những người cao 1,5m nhưng vẫn bình thường, có những người cao đến 1,9m hoặc 2m cũng vẫn… bình thường. Do đó, chúng ta không nên dựa vào kích thước túi mật mà phải dựa vào việc túi mật có sỏi, có u hay có dày thành hay không.

Tuy nhiên, có những bệnh làm cho túi mật to lên, ví dụ như: Viêm túi mật cấp tính hoặc những bệnh lý viêm gan cấp, vì gan nằm gần mật, gan sưng lên khiến mật “bắt chước” sưng theo. Tràn dịch ổ bụng cũng làm túi mật sưng to lên. Ngoài ra, túi mật quá to còn có thể gặp trong trường hợp chúng ta đi khám bệnh, nhịn đói lâu quá. Thí dụ: Hôm qua làm việc quá quên ăn, quên ngủ, sáng nay thức dậy đi xét nghiệm thì lúc này túi mật đã bị “bỏ đói” quá lâu dẫn đến căng rất to.

Túi mật quá nhỏ là do chúng ta uống nước ngọt, uống sữa hay là uống một thứ gì đó, tuy chúng ta nghĩ rằng như vậy là không sao vì uống không đường mà, nhưng túi mật vẫn co nhỏ lại. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như viêm túi mật mãn, ung thư túi mật…

Cách điều trị sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Thân mến.

Câu 4 - Sỏi túi mật được hình thành như thế nào? Có mấy loại sỏi túi mật? Làm cách nào để phòng ngừa sỏi túi mật?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Sỏi túi mật có 2 loại sỏi: Sỏi màu trắng và sỏi màu vàng hoặc nâu đậm.

Sỏi túi mật hình thành là do mật bị quánh đặc, có nhân. Loại màu trắng thường gặp ở phụ nữ, lớn tuổi, béo phì và dư mỡ máu hoặc uống nhiều thuốc hạ mỡ máu. Chất béo đọng lại thành nhân, từ đó mật quến lại tạo thành sỏi. Sỏi thường có màu trắng ngà.

Sỏi màu vàng hoặc nâu đậm thường gặp ở tất cả mọi người, kể cả người ốm, do trứng giun hoặc trứng sán, những người bị hẹp đường mật bẩm sinh. Mật đặc lại, tạo thành sỏi.

Sỏi túi mật. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Để phòng ngừa sỏi túi mật có 2 cách:

Thứ nhất, chúng ta không nên ăn nhiều béo, để thừa cân, béo phì. Đặc biệt, không nên nhịn ăn quá nhiều để giảm cân. Thực tế cho thấy những người nhịn ăn quá nhiều, không chịu ăn uống gì, thậm chí truyền cả tĩnh mạch để “nuôi ăn” nghĩa là truyền nước biển nuôi sống cơ thể, thì chính cái đó làm sỏi túi mật. Bởi vì khi chúng ta không ăn uống, túi mật sẽ lười hoạt động, ứ đọng lại tạo sỏi. Vì vậy, cần phải ăn uống điều độ.

Thứ hai, ăn chín, uống sôi, rửa sạch và tẩy giun định kỳ là chúng ta có thể ngừa được sỏi túi mật.

Thân mến.

Câu 5 - Sỏi túi mật đạt đến kích thước nào, hoặc gây triệu chứng gì thì phải can thiệp? Có mấy cách xử lý sỏi túi mật, nhờ BS nói rõ từng phương pháp ạ. Nếu cắt bỏ túi mật thì có ảnh hưởng gì đến việc tiêu hóa thức ăn không ạ?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Đa số sỏi túi mật thì sẽ không gây triệu chứng gì hết, người ta có thể sống chung hòa bình với nó. Nhưng khi sỏi túi mật đã có biểu hiện như đau vùng bụng bên phải một lần, dù chỉ là đau thoáng qua thì cách tốt nhất là chúng ta nên cắt bỏ nó đi để tránh tái phát. Hoặc sỏi túi mật gây biến chứng viêm túi mật cấp, viêm túi mật mãn thì bắt buộc phải mổ, đặc biệt là viêm túi mật cấp.

Xử lý sỏi túi mật có 2 cách. Nếu sỏi nhỏ dưới 10mm và chưa đau thì uống thuốc lâu dài duy trì 6 tháng, 1 năm hoặc mấy năm thì sẽ tan được. Cách thứ 2 là cắt bỏ túi mật và viên sỏi đi, chắc chắn sẽ không tái phát nhưng cách này nhiều người sẽ không thích vì “mất” túi mật.

Về lý thuyết, túi mật giống như tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, cắt túi mật sẽ không ảnh hưởng gì nhiều. Vì gan tiết ra phần còn dư mới là dự trữ, khi nào thiếu mới đẩy ra, có những người sống cả đời không có tài khoản tiết kiệm cũng không chết, cuộc đời vẫn trôi qua bình thường, nhưng có tài khoản tiết kiệm thì vẫn tốt hơn. Do đó, cắt túi mật gần như không ảnh hưởng gì đến chức năng tiêu hóa. Đôi khi cũng sẽ có ảnh hưởng chút chút như ậm ạch, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy nhưng nói chúng là kông có vấn đề gì hết.

BS Lưu Phương (trái) và BTV Mỹ Thi trong chương trình giao lưu trực tuyến chiều 3/3: “Túi mật có thể bị bệnh gì, điều trị ra sao?” do AloBacsi thực hiện. Ảnh: Hoàng Long.


Câu 6 - Thế nào là dày thành túi mật và nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì vậy BS? Bệnh nhân nên làm gì khi được chẩn đoán là dày thành túi mật? Nếu không can thiệp thì dẫn đến hậu quả gì ạ?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Dày thành túi mật có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính là: Viêm túi mật cấp tính hoặc viêm túi mật mãn tính.

Nếu viêm túi mật cấp tính sẽ gây đau, còn viêm túi mật mãn tính không gây đau. Ngoài ra, còn những bệnh như gan, suy tim, thận làm cho ứ dịch trong cơ thể cũng khiến làm dày thành túi mật lên. Do đó, tùy nguyên nhân sẽ có hướng xử trí.

Dày thành túi mật do viêm túi mật cấp tính thì bắt buộc phải cắt khẩn cấp, mổ cấp cứu. Nếu dày thành túi mật do viêm túi mật mãn tính, chúng ta có thể chờ đợi để lên lịch mổ cắt bỏ lâu dài, để ngừa ung thư về sau. Còn nếu do nguyên nhân khác thì sẽ điều trị ở nguyên nhân khác chứ không điều trị ở túi mật.

Thân.

Câu 7 - Thưa BS, polyp túi mật gồm những dạng gì, thường là ác tính hay lành tính? Có cách nào phòng tránh polyp không? Polyp nếu không xử lý thì sẽ ra sao? Có mấy cách xử lý polyp túi mật, nhờ BS nói rõ từng phương pháp. Polyp xử lý bằng những cách này có triệt để không? Có tái phát không? Bao lâu nên tái khám kiểm tra lại?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Polyp túi mật là những dạng như khối u, có khuynh hướng lành tính, như mụn cóc. Dạng thứ hai do túi mật không thông thương tốt, dẫn đến viêm mãn cũng hình thành những cục giống như mụn cóc.

Không có cách nào để phòng tránh polyp, chỉ có thể tẩy giun định kỳ, kiểm tra chức năng gan mật, uống thuốc lợi gian mật, hạn chế ăn béo, không ăn đồ sống nhiều và bảo vệ gan tốt sẽ phần nào phòng tránh được, quan trọng vẫn là đừng nên nhậu nhẹt, uống rượu bia, hút thuốc lá.

Người ta thường sợ polyp vì polyp là khối u, sợ chuyển thành ung thư, vấn đề nằm ở chỗ đó. Nhưng đây là khối u lành, xử lý thông thường sẽ theo dõi 6 tháng hoặc 1 năm một lần.

Nếu polyp đứng yên hoặc không tăng kích thước thì cứ vậy theo dõi, chừng nào polyp lớn hơn 10mm (1cm) thì lúc đó mới xem xét đến việc xử lý cắt bỏ. Cách xử lý polyp duy nhất là cắt bỏ túi mật tức là cắt luôn u lành thì sẽ không bao giờ tái phát lại. Còn nếu nó nhỏ quá thì sẽ không cần, chỉ theo dõi và chỉ uống những thuốc lợi mật để tránh polyp phát triển, tránh xa rượu bia, thuốc lá, phòng ngừa nhiễm giun sán.

Câu 8 - Sỏi túi mật, dày thành túi mật, polyp túi mật thường gặp ở độ tuổi bao nhiêu, tầm soát bằng cách nào và bao lâu tầm soát một lần, thưa BS?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Dày thành túi mật không tầm soát. Chỉ tầm soát sỏi túi mật và polyp túi mật.

Sỏi túi mật bắt đầu hình thành ở tuổi U40, do đó thường tầm soát ở lứa tuổi U40. Một năm chúng ta kiểm tra một lần là được rồi.

Còn polyp túi mật thông thường gặp ở tuổi 30 trở lên. Vì vậy, từ 30 trở lên, chúng ta mới tính tới chuyện tầm soát polyp túi mật và chỉ cần 2 năm tầm soát một lần là được.

Nên tầm soát polyp túi mật 2 năm một lần. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Cách đơn giản nhất là siêu âm bụng. Lúc này, nhịn đói là tầm soát không bao giờ sót bệnh.

Câu 9 - Câu hỏi vui: thành ngữ Việt Nam có câu “sợ mất mật”, theo BS hiện tượng này có đúng không? Nhờ BS giải thích theo góc nhìn y khoa. Cảm ơn BS!

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Cái này chỉ đúng một phần. mình quen nói theo chữ Tiếng Việt “sợ mất mật”, sợ quá. Nhưng về Y học, khi chúng ta stress, căng thẳng quá sẽ làm rối loạn co bóp, túi mật đờ ra hoặc bóp rất mạnh, không chảy mật ra ngoài. Tôi nghĩ nói như vậy là do ngôn ngữ học nhiều hơn chứ ngày xưa cũng chẳng ai nghĩ ra cái đó! (Bác sĩ cười).

Thân mến.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về chủ đề "Túi mật có thể bị bệnh gì, điều trị ra sao", qua đó giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh, thực hành điều trị đúng cách và xóa tan những lo âu khi gặp phải bệnh này.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo!

Trân trọng.

Thực hiện: Mỹ Thi - Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X