Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Ăn uống, sinh hoạt thế nào sau khi ghép thận?

Sau ghép thận, hầu hết người bệnh có hệ miễn dịch yếu do ảnh hưởng của thuốc tránh thải ghép tạng. Vì vậy, chế độ ăn uống và sinh hoạt hết sức quan trọng. Nhằm giúp bệnh nhân và người hiểu rõ hơn, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Trong buổi tư vấn trước, BS có nêu một ý là sau khi ghép thận, bệnh nhân vẫn là người bệnh thận mạn. Nhờ BS nói rõ hơn về ý này?

Sau khi ghép thận không có nghĩa là chúng ta khỏi bệnh mà vẫn được xem là bệnh thận mạn bởi vì vẫn phải uống thuốc và vẫn phải đến khám bác sĩ, phải đối diện với những tác dụng phụ của thuốc và những biến chứng sau khi ghép và tái phát của bệnh thận cũ trước đây. Vì thế cho nên chúng ta vẫn gọi các bệnh nhân ghép thận là bệnh nhân thận mạn tính.

BS.CK2 Tạ Phương Dung hiện là Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115

Vì sao có hiện tượng thải ghép? Thuốc chống thải ghép được sử dụng như thế nào, thưa BS?

Khi được ghép thận hay một bộ phận tạm nào đó ngay cả anh chị em ruột cho nhau, ngoại trừ trường hợp song sinh cùng trứng thì đối với tất cả các trường hợp khác đều nhận một bộ phận tạm, lạ vào trong cơ thể. Phản ứng của cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại bộ phận lạ này, tùy từng mức độ ở từng người thì vấn đề thải ghép có thể xảy ra sớm hay muộn, mạnh hay yếu và còn tùy thuộc vào vấn đề thuốc cũng như sử dụng thuốc của bệnh nhân.

Vấn đề dùng thuốc, chúng tôi còn phải xem bệnh nhân có phải hợp với thuốc hay không vì cùng một loại thuốc có thể hợp với bệnh nhân này mà không hợp với bệnh nhân kia hoặc có thời điểm chúng tôi phải đối thuốc cho bệnh nhân.

Hơn nữa thuốc ghép không giống như những thuốc khác theo cân nặng, tuổi tác,… loại thuốc này phải theo từng người, người nào có mức hấp thu tốt có thể dùng ít viên, người nào có mức hấp thu kém hơn thì phải dùng rất nhiều viên nên sẽ có tình trạng bệnh nhân rất to con nhưng sáng uống một viên và chiều uống một viên là đủ nhưng có nhiều người nhỏ con nhưng sáng uống ba viên và chiều uống ba viên vẫn chưa đủ. Do đó việc uống thuốc đối với những bệnh nhân như thế thì chúng tôi phải theo dõi nồng độ.

Bệnh nhân nên tuân thủ theo bác sĩ để duy trì đúng nồng độ, và quan trọng hơn là phải xét nghiệm, không phải chỉ đến kiểm tra mạch huyết áp là xong, mà còn cần phải xét nghiệm nồng độ và loại xét nghiệm này chỉ có tại một số bệnh viện. Có bệnh nhân hỏi: “Em xét nghiệm gần nhà rồi đem đến cho bác sĩ được hay không?” thì câu trả lời là nếu xét nghiệm khác vẫn có thể được nhưng xét nghiệm nồng độ thì không.



Người bệnh thận cần quan tâm đến việc chích ngừa những bệnh gì, thưa BS? Có vắc xin nào họ không nên chích hay không? Vắc xin có làm họ mệt mỏi hơn so với người bình thường không ạ?

Thường chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân chích ngừa trước khi ghép thận. Chẳng hạn viêm gan B, hoặc các chích ngừa sau khi ghép xong mà lúc này cơ thể uống thuốc ức chế miễn dịch (chống thải ghép) nhưng bệnh nhân không đáp ứng thuốc ức chế miễn dịch nữa thì lúc bấy giờ nếu chích ngừa ngay sau khi ghép cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu có chích thì phải đợi 6 tháng sau khi ghép. Do đó viêm gan B nên chích ngừa trước khi ghép để đỡ mất thời gian chờ đợi.

Có những bệnh nên chích ngừa trước hết là uốn ván, lao, dịch tễ đặc biệt là những bệnh như viêm gan B,… Nhiều trường hợp có thể chích 2-3 mũi đã có phản ứng miễn dịch nhưng những trường hợp bệnh nhân suy thận đôi lúc phải dùng 5-6 mũi. Chính vì vậy mà thường chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân chích ngừa trước khi ghép.

Tuy nhiên khi đã ghép rồi thì sau đó có thể chích ngừa hay không thì câu trả lời là có, ví dụ như cúm A, cúm B hoặc những trường hợp trước đó chưa tạo được kháng thể viêm gan B thì cũng có thể chích ngừa được hoặc các chích ngừa dại,…

Có một số bệnh không nên chích ngừa sau khi ghép ví dụ những bệnh có vaccine làm từ những sinh vật còn sống hay còn được gọi là vaccine sống ví dụ như lao, sởi, một số loại cúm,…

Thông thường khi chích ngừa thì ngay cả người bình thường hay người ghép thận cũng sẽ có những phản ứng nhẹ, bệnh nhân có thể có cảm giác hơi ngứa ở chỗ chích hoặc hơi sốt nhẹ, những triệu chứng đó sẽ biến mất trong vòng nửa ngày hay một vài ngày và không cần phải quan tâm. Đối với những bệnh nhân mẫn cảm có thể thêm một chút thuốc chống dị ứng hoặc nếu bị sốt có thể cho một vài liều thuốc hạ sốt.



Trong các buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân, các BS có đưa ra giải pháp tăng cường đời sống mảnh ghép, cụ thể là những giải pháp gì ạ?

Ghép được thận và một điều may mắn cho những bệnh nhân nhất là trong thời điểm hiện tại khi thận tặng ra rất ít nhưng nhu cầu lại rất nhiều. Nhưng để tặng được thì đó lại là cả một vấn đề, đây là điều mà cả thế giới gặp phải chứ không riêng gì Việt Nam, chính vì vậy chúng ta phải biết trân trọng bộ phận ghép đó.

Việc đầu tiên chúng tôi hướng dẫn cho bệnh nhân những vấn đề ăn uống, sinh hoạt sau khi ghép như thế nào, thứ hai bệnh nhân cần được hướng dẫn theo dõi mạch huyết áp, lượng nước tiểu, cân nặng hằng ngày và đặc biệt phải dặn bệnh nhân đi khám định kỳ bởi vì sau khi ghép vẫn phải dùng thuốc gần như là suốt đời.

Phải hướng dẫn cho bệnh nhân phát hiện cân nặng, ví dụ trong vòng 1 tuần mà tăng hơn 2kg, hoặc đo nhiệt độ thường xuyên nếu có vài ngày trên 38 độ là điều bất thường thì những trường hợp này bệnh nhân có thể gọi cho các bác sĩ, điều dưỡng trong đội ngũ ghép bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm thì chúng tôi có thể hướng dẫn bệnh nhân. Nếu cảm thấy tình hình không tốt thì họ có thể đến bệnh viện chúng tôi tầm soát kỹ hơn.

Điều quan trọng đối diện với bệnh nhân sau ghép chính là nguy cơ thải ghép, như đã nói khi ghép là chúng ta nhận được một bộ phận tạm của người khác chính vì vậy cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại bộ phận tạm đó, đôi khi có những dấu hiệu rất nhẹ nhàng nhưng cũng có khi hơi đau ở nơi đặt mảnh ghép, hơi sốt hoặc bệnh nhân cảm thấy có một dấu hiệu nào bất ổn thì đó cũng chính là dấu hiệu của thải ghép.

Tuy nhiên, dấu hiệu đó cũng rất dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng khác như nhiễm trùng, mệt mỏi sau khi đi nắng… nên điều quan trọng là phải liên hệ với bác sĩ của mình để họ có thể kiểm tra thải ghép.

Chúng tôi luôn khuyến cáo bệnh nhân là uống thuốc thải ghép luôn phải đúng giờ ví dụ như sáng 8 giờ là phải đúng 8 giờ, hoặc tối 7 giờ là phải đúng 7 giờ nhưng nếu nhiều việc dẫn đến quên uống thuốc thì tôi cũng khuyên bệnh nhân là đặt báo thức hoặc nhờ người nhà nhắc nhở.

Trường hợp bệnh nhân quên uống thuốc hoặc đã uống rồi nhưng lại không nhớ là mình đã uống hay chưa mà lại uống thêm một liều thuốc nữa, khiến cho nồng độ đạt được vượt quá ngưỡng cho phép cũng có thể xảy ra hiện tượng thải ghép. Chính vì vậy mà bệnh nhân phải tuân thủ uống thuốc.

Ngoài ra, phải lưu ý có những đợt phải sinh thiết thận ghép để tìm nguyên nhân bởi vì triệu chứng của ngộ độc thuốc khi chúng ta dùng quá liều cũng giống như triệu chứng của thải ghép khi chúng ta dùng chưa đủ thuốc.



Có lần các BS đưa ra thông điệp: “Nếu không tuân thủ điều trị thì đừng ghép thận”, vì sao lại như thế ạ?

Nếu như chưa tuân thủ được điều trị nên tạm ngưng ghép thận bởi vì đã có nhiều chứng minh rằng tỷ lệ không tuân thủ ảnh hưởng trên 50% các lý do dẫn tới thận ghép bị suy: uống thuốc không đủ, uống thuốc thừa và uống thuốc không đúng giờ cũng không được, thậm chí là uống thuốc đủ, đúng mà nồng độ thay đổi (biến thiên nồng độ, nồng độ lên, nồng độ xuống).

Chính vì vậy mà thường thì chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân khi tuân thủ tốt rồi thì trước khi ghép chúng ta cũng phải lọc máu, chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng vẫn phải uống thuốc, đó chính là những cơ hội mà chúng ta tập quen dần đến việc uống thuốc hay chưa.

Khi đã uống thuốc và đã cảm thấy quen thì chúng ta đã sẵn sàng cho việc ghép thận bởi vì ghép thận để tìm được người tặng cho thận rất khó, không phải không ghép bây giờ thì chúng ta sẽ có cơ hội thứ hai. Ghép lần thứ hai rất phức tạp vì có thể những xét nghiệm kỹ hơn hoặc do phản ứng của lần ghép trước vì vậy lần thứ hai tìm một người phù hợp cực kỳ khó.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK2 Tạm Phương Dung đã chia sẻ những thông tin hữu ích về cách ăn uống và sinh hoạt sau ghép thận. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X