Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân tư vấn chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư

Chiều nay 27/7, BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - BV Nhân Dân 115 tư vấn chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư từ 14g-16g.


Chăm sóc giảm nhẹ có phải chỉ là giảm đau? Chăm sóc giảm nhẹ có phải nghĩa là "hết thuốc chữa"? Những ai cần chăm sóc giảm nhẹ? Nên làm gì và không nên làm gì với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối? Những thắc mắc này sẽ được BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân Dân 115 giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến chiều nay, 27/7.



NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

FB L. N. Hùng Anh

Xin chào BS,

Em có người nhà lớn tuổi, bị ung thư gan, điều trị ở BV Ung bướu, hiện giờ di căn xương và não. BS sắp cho chuyển qua khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Có phải qua khoa đó là hết thuốc chữa rồi không BS?

Gia đình em đang rất phân vân là có nên để người nhà vô khoa đó không, hay là xin về quê để đoàn tụ với con cháu?

Nếu về quê như vậy thì có gì bất ổn không BS? Chẳng hạn nếu đau quá thì đến BV địa phương giảm đau có được không BS? Về quê hay hơn hay ở lại BV hay hơn? Mong BS cho gia đình em lời khuyên.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn Hùng Anh,

Mục tiêu cuối cùng của chăm sóc giảm nhẹ là để bệnh nhân về nhà được chăm sóc tốt nhất. Do đó, theo tôi, bệnh nhân nên đến khoa Chăm sóc giảm nhẹ để được các BS điều trị triệu chứng và chỉnh các liều thuốc điều trị: thuốc giảm đau, thuốc giãn phế quản phun khí dung… hoặc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi thì BS sẽ rút bớt dịch giúp bệnh nhân đỡ khó thở. Và gia đình cũng sẽ được nhân viên hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà để bệnh nhân được thoải mái và yên tâm khi ở nhà.


FB N. P. Hoàng Hạc

Xin chào AloBacsi, cho tôi xin lời khuyên với ạ.

Mẹ tôi bị ung thư vòm họng. Mẹ tôi đang được chờ đến 3/8 để vào viện tiến hành lên phác đồ.

Tôi có tham khảo kinh nghiệm trên mạng rất nhiều về việc răng miệng quan trọng như thế nào trong quá trình điều trị. Hiện tại răng mẹ tôi 1 hàm dưới hơi yếu, lâu lâu có nhức còn hàm trên là răng giả chỉ có 1 ít chân răng nhỏ thật bám vào nướu thôi.

Không biết bay giờ tôi nên làm răng cho mẹ như thế nào và khi xạ trị có lẽ răng giả mẹ tôi bị tháo ra đúng không ạ? Và răng dưới yếu có bị ảnh hưởng nặng nề hay viêm nhiễm sau khi xạ trị hay không? Cảm ơn AloBacsi.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn,

Trước tiên bệnh nhân nên đi khám răng miệng để BS răng hàm mặt chăm sóc những chiếc răng có vấn đề (nhổ răng hư, răng không thể bảo tồn).

Trong quá trình xạ trị, phải tháo răng giả ra, do đó không nên làm răng giả trong trường hợp phải xạ trị vùng đầu cổ. Việc xạ trị sẽ ảnh hưởng đến răng và tuyến nước bọt, đây là biến chứng của xạ trị vùng đầu cổ.


FB Hạnh Đan

Em chào BS,

Cho em hỏi là BV Nhân Dân 115 có dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà không? Chi phí như thế nào ạ? Và chăm sóc giảm nhẹ của BV 115 có thể áp dụng với những bệnh nào? Rất mong được BS giải đáp cụ thể. Em cám ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Hạnh Đan thân mến,

Hiện nay BV Nhân dân 115 chưa có đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ cũng như chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, nhưng đã có dịch vụ chăm sóc người bệnh tại nhà theo nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân, có thể áp dụng với tất cả bệnh nhân cư trú tại TPHCM (không bắt buộc phải là bệnh nhân của BV 115). 

Người nhà bệnh nhân có thể gặp trực tiếp với BS và điều dưỡng để trao đổi cụ thể về việc này.


Khang Lê - khangle…81@gmail.com

Xin hỏi BS,

Hiện giờ có những phương pháp giảm đau nào dành cho bệnh nhân ung thư? Tôi nghe nói dùng thuốc giảm đau nhiều sẽ gây nghiện nên rất lo lắng. Bệnh của ba tôi đang đi vào giai đoạn cuối.

Nhờ BS tư vấn giúp tôi những phương pháp giảm đau nào không gây nghiện, BV nào có thực hiện? Xin cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn,

Về vấn đề giảm đau trong ung thư xếp thành 2 nhóm: sử dụng thủ thuật (xạ trị giảm đau, hóa trị, hoặc những thủ thuật ngoại khoa phong bế thần kinh chi phối vùng bị đau, vật lý trị liệu…) và phương pháp nội khoa (dùng thuốc giảm đau).

Thuốc điều trị giảm đau đối với bệnh nhân ung thư là sự phối hợp của nhiều nhóm thuốc vì đau ở bệnh nhân ung thư có nhiều cơ chế khác nhau: giảm đau kháng viêm, giảm đau thần kinh, giảm đau thuộc nhóm morphine.

Bạn không cần lo lắng về việc dùng thuốc giảm đau sẽ gây nghiện. Hiện nay không phải BV nào cũng có đầy đủ các phương pháp giảm đau này, bạn nên liên hệ BS về chăm sóc giảm nhẹ để lựa chọn ra phương pháp phù hợp nhất với bệnh nhân và điều kiện của BV.


Đặng Văn Luận - danglua...@gmail.com

Thưa BS,

Gia đình bên mẹ tôi hầu hết mọi người đều bị u gan hoặc ung thư gan. Người sống thọ nhất chỉ được 50 tuổi. Mẹ cũng chết vì u gan. Cách đây 1 tháng anh trai chết cũng u gan. Khi khám ở BV Bệnh nhiệt đới mới phát hiện bệnh. Đi xét nghiệm máu BS nói bị viêm gan B. Khám định kỳ trong quân đội, BS nói bị gan thô.

Bệnh u gan, ung thư gan có di truyền không? Hiện nay tôi muốn đi xét nghiệm toàn bộ về gan có khó và lâu không? Gồm những xét nghiệm gì, chi phí khoảng bao nhiêu? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn,

Ung thư gan không di truyền, tuy nhiên viêm gan siêu vi là bệnh lý lây nhiễm và là nguyên nhân của đa số trường hợp ung thư gan nguyên phát. Việc xét nghiệm toàn bộ về gan rất dễ dàng và không mất nhiều thời gian. Bạn có thể đăng ký khám chuyên khoa gan ở bất kỳ BV đa khoa nào có khoa này hoặc khoa Nội tiêu hóa.

Các xét nghiệm gồm: xét nghiệm viêm gan siêu vi, xét nghiệm chức năng gan, những xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, CT scan)… một số xét nghiệm sẽ được BHYT thanh toán, một số xét nghiệm bệnh nhân tự thanh toán. Về chi phí, bạn có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế nơi bạn đến khám.


Yến Nhi - nhinhi…@gmail.com

Em chào BS,

Em 37 tuổi, mới phát hiện ung thư vú giai đoạn 2. Em là chủ một salon tóc, em biết là tiếp xúc nhiều hóa chất như vậy thì sẽ không tốt cho bệnh của em. Nhưng em rất yêu công việc của mình, nếu không được đi làm thì em buồn lắm.

BS có cách nào giúp em để em vẫn đi làm mà không ảnh hưởng đến việc điều trị không? Nếu em uống thêm những sản phẩm giúp thanh lọc cơ thể thì có giúp ích được không? Em cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Yến Nhi thân mến,

Với trường hợp của bạn, nếu bạn thật sự muốn tiếp tục công việc yêu thích của mình thì bạn có thể sử dụng một số phương pháp giúp giảm thiểu việc tiếp xúc với hóa chất trong không khí như: mang khẩu trang, dùng quạt, dùng máy lọc không khí, hạn chế làm việc trong phòng kín, hạn chế tối thiểu việc sử dụng hóa chất… Tuy nhiên, những biện pháp này không chắc chắn sẽ loại bỏ hoàn toàn những tác hại do hóa chất gây ra. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình tốt nhất có thể, về lâu dài bạn nên chọn một công việc khác, ít phải tiếp xúc với hóa chất.

Về những sản phẩm thanh lọc cơ thể thì đây là những sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng, chưa có những công trình nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả như được giới thiệu trên bao bì. Vì vậy, bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng.


FB Thu Hằng L.

Em chào BS ạ,

Em muốn hỏi bệnh nhân ung thư nếu trang điểm nhiều thì có ảnh hưởng gì không ạ? Em không muốn ra đường với khuôn mặt nhợt nhạt vầy. Bệnh nhân ung thư lựa chọn mỹ phẩm trang điểm cần lưu ý điều gì không BS?

Em cũng có dự tính phun chân mày và phun môi nữa, có được không BS? Mong BS cho em lời khuyên.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào Thu Hằng,

Theo tôi thì cái gì quá nhiều cũng đều không tốt, còn mối liên quan giữa trang điểm và bệnh ung thư thì chưa thấy y văn đề cập. Không chỉ riêng bệnh nhân ung thư mà những người không bị ung thư khi lựa chọn mỹ phẩm cũng cần lưu ý đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…

Còn việc phun xăm cũng không ảnh hưởng đến quá trình điều trị, bạn có thể thực hiện vì mặc dù là bệnh nhân nhưng ai cũng có nhu cầu làm đẹp, và mục đích cuối cùng của việc điều trị ung thư cũng là giúp bệnh nhân trở về với cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.


Quảng Thị Ngh. - quangthin...@gmail.com

Chào BS,

Cho em hỏi, em có u xương khẩu cứng cái như vậy có nguy hiểm không BS? U đó không đau ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn,

Bạn cần nói rõ bản chất khối u này là lành tính hay ác tính (dựa theo kết quả sinh thiết), nếu là lành tính thì không cần xử lý trừ khi vì mục đích thẩm mỹ; còn nếu là ác tính thì tùy theo giai đoạn bệnh sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. Đương nhiên, nếu bản chất là bướu ác thì sẽ nguy hiểm.


Huyền Trang - dangtrang...@gmail.com

Chào BS,

Em tên Trang, 25 tuổi, em mới phẫu thuật mổ nội soi cắt thuỳ phải tuyến giáp vì bị u nang giả chảy máu trên bướu nhân.

Em mổ được 8 ngày rồi nhưng cổ em vẫn bị sưng. Em vẫn uống kháng sinh và chống viêm tiêu sưng. Em phải lam gì để cổ em hết sưng ạ? Mong được BS tư vấn.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào Huyền Trang,

Đây là nang lành tính, tuy nhiên sau mổ 8 ngày vẫn còn sưng nhiều thì bạn cần quay lại BS phẫu thuật để kiểm tra và xử lý thích hợp.


Đỗ Thị Ngân - ngannh...@gmail.com

Thưa BS,

Thận trái của mẹ em đã bị cắt do có bướu ác tính 5cm. Thận phải bị suy thận mạn độ 3b. BS đang cho mẹ em uống thuốc Ketosteril ngày 3 lần mỗi lần 1 viên.

Cho em hỏi mẹ em uống kết hợp thêm thực phẩm chức năng bổ thận nữa được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn Ngân,

Mẹ bạn đang ở tình trạng suy thận độ 3 và cơ thể chỉ còn lại 1 quả thận, do đó việc sử dụng thêm thuốc hoặc thực phẩm chức năng phải hết sức cẩn thận. Do đó bạn cần hỏi ý BS điều trị của mẹ bạn (BS đang điều trị theo dõi suy thận).


Bảo Sơn - TPHCM

Mong BS tư vấn giúp,

Mẹ vợ tôi ở quê lên TP để hóa trị ung thư, ở lại nhà tôi nghỉ ngơi. Con tôi mới 2 tuổi, bé muốn ngủ chung với bà ngoại. Tôi rất lo không biết bà mới hóa trị về mà bé tiếp xúc gần cả đêm thì có ảnh hưởng gì không?

Nếu không cho bé ngủ chung thì sợ 2 bà cháu buồn, mà cho ngủ chung thì tôi lo lắm. Mong BS cho ý kiến. Cám ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Bảo Sơn thân mến,

Sau khi hóa trị, thuốc sẽ đào thải qua đường tiêu hóa và tiết niệu, do đó việc tiếp xúc với người thân không gây ảnh hưởng gì, bệnh nhân không cần phải cách ly. Tuy nhiên, sau hóa trị tuần đầu tiên bệnh nhân rất mệt, ăn ngủ kém, vì vậy bạn không nên cho bé ngủ chung sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà, làm cho bà sẽ mệt mỏi nhiều hơn. Việc hóa trị còn lâu dài, bệnh nhân cần giữ sức khỏe ổn định để theo hết liệu trình.


Tấn Đat - tandat...@gmail.com

Thưa BS,

Tôi 60 tuổi, ở tỉnh Bến Tre.

Tôi đi nội soi ở BV Đại học Y dược TPHCM, đã cắt 2 polyp có kích thước lần lượt như: 5mm và 1 cm.

Sau khi sinh thiết, BV kết luận u tuyến ống có loạn sản độ thấp. Như vậy có nguy hiểm lắm không? Từ nguy cơ này thì bao lâu có thể phát triển thành ung thư? Và có trường hợp nào sau khi cắt bỏ polyp trên rồi sẽ loại bỏ được nguy cơ ung thư?

Ngoài việc phải theo dõi của BS thì tôi nên làm gì? Có uống thuốc gì để ngăn ngừa trong trường hợp của tôi không? Xin cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào anh,

Loạn sản là một tình trạng bất thường về sản sinh tế bào. Trong trường hợp của anh, việc uống thuốc không có hiệu quả ngăn ngừa ung thư, anh cần nội soi và tầm soát định kỳ mỗi năm để có hướng theo dõi và xử lý sớm, phù hợp.


Vũ Mạnh Hà - havm...@gmail.com

BS ơi,

Tôi làm xét nghiệm máu thì thấy chỉ số CA 72.4 là 130.3. Không biết chỉ số cao vậy liệu tôi có bị ung thư dạ dày không? Xin BS giải đáp giúp tôi. Tôi chân thành cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn Hà,

CA 72.4 là một xét nghiệm sinh học bướu, chỉ có tính chất hỗ trợ chẩn đoán. Để chẩn đoán xác định ung thư dạ dày, bạn cần phải nội soi và sinh thiết nếu phát hiện tổn thương.


Lê Hoàng Long - Củ Chi

Chào AloBacsi,

Tôi bị ho ra máu mấy ngày nay, đã khám BS tiêu hóa và nội soi dạ dày không phát hiện gì nên BS đề nghị nội soi phế quản.

Tháng trước tôi đọc báo thấy ngoài Bắc có trường hợp tử vong sau khi nội soi phế quản. Tôi lo quá. Tôi phải làm sao để nội soi được an toàn, cần chuẩn bị những gì, mong AloBacsi tư vấn thật cụ thể giúp tôi. Cảm ơn AloBacsi rất nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Chào bạn,

Tất cả các thủ thuật thực hiện trên bệnh nhân đều có một tỷ lệ tai biến do thủ thuật từ nặng nhất (tử vong) cho đến nhẹ. Xảy ra tai biến là việc ngoài ý muốn và tỷ lệ tai biến này rất thấp nên vẫn được cho phép thực hiện để chẩn đoán bệnh.

Để hạn chế tỷ lệ tai biến do thủ thuật, người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm kiểm tra các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra trong lúc làm thủ thuật (xét nghiệm đông - cầm máu, xét nghiệm bệnh lý tim mạch…).

Trước khi nội soi phế quản, bạn cần nhịn ăn sáng để ngừa nguy cơ trào ngược gây bít tắc đường hô hấp.


Nana Nguyễn - anna...@gmail.com

Dạ chào BS,

Em bầu được 5 tháng rưỡi. Mẹ em đang mắc phải bệnh ung thư vú, mới đi phẫu thuật về và 2 tuần sau sẽ đi hoá trị.

Cho em hỏi là hiện phòng mẹ em ở lầu 2, và phòng vợ chồng em ở lầu 3. Nếu em không vào phòng mẹ mà chỉ ở chung nhà để cách ly thì có ổn không? Chồng em là người trực tiếp chăm sóc bà, em tiếp xúc với chồng em có sao không? Cám ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Nana thân mến,

Sau khi hóa trị, thuốc sẽ đào thải qua đường tiêu hóa và tiết niệu, do đó việc tiếp xúc với người thân không gây ảnh hưởng gì, bệnh nhân không cần phải cách ly. Do đó, trường hợp của em (đang mang thai) thì việc tiếp xúc với mẹ không gây hại gì, kể cả khi tiếp xúc với chồng cũng vậy.

LỊCH TƯ VẤN CỦA ALOBACSI TUẦN 4 THÁNG 7

Chiều tối thứ 2: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát

Chiều tối thứ 3: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát

Chiều tối thứ 4: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát

Chiều thứ 5: Tư vấn trực tuyến: Chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư

Chiều tối thứ 6: BS Tố Uyên tư vấn nội tổng quát

Sáng thứ bảy: BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn làm đẹp

Ghi chú: Trước mỗi buổi tư vấn AloBacsi sẽ đăng số điện thoại BS trực và khung giờ cụ thể tại mục Chat với bác sĩ và fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời, mời quý bạn đọc theo dõi.


Kênh thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X