Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh tư vấn về bệnh sởi: Bảo vệ gia đình khi bệnh sởi quay trở lại?

Đầu năm, câu hỏi về bệnh sởi chiếm phần lớn các câu hỏi gửi về AloBacsi, để kịp thời đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, AloBacsi mời BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Nguyên Trưởng khoa Dịch vụ 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 2, online giải đáp các thắc mắc về bệnh sởi: Cách phát hiện, phòng ngừa và làm sao để tránh lây bệnh khi chăm sóc bé bệnh sởi. Với các bé chưa từng tiêm phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ, thì nên phòng ngừa thế nào...


Buổi tư vấn hấp dẫn ngay từ những câu hỏi đầu tiên

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Thanh Thảo - TPHCM

Đầu năm, kính chúc bác sĩ Thanh và AloBacsi thật dồi dào sức khỏe và duy trì những chương trình tư vấn hết sức thiết thực và bổ ích.

Thưa bác sĩ, đọc báo những ngày qua, vợ chồng em rất hoang mang không biết làm sao để phòng ngừa bệnh sởi cho 2 cháu nhỏ trong gia đình (từ 4 tuổi đến 3 tháng tuổi).

Em nghe nói sởi lây qua đường hô hấp, cụ thể qua không khí. Vậy có cách gì phòng ngừa? Nếu bé nhà em đã chích ngừa sởi thì khả năng ngừa bệnh là bao nhiêu % ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Xin chào bạn,

Sởi là một bệnh phổ biến gây ra bởi virus, đặc trưng của bệnh là phát ban và thường khởi phát từ 7 đến 14 ngày sau khi bị nhiễm virút, bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp và các dịch tiết từ họng qua hắt hơi hay sổ mũi, và dễ biến chứng nặng.

Phòng ngừa bằng chích ngừa đầy đủ hai mũi thì khả năng bảo vệ là 98 % nhưng nếu trẻ chỉ chích một mũi thì khả năng bảo vệ chỉ khoảng 80 % mà thôi.


FB Trung D.

Thưa bác sĩ, do chuyển nhà, làm thất lạc sổ chích ngừa của bé, gia đình tìm mãi chưa ra, xin hỏi bác sĩ, giờ không nhớ bé đã chích ngừa chưa, có nên cho bé đi Pasteur chích lại không ạ?

Chích nhiều hơn có độc hại và ảnh hưởng gì đến bé (4 tuổi). Có cách nào để biết bé đã chích đủ các mũi phòng sởi? Có thể xét nghiệm máu để biết không ạ?

Mong bác sĩ cho lời tư vấn, trân trọng cảm ơn ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn,

Nếu đã chích ngừa rồi hoặc không nhớ là đã chích đủ hay không hoặc là chưa chích vì mất sổ thì tốt nhất là chích lại. Không hề gì nhé bạn.


Lý Thu Uyên – uyen790...gmail.com

Chào bác sĩ, nhờ bác sĩ giải thích chích ngừa sởi chung trong mũi 6 trong 1 hay là nên chích riêng ra cho chắc ăn? Chích bao nhiêu mũi là đủ ạ? Bé 10 tuổi, không nhớ đã chích hay chưa, giờ có thể đi chích ở đâu? Mũi chích sởi gọi tên là gì? Thuốc ngoại hay Việt Nam, chi phí là bao nhiêu? Chích bao lâu có tác dụng phòng bệnh? Gia đình xin cảm ơn và chúc mừng năm mới bác sĩ ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Bạn Uyên thân mến,

Thuốc chích ngừa 6 trong 1 không có bệnh sởi bạn nhe.

Hiện nay thuốc chích ngừa có nhiều loại phổ biến là thuốc chích ngừa sởi riêng lẻ như Rouvax hay thuốc ngừa Sởi - Rubella MRVAC của Việt Nam phối hợp công nghệ Nhật sản xuất.

Theo nhiều nghiên cứu loại vắcxin này có hiệu quả bảo vệ đến 95 % ở trẻ em, đáp ứng miễn dịch sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tiêm vắcxin, tình trạng sức khỏe, chất lượng vắcxin và kĩ thuật thực hành tiêm chủng.

Ngoài ra có thuốc ROR của Pháp và MMR II bao gồm vaccin ngừa Sởi-Quai bị-Rubella.


FB CCo L.

Sau khi hết sởi bao lâu thì chắc chắn là hết khả năng lây lan ạ? Cháu lớn nhà tôi bị sởi, tôi phải đưa bé nhỏ đi nhà ngoại gửi. Nay cháu lớn bớt hẳn, khỏe, ăn lại bữa rồi. Khả năng lây cho em còn không ạ? Bao lâu thì an toàn, không còn khả năng lây bác sĩ ơi?

Ngoài ra, cách bồi dưỡng cho cháu sau một đợt bệnh sởi ạ? Kính nhờ bác sĩ tư vấn thực đơn bồi bổ sức khỏe.

Cảm ơn bác sĩ Thanh nhé ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn,

Hết sởi, hết ho, hết hắt hơi sổ mũi là hết lây lan vì sởi lây qua đường hô hấp nhất là giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn khởi phát.

Cháu nhỏ cần phải tiêm ngừa sởi liền, nếu chưa chích đủ 2 mũi.

Bồi dưỡng cho cháu bằng trái cây, súp thịt cá nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu, tránh chiên xào nặng bụng.



BS Thanh hào hứng giải đáp thắc mắc của bạn đọc
BS Thanh hào hứng giải đáp thắc mắc của bạn đọc

Ngọc Mai - Quận 11

Kính chào Alobacsi, tết này em có cho con về chúc tết bên nội, bé có qua nhà hàng xóm có người bệnh sởi chơi. (Sau này em mới biết nhà bên đó có người bệnh sởi phải nhập viện và đã khỏi). Em lo quá. Không biết, con em có bị lây không? Bệnh sởi lây qua hình thức nào? Làm sao để biết chắc chắn là bé không bị lây bệnh ạ?

Em có nên cho bé đi kiểm tra sức khỏe hay có thể chích ngừa lúc này? Em rất mong bác sĩ tư vấn giúp em ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào em,

Bệnh sởi rẫt dễ lây qua đường hô hấp. Nếu có nghi ngờ tiếp xúc với nguồn lây thì nếu em chắc chắn con em đã tiêm đủ 2 mũi rồi thì không phải lo lắng gì. Nếu không chắc chắn thì em phải tiến hành chích ngừa liền trong vòng 72 giờ.


Trần Minh Vy - TPHCM
 
Hôm qua AloBacsi có nhắc đến bài “Sởi quay lại, thế giới run sợ” tôi đọc mà cũng thấy lo lắng. Nó làm tôi nhớ đến mùa dịch sởi năm 2014. Con đầu nhà tôi năm đó cũng dính bệnh sởi, may mắn là không vấn đề gì.
 
Nay con thứ tôi cũng đang trong độ tuổi này nên tôi muốn hỏi vì sao trẻ em thường mắc bệnh sởi? Bệnh này lây qua đường nào? Những biến chứng có thể xảy ra nếu không phát hiện và điều trị kịp thời?

 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Bạn Minh Vy thân mến,

Trẻ em thường mắc sởi vì chích ngừa không đầy đủ, nhất là có 1 bộ phận phụ huynh từ chối chích ngừa vì lầm tưởng chích ngừa có hại cho hệ miễn dịch của con họ, do đó virus không triệt tiêu được hết nếu như trong cộng đồng chỉ có khoảng 75% người được chích ngừa. Chích ngừa vừa để bảo vệ cho con em chúng ta, vừa để bảo vệ cộng đồng, triệt tiêu virus gây mầm bệnh.

Có một dạo trên các trang mạng có hội các bà mẹ chống lại chích ngừa vì họ chưa thấy biến chứng của trẻ bị bại liệt, ho gà, bạch hầu, viêm não… Chính vì sự lơ là chích ngừa và sự khan hiếm vắc xin mà dẫn đến xảy ra dịch bệnh sởi năm 2014. Và hiện nay ở châu Âu dịch sởi cũng trở lại sau một thời gian người ta lơ là với vắc xin chống sởi.
 
Đường lây truyền và biến chứng bạn có thể xem các tư vấn trên của tôi.
 

Hoa Quế - Đồng Nai
 
Bác sĩ ơi, thời gian ủ bệnh sởi là bao lâu? Bệnh này chỉ gặp ở trẻ em hay người lớn cũng bị ạ? Nếu người lớn cũng mắc sởi thì triệu chứng có khác gì so với trẻ em không ạ, có dấu hiệu đặc thù nào khác không? Một người sau khi hết bệnh sởi thì có còn khả năng lây lan cho người khác không, thưa bác sĩ?
 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Thời gian ủ bệnh từ 7-14 ngày. Bệnh này gặp chủ yếu ở trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên lứa tuổi nào, kể cả người lớn cũng có thể mắc phải. Người lớn mắc sởi triệu chứng cũng tương tự như trẻ, đau nhức toàn thân nhiều hơn và có thể nhiễm thêm những bệnh cơ hội khác như: lao, vi trùng - virus khác.
 
Một người sau khi hết bệnh sởi, hết giai đoạn ho, sổ mũi hắt hơi thì khả năng lây cho người khác là rất thấp.


Nguyễn Lan Anh - TPHCM

Đi chung thang máy với người bệnh sởi có khả năng bị lây không ạ? Nếu người bị sởi hắt hơi và bấm thang máy thì mình cũng dùng chung bảng điều khiển thang máy có khả năng bị lây? Hoặc đi chung thang máy với người bị sởi là thở chung bầu không khí đó, có dễ bị lây bệnh?

Vì cùng tầng chung cư nhà em, có người bị sởi, con em còn bé quá, mới hơn 1 tuổi lại đi chung thang máy 3 lần, nên em cũng căng thẳng, lo lắng. Kính nhờ bác sĩ tư vấn cách cho em bảo vệ con em tốt nhất.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn Lan Anh,

Nguyên nhân gây bệnh sởi:

- Lây qua đường hô hấp

- Lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện

- Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở môi trường ngoài.

Bệnh sởi gây ra do siêu vi sởi. Bệnh này hay lây khoảng 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân.

Giai đoạn viêm long: người bệnh chảy nước mũi hắt hơi, ho sốt trước khi hồng ban xuất hiện có thể lây bệnh. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…

Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh.

Một khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.


Nhật Huy – nhatthu...@gmail.com

Bác sĩ ơi, em nghe nói bệnh sởi chỉ bị 1 lần trong đời và sau đó không bao giờ bị lại phải không ạ? Như vậy, chồng em đã từng bị sởi có thể chăm sóc cho em chồng đang bị sởi mà không lo bị lây lại. Có đúng vậy không bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Bạn thân mến,

Đúng vậy sởi nếu đã bị 1 lần là không mắc lại. Trừ khi lần đầu không phải là sởi mà là nhiễm siêu vi, sau sốt có thể phát ban.


Luyến Ngô – kitty...@gmail.com

Thông thường bệnh sởi có thể tự hết? Những ca bệnh sởi thế nào dễ bị biến chứng? Biến chứng của bệnh sởi nguy hiểm thế nào ạ?

Người lớn tuổi hay trẻ em thường mắc hơn? Người lớn bị sởi có còn nguy hiểm?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Xin chào bạn,

Thông thường sởi là một bệnh lý tự khỏi không có thuốc điều trị đặc hiệu. Sau khi phát bệnh khoảng 5 đến 10 ngày bệnh tự thối lui. Những người dễ bị biến chứng thường là trẻ nhỏ người già hoặc những người mang bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch.

Biến chứng của sởi thường là biểu hiện ở đường hô hấp như viêm họng viêm Phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm tai giữa đôi lúc có biến chứng thần kinh như rối loạn về tri giác co giật hay liệt, viêm não.

Đối với phụ nữ mang thai nếu bị mắc sởi thì dễ gây biến chứng sẩy thai hoặc sinh non ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do đó nếu phụ nữ mang thai bị bệnh sởi thì nên được chích Immunoglobulins, Kháng thể kháng huyết thanh sởi.

Người lớn bị sởi do không chích ngừa và tiếp xúc với nguồn nay vẫn có thể có những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não.


Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Chào bác sĩ,

Xin hỏi triệu chứng bệnh sởi ở bé. Cách phòng ngừa. Nếu lỡ bị bệnh sởi sẽ trải qua các giai đoạn phát bệnh thế nào? Giai đoạn ủ bệnh là bao lâu? Giai đoạn toàn phát?

Cần kiêng kỵ ăn gì? Bé nên đi khám bệnh ở đâu ạ? Có nhất thiết phải nhập viện? Làm sao để phòng ngừa biến chứng ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Triệu chứng

Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng sau đây có thể xẩy ra:

- Sốt

- Ho khan

- Chảy nước mũi

- Mắt đỏ

- Không chịu được ánh sáng

- Những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik.

- Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau

Diễn biến của bệnh

Sởi biểu hiện trên lâm sàng qua 4 giai đoạn:

- Giai đoạn ủ bệnh:

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày là thời gian từ khi trẻ bị nhiễm virus. Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh.

- Giai đoạn khởi phát:

Giai đoạn khởi phát thường kéo dài 5 đến 15 ngày được đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban xuất hiện.

Nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Nội ban xuất hiện ở khẩu cái cứng hoặc khẩu cái mềm (vòm họng). Hạt Koplik là những hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ. Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng.

Người bệnh thường có ho khan tức ho không có đàm. Đôi khi giai đoạn khởi phát biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi.

- Giai đoạn toàn phát:

Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 đến 48 giờ.

Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, ban thường đứng gần nhau nhưng riêng rẽ.

Trong trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau làm thành những ban lớn hơn, thậm chí từng mảng xuất huyết (sởi đen). Trong thể đặc biệt nặng, ban có thể có dấu hiệu xuất huyết.

- Giai đoạn lui bệnh (giai đoạn ban bay)

Điều trị:

Chủ yếu là điều trị triệu chứng - săn sóc và nuôi dưỡng.

- Hạ sốt: phương pháp vật lí, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol)

- An thần

- Thuốc ho, long đờm

- Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen

- Sát trùng mũi họng: nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…

- Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.

- Khi có biến chứng: viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.

- Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: hồi sức hô hấp

Ở tuổi về hưu nhưng bác sĩ vẫn tràn đầy năng lượng
Ở tuổi về hưu nhưng bác sĩ vẫn tràn đầy năng lượng

Nguyễn Hạnh - TPHCM

Biến chứng đáng sợ nhất của bệnh sởi? Nếu bệnh sởi phát ban, làm sao cho các nốt đỏ mau lặn đi? Có sợ bé bị sẹo? Có phải kiêng nước, không tắm 100%?

Có thể cho bé bôi nước trà hay nước luộc khổ qua cho mát da? Em cảm ơn bác sĩ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn Hạnh,

Biến chứng của bệnh:

- Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản- phổi.

- Biến chứng thần kinh: Viêm não - màng não - tủy cấp, viêm màng não, viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (van bogaert)

- Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam mã tấu (noma), viêm ruột

- Biến chứng tai - mũi - họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai- viêm tai xương chũm

- Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh như lao, bạch hầu, ho gà….

Bệnh sởi không để lại sẹo. Em cũng không cần kiêng tắm cho bé, nên tắm nước ấm và tắm nhanh. 


Đức Việt - tranviet67…@gmail.com
 
Triệu chứng ban đầu của bệnh sởi khi phát ban khác thế nào với những phát ban do nóng rôm hay nóng sốt bình thường, thưa bác sĩ?
 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn,

Bệnh sởi khác với những bệnh lý khác ở chỗ triệu chứng ban đầu là chảy nước mắt nước mũi nhiều, sau đó có thể có những hạt trắng ở niêm mạc má gọi là dấu hiệu Koplik rất điển hình của bệnh sởi. Đến giai đoạn toàn phát thì phát ban sẽ nổi từ 2 tay, mặt, đi xuống thân và chân, rất đặc trưng của bệnh sởi.
 

Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

 
Bác sĩ Thanh ơi, làm sao phân biệt các nốt phát ban của sởi và sốt siêu vi? Các triệu chứng sau khi nốt phát ban lặn là gì?
 
Cháu nội tôi 9 tháng tuổi, vừa rồi bị sốt đến 39 độ C, bác sĩ nói sốt siêu vi, giờ sau khi ban lặn thì cháu bị ho. Liệu sau khi sốt siêu vi thì cháu nhà tôi còn bị sởi nữa không bác sĩ?

 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn,

Để phân biệt các nốt phát ban của các bệnh lý thì phải khám toàn diện, không thể chỉ nhìn một hồng ban rời rạc để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, phát ban sởi sau khi biến mất thì sẽ có những vết vằn đen thường gọi là vằn da hổ (da beo) khắp người, rất điển hình.
 
Sau khi hết sốt siêu vi thì nếu cháu tiếp xúc với người bị sởi mà chưa chích ngừa thì cũng có thể bị sởi.


Thảo Nguyên - Lâm Đồng
 
Các biện pháp hữu hiệu phòng tránh tốt nhất cho trẻ chưa bị bệnh sởi là gì, thưa bác sĩ? Bôi tinh dầu tràm có giúp ngừa các bệnh lây trong không khí được không ạ?
 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn,

Cách tốt nhất để phòng ngừa khi trẻ chưa bị bệnh sởi là phải chích ngừa sởi. Chích 1 mũi bé chỉ được bảo vệ 75%, chích 2 mũi bảo vệ 95-98%. Nếu bé chưa có điều kiện chích ngừa thì phải cách ly ngay khi có nguồn lây.

Tinh dầu tràm có tác dụng thông khí, kích thích các huyệt đạo trong cơ thể nhưng không diệt được virus.
 
 
Nguyễn Thị Thanh Uyên - 28 tuổi, TPHCM
 
Tôi đã từng mắc sởi lúc nhỏ. Tôi có 2 con. Cháu lớn 4 tuổi đã tiêm sởi đủ 2 mũi vào lúc 9 tháng và 18 tháng, giờ tiêm thêm mũi sởi, quai bị, rubella được không và như vậy đã an toàn với sởi chưa?
 
Bé nhỏ 8 tháng, tôi đã từng mắc sởi, vậy bé có được truyền miễn dịch từ mẹ không, thưa bác sĩ?

 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Bạn Uyên thân mến,
 
Cháu lớn nhà bạn có thể tiêm nhắc mũi sởi-quai bị-rubella.

Cháu nhỏ vẫn phải chích sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng cho dù mẹ đã từng bị sởi.


Trần Minh Nhiên - 32 tuổi, Q.1, TPHCM
 
Con tôi 29 tháng tuổi, nặng 12,5 kg, đang bị mắc sởi và ở giai đoạn bắt đầu tan dần ban sởi từ vùng mặt. Cháu hiện giờ rất yếu, mặc dù đã được chăm sóc rất kỹ.
 
Theo toa của bác sĩ tôi đã cho uống vitamin A 50,000 UI /ngày, 3 viên vitamin C liều cao và kháng sinh, chăm sóc vùng mắt và mũi hàng ngày, xin các bác tư vấn cách chăm sóc từ giai đoạn này.

 
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Phác đồ điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế: Trẻ phát hiện mắc bệnh sởi, cần được uống ngay vitamin A theo liều sau:
 
Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị (IU)/ngày x 2 ngày liên tiếp.
 
Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị (IU)/ngày x 2 ngày liên tiếp.
 
Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị (IU)/ngày x 2 ngày liên tiếp.
 
Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
 
Cách chăm sóc: bạn có thể tham khảo các tư vấn trên.
 

Lê Đức Trí - TPHCM
 
Vì sao bệnh sởi là cứ đến hẹn lại lên vậy bác sĩ? Con tôi 28 tháng tuổi nhưng chưa chích ngừa sởi lần nào. Nếu bây giờ chích thì hiệu quả miễn dịch cao hay không? Sau khi tiêm ngừa bao lâu thì thuốc mới có tác dụng?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào bạn Trí,

Sởi trở lại là do không chích ngừa đầy đủ trong cộng đồng. Cháu 28 tháng tuổi chưa chích ngừa sởi thì bây giờ phải được chích ngừa. Sau khi tiêm ngừa khoảng 4-6 tuần thì cơ thể mới được bảo vệ (tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng cá thể).

BS nán lại, chia sẻ thêm về những dự định sẽ làm cho cộng đồng trong tương lai
Cuối buổi, bác sĩ nán lại, chia sẻ thêm về những dự định sẽ làm cho cộng đồng

 
Trần Ngọc Thảo - gửi câu hỏi qua Fanpage AloBacsi
 
Thưa bác sĩ,
 
Con em mới 7 tháng tuổi, chưa đủ tuổi tiêm vacxin sởi. Trước tình hình bệnh sởi tái xuất như hiện nay, em có nên cho bé tiêm vacxin phòng ngừa trước hay phải đợi cho đến khi bé được 9 tháng tuổi ? Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ, xin cảm ơn bác sĩ.


BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Chào em,

Nếu em đang trong vùng dịch bệnh hoặc cháu đang đi nhà trẻ, tiếp xúc nhiều với trẻ khác thì nên chích ngừa luôn, em nhé.
 
 
Nguyệt Lê - Gia Lai

BS Thanh ơi,

Nhờ BS hướng dẫn cho em cách cho ăn và lau mình mẩy khi bé bị sởi với ạ. Em có 2 nhóc, 9 tháng và 7 tuổi ạ. Em cảm ơn BS!
 

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Nguyệt Lê thân mến,

Chăm sóc, lau mình mẩy cho bé như bình thường, tránh dùng nước lạnh, nên giữ ấm, em nhé.

* Chân thành cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Thanh đã dành buổi chiều mùng 8 tết tư vấn cho bạn đọc AloBacsi.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X