Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh tư vấn "Suyễn và các bệnh về hô hấp"

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1 - BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) tiếp tục tư vấn cho bạn đọc AloBacsi, chủ đề "Suyễn và các bệnh về hô hấp" ở trẻ nhỏ.

Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em nhưng trên thực tế, việc chẩn đoán hen ở trẻ em thường bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này hạn chế hiệu quả điều trị, khiến cho trẻ thường xuyên bị lên cơn hen, phải nhập viện...

Chiều thứ tư tuần này (6/7) Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.com và Phòng khám Đa khoa Bảo Ngọc tiếp tục mời BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Nội 1 - BV Nhi Đồng 2 - một trong những bác sĩ giàu kinh nghiệm trong chữa trị bệnh Nhi, tư vấn trực tuyến cùng bạn đọc với chủ đề "Suyễn và các bệnh về hô hấp" ở trẻ nhỏ.


Những tuần qua, bạn đọc AloBacsi đã có dịp được giao lưu cùng BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh với 4 chuyên đề Phòng bệnh cho trẻ khi bước vào mùa nắng nóng, Tiêm ngừa ở trẻ, hai bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyếtdị ứng ở trẻ nhỏ. Ở buổi tư vấn tuần này, BS Thanh sẽ giúp bạn đọc nhận biết dấu hiệu trẻ bị bệnh hen, làm gì khi trẻ lên cơn hen, chăm sóc trẻ bị hen... và phòng ngừa các bệnh hô hấp ở trẻ.

Buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo với BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh diễn ra từ 15g-17g chiều thứ tư, 24/6.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TUYẾN


Bạn đọc: Ngọc Huyền - TPHCM

Kính chào BS!

Em năm nay 32 tuổi, em mới sinh con trai đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ. Lúc nhỏ em có bị bệnh suyễn nhưng đến lúc có chu kỳ thì em hết suyễn. BS cho em hỏi vậy con em có bị suyễn hay không, em nghe nói là suyễn bị di truyền. Con em hôm nay là được 6 tuần nhưng cháu đã bị ho và khò khè rồi.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2 

Chào Ngọc Huyền,

Hen suyễn là bệnh lý mạn tính của phế quản có vai trò tham gia của các tế bào và thành phần tế bào, biểu hiện bằng ho khó thở do co thắt phế quản khi gặp phải 1 số tác nhân gây dị ứng, hay do vận động hoặc do cảm xúc,…

Suyễn có thể có yếu tố di truyền và có suyễn không do di truyền. Nếu ba và mẹ bị suyễn thì con chưa chắc đã bị suyễn, khả năng 50/50 và còn phụ thuộc nhiều yếu tố môi trường như thời tiết, nấm mốc, khói thuốc,…

Có những trẻ ba và mẹ đều không bị suyễn nhưng do tác động của những yếu tố môi trường, thức ăn, hóa chất, bệnh nền như trào ngược da dày thực quản,… trẻ cũng có thể bị hen suyễn.

Trẻ trai thì khả năng mắc bệnh suyễn nhiều hơn trẻ gái.

6 tuần tuổi bị khò khè và ho, bé nhà bạn cần phải loại trừ bị nghẹt mũi, khi đường thở bị bít tắc trẻ có thể khò khè, nên cần phải nhỏ mũi và làm thông thoáng. Ho là phản xạ của tre để tống đàm nhớt ra khỏi vùng hầu họng, là phạn xạ tốt để bảo vệ trẻ. Nên giữ ấm ngực cho trẻ và nhỏ mũi cho trẻ, nếu vẫn không hết thì phải đến BS để khám phổi và cần loại trừ hội chứng trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ.



Bạn đọc: Be Bong - bongb…@gmail.com

Thưa BS Thanh,

Bé nhà cháu năm nay 6 tuổi, từ nhỏ cháu đã hay bị mắc bệnh về đường hô hấp đặc biệt là ho kiểu dị ứng (hay ho về đêm) và mỗi lần ho là dẫn đến khò khè khó thở. Những lần như thế cháu đều cho đi khám BS có cho uống kèm kháng sinh, nhưng khoảng 1 năm nay cháu tự cho uống thuốc ở nhà.

Nếu ho khò khè khó thở thì cháu cho con uống thuốc giãn phế quản brycanyl hoặc nếu thấy ho kích ứng thì uống thuốc kháng viêm colergis và kèm thuốc ho từ thảo dược thôi ạ. Cháu cho uống thế liệu có ảnh hưởng gì không ạ? Mong BS tư vấn giúp, cháu cảm ơn nhiều ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2 

Xin chào bạn,

Theo như bạn mô tả có nhiều khả năng trẻ bị hen (hay suyễn). Đặc trưng của hen là có thể khởi phát đột ngột sau khi tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng, trẻ có thể ho khò khè và nặng hơn là khó thở. Và khi được xông khí dung hay hít Salbutamol (ventoline) thì trẻ cảm giác dễ chịu nhờ tác dụng giãn phế quản của thuốc.

Điều trị hen suyễn không cần kháng sinh trừ khi trẻ bị bội nhiễm sốt cao, đàm xanh, v.v… Brycanyl là chất giãn phế quản nên khi uống vào sẽ thấy bớt ho do làm giảm co thắt. Tuy nhiên đó là thuốc, không nên tự ý dùng thường xuyên.

Hen suyễn điều trị chủ yếu là dự phòng, chỉ dùng khí dung dạng hít là có thể điều trị. Nặng hơn BS sẽ cho thuốc uống hay hít dự phòng (Corticosteroids hay Montelukast). Tùy từng bệnh nhân, BS sẽ có phác đồ điều trị. Bạn đừng nên tự điều trị vì hen có thể khởi phát đột ngột và nặng.


Bạn đọc md…@yahoo.com

Chào BS,

Con em năm nay 38 tháng tuổi, do ngày trước lúc 2 tuổi bé bị viêm phổi nên bây giờ mỗi lần bé ho nhẹ thì bệnh cũng ở mức nặng. Đi khám thì BS kết luận là viêm phế quản phổi. BS cho em hỏi bệnh này có thể khỏi dứt điểm được không hay chỉ là tạm thời khỏi trong thời gian nhất định. Xin cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Nếu trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại thì việc cần làm là chẩn đoán xem trẻ có khả năng bị hen không và trẻ có bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay không. Hiếm hơn có trẻ bị dị tật bẩm sinh ở phổi.

Bé cần phải được chẩn đoán chính xác thông qua thăm khám và làm các xét nghiệm như X-quang, siêu âm hay CT ngực. Nếu là viêm phổi thì có thể hết được và cần loại trừ những yếu tố gây nguy cơ bệnh phổi như môi trường sống, trẻ không được bú mẹ, không chích ngừa đầy đủ…


Bạn đọc: An Hiên - Long An

Chào BS!

Bé nhà em thở khò khè di khám tại bệnh viện nhi đồng 1 TPHCM, bị viêm phế quản sau khi chụp X quang BS bảo bé bị nhão cơ hoành phải, nhập viện khoa nội tổng quát 2 và được cho siêu âm thì không thấy bất thường.

Bé được điều trị viêm phế quản chích 8 mũi kháng sinh và BS khám phổi của bé tiến triển tốt và được xuất viện và thấy bé cũng bớt khò khè sau 2 ngày chích thuốc. Về nhà bé lúc thì khò khè lúc không, tối ngủ không nghe bé thở khò khè.

Như vậy bé cần phải phẫu thuật không, bé được 7 tháng ạ. Xin nói thêm lúc 1,5 tháng bé bị viêm phổi. Mong BS trả lời sớm dùm.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2 

Xin chào An Hiên,

Nhão cơ hoành ở trẻ sơ sinh có thể điều trị nội khoa nếu không gây khó thở. Thoát vị hoành thì phải mổ cấp cứu.

Nhão cơ hoành ở trẻ nhỏ thường do bẩm sinh, dễ gây viêm phổi. Để tránh bị viêm phổi trẻ cần cho bú mẹ, giữ vệ sinh môi trường, tránh lây bệnh cho trẻ, vệ sinh tay trước khi chăm sóc trẻ và chích ngừa đầy đủ, điều trị trào ngược nếu có.


Bạn đọc Thạch Hoàng - hoangthach…@gmail.com

Chào BS,

Bé nhà em 2 tuổi, bé thường hay ho vào ban đêm. BS chuyên khoa hô hấp kết luận bé bị tăng phản ứng phế quản và có kê cho bé uống Singulair 4mg trước khi đi ngủ, và một loại thuốc có tên thành phần Mekocetin 0.5mg uống sau ăn sáng. Ngoài ra còn một lọ thuốc nữa mà em không nhớ tên nhưng có công dụng làm long đờm.

Qua mấy ngày uống thuốc em thấy bé đỡ ho hơn vào ban đêm nhưng chỉ được vài ngày bé lại ho. Nói thật với BS bé nhà em tháng nào cũng đi khám ít nhất là khoảng 2 lần nhưng tình trạng ho của bé không khỏi hẳn mà hay tái phát. Em không biết phải làm sao, mong BS tư vấn giúp em.


BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn Hoàng,

Mekocetin là thuốc kháng viêm betametrahon, Singulair là chất montelukast điều trị trong hen. Nếu sau khi dùng bé giảm thì nhiều khả năng là bé bị hen, nên điều trị dự phòng bằng khí dung hoặc buồng đệm. Bạn nên đến phòng khám suyễn của BV Nhi đồng để được tư vấn.

Bạn đọc Nguyễn Mai Anh - Bắc Giang

Chào BS Thanh,

Cháu thường khó thở - thì hít vào - sau bữa ăn tối (khoảng 19-20, 21h) thỉnh thoảng sau bữa ăn trưa. Đôi khi đang ăn được 1 lúc thì cháu kêu đau bụng (âm ỉ). Đi khám BS kết quả chụp tim phổi bình thường, xét nghiệm máu

calci total 2,31; Giới hạn: 2,20 Bình thường 2,70mmol/L

canxi ion 0,97mmo/L Giới hạn: 1,00 Bình thường 1,27

HGB 115g/L;

MCV 84,3fL.

BS cho uống Ronalamin (calcium laclate 500mg) 2 hộp; Hemopoly (phức hợp sắt)1 hộp và yêu cầu thêm liệu pháp tâm lý. Cháu uống Hemopoly bị buồn nôn nên gia đình cho dừng lại.

Sau đó bệnh có giảm nhưng đến nay đã 4 tháng vẫn không khỏi mà có vẻ thường xuyên hơn. Tiền sử cháu hay bị viêm phế quản, amidan (khoảng 4lần/năm), đại tiện ít (2 ngày 1 lần), phân hơi rắn; cháu ăn ngủ bình thường.

Mong BS tư vấn giúp chúng tôi hướng khám và chữa trị. Cảm ơn BS nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn Mai Anh,

Các thông số đều ở trong giới hạn bình thường, hen thường khó thở khi thở ra. Cháu bị khó thở khi hít vào, có thể do chướng ngại vật phía trên cần nội soi thanh quản hoặc siêu âm tuyến giáp để loại trừ. Nếu cháu có khó thở khi hít vào, đồng thời khàn tiếng và sốt thì là viêm thanh quản.

Nếu cháu đau bụng thường xuyên ngoài việc xổ giun cần làm thêm xét nghiệm soi phân. Cháu nên uống nước nhiều và ăn nhiều chất xơ để đi đại tiện mỗi ngày.


Bạn đọc Lê Thu Huyền - lehuyen…@gmail.com

BS ơi cho em hỏi,

Con nhà em hơn 4 tuổi. Cháu sinh non nên ngay từ khi sinh cháu thường xuyên bị về đường hô hấp. Cụ thể là bị ho, sổ mũi, viêm phế quản tháng nào cũng phải dùng kháng sinh, đi khám BS nói bị viêm A. Thậm chí có tháng bị tái lại tới 2 lần. Nếu không dùng kháng sinh thì bệnh sẽ nặng lên.

Em rất lo lắng vì con em phải dùng kháng sinh quá nhiều mà không khỏi dứt điểm. Xin BS cho em lời khuyên, trường hợp của con em liệu có nên cắt hoặc nạo VA cho cháu không? Em xin cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Thu Huyền thân mến,

Nếu trẻ bị ho sổ mũi thường xuyên phải dùng kháng sinh mỗi tháng thì có thể do VA quá phát cần phải nạo. Bạn nên đến BS Tai mũi họng để được chỉ định. Có 1 cách rất hiệu quả đó là dùng nước muối sinh lý để vệ sinh cho cháu hằng ngày.


Bạn đọc Đinh Thị Huệ - Bình Thuận

Con của cháu được gần 20 tháng tuổi. Hôm cháu sốt vào bệnh viện nhi đồng II chẩn đoán là cháu bị nhiễm đường hô hấp + viêm phế quản. BS bảo là máu của cháu bị rối loạn bất thường (hàm lượng bạch cầu cao). Cách đây 1 tháng vào bệnh viện huyết học xét nghiệm máu có hàm lượng bạch cầu là 13500 (bé mới bị viêm họng vừa dứt được 1 tuần), tiểu cầu và hồng cầu bình thường. BS bảo bạch cầu tăng nhẹ.

BS cho cháu hỏi trường hợp con của cháu có bị bệnh bạch cầu hay không ạ? Chân thành cám ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Khi cơ thể viêm nhiễm, bạch cầu tăng cao để tiêu diệt vi sinh vật gây hại. Có thể nói bạch cầu như những chú lính bảo vệ cho cơ thể. Tuy nhiên nếu bạch cầu cao 40.000 – 50.000 thì có thể gợi ý là bạch cầu cấp.

Trong trường hợp con bạn thì không phải là bệnh bạch cầu, bạn có thể yên tâm. Thông thường sau khi hết bệnh, bạch cầu trở về bình thường. Không nhất thiết phải kiểm tra lại lượng bạch cầu. Tùy theo tình trạng lâm sàng của trẻ mà BS sẽ yêu cầu kiểm tra.


Bạn đọc Ngọc Duyên - Tiền Giang

BS Thanh ơi,

Nhóc em nay được 16 tháng tuổi, bé bệnh viêm phế quản vừa khỏi bệnh, nhưng hiện tại cả nhà theo dõi thì thấy bé hay đổ mồ hôi đầu và chân bé hay bị "lạnh và nhạt màu" chứ không hồng hào như những trẻ khác. BS tư vấn giúp em là bé bị bệnh gì? Em cảm ơn BS nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Ngọc Duyên thân mến,

Sau khi trẻ vừa khỏi bệnh, cơ thể bé chưa hồi phục nên mẹ xoa dầu khuynh diệp ở tay chân cho bé thường xuyên để kích thích các huyệt đạo. Cho uống thêm các vitamin và cung cấp thêm dinh dưỡng cho bé, nếu bé vẫn không ăn, cảm thấy mệt mỏi thì phải đi khám lại vì có thể bệnh chưa hết hoặc có vấn đề gì khác.


Bạn đọc Nguyễn Xuân Dũng - Thái Bình

Chào BS,

Tôi muốn hỏi cho con trai tôi được 11 tháng tuổi, cháu bị viêm họng sau đó thành viêm phế quản. Tôi đưa cháu đi chữa 2 lần ở BS tư nhân. Kết quả 2 lần cháu đều khỏi viêm phế quản mà họng không khỏi.

Xin BS có thể giải thích cho vì dùng kháng sinh mà phế quản khỏi họng lại không là sao ạ? Cảm ơn AloBacsi.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Viêm phế quản hay viêm họng có thể do siêu vi hoặc vi trùng. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi nhiễm trùng. Nếu viêm phế quản đã được cải thiện mà họng vẫn còn viêm đỏ thì cần loại trừ trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, nên cho cháu ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nước nhiều và theo dõi nhiệt độ. Nếu không sốt, trẻ ăn uống bình thường thì không có gì lo lắng.


Bạn đọc Ha Phuong - ms…@yahoo.com

Thưa BS,

Bé nhà em lúc được 1 tháng 5 ngày bị lây cúm có triệu chứng thở khụt khịt, ngày t2 bé nghẹt mũi hơi ho và sốt nhẹ, khi cho đi khám thì BS nói là viêm phế quản và cho thuốc uống, ngày t3 bé bị nặng hơn hắt xì liên tục và sốt, đi khám BS bảo là bị chuyển sang viêm phổi và cho tiêm kháng sinh, ngày t4 vẫn ko thuyên giảm và đổi liều kháng sinh nặng hơn và mỗi ngày tiêm 1 mũi, sau khi tiêm 5 mũi xong thì bé cũng đỡ hơn.

Nguyên nhân bé bệnh là do bị lây cúm từ ông nội, em khẳng định được là do 3 ngày sau khi bé bệnh em cũng bị lây từ bé, nhưng đi khám BS lại ghi là viêm phổi sinh lí vậy có đúng hay không, và khi tiêm kháng sinh có cần thử máu hay không, và có phải viêm phổi sinh lí thì mẹ cũng bị lây từ bé hay không, và thời gian phát bệnh là nhanh hay chậm, vì gia đình em bảo nguyên nhân là do em không có kinh nghiệm chăm em bé, vì em nghĩ nếu do em thì tháng đầu bé đã bị rồi, mong BS cho em lời khuyên.

Và em muốn hỏi thêm là bé sơ sinh thở có phải gọi là thở nhũ nhi hay không? Chân thành cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Trẻ sơ sinh dễ bị lây nhiễm từ người lớn hoặc không bị lây nhiễm nhưng bé bị trào ngược cũng có thể gây ra viêm phổi. Khi viêm phổi thì điều trị kháng sinh uống nếu không giảm thì mới tiêm. Rất nhiều yếu tố tác động để bé bị bệnh chứ không phải do chăm sóc hay lây nhiễm đơn thuần.


Bạn đọc Đoàn Thị Mai - Đà Nẵng

Nhờ chuyên gia tư vấn giúp:

Tôi có 1 cháu được 20 tháng tuổi. Cháu thỉnh thoảng có bị viêm phế quản khi trở mùa. 2 lần viêm phế quản gần nhất cháu đều đi kèm triệu chứng thở gấp (Thở co kéo lồng ngực và nhịp thở nhanh). BS kết luận cháu bị “viêm phế quản dạng hen”. Chuyên gia cho tôi hỏi, với 2 lần bị viêm phế quản gần nhất đều kèm khó thở như vậy thì tình trạng của con tôi ở mức độ nặng hay nhẹ?

Tôi có thể cho uống thuốc hen P/H hàng ngày được không (Kể cả khi cháu không bị viêm phế quản) để dự phòng khi bị viêm phế quản thì cơn khó thở tái phát. Và cháu dùng khoảng mấy tháng là được?

Con tôi chỉ bị thở gấp khi bị viêm phế quản 2 lần gần đây thôi, trước đó cháu cũng bị viêm phế quản nhưng không thở gấp. Còn bình thường thì cháu không có hiện tượng khó thở hay ho về đêm gì cả. Mong chuyên gia hồi âm.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Bạn Mai thân mến,

Nếu như cháu được chẩn đoán viêm phế quản dạng hen và sau khi được xông khí dung tình hình khó thở được cải thiện và bé không sốt kèm theo thì rất nhiều khả năng là hen. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác thì cần theo dõi thêm và nên lưu ý điều kiện khởi phát cơn khó thở của trẻ: Sau khi chơi đùa nhiều, sau khi tiếp xúc với thức ăn như hải sản, mèo, chó hay bụi, khói…

Để chẩn đoán hen (suyễn) thì cần phải theo dõi cháu thêm nữa và không nên cho cháu uống thuốc hen H/P hằng ngày để dự phòng. Vì dự phòng hen là tránh những tác nhân có thể khởi phát như trên và dự phòng bằng thuốc xông khí dung hoặc bù đệm chứ không uống thuốc.


Bạn đọc Ngan Vu - ngang…@gmail.com

Con em cháu được 23 tháng tuổi nhưng cháu chỉ nặng có 9.8kg, đêm ngủ cháu hay giơ chân lên rồi đập mạnh xuống giường, hay lăn lộn ngủ không ngon giấc, và rất nhiều mồ hôi trộm. Cháu rất hay bị viêm họng, viêm amidan, 1 tháng bình quân cháu cứ ốm đến 2 lần.

Cháu rất hay bị đi ngoài sống phân, cứ cách 2,3 ngày lại bị đi ngoài 1 lần, mỗi ngày đi 3 đến 4 lần phân lỏng và có mùi chua. Em đã cho bé uống rất nhiều men vi sinh nhưng không thấy cải thiện. Trước đây cháu đã có tiền sử bị bệnh tiêu chảy do rotavirut và bênh viêm phế quản cấp.

Trước đây em cho bé đi khám bệnh ở viện nhi TW, BS bảo cháu bị còi xương và cho bổ sung uống thuốc kidecont trong vòng 1 tháng. Em cho bé uống hết 1 tháng rồi ngừng 2 tháng, giờ em lại đang cho bé uống lại có được không? Hiện tại em đang cho bé uống kết hợp với men vi sinh enterogermina liệu có thực sự tốt không. Xin BS hãy cho em lời khuyên để cải thiện tình trạng cân nặng của cháu. Cảm ơn BS nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Bạn nên cho trẻ uống vitamin D mỗi ngày hoặc phơi nắng cho trẻ, có thể uống kèm thêm men vi sinh như kể trên. Ngoài ra nên lưu ý chế độ ăn của cháu phải đầy đủ chất đạm, chất xơ, các vitamin. Bạn nên lưu ý chọn sữa phù hợp lứa tuổi của trẻ.


Bạn đọc: Lê Thị Huyền - Hải Phòng

Con trai tôi được 31 tháng tuổi. Từ bé đến 1 tuổi cháu khỏe mạnh lớn nhanh, 13 tháng cháu đi nhà trẻ rồi bị viêm phổi, điều trị tại bệnh viện trẻ em 10 ngày (vừa tiêm vừa uống thuốc) và từ đó cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp và mẩn ngứa về đêm, xanh xao, gầy yếu. Cháu hay bị ho khan kèm theo khó thở.

BS chẩn đoán bị viêm phế quản và cho cháu uống Cefixim 100 (ngày uống 2 lần, mỗi lần 2/3 viên), kèm theo thuốc chống dị ứng, thuốc dãn phế quản và thuốc long đờm, cháu đỡ rất nhanh, thường mỗi đợt điều trị từ 6-10 ngày là BS cho dừng thuốc.

Nhưng chỉ sau 2-3 ngày, tối đa là 10 ngày cháu lại bị tái lại, lại đi khám, lại cũng uống những thuốc ấy. Đêm nào cũng vậy cứ từ 1 – 3 giờ sáng là cháu bị ngứa, toàn thân nổi một lớp thô ráp, thỉnh thoảng nổi mề đay từng mảng dày nên thường xuyên bị mất ngủ.

Gia đình đã đưa cháu đi khám ở trung tâm da liễu Hải Phòng, BS lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm nhưng âm tính, cho thuốc uống nhưng cháu không đỡ, khám ở BV Nhi TW (vì đi xa nên khi cháu dỡ thì mới dám đưa cháu đi) thì BS bảo hiện cháu không bị viêm đường hô hấp, không có triệu chứng lâm sàng, BS cho làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang và kết luận cháu không sao cả nhưng về Hải phòng cháu lại bị các hiện tượng trên.

Xin hỏi BS như vậy cháu bị bệnh gì và cách điều trị như thế nào? Cháu phải đi khám ở bệnh viện nào ạ? Xin trân trọng cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn Huyền,

Bé bị dị ứng toàn thân và có khò khè, khó thở, nhất là về đêm. Tuy chụp X-quang bình thường cũng không loại trừ được hen, bạn nên để ý những tác nhân khởi phát cơn khò khè hoặc mẩn ngứa, lưu ý nếu trẻ có thiếu máu, thiếu sắt phải điều trị kết hợp, phát hiện bằng cách xét nghiệm máu, định lượng sắt trong máu… Bạn nên đưa đến khám tại BV Nhi TW nhé.


Bạn đọc: Nguyễn Kim Dung - Hà Nội

Xin chào AloBacsi ạ,

BS cho em hỏi bé nhà em 8,5 tháng cháu bú mẹ hoàn toàn từ lúc sinh và ăn dặm từ 5,5 tháng. Cháu rất hay bị viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Có lúc cháu chỉ ho vài lần trong ngày mà đi khám đã vào phế quản hoặc phổi, và cứ ho là cháu khò khè, thở ran rít, sờ tay vào ngực, lưng hoặc hai bên mạng sườn dưới nách là cảm giác rõ tiếng rung khò khè. Cháu ngủ rất hay ra mồ hôi đầu đầm đìa.

Mùa hè thế này em nên chăm sóc cháu thế nào cho phù hợp ạ? Khi nắng nóng có được dùng điều hoà hay quạt cho cháu không và để quạt, điều hoà thế nào cho phù hợp ạ? Có cách nào để cháu bớt bị các bệnh về đường hô hấp không ạ?

Khi cháu bị viêm phế quản và phổi BS hay kê kháng sinh uống và khí dung ventoline kết hợp pulmicort tại nhà. Cháu hay phải xông như vậy BS cho em hỏi có hại gì cho cháu không ạ? Em chân thành cảm ơn BS ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Con bạn có nhiều khả năng bị hen, điều trị dự phòng là chính. Xem xét tác nhân gây dị ứng có thể từ môi trường: bụi, khói thuốc hoặc có thể trẻ bị dị ứng đạm bò, khi bú mẹ hoàn toàn mà mẹ ăn những thức ăn dị ứng thì trẻ cũng bị. Bạn nên hỏi BS nhi của bé về dự phòng bằng pulmicort tại nhà, không để đến lên cơn rồi mới sử dụng.


Bạn đọc: Võ Đức Nghĩa - Ninh Thuận

Cháu nhà em khi mới sinh thì bị nổi mấy cái u như hạt đậu nành trên đầu. Đã ôm đi khám BS bảo là bị kén da đầu và k cho uống thuốc gì bảo đến 2-3 tuổi sẽ hết nhưng đến nay cháu được 6 tuổi nhưng vẫn còn mà dường như cái u đó lớn hơn. Mới hôm qua em kiểm tra thấy nó to như ngón tay và cứng nữa, đụng vào đó thì cháu nói đau và nhột. Cháu vẫn ăn chơi bình thường nhưng rất khó ngủ.

Ngoài ra cũng từ bé giờ cháu bị táo bón đi cầu rất khó khăn và thường bị ra máu tươi mặc dù thường xuyên cho ăn đồ mát và những thức ăn dễ đi cầu. Cũng đã ôm đi Nhi Đồng khám BS nói táo bón cho thuốc về uống nhưng vẫn không khỏi. Uống thuốc 1-2 hôm đầu thì có đi cầu nhưng uống thêm vài ngày nữa thì cũng giống như bình thường từ 4-5 ngày có khi kéo dài 1 tuần mới đi.

Em mới sinh thêm 1 cháu nhỏ cũng là trai dược 5 tháng tuổi. Lúc mời sinh cháu được 3.4kg, 1 tháng đầu cân cháu được 5kg, qua tháng thứ 2 cháu được 5.8kg, qua tháng thứ 3 cháu được 6.2kg rồi sau đó cháu tăng cầm chừng lắm mà người thì nhão ra ít bú. Cháu vẫn chơi và ngủ bình thường nhưng không chịu bú chỉ bú cầm chừng thôi.

Em lo lắng lắm, cũng có cho cháu đi khám thì BS bảo là viêm đường hô hấp trên, cho uống thuốc nhưng vẫn không tiến triển gì (cháu không bị ho hay sốt gì cả vẫn chơi và ngủ bình thường chỉ là ít bú thôi) Mong BS giúp em 2 trường hợp trên với em cảm ơn rất nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Nếu u đau thì có thể thì có thể u bị viêm khu trú, bạn nên theo dõi thêm nếu còn đau và có đỏ xung quanh thì phải điều trị. Bé bị táo bón có thể do chế độ ăn, có thể bị bệnh dài đại tràng. Khám 1 - 2 lần BS không thể biết chính xác được, bạn nên trở lại khám BS chuyên khoa tiêu hóa để được chụp hình có thuốc cản quang để loại trừ bệnh dài đại tràng (megacolon hay hirsprung).

Em bé 3 tháng được 6.2 kg là tốt. Bạn nên kích thích trẻ vận động để tăng trương lực cơ bắp bằng cách xoa bóp tay chân của bé, để bé nằm sấp, ngóc đầu cao, tập cơ cổ, đập tay đập chân.

Lưu ý khi mẹ nuôi bé thì mẹ phải thoải mái về tinh thần, không nên căng thẳng vì khi mẹ căng thẳng, lo lắng bé đều cảm nhận được. Có thể cho trẻ uống thêm vitamin D mỗi ngày.


Bạn đọc: Lê Thanh Thủy Trúc - Long An

Bé bị nổi hạch ở 2 bên cổ, sờ vào lúc đau lúc không, em cho bé khám thì BS chỉ khám sơ qua rồi nói là không sao, lớn lên thì sẽ hết. Nhưng đã 1 năm nay cứ vậy hoài em lo lắm vì trước đây ba của bé cũng bị hạch lympho phải chụp MRI, sinh thiết mới biết được.

Vậy bệnh này có theo di truyền gì không?Liệu bé có bị bệnh giống ba bé không? Bé bị đổ mồ hôi tay, chân nhiều lắm, đã bổ sung thêm vitamin nhiều lần nhưng không thấy bớt. Sức ăn của bé tốt, ngủ cũng tốt. Những cái hạch đó có ảnh hưởng xấu tới sức đề kháng của bé không? bé cũng hay bị viêm họng hay viêm đường hô hấp lắm, mong BS tư vấn dùm. Em muốn khám cho bé để thật chính xác và yên tâm thì phải khám ở đâu?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Nếu bé có hạch ở cổ, hay đổ mồ hôi tay chân bạn nên tầm soát thêm lao: xét nghiệm IDR, VS để loại trừ lao sơ nhiễm.

Thông thường những hạch bạch huyết hơi to khi vùng lân cận có tình trạng viêm nhiễm. Như viêm họng thường xuyên thì các hạch ở cổ hoặc dưới hàm có thể to trong 1 thời gian dài mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Bạn có thể đến BV Nhi đồng 1, 2 để khám hoặc các phòng khám Nhi để khám.


Bạn đọc: Nguyễn Thị Túy Hằng - Q.7, TPHCM

Thưa bác sĩ,

Con tôi đẻ lúc hơn 6 tháng, giờ cháu được 30 tháng mà cháu cao 86cm, nặng 12kg, mắt quầng thâm, ít ăn và chỉ uống sữa, răng mọc đã mọc đủ, lười ăn kinh khủng. Cháu hay bệnh hô hấp, có bệnh lý hen suyễn, khám ở Nhi đồng BS nói không hen suyễn mà viêm phế quản, BS khác lại nói là hen.

Cho tôi hỏi là có cần kiểm tra máu và gan mật cho bé không? Khám dinh dưỡng ở đâu nhanh và tốt? Vì hiện giờ dịch bệnh nhiều, tôi thấy bé chỉ bệnh hô hấp thông thường tôi khám BS nhi đồng 2 mà ở nhà.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Để chẩn đoán hen suyễn (ngoài cơn) không thể khám 1 lần tại phòng khám mà có thể chẩn đoán chính xác được mà đó là quá trình theo dõi của BS và phụ huynh. Nếu cháu đáp ứng những thuốc xông khí dung trong trường hợp khó thở, hay khò khè thì rất có khả năng là hen. Bạn nên cho cháu đi làm xét nghiệm tổng quát.


Bạn đọc: Ngụy Thị Lan - Bắc Giang

Chào BS!

Bé nhà cháu được 4 tháng, 6kg, cháu bị viêm phế quản cháu mang ra BS tư khám uống 2 ngày thuốc nhưng bé vẫn ho nhiều, ho tím tái, mũi ngạt. Cáu mang bé vào viện Nhi tỉnh Bắc Giang khám uống thuốc 5 ngày ho giảm nhưng mũi vẫn tắc, hết thuốc cháu cho bé vào khám lại và thông báo tình hình như vậy BS cho đơn thuốc khác nhưng mũi nhiều hơn và ho cũng lại tăng, giờ là 11 ngày.

hôm qua cháu lại mang ra BS tư nhân (lúc bé được 16 ngày tuổi bé bị viêm phế quản đã uống thuốc 12 ngày thì khỏi) khám thì vẫn là viêm phế quản rồi BS kê thuốc. Cháu cho bé uống từ tối qua đến chiều nay mà vẫn ho, mũi nhiều. BS Thanh cho cháu lời khuyên giờ nên làm thế nào cho mau khỏi bệnh ạ? Cháu cám ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Bạn lưu ý coi chừng bé đã diễn tiến đến viêm phổi, nếu bé vẫn còn sốt và khó thở thì phải kiểm tra phổi bằng cách chụp X-quang. Nếu cháu không khó thở, không sốt chỉ ho, sổ mũi nhiều thì không sao. Bạn cần rửa mũi cho bé tích cực, để bé nằm nghiêng và dùng đồ xịt mũi xịt sau đó hút đàm nhớt ra. Ho nhiều để đẩy đàm nhớt ra, bạn yên tâm, nếu khó thở thì phải trở vào viện.


Bạn đọc: Lê Thanh Huyền - TP Nam Định

Chào alô Bác sĩ,

Con gái cháu đc 1 tháng rưỡi tuổi. Hiện nay cháu bé đang bị ho có đờm đặc + sổ mũi đã 3 ngày nay. Cháu có đi khám BS kê thuốc ho prospan + thuốc nhỏ mũi otrivin + hàng ngày rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Cháu bé đã dùng thuốc ba ngày thuốc mà không đỡ nhiều.

Cháu rất lo lắng sợ rằng để lâu sẽ kéo xuống phế quản và phổi vì con gái cháu đã bị viêm phổi lúc 18 ngày tuổi và phải điều trị bằng kháng sinh 8 ngày. Xin hỏi các BS con gái cháu dùng thuốc như vậy co hợp lý không và nên dùng thêm thuốc nào nữa không? Cháu xin chân thành cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Bạn nên ngưng thuốc Otrivin, chỉ rửa mũi bằng nước muối sinh lý, ngưng luôn thuốc ho Prospan, chỉ cần vỗ lưng hút đàm nhớt cho trẻ. Nếu sau vài ngày không khỏi thì phải kiểm tra lại phổi.


Bạn đọc: Nguyen Son – nguyenson…@yahoo.com

Chào BS Nguyễn Thị Thanh,

Cháu nhà tôi năm nay 6 tuổi, hay bị ốm vặt, ho viêm mũi, phế quản, đêm ngủ bị đổ mồ trộm, có người bảo là cháu bị thiếu vitamin d 3 bon. Tôi có nên cho cháu uống không? Rất mong nhận được tư vấn của BS. Cám ơn nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Cách đề phòng không bị bệnh lưu ý vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, cho bé tập thể dục hoặc bơi lội. Nếu ăn uống đầy đủ mà bé vẫn ốm thì nên cho uống thêm vitamin tổng hợp. Chích ngừa đầy đủ và kiểm tra phản ứng lao tố IDR.

a

Bạn đọc: Tran Hong - hocon…@yahoo.com.vn

Con trai em được 4 tháng 21 ngày, cân nặng 8,3kg cao 65cm, khoảng 4 ngày trở lại đây ban ngày bé ngủ rất ít khoảng 2 giờ đồng hồ, mỗi lần ngủ khoảng 30'. Ban đêm bé ngủ khoảng 8 giờ, đầu hôm thì bé lăn lộn và dỗ mãi thì bé mới ngủ nhưng hay thức giấc, dụi mắt, mũi và lăn lộn mãi mới ngủ lại được. Không gian trong phòng ngủ yên tĩnh không ồn.

Khoảng 10 ngày trước bé bị viêm tiểu phế quản đã khám và uống thuốc ở BV Nhi đồng 1, bé đã khỏi bệnh nhưng còn hơi khò khè, có nước mũi trong. BS có cho chai thuốc aquadetrim vitamin D3 em có cho bé uống hằng ngày, mỗi ngày 1 giọt, uống cho đến nay. Cho em hỏi biểu hiện khó ngủ của bé là do bị gì vậy BS? Khắc phục như thế nào?Em cám ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Khó ngủ ở trẻ nhỏ có rất nhiều nguyên do, có thể do tâm lý (vui nhiều do đùa giỡn trước ngủ, bất an khi phải xa mẹ hoặc môi trường xung quanh ồn ào…) hoặc do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi, nghẹt mũi, dị ứng hoặc nóng nên bạn phải theo dõi và quan sát, tiếp tục uống vitamin D3.


Bạn đọc: Trần Thuý Liễu - HN

Con tôi hiện 4 tháng 8 ngày, được phát hiện có tuyến hung to từ khi 20 ngày tuổi. Cháu thường thở rít và khò khè ngay cả khi không bú. Chỉ vài ngày sau là chuyển sang ho hoặc viêm phế quản co thắt.

Đến giờ cháu đã dùng 2 đợt kháng sinh vào tháng thứ 2 và 4. Trong khi dùng kháng sinh cháu hết khò khè và cũng không thở rít nhưng lười ăn và đi táo (3 ngày /lần có khi hơn). Sau khi hết thuốc cháu lại bắt đầu có đờm và thở khò khè. Nó gần như 1 chu kỳ.

Tôi rất lo vì cháu còn quá bé mà đã phải dùng kháng sinh nhiều. Bé nặng 7kg. Mong BS tư vấn giúp.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Tuyến hung thường nhỏ dần khi trẻ được 5 - 6 tháng tuổi nhưng có trẻ tuyến hung vẫn tồn tại cho đến 1 tuổi. Tuyến hung có thể đè vào các phế quản gốc là bé khò khè nhiều, có thể dùng kháng viêm để điều trị tuyến hung to nếu thực sự cản trở đường hô hấp. Bạn nên cho bé đi khám định kỳ tại BV Nhi TW để được theo dõi.


Bạn đọc: Anh Thư  - Bình Thuận

Bé nhà em cả ngày chơi ngoan, có hơi nghẹt mũi, đôi khi ho vài tiếng. Tối ngủ bình thường. Nhưng sáng dậy nghẹt mũi nặng, ho và ói ra nhớt và đờm. Em xịt mũi nước muối cho bé và cho uống xiro ho Egica. Tình hình bé như vậy có phải viêm phế quản không? Nếu bé không sốt mà cứ tình trạng như vậy có cần đi BV không?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Nếu bé bị nghẹt mũi thường xuyên có thể bé bị viêm mũi dị ứng, bé cũng nên đi khám để được chẩn đoán để có kế hoạch điều trị dự phòng.


Bạn đọc: Đinh Thị Lam - Bình Dương

Con em 14 tháng tuổi, nặng 9.8kg. 3 tuần trước bé sốt cao 3 ngày liên tục em cho bé khám Nhi Đồng 2. BS xét nghiệm máu và chẩn đoán viêm hô hấp có nhiễm trùng. Tái khám 3 lần tổng cộng uống thuốc 7 ngày thì hết sốt.

Em cho bé uống tiếp 3 ngày theo đơn rồi ngưng cho bé uống thuốc theo lời BS dặn. Nhưng 3 ngày sau bé lại sốt trên 38.5 độ C, ngủ thở khò khè, kèm theo ho nên em cho bé đi khám phòng khám Nhi, BS chẩn đoán viêm phế quản.

Em cho bé uống thuốc đều đặn theo chỉ định đến nay trong thời gian điều trị bé không sốt cao chỉ khoảng 37.2 độ, chơi và ngủ bình thường, ăn không nhiều uống sữa bình thường nhưng hiện tượng ho và thở vẫn khò khè ngay cả khi ban ngày lúc đang chơi vẫn thấy chỉ là giảm bớt 1 chút thôi.

Do em không xác định được như vậy là bé đã khỏi chưa do thời tiết hay thay đổi thất thường nên người lớn cũng bệnh chứ nói chi con nít. Bé uống thuốc 1 thời gian đã khá lâu em muốn BS tư vấn dùm tình trạng con em như vậy có nghiêm trọng hơn hay không? Có nên cho bé tiếp tục uống kháng sinh nữa không vì BS khám nói cho con em uống liều nặng nhất rồi? Em đang rất lo lắng, rất mong nhận được hồi âm sớm, em cảm ơn rất nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Nếu bé ăn chơi và ngủ bình thường thì không có vấn đề gì, bạn nên xịt mũi bằng nước muối sinh lý đề phòng ngừa tái phát và uống thêm vitamin. Kháng sinh dùng và ngưng theo chỉ định của BS đã khám cho bé.


Bạn đọc: Trần Châu - chau…@gmail.com

Bé tôi năm nay đã 6 tuổi mà vẫn thường xuyên bị viêm họng (mặc dù tối nào cũng súc miệng, súc nước muối rất kĩ), viêm phế quản, viêm phổi. Cứ ngưng thuốc 1-2 tuần là bé lại ho đờm (không khó thở) và đi khám...

Bé cũng thường bị ngứa nổi mẩn, gãi và bị lở. Khoảng 2 tháng nay đi da liễu khám BS nói bị chàm, uống thuốc thì hết, bỏ thuốc lại nổi và ngứa mặc dù không ăn thức ăn dị ứng. Liệu bé có bị hen?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Chàm có thể do nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do thức ăn, có thể do hóa chất, do tiếp xúc với khói, bụi. Tình trạng khô da cũng làm tăng tình trạng chàm và gây ngứa, do đó sau khi ngưng thuốc thì phải điều trị dự phòng bằng loại kem giữ ẩm cho da.

Bé bị viêm họng, viêm phế quản, viêm hô hấp tái đi tái lại cần loại trừ bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Chàm và hen có rất nhiều liên quan. Nếu bé được sử dụng khám viêm và khí dung hết ngay thì cũng có nhiều khả năng là hen.

a


Bạn đọc: Hoàng Thị Mai - Ninh Bình

Bé nhà em sinh ra nặng có 2,8kg, đến nay đã tròn 1 tuổi nhưng chỉ nặng có 6,5kg. Đợt cháu gần 3 tháng tuổi có bị rối loạn tiêu hóa kéo dài do dùng kháng sinh và thường xuyên bị viêm đường hô hấp, có tháng bị đến 2 lần.

Đợt 10 tháng em có cho cháu ra viện dinh dưỡng khám (lúc đó cháu chỉ được có 5,5kg) và đã được BS cho dùng men tiêu hóa, thuốc tăng sức đề kháng, vitamin D. Sau đợt dùng thuốc cháu tăng được 0,5kg.

BS có hẹn khám lại sau 1 tháng nhưng sau lần khám đó về cháu lại bị ốm do đi đường dài nên em không cho đi khám lại. Xin BS tư vấn giùm em: Em có thể dùng lại men tiêu hóa mà BS đã kê không ạ? Sau bao nhiêu lâu thì có thể bổ sung men tiêu hóa lại cho bé ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào Mai,

Con bạn đã bị suy dinh dưỡng trầm trọng, men tiêu hóa đơn thuần không giúp tăng cân, bạn nên xem lại chế độ ăn của trẻ, liệu sữa uống đã phù hợp hay chưa và cách ăn dặm có đúng hay chưa. Bạn cố gắng sắp xếp để tái khám theo hẹn với BS dinh dưỡng vì những năm đầu đời dinh dưỡng rất quan trọng, ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của cháu sau này.


Bạn đọc: Thanh Lam - Hà Nội

Bé nhà em được 2 tuổi, cân nặng 13kg. Hiện tại cháu đang bị ho có đờm, không sổ mũi, không sốt. Khi ngủ em nghe tiếng thở của cháu không êm, nghe tiếng rít như hít thở sâu, cánh mũi, ngực phập phồng. Cháu thường ho nhiều sau khi ngủ dậy. Cháu đã ho được 3 ngày và em đang cho cháu uống thuốc ho prospan nhưng chưa thấy đỡ.

Cách đây 4 ngày cháu vừa điều trị đợt kháng sinh chữa viêm amidan chấm mủ, không ho. Sau khi dừng uống kháng sinh 1 ngày thì cháu chuyển ho. Khoảng 3 tháng nay từ khi cháu đi học nhà trẻ, cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp cứ 4-7 ngày lại phải uống kháng sinh viêm đường hô hấp: viêm amidan chấm mủ, viêm phế quản.

Xin BS tư vấn giúp về tình trạng ho của cháu, và phải làm gì để giảm tái diễn viêm đường hô hấp? (Thuốc kháng sinh đã dùng: augmentin, cefexim)

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Để giảm tình trạng ho của các bé thì phải giữ sạch môi trường xung quanh trẻ, không để tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy nhiên điều này thì không thể thực hiện. do đó cần tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách chích ngừa đầy đủ và lưu ý vấn đề dinh dưỡng, cho ăn đầy đủ các thức ăn giàu đạm, chất xơ và vitamin. Khi hệ tiêu hoá tốt thì hệ miễn dịch và các kháng thể bảo vệ cơ thể cũng đầy đủ.

Rửa tay thường xuyên, rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý cũng giúp trẻ phòng tránh bệnh hiệu quả. Mỗi ngày ăn trái cây như táo, cam, bưởi, uống nước chanh... cũng giúp cho trẻ tăng sức đề kháng. Bạn có thể cho trẻ uống siro cây lá thảo dược.

Tối đi ngủ cho trẻ uống nước ấm, không ăn quá no đề phòng trào ngược dạ dày thực quản, và thoa dầu khuynh diệp hay dầu tràm dưới lòng bàn chân vài phút để kích thích huyệt đạo.

Nếu viêm amidan mủ phải uống kháng sinh cho đủ liều và tuân thủ thời gian điều trị và cần loại trừ hen ở trẻ bị ho tái đi tái lại.


Bạn đọc: Bùi Nhung - Vũng Tàu

BS cho em hỏi bé nhà cháu được gần 28 tháng bé bị viêm phế quản cứ khỏi dc 2;3 ngày lại lặp lại, có cách nào trị ho dứt điểm và làm như thế nào ạ? Cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào Bùi Nhung,

Nếu bé bị tái đi tái lại thì nên chụp hình phổi để kiểm tra và chẩn đoán loại trừ những bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, viêm phổi, bệnh lý bẩm sinh… Bạn nên tham khảo thêm những cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh về đường hô hấp (mời bạn tham khảo câu ở trên).


Bạn đọc: Ngô Thị Hoa - Hà Nội

BS cho cháu hỏi,

Con cháu đến nay là được 6 tháng 10 ngày. Khi được 1 tháng 3 ngày cháu có bị viêm phổi, phải điều trị 15 ngày ở BV. Sau khi về nhà cháu ho liên tục, đầu tiên chỉ ho 3-4 lần/ngày. Cháu có cho đi khảm thi bị viêm tiểu phế quản, uống thuốc đã khỏi.

Sau đó 1,5 tháng cháu lại bị viêm phổi lần 2, điều trị mất 10 ngày ở BV. Từ khi về cháu vẫn khúc khắc ho. Cháu có làm xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản, chụp phổi, ho gà, xét nghiệm máu, siêu âm tim tất cả đều không có vấn đề gì, nhưng con cháu rất hay bị viêm đường hô hấp trên tái đi tái lại nhiều lần.

Vậy việc con cháu hay bị ho như vậy nguyên nhân tại sao ạ? Con cháu đã uống rất nhiều loại thuốc chỉ đỡ nhưng chưa bao gio hết hẳn, ban ngày cứ khúc khắc ho 4-5 lần. Cháu cần làm gì để tình trạng ho của con cháu khỏi hoàn toàn? Cháu cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn Hoa,

Về vấn đề viêm phổi và ho, mời bạn xem câu trả lời bên trên.

Riêng về siêu âm để tìm trào ngược, tuy kết quả âm tính cũng không thể loại trừ trào ngược, rất ít khi dương tính ở thời điểm BS siêu âm. Do đó để chẩn đoán trào ngược ở trẻ ho tái đi tái lại các BS thường điều trị dựa vào khám lâm sàng và sự đáp ứng thuốc.

Ở nước ngoài có thể đo độ pH thực quản để chẩn đoán chính xác. Vai trò của BS nhi hay BS gia đình rất quan trọng trong việc theo dõi sức khoẻ định kỳ của trẻ để chẩn đoán chính xác bệnh của con bạn. Do đó bạn nên theo dõi thường xuyên tại 1 cơ sở y tế.


Bạn đọc: Dương Bảo Anh - Khánh Hòa

Thưa BS!

Con gái tôi hiện 26 tháng, chiều cao cân nặng 12kg-90cm. Hơn một tháng đây con tôi thường xuyên bị nghẹt mũi, cháu phải thở bằng miệng lúc ngủ cả trưa lẫn tối, giấc ngủ không ngon, đôi lúc cháu kêu ngứa mũi.

Tôi đưa cháu đến những bệnh viện và trung tâm y tế uy tín ở Nha Trang thì đều được chẩn đoán viêm mũi xuất tiết, viêm mũi do dị ứng thời tiết... BS chỉ định cho cháu rửa mũi thường xuyên với Stérima.

Đôi lúc nghẹt quá BS cho xịt mũi với Otrivin hoặc Flixonase, và có uống kết hợp với cả thuốc trị viêm amidan. Tôi cũng đã duy trì cho cháu uống singulair 5 hàng ngày (BS khuyên dùng trong 3 - 6 tháng để phòng ngừa hen suyễn).

BS nói con tôi khoang mũi thẳng, không hẹp, không hen suyễn, không viêm xoang, nói chung không có bệnh lý nặng, chảng qua mũi quá dị ứng với thời tiết nên thường xuyên bị nghẹt mũi, không thở bằng mũi dẫn đến viêm họng, thỉnh thoảng sốt. BS nói không có thuốc đặc trị, chỉ cần xịt mũi là được.

Nhưng tôi theo chỉ dẫn của họ đã hơn tháng nay, con tôi vẫn không đỡ, nhìn cháu ngủ rất đáng thương. Tôi muốn xin BS tư vấn giúp tôi, tôi nên làm gì? Có thể BS cho tôi xin một đơn thuốc nào đó? Tôi có nên đưa cháu vào bẹnh viện nhi đồng ở TPHCM để được chẩn đoán và điều trị tốt hơn? Mong sớm nhận được hồi âm.

Tôi xin chân thành cảm ơn BS. Kính thư.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Bảo Anh thân mến,

Trước tiên bạn nên cho bé đi khám chuyên khoa Tai mũi họng thêm lần nữa để khẳng định cấu trúc về mũi có gì bất thường hay không. Tiền căn gia đình có bị viêm mũi dị ứng hay không, nếu là viêm mũi dị ứng thì điều trị kéo dài. Đầu tiên phải loại trừ những tác nhân có thể gây viêm mũi (thời tiết, bụi, phấn hoa, nấm mốc, khói thuốc…).

Bạn vẫn phải tiếp tục xịt mũi bằng nước muối sinh lý và nếu cần tiếp tục corticoid dạng xịt. Trước mắt bạn có thể dùng Clarityn siro mỗi ngày 5ml để uống. Nếu không giảm thì bạn đưa đến BS để được thăm khám.

a


Bạn đọc: Kim Hoa - lethi…@gmail.com

Xin chào BS,

BS cho em hỏi bé nhà em được gần 10 tháng, nặng 8.5kg đợt trước cháu bị ho đi khám thì BS kê đơn cho cháu uống thuốc Macrocef dạng bột pha hỗn dịch và siro Colergis, cháu uống được 3 ngày thì đỡ và e cho cháu uống thuốc thêm 2 ngày theo chỉ định của BS. Đợt này cháu lại bị khúc khắc ho và chảy nước mũi em cho cháu uống tiếp 2 loại thuốc này vì đợt trước vẫn còn và cháu uống cũng khỏi. Xin hỏi BS em làm như vậy có được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Bé còn quá nhỏ không nên tự ý dùng thuốc, chỉ nên xịt mũi và xoa dầu chàm hay khuynh diệp ở lòng bàn chân, dọc sống lưng cho trẻ. Cho bé uống thêm vitamin D mỗi ngày một giọt.

Bạn nên nhớ khi trẻ ho, sổ mũi đa phần là do nhiễm siêu vi không nên dùng kháng sinh. Ho cũng là phản xạ để bảo vệ phổi ngăn ngừa đàm nhớt xuống phổi, không nên tự động uống thuốc ho. Chúc bé mau hết bệnh.


Bạn đọc: Quang - Khánh Hòa

Chào BS,

Con tôi mới 20 ngày tuổi, từ lúc sinh ra hay thở khò khè, hiện nay thỉnh thoảng hay bị sốt và ho. Đã vào bệnh viện theo dõi nhưng chưa xác định nguyên nhân. BS có thể chẩn đoán bé có thể bị bệnh gì? (Bé vẫn bú mẹ bình thường, bố bé đang điều trị lao phổi - 4 tháng).

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Bé phải được thăm khám, nhất là khi có sốt và cần theo dõi để phát hiện lao sơ nhiễm vì bố bị lao phổi. Mẹ nên tích cực cho bú mẹ.


Bạn đọc: Dung Nguyen - nguyendung…@gmail.com

Thưa BS,

Bé nhà em được 16 tháng từ ngày sinh cho đến bây giờ ngày nào em cũng dùng nước muối sinh lý. Bé nhà em cứ thay đổi thời tiết lại bị viêm họng, nhưng gần đây em đọc các trang mạng lại thấy bảo dùng nhiều nước muối sinh lý không tốt có phải không ạ em đang rất hoang mang xin BS tư vấn giúp?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Nước muối sinh lý bạn dùng mỗi ngày để rửa thì không vấn đề, tuy nhiên bạn không nên dùng khi chai nước ở nhiệt độ thường mà nên xoa trong lòng bàn tay cho ấm trước khi dùng cho bé. Chú ý đầu vòi phải được lau sạch, không nên dùng lại nhiều lần.


Bạn đọc: Anh Tho - proc…@yahoo.com

Chào BS,

Con tôi hiện nay được 2tháng tuổi.cân nặng 5.5kg, chiều dài 58cm. Bé bị ngạt mũi được 1 tháng rồi nhưng không ho va không có dịch mũi, còn bị ọc sữa nhẹ. Bé thường ngạt mũi khi ngủ trưa và tối.

Khi bú thở rất khó khăn vì vậy cháu bú rất kém. Lúc mới bị thì tình trạng ngạt mũi chi kéo dài vài tiếng. Ban ngày thì cháu lại thơ bình thường, càng ngày thời gian ngạt mũi càng kéo dài, rất khó khăn trong khi bú và hay bị sặc sữa.

Tôi có đưa bé đi khám ở nhiều nơi, BS đều bảo bé bị trào ngược thực quản, sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi và cho sử dụng thuốc nhỏ mũi natri 0,9%. Tuy nhiên tình trạng của bé ngày càng nặng hơn. Lâu lâu bé có ho một vài tiếng và nhớn ói.

Gia đình nhà chồng tôi có vài cháu mắc bệnh hen suyễn nên tôi sợ cháu có gen di truyền hen suyễn. Xin BS giải đáp thắc mắc, tôi có nên đưa cháu tới bệnh viện Nhi đồng để khám không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Điều bạn cần làm là nên chia nhỏ các bữa bú để bé không bị trào ngược, vẫn tiếp tục bú mẹ nếu không bú mẹ thì bú những sữa dễ tiêu và dành riêng cho trẻ trào ngược. Bé nhỏ dưới 1 tuổi thì cho dù không có bệnh cũng nên mỗi 2 tháng 1 lần đi khám để theo dõi sự phát triển thể chất và tâm thần vận động của trẻ. Bạn nên đưa trẻ đi khám.


Bạn đọc: Nguyen Vân - nguyenvan…@gmail.com

Cháu nhà tôi được 17 tháng, cháu hay bị ho do thay đổi thời tiết. Đi khám bệnh được bác sĩ kê đơn có thuốc theralene siro. Cháu uống đỡ hẳn, từ đó cứ mỗi lần cháu ho tôi lại cho cháu dùng theralene ngày 2lần mỗi lần 2ml. Cháu khỏi tôi lại dừng.

Tôi dùng như vậy đã 3 tháng vì trong 3 tháng đó cứ thi thoảng cháu lại ho. Tôi dùng như vậy có được không có gây ảnh hưởng gì đến bé vì dùng thuốc lâu dài không?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Theralene siro là siro ức chế phản xạ ho từ trung ương, bạn không nên tự động dùng cho trẻ. Bạn có thể dùng thuốc ho thảo dược.


Bạn đọc: Trần Kiều Hạnh - An Giang

Chào BS,

Con cháu được 40 tháng, mỗi lần bé khóc thì bé ít chảy mũi, nhưng bị vướng đàm, mổi lần vậy là bé hay ho (trong ngày ho vài tiếng à) nhưng ho rất khó khăn, do kéo đàm, ho dữ lắm thì có thể ra đàm. Lúc bé bị vậy thì tối ngủ hơi khó thở, khò khè, sáng mà bé có ho hay khóc là bị ói ra nhớt (ói ra nhớt lúc bình thường thì bị ít hơn lúc bệnh).

Em cho bé uống thuốc này (curam quick tab 625mg, acemuc 200mg,kẽm gluco mỗi ngày 2 lần), mổi lần uống 3-5 ngày là hết bệnh.

Nhưng khoảng 3 tháng nay, trẻ hay khóc nên bị hoài khoảng 3-4 tuần là bị nên em cho uống theo toa trên. Cho em hỏi thuốc đó bé uống vậy hoài có sao không? nếu toa thuốc không phù hơp, em mong BS tư vấn lại giúp em. Cám ơn BS nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Curam là kháng sinh, bạn không nên tự động dùng, chỉ dùng khi bé sốt cao, có tình trạng nhiễm trùng nặng. Nếu bạn không nên đi khám được thì chỉ nên dùng thuốc ho thảo dược.


Bạn đọc: Đào Thị Hiền - Bắc Giang

BS Thanh cho em hỏi,

Bé nhà em hiện được 4.5 tháng tuổi, bé bị đi ngoài khi 1.5 tháng, phân khi thì hoa cà hoa cải khi thì toàn bọt + nước bé đi dặn khó khăn ngày đi 7-8 lần. Bé vẫn ngoan bình thường, em cho uống lần 1: men tiêu hóa thuốc trị tiêu chảy cấp dạng xi rô, bé không khỏi mà đi phân thi thoảng có dây máu + bị ho nhiều.

Em cho xuống bắc Giang khám họ cho lần 2: thuốc đông phân + thuốc bổ sung kẽm (BV nhi Bắc Giang) + thuốc chữa viên phế quản bé ăn ít lên em ngưng thuốc.

Rồi em đi khám tư ngta cho lần 3: thuốc chữa lỵ bé đi phân sệt ngày 4-5 lần nhưng hết thuốc là phân lại nhiều nước không khỏi phân bé chuyển có nhầy mũi thi thoảng có dây máu.

Em cho uống lần 4: sữa enfamil cho trẻ đi ngoài bé đi ngày 4-5 lần phân sền sệt có ít nhầy nhưng bé bị hăm đỏ cả bẹn em ngưng sữa thì hết không khỏi.

Em đi khám viện huyện người ta cho uống lần 4: supertrim + men tiêu hóa nhưng bé không khỏi, ăn rất ít, vẫn đi ngoài toàn nước và nhầy, khi thì màu vàng khi thì màu xanh, thi thoảng có dây máu.

Như vậy bé nhà em bị làm sao ạ? Em phải làm gì để chữa khỏi cho bé?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2

Chào bạn,

Tốt nhất bạn nên ngưng hết thuốc 2 ngày và đi làm xét nghiệm phân lại xem có hồng cầu, bạch cầu hay không, nếu cháu không sốt mà vẫn có đi tiêu phân đàm hoặc máu có thể là trẻ bị tình trạng lỵ hoặc dị ứng đạm bò.


a
Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) và Phòng khám đa khoa Bảo Ngọc đã hỗ trợ nhiệt tình để hoàn thành buổi tư vấn trực tuyến cùng bạn đọc AloBacsi.


--------------

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X