Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh tư vấn: Anti vắc xin, đúng hay sai?

Sáng 15/3, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - nguyên trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2 TPHCM chia sẻ ngọn ngành về hệ miễn dịch, hoạt động của vắc xin trong cơ thể, kháng thể từ đó, làm rõ vấn đề: "Anti vắc xin - đúng hay sai?".


NỘI DUNG TƯ VẤN

Vắc xin gồm những loại nào, thưa BS? Khi được tiêm vào, vắc xin hoạt động như thế nào trong cơ thể chúng ta?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Hiện nay có 7 loại vắc xin chính :

   Vắc xin sống, giảm độc;
    Vắc xin bất hoạt;
    Vắc xin vô bào;
    Vắc xin giải độc tố;
    Vắc xin cộng hợp;
    Vắc xin DNA;
    Vắc xin vector tái tổ hợp.

Vắc xin hoạt động thế nào?

Miễn dịch chủ động của cơ thể được tạo ra khi cơ thể được tiêm vắc xin. Vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và làm quen với các tác nhân gây bệnh được sử dụng trong vắc xin. Sau một thời gian tiêm vắc xin, khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể người đã được tiêm vắc xin thì hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra và ngay lập tức sản sinh ra các kháng thể để chống lại tác nhân đó.

s
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh vừa kết thúc chuyến công tác hôm qua, sáng nay đến văn phòng AloBacsi để online trả lời chủ đề nóng: anti vắc xin. Ảnh: Hồng Nhung

Nhờ BS phân loại các vắc xin thông dụng đang lưu hành tại nước ta vào các nhóm vắc xin nêu trên.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Cụ thể, 8 loại vắc xin bao gồm:

Vắc xin Adacel: Phòng 3 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-1077-17; do Công ty Sanofi Pasteur Limited (Canada) sản xuất.

Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ (DPT): Phòng 3 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-965-16; do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVCA) (Việt Nam) sản xuất.

Vắc xin Tetraxim: Phòng 4 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-826-14; do Công ty Sanofi Pasteur S.A (Pháp) sản xuất.

Vắc xin Pentaxim: Phòng 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, bệnh do Hib); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-991-17; do Công ty Sanofi Pasteur S.A (Pháp) sản xuất.

Vắc xin ComBE Five (Liquid): Phòng 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bệnh do Hib); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-1040-17; do Công ty Biological E. Limited (Ấn Độ) sản xuất.

Vắc xin Diptheria, Tetanus, Pertussis, Hepatitis B and Haemophilus Influenza type b Conjugate Vaccine Adsorbed: Phòng 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bệnh do Hib); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-1109-18; do Công ty Serum Institute of India.Pvt.Ltd (Ấn Độ) sản xuất.

Vắc xin Hexaxim: Phòng 6 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt, bệnh do Hib); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-1076-17; do Công ty Sanofi Pasteur S.A (Pháp) sản xuất.

Vắc xin Infanrix Hexa: Phòng 6 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt, bệnh do Hib); số giấy đăng ký lưu hành: QLVX-989-17; do Công ty GlaxoSmithKline Biological S.A (Bỉ) sản xuất.

Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vacxin phòng các bệnh: Lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella… Trong đó, 8 loại đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nghiên cứu sản xuất vacxin đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Trung bình phải cần tới 8-12 năm để cho ra đời một sản phẩm vacxin. Trong số những dự án khoa học và công nghệ đang triển khai thực hiện, có nhiều dự án đã đạt được kết quả bước đầu như: Nghiên cứu phát triển sản phẩm vacxin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, nghiên cứu phát triển sản phẩm vacxin Hib cộng hợp, nghiên cứu phát triển sản phẩm vacxin bại liệt bất hoạt,…

d
BS Thanh cho biết, Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vacxin phòng các bệnh: Lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella. Ảnh: Hoàng Long

Thưa BS, trào lưu anti vắc xin bắt đầu từ khi nào và khởi đầu từ đâu? Phải chăng đây là mở rộng của việc khuyến khích con người sử dụng sản phẩm organic, thuận tự nhiên, cũng có cái lý của nó phải không ạ?

Là một người mẹ, nếu con của BS còn nhỏ, BS có lung lay chút nào với xu hướng anti vắc xin? BS có cho con chích đủ các mũi phòng ngừa bệnh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979.

Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh Uốn ván sơ sinh, số ca mắc Bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do Sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc Ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho vắc xin MMR thì tiết kiệm được 21 USD.

Các nghiên cứu chi phí - hiệu quả  khác cũng cho thấy tiêm chủng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho y tế.

Mặc dù có những bước tiến đáng kể như vậy, nhưng việc tiêm chủng cũng gây nhiều tranh cãi và trên thế giới đã từng có những thời kỳ tỷ lệ tiêm chủng giảm. Tại Vương quốc Anh, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh những năm 1970 do những lo ngại của người dân về phản ứng sau tiêm chủng liên quan đến vắc xin ho gà. Khi tỷ lệ tiêm chủng giảm còn 30%, số mắc ho gà tăng vọt từ 2.000 -8.000 ca mỗi năm lên 100.000 ca, nhiều trường hợp tử vong và nhập viện. Sau 2 vụ dịch lớn và các chiến dịch truyền thông về nguy cơ và lợi ích của tiêm chủng, người dân đã dần tin tưởng vào công tác tiêm chủng tỷ lệ tiêm chủng sau đó đã tăng tới 95% vào giữa thập kỷ và kết quả là số ca mắc Ho gà giảm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử.

Tại Việt Nam, thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Việt Nam đã thanh toán Bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ Uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh Bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần. Việt Nam là quốc gia đã đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.


Một số bậc cha mẹ nhất quyết không cho con tiêm ngừa bởi suy nghĩ “vắc xin chứa những thành phần gây độc hại”, lấy dẫn chứng là những trường hợp tai biến mà họ cho rằng do vắc xin gây ra. BS có ý kiến thế nào về việc này?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt cả con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh. Bởi chỉ khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 95% trở lên, nó sẽ tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng thấp như hiện nay không đủ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm, do đó khiến dịch bệnh lan rộng ngay khi có trường hợp phát bệnh.

Không cho con tiêm chủng là có tội đối với con và cả cộng đồng. Bạn thử nghĩ nếu con không được chích ngừa bại liệt hay uốn ván, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bị nhiễm bệnh? Hy vọng vào sức đề kháng tự nhiên ư?

Tại các bệnh viện nhi trên cả nước, rất nhiều trẻ đang phải điều trị các bệnh nguy hiểm như viêm não, ho gà, phần lớn trong số đó là các trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Với rất nhiều ông bố, bà mẹ, đó là sự hối hận đến suốt đời, khi con cái phải sống trong di chứng.

s
BS Thanh cho biết: rất nhiều trẻ đang phải điều trị các bệnh nguy hiểm như viêm não, ho gà, phần lớn trong số đó là các trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: Hoàng Long

Nếu đã theo trường phái anti vắc xin, giờ quay đầu nghĩ lại, muốn chích bù cho con, phải làm sao thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Nên tiêm lại từ đầu ở trẻ nhỏ, trẻ lớn thì không cần tiêm vắc xin chống Hemophilus A.


Thưa BS, trào lưu anti vắc xin bắt đầu từ khi nào và khởi đầu từ đâu? Phải chăng đây là mở rộng của việc khuyến khích con người sử dụng sản phẩm organic, thuận tự nhiên, cũng có cái lý của nó phải không ạ? Là một người mẹ, nếu con của BS còn nhỏ, BS có lung lay chút nào với xu hướng anti vắc xin? BS có cho con chích đủ các mũi phòng ngừa bệnh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Trào lưu anti vắc xin có từ lâu rồi. Bắt đầu từ năm 1989, người ta đã phát hiện ra vắc xin. Ở các thế kỷ trước, một số người theo quan điểm của tôn giáo, cứ nghĩ tiêm vắc xin xuất phát từ vật nào đó đưa vào cơ thể thì nó không đúng với tự nhiên. Hồi xưa chích ngừa không đơn thuần như bây giờ, nhiều khi phải tạo thành một cái lỗ ở trên cơ thể, có thể dẫn đến những biến chứng đặc biệt.

Thật sự, phong trào anti vắc xin nổi lên nhiều là sau khi một tạp chí Lancet – tạp chí rất uy tín về y học của Mỹ đăng bài báo của bác sĩ Andrew Wakefied nói về biến chứng của việc chích ngừa vắc xin có thể gây nên bệnh tự kỷ. Kể từ đó, có rất nhiều phong trào chống lại vắc xin do họ nghĩ họ có quyền tự do, muốn chích cho con họ chích thì chích, không chích thì thôi, bên cạnh đó còn có các vấn đề về tôn giáo, quyền nhân đạo…

Tức là có nhiều lý do đưa tới anti vắc xin, nhưng sau khi nhận thấy dịch bệnh bùng phát sau phong trào anti văc xin nổi lên, năm 2011, bác sĩ Andrew bị tước giấy phép hành nghề, rất nhiều ảnh hưởng, tai họa ập đến cho tới tận bây giờ: những dịch bệnh từ những năm 1998, năm 2002 trên thế giới, dịch sởi, dịch cúm…

Ngay tại nước mình những năm gần đây cũng có những hội bà mẹ anti vắc xin rất nhiều để lại hậu quả cho cả bản thân đứa trẻ và cả cộng đồng vì cộng đồng sẽ được bảo vệ nếu tiêm chủng hơn 95%.

Tôi là bà mẹ có hai con, con tôi bây giờ đã hơn 20 tuổi rồi. Lúc mới sinh ra thì các cháu cũng đã được chích ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, có bao nhiêu thuốc chích ngừa thì đều chích hết.

Khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt cả con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa - nguồn internet
Khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt cả con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa - nguồn internet

Một số bậc cha mẹ nhất quyết không cho con tiêm ngừa bởi suy nghĩ “vắc xin chứa những thành phần gây độc hại”, lấy dẫn chứng là những trường hợp tai biến mà họ cho rằng do vắc xin gây ra. BS có ý kiến thế nào về việc này?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Tôi nghĩ số bà mẹ không cho con đi chích ngừa vì sợ tác dụng phụ thì số lượng ít chứ không nhiều. Những bà mẹ này họ nghĩ rằng, con họ bị chích rủi có tai biến thì họ rất sợ. Thông thường thì Việt Nam mình, các bà mẹ rất dễ thương, hay hỏi ý kiến của các bác sĩ thì tôi nghĩ số lượng các bé không tiêm ngừa cũng nhiều nhưng mà không phải chủ yếu từ phong trào anti văc xin này mà còn vì bối cảnh ở nước ta.

Đa số các bà mẹ thiếu hiểu biết về vai trò quan trọng của tiêm chủng cho bé, một số phụ huynh thì quá bận rộn với miếng cơm manh áo, không đưa con đi chích ngừa. Thêm nữa, các bé ở thành thị dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, đến đợt chích ngừa lại quên đi hoặc là các bé đang bị sốt không chích được.

Nhưng cần nhấn mạnh là nên chủ động tiêm ngừa và tôi rất phản đối các bà mẹ chống lại tiêm chủng, bởi vì các anh chị đó không thấy được ở bệnh viện có rất nhiều ca do không chủng ngừa nên các trẻ bị sởi, bị biến chứng, bị quai bị, bị viêm màng não. Có trẻ bị uốn ván, bị bại liệt nhìn rất thương tâm. Có những trẻ nằm trường kỳ trên giường bệnh cho đến ngày tử vong. Có những trẻ hồi phục được nhưng mà suốt đời lãnh bản án như là bị bại liệt hay bại não hoặc những biến chứng vô sinh…

s
MC Mỹ Thi gửi đến BS Thanh câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về trường hợp không nhớ mình đã từng tiêm vắc xin gì thì phải làm sao? - Ảnh: Hồng Nhung

Nhiều người không nhớ rõ thuở bé mình đã được tiêm những vắc xin gì, có nhất thiết phải kiểm tra xem mình đã tiêm phòng những bệnh gì không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Nếu không nhớ rõ thì cũng nên tiêm lại, đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, nhất là phụ nữ trong độ tuối sinh đẻ. Kể cả thanh niên cũng nên tiêm vắc xin vì nước ta vấn đề dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ.
 
Một số người cho rằng, có thể thay thế vắc xin bằng việc bồi bổ cơ thể bằng chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất... để cơ thể khỏe mạnh thì không cần tiêm vắc xin nữa. Trên mạng cũng có thông tin uống nhiều vitamin A sẽ ngừa được bệnh sởi, bởi bệnh này chỉ dễ nhiễm với những ai thiếu vitamin A thôi. Theo BS điều này có hợp lý không? Việc bùng nổ dịch sởi trên thế giới có phải là hậu quả của việc anti vắc xin?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Người ta có thể uống những thực phẩm chức năng, thực phẩm organic hữu cơ để tăng cường sức khỏe, điều này không có gì sai. Nhưng nếu uống cái đó vì nghĩ rằng mình khỏe không cần chích ngừa thì cái này lại là một vấn đề khác. Bởi vì sức khỏe tốt không có nghĩa là sức khỏe có thể chống chọi được tất cả vi trùng gây bệnh.

Khi mà bạn chích ngừa, bạn tạo ra hệ miễn dịch trong cơ thể mình một cách rất đặc hiệu. Đến khi cơ thể gặp vi khuẩn hay vi rút đó thì cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng kháng thể để chống trả lại.

Các bạn không chích ngừa tức là cơ thể các bạn không nhận diện được vi khuẩn đặc hiệu thì làm sao các bạn bảo vệ được, cho dù các bạn khỏe. Nếu các bạn khỏe, thì các bạn sẽ không bị những bệnh lặt vặt, nhưng những bệnh như là uốn ván, viêm màng não, bại liệt hay bạch hầu thì vẫn không thể tránh được.

Và các bạn nên nhớ, khi chúng ta cho con chúng ta chích ngừa, con chúng ta được bảo vệ, cộng đồng cũng được bảo vệ. Do đó, các bạn không chích ngừa cho con, con các bạn không được bảo vệ và cộng đồng cũng không được bảo vệ. Bệnh tật sẽ lây lan rất nhiều, bằng chứng là dịch cúm, dịch sởi trên thế giới đã xảy ra là do trào lưu anti vắc xin.


Trong những bệnh được khuyến cáo tiêm vắc xin, những bệnh nào có xét nghiệm kiểm tra kháng thể để biết mình đã tiêm đủ rồi? Nếu không kiểm tra mà tiêm dư thì có hại gì không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Vắc xin viêm gan siêu vi là có thể kiểm tra định lượng nồng độ kháng thể có đạt hay chưa. Tuy nhiên trong 1 chiến dịch rộng lớn cho cộng đồng thì cũng không cần phải định lượng cho từng cá thể. Vì nếu tiêm đủ rồi tiêm thêm cũng không sao.
 
Ảnh: Hoàng Long
Nếu không nhớ rõ thuở bé mình đã được tiêm những vắc xin gì thì cũng nên tiêm lại, đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Ảnh: Hoàng Long

Cũng trong nhóm các phụ huynh anti vắc xin, một số người đưa dẫn chứng là con của họ không tiêm vắc xin mà vẫn không bị mắc các bệnh lây nhiễm. Theo BS trường hợp này nhiều hay ít, và có thể lý giải như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Nếu các bạn nói các bạn cho con uống thực phẩm chức năng organic, ăn uống lành mạnh, tập thể dục… thì rất là tốt, nhưng thực sự các bạn có dám cho con tiếp xúc với vi khuẩn đó không ạ? Nếu tiếp xúc với vi khuẩn đó rồi mà bé không bệnh thì mới có thể nói là đúng. Nhưng trên thực tế, khi cho trẻ tiếp xúc với vi khuẩn sẽ có nguy cơ mắc bệnh, các bạn nghĩ sao nếu con mình bị bệnh uốn ván, bại liệt và có những hậu quả do việc mình thiếu nhận thức? Như vậy có phải đã làm tàn phế cuộc đời của con hoặc đe dọa đến tính mạng của con một cách vô ích hay không?

Đương nhiên, con các bạn bị bệnh, nóng sốt hoặc nhiễm trùng hay gì đó thì chúng ta không nên cho con chích ngừa nhưng mà bé càng ốm yếu, càng suy dinh dưỡng thì càng phải bảo vệ tốt hơn nữa.


Nếu đã theo trường phái anti vắc xin, giờ quay đầu nghĩ lại, muốn chích bù cho con, phải làm sao, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Câu hỏi này rất hay, khi mà chúng ta lỡ không chích ngừa cho con hoặc chúng ta chích không đủ thì không sao hết, chúng ta chích lại từ đầu.

Tuổi nào cũng có thể chích ngừa, kể cả người lớn chứ không phải những bệnh ở trẻ em mà thôi. Tuy nhiên, có những bệnh người lớn sẽ không vấp phải như chủng ngừa chống lại vi khuẩn Hemophilus A.

Nếu con trên 5 tuổi thì không cần chích vắc xin chống HIB nhưng những bệnh khác như viêm gan siêu vi B, ho gà, bại liệt, viêm màng não thì phải chích, vì viêm gan siêu vi B như các bạn đã biết Đông Nam Á chúng ta thì tỷ lệ mắc bệnh rất nhiều.

Nếu chúng ta được chích ngừa sớm chừng nào thì chúng ta được bảo vệ chừng đó vì đâu có biết 5, 10 năm nữa, bạn có thể nhiễm viêm gan siêu vi B, sẽ có những viêm gan mạn tính và nguy cơ tiến triển thành ung thư gan hay không? Tuy rằng tỷ lệ tiến triển thành ung thư do mắc bệnh viêm gan B không nhiều nhưng vẫn là có nguy cơ.

Ảnh: Hoàng Long
Nguyên trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2 nhắn nhủ các bậc cha mẹ: Các anh chị hãy nhớ, chúng ta yêu con, chúng ta bảo vệ con thì đừng vì thiếu hiểu biết mà chúng ta để cho con mình phải nhận những hậu quả không đáng có do việc từ chối tiêm vắc xin - Ảnh: Hoàng Long

Có thể tiêm ngừa nhiều vắc xin trong một thời gian ngắn được không ạ? Chẳng hạn tiêm 2 loại vắc xin trong cùng 1 buổi chích ngừa?  

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Bạn có thể chích được nhiều vắc xin trong thời gian ngắn, tuy nhiên những vắc xin sống không nên tiêm cùng lúc như sởi và thủy đậu.


Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh có khác với người lớn hay không? Kháng thể truyền từ mẹ sang con sẽ tồn tại trong bao lâu, gồm những kháng thể bệnh gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ khác với trẻ lớn và người lớn, do các chức năng chưa hoàn chỉnh, nên trẻ nhỏ dễ mắc bệnh và cần được chích ngừa. Trẻ mới sanh chỉ có kháng thể IgG vì các kháng thể khác không qua được nhau thai.

Trong quá trình cho trẻ bú mẹ, các kháng thể khác sẽ được bổ sung. Tuy nhiên đến 18 tháng thì hầu như các kháng thể truyền từ mẹ sang con đã hết, và lúc này các trẻ đã có thể tự tạo kháng thể thông qua việc chủng ngừa và khả năng nhận diện kháng nguyên.


Một số trường hợp được tiêm huyết thanh để phòng bệnh, vậy huyết thanh là gì ạ? Khi nào thì tiêm vắc xin, khi nào thì tiêm huyết thanh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Vắc xin là kháng nguyên (là thành phần vi khuẩn hay virus đã bị bất hoạt hoặc chết đi) khi đưa vào cơ thể để hệ thống miễn dịch nhận diện và tạo ra kháng thể.

Huyết thanh là thành phần dịch thể có chứa các kháng thể dịch thể như IgM, IgA, IgD, IgM.
Khi người chưa được chích ngừa (chưa được bảo vệ do không có kháng thể) tiếp xúc với vi khuẩn virus thì sẽ được tiêm huyết thanh như khi bị chó cắn, bé sanh ra ở mẹ bị bệnh viêm gan siêu vi B,... thì sẽ được tiêm huyết thanh cùng lúc với chích ngừa vắc xin.
 

Một số thai phụ thắc mắc: ngày trước các BS khuyên chích ngừa cúm phải đợi 3 tháng mới được có thai, còn bây giờ chỉ phải đợi 1 tháng. Tại sao lại như vậy ạ? Thời gian chờ đợi này nhằm mục đích gì, đợi 3 tháng và đợi 1 tháng thì công dụng của vắc xin với cơ thể khác nhau thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Thai phụ cần tiêm ngừa các bệnh như sởi-quai bị- rubella, thủy đậu, viêm gan B nếu chưa có kháng thể. Sau tiêm ngừa đầy đủ các bệnh trên, 1 tháng sau đó hãy có thể có thai. Đó là thời gian để tạo ra kháng thể.

Riêng tiêm ngừa cúm, có thể để có thai được ngay, thậm chí có thể tiêm ngừa cúm mùa khi đang mang thai. Vì mắc cúm trong thai kỳ đầu dễ gây ra các dị tật.


Những trường hợp nào chống chỉ định tiêm vắc xin, vì sao thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Tùy theo cơ địa và thể trạng của mỗi trẻ mà có thể gặp hoặc không gặp những phản ứng phụ không mong muốn sau khi tiêm vắc xin.

Theo thống kê của các chuyên gia nhi khoa thì cứ 1 trong 4 trẻ tiêm vắc-xin sẽ có những biểu hiện phản ứng phụ với thuốc. Những biểu hiện thường gặp có thể là sốt, sưng tấy, sưng phồng…trên da.

Khi nào không nên tiêm phòng cho trẻ?

- Không nên tiêm phòng cho trẻ khi trẻ đang sốt, trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi ...), trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức, trẻ đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma)...

- Không nên tiêm phòng đối với những trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch màng phổi..., nhất là những trẻ đang mắc bệnh thận mãn tính...

Đối với những trẻ đẻ non, cân nặng thấp, trẻ bị đẻ khó, mẹ bị sốt trước, sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật… cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Đối với những trẻ đang bị ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm".


Trước khi kết thúc buổi tư vấn, bác sĩ Thanh có đôi lời nhắn nhủ với bạn đọc AloBacsi:

“Chúng ta yêu con, bảo vệ con thì chúng ta phải làm hết tất cả vì con, đừng vì thiếu hiểu biết mà để cho con mình phải nhận những hậu quả không nên.

Các anh chị, bà mẹ, ông bà nội ngoại trong gia đình có con, có cháu thì nên cho các cháu đi chích ngừa đầy đủ và đúng theo phác đồ. Nếu như tiêm ngừa thiếu hụt, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chích thêm nhằm bảo vệ bản thân con em chúng ta, vì tương lai gia đình và của cả cộng đồng, xã hội.”

s
AloBacsi trân trọng cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Thanh đã dành thời gian quý báu để chia sẻ ngọn ngành về hệ miễn dịch, hoạt động của vắc xin trong cơ thể, cách thức tạo ra kháng thể, làm rõ vấn đề: "Anti vắc xin - đúng hay sai?". Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo! - Ảnh: Hoàng Long

Thực hiện: Mỹ Thy - Hồng Nhung
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X