Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh tư vấn về bệnh ung thư phổi

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân, BV Nhân Dân 115 sẽ tham gia buổi tư vấn trực tuyến vào chiều 18/7, chủ đề “1001 điều cần biết về ung thư phổi”.

Ung thư phổi thuộc top 10 loại ung thư thường gặp tại Việt Nam, cùng với ung thư gan là 2 loại ung thư “sát thủ” hàng đầu. Gần đây, ung thư phổi xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn và có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ - những người không hút thuốc. Những ca ung thư phổi khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn vì triệu chứng sớm của bệnh này là ho, khó thở, đau ngực… dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác.
Tuy nhiên, ung thư phổi hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chia sẻ với bạn đọc những thông tin mới nhất về ung thư phổi, Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.com trân trọng mời BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân - BV Nhân Dân 115 tham gia buổi tư vấn trực tuyến vào chiều ngày 18/7.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh -Trưởng trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân - BV Nhân Dân 115

Tại buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “1001 điều cần biết về ung thư phổi”, BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh sẽ chia sẻ với bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về phòng tránh và tầm soát, phát hiện sớm cũng như các phương pháp điều trị tân tiến và hiệu quả đối với bệnh ung thư phổi.

Mời bạn đọc có thắc mắc về bệnh ung thư phổi gửi câu hỏi về chương trình để được BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh giải đáp tại buổi tư vấn trực tuyến diễn ra từ 14g - 16g chiều thứ hai, ngày 18/7.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP
Bạn đọc: Đức Phú - Quận 5, TPHCM
Chào BS Nguyễn Ngọc Anh,
Không biết do môi trường không khí ngày một ô nhiễm, hay do ăn uống nhiều hóa chất mà tôi thấy nhiều người bị ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Xin hỏi BS, nguyên nhân gây ra ung thư phổi?
Tôi đọc trên báo VNE, “Theo Bộ Y tế Trung Quốc, số ca tử vong vì ung thư phổi tại nước này đã tăng lên 4 lần trong 30 năm qua. Ung thư hiện trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại thủ đô Bắc Kinh, thành phố luôn chìm trong tình trạng khói bụi mờ mịt”. Vậy môi trường, khói bụi là nguyên nhân chính gây ung thư, phải không bác sĩ?
Hành tinh chúng ta ngày càng ô nhiễm. Theo ông, khi nào nên tầm soát ung thư phổi? Tầm soát bằng phương pháp nào ít độc hại nhất?

Chụp X - quang có làm cho tia X vào người, nếu chưa bị ung thư mà chụp nhiều lần cũng nguy hiểm, có thể thành ung thư? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian tư vấn.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Nguyên nhân ung thư phổi đến nay được chứng minh là hút thuốc lá trong đó có hút thụ động và hút chủ động. Khói bụi không phải là nguyên nhân chính không gây ung thư phổi. Ở những đối tượng nằm ở yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc 1 năm 30 gói, hoặc mặc dù đã bỏ thuốc nhưng dưới 15 năm thì vẫn phải tầm soát. Bỏ thuốc làm giảm yếu tố gây ung thư phổi.

Cho tới giờ phút này chụp X-quang chưa có chứng minh nào cho thấy có thể gây ung thư phổi, nhưng nó có thể là yều tố nguy cơ với bệnh ung thư hệ tạo huyết (ung thư máu, bệnh bạch cầu)...

Bạn đọc: Thành Quyết - Kiên Giang

Thưa bác sĩ,

Từ bao nhiêu tuổi trở lên nên đi chụp X-quang hàng năm để tầm soát ung thư phổi? Có cách nào khác để phát hiện ung thư phổi mà không cần chụp X-quang, như có thể thử máu mà phát hiện bệnh? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Kể cả nam và nữ đều từ 55 tuổi nên tầm soát ung thư. Nhưng hiện nay người ta chuộng phương pháp chụp CT scan liều thấp để tầm soát ung thư phổi hơn X-quang. Phương pháp thử máu không áp dụng cho tầm soát ung thư phổi, bạn nhé.

Bạn đọc: Vân Anh - Hà Nội

Bác sĩ ơi, ung thư hay diễn tiến rất âm thầm. Vậy ung thư phổi có dấu hiệu gì báo trước không bác sĩ ơi? Các triệu chứng báo hiệu ung thư phổi? Khi có dấu hiệu nào đầu tiên cần đi kiểm tra tầm soát ung thư phổi ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Ung thư phổi cũng giống như ung thư dạ dày, ung thư gan - dấu hiệu báo hiệu trước rất “nghèo nàn” thường dấu hiệu báo trước là ho khan kéo dài, điều trị với thuốc thông thường không giảm, ho ra máu nhưng không phát hiện các bệnh lý khác như lao phổi, tổn thương hầu họng thì đó rất có thể là ung thư phổi. Tới lúc đó chúng ta cần phải kiểm tra và tầm soát.

Bạn đọc: Thanh Hà, ngân hàng Đông Á, quận Bình Thạnh TPHCM

Thưa bác sĩ, có bao nhiêu loại ung thư phổi? Em nghe nói chuyên khoa ung thư ở các nước, họ có thể xét nghiệm để biết bệnh nhân đó ung thư do môi trường hay gen. Xét nghiệm đó đã được ứng dụng ở VN chưa?
Hai phác đồ điều trị giữa bệnh ung thư phổi do môi trường và ung thư phổi do gen có khác nhau? Nếu do gen thì anh em ruột của người bệnh có thể tầm soát và đề phòng bệnh từ xa?
Nếu trong gia đình có anh trai bị ung thư phổi thì các anh em khác nên làm xét nghiệm gì ạ? Chi phí có đắt lắm không? Ở BV Nhân dân 115 có nhận làm không, thưa BS Ngọc Anh? Xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe bác sĩ.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Thanh Hà thân mến,
Không có ung thư do môi trường hay do gen mà chia làm 2 loại ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Như vậy, không có xét nghiệm để xác định UT phổi cho gen hay không.
Yếu tố di truyền không đặt ra đối với người nhà bệnh nhân ung thư, nhưng nếu bạn có yếu tố nguy cơ thì nên đi tầm soát. Tại BV Nhân dân 115 có tiếp nhận điều trị ung thư phổi.

Bạn đọc có email: hungthinh…@gmail.com

BS ơi,
Ung thư có nghĩa là thần chết gọi. Xưa nay nghe ung thư, thấy khiếp sợ. Ung thư phổi em thấy “đi” còn nhanh hơn. Có mấy giai đoạn ung thư phổi, thưa BS?

Nếu giai đoạn đầu phát hiện, bệnh nhân có thể sống thêm tối đa bao nhiêu năm? Trung bình bệnh nhân ung thư phổi sống thêm được bao nhiêu năm nếu điều trị tốt ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Ung thư không có nghĩa là thần chết, ung thư biết sớm có thể chữa khỏi, chúng ta biết sớm chừng nào khả năng chữa khỏi nhiều chừng đó.
Ung thư phổi chia làm 4 giai đoạn: I, II, III, IV. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu có thể sống trên 5 năm. Tùy theo giai đoạn bệnh, thể trạng thì thời gian sống sẽ khác nhau.

Bạn đọc có email: phuocthinh11…@gmail.com

Tôi có chứng kiến 2 ca ung thư, người qua Singapore điều trị thì cũng bị ung thư phổi mà sống khỏe 5 năm nay, 1 người điều trị ở VN thì mới hơn 1 năm mà thấy yếu lắm rồi.

Chúng tôi băn khoăn, phương pháp điều trị ung thư của VN hiện có khác những năm trước? Xin bác sĩ cho biết, hiện nay phác đồ điều trị ung thư của VN có theo kịp các nước tiên tiến không ạ? Vì sao nhiều bệnh nhân ung thư ra nước ngoài điều trị đều khỏe mạnh và dường như sống lâu hơn?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Không có chuyện bệnh nhân qua Sing mà bệnh nhân sống lâu hơn, đây là sự so sánh khập khiễng, còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, thể trạng… Hiện tại điều trị ung thư ở VN đã khác trước rất nhiều, đã dần theo kịp với các nước tiên tiến. Ung thư phổi vấn đề phẫu thuật, hóa trị ở VN đã làm rất tốt, không có nghĩa ra nước ngoài điều trị là sống lâu.

Bạn đọc: Cần Phước - Quận 9, TPHCM

Thưa bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh,

Trung tâm ung bướu BV Nhân dân 115 có thể điều trị tất cả các loại ung thư không, thưa ông? Trong điều trị ung thư, máy móc rất quan trọng, hiện nay Trung tâm mình có các loại máy nào để điều trị cho bệnh nhân?

Xin bác sĩ giới thiệu vài nét về nhân sự của Trung tâm ung thư BV nhân dân 115 và thế mạnh của Trung tâm? Trung tâm chuyên trị những ung thư nào ạ?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Bạn Phước thân mến,
Trung tâm ung thư của chúng tôi có thể điều trị các bệnh ung thư ngoại trừ ung thư của nhi khoa và ung thư hệ tạo huyết.
Thế mạnh của trung tâm chúng tôi là các bệnh lý u não, trung tâm có 2 máy gia tốc đa mức năng lượng để điều trị xạ trị cho bệnh nhân ung thư có chỉ định. Một máy CT mô phỏng giúp các điều trị xạ trị mang tính chính xác hơn. Đặc biệt, chúng tôi có một máy Gamma knife thế hệ mới nhất có thể điều trị các bệnh lý ở trên não, đặc biệt u não, dị dạng mạch máu não.
Chúng tôi nhân sự có 12 BS đa phần đã được học ở các trung tâm ung thư, tham gia giảng dạy, tham gia các báo cáo khoa học ở các hội nghị lớn trong nước cũng như ngoài nước.

Bạn đọc: Nguyễn Hòa - TPHCM

Trung tâm ung bướu BV 115, có cập nhật phương pháp điều trị ung thư mới nhất trên thế giới không, thưa bác sĩ? Trung tâm của bác sĩ có hợp tác với trung tâm hay Bệnh viện ung thư nào ở các nước?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Tại Trung tâm Ung bướu BV 115 có cập nhật phương pháp điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Cụ thể chúng tôi đã có sắm được máy PET-CT để tầm soát đánh giá bệnh nhân trong quá trình điều trị cũng như trước điều trị.

1

Bạn đọc: Tấn Trực - Cần Thơ
Bác sĩ ơi, em nghe nói tia xạ rất độc hại. Bệnh nhân ung thư sau xạ trị thì tia xạ theo trong người bao lâu? Người thân trong gia đình chăm sóc có bị nhiễm tia xạ không? Bao lâu thì hết tia xạ độc hại trong người?
Bố em đang đi nuôi bác trai trong bệnh viện. Em không biết mỗi lần bác xạ trị xong, khi bố chăm sóc bác có làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bố em? Mong được bác sĩ trả lời giúp. Cả gia đình em rất lo nhưng ai cũng thương và lo cho bác, anh của bố ạ.
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Đúng tia xạ rất độc hại nếu chúng ta tiếp xúc trực tiếp với chúng còn với người thân chăm sóc ung thư thì không ảnh hưởng, bệnh nhân điều trị ung thư, tác hại của xạ trị cũng rất cao, di chứng của xạ trị rất lâu dài, có thể để lại lâu dài, do đó chỉ định điều trị xạ trị BS cần hết sức cân nhắc xem có đúng hay không. Nhưng khi xạ trị với thiết bị hiện đại ngày nay đã hạn chế tối đa tác hại của xạ trị gây ra, đó là nhờ CT mô phỏng.

Bạn đọc: Nguyễn Hồng Phương - Tiền Giang

Phương pháp xạ và hóa trị khác nhau thế nào, thưa bác sĩ? Vì sao có ca ung thư bác sĩ cho xạ, có ca lại cho hóa trị. Có trường hợp nào vừa hóa vừa xạ trị?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Phương pháp xạ và hóa trị có khác nhau nhưng là 2 phương pháp hỗ trợ nhau để điều trị ung thư. Tùy theo loại bệnh hoặc giai đoạn bệnh thì sẽ có phương pháp hóa trị hay xạ trị, cũng có bệnh nhân tới trễ thì có thể vừa hóa trị vừa xa trị.

Bạn đọc: Tấn Thành -  Cty điện lực Thanh Hóa

Chế độ ăn của người bệnh ung thư đang điều trị xạ trị và hóa trị có cần kiêng món gì đặc biệt?

Có thể uống song song thuốc đông y khi đang xạ và hóa trị không, thưa BS? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Bạn Tấn Thành mến,

Theo tây y đang điều trị xạ trị và hóa trị không cần kiêng nhưng trong quá trình hóa trị xạ trị cần ăn uống đầy đủ vì trong quá trình này bệnh nhân rất mất sức. Với bệnh nhân ung thư thì chúng tôi khuyên không cần kiêng cữ.

Bạn có thể tham khảo thêm, bài tư vấn rất chi tiết của TS.Phan Minh Liêm - Viện ung thư Anderson Hoa Kỳ - hướng dẫn rất kỹ các món người ung thư có thể ăn và không nên ăn:

>> Thay đổi những thói quen nhỏ có thể giảm 2/3 nguy cơ ung thư”

Bạn đọc: Châu Long - Bình Dương

Ông nội em hút thuốc lá thường xuyên, cả nhà ngăn mãi không được. Ông ho nhiều, em nên cho ông đi thử đàm hay chụp X-quang trước? Có cách gì lọc phổi hay có cách gì để phòng chống ung thư phổi cho người nghiện hút như ông em không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào em,

Hiện tại không có cách nào lọc phổi. Đối với ông nội em có tiền căn hút thuốc nhiều như vậy thì nên đi kiểm tra. Em nên cho ông nội đi chụp CT Scan liều thấp để tầm soát sớm ung thư phổi, em nhé.

Chúc ông nội em luôn khỏe.

Bạn đọc Trúc Giang - Phú Yên

Thưa bác sĩ, các bệnh ở phế quản phổi, như sẹo xơ do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi, có khả năng biến thành ung thư không? Chị em là giáo viên, từng bị sẹo do lao phổi, vậy giờ nên làm gì để ngăn ngừa bệnh phổi, bệnh ung thư phổi?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Cho tới giờ phút này chưa thấy sẹo xơ do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi, biến thành ung thư. Có thể do bạn có 2 bệnh cùng 1 lúc mà bạn ngộ nhận.

Bạn đọc: Mạnh Đức - Bình Dương

Thưa BS Ngọc Anh,

Nhà em có ông cậu qua đời vì ung thư phổi và phế quản hồi đầu năm nay. Ông có 3 chị gái cùng cha khác mẹ thì 1 bà đã mất vì ung thư dạ dày, 1 bà nữa cũng mất vì ung thư phổi. Xin hỏi BS, bây giờ các con và cháu của ông nên tầm soát thế nào hay dùng thuốc gì để phòng ngừa ung thư không? Cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Đối với ung thư phổi chưa có yếu tố di truyền, bạn nhé.

2

Bạn đọc có email: nhitruong…@gmail.com

Chào BS,

Em nghe nói ở một số BV tại VN có triển khai đốt u phổi bằng sóng cao tần. Xin BS Ngọc Anh cho biết ung thư phổi giai đoạn mấy có thể áp dụng phương pháp này? Sau điều trị thì nguy cơ tái phát có cao không?

Em cũng có tìm hiểu thì được biết Trung tâm Ung bướu của BV 115 không triển khai phương pháp này, vì sao vậy ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Việc sử dụng sóng siêu âm cao tần vào trong điều trị một số bệnh ung thư đã được áp dụng phổ biến tại VN. Ung thư phổi giai đoạn sớm cũng là 1 cách trong điều trị.

Việc điều trị sóng siêu âm cao tần chưa được phổ biến với ung thư phổi, mà ở trong giai đoạn sớm phẫu thuật vẫn giữ 1 vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư phổi, trừ khi bệnh nhân có những nguy cơ không thể phẫu thuật được thì mới sử dụng sóng siêu âm cao tần. Sau điều trị thì có những tỷ lệ tái phát khác nhau, do đó bạn cần theo dõi thường xuyên ở BS chuyên khoa.

Việc sử dụng sóng siêu âm cao tần thường sử dụng trong u gan tại Trung tâm chúng tôi.

Bạn đọc: Lê Mai – Lâm Đồng

Xin chào BS,

Em đọc trên mạng thấy có phương pháp điều trị ung thư phổi bằng dao đông lạnh, BV 115 có làm kỹ thuật này không ạ? Xin BS giới thiệu thêm về kỹ thuật này, ưu và nhược điểm, thời gian bình phục, khả năng tái phát… sau khi điều trị bằng dao đông lạnh ạ? Cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn Mai,

Dao đông lạnh cũng giống như việc sử dụng sóng siêu âm cao tần, phương pháp điều trị ung thư phổi bằng dao đông lạnh chưa được phổ cập tại VN. Dao đông lạnh thường dùng cho ung thư gan và ung thư tiền liệt tuyến, một số bệnh về não.

Bạn đọc: Mạnh Dũng – Q. Gò Vấp, TP.HCM

Vừa qua các trang báo sức khỏe xôn xao về trường hợp cả nhà bị ung thư gan. Xin hỏi BS Ngọc Anh có gặp trường hợp nào cả nhà bị ung thư phổi chưa? Ung thư phổi có tính chất gia đình không? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chúng tôi chưa gặp trường hợp nào cả nhà bị ung thư phổi, nhưng cả nhà mắc ung thư gan thì thỉnh thoảng có gặp vì ung thư gan do viêm gan siêu vi - nguy cơ gây ung thư gan

Bạn đọc: Bích Hằng – BMT

Chào BS,

Bố em 60 tuổi, ngày xưa bố hút thuốc lá nhiều, mỗi ngày 1 gói. Em động viên bố em đi tầm soát ung thư phổi nhưng bố em không chịu đi. Bố em nói là ông đã bỏ thuốc 10 năm nay rồi mà vẫn khỏe mạnh bình thường nên không cần tầm soát. Em nên nói thế nào để thuyết phục bố em đi kiểm tra phổi ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Em có thể thuyết phục bố rằng phải bỏ thuốc trên 15 năm, hiện tại độ tuổi của bố em cũng nằm trong độ tuổi khuyến cáo của FDA phải tầm soát yếu tố nguy cơ ung thư phổi. Vậy em nên cho bố đi tầm soát, em nhé!
Bạn đọc: Thùy Trang - Gia Lai

Chào BS Ngọc Anh,

Tôi có người chị bị ung thư vú giai đoạn 3, điều trị bằng hóa trị trong 1 năm, nay đã ổn, chỉ cần 3 tháng đến BV lấy thuốc và kiểm tra 1 lần. Chị tôi sinh hoạt bình thường (chỉ hạn chế việc nặng), tóc mọc dài, người ngoài nhìn không hề biết là bệnh nhân ung thư.

Lần kiểm tra gần đây nhất, trên phim X-quang phổi xuất hiện 1 nốt lạ to bằng cúc áo, BS vẫn chưa kết luận. Cả nhà tôi lo lắng chị bị di căn, nhưng cũng rất hồ nghi vì bệnh tình của chị tôi lâu nay đã rất ổn.

Xin BS cho biết, những nốt bất thường ở phổi có thể là cái gì không phải ung thư không? Rất mong được BS Ngọc Anh tư vấn.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Trường hợp của chị bạn nhất thiết phải đi chụp CT Scan để loại bỏ ung thư vú di căn phổi, vì nơi thường di căn nhất của ung thư vú là phổi, rồi đến gan, rồi đến xương, não.

2

Bạn đọc: Đỗ Văn Chung - Q.12, TP.HCM

Chào AloBacsi,
Tôi dạo này ho nhiều, bên cạnh đó vẫn chưa bỏ được thuốc lá và cũng lớn tuổi rồi nên muốn đi tầm soát ung thư phổi. Ông bạn tôi cũng hút thuốc nhưng không bị ho như tôi. Tôi nghe nói có thể tầm soát ung thư phổi bằng X-quang hoặc CT scan. Xin hỏi BS, tôi và bạn tôi nên chọn phương pháp nào, liệu có khi nào cho kết quả dương tính giả không BS? Cảm ơn BS rất nhiều!
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Bạn Chung thân mến,
Bạn có thể làm CT Scan liều thấp. Trong CT Scan có thể có độ sai số nhất định, nhưng khi phát hiện khối u bằng hình ảnh CT Scan để muốn chẩn đoán chính xác ung thư phổi thì cần áp dụng 1 số biện pháp nữa đó là sinh thiết khối u, có thể qua đường xuyên thành ngực, qua nội soi phế quản phổi, qua nội soi lồng ngực…
Bạn đọc: Ngọc Lan- TPHCM
Tôi thấy nam giới là đối tượng thường mắc bệnh ung thư phổi. Vậy nữ giới có nguy cơ mắc căn bệnh này không, BS Ngọc Anh?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Đúng vậy, tỉ lệ nam nữ có thể khác nhau, theo thống kê trên thế giới 2,7 nam thì 1 nữ mắc căn bệnh này. Do đó, nữ giới vẫn có nguy cơ mắc ung thư phổi, có thể do nữ giới có hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với người hút thuốc.

Bạn đọc có email: maichi…@gmail.com
Có phải hút thuốc lá nhiều gây nên ung thư phổi? Tôi không hút thuốc lá thì có nguy cơ bị ung thư phổi không?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi, bạn không hút thuốc nhưng thường xuyên tiếp xúc với người có hút thuốc thì vẫn có khả năng bị ung thư phổi.

Bạn đọc có email: minhduc…@yahoo.com

Xin chào BS, bác tôi mới đây thường xuyên xuất hiện những cơn ho dai dẳng, đôi khi khạc ra đờm có lẫn máu nên gia đình đưa đi khám thì được chẩn đoán là đã bị ung thư phổi giai đoạn 3. Tôi đang thắc mắc không biết là bị ung thư phổi giai đoạn 3 sống được bao lâu? Có chữa được không? Bác tôi 53 tuổi. Xin cảm ơn!
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Bạn có thể cho chúng tôi biết thêm là giai đoạn 3A hay 3B? Nếu giai đoạn 3A thì khả năng sống sẽ cao hơn vì giai đoạn này vẫn còn có thể phẫu thuật được. Còn với giai đoạn 3B thì khả năng sẽ khó hơn nhiều. Thường thì khả năng sống sau 5 năm của giai đoạn 3A và 3B là nhỏ hơn 20%.

Bạn đọc: Phúc Lâm - Lâm Đồng
Xin hỏi BS, ung thư phổi có mấy giai đoạn và ung thư phổi giai đoạn 3 có chữa khỏi được không. Xin cảm ơn!
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,
Ung thư phổi có 4 giai đoạn, giai đoạn 3 chúng ta không nói là chữa khỏi mà phải nói là mốc điều trị thành công ung thư là 5 năm. “Ung thư biết sớm trị lành” là câu khẩu hiệu.
Bạn đọc: Cao Thị Mai Huệ - Cần Thơ

Chào BS Ngọc Anh! BS cho tôi hỏi, người bị bệnh ung thư phổi đã di căn sống được bao lâu?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Bạn Huệ thân mến,

Ung thư phổi thường di căn vào các cơ quan: gan, xương, não… Tùy theo di căn ở mỗi 1 cơ quan mà tiên lượng sống của bệnh nhân sẽ giảm theo chiều hướng khác nhau. Nói chung bệnh nhân di căn thì thời gian sống không quá 1 năm.

 

Bạn đọc: Tuấn Đạt - trandat…@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi hút thuốc được 7 năm rồi không biết có bị ung thư phổi hay không? Có những tác nhân nào gây ra ung thư phổi cao?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Hút thuốc là nguyên nhân gây ung thư phổi, và khi bạn hút thuốc thì nguyên nhân này càng cao, vấn đề là bạn cần phải đi tầm soát bệnh.

Bạn đọc: Hùng Nguyên - nguyenhungtuan…@gmail.com

Có cách nào để phát hiện sớm ung thư phổi không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Cách phát hiện sớm ung thư phổi  là bạn phải đi tầm soát, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ.

4

 

Bạn đọc: Phùng Ngọc Minh Thu - TPHCM

Chào bác sĩ, bác sĩ cho tôi hỏi bị ung thư phổi thì còn sống được bao lâu? Chế độ ăn uống cho người ung thư phổi ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Bạn Minh Thu mến,

Bạn phải nói rõ giai đoạn ung thư phổi của bạn là giai đoạn nào thì mới biết được thời gian sống là bao nhiều. Chế độ ăn cho người ung thư phổi là chế độ ăn nhiều đạm, nhiều chất oxy hóa để tăng sức miễn dịch và tăng cường sức khỏe để bệnh nhân tiếp tục theo đuổi quá trình điều trị.

Bạn đọc: Thành Hưng - THCM

Chào bác sĩ, tôi không có thói quen hút thuốc, nhưng tôi thường xuyên hít phải khói thuốc từ những người xung quanh, không biết như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ? Như vậy có nguy cơ bị ung thư không, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Chắc chắn bạn cũng là một trong những người có yếu tố ung thư phổi vì bạn phải sống trong môi trường có người hút thuốc.

Bạn đọc: Trương Minh Tuấn – tuanminh…@gmail.com

Chào bác sĩ, bác sĩ cho tôi hỏi phác đồ điều trị ung thư mới nhất hiện nay, chi phí điều trị có nhiều không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Phác đồ ung thư mới hiện tại đã có rất nhiều, vấn đề nằm ở chỗ các xét nghiệm của tế bào ung thư, đặc biệt các xét nghiệm về sinh học phân tử có được thực hiện không để từ đó chúng ta biết các đột biến của sinh học phân tử rồi đưa ra các biện pháp điều trị hữu hiệu.

Bạn đọc: Hồng Minh - Long Thành, Đồng Nai

Chào bác sĩ,
Em 30 tuổi, phát hiện K phổi. Em phẫu thuật và hóa trị xong từ tháng 7/2015, đi khám định kỳ 6 tháng vẫn bình thường, không phải dùng thuốc gì nữa. AloBacsi ơi, mang thai ảnh hưởng đến thai nhi, có bị dị tật không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn Hồng Minh,
Bạn không nên mang thai ngay sau giai đoạn hóa trị và xạ trị bởi vì quá trình này đều ảnh hưởng đến gen và do đó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thai (dị tật…). Bạn cần phải xin ý kiến BS chuyên khoa trước khi mang thai.
Bạn đọc: Trần Quang Sáng - sangtran…@gmail.com
Tôi thấy khi mắc bệnh ung thư thì ngoài về tinh thần suy sụp thì kinh tế cũng bị ảnh hưởng rất lớn và có thể sạt nghiệp nếu như chịu đầu tư. Vậy có cách nào để phòng chống xử lý khi bệnh ung thư không chừa một ai bất cứ lúc nào không?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Cách phòng bệnh tốt nhất là bạn nên có chế độ khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các bệnh chứ không chỉ riêng ung thư, bạn nhé.

Bạn đọc: Trịnh Đình Khải - An Giang

Thưa BS,

Mẹ em 70 tuổi. Vừa rồi có khám ở bệnh viện tỉnh. Bác sĩ xác định là bị ung thư di căn biểu mô màng phổi phải. Chẩn đoán có khối u 7cm ở vùng giữa phổi phải. Gây tràn dịch phổi phải 107mm. Hiện tại khi được rút bớt dịch ra thì mẹ em cảm thấy dễ chịu. Ăn uống bình thường. Sức khỏe tạm ổn. Em rất lo cho mẹ, BS ạ.

Em xin hỏi BS là mẹ em có thể phẫu thuật cắt bỏ phổi phải được không? Tỉ lệ thành công là bao nhiêu. Và thời gian sự sống như thế nào. Hoặc dùng phương pháp hóa xa trị thì kết quả như thế nào? Rất mong BS tư vấn giúp em với ạ.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn Khải,

Mẹ bạn bị ung thư phổi, màng phổi đã có di căn (do bởi có tràn dịch màng phổi) thì việc điều trị phẫu thuật không được đặt ra mà lúc này vấn đề điều trị bằng thuốc là quan trọng, còn việc áp dụng phương pháp hóa xạ đồng thời ở trong giai đoạn này chỉ là điều trị các biến chứng do ung thư phổi gây ra (biến chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, biến chứng phù áo khoác, di căn não, di căn xương…).

Bạn đọc: Lê Văn Sang - lesang…@gmail.com

Dạ kính gửi BS,
Xin BS tư vấn cho em về bệnh ung thư vòm họng. Em 26 tuổi, phát hiện và điều trị ung thư vòm họng cách đây 1 năm, em đã xạ đủ liều, tuy nhiên em chỉ băn khoăn là: Em không hút thuốc lá, bia rượu tương đối ít, với độ tuổi này của em đọc báo thấy rất ít gặp? Đối với ung thư vòm họng có thời gian ủ bệnh là bao lâu, em có một đợt suy nhược cơ thể do stress khá nặng (do chuyện tình cảm và công việc) sau đó em phát bệnh? Cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Ung thư vòm họng liên quan hút thuốc và uống bia rượu. Ở độ tuổi của bạn 26 tuổi là còn rất trẻ, tuy nhiên BS nghĩ ung thư vòm họng của bạn có thể có nguyên nhân từ vi trùng HPV.

Stress và suy nhược cơ thể là yếu tố gây suy giảm hệ thống miễn dịch khiến cho các yếu tố nguy cơ ung thư phát triển từ đó gây ra bệnh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh ung thư vòm họng trung bình từ 3-6 tháng, nhưng với một số người cũng có thể là 1 năm.

Bạn đọc: Hùng - Kon Tum
Chào bác sĩ,

Em bị ung thư trực tràng đã phẫu thuật, đi tái khám nội soi sinh thiết, kết quả là loạn sản tuyến mức độ vừa, cái này có phải triệu chứng tái phát lại bệnh không, thưa BS? Em cảm ơn ạ.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Loạn sản tuyến mức độ vừa ở vùng trực tràng thường gặp ở độ tuổi từ 50 trở lên, bạn không cần lo lắng. Bạn chỉ cần quan tâm khi kết quả sinh thiết trả lời ung thư tái phát thì lúc này mới cần điều trị.

5

Bạn đọc: Phạm Nguyễn Minh Đức - Quảng Bình
Bố cháu 53 tuổi. Hôm trước bố cháu đi khám sức khỏe. Kết quả tương đối tốt. Nhưng điều khiến bố cháu lo lắng nhất là kết quả chụp X-quang phổi cho thấy bố cháu có khối u bên phổi trái. Bình thường bố cháu hay sốt về chiều tối và đêm. Ho khạc ra đờm có máu. Đợt ho này kéo dài hơn 1 tháng, và bố cháu đã điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Hiện tại bố cháu vì quá lo lắng nên ăn uống cũng kém hẳn, ngủ không ngon giấc. Vậy nên cháu muốn nhờ bác sĩ phân tích sơ lược giúp cháu xem khối u của bố có khả năng cao là u gì ạ? Chế độ ăn uống ra sao để giúp bố cháu mau hồi phục. Xin cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào cháu Minh Đức,
Muốn biết bố cháu bị u gì vấn đề quan trọng là cần phải làm sinh thiết và cháu phải đưa bố cháu vào BV gần nhất để làm sinh thiết làm rõ chẩn đoán.
Bạn đọc: Trần Văn Hào - Cà Mau
Chào bác sĩ, bác của cháu 52 tuổi, bị ung thư phổi di căn xương và hiện bị liệt từ bụng xuống, không đi lại được nhưng vẫn có cảm giác.
Cháu xin hỏi bác sĩ là bác cháu ngoài quá trình truyền hóa chất (lần 3) thì trong những ngày cách quãng có nên vật lý trị liệu (châm cứu, xoa bóp) để chân hồi phục và có thể tự đại tiểu tiện được không ạ? Vì cháu lo là sau khi truyền hóa chất xong (sau 6 lần trở lên) mới đi vật lý trị liệu xem sẽ mất rất nhiều thời gian ạ.
Cháu hi vọng bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu phương án phù hợp với thể trạng yếu của bác cháu hiện nay ạ. Cháu cảm ơn BS.
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào cháu Hào,

Bác của cháu đã bị ung thư di căn cột sống do đó mới gây liệt từ bụng trở xuống, vấn đề là cháu phải xin ý kiến BS xem có cần xạ trị để giảm bớt các triệu chứng yếu liệt chứ tập vật lý trị liệu không có vai trò, cháu nhé.

Bạn đọc: Trịnh Tuấn - Củ Chi, TPHCM
Tôi đọc trên mạng được biết, biện pháp tốt nhất chữa ung thư là “bỏ đói” tế bào ung thư. Có đúng không ạ? Để “bỏ đói” tế bào ung thư cần làm gì, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Bạn Tuấn mến,
“Bỏ đói” tế bào tương đương với bỏ đói cơ thể, mà bệnh nhân bị ung thư việc cung cấp những chất giàu dinh dưỡng và năng lượng cho bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng để bệnh nhân có thể tiếp tục theo đuổi các biện pháp điều trị. Vì vậy, trong thời gian điều trị ung thư việc “bỏ đói” tế bào là việc nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.
Bạn đọc: Gia Nghĩa - TPHCM
Xin BS cho tôi hỏi điều trị ung thư phổi BHYT hỗ trợ được bao nhiều % nếu đúng tuyến và trái tuyến thì được bao nhiều % ạ?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn,

Bệnh nhân ung thư khi điều trị bệnh BHYT hỗ trợ 80%, trái tuyến 30% cho các loại thuốc cũng như xạ trị.

Bạn đọc: Nguyễn Đức Trung – trungtran…@gmail.com

Bố tôi bị ung thư phổi, đã phẫu thuật tháng 2/2016. Nay đi kiểm tra lại, bệnh đã bị di căn lên não có 3 u. Xin chuyên gia tư vấn giúp bệnh tình của bố tôi và cách điều trị hiệu quả. Bố tôi sống được bao lâu nữa? Xin cảm ơn BS

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn Trung,
Bố bạn phải đi đến những trung tâm ung bướu có máy xạ trị để được điều trị gấp trước khi quá muộn (ví dụ như Trung tâm Ung thư 115).

Bạn đọc: Hoang Thi Du - Cao Bằng

Bố cháu đi khám được kết quả ung thư lưỡi. Cháu thấy bố kêu đau khá lâu khoảng 8-9 tháng rồi. Không biết nếu ở giai đoạn cuối bố cháu còn phẫu thuật được không ạ? Nếu được thì khả năng phục hồi là thế nào ạ?
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Đối với ung thư lưỡi thì tùy vào vị trí ở lưỡi mà phẫu thuật được hay không. Còn bố cháu ung thư giai đoạn cuối nghĩa là đã có di căn thì vấn đề phẫu thuật không đặt ra mà chỉ điều trị bằng thuốc hoặc xạ trị để giảm nhẹ triệu chứng.

Bạn đọc: Phan Thị Huyền - Hà Nội

Tôi bị bệnh ung thư vú giai đoạn T2N0M0. Tôi đã điều trị tại Bệnh viện K3 Tân Triều, kết quả hóa mô Her2 (-) ER(-) PR(-) CK5/6 (+) CD 117(+).
Tôi đã hóa trị 8 đợt và không phải xạ trị. Tôi xin hỏi BS bệnh của tôi có nặng lắm không, phải tiếp tục điều trị như thế nào?

 

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh
Chào bạn Huyền,
T2N0M0 là ung thư chưa di căn hạch, chưa di căn xa thì đây là giai đoạn sớm. Vấn đề tiếp theo bạn cần là theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng với BS chuyên khoa để phát hiện sớm bệnh tái phát và di căn nếu có để can thiệp kịp thời.

Bạn đọc: Thu Ngọc - chuthi…@gmail.com

BS cho cháu hỏi bệnh nhân ung thư đang hóa trị, khi bị cảm cúm thì vẫn uống thuốc trị cảm cúm như bình thường được không ạ? Hay phải uống loại nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Bệnh nhân ung thư vẫn có thể sử dụng thuốc cảm như bình thường, bạn nhé.

w
Trân trọng cảm BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh -Trưởng trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân - BV Nhân Dân 115 đã tham gia buổi tư vấn trực tiếp, giúp tháo gỡ những lo lắng của bạn đọc AloBacsi về bệnh ung thư phổi.

 


AloBacsi.com

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X