Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn: Uống thuốc gì để ngăn ngừa virus HPV tiến triển?

Trong chương trình tư vấn tối ngày 18/6/2019, BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn giải đáp nhiều thắc mắc của bạn đọc về: Thuốc ngừa virus HPV tiến triển, bướu giáp đơn thuần, phẫu thuật dạ dày để giảm béo, tiêm hormone chuyển đổi giới tính...


ZL Van My

Chào bác sĩ,

Hơn 1 tháng trước tôi có quan hệ mà giờ biết người đó bị bệnh sùi. Tôi hiện giờ thì chưa có biểu hiện gì của bệnh, vậy tôi có nên uống thuốc gì để ngừa bệnh không bác sĩ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Human Papilloma Virus (HPV) là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung, sùi mào gà. Hiện tại vaccin HPV có thể giúp cơ thể phòng ngừa được một số type virus gây sùi mào gà, tuy nhiên vaccin chỉ cho hiệu quả tốt nhất ở người chưa phát sinh quan hệ tình dục không an toàn.

Virus HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và có thể tồn tại trong cơ thể người trong thời gian rất lâu trước khi phát triển thành bệnh. May mắn là trong đa số các trường hợp, virus sẽ tự rút khỏi cơ thể người khoẻ mạnh và không gây nên vấn đề sức khoẻ nào.

Khi bạn phát sinh quan hệ với người có sùi mào gà, tức là cơ thể đã phơi nhiễm virus, lúc này chỉ còn trông chờ vào hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tự thải loại virus ra ngoài. Nếu không thể thải loại được virus thì có khả năng nằm ẩn và gây bệnh tại một thời điểm nào đó.

Hiện tại, virus HPV vẫn chưa có thuốc đặc trị, do đó người bệnh thường phải mang virus suốt đời và sẽ tái phát thành nhiều đợt khi sức đề kháng cơ thể yếu đi. Hiện tại cũng chưa có xét nghiệm nào chuẩn xác để xác định chính xác bạn có đang nhiễm HPV hay không, do đó, tốt nhất bạn nên giữ tinh thần thoải mái, giữ sức khoẻ tốt, hạn chế tiếp xúc thêm với nguồn lây là cách tốt nhất để phòng bệnh.

Thân mến!


Đỗ Phương Lan - Hà Nội

Chào bác sĩ,

Cháu năm nay 13 tuổi, đi xỏ khuyên tai được 4 ngày và hôm nay là ngày thứ 4. Cháu thấy lỗ xỏ khuyên có vẻ đã ổn và không bị nhiễm trùng. Hôm nay cháu đã đi ra quán gội đầu và nhân viên gội đầu có quệt tay vào khuyên xỏ của cháu và lỗ có chảy ra ít máu. Song cháu về và không thấy đau nhưng bị sưng. Cho cháu hỏi là liệu như vậy có bị nhiễm trùng không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em Lan,

Vết thương ở tai em chưa lành hẳn, lại gặp chấn động mạnh nên chảy ít máu và sưng nhẹ là bình thường. Em nên tiếp tục vệ sinh hàng ngày như lúc mới xỏ khuyên, nếu thấy có dấu hiệu sưng đỏ lan rộng, mưng mủ hoặc sốt thì nên khám bác sĩ để được kê toa điều trị nhiễm trùng em nhé!

 
Trần Thị Kim Ngân - ngantran...@gmail.com

Con chào bác sĩ,

Con năm nay 24 tuổi giới tính nữ. Dạo gần đây con hay bị hoa mắt, chóng mặt, người hay mệt mỏi, tay chân hay bị tê, rất sợ lạnh và gió, thường phải đắp chăn khi ngủ đêm.

Đặc biệt khi đúng một chỗ lâu hoặc ngồi cúi đầu lâu khi làm việc là chóng mặt, người lâng lâng, chân tê và có nhiều lúc ngất xỉu.

Bác sĩ cho con hỏi có phải con bị tụt huyết áp và thiếu máu não phải không ạ? Nếu tụt huyết áp thì mức độ con mắc phải có nặng và ảnh hưởng đến tim và não không ạ? Con cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Kim Ngân thân mến,

Triệu chứng em mô tả có thể gặp trong nhiều chứng bệnh khác nhau, bao gồm cả thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, rối loạn nội tiết, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể… Mặc dù một số bệnh tim và bệnh lý mạch máu não có thể gặp triệu chứng choáng nhưng mô tả của em không điển hình. Nếu nghi ngờ tụt huyết áp, em chỉ cần thực hiện một khảo sát đơn giản là tới cơ sở y tế gần nhà để đo huyết áp trực tiếp, nếu huyết áp bình thường thì nên tới bệnh viện khám để tìm nguyên nhân khác em nhé!

 
Nguyễn Duy Dương - Bà Rịa, Vũng Tàu

Tôi bị đau vai gáy mỏi xuống cánh tay, chụp cộng hưởng từ thì kết quả bị vẹo cột sống ngực hình chữ S. Như vậy có nên mổ không, nếu mổ chi phí hết bao nhiêu tiền? Mổ có nguy hiểm không? Sau mổ khoảng bao nhiêu ngày thì đứng lên đi được? Xin bác sĩ tư vấn giùm.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Vị trí phổ biến của vẹo cột sống là vùng ngực và vùng lưng dưới. Trong vẹo cột sống ngực có sự biến dạng của cột sống ở đoạn ngực, bị cong về một phía (chữ C) hoặc cong về cả 2 phía (chữ S).

Vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân như do ngồi sai tư thế khi học tập, làm việc ở lứa tuổi học sinh, tật bẩm sinh của cột sống, còi xương, suy dinh dưỡng, lao động nặng quá sớm…

Ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vẹo cột sống ngực nặng còn có thể gây hạn chế chức năng hô hấp, tim mạch, dạ dày.

Nếu cột sống ngực bị vẹo nặng, có thể cần sử dụng phương pháp chỉnh hình cột sống kết hợp với phẫu thuật cột sống để điều trị.

Tuy nhiên, vẹo cột sống ngực không phải là nguyên nhân gây ra đau vai gáy, do đó bạn nên mang kết quả chụp MRI đã có tới khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để bác sĩ đánh gía thêm.

Nếu xác định vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu không can thiệp thì sẽ tư vấn và lên kế hoạch thực hiện cho bạn. Trong bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ từ việc gây tê, gây mê, do can thiệp dao kéo, do đó tuỳ từng trường hợp, mức độ nặng nhẹ mới quyết định phẫu thuật hay không bạn nhé!


Cuc Lai - laith...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Tôi hiện nay 30 tuổi. Hiện đang có kế hoạch sinh con thứ 2. Nhưng đi khám tại bệnh viện nội tiết TW2, tôi bị bướu thùy phải Tirads 2 kích thước 6mm thì mang thai có ảnh hưởng gì không? Có nên điều trị trước khi mang thai hay không? Và nếu điều trị thì sau bao lâu mới được mang thai. Hiện tôi được kê 2 loại thuốc:

1. Betnapin 80mg (Thymomodulin).

2. Senoxyd - Q10 (Coenzyme, vitamin A D, E, C, selenium).

Liệu uống 2 loại thuốc này thì có thể mang thai được không? Rất mong được các bác sĩ giải đáp thắc mắc giúp tôi sớm nhất ạ. Xin trân trọng cảm ơn!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bướu giáp đơn thuần khá thường gặp, thông thường là những bướu lành tính, ít thay đổi kích thước theo thời gian và không gây nguy hiểm. Các bướu giáp nhỏ, lành tính, không rối loạn chức năng tuyến giáp thì không cần điều trị.

Với những bướu giáp này, nếu chức năng tuyến giáp qua xét nghiệm máu bình thường, theo dõi mỗi 6 tháng không thấy bướu tăng kích thước thêm thì không có ảnh hưởng gì đến quá trình thụ thai và mang thai. Trong khi mang thai, bứou giáp có thể tăng kích thước một chút nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy gia tăng nguy cơ ung thư trong thai kỳ nên bạn không cần quá lo lắng.

Ảnh hưởng của Thymomodulin lên thai kỳ chưa được nghiên cứu rõ ràng, do đó nếu có ý định mang thai, bạn nên ngưng thuốc, khám tiền sản và chỉ dùng những thuốc mà bác sĩ phụ sản kê toa thôi bạn nhé!

 
ZL Ngân Hà

Dạ em chào bác sĩ,

Hôm nay tình cờ đọc trên báo về phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày để giảm béo. Em có 1 cô con gái năm nay cháu 15 tuổi lên lớp 10, cao 163, nặng 85kg. Cháu có thể phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày để giảm béo không bác sĩ.

Xin bác sĩ hướng dẫn giúp. Cháu đi học béo như vậy sẽ không mặc được áo dài và thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Hiện cháu là 1 học sinh giỏi và vừa rồi đã thi đậu vào 1 trường cấp 3 có tiếng. Nhưng gia đình rất lo lắng vì quá mập mà cháu tự ti và học hành sa sút.


Phẫu thuật cắt dạ dày tạo hình kiểu ống tay áo có thể dùng để trị béo phì nặng. Loại phẫu thuật này đôi khi được chỉ định khi bệnh nhân quá béo, không thể áp dụng các loại phẫu thuật khác như thắt dây thun dạ dày hay nối tắt dạ dày-ruột. Ảnh: Internet

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chị thân mến,

Khi béo phì gây ra những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng thì cần suy nghĩ đến can thiệp phẫu thuật. Mức thừa cân trên 50kg so với cân nặng lý tưởng thường sẽ gây ra những vấn đề như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ngưng thở khi ngủ, bệnh xương khớp…

Phẫu thuật can thiệp lên dạ dày có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ về mặt sức khoẻ. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải trải qua quá trình ăn kiêng và tập luyện nghiêm ngặt trước và sau phẫu thuật thì mới có hiệu quả.

Hiện tại, bác sĩ nhận thấy cân nặng của bé cũng chưa phải là quá cao tới mức cần phẫu thuật (BMI của bé khoảng 31 kg/m2), bé cũng chưa thực hiện chế độ giảm cân nghiêm túc nào theo chuyên khoa dinh dưỡng mặc dù việc này đem lại hiệu quả giảm cân rất tốt, không cần thiết phải phẫu thuật.

Ngoài ra, bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng bao hàm nhiều nguy cơ do gây tê, gây mê, nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, tai biến phẫu thuật… Đây cũng là phẫu thuật đắt tiền mà BHYT không chi trả. Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, gia đình nên cho bé tới gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống tập luyện phù hợp trước.

Thân mến!


Tran Nhat Phong Son - nhatphong...@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi khám sức khỏe định kỳ có xét nghiệm máu với kết quả như sau: WCB:11.67(40-10.37)..LYM# 4.67(1.1-3.6). Vậy thưa bác sĩ tình trạng của sức khỏe của tôi có nghiêm trọng không? Xin cám ơn ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Lymphocyte là các tế bào có khả năng miễn dịch, gồm lympho T và lympho B, thường gia tăng nhẹ trong trường hợp nhiễm một số loại virus, đôi khi chỉ là cảm cúm thông thường, tăng cao trong một số bệnh bạch cầu dòng lympho, bệnh nội tiết...

Do đó, kết quả này cần đối chiếu thêm với bệnh cảnh lâm sàng, nếu hiện tại sức khoẻ của bạn vẫn tốt thì không nên quá lo lắng bạn nhé!

 
Ngân Mèo - nganmeo...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Bạn trai em nay 32 tuổi, dạo gần đây anh ấy bị cảm kéo dài và sổ mũi, nghẹt mũi, nhưng khi khạc đàm hay hỉ mũi có kèm theo máu, có khi máu tươi hoặc máu khô đóng cục. Không biết tình trạng này là triệu chứng của bệnh gì ạ? Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Chảy máu mũi hay còn được gọi là chảy máu cam, xảy ra khi các mạch máu mũi bị tổn thương.
Tình trạng chảy máu mũi khá phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau như do viêm nhiễm mũi xoang, xì mũi mạnh, thường xuyên ngoáy hoặc day mũi, hít phải các hóa chất, tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc với không khí khô, chấn thương mũi… Hoặc cũng có thể do một số bệnh lý nguy hiểm như rối loạn đông máu, các khối u vùng mũi hầu…

Do đó, em nên khuyên bạn trai tới bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám, nếu cần sẽ nội soi tìm nguyên nhân và điều trị em nhé!


Nhi Nguyễn - nnhi1...@gmail.com

Cháu 18 tuôi. 2 ngày nay cháu cảm thấy chân tay bủn rủn giống như đói, có đau bụng nhẹ nhưng không xác định được đau chỗ nào. Cháu buồn nôn và nôn, chán ăn, buồn đi ngoài nhưng không đi được. Xin hỏi bác sĩ đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh gì?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Những triệu chứng em gặp phải không đặc hiệu cho một bệnh lý nào. Nếu chỉ xảy ra ngắn hạn trong vài ngày, gợi ý nguyên nhân liên quan tới một nhiễm trùng, nhiễm siêu vi toàn thân, cơ thể thường cảm giác yếu, mệt, sốt nhẹ, đau mỏi cơ toàn thân… Thông thường sau nghỉ ngơi vài ngày sẽ hồi phục.

Nếu có kèm đau bụng, em nên khám bác sĩ để xác định chính xác vị trí đau thông qua thăm khám trực tiếp, để tìm nguyên nhân và điều trị. Có những đau bụng nguy hiểm thường đau mơ hồ trong vài giờ đến 1-2 ngày đầu, do đó em không nên coi nhẹ triệu chứng này em nhé!


Đặng Thị Mỹ Thoa - dtmth...@...edu.vn

Em đi khám bệnh có kết quả như sau:

Xét nghiệm huyết học: T3: 2.74; T4: 1.36; TSH: 1.706

Siêu âm tuyến giáp:

Thùy phải có 1 cấu trúc trống âm dạng tổ ong bờ đều rõ d=10x5mm, có 2 cấu trúc giảm âm, không đồng nhất, bờ không đều d1=11x7mm, d2=3mm.

Thùy trái có 1 cấu trúc giảm âm, bờ không đều d=4mm.

Dọc 2 bên cổ không có cấu trúc hạch bất thường.

Kết luận: phình giáp keo thùy phải, nhân giáp 2 thùy, đề nghị FNA nhân giáp thùy phải cấu trúc giảm âm kết quả sinh thiết:

Nhận xét đại thể: nhân thùy phải đường kính 2cm, giới hạn rõ

Nhận xét vi thể: gồm chất keo loãng, bọt bào và tế bào nang giáp có kích thước nhỏ đều

Chẩn đoán giải phẫu bệnh: phình giáp keo

Xin hỏi bác sĩ, với tình trạng của em thì có thể uống thuốc gì không ạ? Em cảm ơn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Với các thông tin cung cấp, bướu giáp của em là bướu lành tính, không rối loạn chức năng tuyến giáp, thông thường sẽ theo dõi mỗi 6 tháng bao gồm kiểm tra chức năng tuyến giáp và đánh giá sự thay đổi kích thước, đặc điểm bướu trên siêu âm. Nếu bướu tăng kích thước nhiều, có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có rối loạn chức năng tuyến giáp thì sẽ lên kế hoạch điều trị, thường là phẫu thuật em nhé!

 
Nguyễn Văn Công - nguyenv...@gmail.com

Buổi tối tôi có đi uống rượu thịt chó. Sáng hôm sau thức dậy thấy lưỡi có màu xanh đen là bệnh gì? Bình thường tôi cũng hay bị đau bụng vùng dạ dày mà chưa khám bao giờ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Lưỡi đột ngột xuất hiện mảng đen thường không phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân được cho là do sự tích tụ của các tế bào da chết trên bề mặt lưỡi có chứa các nụ vị giác, hoặc có thể do lười vệ sinh răng miệng, hút thuốc lá, bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Do đó, nếu có bệnh lý răng miệng hoặc dạ dày thì bạn nên khám và điều trị, nên giữ vệ sinh răng miệng, uống nhiều nước để bề mặt lưỡi mau chóng trở về bình thường bạn nhé!


G.T.V - TPHCM

Bác sĩ ơi cho em hỏi, sử dụng liệu pháp hormone thay thế hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoàn toàn có làm giảm tuổi thọ hoặc gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ sau này không? Nếu người thực hiện có đầy đủ điều kiện để phẫu thuật ở những nơi uy tín và thường xuyên tái khám để được bác sĩ theo dõi hậu phẫu thuật và trong suốt quá trình sử dụng hormone thay thế.

Và sử dụng liệu pháp hormone thay thế có làm thay đổi tính cách hay khiến tâm trạng cáu gắt, bất ổn? Điều cuối cùng em muốn hỏi là phẫu thuật chuyển đổi giới tính đau đớn đến mức nào, có vượt quá ngưỡng chịu đau của một người bình thường không, có đau đớn hơn những cuộc phẫu thuật khác không?

Em cám ơn bác sĩ đã dành thời gian để đọc những câu hỏi rất dài của em và giúp em giải đáp các thắc mắc ạ!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Người chuyển giới là người có tâm lý giới tính, không phù hợp với giới tính cơ thể. Như một người sinh ra với cơ thể nam nhưng cảm nhận giới tính mình là nữ. Hay ngược lại, một người sinh ra với cơ thể nữ nhưng cảm nhận giới tính mình là nam.

Với khao khát được có ngoại hình như giới tính mong muốn, người chuyển giới có xu hướng lựa chọn liệu pháp tiêm hormone. Quá trình điều trị nội tiết này rất quan trọng vì nó giúp cho người chuyển giới thay đổi thuận lợi về tâm lý và cơ thể trước khi quyết định đi đến phẫu thuật. Với người chuyển giới đã trải qua phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn, cơ thể họ sẽ không tự sản xuất hormone như người dị tính, do đó vẫn phải sử dụng hormon thay thế.

Nếu bạn hỏi 2 phương pháp phẫu thuật và điều trị hormon thay thế có nguy cơ hay không, thì câu trả lời chắc chắn là có. Bất kỳ cuộc phẫu thuật cũng chứa nhiều nguy cơ, nhất là khi phải can thiệp đến dao kéo, sẽ dễ chảy máu, nhiễm trùng, tai biến… phẫu thuật càng lớn, nguy cơ càng cao. Điều trị nội tiết rất phức tạp và sẽ có một số tác dụng phụ nhất định mang tính suốt đời. Tùy theo từng cơ thể của mỗi người, các bạn phải cần có sự nghiên cứu, tư vấn, theo dõi thường xuyên của bác sĩ, và kiểm tra tổng quát thường xuyên nếu các bạn đã và đang trong quá trình điều trị lâu dài.

Mặc dù có những nguy cơ như vậy nhưng đối với người chuyển giới, điều này mang lại sự hài lòng về tâm lý, giúp họ hoà nhập xã hội tốt hơn, đem lại chất lượng sống tốt hơn. Trên thực tế, ở một số quốc gia, để được điều trị hormone, cá nhân phải trải qua quá trình điều trị tư vấn tâm lý ít nhất 6 tháng. Nếu quan tâm vấn đề này, bạn nên tìm tới các tổ chức uy tín để được tư vấn trực tiếp bạn nhé!

 
Minh Tuan - TPHCM

Dạ em xin chào bác sĩ, vào tháng 5/2018 em bị gãy xương đùi bên phải, đã mổ và bắt vít nẹp bên trong. Qua gần 1 năm ăn uống và tập hồi phục, mới hôm ngày 15/6/2019 em có đi chụp x-quang. Vậy ho em hỏi bác sĩ xương đùi em chậm hồi phục và có phải đi mổ lại để sắp xương cho nhanh không ạ,

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nếu đến thời hạn liền xương bình thường mà xương chưa vững thì gọi là chậm liền xương. Nếu quá hai lần thời gian liền xương bình thường mà vẫn không liền xương thì gọi là khớp giả thường là 6 tháng đối với gãy các xương lớn, 3 tháng đối với gãy các xương nhỏ.

Trường hợp của bạn có thể do đầu gãy của hai xương nằm xa nhau dẫn đến chậm lành. Do đó bắt buộc phải có biện pháp can thiệp. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được đánh giá trực tiếp và đưa ra hướng xử trí tiếp theo. Nếu cần thiết sẽ phẫu thuật để can thiệp bạn nhé!
 

Hùng - lehung...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Em bị bệnh ngoài da đã lâu. Em cứ mua thuốc nấm da bôi thời gian thì khỏi xong lại bị lại. Em có bị ngứa và nếu không bôi thuốc nấm da thì còn bị nổi mẩn bác sĩ ạ. Bác sĩ có thể cho em biết là em bị bệnh gì và cách điều trị thế nào được không ạ? Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Nấm da, hăm da kéo dài thường do vùng da thường xuyên bị ẩm ướt, vệ sinh kém là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm phát triển và gây bệnh ở da, hoặc do da bị chà sát với quần áo có bề mặt sần sùi, thô ráp.

Để hạn chế tình trạng này, em cần chú ý giữ vệ sinh vùng sinh dục và mông, thay quần lót thường xuyên, tránh mặc quần áo quá chật, nên sử dụng loại có chất liệu mềm thoáng, xuất xứ rõ ràng, thấm hút mồ hôi. Rửa sạch vùng kín ngay sau khi đi vệ sinh bằng nước và lau khô.

Nếu tình trạng dai dẳng hoặc hăm da, nấm da lan rộng, có mủ thì nên khám bác sĩ Da Liễu để được kê toa thuốc bôi giúp điều trị dứt điểm bệnh em nhé!


Ngọc Phạm - ptbich...@gmail.com

Thưa bác sĩ, con bị tức ngực, khó thở, mệt mỏi, ăn uống không được. Con đi khám, làm nhiều xét nghiệm và bác sĩ có cho toa thuốc. Con mới uống được 5 ngày, những ngày đầu không sao, sau đó đến ngày thứ 3 thì bị sốt. Con uống thuốc đã hết. Ngày thứ 4 bị đau họng, khi soi thì thấy có những cục to, sâu trong cuống họng và 2 bên kèm mủ. Con nghi amidan hốc mủ, uống thuốc 2 ngày hết đau họng, nhưng hôm sau thì lại bị tiêu chảy, ăn uống bình thường nhưng đi nhiều lần, phân đen vụn kèm nước.

Tại sáng con có ăn cháo thịt heo nên không biết có phải do đồ ăn nhiễm khuẩn không? Sau đó con bị nôn nói nữa nên không dám uống thuốc loperamid, chỉ dùng mecta và men. Mặc dù cầm được nôn ói nhưng uống xong con vẫn bị tiẻu chảy phân đen.

Bác sĩ cho con hỏi, tình trạng này là do bị nhiễm khuẩn đường ruột do ăn uống hay là tác dụng phụ của thuốc kháng sinh điều trị viêm họng. Trong một năm nay con nhiều lần bị đau bụng như vậy. Đi nội soi thì kết quả là viêm dạ dày. Mong được bác sĩ giải đáp. Con cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Thuốc bác sĩ kê toa cho em trong đơn không gây tiêu chảy kèm sốt như mô tả. Triệu chứng em gặp phải có thể nằm trong hội chứng nhiễm siêu vi toàn thân hoặc tác dụng phụ nếu em có sử dụng thêm kháng sinh (phần này em kể chưa rõ nên bác sĩ không nắm được em đã sử dụng những thuốc gì khác).

Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ tương tác thuốc, gây ra nhiều tác dụng phụ, do đó em nên khám bác sĩ mỗi khi có ý định thêm bất kỳ thuốc gì vào liệu trình điều trị. Toa thuốc em được kê phù hợp để điều trị bệnh dạ dày, nhưng do vô tình trùng hợp với đợt viêm họng cấp nên xảy ra những triệu chứng bất thường trên, em nên yên tâm tiếp tục dùng thuốc.

Ngoài ra, một số yếu tố tâm lý có thể góp phần vào việc phát sinh, làm nặng hoặc kéo dài các bệnh lý thực thể. Lý do được đưa ra là khi tinh thần buồn rầu, lo lắng, cơ thể sản xuất ra hormone corticoid làm giảm sức đề kháng của hệ miễn dịch. Nếu những tác động tâm lý chỉ ngắn hạn, cơ thể sẽ tự khắc phục những bất ổn. Ngược lại, nếu là những cú sốc tâm lý nặng nề, kéo dài, hệ miễn dịch sẽ yếu đi và là cơ hội ngàn vàng cho bệnh tật xâm nhập.

Do đó, em nên giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, ngủ đủ giấc và tập luyện thể dục hàng ngày để cải thiện sức đề kháng em nhé!

 Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X