Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn: Nội soi thấy vết loét trong trực tràng, khi nào cần sinh thiết?

Bận rộn với lịch trực tại bệnh viện và lịch học nhưng BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên vẫn đều đặn giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi. Chiều ngày 10/5/2019, BS Tố Uyên tư vấn nhiều vấn đề liên quan Nội Tổng quát như: nội soi trực tràng, chân đau nhức vì đứng nhiều, uống thuốc trị mụn trước mang thai... Mời bạn đọc theo dõi.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Nguyễn Duy Kiên - kien.ng...@gmail.com

Chào bác sĩ. Trước đây có một thời gian em làm phục vụ ở nhà hàng, phải đứng rất lâu. Sau một thời gian đi làm chân em cảm giác nhức mỏi ở gan bàn chân, lan đến các ngón chân, bắp chân và đầu gối.

Bây giờ em đã nghỉ việc nhưng chân vẫn không hết nhức mỏi mà cảm giác còn nặng hơn trước, đặc biệt là sẽ rất mỏi khi em sử dụng một chút bia rượu. Bác sĩ cho em hỏi đây là triệu chứng bệnh gì và nên đi khám ở đâu ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Bình thường tĩnh mạch đưa máu trở về tim, các tĩnh mạch ở chi dưới có van 1 chiều để giúp cho dòng máu không bị ứ đọng ở phía dưới. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là từ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân.

Suy giãn tĩnh mạch sâu ở chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại ở chân sẽ gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... Nguyên nhân là do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên, do thoái hóa theo tuổi, tư thế sinh hoạt, béo phì...

Qua mô tả, bác sĩ nghi ngờ em bị suy van tĩnh mạch sâu chi dưới, em nên khám chuyên khoa mạch máu để được làm xét nghiệm chẩn đoán và hướng dẫn điều trị em nhé!
 

Phạm Phú Quốc - phamp...@yahoo.com

Em soi trực tràng, kết quả là loét rải rác trực tràng nhưng sao em không thiết bác sĩ chỉ định làm sinh thiết. Vậy cho em hỏi, trường hợp nào mới cần làm sinh thiết vậy bác sĩ? Các vết loét đó có nguy cơ là ung thư không thưa bác sĩ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Không phải trường hợp nào nội soi có loét cũng phải sinh thiết. Tuỳ vào đánh giá của bác sĩ, thông qua đặc điểm vết loét, nhận định nguy cơ hay nguy cơ cao hoặc nếu có viêm nhiễm rõ, vết loét đang chảy máu nhiều… thì chưa cần phải sinh thiết ngay.

Bác sĩ có thể tiến hành điều trị cho bạn trước rồi mới nội soi kiểm tra (vì nội soi trực tràng khá an toàn, dễ thực hiện và cũng ít nguy cơ). Do đó, bạn không cần quá lo lắng, nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn và tái khám để kiểm tra lại bạn nhé!
 

Bảo Lan - TPHCM

Em đi khám mụn và được cho uống Isotretinoin. Em uống trong vòng 7 tuần và thấy không có kết quả nên quyết định ngưng. Em đã ngưng cách đây 3 tháng. Và hiện tại em có em bé được 4 tuần. Không biết có ảnh hưởng gì không ạ? Và em cần làm gì để khắc phục ạ? Em cám ơn rất nhiều.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Bảo Lan thân mến,

Isotretinoin là loại thuốc rất phổ biến trong điều trị trứng cá nặng và vừa, nhưng có thể gây dị dạng thai nhi. Với những phụ nữ đang sử dụng thuốc này mà lỡ dính bầu thì chắc chắn con sinh ra sẽ rất dễ bị quái thai. Theo một số khuyến cáo của hãng dược, sau ngưng thuốc 1 tháng là có thể mang thai nhưng để an toàn nhất vẫn nên chờ 3 tháng (tính từ khi sử dụng liều cuối cùng) mới nên có thai.

Bạn nên khám thai thường xuyên, định kỳ theo lịch hẹn, để bác sĩ kiểm tra, tầm soát sớm nếu có bất thường bạn nhé!

 
Hoàng Đình Diệp - hoang...@gmail.com

Bác sĩ ơi, tóc em bị rụng lâu rồi và bây giờ tóc rất mỏng, thưa nên. Bác sĩ tư vấn giúp em nên dùng thuốc nào để trị rụng tóc ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc. Bao gồm cả các yếu tố đơn giản như do môi trường sống ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, hóa chất, do phản ứng với nước tắm gội… cũng có thể do lối sống thành thị căng thẳng gây ra stress làm tóc rụng nhiều hơn. Tóc còn có thể rụng do bệnh lý toàn thân như thiếu máu, bệnh nội tiết, suy dinh dưỡng… Các phương pháp thay đổi nếp tóc, màu tóc như uốn, sấy, duỗi, nhuộm cũng làm cho tóc yếu dễ gãy rụng hơn, do đó cần phải cẩn trọng.

Nếu hiện tại cơ thể em vẫn khỏe mạnh, khám sức khoẻ không có vấn đề gì, tóc rụng tự nhiên không để lại sẹo hay tổn thương ở da đầu, thì có thể áp dụng những cách sau để giảm rụng tóc:

- Gội đầu thường xuyên 1 - 2 ngày/lần, không để đầu quá bẩn gây bít tắc chân tóc, không để sót lại dầu gội hoặc dầu xả trên tóc.

- Không nên sử dụng các loại dầu gội có tính tẩy rửa quá mạnh. Khi sử dụng các phương pháp uốn, sấy, nhuộm tóc cần biết chọn lọc, tốt nhất nên hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm tạo nếp, tạo mùi thơm lên tóc.

- Khi tóc còn ướt không nên chải quá mạnh tay vì lúc này chân tóc còn yếu, tóc dễ rụng.

- Có chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đúng giờ, ăn đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu.

Chúc em mau chóng hồi phục được mái tóc dày và khoẻ em nhé!

Theo BS Tố Uyên, tình trạng ngón tay ngắn có thể cải thiện bằng cách phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ma Thị Dịu - Thái nguyên

Ngón tay cái của em bị nhỏ hơn ngón tay cái như bình thường, không có đốt và thon nhọn, nhìn rất xấu. Em bị như vậy từ khi sinh ra. Em muốn phẫu thuật để ngón cái của em trở nên bình thường thì có được không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Ngón tay ngắn có thể phẫu thuật để cải thiện được. Bác sĩ có thể dùng vi phẫu chuyển ngón chân lên làm ngón tay. Sau đó, người bệnh phải trải qua một thời gian luyện tập kiên trì để thích nghi, và sẽ sử dụng các đốt bàn đã tách riêng làm những động tác kìm, kẹp, xách, nhặt… một vật được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngón cái là 1 ngón quan trọng, can thiệp điều trị không khéo có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng bàn tay, em nên cân nhắc.

Tốt nhất, em nên đi khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được tư vấn cụ thể về phẫu thuật kéo dài ngón tay ngắn. Chi phí thường trên dưới 20 triệu đồng tuỳ độ phức tạp em nhé!


 Công Phạm - cong1...@gmail.com

Cháu năm nay 26 tuổi. Cháu đọc thông tin, dùng kháng nguyên P24 tái tổ hợp của HIV để chế tạo kit chuẩn đoán. Vậy cho cháu hỏi sau khi tái tổ hợp kháng nguyên đó có còn khả năng truyền nhiễm HIV không, có an toàn không? Việc tiếp xúc với nó qua tay, qua vết thuơng kim đâm, có nguy cơ bị nhiễm HIV không ạ?

Từ lúc có tiếp xúc với nó đến nay cháu mệt mỏi, thỉnh thoảng có nhức đầu, lờ đờ công việc ạ. Tìm hỏi nhiều phòng khám nhưng họ bảo không có nghiên cứu lĩnh vực này. Mong được bác sĩ có chuyên môn giải đáp để yên tâm.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Mệt mỏi có nhiều nguyên nhân, mệt mỏi, kém tập trung, lờ đờ khi làm việc không phải là dấu hiệu của nhiễm HIV. Mệt mỏi có thể xuất phát từ một bệnh lý toàn thân như thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nội tiết, trầm cảm, lo âu… Bác sĩ không rõ vì lý do gì mà em lại tiếp xúc với kháng nguyên này, nếu là kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm thì chắc là em đã có những kiến thức nhất định về độ an toàn khi sử dụng kháng nguyên tái tổ hợp và sẽ không quá lo lắng như vậy.

Bác sĩ sẽ làm rõ cấu trúc và cách gây bệnh của virus HIV để em bớt phần lo lắng. HIV là thuộc nhóm Ritrovirus, cấu trúc gồm lớp vỏ ngoài, vỏ trong và lõi ARN. Kháng nguyên p24 là một đoạn protein nằm trên lớp vỏ trong của virus. HIV gây bệnh khi nhiễm vào các tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của con người như lympho bào T có tính bổ trợ (cụ thể là những tế bào T - CD4+), đại thực bào và tế bào tua, cơ chế là virus sẽ cài cắm phân tử di truyền (ARN) của virus vào nhiễm sắc thể của ký chủ, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sản xuất hàn loạt phân tử di truyền của chính nó và phá vỡ tế bào ký chủ để phóng thích ra ngoài.

Do vậy, nếu chỉ có một mình kháng nguyên p24 thì không thể gây bệnh mà phải có lõi ARN. Kháng nguyên p24 tái tổ hợp là sản phẩm tinh chế, không bị lẫn với các kháng nguyên hay ARN nào khác nên rất an toàn.

Thậm chí ngay cả khi có một virus HIV hoàn chỉnh mà tiếp xúc bên ngoài thì cũng không lây bệnh, viurs chỉ có thể lây truyền qua 3 con đường là do tiêm chích, truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn và mẹ truyền sang con.

Em không nên quá lo lắng, nếu mệt mỏi thì nên khám sức khoẻ tổng quát để tìm bệnh lý khác em nhé!
 

Nguyen Thao - nguyent...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Mẹ con năm nay 80 tuổi, 2 tuần nay mẹ con cứ không ăn uống. Con truyền dich và đạm bác sĩ gần nhà bảo thiếu máu và suy nhược cơ thể. Con có nấu súp, cho mẹ uống sữa, yến mà mẹ con không đỡ. Bác sĩ tư vấn giúp con phải làm sao, đưa mẹ đi bệnh viện nào hợp lý. Mong nhận được câu trả lời của bác sĩ ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các phương pháp truyền dịch và truyền đạm không thể thay thế chế độ ăn uống thông thường. Mẹ của bạn đã lớn tuổi, triệu chứng nhiều bệnh có thể bị che lấp mà chỉ biểu hiện qua dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn. Do đó bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng phù hợp, tốt nhất là bệnh viện đa khoa từ tuyến tỉnh trở lên bạn nhé!

 
Thúy Nguyễn - nguyenthi...@gmail.com

Cho cháu hỏi cháu lấy nhầm thân cây khoai trứng củ giống khoai sọ nấu với cá. Lúc làm cháu đã thấy ngứa tay, khi nấu kĩ cháu ăn thử thấy ngứa nên vớt hết thân cây khoai ra chỉ để cá với nước. Cho cháu hỏi là ăn cá với nước có bị độc không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Một số loại khoai sẽ gây ngứa ngáy khi sơ chế, nguyên nhân là do các tinh thể canxi oxalate có trong khoai bám lên da, kích thích các đầu thần kinh nông và gây nên cảm giác ngứa tay, nặng hơn có thể lan đến nhiều vùng da khác. Tuy nhiên, nhiệt độ cao sẽ phân hủy các hợp chất gây ngứa của khoai, không gây độc và gây ngứa nữa bạn nhé!
 

Truong Thi Lien - thaibinh...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Thời gian trước uống Adalat 30LA, thời gian sau này thuốc thường hay đứt, vì không có thuốc nên hiệu thuốc tư vấn tôi nên đổi sang NIFEHAXAL 30LA. Xin hỏi ý kiến bác sĩ thuốc NIFEHAXAL 30LA có thể thay thế nhau được không? Xin cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Adalat 30LA và NIFEHAXAL 30LA đều có thành phần là nifedipine 30mg, được bào chế dưới dạng phóng thích chậm, chỉ khác nhau về nhãn hiệu và nhà sản xuất. Đối với dạng viên nén giải phóng chậm, bạn chú ý phải nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai, không bẻ hoặc làm vỡ viên thuốc. Vì nếu làm vỡ viên thuốc khi uống, hoạt chất sẽ được giải phóng ra ồ ạt, dẫn đến quá liều sẽ gây nguy hiểm. Đối với dạng thuốc này thông thường người bệnh chỉ phải dùng thuốc ngày 1 lần.

Thân mến!

 
Trần Văn Lộc - Nghệ An

Kính gửi đến bác sĩ,

Thời gian gần đây em thấy đau nhức hai chân, nhất là phân cơ, bắp và bàn chân. Ở vị trí mắt cá, bàn chân có nổi mạch máu xanh và thấy rõ. Đồng thời xuất hiện mẩn đỏ ở bàn chân, mắt cá chân và rải rác ở đùi chân và ở tay. Với những triệu chứng này theo bác sĩ là em vị gì, cách điều trị như thế nào?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Suy giãn tĩnh mạch sâu là bệnh lý suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch sâu nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại không lưu thông đúng như chức năng vốn có của nó. Hình ảnh gân xanh ở chân mà bạn thấy được là dấu hiệu giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Suy van tĩnh mạch sâu (gây đau nhức các bắp chân khi đứng lâu, ngồi lâu) và giãn tĩnh mạch nông có cùng yếu tố nguy cơ do đó thường xuất hiện cùng nhau.

Bên cạnh yếu tố di truyền, một số người sẽ dễ mắc bệnh hơn khi có những yếu tố thuận lợi như có thai, nghề nghiệp phải đứng lâu, ngồi lâu, béo phì… Bệnh ít khi gây nguy hiểm nếu theo dõi và điều trị đúng theo hướng dẫn của BS chuyên khoa, nên bạn không cần quá lo lắng.

Để làm chậm diễn tiến bệnh, bạn cần tránh các tư thế đứng hoặc ngồi yên quá lâu. Nếu có các triệu chứng như tê mỏi, chuột rút bắp chân, đau tức chân gây khó chịu cần kết hợp mang vớ tĩnh mạch kết hợp với sử dụng thuốc. Đi bộ và đi xe đạp là phương pháp tập luyện quan trọng, tuy nhiên phải đi bộ đúng cách, không nên đi quá xa, tránh đi liên tục mà vừa đi bộ vừa nghỉ, gác chân lên cao khi nghỉ.

Về địa điểm khám, bạn nên lựa chọn địa điểm thuận tiện, phù hợp với điều kiện kinh tế và nhất là nơi mà bạn tin cậy vào trình độ chuyên môn của BS.

Thân mến!

 
Bạn đọc tên Giang - Vũng Tàu

Em bị đứt dây chằng chéo trước và mổ nội soi được hơn 6 tháng rồi nhưng hiện tại khi co gập duỗi gối thì nge tiếng kêu lục cục, lào xạo nhiều. vậy xin hỏi bác sĩ là có bị sao không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tiếng lục cục ở các khớp có thể gặp trong trường hợp sinh lý bình thường do hệ thống dây chằng bao khớp và các sụn đầu xương dãn đột ngột khi vận động. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể gặp ở người bị thoái hóa khớp giai đoạn đầu.

Trường hợp của bạn đã có từng đứt dây chằng chéo, tức là có tổn thương nặng lên vùng gối, nên nếu như gối phát ra tiếng kêu kèm theo đau, bạn nên khám chuyên khoa xem có bệnh lý của sụn khớp hay không.

Trong trường hợp chỉ phát ra tiếng kêu mà không có khó chịu gì khác, bạn nên tích cực tập vật lý trị liệu và các bài tập giúp khớp gối vững và các dây chằng, gân cơ dẻo dai hơn bạn nhé!

“Cỏ Mỹ” có thể được tẩm ướp thêm một số chất gây nghiện hoặc một số hoá chất có khả năng gây ra tác dụng phụ như đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, tổn thương gan, thận… Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Đỗ Trọng Minh - minh1...@gmail.com

Đợt vừa rồi em có dùng khoảng 1 tuần liên tiếp cỏ Mỹ với hàm lượng khoảng 100g. Hơn một tuần nay em đã không còn dùng chất độc hại đó nữa nhưng cảm thấy cơ thể yếu, sa sút cân nặng. Bác sĩ tư vấn giúp em phải mất bao lâu mới đào thải hết ạ? Em có thể đi thăm khám chữa bệnh tại đâu ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

“Cỏ Mỹ” là những thảo mộc được tẩm ướp một số hương vị, gần giống như cần sa tự nhiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, tác hại của loại này còn nghiêm trọng hơn những chất gây nghiện bị cấm khác, vì là sản phẩm trôi nổi nên rất khó xác định nguồn gốc và thành phần, “cỏ Mỹ” có thể được tẩm ướp thêm một số chất gây nghiện hoặc một số hoá chất có khả năng gây ra tác dụng phụ như đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, tổn thương gan, thận…

Nếu chỉ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi nhất thời, em nên nghỉ ngơi và không nên sử dụng loại hoá chất độc hại này thêm một lần nào nữa. Thời gian để độc chất thải loại ra khỏi cơ thể hoàn toàn có thể lên tới 1 tháng.

Trường hợp ảo giác kéo dài, sức khoẻ suy sụp dù đã ngưng sử dụng 2-3 tháng, em nên khám chuyên khoa nghiện chất tại BV Tâm Thần để BS đánh giá thêm và có hướng điều trị kịp thời em nhé!

 
Tran tron - trontr...@gmail.com

Cháu bị bướu cổ, khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, kết luận siêu âm là viêm giám Hasmimoto, kết quả xét nghiệm tsh-2,0138 uiu/ml,ft4-1,07 ng/d, antitpo-70,69 IU/ml. Nhưng khi đưa kết quả cho bác sĩ bảo về 6 tháng kiểm tra lại lần và không cần uống thuốc gì, nói không sao. Bác sĩ cho cháu hỏi lại kết quả này bệnh có gì nguy hiểm không ạ? Cháu cần kiêng cử gì trong ăn uống, hay phải điều trị gì không? Cảm ơn bác sĩ, mong hồi âm sớm của bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Viêm giáp Hashimoto là một bệnh lý tự miễn, mạn tính, do rối loạn hệ thống miễn dịch, tạo ra nhiều tế bào miễn dịch và các tự kháng thể làm phá hủy các tế bào tuyến giáp dẫn tới giảm khả năng tạo hormone. N

hiều bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto không có triệu chứng trong nhiều năm. Chẩn đoán tình cờ khi thấy tuyến giáp to hoặc kết quả máu định kỳ có bất thường. Khi có triệu chứng thì bướu giáp đã ảnh hưởng đến vùng cổ hoặc lượng hormone tuyến giáp đã giảm sút.

Điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng hormon giáp thay thế khi có suy giáp, nhằm làm giảm triệu chứng khó chịu do thiếu hormon giáp gây ra. Tuy nhiên, trường hợp này chức năng tuyến giáp của bạn vẫn còn bình thường, chỉ có tăng nhẹ kháng thể AntiTPO. Do đó, chưa cần thiết phải điều trị mà chỉ theo dõi định kỳ để xác định thời điểm cần dùng thuốc bạn nhé!


Trang Phan - maryp...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Xin bác sĩ đọc giúp em kết quả siêu âm tim này có những bất ổn như thế nào, và lời khuyên của bác sĩ ạ. Em xin cám ơn và chúc bác sĩ nhiều sức khỏe!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Kết quả siêu âm này khá tốt, không có giãn các buồng tim, không rối loạn chức năng tâm thu, áp lực động mạch phổi không cao, bạn chỉ hở van tim nhẹ, nhiều khả năgn là hở sinh lý, không phải bệnh lý.

Nếu lo lắng, bạn nên khám lại ở bệnh viện chuyên khoa tim mạch để bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm siêu âm kiểm tra lại, bởi lẽ kết quả siêu âm khá chủ quan, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của người thực hiện bạn nhé!

 

Dương Nguyễn - dacdu...@gmail.com

Chào bác sĩ, năm nay cháu 22 tuổi.

Cháu mới điều trị xong lao lần 2 trước tết nhưng 1 tháng gần đây cảm thấy đau tức ngực. Cháu có đi khám và làm xét nghiệm nuôi cấy thì bị dương tính với NTM và chụp thêm cắt lớp thì bác sĩ bảo phổi bên trái của cháu vẫn còn 1 cái hang (cháu xem kết quả ở tờ giấy thì là "nốt thâm nhiễm và xơ hóa không đồng đều").

Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh có lây nhiễm không? Tại cháu tiếp xúc với những người khác thì họ đều bị ho, hắt xì và sổ mũi. Bác sĩ có kê đơn thuốc cho cháu gồm những loại thuốc như ở dưới, cháu uống hơn 20 ngày nhưng khi tiếp xúc với người khác thì họ vẫn bị ho, hắt xì và sổ mũi. Cháu có hỏi qua bác sĩ thì  bảo vi khuẩn này có lây nhiễm. Bác cho cháu hỏi là điều trị NTM này có lâu không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Em có ý thức tránh lây nhiễm cho những người xung quanh là rất đáng hoan nghênh, đáng mừng là không ai bị lây nhiễm NTM từ em nên đừng quá lo lắng. Triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi của mọi người thường xuất hiện khi nhiễm siêu vi (cảm cúm) hoặc viêm mũi dị ứng chứ không liên quan đến vi khuẩn lao hay NTM của em. Nếu nuôi cấy đàm của em chỉ có vi khuẩn NTM, không có lao thì em không phải bị lao tái phát, đương nhiên vẫn cần dựa vào các kết quả khác và diễn tiến lâm sàng để đưa ra kết luận cuối cùng.

NTM tức là Non-Tuberculosis Mycobacteria là những vi khuẩn cùng họ Mycobacteria với vi khuẩn lao, có thể tìm thấy khắp nơi trong môi trường và thường không gây bệnh, hoặc chỉ gây bệnh trên những cơ địa suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, nhiễm HIV, ghép tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có bệnh phổi mạn tính…

Để chẩn đoán nhiễm trùng phổi do tác nhân NTM cần có đầy đủ bằng chứng về triệu chứng lâm sàng, bất thường trên phim Xquang và kết quả cấy dương tính, sau khi đã loại trừ tất cả những tác nhân vi sinh khác gây bệnh. Việc điều trị bệnh cũng khá khó khăn và kéo dài, hiện tại chưa có phác đồ chuẩn có thể đảm bảo điều trị dứt điểm. Các thuốc em được kê toa cũng không phải thuốc điều trị NTM.

Do đó em nên tuân thủ theo lịch hẹn khám của BS Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, theo dõi định kỳ để đánh giá thêm em nhé!
 

(ZL Kh)

Em bị K giáp thể nhú bên phải, đã mổ cắt trọn bên phải và eo giáp, đang uống Lovethyrox 1,5 viên mỗi ngày đều đặn. Ngày 14/1/2019 em xét nghiệm máu ở Trung tâm Medic Hòa Hảo kết quả TSH là 1,01 trong ngưỡng bình thường, còn Thyrogbulin (tg) là 2,06.

Thời gian sau em lỡ có bầu đến nay được 12 tuần thì ngày 3/5/2019 em đi xét nghiệm máu lại ở Hòa Hảo thì chỉ số Free T3(Abbott) là 3,57, trong ngưỡng bình thường, TSH u.sensitive (3rd G) là 0,011 L ; Free T4 là 1,23, trong ngưỡng bình thường; Thyroglobulin (TG) là 4,4; bác sĩ cho ngừng thuốc.

Bác sĩ cho em hỏi, liệu việc ngừng thuốc đó có ảnh hưởng gì đến bệnh và thai nhi không? Bác sĩ bảo một là hy sinh me hoặc con. Em rất là hoang mang. Mong bác sĩ tư vấn giúp với. Em biết ơn bác sĩ nhiều.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Hóc môn tuyến giáp cực kỳ cần thiết cho sự phát triển não trẻ. Suy giáp thai kỳ nặng không được điều trị có thể dẫn đến giảm sự phát triển não trẻ. Do đó phụ nữ mang thai cần được kiểm tra TSH trước khi mang thai hoặc khi có thai càng sớm càng tốt.

Về mặt sinh lý, như cầu hóc môn tuyến giáp ở phụ nữ mang thai thường cao hơn trước đây, do đó thường phải tăng liều levothyroxine. Chức năng tuyến giáp được kiểm tra mỗi 6-8 tuần trong suốt quá trình mang thai để chắc chắn chức năng tuyến giáp bình thường.

Nếu thay đổi liều levothyroxine thì cần kiểm tra chức năng tuyến giáp sau 4 tuần. Sau sinh càng sớm càng tốt, liều levothyroxine được đưa về giống như trước khi mang thai.

Việc sử dụng levothyrox không gây hại cho sức khoẻ mẹ hay thai nhi, do đó yêu cầu của bác sĩ phải ngừng thuốc trong trường hợp này là chưa hợp lý, phải chăng có sự hiểu lầm nào khác? Hiện tại bạn nên tiếp tục dùng levothyrox như trước, và khám thai lại ở bệnh viện chuyên khoa phụ sản lớn để được tư vấn cụ thể bạn nhé!


(ZL Phuc)

Chào bác sĩ, em cần hỗ trợ chẩn đoán có đúng mình bị sùi màu gà không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Những hình ảnh bạn cung cấp không điển hình của mụn cóc hậu môn, cần phải dựa vào bệnh sử và yếu tố nguy cơ để xác định. Tốt nhất bạn nên khám chuyên khoa Da liễu để bác sĩ dùng dụng cụ khảo sát thêm, nếu cần sẽ tiến hành sinh thiết da chẩn đoán bạn nhé!
 
Thực hiện: Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X