Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn: Những điều cần biết khi xét nghiệm 36 dị nguyên

Viêm ruột thừa cấp, nhân giáp thoái hóa, bệnh lý chèn ép rễ thần kinh cổ ở người lớn tuổi, những điều cần biết khi xét nghiệm 36 dị nguyên... là những vấn đề được BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn trong chương trình tư vấn. Mời bạn đọc đón xem.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Nguyễn Thị Ngọc - Hải Phòng

Chào bác sĩ,

Em bị nhói đau vùng xương mu bên phải, bác sĩ cho em hỏi là em bị làm sao ạ? Em không có thai.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Theo như bạn mô tả thì vị trí có thể là ở hố chậu phải, nguyên nhân thường do viêm ruột thừa cấp, viêm hồi manh tràng, u buồng trứng… Tuỳ vào mức độ cấp tính, thời gian xuất hiện, diễn tiến của đau, cơ địa, các triệu chứng đi kèm… cùng với thăm khám trực tiếp để xác định nguyên nhân và điều trị. Do đó, nếu đau cấp tính mới khởi phát, đau ngày càng tăng dần thì bạn nên sắp xếp khám bệnh ngay, trường hợp đau nhiều thì nên nhập cấp cứu bạn nhé!

Thân mến.

           
Tuyet Huynh - tuyet...@yahoo.com

Chào bác sĩ,

Tôi năm nay đã 67 tuổi có chứng bệnh như sau: Mỗi sáng khi thức dậy tôi thường nhổ ra chất nhầy màu vàng sậm màu. Chất nhầy đôi lúc có điểm chút màu đen và chỉ ra vào buổi sáng sớm 1 lần sau dó thường khạc ra đờm có đầy bọt trắng khi cần khạc. Tôi có bị bệnh về tuyến giáp đã lâu rồi nhưng thời gian gần đây nhân giáp bên trái của tôi đã xẹp gần như không thấy ngoài cổ nữa, nhưng siêu âm định kỳ 3 tháng theo chữa trị chuyên khoa thì vẫn còn. Sự chuyển biến đồng bộ này nhân giáp có thể bị thoái hoá chăng?!

Thực ra trước đây tôi cũng bị nang giáp thùy trái hiện nay là nhân giáp. Tôi không bị ho, ăn vẫn biết ngon nhưng ngủ dậy cảm giác có đờm ở cổ họng mặc dù đã giảm ăn dầu mỡ rất nhiều. Kính xin Bác sĩ tư vấn giùm, tôi phải trị như thế nào để hết bệnh này. Cảm ơn rất nhiều.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào cô,

Nhân giáp thoái hoá không gây khạc đàm, nguồn gốc của đàm này có thể từ vùng mũi xoang hoặc từ phế quản phổi. Đàm đổi màu thường là do viêm nhiễm ở đường hô hấp trên và dưới, đàm có màu đen gợi ý có chảy máu trước đó, là máu cũ nên cần được thăm khám và tìm nguyên nhân chảy máu đường hô hấp. Cô nên khám hai chuyên khoa Tai Mũi Họng và Hô Hấp để xác định chẩn đoán và điều trị cho dứt điểm bệnh cô nhé!
 
Thân mến.

         
Huong Nguyen - huongd...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Mẹ tôi khám ở bệnh viện đã có chụp MRI và được bác sĩ chẩn đoán là bệnh: viêm đính cột sống cổ C3C4 + thoái hoá khớp gối hai bên. Tuy đã điều trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không giảm, căn bệnh hành hạ mẹ tôi làm bà đau đầu nhiều, khi cử động tay là phần đầu bị đau, gây ảnh hưởng đến cuộc sống không làm việc được gì cả, người thì bần bần thần suốt ngày như đi tàu xe vậy.Tôi muốn hỏi: căn bệnh này có cách nào điều trị hết được không, nếu có là cách nào? Nơi đâu thì điều trị căn bệnh này hay? Có thực phẩm chức năng nào hỗ trợ cho xương khớp làm chậm lại sự thoái hoá khớp, giảm đau không? Xin cho biết tên cụ thể thuốc đó là gì? Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bệnh lý chèn ép rễ thần kinh cổ ở người lớn tuổi thường do thoái hoá cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm. Đây là bệnh lý mạn tính, liên quan tuổi tác, lối sống và di truyền nên không thể điều trị dứt điểm được, chỉ có thể sử dụng các biện pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu để hạn chế tối đa triệu chứng và tiến triển. Ngoài ra, kết quả MRI cũng rất quan trọng để xác định tổn thương có cần thiết phải phẫu thuật hay không. Một số trường hợp phẫu thuật giải áp kịp thời có thể giúp bệnh dứt điểm triệu chứng. Do đó bạn nên mang kết quả MRI đã có quay lại khám chuyên khoa cơ xương khớp và thần kinh để được đánh giá giai đoạn về lên kế hoạch điều trị bạn nhé!

Thân mến.

     
Nguyễn Hồng Diễm - vovan...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Xét nghiệm dị ứng 36 loại trong đó có biết được các loại thuốc dị ứng không, thời gian xét nghiệm là mấy giờ? Chỉ xét nghiệm máu thôi?

Em bị viêm mũi họng, viêm hang vị, hen suyễn,máu nhiễm mỡ, dị ứng.

Thuốc đang dùng Bilaxten 20mg ++Alphachymotr Nazoster 500mg Gamincef 200mg Ucmusol 200mg


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Xét nghiệm 36 dị nguyên là xét nghiệm thử máu nhằm xác định sự có mặt của kháng thể IgE đặc hiệu dị nguyên trong máu của bệnh nhân, góp phần xác định một số dị nguyên gây dị ứng. 36 loại dị nguyên được thử bao gồm các dị nguyên đường hô hấp, các dị nguyên từ thực phẩm; nhưng không có các loại thuốc thường gây dị ứng (hình). Bên cạnh xét nghiệm máu, bạn có thể được bác sĩ tư vấn làm các xét nghiệm test lẩy da, test áp da, test thử thách thuốc (đưa thuốc vào cơ thể với liều tăng dần để khẳng định loại thuốc gây dị ứng)… Trường hợp bạn bị viêm mũi dị ứng và hen suyễn, và các bệnh dị ứng nói chung thường liên quan tới cơ địa, phát hiện dị ứng nguyên để tránh chứ không thể làm bệnh dứt điểm được. Tuy nhiên, hai bệnh lý trên cũng có nhiều loại thuốc xịt hữu hiệu, giúp kiểm soát triệu chứng, kháng viêm rất tốt, bạn nên khám chuyên khoa để được kê đơn thích hợp bạn nhé!

Thân mến.

        
Nguyễn Bá Toản – Hải Dương

Chào bác sĩ,

Vợ em mang bầu 21 tuần bị sốt virus, có tiêm solumedrol 40 mg x 02 lo trong ( mỗi ngày 1 lọ) em nghe thông tin bảo thuốc đó ảnh hưởng đến thai nhi. Mong bác sĩ tư vấn xem tình trạng con em có ảnh hưởng gì của thuốc không ạ? Em cảm ơn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Sử dụng corticoid đường tĩnh mạch ở tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ thường không gây ảnh hưởng đáng kể nào lên tình trạng sức khoẻ thai nhi, nhất là nếu chỉ sử dụng ngắn ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ sốt siêu vi thông thường thì không có chỉ định dùng solumedrol 40mg tiêm 2 lần/ngày, bạn nên tham vấn lại ý kiến của bác sĩ điều trị về vấn đề này, có thể còn do nguyên do nào khác nữa hay không bạn nhé!

Thân mến.


Nguyễn Thị Mỹ Thơ - mython...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em xét nghiệm dươg tính với HPV type 52, em không có biểu hiện nổi nốt sùi gì cả, nhưng em không biết HPV 52 có gây bệnh sùi mào gà không? Bác sĩ tư vấn giúp em ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

HPV (viết tắt của Human papilloma virus) types 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, và 68 được xem là những loại nguy cơ cao vì có khả năng gây ra ung thư cổ tử cung và những loại ung thư khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hay hậu môn. HPV cũng có thể gây ung thư ở phía sau họng, bao gồm dưới lưỡi và amidan (gọi là ung thư miệng họng). HPV type 52 thường không gây sùi mào gà. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị dứt điểm được virus HPV, do đó, bạn nên khám phụ khoa định kỳ hàng năm, xét nghiệm Pap’s smear theo chỉ định của bác sĩ để tầm soát sớm ung thư bạn nhé!

Thân mến.

          
La Thi Dung - dl50...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi bị đa chấn thương vùng cẳng và cánh tay do tai nạn lao động, bị máy bóc gỗ cuốn, hiện tại đã phẫu thuật nối cơ dây thần kinh và mạch máu, cố định khung xương ngoại vi, cánh tay mất toàn bộ da mặt trong cánh tay và cẳng tay. Vậy làm thế nào để phục hồi vết thương và nhanh mọc da non được ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Các vết thương lớn, tổn thương da diện rộng thường có quá trình chăm sóc lâu dài, phức tạp thì da mới có thể lành như ban đầu. Theo diễn tiến mô tả, trong giai đoạn này bạn chắc vẫn còn nằm viện, do đó việc chăm sóc sẽ do phía bệnh viện theo dõi, rửa vết thương và thay băng hàng ngày.

Nguyên tắc để vết thương mau lành là phải tạo môi trường ẩm vừa phải, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng vết thương, có thể phải sử dụng chất tăng trưởng biểu bì hoặc hút liên tục chân không. Một số vết thương cần có kỹ thuật khâu da đặc biệt hoặc ghép da thì mới lành được. Về ăn uống không có chỉ định kiêng khem đặc biệt, nên bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tránh rượu bia, chất kích thích để vết thương mau lành bạn nhé!

Thân mến.


Xuan Nha - nhadin...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em 50 tuổi, liên thất trước bị hẹp 30-40% đang sử dụng Natto Ezym. Vậy có cần uống Plavit hoặc Aspirin không ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào chị,

Hẹp mạch vành nhánh liên thất trước 30-40% là hẹp nhẹ, không đáng kể, thường không gây ra triệu chứng. Aspirin và plavix có hoạt tính chống ngưng tập tiểu cầu. Thuốc được chứng minh là có tác dụng giảm tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đồng thời ngăn ngừa cơn đau thắt ngực. Aspirin được chỉ định cho mọi bệnh nhân có hẹp đáng kể động mạch vành, bệnh nhân tiền sử nhồi máu cơ tim, hoặc những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc các biến cố tim mạch khác.

Tuy nhiên hai loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ trên dạ dày và gây chảy máu. Do đó, nếu bác sĩ tim mạch đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch của chị không cao, không có hẹp đáng kể mạch vành thì chưa cần thiết phải sử dụng. Nên can thiệp vào lối sống (chế độ ăn, tập luyện) có hiệu quả cao hơn nhiều so với sử dụng thực phẩm chức năng hoặc các thuốc chống đông máu chị nhé!

Thân mến.

 
Đinh Huyền Trang - trangdi...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em điều trị lao đã được 1 tháng, sau 3 tuần uống thuốc em đã không còn ho có đờm và đau phổi, nhưng sau 1 tháng dấu hiệu ho có đờm quay trở lại, có hơi nhức ngực và cảm cúm. Liệu đây có phải dấu hiệu lao kháng thuốc không ạ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Sau quá trình điều trị 1-2 tháng đầu, em thấy ăn ngon miệng hơn, ho đàm và sốt giảm dần, tăng cân, người cảm thấy khoẻ hơn, xét nghiệm đàm trở về âm tính là dấu hiệu tốt, cho thấy điều trị có đáp ứng. Nếu vô tình trong quá trình điều trị lao em bị cảm cúm, em có thể ho và có đàm trở lại nhưng đàm này thường xuất phát từ đường hô hấp trên hơn là do tổn thương phổi.

Nếu ho đàm, mệt mỏi kéo dài trên 1 tuần thì nên tái khám để bác sĩ đánh giá lại tổn thương phổi cho em nhé!

Thân mến.


Trần Van Chức - tranchuc...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Bố cháu sinh năm 1952 bị u chordoma ở vùng tuyến yên đã mổ được 2 năm và hiện đang tái phát ở chỗ gần đó. Các bác sĩ ở bệnh viện K bây giờ đưa ra phác đồ điều trị xạ trị không sử dụng được tia gamma. Cho cháu hỏi cách xử lý bệnh của bố cháu sao ạ. Nếu bố cháu xạ trị thì thời gian sống được khoảng bao lâu? Mong bác sĩ tư vấn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

U chordoma tuyến yên là loại ung thư xương nguyên phát hiếm gặp nhưng may mắn là u tiến triển khá chậm. Hiện nay, xạ trị loại bỏ khối u được xem điều trị tốt nhất để kéo dài sự sống cho bệnh nhân, xạ phẫu và liệu pháp proton cho hiệu quả cao hơn cả. Do khối u chordoma thường xâm lấn vào xương nên việc loại bỏ khối u hoàn toàn là không khả thi. Hoá trị không có tác dụng với u dạng này.

Tại Mỹ, thời gian sống trung bình của bệnh nhân từ lúc phát hiện bệnh là 7 năm, tỷ lệ sống trên 5 năm là 68% và trên 10 năm là 40%. Đa số bệnh nhân phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật trong nhiều năm để xử trí các tổn thương tái phát. Di căn xa ít gặp, gặp khoảng dưới 10% với các khối u nguyên phát nội sọ. Vì khối u ở tuyến yên thường khá khó trong việc tiếp cận, do đó tuỳ vào vị trí của u, bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp nhất để cắt bỏ u bạn nhé!

Thân mến.


Phùng Minh Tùng - phungt...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em bị tai nạn và gãy 1/3 xương đùi trái vào tối ngày 13/5, nằm viện đến ngày 15/5 thì phẫu thuật và đặt nẹp kín, đến nay đã được 51 ngày và em đã tập đi nạng được 16 ngày rồi nhưng chưa dồn lực xuống chân gãy. Em có dồn lực xuống chân nhưng vùng xương bị gãy không có cảm giác đau và buốt. Vậy bác sĩ cho em hỏi khoảng bao nhiêu lâu nữa em có thể bỏ nạng để chịu lực của bản thân em ạ? Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Quá trình tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau phẫu thuật cố định xương cần được bắt đầu sớm. Cụ thể như sau:

– Từ ngày đầu sau mổ: tập thở để ngăn ngừa biến chứng phổi sau hậu phẫu, tự cử động bàn chân, cổ chân để gia tăng tuần hoàn chi, co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông, cơ dạng, cơ khép…

– Từ ngày thứ 2: Co cơ tĩnh cơ tú đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông lớn. Tập chủ động tự do các cơ thân mình, chân lành và tiếp tục tập như với ngày thứ nhất.

– Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: Tập như với ngày thứ nhất và hai. Tập chủ động trợ giúp nhẹ nhàng đối với cử động của khớp hông. Không làm động tác xoay trong, xoay ngoài. Tập chủ động trợ giúp gập gối trong giới hạn tầm độ mà bệnh nhân chịu được. Tập chủ động có lực kháng  các chi lành.

– Từ tuần thứ 2: Sau khi cắt chỉ tiếp tục tập như tuần thứ nhất. Tập đi nạng không chống chân đau có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên.

– Từ tuần thứ 3 trở đi: Tập các động tác chủ động tăng tiến. Tập chủ động có trở kháng bằng tay kỹ thuật viên. Tập chủ động có trở kháng cho nhóm cơ ụ ngồi và cơ tứ đầu đùi. Tập gập duỗi, dạng áp khớp hông. Hướng dẫn đi nạng chịu một phần sức nặng ở tuần thứ 6, kỹ thuật viên tập đối kháng chức năng gập tối đa cho bệnh nhân.

– Từ tuần thứ 10: Có thể bỏ nạng hoàn toàn nếu cơ lực phục hồi và xương liền tốt sau kiểm tra X-quang. Tập xe đạp khi tầm vận động khớp gối đạt 90 độ và ép gập tối đa.

Thông thường bệnh nhân mất từ 3-6 tháng để trở về sinh hoạt bình thường bạn nhé!
 
Thân mến.


Chiến - tranco...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cho em hỏi, ngày hôm qua em thấy trên tay mình xuất hiện vết đỏ, không biết đây là triệu chứng gì, có cách nào chữa trị không, nó chỉ sưng đỏ thôi không có cảm giác nhức hay là đau gì ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Tình trạng viêm da nặng, có dấu hiệu đỏ da, châm chích, có thể kèm mụn nước. Với tổn thương viêm nặng, nghi ngờ bỏng da do hoá chất nhiều khả năng là kiến ba khoang gây ra. Loại kiến này có thể phóng thích ra chất để tự vệ khi bị đe dọa. Hóa chất này gây bỏng mạnh, phản ứng xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc. Những đáp ứng khác nhau nhìn thấy trên da là tùy thuộc vào nồng độ, thời gian tiếp xúc và những đặc trung của từng cá nhân mỗi người.

Ở những trường hợp nhẹ, chỉ có hồng ban nhẹ trên da và thường tự hết sau một vài ngày. Những trường hợp nặng hơn, hồng ban xuất hiện những mụn nước và bọng nước sau một ít ngày, những mụn nước/bọng nước này diễn tiến  thành những mụn mủ là khá thường gặp. Sau đó là giai đoạn bong vảy khi bọng nước khô lại sau khoảng 1 tuần. Sau khi chúng bong vảy ra để lại đám tăng hoặc giảm sắc tố trên da. Điều đáng mừng là chúng thường không để lại sẹo nếu không có kèm nhiễm trùng đi kèm.

Một số chẩn đoán phân biệt khác có thể là viêm da do Herpes simples, bệnh zona, bỏng dung dịch, viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích ứng khác, viêm da độc tính với ánh sáng.

Việc điều trị cần bắt đầu với việc loại bỏ những chất kích thích bằng cách rửa sạch bằng xà phòng và nước sạch. Những vị trí có bọng nước nên được điều trị với ngâm nước lạnh, dung dịch vệ sinh hằng ngày có thể lựa chọn như xà phòng nhẹ, nước muối sinh lý, thuốc tím, đỏ eosin,…  Cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vết thương mỗi ngày để tránh bội nhiễm sẽ cho kết quả tốt. Vết thương cần được băng lại để che phủ tránh bội nhiễm và giữ ẩm cho vết thương. Ngoài ra, bạn cũng nên khám bác sĩ da liễu để đươc kê toa thuốc kháng viêm và kháng sinh cần thiết bạn nhé!

Thân mến.


Đỗ Thị Hường - dohuong...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Lưỡi của em có nhiều hạt ở cuống, lè lưỡi ra rất đau. Khi ngủ dậy cuống lưỡi cũng rất đau và rát, uống nước thì đỡ. Em cũng đau rát vùng vòm họng chỗ lưỡi gà. Uống nước và ăn không đau, nhưng khi nuốt nước bọt cảm giác rất khó chịu. Thi thoảng em có hiện tượng đau nhói tai, một lúc sau thì hết.

Em bị viêm họng từ đầu tháng 1, cắt amidan ngày 26/2 và đau từ đó đến giờ. Em bị viêm xoang 10 năm nay, có tiền sử trào ngược dạ dày, đã đi khám rất nhiều nơi bác sĩ đều kết luận viêm xoang và viêm họng mãn tính.

Hiện tượng cuống lưỡi của em vẫn đau và 1 tuần này có thêm 2 vết nứt nữa ạ. Như vậy là biểu gì hiện ạ. Em mới uống xong đơn thuốc có cả kháng sinh và trào ngược dạ dày nhưng tình trạng bệnh vẫn không tiến triển gì. Em có đi khám ở bệnh viện Tai mũi họng trung ương hôm 20/6 và uống thuốc rồi ạ. Mong bác sĩ tư vấn em cách điều trị ạ. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Tình trạng của bạn gọi là lưỡi nứt kẽ, thường không đau, nhưng nếu thức ăn đọng lại thì có thể gây viêm. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy đau rát.

Để tránh viêm lưỡi, bạn nên uống nhiều nước, chú ý giữ vệ sinh răng miệng, súc miệng nhiều lần trong ngày để chống ứ đọng thức ăn. Trong chế độ ăn uống, nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B và C.

Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu không kiểm soát hiệu quả cũng là một nguyên nhân gây viêm gai lưỡi và nứt lưỡi. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản cần kiên nhẫn dùng thuốc, kết hợp với thay đổi lối sống như tránh ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, chua cay, kiêng rượu bia, thuốc lá, tránh ăn quá no, tránh nằm ngay sau khi ăn ít nhất 2 giờ, giảm cân nếu có thừa cân, béo phì và tránh căng thẳng lo lắng bạn nhé!

Thân mến.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe Alobacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X