Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn: Đang điều trị lao phổi âm tính có nên cho con bú?

Chiều tối ngày 3/6, BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời bạn đọc AloBacsi các câu hỏi về: vì sao mắt bị giật, mẹ bị lao phổi âm tính có nên cho con bú, nhức lưng do nguyên nhân gì...

NỘI DUNG TƯ VẤN
Trí - Quận 8, TPHCM

Em chào bác sĩ,

Tình trạng của em là khi đi tiểu, sau khi tiểu xong thì ở đầu dương vật hơi ngứa. Không biết là em bị gì ạ? Bác sĩ có thể cho em biết nếu đi xét nghiệm ở các phòng khám thì em nên xét nghiệm về gì ạ? Em bị hơn 1 tuần rồi. Em chỉ có triệu chứng thế ngoài ra không còn biểu hiện gì khác hết.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Nguyên nhân gây ngứa đầu dương vật rất đa dạng, từ kích ứng do xà phòng, nước sinh hoạt bẩn, mặc quần lót quá chật, nhiễm nấm do giữ vệ sinh cá nhân kém… cho tới các bệnh lý viêm nhiễm do bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bác sĩ khuyến cáo em nên đi khám nếu lo lắng vì có yếu tố nguy cơ, em có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa Ngoại niệu hoặc Nam học, tại TPHCM có bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện ĐH Y Dược, Bệnh viện 115,… hoặc khám theo tuyến BHYT em nhé!

Thân mến.


Bui Phuong - phuong...@gmail.com

Bác sĩ cho cháu hỏi,

Trước kia cháu viêm amidan nhưng đã cắt, cắt xong một thời gian cháu thấy cổ họng xuất hiện nhiều hạt. Sau một thời gian lưỡi cháu mọc nhiều hơn và xuất hiện cả ở vùng dưới lưỡi. Liệu cháu có phải bị ung thư vòm họng hay là sùi mào gà không?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Sau khi cắt amidan, nếu không chăm sóc sức khoẻ cẩn thận, người bệnh vẫn có thể bị viêm họng trở lại. Amidan chỉ là 2 cơ quan bạch huyết lớn, ở vùng hầu họng vẫn còn nhiều tổ chức lympho khác, có thể bị phì đại nếu viêm họng tái đi tái lại nhiều lần, gây phì đại và gây ra tình trạng gọi là “viêm họng hat”, tức là thành sau họng, đáy lưỡi xuất hiện nhiều hạt nhỏ hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là loại trừ được bệnh lý ung thư vòm họng và sùi mào gà, nếu em có yếu tố nguy cơ (quan hệ tình dục bằng miệng không an toàn, hút thuốc lá nhiều, tiền căn gia đình có người bị ung thư…) thì vẫn có thể mắc bệnh. Do đó em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng để bác sĩ kiểm tra và can thiệp điều trị thích hợp em nhé!


My Ngoc - Cần Thơ

Thưa bác sĩ,

Em mổ gót chân đã 12 ngày. Quan hệ vợ chồng có bị gì không ạ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Khi có vết mổ ở gót chân, em vẫn có thể quan hệ bình thường, chỉ có điều là nên chú ý tư thế để tránh bị đau và làm xây xát vết thương trở lại em nhé!

Thân mến.


Nguyễn Văn Trọng - tron...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em là nam 21 tuổi, hiện đang làm tại công ty IT.Gần đây mắt trái của em thường xuyên bị giật (giật nhiều ngày liên tục). Mắt của em bình thường và không bị cận. Cho em hỏi đó là bệnh gì hay chỉ là dấu hiệu mỏi mắt bình thường ạ? Em cảm ơn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Về cơ bản, mắt bị giật khôngn phải dấu hiệu của bệnh lý gì nghiêm trọng. Nguyên nhân của co giật mi mắt là cơ vòng mi bị mỏi, do mắt phải làm việc điều tiết quá nhiều hoặc mắt bị khô, viêm kết mạc. Mắt có thể co giật ở nhiều mức độ, nhưng nếu co giật cả cơ mặt thì có lẽ có nguyên nhân khác về thần kinh hơn là chỉ ở mắt.

Em nên để cho mắt nghỉ ngơi nhiều hơn, sử dụng loại màn hình ít gây hại mắt, khoảng cách mắt - màn hình vừa tầm, sau mỗi 45 phút làm việc nên để cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút, chú ý chớp mắt thường xuyên, uống nhiều nước và nhỏ thêm nước mắt nhận tạo nếu thấy khô mắt.

Nếu triệu chứng co giật nhiều hơn, em cần khám chuyên khoa Mắt để tầm soát các bệnh lý làm mắt phải điều tiết nhiều mau mỏi em nhé!


Thu Hà - thuha...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em điều trị lao phổi (âm tính) thì có cho bé bú mẹ được không ạ? Bé em 6 tháng tuổi và không chịu ăn thứ nào ngoài sữa mẹ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Nếu em bị lao phổi AFB âm, mắc bệnh lần đầu và không kháng thuốc thì phác đồ có thể sử dụng an toàn trong giai đoạn cho con bú, không ảnh hưởng đến em bé. Bác sĩ có thể cho em bổ sung thêm vitamin B6 để hạn chế tác dụng phụ của isoniazid.

Bệnh lao không lây qua sữa mẹ nên em có thể an tâm cho bé bú mẹ. Tuy nhiên, bệnh lao lại rất dễ lây lan qua các hạt khí dung khi em ho, hắt hơi, nói chuyện. Do đó, tốt nhất trong 2 tháng đầu điều trị em nên mang khẩu trang khi ở gần bé hoặc tốt nhất là nhờ sự hỗ trợ của gia đình để vắt sữa mẹ và cho bé bú qua bình để hạn chế tiếp xúc quá nhiều.

Ngoài ra, cần chú ý các dấu hiệu của bé như sốt, ho nhiều, bỏ bú, quấy khóc để khám và tầm soát lao sớm cho bé em nhé!

Thân mến.

Việt Hải - viethai...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em bị lao phổi AFB (-), đã điều trị tấn công 2 tháng. Bác sĩ cho em hỏi bây giờ làm xét nghiệm nuôi cấy đờm có âm tính không ạ? Cám ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Thông thường sau 2 tháng điều trị tấn công, nếu em tuân thủ tốt phác đồ, vi khuẩn lao không phải loại kháng thuốc thì nuôi cấy lúc này phải âm tính.

Trường hợp kết quả nuôi cấy dương tính cần phải đánh giá lại liều lượng thuốc, kháng sinh đồ để phác hiện sớm lao kháng thuốc em nhé!

Thân mến.


Tăng Thiện Nam - TPHCM

Bác sĩ cho em hỏi,

Cấy MGIT là sao ạ? Cấy MGIT với nội soi là như nhau hay khác ạ? Bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Cấy MGIT là phương pháp nuôi cấy đàm hoặc dịch rửa phế quản phế nang để tìm vi khuẩn lao, thời gian trả kết quả thường từ 2 - 6 tuần (do vi khuẩn lao mọc khá chậm). Kết quả cấy MGIT dương tính có độ chính xác để chẩn đoán bệnh nhân bị lao.

Nội soi và cấy MGIT là 2 phương tiện khác nhau để tầm soát. Khi nội soi phế quản, bác sĩ sẽ đưa một camera vào trong lòng phế quản của em để quan sát, xem có khối u hay dị vật gây tắc nghẽn hay không, nhằm giải quyết nguyên nhân. Ngoài ra, khi thực hiện nội soi phế quản, bác sĩ cũng thực hiện thủ thuạt rửa phế quản phế nang để lấy dịch làm xét nghiệm chẩn đoán lao cho em (thực hiện cấy MGIT, LPA, AFB…).

Lao là bệnh lý truyền nhiễm, có thể gây nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, em nên tuân thủ theo hướng dẫn chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán đầy đủ và chính xác em nhé!


Văn Thanh - Hậu Giang

Chào bác sĩ,

Tôi thường bị nhức lưng. Uống thuốc thì bớt, nhưng vài ngày sau bị lại. Tôi có đi chụp Xquang. Kết quả: gai hóa L3. Mong bác sĩ tư vấn.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com 
Chào anh,

Theo như anh mô tả anh bị đau thắt lưng thường xuyên, chụp Xquang cột sống có gai cột sống thắt lưng thì chẩn đoán phù hợp nhất là thoái hóa cột sống thắt lưng. Đây là căn bệnh mãn tính, liên quan chặt chẽ tới quá trình lão hóa của sụn và xương do phải chịu nhiều tải trọng xảy ra liên tục. Bệnh thoái hoá cột sống bản chất là những biến đổi hình thái gồm các biến đổi thoái hóa ở đĩa đệm, thân đốt sống và ở các mỏm gai sau.

Thoái hóa cột sống thường gặp ở những người cao tuổi, người lao động nặng nhọc, dân văn phòng ít vận động, ngồi lâu sai tư thế, do béo phì, di truyền... với những cơn đau âm ỉ kéo dài. Trong đó, cột sống cổ và cột sống lưng là 2 khu vực dễ bị thoái hóa nhất.

Giai đoạn đầu của bệnh, đau có thể chỉ khu trú ở vùng thắt lưng, đau mỏi cơ. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng. Ở giai đoạn muộn, đau nhiều, đĩa đệm thoát vị chèn ép các rễ thần kinh hoặc trượt đốt sống, không còn đáp ứng điều trị nội khoa hoặc có dấu hiệu đau, yếu liệt chi dưới, lúc này chỉ định phẫu thuật được đặt ra.

Hiện tại nếu cơn đau của anh chỉ khu trú ở thắt lưng, anh nên khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp để được hướng dẫn tập vật lý trị liệu, đeo đai lưng hoặc kê toa thuốc thích hợp để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn anh nhé!


Nguyễn Vũ Linh - nguyenvul...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi,

Chân em bị gãy xương đùi trái, mổ và lắp đinh 10 ngày, đùi còn sưng và chưa đi lại được thì có sao không ạ? Bao lâu thì em có thể đi lại bình thường ạ? Em xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Có rất nhiều phương pháp điều trị gãy thân xương đùi như: nắn chỉnh bó bột, phẫu thuật mở ổ gãy (mổ mở), phẫu thuật kết hợp xương bên trong bằng nẹp vít, đinh nội tủy… Phương pháp đóng đinh nội tuỷ có hiệu quả lành xương cao, giúp bệnh nhân có thể vận động và phục hồi sớm.

Hiện tại sau 1 chấn thương nặng, mô mềm quanh vùng gãy vẫn còn sưng là hiện tượng rất thường gặp, em không nên quá lo lắng. Các mô này dần dần sẽ bớt sưng đau, em nên kê chân cao, chườm lạnh, dùng thuốc kháng viêm, giảm đau mà bác sĩ kê toa để bớt triệu chứng khó chịu.

Quá trình tập hồi phục chức năng dù có thể thực hiện sớm hơn so với bó bột nhưng vẫn phải tuần tự từng bước, nếu gấp gáp có thể khiến xương tổn thương thêm. Trong giai đoạn này, em có thể tập gồng các cơ, tập vận động cho các khớp được linh hoạt.

Khi chân bớt sưng đau, có thể bắt đầu tập đi nạng không chịu lực trên chân gãy, và sau đó chịu lực dần dần tuỳ theo khả năgn của cơ thể. Nếu tập đúng cách, sau3 tháng em có thể hồi phục được các hoạt động sinh hoạt bình thường em nhé!

Thân mến.


Đinh Thị Hải - dinhth...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em đang mang thai 3.5 tháng mà thường xuyên bị đau đầu, uống thuốc IPEC plus tablet mà không chịu nổi, toàn bị nôn ói, như vậy là sao ạ? Em thường xuyên mất ngủ, khó ngủ ạ. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

IPEC Plus tablet là viên bổ sung sắt, acid folic và kẽm, thường dùng cho phụ nữ mang thai. Sắt là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, cần thiết cho sự tạo Hemoglobin và quá trình oxid hóa tại các mô. Acid folic là một loại vitamin nhóm B (vitamin B9) cần thiết cho sự tổng hợp nucleoprotein và duy trì hình dạng bình thường của hồng cầu.

Tuy nhiên, ở một số người, thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng trên, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có thể đen do thuốc. Nếu không dung nạp thuốc, em nên tái khám để bác sĩ thay đổi loại thuốc khác cho em.

Đau đầu khi mang thai ở giai đoạn đầu của thai kỳ là biểu hiện do những thay đổi về nội tiết tố, chuyển hoá khi mang thai. 80% phụ nữ mang thai có dấu hiệu đau đầu khi mang thai.

Trường hợp của em đau đầu có thể do mất ngủ, tinh thần căng thẳng, mệt mỏi. Bác sĩ không rõ trước khi mang thai em có bị đau đầu, mất ngủ hay không, nếu tình trạng này đã có từ lâu thì rất khó để điều chỉnh nhanh về bình thường, nhất là khi mang thai, bác sĩ rất dè dặt khi kê toa cho em.

Trước hết, em nên áp dụng thử một số biện pháp thư giãn, tập thể dục, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh suy nghĩ quá nhiều, tránh nơi ồn ào, nóng bức. Để giảm khó chịu em có thể uống 1 viên Panadol để giảm đau nhưng đừng nên lạm dụng gây quá liều. Nếu đau đầu còn kéo dài, em cần khám chuyên khoa Nội thần kinh để điều chỉnh nhằm đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé em nhé!


Jung - jungmen...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi đây là triệu chứng bệnh gì ạ? Em bị đau họng, ngạt mũi và thỉnh thoảng đờm có máu ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Theo như hình ảnh cung cấp thì tình trạng viêm họng của em đã diễn tiến mạn tính kéo dài, tái phát nhiều lần, hiện tại đang là tình trạng “viêm họng hat”. Viêm họng hạt là tình trạng mạn tính, do viêm họng tái đi tái lại quá nhiều lần, dẫn đến phì đại các tổ chức lympho ở họng, đây là bệnh lý lành tính nhưng thường không thể điều trị dứt điểm mà chủ yếu là là phòng ngừa các đợt bùng phát bệnh gây ra triệu chứng khó chịu.

Biểu hiện của bệnh là nhìn thấy các hạt phì đại vùng hầu, có thể có cảm giác nuốt vướng, khô họng. Trào ngược dạ dày thực quản và viêm mũi xoang mạn là các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này.

Do đó, em nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị nguyên nhân vùng mũi xoang, nếu đàm có máu, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi tìm nguyên nhân và can thiệp điều trị.

Để phòng ngừa tái phát, em nên vệ sinh sạch sẽ răng miệng, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, cần tích cực tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi phù hợp để tăng cường sức đề kháng em nhé!


ZL Trần Thị Diễm

Bác sĩ cho em hỏi về cách điều trị bằng điện giao thoa là như thế nào, có đau không ạ ? Bệnh nhân bị bón và nứt hậu môn, điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Bác sĩ cho làm điện giao thoa này ạ, nhưng em muốn biết điều trị như thế nào và có đau không? Vừa rồi mới chụp Xquang và bác sĩ chỉ định làm điện giao thoa.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Điều trị táo bón bằng sóng điện giao thoa, bác sĩ sẽ dùng 2-4 điện cực dán hoặc đặt lên bụng bệnh nhân để kính thích nhu động quai ruột. Điều trị tốt cho những trường hợp bị táo bón kéo dài mà dùng thuốc ít có tác dụng. Phương pháp này thường dùng điều trị cho táo bón thứ phát liên quan đến bệnh lý khác hoặc táo bón ở trẻ em.

Trong hầu hết các trường hợp táo bón còn lại ở người bình thường khoẻ mạnh thì việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt sẽ mang lại hiệu quả đáng kể, ít khi phải dùng thêm các can thiệp khác. Bạn cần chú ý các vấn đề sau:

- Chế độ ăn: cần tăng cường ăn nhiều chất xơ tương đương với 300 gram trái cây, rau, hoa quả tươi, măng v.v... hạn chế những loại thức ăn ít hoặc không có chất xơ như kem, phomat, các loại thịt, trứng, thực phẩm chế biến sẵn, các thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ.

- Uống đủ nước: nên uống nhiều nước, trung bình cần uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, hạn chế uống trà đặc, cà phê, cocacola hay loại nước có gas. Uống nước ngay cả khi không khát. Tốt nhất là ngay khi ngủ dậy vào buổi sáng nên uống một cốc nước ấm khoảng 500 ml vào lúc bụng đói, sau đó đi bộ vài phút. Đặc biệt những ngày nóng, ra nhiều mồ hôi càng phải bổ sung thêm nước.

- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Phải tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày, không nên nhịn lâu, tự tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn. Đối với những người do nghề nghiệp ngồi lâu cũng cần bố trí thời vận động phù hợp. Nên luyện tập tay chân như đi bộ, chạy, hít thở bằng bụng, chạy chậm giúp ăn uống ngon miệng, sảng khoái tinh thần, tăng nhu động ruột và tăng trương lực cơ làm cho cuộc sống bình ổn và tránh táo bón.

Chúc bạn mau chóng khỏi bệnh!

Thân mến.


ZL The End

Chào bác sĩ ạ,

Tôi hiện đang công tác ở nước ngoài và không may mắc phải hiện tượng giống bệnh lậu ạ. Đã 10 ngày kể từ khi có biểu hiện chảy một ít dịch màu trắng, đi tiểu hơi cảm giác buốt. Tôi đã đọc và mua thuốc theo trên báo ạ. Chỉ mua thuốc uống không mua thuốc tiêm.

Tôi không biết cách dùng liều lượng như trên báo viết như vậy cùng một lúc uống từng đó thuốc hay là phân chia như thế nào ạ? Xin bác sĩ chỉ giúp tôi ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào bạn,

Về lý thuyết, bạn có thể điều trị bệnh lậu bằng thuốc kháng sinh uống, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn lậu hiện nay kháng thuốc rất nhiều, kháng sinh uống cho hiệu quả không cao, dễ xuất hiện chủng kháng nhiều thuốc hơn, lúc đó thật khó để có phương pháp điều trị thích hợp. Do đó, bác sĩ không khuyến cáo bạn tự ý điều trị.

Ngoài ra, nhiễm trùng tiểu ở nam giới còn nhiều nguyên nhân khác chứ không chỉ có bệnh lậu. Đó có thể là một bất thường giải phẫu, sỏi niệu, hoặc nhiễm lậu cầu phức tạp không thể trị dứt điểm chỉ bằng 1 liều kháng sinh thông thường.

Bệnh lậu nếu không điều trị đúng cách, phát sinh chủng kháng thuốc có thể diễn tiến mạn tính, ảnh hưởng rất xấu đề sức khoẻ toàn trạng và khả năng sinh sản, do đó bạn không nên quá chủ quan mà cần tới cơ sở y tế để tiếp cận điều trị chuẩn càng sớm càng tốt.

Theo bác sĩ, dù là ở nước nào thì vẫn có chế độ bảo hiểm dành cho người đi công tác, bạn nên tham vấn thêm ý kiến của các đồng nghiệp và người dân bản địa để được khám chữa bệnh càng sớm càng tốt. Bạn cũng cần được tầm soát thêm các bệnh lý khác cũng nguy hiểm không kém nếu như có quan hệ tình dục không an toàn trước đó bạn nhé!


ZL Quỳnh Anh

Bác sĩ ơi,

Trong miệng em bỗng dưng nổi như thế này là bị sao vậy ạ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com
Chào em,

Theo như hình ảnh cung cấp thì em chỉ bị viêm niêm mạc miệng mà thôi. Viêm loét miệng là những tổn thương nông trên bề mặt niêm mạc trong khoang miệng, thường tự khỏi trong vòng 5-7 ngày, lành tính. Bệnh có thể tái phát, liên quan nhiều đến cơ địa, suy giảm chức năng miễn dịch, thường tái phát khi stress, cắn chấn thương, rối loạn nội tiết, do vi khuẩn...

Để mau khỏi, em có thể bổ sung thêm các vitamin như C, B, PP, giữ vệ sinh răng miệng, cạo vôi răng định kỳ, tránh thức khuya và làm việc quá sức, không hút thuốc lá ...

Nếu vết loét ngày càng to hơn, kéo dài trên 2 tuần thì nên khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt em nhé!

Thân mến.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X