Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên tư vấn: Ăn chung đũa lây những bệnh nào?

Viêm nha chu có gây nổi hạch, chỉ số acid uric vượt ngưỡng có đáng lo, u tá tụy có tiên lượng sống bao nhiêu... Tất cả những vấn đề này được BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời đầy đủ trong chương trình tư vấn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên hiện đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất


N. T. - nhatth...@gmail.com

Bác sĩ có thể giải đáp giúp em một số thắc mắc về bệnh nhiễm HTLV được không ạ? Em là nữ, đi hiến máu thì kết quả bị nhiễm virus HTLV với chỉ số 2.39. Em có tham khảo trên mạng thì được biết nếu quan hệ tình dục thì sẽ lây sang cho chồng, nhưng có bài thì nói vẫn sinh con bình thường. Em hơi hoang mang nên nhờ bác sĩ giải đáp. Cám ơn bác sĩ ạ.

Chào bạn,

HTLV-1 là một loại virus có thểchuyển các vật liệu di truyền của nó thành DNA trong tế bào ký chủ (retrovirus) gây nhiễm trùng các tế bào bạch huyết của người, từ đó gây bệnh cho hệ thống thần kinh hoặc gây ung thư bạch cầu. Virus có đường lây truyền tương tự virus HIV, tức là qua đường máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. Tuy nhiên, virus này lại không liên quan gì tới HIV, đa số các trường hợp nhiễm virus sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời không có biểu hiện triệu chứng, nhưng một số ít sẽ phát triển thành ung thư máu.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm virus này, cũng không có vaccin phòng ngừa, tầm soát chủ yếu qua xét nghiệm ở những người hiến máu tình nguyện.

Lời khuyên đối với những người có kết quả huyết thanh học với HTLV-1 dương tính là không nên hiến máu, hiến tạng, hiến sữa…Vì lý do không phải trường hợp nào nhiễm HTLV-1 cũng phát triển thành bệnh, nên không cấm hoàn toàn việc phụ nữ nhiễm virus mang thai sinh con. Nhưng người mẹ mang HTLV1 được khuyên không nên cho con bú sữa mẹ để tránh lây truyền từ mẹ sang con.

Việc phòng ngừa cho bạn tình cũng cần được chú ý để tránh virus lan truyền rộng trong cộng đồng, cụ thể là nên sử dụng bao cao su, sống lành mạnh 1 vợ 1 chồng, đặc biệt nếu chồng bạn xét nghiệm âm tính với HTLV-1 thì việc sử dụng bao cao su thường xuyên là rất quan trọng. Một điều may mắn là bệnh lý này lây truyền từ nam sang nữ qua quan hệ tình dục là 60% trong khi từ nữ sang nam chỉ khoảng 1% (nghiên cứu tại Nhật).

Như vậy nếu đã có gia đình và mong muốn có con, hai bạn nên cùng nhau tới bệnh viện làm xét nghiệm khẳng định chẩn đoán nhiễm HTLV-1 (vì hiện tại kết quả nhận được chỉ là xét nghiệm tầm soát dựa trên kháng thể, độ chính xác không cao). Sau khi có kết quả khẳng định nhiễm virus của cả hai vợ chồng, bạn có thể liên hệ chương trình để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn bạn nhé!

Thân mến.


N. H. - beom...@gmail.com

Em có dùng thuốc: 30 viên Omcetti 300mg, 30 viên Tri Alpha, 10 viên Efferalgan500 mg, 1 lọ nước súc miệng SMC Ag+ trong vòng gần 10 ngày nhưng cách thời điểm xét nghiệm máu 8-9 ngày thì em không còn sử dụng thuốc nữa.

Vậy bác sĩ cho em hỏi là các thuốc này có ảnh hưởng kết quả xét nghiệm HIV ag/ab combo không ạ? Em hoang mang quá.

Chào bạn,

Các thuốc trên không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và khả năng phát hiện bệnh của các xét nghiệm HIV. Bạn có thể yên tâm bạn nhé!

Câu tư vấn trước:

>> Xét nghiệm Ab/Ag sau 28 hành vi nguy cơ có phát hiện HIV không?

>> Dùng thuốc chữa đau răng có ảnh hưởng kết quả xét nghiệm Ab/Ag?


Phu Khanh - haih...@...com.vn

Hạch cổ sẽ xuất hiện ở vị trí nào và có sưng to không bác sĩ? Viêm nha chu liệu có là nguyên nhân xuất hiện hạch? Triệu chứng khi ủ bệnh, diễn biến nặng sẽ khoảng trong thời gian bao lâu? Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Chào bạn,

Hạch to do ung thư có thể xuất hiện tại nhiều vị trí, bao gồm các hạch dưới cơ vai móng tới trước xương móng, hạch dưới cằm, dưới hàm, hạch dọc theo cơ ức đòn chũm, hạch thượng đòn,  tam giác cổ sau, trước thanh quản, khí quản, trung thất…

Hạch to do ung thư giai đoạn đầu rất khó phân biệt với hạch to do viêm nhiễm, bao gồm các viêm nhiễm vùng đầu mặt cổ kể cả viêm nha chu. Do đó, hạch to trên 1 tuần không giảm nên khám chuyên khoa để loại trừ ác tính.

Về thời gian diễn tiến của ung thư khoang miệng rất khó để mô tả chính xác vì tuỳ vào đặc điểm giải phẫu bệnh, cơ địa từng bệnh nhân mà bệnh có thể diễn tiến trong vài tuần, vài tháng cho đến vài năm, phát hiện càng muộn thì tiên lượng càng xấu, nhất là khi đã có di căn xa. Tuy nhiên vẫn có trường hợp ung thư di căn đáp ứng tốt với thuốc hoá trị và khỏi bệnh.

Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ bạn nên khám chuyên khoa Ung Bướu hoặc Răng Hàm Mặt để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và đưa ra chẩn đoán bạn nhé!

Câu tư vấn trước: U lợi ác tính có những triệu chứng nào?


ZL Tan Huyen

Chỉ số acid uric lúc tăng lúc giảm, hiện tại là 568. Bác sĩ sau khi khám kết luận gout. Nhưng chỉ số acid uric của em vượt ngưỡng khoảng 1 năm nay thì có đáng lo không ạ? Em định dùng thuốc Boni Gout hoặc For Gout để chỉ số hạ có được không ạ?

Chào bạn,

Các sản phẩm bạn liệt kê là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh, do đó không thể khẳng định được là có làm giảm nồng độ acid uric máu hay không.

Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh lối sống để giảm chỉ số acid uric máu cực kỳ hiệu quả. Cần hạn chế những thực phẩm giàu purine như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật, thịt đỏ (thịt bò, thịt cựu, sò huyết, cá hồi), tăng cường chất xơ, rau xanh, không uống bia rượu, không hút thuốc lá, hạn chế thức ăn ngọt; nên tăng cường rau xanh, tập thể dục hàng ngày bạn nhé!

Thân mến.

Câu tư vấn trước: Đau vùng cổ chân, triệu chứng bệnh Gout?


Thành Ali - vdthanh...@gmail.com

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ. Như bác sĩ nói, u cầu tiểu não chèn ép các chức năng thần kinh. Vậy sau này em có còn đi đứng loạng choạng nữa không ạ? Khi mổ xong em không nghe bác sĩ dặn về tập vật lý trị liệu thính lực. Em mong bác sĩ hướng dẫn em bài tập thính lực. Em xin cảm ơn.

Chào bạn,

Có lẽ bạn đã hiểu sai ý mà bác sĩ tư vấn trước đó. Sau mổ, để hồi phục sức cơ và khả năng vận động tứ chi, bạn cần tích cực tập vật lý trị liệu để nhanh chóng trở về sinh hoạt bình thường. Phần này bạn nên tới trung tâm phục hồi chức năng để được hướng dẫn trực tiếp và có dụng cụ để nâng đỡ sức cơ toàn diện.

Đồng thời, cần khám thính lực theo chuyên khoa Tai Mũi Họng để chẩn đoán nguyên nhân ù tai còn lại là do trung ương hay ngoại biên bạn nhé!

Câu tư vấn trước: Tai không nghe rõ sau mổ u não, phục hồi bằng cách nào?


ZL Nguyễn Thu Minh

Cháu chào bác sĩ ạ,

Bố cháu năm nay 54 tuổi. Tháng 9 năm ngoái bố cháu được chẩn đoán bị ung thư bóng Vater, u tá tuỵ chưa di căn. Bố cháu đã phẫu thuật ở Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Sau phẫu thuật có xạ trị. Về nhà bố cháu vẫn đi khám định kì 2 tháng 1 lần.

Cháu muốn hỏi là bệnh của bố cháu sau phẫu thuật có thể chữa khỏi dứt điểm không? Có thể sống được bao lâu ạ? Từ khi phẫu thuật đến nay đã gần 1 năm mà bố cháu không tăng cân, chán ăn, thỉnh thoảng đau bụng âm ỉ. Bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh tình của bố cháu nên ăn gì và kiêng gì không ạ?

Chào bạn,

U tá tuỵ chưa di căn có thể nằm ở giai đoạn I, II, III. Tiên lượng khỏi bệnh trên 5 năm của 3 giai đoạn này rất khác nhau. Cụ thể là giai đoạn I là 84%, II là 70% và III chỉ khoảng 27%. Đa số các bệnh nhân “an toàn” trong 5 năm đầu sau điều trị sẽ có thể tiếp tục khỏi bệnh sau 10 năm, nếu không tử vong vì nguyên nhân khác.

Trong phẫu thuật Whipple, phần đầu tụy sẽ bị cắt bỏ. Mô tuyến tụy cần thiết cho việc sản xuất insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Khi mô tuyến tụy là loại bỏ cơ thể giải phóng insulin ít hơn và bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Do đó cần được theo dõi đường huyết định kỳ, hạn chế ăn quá nhiều tinh bột hoặc đồ ngọt, hạn chế thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ.

Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để thức ăn được hấp thu tốt hơn, đồng thời giảm thiểu triệu chứng đầy hơi, khó tiêu. Tập vận động thể lực hàng ngày cũng là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa đái tháo đường.

Về vấn đề đau bụng bạn nên đưa bố đến tái khám để bác sĩ điều trị trực tiếp kiểm tra và giải đáp thắc mắc bạn nhé!

Thân mến.


Vinh Sang - vinhs...@gmail.com

Kính chào AloBacsi,

Cách đây 10 tháng em có bị tai nạn giao thông bể xương mặt, phải mổ ghép inox cố định xương, sau khi mổ có tiêm 05 ngày kháng sinh, sau 5 ngày đó đến nay, em bị dị ứng ngứa nổi mề đay đã gần 10 tháng rồi, khám và uống thuốc ở Bệnh viện Da Liễu không hết, uống thuốc nam, đông y 04 tháng cũng không hết.

Xin cho hỏi trường hợp này có phải do dị ứng dị vật không ạ? Và chi phí lấy inox ghép xương ra là bao nhiêu ạ? Nên đi khám ở bệnh viện nào? Xin chân thành cảm ơn.

Chào bạn,

Việc dụng cụ kết hợp xương có phải nguyên nhân gây kích ứng hay không còn phụ thuộc vào chất liệu của dụng cụ. Nếu thật sự không phải là chất liệu “trơ” thì chắc chắn là phải phẫu thuật lần nữa để lấy dụng cụ ra. Còn nếu vật liệu bằng titan nhiều khả năng là bạn dị ứng với nguyên nhân khác. Vấn đề này bạn nên tham khảo trực tiếp bác sĩ đã phẫu thuật cho bạn trước đó.

Về vấn đề mề đay kéo dài, một số bệnh nhân không thể tìm được nguyên nhân nhưng bệnh lại cải thiện khi thay đổi môi trường sống, làm việc. Nếu uống thuốc kháng histamin không làm bạn dễ chịu hơn, bạn nên khám chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng ở Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Da Liễu để tìm nguyên nhân và điều trịbạn nhé!


Dao Tran - daotr...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em năm nay 32 tuổi, có bé 6 tuổi. Cách đây 1 năm em đi Ung Bướu khám thì bác sĩ kết luận bị u xơ sợi tuyến vú, vì đang nhỏ nên chưa cần phẫu thuật. Tháng này em bị rong huyết, bác sĩ ở Từ Dũ kê đơn uống thuốc tránh thai 1 vỉ, bác sĩ cũng không hỏi em có bệnh gì về vú không? Vậy em có thể uống thuốc tránh thai trong vòng 1 tháng hộp 28 viên như bác sĩ kê đơn không ạ? Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ.


Chào bạn,

Quả thật thuốc tránh thai nội tiết có thể ảnh hưởng lên các khối u ở vú. Do đó, vấn đề sử dụng lâu dài cần phải cân nhắc và theo dõi sát. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng ngắn hạn để điều trị rối loạn kinh nguyệt thì thường không ảnh hưởng nhiều, bạn có thể yên tâm điều trị và thông báo với bác sĩ sản khoa về khối u ở vú khi tái khám để được kiểm tra thêm bạn nhé!

Thân mến.


Nguyễn Tiến Vinh - tienvi...@gmail.com

Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh gout. Có người khuyên nên mua máy điện giải ion kiềm về dùng sẽ tốt cho bệnh. Vậy tôi muốn hỏi bác sĩ về tác dụng thực sự của nước ion kiềm? Xin cảm ơn.

Chào bạn,

Trong thời đại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc sử dụng nước uống sạch được khuyến khích để phòng chống bệnh tật nên không có lý do gì bác sĩ ngăn cản bạn sử dụng máy lọc nước này nếu gia đình đủ điều kiện kinh tế.

Tuy nhiên nếu vì mong chờ dùng nước này để khỏi bệnh gout thì chưa có nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa về khớp định kỳ để được điều trị và phòng ngừa cơn cấp của bệnh bạn nhé!


Hồ Thị Thắm - Hothit...@gmail.com

Ăn chung đũa thì bị những bệnh gì ạ bác sĩ?

Chào bạn,

Việc ăn chung đũa là nguy cơ tiềm tàng lây nhiễm nhiều bệnh lý từ nhẹ tới nặng, không chỉ là ăn chung đũa, mà ở Việt Nam, thói quen chấm chung một bát nước chấm, nước canh… cũng có nguy cơ lây truyền bệnh tương tự.

Một số bệnh lý đáng lưu ý bao gồm bệnh viêm gan siêu vi A gây viêm gan cấp tính, lây truyền vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, các virus gây bệnh đường hô hấp cấp, thậm chí là lao phổi cũng có thể lây nhiễm qua ăn chung.

Do đó, để phòng tránh các bệnh lây nhiễm, mỗi người cần có bộ dụng cụ ăn riêng, chỉ nên dùng muỗng chung để múc canh, nước chấm về bát của mình, hạn chế cười nói trong khi ăn, tránh ho hắt hơi vào bàn ăn. Tốt nhất là những người mắc các bệnh lý lây nhiễm nên cách ly, ăn uống riêng, rửa sạch chén đũa bằng xà phòng và phơi nắng để phòng ngừa lây nhiễm bạn nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X