Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên: Nghiến răng khi ngủ có phải là bệnh?

Hơi thở nặng mùi, nghe tiếng bụp bụp trong tai, cách lấy lại vị giác, đường lây nhiễm bệnh thủy đậu, phẫu thuật sa rực tràng... là những vấn đề bạn đọc AloBacsi thắc mắc. Mời quý vị độc giả đón nhận những lời tư vấn từ BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - hiện đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất và giảng dạy tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Nguyễn Phương - minhnguye...@gmail.com

Tôi 38 tuổi, sức khỏe bình thường. Khoảng 1 tháng nay tôi bị đau sau gáy (bên trái), không xoay đầu về bên trái mạnh được, cảm giác bị đau mạch máu. Không biết có thể mắc bệnh gì? Tôi có bệnh viêm xoang mãn tính (dị ứng thời tiết lạnh và các mùi hương), bị đau dạ dày, viêm đại tràng.

Chào bạn,

Đau vùng gáy có nguyên nhân thường gặp là do các thoát vị đĩa đệm vùng cổ gây chèn ép thần kinh, bệnh thường liên quan yếu tố tuổi tác, nghề nghiệp và thói quen.

Quá trình thoái hóa cột sống cổ khiến đốt sống bị bào mòn, hư hại dây chằng, sụn khớp, đĩa đệm. Từ đó gây đau đầu sau gáy âm ỉ ở cổ, vùng đầu sau gáy và có thể xuống cả cánh tay. Tuy nhiên cần phân biệt với đau do viêm, nhiễm trùng, khối u…

Do đó, bạn nên khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp để bác sĩ đánh giá trực tiếp, tìm nguyên nhân. Nếu là do thoát vị đĩa đệm giai đoạn đầu có thể dùng thuốc, tập vật lý trị liệu vẫn còn đáp ứng rất tốt bạn nhé!

Thân mến.

P. D. - hung.pd...@...edu.vn

Chào bác sĩ, em là nam, năm nay 22 tuổi. Em thấy ngay bên vú phải có hai núm vú mọc liền kề nhau từ nhỏ đến giờ. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có bình thường không ạ?

Ngoài ra bên vú trái ngay phần quầng vú có một cục mụn thịt, xung quanh quầng vú có lông ở giữa và hơi nhô hơn một chút so với các mụn thịt còn lại. Tầm 3-4 ngày trước có hơi nhức khi chạm vào bây giờ thì đã đỡ nhiều rồi ạ. Em xin hỏi như vậy thì có phải bệnh lý gì không ạ? Em xin cảm ơn.

Chào bạn,

Núm vú phụ có thể tồn tại trong một số trường hợp, thường do dị tật từ bẩm sinh. Núm vú phụ hầu như không nổi bật hoặc có thể bị nhầm lẫn với nốt ruồi hoặc vết bớt. Một số loại núm vú phụ có thể biểu hiện khác thường như thay đổi sắc tố da, sưng lên...

Nguyên nhân có thể do viêm nhiễm, thay đổi nội tiết tố… Núm vú phụ cũng có nguy cơ ung thư như vú bình thường.

Do đó nếu khối này to lên, đổi màu, tiết dịch bất thường thì nên tới bệnh viện để khám bạn nhé!

Phuong Anh

Xin chào bác sĩ, dưới cẳng chân em (phía dưới đầu gối) có cục u nhỏ như viên bi, chỉ khi ngồi xổm thì nó nổi rõ ra, còn khi đứng dậy hay ngồi bình thường thì không thấy. Em phát hiện cục u này từ năm 2016 nhưng do thấy nó không đau nên em không đi khám.

Một thời gian trở lại đây lâu lâu em thấy hay bị nhức chân âm ỉ, có hôm nhức từ xương chậu xuống, có đêm thì nhức từ đầu gối xuống tới bàn chân, cũng không đau nhức lắm. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có đáng lo ngại không ạ?

Chào bạn,

Đối với những khối u mà 3-4 năm không thay đổi kích thước, không gây ra triệu chứng gì khó chịu xưa nay, phần nhiều là u lành tính.

U lành tính thường khôgn xâm nhập mô xung quanh, không di căn, ít tái phát sau cắt bỏ. Một số u lành tính có thể tăng kích thước, chèn ép thần kinh, mô mềm gây đau, khi đó sẽ có chỉ định cắt bỏ u.

Do đó, bạn nên tới khám chuyên khoa Ung Bướu để bác sĩ đánh giá bản chất u và có hướng can thiệp cho bạn nhé!

Thân mến.

Thảo Vy - Letran...@gmail.com

Em chào bác sĩ, em bị thủng màng nhĩ hơn 3 tháng, có uống thuốc và thấy đỡ. Mấy hôm gần đây nuốt nước bọt thì nghe bụp bụp trong tai. Vậy em có bị sao không ạ?

Chào bạn Thảo Vy,

Màng nhĩ là một màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa, hình elip, bán trong suốt và hơi lõm vào trong, được cấu tạo bởi mô tương tự như da.

Chức năng chính của màng này là tiếp nhận sóng âm từ bên ngoài vào, sau đó tạo rung động rồi dẫn truyền nó qua một chuỗi xương con để đến với tế bào cảm nhận âm thanh ở tai trong. Qua đó các rung động cơ học sẽ được trở thành xung điện truyền lên não bộ. Ngoài ra, màng nhĩ còn giúp bảo vệ tai giữa bằng cách ngăn chặn vi khuẩn và các vật thể lạ bên ngoài.

Thông thường, tai giữa là vô trùng nhưng khi màng nhĩ bị thủng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào tai giữa, gây nhiễm trùng. Để làm tốt các chức năng dẫn truyền này, màng nhĩ phải luôn luôn nguyên vẹn, giữ được độ đàn hồi với độ mỏng cần thiết.

Thủng màng nhĩ thường do nguyên nhân nhiễm trùng, nếu lỗ thủng nhỏ có thể không cần phải điều trị vì màng nhĩ thường tự lành trong vài tuần hoặc vài tháng trong điều kiện tai được giữ khô và không bị vi khuẩn tấn công. Nếu thủng màng nhĩ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thính lực nhiều thì việc điều trị chủ yếu là vá màng nhĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Bạn nên quay lại tái khám để bác sĩ đánh giá lại tình trạng nhiễm trùng ở tai, nếu dai dẳng không dứt có thể xem xét chỉ định phẫu thuật bạn nhé!

Thân mến.

Mai Anh Phú - anhmaip...@gmail.com

Bác sĩ ơi, mắt của em không nhìn thấy được độ tối đa (chữ nhỏ nhất trong bản đo độ cận dù đã tăng độ kính lên). Vậy em bị bệnh gì và có cách nào để chữa trị không ạ? Em cảm ơn ạ.

Chào Anh Phú,

Trong bảng đo thị lực, người bình thường ở mức 10/10 là đạt yêu cầu. Đánh giá thị lực 10/10 tức là 1 mắt đứng xa 5m, nhìn một chữ cái dưới 1 góc 5 phút. Chữ cái tương ứng với thị lực 10/10 có kích thước: cỡ chữ 7,5mm; nét chữ 1,5mm. Cho nên muốn đánh giá chính xác, còn phải xem xét bảng đo mắt có được thiết kế đúng hay không.

Nếu đo mắt ở cơ sở uy tín nhận thấy thị lực chưa hoàn chỉnh, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra thêm các yếu tố khác như độ loạn, đáy mắt, thuỷ tinh thể, tình trạng nhược thị…

Do đó, tốt nhất em nên tới bệnh viện chuyên khoa Mắt để khám và tìm nguyên nhân chính xác em nhé!

Thùy Dung

Em chào bác sĩ, em năm nay 26 tuổi, chỉ là dạ dày hay bị đầy hơi, khó chịu, mặc cảm lớn nhất của em là hơi thở nặng mùi. Hiện tại em đang điều trị thuốc ở Bệnh viện 115, dạ dày đỡ hơn nhưng vấn đề hơi thở thì không hết. Xin bác sĩ cho em lời khuyên. Em cám ơn bác sĩ.

Chào em,

Ba nguyên nhân thường gặp nhất gây nên hôi miệng là bệnh lý tai mũi họng, bệnh của răng và nha chu, bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nếu kiểm soát tốt bệnh lý dạ dày mà vẫn còn cảm giác hôi miệng, bạn nên khám răng hàm mặt để đánh giá tình trạng răng, nha chu, cạo vôi răng giúp giảm bớt hôi miệng. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những cách sau để hạn chế hôi miệng:

- Tránh uống các thức uống có gas, thức uống nhiều đường (nước ngọt, nước tăng lực…) vì đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển - nếu có, bạn cần phải đánh răng ngay trong vòng 15 phút sau uống để phòng ngừa rêu lưỡi và hôi miệng, tránh hút thuốc lá, uống trà, café, bia rượu, sữa, các thức ăn chua, cay hoặc quá nhiều gia vị (hành, tỏi…).

- Nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, vệ sinh lưỡi đặc biệt là mặt trên của lưỡi, sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để làm sạch khoang miệng ngăn không cho vi khuẩn phát triển. Sử dụng nước súc miệng, và sau mỗi lần ăn uống hoặc đánh răng nên súc miệng lại bằng nhiều nước, khò kĩ.

- Uống nhiều nước, uống nước thường xuyên để rửa trôi các phân tử gây mùi và vi khuẩn có trong khoang miệng, nhai kẹo cao su có thể hạn chế khô miệng.

Nếu áp dụng các cách trên vẫn không bớt, bạn có thể tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM để đo hôi miệng và tầm soát nguyên nhân bạn nhé!

Thân mến.

Chí Tân - loveone...@gmail.com

Tôi gần như bị mất vị giác ngọt, mặn (do tôi uống bia quá nhiều và ói ra màu xanh). Vậy tôi phải làm gì để lấy lại được vị mặn và vị ngọt?

Chào bạn,

Mất vị giác có thể do bệnh lý của thần kinh dân truyền tín hiệu vị giác, bệnh lý của não hoặc của lưỡi. Theo như bạn mô tả nhiều khả năng là do bệnh lý tại lưỡi.

Các trường hợp viêm gai lưỡi kéo dài, tái phát nhiều có thể gây mất vị giác kéo dài và hồi phục rất chậm, sau khi niêm mạc lưỡi đã về bình thường. Ngoài ra, việc thiếu một số vitamin nhóm B, bệnh lý nội tiết, đái tháod đường cũng ảnh hưởng tới vi giác.

Trước tiên bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống sinh hoạt, nên ăn đủ các nhóm chất, tránh dùng rượu bia, chất kích thích, nghỉ ngơi tập luyện điều độ. Vị giác sẽ hồi phục dần nhưng khá chậm.

Trong trường hợp không cải thiện sau vài tuần áp dụng hoặc vẫn bị nôn kéo dài, bạn nên khám chuyên khoa Tiêu Hoá để bác sĩ kê thêm thuốc điều trị bệnh lý dạ dày cho bạn nhé!

Đỗ Hoàng - ooo_ko...@yahoo.com.vn

Chào bác sĩ, trước đây thời còn là sinh viên tôi có ở trọ cùng phòng với 3 người bạn, sau đó 1 cậu trong số đó bị thủy đậu, bọn tôi vẫn ăn uống sinh hoạt cùng nhau mà tôi không bị lây.

Sau này tốt nghiệp ra trường đi làm thì ở cơ quan cũng có anh đồng nghiệp bị thủy đậu, trong thời gian anh đó ủ bệnh tôi vẫn trao đổi công việc thường xuyên với anh ta và cũng không bị lây bệnh.

Gần đây nhất tôi xuống nhà anh trai chơi có ăn bữa cơm trưa cùng gia đình anh, đến chiều tối thì tôi về nhà, và khoảng 1 tuần sau thì anh trai báo tin con anh bị thủy đậu. Tôi biết tin có xuống thăm cháu, và cũng khoảng 10 ngày sau là tôi cũng phát bệnh luôn.

Tôi không hiểu tại sao những lần trước tôi tiếp xúc với người bị bệnh trong khoảng thời gian lâu như vậy mà không bị thủy đậu, mà chỉ 1 lần xuống nhà anh trai ăn cơm (lúc này có thể đứa bé đang ủ bệnh đã lây cho tôi) mà tôi lại bị lây bệnh? Xin cám ơn bác sĩ.

Chào bạn,

Bệnh thuỷ đầu lây chủ yếu qua đường hô hấp: người lành hít phải dịch tiết mũi miệng của người bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi mà không che mũi miệng, cũng có thể do lây do tiếp xúc trực tiếp với bóng nước vỡ, với đồ chơi vật dụng có dính virus gây bệnh.

Dù thuỷ đậu dễ lây như vậy, nhưng để một người tiếp xúc nguồn bệnh mắc bệnh phải đạt hai yếu tố, lượng virus phải đủ nhiều gây bệnh và sức đề kháng không đủ để chống chọi với lượng tác nhân gây bệnh này.

Hai lần trước có thể do bạn tiếp xúc chưa nhiều, virus chưa đủ nhiều và mạnh để gây bệnh nhưng lần này thì không may mắn như vậy, nhất là nếu cơ thể của bạn đang không khoẻ, đề kháng yếu. Dù thuỷ đậu thường có miễn dịch suốt đời nhưng một số người cơ địa yếu vẫn có thể bị bệnh dù đã tiêm ngừa, nhưng bệnh nhẹ và ít nguy hiểm hơn.

Thuỷ đậu thường tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng một số trường hợp có thể gây biến chứng nguy hiểm, do đó tốt nhất bạn nên cho con em mình tiêm ngừa để đảm bảo phòng bệnh tốt nhất bạn nhé!

Thân mến.

Mai Nguyen - nguyenma...@gmail.com

Thân chào bác sĩ, vừa rồi em có đi khám hậu môn trực tràng ở BV ĐH Y Dược TPHCM. Kết quả: Sa sàn chậu sau độ 3 sa bàng quang, tử cung độ 1 túi sa thành trước trực tràng độ 3, lồng niêm mạc trực tràng, trực tràng trên đoạn dài 3.7cm, tống được 70% phân. Bác sĩ chỉ định mổ với phương pháp Starr, nhưng em sợ mổ, sợ bị biến chứng sau mổ…

Em muốn biết với tình trạng bệnh của em, có cách chữa trị nào khác ngoài phẫu thuật không? Như có thể uống thuốc đông y kết hợp các bài tập trị liệu được không? Không mổ thì bệnh có biến chuyển nguy hiểm gì không, hay em chỉ cần sống chung với cảm giác hơi khó chịu và đi không hết phân suốt đời là được? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Chào bạn,

Sa trực tràng thường gặp ở người có sàn chậu yếu, đặc biệt phụ nữ sinh con nhiều lần hoặc người bị chấn thương, khiếm khuyết bẩm sinh vùng này…

Có nhiều phương pháp điều trị túi sa trực tràng như người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống bằng chất xơ, tập thói quen đi vệ sinh vào buổi sáng, dùng thuốc, dùng thủ thuật... Khi thất bại với những cách điều trị này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật túi sa trực tràng.

Phương pháp phẫu thuật Starr sẽ cắt túi sa trực tràng qua ngả hậu môn, sau đó dùng một máy khâu nối lại. Phương pháp này ít xâm lấn, ít đau và hồi phục nhanh so với các biện pháp phẫu thuật sa trực tràng khác.

Nếu hiện tại chưa muốn phẫu thuật có thể bàn bạc với bác sĩ để xem xét điều trị bảo tồn, và còn tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh bạn nhé!

Truong Phuong - truongnhop...@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi năm nay 23 tuổi, được mọi người phản ánh là đêm ngủ hay rên, đôi khi còn hú và nghiến răng. Không biết có phải là bệnh không ạ? Bác sĩ chỉ tôi cách khắc phục được không?

Chào bạn,

Tật nghiến răng ban đêm thường khó nhận biết do nó diễn ra trong lúc ngủ. Nha sĩ có thể phát hiện tật này khi thấy vết mòn trên mặt răng. Nguyên nhân gây tật có thể là lo lắng thái quá hoặc stress, do sử dụng chất kích thích, một số thuốc…

Nếu thư giãn tâm lý không có tác dụng, bạn nên khám thêm chuyên khoa Răng Hàm Mặt để bác sĩ đánh giá tình trạng răng, nha chu, cơ cắn… tầm soát bất thường và điều trị bạn nhé!

Thân mến.         

Quang Huy - quanghuy...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, em bị đau nhức eo bên trái 3-4 tháng nay, chỉ khi vặn mình thì mới nhức, còn để tự nhiên thì không có cảm giác gì cả. Mấy tuần gần đây xuất hiện thêm triệu chứng sôi bụng nhiều, kể cả lúc đói hay no; đi ngoài phân có khuôn, nhưng để 1 lúc thì bị tơi hết ra.

Em có đi chụp Xquang ổ bụng, siêu âm không có vấn đề bất thường. Không biết đau eo là do đâu và có liên quan gì đến 2 triệu chứng đi ngoài với sôi bụng? Em cảm ơn.

Chào em,

Theo như biểu hiện em mô tả ít nghĩ tới đau do nguyên nhân tiêu hoá, có thể em có bệnh lý dạ dày nhưng không gây đau vùng hông lưng trái.

Vì siêu âm vẫn có thể bỏ sót một số trường hợp sỏi thận nhỏ hoặc không thấy được bệnh lý ống tiêu hoá, dạ dày nên em cần khám lại để bác sĩ đánh giá thêm tình trạng nước tiểu và thăm khám trực tiếp để đánh giá và tìm nguyên nhân gây đâu em nhé.

Trọng - Chiukhon...@gmai.com

Tôi đặt sten mạch vành được 1 năm, nhưng cứ hít sâu là đầu hoặc vặn mình là đau ngực trái. Xin bác sĩ cho biết tôi phải làm thế nào?

Chào chú,

Đau ngực trái khi hít sâu hoặc vặn mình không phải là biểu hiện của bệnh mạch vành, chú nên tới khám bác sĩ nội khoa, kiểm tra lại sức khoẻ xem có vấn đề gì ở màng phổi, thành ngực, cột sống lưng hay không chú nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X