Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị móng quặp

Trong chương trình tư vấn ngày 6/5/2019, BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên đã hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị móng quặp thịt và nhiều vấn đề khác như: lọc thận trên người bệnh đa u tủy, bao nhiêu độ được xem là sốt, cấy Mgit là gì?... Mời bạn đọc theo dõi bài viết.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Vương Ngọc Thu An - vuongngoc...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cháu có đi xét nghiệm demodex cách đây 3 tuần. Kết quả là 16 con/lam. Bác sĩ cho cháu uống Iver 9g cho 1 lần uống uống cách tuần kèm bôi permethrin 5%. Mới đây cháu có tái khám lại thì còn 11 con/ lam. Cháu không biết có thể dùng thêm tinh dầu tràm trà để chải mi cũng như tóc để hạn chế demodex không ạ? Và bây giờ cháu chỉ rửa mặt bằng mật ong không biết có được không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Viêm da do Demodex là bệnh gây nên bởi một loại côn trùng chân khớp, ký sinh tạm thời ở nang lông, gần nang lông, tuyến bã, trên vảy da ở người và súc vật.

Demodex có thể tồn tại trên da người khoẻ mạnh mà không có biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên sẽ gây bệnh khi chúng tập trung với số lượng lớn trên vảy da, nang lông hoặc khi miễn dịch của cơ thể suy giảm. Nếu điều trị không thể dứt điểm, có khả năng còn nguyên nhân khác ngoài demodex gây ra bệnh về da.

Do đó, bạn cần tái khám và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Da Liễu, giữ da mặt sạch, tránh sử dụng các dạng kem dưỡng nhiều chất béo (chỉ nên dùng sửa rữa mặt mà bác sĩ Da Liễu khuyên dùng, không nên dùng mật ong hay bất cứ tinh dầu, thuốc bôi nào khác ngoài toả của bác sĩ, lên da mặt đang viêm nhiễm).

Tinh dầu tràm trà có tính kháng khuẩn nhưng nếu dùng không đúng cách, không hợp da có thể gây kích ứng và làm tình trạng da nặng hơn, do đó bạn không nên tự ý sử dụng bạn nhé!


Vũ Thị Mai - Thanh Hóa

Mẹ em 55 tuổi, đi khám kết quả thận bình thường nhưng kết luận cuối bác sĩ ghi tăng âm thận là thế nào ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thận không phải là cấu trúc đồng nhất, mà gồm nhiều thành phần bao gồm vỏ thận, tuỷ thận, xoang thận, đài bể thận… Do đó, cần biết rõ cấu trúc tăng âm là cấu trúc nào, tăng âm so với cơ quan nào, thí dụ như xoang thận tăng âm là bình thường, tăng âm có bóng lưng lại là biểu hiện của sỏi thận... Như vậy, em cần mang các kết quả đã có tới gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để giải thích rõ xét nghiệm cho em chứ không nên suy đoán rồi sinh ra lo lắng em nhé!


Nguyễn Thị Thanh Tuyền - thanhtuyen...@gmail.com

Chào bác sĩ ạ,

Chân em bị té xe mu bàn chân trái, khâu 4 mũi, từ 24/4 đến nay vết thương đã đóng vảy. Nhưng em không đặt chân, xuống bước đi được ạ. Mỗi lần em đặt chân xuống tập đi là máu dồn xuống buốt lắm, không thể nào đi được. Em vẫn uống thuốc đều của bệnh viện cho ạ. Mong bác sĩ chỉ giúp em. Và khi nào em có thể đi được lại ạ? Cám ơn bác sĩ nhiều lắm!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Thanh Huyền thân mến,

Vết thương của em mới chỉ hơn 10 ngày, vẫn còn đang trong giai đoạn lành sẹo nên đau khi cử động, đi lại là bình thường. Cảm nhận đau ở mỗi người rất khác nhau, để hạn chế khó chịu, em nên kê chân cao để tránh tụ máu quá lâu gây sưng phù.

Ngoài ra, trước khi tập chống chân đi, em có thể tập vài động tác ở tư thế ngồi hoặc nằm để da căng giãn, làm quen với vận động. Trong trường hợp vết thương sưng đỏ, mưng mủ, chảy dịch nhiều thì cần tái khám để can thiệp điều trị em nhé!

Trân trọng!


Anne Nguyen

Thưa bác sĩ,

Em năm nay 16 tuổi, 2 tuần trước bị chấn thương do tai nạn giao thông và được chẩn đoán là vỡ mâm chày. Em nhập viện và bó nẹp, kết hợp kháng sinh và giảm đau được 5 ngày thì được chỉ định bó bột và được ra viện. Chỉ định bó bột được bác sĩ cho trong khoảng 6 tuần rồi đến khám lại xem có phải mổ không.

Vậy em xin hỏi bác sĩ khả năng em phải mổ có cao không ạ? Trong thời gian bó bột em vẫn đi lại đến trường bằng nạng hoặc bám vào đồ vật để đi không hề thấy đau đớn gì ạ. Xin hỏi bác sĩ trong lúc bó bột có cần tập gì để đỡ cứng khớp không ạ?

Ngoài ra, em muốn hỏi nếu tập vật lí trị liệu ở bệnh viện tích cực thì em có thể đi lại bình thường được không ạ? Vì em thấy có nhiều người nói sau khi vỡ mâm chày bị đi lại tập tễnh hoặc không được như trước. Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều và mong bác sĩ sớm phản hồi ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Trong quá trình bó bột gãy mâm chày, em vẫn có thể tập vật lý trị liệu cho chân gãy để tránh teo cơ, cứng khớp, nhưng không nên vội vàng đi lại chống chân gãy khi xương chưa lành, mà chỉ có thể tập gồng cơ trong bột, tập cử động các ngón chân nhẹ nhàng.

Em nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt canxi, kê chân cao để tránh phù; có thể dùng nạng để di chuyển nhưng cần thận trọng va đập, di lệch. Xương vẫn có thể lành tốt và trở lại sinh hoạt bình thường sau 3-6 tháng. Lịch hẹn 6 tuần của bác sĩ thường là để xem xương của em đã lành hẳn chưa và xem xét tháo bột, do đó em không nên quá lo lắng em nhé!

Chúc em sớm lành!
 

Phùng Thị An Nhiên - TPHCM

Mẹ em bị suy thận giai đoạn cuối. Bệnh viện tư vấn là lọc máu nhưng mẹ em có thêm bệnh là đa u tỷ. Vậy cho em hỏi bệnh nhân đa u tủy khi lọc máu như vậy thì có nguy cơ gì xảy ra? Hơn nữa nếu bệnh nhân lọc máu tuần 3 lần thì phải lọc suốt đời là 1 tuần 3 lần hay sao?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Suy thận thường được phân loại cấp hoặc mạn. Do thận là cơ quan sống còn của cơ thể, nên khi chức năng thận suy, bắt buộc phải tiến hành các biện pháp thay thế thận để giữ lấy tính mạng (thường là chạy thận nhân tạo).

Trong trường hợp suy thận cấp, nếu nguyên nhân gây suy thận được giải quyết, chức năng thận quay về bình thường, bác sĩ sẽ xem xét ngưng chạy thận. Nếu thận không thể hồi phục được nữa thì bắt buộc phải điều trị thay thế thận kéo dài.

Suy thận là một biểu hiện hay gặp ở bệnh nhân đa u tuỷ, nguy cơ từ chạy thận nhân tạo ở nhóm bệnh nhân này cũng không khác biệt gì so với người bình thường. Do đó nếu có chỉ định chạy thận nhân tạo thì gia đình nên cân nhắc thực hiện theo tư vấn của bác sĩ bạn nhé!


Vũ Lanh - Vũng Tàu

Thưa bác sĩ,

Em là nam, 27 tuổi. Gần hai tháng nay em vẫn đang dùng thuốc của 2 bệnh viện. Bệnh viện Tâm thần có các thuốc như sau: piracetam; devodil và hai loại thuốc khác... Còn Bệnh viện đa khoa tỉnh em vẫn dùng Rabeprazol và một lọ thuốc nước màu hồng uống sau ăn.

Lúc đầu dùng em thấy đỡ nhưng đến giờ vẫn thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, nhưng khi ăn vào thì triệu chứng đó mất, tình trạng thở mệt vẫn còn, kèm theo khó ngủ, buồn ngủ ngày rất nhiều,luôn lo sợ. Em lo lắng lắm, xin bác sĩ cho lời khuyên.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thuốc hướng thần thường có tác động lên tâm lý và giấc ngủ, do đó việc em thường cảm thấy buồn ngủ ban ngày không loại trừ là do tác dụng phụ của thuốc. Việc điều trị cũng cần phải kiên nhẫn, tuân thủ theo các hướng dẫn tập thở và liệu pháp tâm lý.

Trong trường hợp đang dùng thuốc theo toa bác sĩ tâm thần mà em vẫn còn cảm giác mệt mỏi, lo lắng nhiều, buồn ngủ ngày thì em cần tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc, kết hợp tư vấn tâm lý để giúp em giảm bớt triệu chứng khó chịu em nhé!

 
Ngo Bao Ngoc - Bình Tân, TPHCM

Ban đêm khi nằm xuống thì mình thấy khó nuốt cổ họng vướng vướng như có đờm nhưng khạc thì không có gì cả. Tình trạng này làm mình ho khó chịu và ngủ hay bị nghẹt họng ngáy. Ban ngày thì bình thường chỉ khi nằm mới bị vậy. Ho hơi và dễ bị sặc bác sĩ ơi. Mong nhận được tư vấn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khi người ngủ hít thở, một lượng khí vào, nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà người ta gọi đó là ngáy. Mọi trở ngại cho sự lưu thông bình thường của không khí giữa thanh quản và mũi đều là nguyên nhân của tật ngáy, ví dụ như nghẹt mũi, lưỡi gà và màn vòm quá dài, chân lưỡi dày, amiđan quá lớn…

Theo như thông tin về chiều cao cân nặng mà bạn cung cấp, BMI của bạn là 27 kg/m2, được xem là béo phì. Người thừa cân, béo phì rất dễ mắc phải các bệnh liên quan đến ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, dễ bị trào ngược dạ dày thực quản gây nên đau họng, ho kéo dài, viêm mũi họng tái đi tái lại, nuốt vướng, khạc đàm mạn…

Do đó, trước hết bạn nên tới bệnh viện để khám hai chuyên khoa Tiêu hoá và Tai Mũi Họng tầm soát bệnh lý và điều trị. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý vấn đề gỉam cân thôgn qua tiết chế ăn uống và luyện tập thể dục hàng ngày bạn nhé.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Trong trường hợp móng quặp thịt nhẹ, có thể ngâm bàn chân hay bàn tay trong nước ấm một vài lần mỗi ngày. Ảnh: Internet
 
Trần Mi - Tieum...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em đang gặp vấn đề móng quặp vào thịt, cả 2 ngón chân cái, mỗi ngón 2 khóe. Em muốn điều trị dứt điểm luôn ạ. Cho em hỏi chi phí điều trị hết bao nhiêu ạ? Và sau điều trị tầm bao nhiêu tháng các khóe chân trở lại bình thường ạ? Em cảm ơn nhiều ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Móng quặp là tình trạng cạnh móng chân hoặc móng tay mọc ngược đâm vào thịt và da xung quanh móng. Bất kì ngón tay hay ngón chân nào cũng đều có thể bị móng quặp, nhưng thường ngón chân cái hay bị tình trạng này. Nếu không chữa trị, móng chân mọc ngược có thể dẫn đến nhiễm trùng da, mô mềm.

Trong trường hợp bệnh nhẹ, bạn có thể ngâm bàn chân hay bàn tay trong nước ấm một vài lần mỗi ngày. Nâng cạnh của móng chân quặp nhẹ nhàng và đặt một vài miếng bông bên dưới móng để tách móng ra khỏi phần ngón. Cần tránh cắt tỉa sâu phần khóe móng mà chỉ nên cắt ngang và không để móng quá dài.

Đối với ngón chân bị viêm trầm trọng hoặc móng quặp tái phát, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ xét chỉ định cắt bỏ phần móng cũng như kê toa kháng sinh phù hợp. Chi phí cắt bỏ phần móng quặp thay đổi tuỳ địa điểm thực hiện, chi phí thường dao động từ 500 ngàn - 1 triệu đồng. Tùy theo diện tích phần móng phải cắt đi và mức độ nhiễm trùng, thông thường có thể hồi phục sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, sau cắt tỉa nếu không chăm sóc tốt bạn vẫn có nguy cơ tái phát.

Nguyên nhân gây ra móng quặp thường là do:
- Mang giày quá chật;
- Cắt tỉa móng không đúng cách;
- Bẩm sinh bất thường ở xương ngón chân;
- Chấn thương ngón chân như vấp vào vật gì đó.

Bạn nên chú ý tránh những yếu tố nguy cơ trên để tránh tái phát bạn nhé!


Nguyen Thi Ha - nguyendang...@gmail.com

Thưa bác sĩ, người lớn bao nhiêu độ thì gọi là sốt? Em bị sốt virut, hôm qua thì 38°C, chiều tối nay thi 37°5, tiêm và uống thuốc giờ thì 37°C. Như vậy gọi là hết sốt chưa ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Nhiệt độ lý tưởng để cơ thể người hoạt động bình thường là 37 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ đo ở mỗi vùng cơ thể khác nhau vào thời điểm khác nhau có thể cho ra những chỉ số tương đối dao động. Nhiệt độ ở đo ở miệng bình thường cao nhất vào lúc 6 giờ sáng thường khoảng 37,2 độ C và vào lúc 4g chiều có thể lên đến 37,7 độ C. Nhiệt độ đó ở miệng trên các mức này có thể xem là sốt.

Hiện tại, nhiệt độ cơ thể em là 37 độ C nghĩa là không sốt, tuy nhiên đó là khi em đang dùng hạ sốt chứ chưa hẳn là do bệnh đã ổn định. Em có thể tạm thời ngưng uống hạ sốt và theo dõi thêm. Các trường hợp sốt do nhiễm siêu vi hô hấp trên hiếm khi kéo dài quá 7 ngày. Nếu sốt cao liên tục trên 2 ngày thì nên khám bác sĩ em nhé!

Chúc em sớm khỏi bệnh.

Theo BS Tố Uyên, nhiệt độ lý tưởng để cơ thể người hoạt động bình thường là 37 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ đo ở mỗi vùng cơ thể khác nhau vào thời điểm khác nhau có thể cho ra những chỉ số tương đối dao động. Ảnh: Internet

Victor Hoang

Chào bác sĩ, tôi là nam, năm nay 39 tuổi, có kết quả xét nghiệm huyết học như sau: Số lượng bạch cầu 6,18 Giga/l; số lượng bạch cầu Mono 1,52 g/l; và tỉ lệ bạch cầu mono lên 25%.

Với kết quả thế này, tôi có nguy cơ mắc bệnh gì?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Monocyte trong máu thường trong khoảng 0,2–1,0×109/l. Mono bào là bạch cầu đơn nhân, sau sẽ biệt hóa thành đại thực bào. Đại thực bào bảo vệ cơ thể bằng cách thực bào và khả năng thực bào mạnh hơn cả bạch cầu đa nhân trung tính. Do đó, tế bào này sẽ tăng do nhiễm siêu vi (đôi khi chỉ là cảm cúm thông thương), lao, ung thư, u lympho,...

Tuy nhiên, đây là kết quả phân tích dựa trên máy đếm laser nên đôi khi vẫn xảy ra một vài sai sót do máy móc nhận nhầm loại tế bào. Tốt nhất bạn nên mang kết quả tới trực tiếp bác sĩ nội khoa để được khám và giải thích cụ thể bạn nhé!

 
Nguyễn Hồng Ngọc - rubinh...@gmail.com

Năm nay tôi 44 tuổi, đã cắt hai thùy tuyến giáp từ năm 2016. Hiện nay, tôi đang dùng tảo biển của Nhật Algae 2200 viên ngày uống 2 lần mỗi lần 15 viên sau ăn. Xin BS tư vấn tôi có uống được tảo Nhật không?

Trân trọng cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào chị,

Tảo Spirulina cho giá trị dinh dưỡng lớn, các dưỡng chất này rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể, giàu protein, vitamin và khoáng chất. Trường hợp của chị đã cắt hai thuỳ tuyến giáp, không có biểu hiện cường giáp thì không có chống chỉ định đối với tảo Spirulina, chị có thể yên tâm sử dụng nhưng cần lựa chọn nhà cung cấp có uy tín để đảm bảo chất lượng của nguồn hàng.


Hung Truong - tqhung...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Nhờ bác sĩ có thể giải thích giúp em về kết quả nội soi này.

Ngoài ra, em muốn biết là phương pháp cấy Mgit là gì và nó đã được cấy vô người của em chưa hay cấy trong ống nghiệm? Mấy ngày sau thì kết quả mới có và được bác sĩ tại đây nội soi để lấy lại hay sao ạ?

Em cảm ơn!

Kết quả nội soi do bạn đọc cung cấp

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Những trường hợp viêm phổi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi, tức là đưa một camera vào trong lòng phế quản của em để quan sát, xem có khối u hay dị vật gây tắc nghẽn hay không, nhằm giải quyết nguyên nhân. Trường hợp này khi soi vào phế quản không thấy có nguyên nhân tắc nghẽn, do đó bác sĩ đã tiến hành rửa phế quản phế nang (phế nang không thấy được khi nội soi) để làm xét nghiệm chẩn đoán lao cho em.

Cấy MGIT là phương pháp nuôi cấy dịch rửa phế quản phế nang (trong ống nghiệm) để tìm vi khuẩn lao, thời gian trả kết quả thường từ 2 - 6 tuần (do vi khuẩn lao mọc khá chậm). Như vậy em nên quay lại theo lịch hẹn của bác sĩ ở phòng khám để nhận các kết quả đã có và tư vấn cụ thể cho em nhé!

 
Bảo Anh - anh...@gmail.com

Kính gửi bác sĩ,

Em là nữ, 27 tuổi. Trước đây, em có đi khám và biết mình bị viêm họng hạt. Sau đó, khoảng 1,5 năm đổ lại, mỗi sáng dậy em đều phải khạc đàm và có máu. Thời gian gần đây, khoảng 5 tháng, em bị sổ mũi thì có hỉ mũi ra máu. Em chưa bị chảy máu cam bao giờ. Tiếp đến, hôm nay em vô tình phát hiện bên trong cổ họng nổi hạt như hình.

Ngoài các triệu chứng trên, em không có dấu hiệu đau họng khi nuốt đồ ăn, sụt cân, hay ù tai. Em hiện rất lo lắng về bệnh ung thư vòm họng. Hiện tại em đang du học xa, điều kiện kinh tế không cho phép em đi khám xét nghiệm ở đất nước sở tại. Nên em rất mong bác sĩ có thể hồi đáp cho em được rõ. Em xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Ảnh do bạn đọc cung cấp

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Bảo Anh thân mến,

Hình ảnh em gửi về phù hợp với chẩn đoán viêm họng hạt, có lẽ do những đợt viêm họng trước đây em không tích cực điều trị nên các hạt tổn thương phì đại thành sau họng mới phát triển nhiều và dày đặc đến như vậy. Chảy máu đường hô hấp trên cũng có rất nhiều nguyên nhân, nếu em thường xuyên nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi xoang mạn… các mạch máu khu vực này thường giãn to, sung huyết, dễ bị vỡ gây chảy máu nếu xì mũi, hắt hơi mạnh.

Tuy nhiên, các khối u vòm hầu giai đoạn đầu cũng ít có triệu chứng, đôi khi chỉ có chảy máu mũi 1 bên, ù tai hoặc nổi hạch cổ 1 bên mà thôi.

Theo như bệnh sử em mô tả, tình trạng viêm mũi họng của em đã có từ lâu, tình trạng xì mũi ra máu cũng kéo dài sẽ tạo cho em cảm giác rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập. Do đó bác sĩ khuyên em nên khám chuyên khoa và điều trị tích cực. Nếu là du học sinh em có thể tới phòng y tế của trường hoặc sử dụng bảo hiểm y tế để được hỗ trợ kinh phí, thuốc men khám chữa bệnh em nhé!

 
Phan Trang - phanhuyen...@gmail.com

Mới đây em đi khám sức khỏe định kỳ với xét nghiệm máu bác sĩ nói em có khả năng bị bệnh tan máu bẩm sinh và không được lấy chồng bị bệnh tương tự. Mong bác sĩ tư vấn giúp em nên làm sao và ngoài khu vực miền Bắc nên đi khám lại ở đâu để biết chính xác?

Kết quả xét nghiệm máu: RBC: 5,22 MCV: 81,2 Số lượng bạch cầu chưa trưởng thành: 0.1 PDW: 9,2. Các chỉ số khác bình thường.

Em bị viêm gan B mạn tính không cần dùng thuốc nữa ạ.

Em cảm ơn nhiều lắm ạ.

Chúc bác sĩ một ngày làm việc hiệu quả và vui vẻ.



Ảnh do bạn đọc cung cấp

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

MCV là thể tích trung bình của một hồng cầu, chỉ số này dao động từ 80-100 fL. Chỉ số xét nghiệm của bạn là 81 fL tức là trong giới hạn bình thường, chưa có bằng chứng nào cho thấy bạn bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc (là biểu hiện của bệnh Thalassemia - thiếu máu tán huyết di truyền).

Nếu lo lắng về bệnh này, bạn có thể kiểm tra lại xét nghiệm máu ở bệnh viện có chuyên khoa huyết học, nếu kích thước hồng cầu vẫn bình thường và không thiếu máu thì không cần quá bận tâm đến kết quả xét nghiệm trước đó. Các kết quả này đều do máy đếm bằng laser nên vẫn có thể dao động chút ít bạn nhé.

Trân trọng!

Thực hiện: Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X