Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên: Đã chữa bướu cổ có được uống sữa đậu nành?

Tạo lưỡi gà có giúp khắc phục giọng nói, cách phân biệt lao hô hấp và lao phổi, đã chữa bướu cổ thì được uống sữa đậu nành không... là những vấn đề được BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên giải đáp. Mời bạn đọc theo dõi.

Thanh Thuật - thanhth...@gmail.com

Chào bác sĩ, em từng bị đứt dây chằng chéo trước và phẫu thuật cách đây khoảng 3 năm. Em đã có thể chơi thể thao trở lại, tuy nhiên khi chơi luôn có cảm giác đầu gối lỏng hơn.

Gần đây đầu gối phát ra những tiếng kêu rộp rạc khi ngồi xuống đứng lên. Mong bác sĩ tư vấn cách điều trị hiện tượng này ạ. Em hoạt động thể thao nhiều (đá bóng 3 lần / tuần). Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn,

Chấn thương trước đây có thể đã gây tổn thương sụn khớp của bạn, làm cho khớp gối dễ bị thoái hoá hơn. Phẫu thuật tái tạo dây chằng cũng có tỷ lệ thành công nhất định, muốn đảm bảo kết quả điều trị, bạn phải trải qua quá trình vật  lý trị liệu tích cực để hồi phục dần hoạt đông khớp.

Để hạn chế, bạn nên thường xuyên tập vận động căng cơ nhẹ nhàng, cường độ tăng dần để tăng cường độ dẻo dai cho xương khớp, hạn chế mang vác nặng, ngồi xổm, leo cầu thang hoặc hoạt động thể chất mạnh quá đột ngột.

Tốt nhất  bạn nên khám chuyên khoa để bác sĩ đánh giá thêm, và lên kế hoạch điều chỉnh bạn nhé!

Thân mến.

Duc Thai - Oanhki...@gmail.com

Chào bác sĩ, bố em năm nay 63 tuổi, bị đau khớp gối 2 bên khoảng 6 tháng nay. Được chẩn đoán là thoái hoá khớp và có dịch khớp gối. Đã điều trị bằng thuốc và hút dịch 2 lần (mỗi lần cách nhau 1 tháng). Tuy nhiên, có vẻ như bệnh không chữa dứt điểm được. Bác sĩ cho em hỏi có thể chữa được dứt điểm bệnh này bằng phương pháp nào khác không ạ? Cám ơn bác sĩ nhiều.

Chào bạn,

Thoái hoá khớp là bệnh lý tổn thương sụn khớp, thường có liên quan đến tuổi tác. Thoái hoá khớp ở người lớn tuổi là quá trình diễn tiến nặng dần theo thời gian, không thể đảo ngược diễn tiến được.

Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp giúp bệnh chậm tiến triển nặng hơn, bớt đau và chất lượng sống người bệnh tốt hơn. Giai đoạn đầu vẫn ưu tiên dùng thuốc (các thuốc uống và thuốc tiêm vào khớp) kết hợp vật lý trị liệu, các biện pháp cố định gối, giảm cân, thay đổi lối sống.

Trường hợp của bố bạn đang trong đợt viêm cấp tính, nên cần được điều trị ổn định, sau đó đánh giá lại để lên kế hoạch điều trị tiếp theo. Bạn nên khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp để được điều trị cá thể hoá bạn nhé!

Lê Thị Lộc - Loclt...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em hở hàm ếch bẩm sinh. Năm 3 tuổi đã phẫu thuật, hàm ếch kín lại. Nhưng hầu như em không có lưỡi gà, do đó em phát âm vẫn chưa được tròn tiếng. Bây giờ em muốn khắc phục giọng nói của mình bằng việc tạo lưỡi gà mới có được không ạ? Hiệu quả có cao không? Chi phí khoảng bao nhiêu ạ?

Chào bạn,

Chức năng của khẩu cái mềm và lưỡi gà là đóng eo họng khi nuốt, không cho thức ăn đưa lên mũi, mở ra khi hít thở và tham gia vào chức năng phát âm. Có một số dị tật lưỡi gà liên quan chủ yếu các dị tật của hở hàm ếch, sứt môi, lưỡi gà chẻ đôi...

Vấn đề nói ngọng của bạn có thể do không có lưỡi gà. Tuy nhiên, cấy ghép lưỡi gà được hay không còn tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật chỉnh sửa hở hàm ếch trước kia của bạn là gì.

Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được đánh giá lại. Trong trường hợp không cấy ghép được lưỡi gà, bác sĩ sẽ cho bạn tập luyện các bài phù hợp để cải thiện phát âm bạn nhé.

Thân mến.

Đào Thị Huyền - Hdao...@gmail.com

Chào bác sĩ, năm nay cháu 16 tuổi. 3 năm trước cháu có phẫu thuật bong võng mạc mắt trái. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cháu có cần kiêng việc chạy nhảy không ạ? Vì cháu phải học môn thể dục nữa mà có phần bật nhảy. Cháu sợ sẽ bị bong lại ạ?

Chào bạn,

Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng có thể cảm nhận ánh sáng, bao gồm mạch máu và nằm ở đáy mắt. Khi võng mạc bị rách hay bong khỏi thành nhãn cầu thì thị lực sẽ mất. Do đó, phẫu thuật kịp thời là yếu tố đầu tiên quyết định thị lực có hồi phục hay không.

Sau phẫu thuật bệnh nhân cần tránh làm việc nặng, không để ho nhiều, hắt hơi nhiều trên những người cận nặng vì dễ gây bong võng mạc.

Thu Dung - Thudu...@gmail.com

Lao hô hấp với lao phổi là một hay là hai ạ?

Chào bạn,

Lao là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao (Myobacterium tuberculosis) phát triển gây nên. Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan, trong đó có phổi, ruột, màng bụng, màng phổi, phế quản, màng não, cột sống.... Lao hô hấp là khái niệm bao gồm cả lao phổi, lao của đường dẫn khí…

Thân mến.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên

Dinh Huy - huypham...@gmail.com

Chào bác sĩ, cách đây 5 hôm em ngủ dậy thì bị đau vùng giữa ngực, ấn nhẹ thì đau phần trên xương ngực. Khi ngồi hoặc đứng thì không đau, chỉ khi nằm lăn qua lại thì đau. Khi ho cũng rất đau. Xin bác sĩ xem giúp em bị gì? Cám ơn bác sĩ nhiều.

Chào em,

Đau ngực vùng giữa xương ức có thể do nhiều nguyên nhân, từ tim mạch, hô hấp, trung thất, thần kinh, cơ, tiêu hóa...  trong mỗi hệ cơ quan lại gặp đau ngực trong nhiều bệnh lý khác nhau.

Nếu ấn vào ngực thấy đau có thể do đau mô mềm thành ngực, có thể do em ho nhiều nên bị tổn thương. Đau bộ phận này thường không nguy hiểm.

Em nên đến bệnh viện khám và kiểm tra, để tìm ra nguyên nhân ho và điều trị em nhé!

Thân mến.

Tuệ Minh - minhtv...@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi năm nay 45 tuổi, đã hết kinh từ lúc 42 tuổi. Trước kia tôi có bị bướu cổ đơn thuần, đã chữa khỏi. Nay muốn uống sữa đậu nành hàng ngày có được không? Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ. Chân thành cảm ơn.

Chào bạn,

Đậu nành chứa goitrogen - một hoạt chất có khả năng thúc đẩy tình trạng phình tuyến giáp như bướu cổ. Việc tiêu thụ lượng lớn đậu nành có thể gây tình trạng kháng tuyến giáp, làm chậm chức năng tuyến giáp và ở một số người có thể “kích hoạt” các bệnh tuyến giáp.

Bạn có thể uống sữa đậu nành nhưng cần thận trọng, tránh dùng thường xuyên với lượng nhiều bạn nhé!

Thân mến.

Ngọc Anh - vanphon...@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi khám ở Viện E, hôm nay đã chọc xét nghiệm bác sĩ ghi: giáp trái tế bào không điển hình, nhóm 3, nhóm 3, phân loại bethesda 2018 ạ. Mong bác sĩ tư vấn giúp được không ạ?

Chào bạn,

Bướu giáp là tổn thương khá thường gặp, đa số lành tính. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp là ung thư tuyến giáp. Do đó, đối với các trường hợp siêu âm cho kết quả nghi ngờ, hoặc kích thước bướu quá to thì có chỉ định sinh thiết bằng kim nhỏ. Kết quả tế bào học thuộc nhóm III AUS dựa theo Bethesda 2018, tức là các tế bào thấy được không điển hình, nguy cơ ung thư của dạng này vào khoảng 14%.

Những trường hợp mà kết quả siêu âm nghi ngờ, kết quả tế bào học không xác định thì hướng chẩn đoán và theo dõi tiếp vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên theo dõi làm lại FNA sau 6-12 tuần, sau đó theo dõi bằng siêu âm mỗi 12 tháng, một số trung tâm sẽ sử dụng mẫu tế bào học đã lấy trong lần đầu để làm xét nghiệm sinh học phân tử.

Tuy nhiên, nếu trong gia đình bạn có tiền căn ung thư tuyến giáp hoặc khối u có kích thước > 4cm, khối u gây ra triệu chứng khó chịu như nuốt khó, đau… thì nên cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp sớm.

Nhìn chung, hướng điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều tình huống, kết hợp cả kết quả siêu âm bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Do đó bạn nên mang kết quả này tới khám chuyên khoa Ung bướu kèm theo kết quả siêu âm trước đó để được tư vấn trực tiếp bạn nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X