Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Viêm phế quản ở trẻ - những điều cha mẹ cần biết

Chiều ngày 18/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi xung quanh vấn đề viêm phế quản ở trẻ: Nguyên nhân trẻ em dễ bị viêm phế quản? Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản ở trẻ...

BS Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa vui vẻ, nhiệt tình của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long
BS Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa vui vẻ, nhiệt tình của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long

Các bệnh về đường hô hấp khá phổ biến trong giai đoạn giao mùa, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phế quản và viêm phổi đều có một số triệu chứng tương đối giống nhau gây nhầm lẫn. Do vậy, để đạt được hiệu quả tốt nhất trong điều trị cần phân biệt rõ từng bệnh. Bài viết này sẽ cùng bố mẹ tìm hiểu rõ hơn về viêm phế quản ở trẻ.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Thưa bác sĩ,

Viêm phế quản là gì? Viêm phế quản và hen phế quản là 1 hay 2 bệnh?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và bất cứ thời tiết nào. Khi thời tiết giao mùa, thay đổi thất thường, môi trường bị ô nhiễm, sức đề kháng giảm hoặc bị vi khuẩn, virus tấn công, bị cảm lạnh, cảm cúm mùa, đau họng, sổ mũi…. sẽ gây viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp, nhất là trẻ em. Phế quản là tổ chức khí quản ở giữa phổi và khí quản, đây cũng là đường thở dưới dẫn không khí đến phổi. Nếu không điều trị kịp thời thì đường hô hấp sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy, phế quản bị viêm sẽ kích thích trẻ ho nhiều và thở mệt.


Vị trí viêm phế quản ở trẻ em. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Viêm phế quản và hen phế quản là 2 bệnh khác nhau: Viêm phế quản và hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) thường khó phân biệt do tình trạng ống phế quản bị viêm, các đường ống dẫn khí co lại nên có các triệu chứng tương tự nhau như ho, khó thở, thở khò khè và tức ngực.

Tuy nhiên, viêm phế quản là tình trạng viêm của đường thở thường do siêu vi gây ra, còn hen phế quản lại là tình trạng viêm mãn tính đường dẫn khí (phế quản) gây phù và chít hẹp đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, người mắc hen phế quản có thể dẫn đến mạn tính và phải chung sống với bệnh suốt đời. Ngược lại, viêm phế quản có thể chữa trị dứt điểm.

Sự khác biệt chính giữa hen suyễn và viêm phế quản chính là nguyên nhân gây bệnh, thời gian gây bệnh, diễn biến của bệnh, triệu chứng bệnh, chẩn đoán bệnh khác nhau nên điều trị cũng khác nhau. Đặc biệt khi phân biệt hen phế quản và viêm phế quản ở trẻ, cần chú ý với hen phế quản bởi trẻ thường xuất hiện cơn hen vào lúc nửa đêm.

Ở trẻ bị hen, quan sát trẻ thở sẽ thấy khó thở, thở ra co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè; trẻ có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Đặc biệt, hen phế quản hay tái diễn khi thời tiết thay đổi, khi có các yếu tố kích ứng như bụi, khói thuốc, kể cả thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp thắc mắc qua hotline cho bạn đọc AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long.

Viêm phế quản ở trẻ thường gặp ở điều kiện thời tiết và môi trường như thế nào? Tại sao trẻ em dễ bị viêm phế quản?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Viêm phế quản ở trẻ thường gặp ở điều kiện thời tiết giao mùa, thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh; môi trường bị ô nhiễm… vì sức đề kháng của bé yếu và đường thở ngắn, hẹp nên mầm bệnh dễ xâm nhiễm hơn.


Dấu hiệu đặc trưng của viêm phế quản là gì ạ? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách phân biệt ho do viêm họng và ho do viêm phế quản?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình
 
Dấu hiệu đặc trưng của viêm phế quản là: sau khi trẻ bị viêm hô hấp trên, cảm lạnh, ho sổ mũi, cúm,… nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì vivus xâm nhập vào khí quản gây sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, kích thích trẻ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch.

Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài từ 2 - 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản. Tiếp sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra, trẻ có thể có cảm giác đau ngực, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.

Phân biệt ho viêm họng và ho viêm phế quản:

Ho viêm họng là ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi, ngứa mũi, cảm giác ngứa cổ, rát họng, cảm thấy có vướng đờm ở cổ, khi nuốt thì đau họng; thường ho liên tục cho đến khi khạc ra được cục đờm (màu trắng đục) thì cảm thấy khỏe.

Ho do viêm phế quản là ho lúc đầu ít, sau tăng dần ho thành từng cơn, ho kéo dài và dai dẳng. Ho khan không có đờm. Khi ho, có cảm giác đau tức ngực, khi thở thường khò khè, thở ra cảm giác hụt hơi và mệt. Sau 1-2 ngày ho sẽ có đờm, đờm lúc đầu loãng, sau đặc dần thành cục có màu vàng hoặc xanh.

Trẻ bị ho do viêm phế quản có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh, đau ngực, mệt mỏi, chán ăn... Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Các thuốc điều trị bệnh viêm phế quản thường gồm thuốc nào, có công dụng gì ạ? Nếu dùng kháng sinh nhiều lần do bệnh vẫn tái đi tái lại thì có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé không ạ? Làm cách nào để hạn chế tác dụng phụ của kháng sinh?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nguyên tắc điều trị viêm phế quản là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch các đường phế quản, nghĩa là giúp trẻ tống đàm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn bằng cách cho trẻ uống nhiều nước.

Bệnh này thường điều trị triệu chứng là chủ yếu vì bệnh là do virus gây nên nên không nhất thiết phải dùng kháng sinh vì kháng sinh không đem lại hiệu quả điều trị cho trẻ, mà chỉ dùng kháng sinh khi con bị nhiễm khuẩn và có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hay thuốc ho về cho trẻ uống, điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

Dùng thuốc kháng sinh không đúng cách ở trẻ có thể gây ra tình trạng: quá liều, kháng thuốc, tiêu chảy, dị ứng, viêm ruột, vàng răng… Do đó, dùng thuốc kháng sinh nên theo chỉ định của bác sĩ điều trị bệnh và phải dùng đủ liều và đúng cách. Ngoài ra, khi uống kháng sinh phải uống nhiều nước, ăn sữa chua, bổ sung thêm men vi sinh để cân bằng vi sinh đường ruột.

Thân mến.


Nếu bé bị viêm phế quản tái đi tái lại thường do nguyên nhân gì ạ? Cha mẹ phải làm gì trong trường hợp này? Mỗi lần tái lại có dùng toa thuốc cũ được không? Làm sao để trị dứt điểm được ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bé bị viêm phế quản tái đi tái lại thường do điều trị không đủ liều; cho bé ngừng thuốc giữa chừng khi thấy bé hết ho; bé bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém dễ tái nhiễm virus, vi khuẩn khi bé dùng đồ chơi không sạch sẽ; hoặc do thời tiết giao mùa, nhất là mùa lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột như cho bé đi từ ngoài đường nắng nóng về nhà vào phòng máy lạnh liền; do dị ứng với thức ăn; do ô nhiễm môi trường,…

Trong trường hợp này cha mẹ nên:

- Cho bé ở môi trường vệ sinh, thoáng mát, hạn chế ra chỗ đông người, nơi nhiều khói bụi, khí thải độc hại.

- Giữ ấm cơ thể trẻ vào mùa lạnh.

- Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng và đồ chơi của trẻ.

- Cho trẻ uống nhiều nước.

- Chế độ ăn uống của trẻ hợp vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng.

- Thời gian sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu thấy bé có triệu chứng gì bất thường nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám, chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc hay dùng toa thuốc cũ cho bé uống, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bé.

Là chuyên gia nhi giàu kinh nghiệm, BS Trịnh Ngọc Bình được rất nhiều phụ huynh tin tưởng gửi câu hỏi nhờ tư vấn giải đáp các vấn đề về nhi khoa. Ảnh: Hoàng Long.

Nhờ bác sĩ hướng dẫn những cách hỗ trợ điều trị viêm phế quản tại nhà hiệu quả ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Hỗ trợ điều trị bệnh viêm phế quản tại nhà: giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch đàm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn. Cho trẻ uống nhiều nước. Ở trẻ quá nhỏ phản xạ ho chưa có thì nên hút đàm nhớt.

Không khí trong nhà phải sạch sẽ, không bụi bẩn và không khói thuốc sẽ tránh cho bé cảm giác khó chịu, đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp.

Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, hút mồ hôi, không nên ủ kín trẻ hoặc mặc đồ có nhiều chất liệu tổng hợp. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ thì lau mát cho trẻ, có thể cho bé uống thuốc hạ sốt tùy theo độ tuổi.

Khi trẻ bệnh không nên ép trẻ ăn, chỉ cần cho uống nước nhiều, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, như nước súp, nước cháo, sữa và các chế phẩm từ sữa,…


Nếu viêm phế quản không được điều trị đúng mức sẽ dẫn đến hậu quả gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bệnh viêm phế quản có thể điều trị được. Tuy nhiên, nếu không chữa dứt điểm, đúng cách bệnh sẽ tái phát nhiều lần; những ổ viêm nhiễm ở phế quản không bị tiêu diệt hoàn toàn, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển thành mạn tính.

Do đó, bệnh sẽ dễ gây ra những biến chứng đối với trẻ em như sau: viêm phế quản bít tắc, bệnh hen phế quản, suy hô hấp, giãn phế quản, lao phổi, ung thư phổi,…

Thân mến.

Viêm phế quản ở trẻ em nếu không chữa trị kịp thời có nguy cơ ung thư phổi. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Cha mẹ chăm sóc trẻ trong giai đoạn này cần lưu ý điều gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cha mẹ chăm sóc trẻ trong giai đoạn này cần lưu ý trước khi bước vào giai đoạn chuyển mùa, cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, học hành, ngủ nghỉ hợp lý:

- Thức ăn mua hợp vệ sinh, an toàn; thực phẩm tươi sống cần chế biến ở dạng nhừ, loãng để dễ tiêu. Tăng cường tôm, cá, rau xanh, chất béo,… Chia thức ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn một ít không được ép trẻ ăn nhiều. Tránh cho trẻ ăn nhiều chất xơ, khó tiêu, thực phẩm nhiều đường,...

-Thức uống: Cho trẻ uống nhiều nước hay nước ép trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa, tránh không cho trẻ uống nước có gas,…

- Giữ gìn nơi ở sạch sẽ, thông thoáng, tránh môi trường khói bụi, khói thuốc, khí độc hại.

- Ở lớp học nên cách ly với các bé bị bệnh; đồ chơi, vật dụng phải sạch sẽ, an toàn.

- Điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn tai mũi họng, nhất là khi có những dấu hiệu sớm của bệnh.

- Giữ ấm cơ thể bé khi trời chuyển lạnh, không để cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột. Mùa nóng, không để quạt điện thổi trực tiếp vào người lúc nửa đêm và gần sáng.

Thân mến.


Làm thế nào để giúp bé phòng ngừa bệnh viêm phế quản, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Để giúp bé phòng ngừa bệnh viêm phế quản, bố mẹ nên:

- Giữ ấm cho trẻ.

- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay chăn nệm định kỳ, giặt, hấp, sấy đồ chơi và vật dụng của trẻ sạch sẽ.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi.

- Không cho tiếp xúc với người lớn hoặc trẻ nhỏ khác đang mắc bệnh đường hô hấp.

- Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nhất là trái cây và sữa… nhằm tăng cường sức đề kháng cơ thể.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ như vắc xin phế cầu, vắc xin Haemophilus influenza...

- Nếu bé có triệu chứng gì bất thường nên đưa đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị; không nên tự ý cho trẻ uống thuốc làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con nhé.

Giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh để trẻ không bị viêm phế quản. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Khi một bé ho hoài không hết dù đã khám tai mũi họng, các phụ huynh thường nói với nhau: “Nên đi khám xem có viêm phổi không?”, hay là “Giữ ấm ngực cho trẻ, coi chừng viêm phổi”, vậy “viêm phổi” trong trường hợp này, có thể hiểu là viêm phế quản không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bệnh viêm phế quản nếu không điều trị dứt điểm thì sẽ biến chứng thành viêm phổi, gây nguy hại đến sức khỏe và làm cho quá trình điều trị sau này gặp nhiều khó khăn hơn.

Viêm phổi và viêm phế quản đều là những bệnh về đường hô hấp. Nhưng sự khác nhau giữa hai bệnh đó là: bệnh viêm phổi do nhiều nguyên nhân gây ra; còn bệnh viêm phế quản nguyên nhân chính là do virus. Vì vậy để phân biệt sự khác nhau cần phải đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Thân mến.

BTV AloBacsi cảm ơn BS Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian quý báu tư vấn thắc mắc cho bạn đọc. Ảnh: Hoàng Long.

Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh viêm phế quản ở trẻ, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh, nguyên nhân cũng như cách phòng tránh, từ đó có hướng chăm sóc đúng đắn cho con em của mình.

Kính chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe!

Chủ đề tiếp theo: Trẻ biếng ăn vì sao?

Vấn đề biếng ăn ở trẻ sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp cho quý bạn đọc vào chiều thứ tư (20/3), từ 15g-16g30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367


Thực hiện: Hải Yến - Mỹ Thi
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X