Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Trẻ bị vàng da, khi nào cần điều trị?

Bình thường thì vàng da ở trẻ mới sinh được coi là vàng da sinh lý bình thường khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi. Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn). Vàng da sơ sinh là do tăng bilirubin gián tiếp rất hay gặp, chiếm 25-30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng. Bệnh thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết, vì sao có hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hồng cầu bị vỡ, chức năng chuyển hóa bilirubin của gan chưa hoàn thiện hay do tăng bilirubin gián tiếp rất hay gặp, chiếm 25-30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng. Vàng da đơn thuần không kết hợp các triệu chứng bệnh lý bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ.... Nồng độ bilirubin/máu không quá 12 mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14 mg% ở trẻ non tháng... Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5 mg% trong 24 giờ.


2. Một số trẻ sơ sinh có nước da ngăm ngăm hay đỏ, làm cách nào để cha mẹ biết chính xác bé có bị vàng da hay không, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Cách nhận biết trẻ bị vàng da. Ảnh minh họa

Một số trẻ sơ sinh có nước da ngăm ngăm hay đỏ, cha mẹ khi nhìn bằng mắt thường để biết được chính xác bé có bị vàng da bệnh lý hay không thì nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Ngoài ra, còn dựa vào các tiêu chí sau:

- Vàng da sẽ xuất hiện toàn thân, vàng cả lòng bàn tay, lòng bàn chân nhất là kết mạc mắt. Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh sẽ không biến mất sau khi sinh 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.

- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như trẻ lừ đừ, bỏ bú, chướng bụng, co giật, nước tiểu màu vàng, phân bạc màu,….


3. Thông thường, vàng da ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu thì hết? Trường hợp nào là nguy hiểm, cần phải điều trị ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Thông thường, vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh thì thường xuất hiện từ 2-4 ngày sau sinh và kéo dài 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng rồi biến mất.

- Vàng da bệnh lý cần được điều trị khi vàng da kéo dài hơn 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non kết hợp các triệu chứng bất thường khác như trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật,...

- Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.

- Khi có các dấu hiệu vàng da bệnh lý như nói trên, cần phải sớm đưa trẻ đến BV để bác sĩ chuyên khoa Nhi Khám chẩn đoán chính xác và điều trị càng sớm càng tốt.


4. Những việc cha mẹ có thể làm tại nhà để giúp trẻ sơ sinh cải thiện tình trạng vàng da là gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Cha mẹ có thể làm tại nhà để giúp trẻ sơ sinh cải thiện tình trạng vàng da bằng cách cho trẻ tắm nắng. Đặt trẻ gần nơi có ánh nắng mặt trời chiếu vào khoảng 7g - 7g30 mỗi sáng, lúc này trời không quá nóng hay quá lạnh. Phơi nắng sớm cho trẻ hoàn toàn không có tác dụng điều trị vàng da vì cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và trẻ cũng không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài mà chỉ là một cách hỗ trợ giúp trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để da tổng hợp được vitamin D phòng còi xương cho bé.

- Cung cấp đầy đủ nước và năng lượng bằng cách cho trẻ bú mẹ nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, trong sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất quan trọng giúp các cơ quan chức năng của cơ thể trẻ phát triển. Mẹ cũng nên cho trẻ bú sữa mẹ cách mỗi hai giờ sau khi sinh. Việc cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên có thể giúp cơ thể trẻ thải loại bilirubin thừa ra khỏi cơ thể và nhờ thế sẽ giảm triệu chứng vàng da.


5. Để điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh, các BS sẽ áp dụng phương pháp nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để điều trị vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh do tăng Bilirubin trực tiếp thường tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà có các phương pháp điều trị khác nhau như :

- Phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh lý teo đường mật hoặc giãn đường mật bẩm sinh.

- Phương pháp chiếu đèn điều trị đơn giản, an toàn và hiệu quả là sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc, đào thải ra ngoài phân, nước tiểu. Khi chiếu đèn, đặt trẻ nằm trên chiếc giường, sau đó cởi bỏ quần áo ở trần, che kín mắt bằng vải đen và mặc tã để che bộ phận sinh dục, nhầm tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng. Thời gian vàng để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch. Nếu để muộn hơn thời gian này thì da trẻ dày hơn và phương pháp chiếu đèn sẽ không còn hiệu quả.

- Trong những trường hợp nặng thay máu là biện pháp được sử dụng khi trẻ vàng da ở mức độ nặng thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc có triệu chứng thần kinh đi kèm. Khi thay truyền máu, trẻ sẽ nhận được một lượng máu nhiều hơn so với lượng máu sẵn có của trẻ để làm tăng số tế bào hồng cầu và làm giảm mức bilirubin trong cơ thể trẻ.


6. Theo BS, vàng da ở trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa được không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn phòng ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

- Để phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh thì mẹ nên chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn nhất là các tháng cuối của thai kỳ để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng mẹ sang con. Ngoài ra, mẹ nên có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý.

- Cho trẻ bú sữa non sớm ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.

- Cho trẻ bú đủ sữa.

- Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để dễ theo dõi màu sắc da của trẻ.

- Cho trẻ tắm bằng nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì phải sớm đưa trẻ đi BV để bác sĩ chuyên khoa nhi khám để được điều trị kịp thời.


7. Ngoài giai đoạn vàng da sơ sinh, trẻ em còn có thể bị vàng da do những nguyên nhân nào khác, và cách khắc phục ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Ngoài giai đoạn vàng da sơ sinh, trẻ em còn có thể bị vàng da do những nguyên nhân bệnh lý thường xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, mức độ nặng hơn vàng da sinh lý. Vàng da bệnh lý tiến triển nhanh hoặc kéo dài hơn vàng da sinh lý. Trẻ có thể bú kém, lừ đừ, gan lách to, thậm chí co gồng và ngưng thở khi vàng da đã quá nặng, ảnh hưởng đến não.

- Nguyên nhân thường gặp do: Bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, nhiễm trùng), bầm tím khi sinh hay xuất huyết nội tạng , thiếu hụt Enzyme , xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật).

- Khắc phục bằng cách sớm đưa trẻ đến Bv để BS chuyên khoa Nhi khám và điều trị thích hợp.

8. Nhờ BS chỉ cho các cha mẹ cách phân biệt vàng da do ăn quá nhiều rau củ màu đỏ-cam, và vàng da do bệnh lý?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Cha mẹ phân biệt vàng da do ăn quá nhiều rau củ màu đỏ-cam, và vàng da do bệnh lý bằng cách :

- Vàng da do ăn quá nhiều rau củ màu đỏ-cam thì khi mẹ ngừng ăn thì vàng da sẽ mất dần đi và sau vài ngày sẽ hết.

-Vàng da bệnh lý thì vàng da xuất hiện sớm hoặc muộn, kéo dài trên 14 ngày.Vàng nhẹ hoặc đậm và vàng da toàn thân nhất là kết mạc mắt. Vàng da tăng dần ngày càng nhiều. Đi tiểu vàng, phân bạc màu. Trẻ chướng bụng, lừ đừ hay quấy khóc,….

9. Nếu trẻ bị vàng da do chế độ ăn uống thì cách khắc phục là gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Nếu trẻ bị vàng da do chế độ ăn uống thì cách khắc phục là mẹ ngừng ăn các món đó.

- Ngoài ra, mẹ mới sinh con phải luôn đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cho con bú. Các mẹ sau khi sinh thường giữ chế độ ăn kiêng, chỉ ăn cơm với thịt nạc ram mặn hoặc với mấy con tôm rang khô, không dám ăn những thức ăn giàu chất đạm, chất béo hay hạn chế ăn canh, rau, hoa quả trái cây. Điều này thật sự sai lầm, nó khiến vị giác của các mẹ giảm dần, khó ăn, khó tiêu, thiếu năng lượng, lại càng cần nguồn dinh dưỡng nuôi con, cho nên bữa ăn của các mẹ phải đảm bảo đủ thịt lợn, thịt gà, thịt bò, tôm, trứng, cá, rau củ và trái cây. Ăn được nhiều đồng nghĩa với sức khỏe tốt cho cả mẹ và con, giúp phòng bệnh trẻ sơ sinh bị vàng da. Ngoài ra, các mẹ nên tiếp tục uống sữa bà bầu để bổ sung các khoáng chất cần thiết.


10. Vàng da ở trẻ nếu không khắc phục hay không điều trị có nguy hiểm gì không, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Nếu vàng da bệnh lý không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.

- Suy dinh dưỡng.

-Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan khi trưởng thành.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X