Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Sưng đau ở vết tiêm, xử trí thế nào?

Các thiên thần nhỏ bé sẽ có "phản xạ" với việc bị tiêm như quấy khóc, đau, sốt, khó chịu, nôn mửa, không ngủ,.... vì những đau đớn do mũi kim tiêm, thuốc hay vắc xin mang lại. Một số trẻ sẽ gặp các phản ứng phụ của thuốc sau tiêm như sưng đỏ, đau tại vết tiêm, sốt, nổi mẩn và các phản ứng sau tiêm nặng nề hơn.


NỘI DUNG TƯ VẤN


1. Ai trong chúng ta cũng từng trải qua việc tiêm thuốc, có thể là vắc xin hay thuốc điều trị bệnh. Thường thì chúng ta được tiêm vào vai, nhưng cũng còn nhiều vị trí khác có thể tiêm được. Xin hỏi BS, đó là những vị trí nào, và mục đích khi chọn các vị trí đó để tiêm khác nhau như thế nào ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các vị trí tiêm thuốc:

- Tiêm dưới da: là dùng bơm kim tiêm đưa một lượng dung dịch thuốc vào tổ chức mô liên kết dưới da của bệnh nhân. Tất cả những vùng da trên cơ thể đều có thể tiêm được vì tổ chức dưới da ít gặp các mạch máu, thần kinh lớn: mô dưới da mềm, ít cọ xát, ít bị nhiễm khuẩn, ít đau. Các vị trí thường tiêm: mặt ngoài cánh tay, vùng cơ tam đầu cánh tay, có thể tiêm vùng mặt trước ngoài đùi khoảng 1/3 giữa đùi, bả vai... Nếu tiêm nhiều lần cần phải thay đổi vị trí tiêm, tránh tiêm vào mũi kim cũ.

- Tiêm bắp thịt: là tiêm một lượng thuốc vào trong bắp thịt của bệnh nhân.

- Thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn tiêm dưới da.

- Cơ được tưới máu nhiều và luôn luôn co bóp, quá trình hấp thu thuốc tại bắp thịt nhanh hơn ở mô liên kết dưới da. Cảm giác đau tại cơ không nhạy bằng mô dưới da nên có thể tiêm vào bắp thịt những thuốc kích thích mạnh như penicillin, streptomycin, quinin, emetin, huyết thanh chữa bệnh hoặc máu cũng có thể tiêm vào bắp thịt.

- Vùng tiêm:

Vùng cánh tay: cơ delta, cơ tam đầu cánh tay (mặt trước ngoài).

Vùng đùi: mặt trước ngoài, đoạn 1/3 giữa đùi, vùng tiêm vào cơ tứ đầu đùi là vùng rộng, cơ to và dày ít, mạch máu và dây thần kinh.

Vùng mông: vùng mông có các mạch máu lớn và thần kinh hông to chạy qua vì vậy cần phải xác định vị trí tiêm thật chính xác để tránh tiêm vào dây thần kinh hông to, gây liệt chân bệnh nhân.(Vùng mông được giới hạn bởi 4 đường: Phía trên: đường nối 2 mào chậu. Phía dưới: nếp lằn mông. Phía trong: rãnh liên mông.Phía ngoài: mép ngoài mông.)

- Tiêm trong da: là tiêm một lượng thuốc rất nhỏ bằng 1/10ml vào lớp thượng bì; thuốc hấp thu rất chậm.

Tiêm trong da thường tiêm vào vùng da 1/3 trên mặt trước trong cẳng tay vì chỗ đó da mỏng dễ tiêm, da có màu nhạt, dễ phân biệt. Nếu có phản ứng cục bộ cũng dễ phát hiện. Ngoài ra còn có thể tiêm vào vùng da ở bả vai, vùng da cơ delta cánh tay, khi tiêm phải tránh các mạch máu.

Tiêm tĩnh mạch : là dùng bơm kim  tiêm đưa 1 lượng thuốc vào tĩnh mạch. Trong tiêm tĩnh mạch, thuốc sẽ tác dụng tức thì, bởi vì thuốc được tiêm trực tiếp vào hệ tuần hoàn máu.

Tiêm: thường 1 góc 30 – 40º so với bề mặt của da, tùy theo vị trí tĩnh mạch cần tiêm.

Vị trí tiêm: Các tĩnh mạch ngoại biên. Ưu tiên chọn các tĩnh mạch phải to, rõ, ít di động, mềm mại, không gần khớp.

Các vi trí tiêm vắc xin cho trẻ. Ảnh minh họa - nguồn Internet

2. Khi tiêm cho bệnh nhân, lúc đã cắm kim vào da thịt rồi, điều dưỡng có thao tác hút ngược ra một chút rồi mới tiêm (rút ngược pít-tông ra một chút), điều đó có ý nghĩa gì vậy ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Điều dưỡng làm như vậy là để xác định xem vị trí của mũi kim và vùng da nơi tiêm đúng chưa. Nếu hút ngược mà không có máu là mũi kim đặt đúng vị trí và bắt đầu tiêm. Còn nếu hút lên mà máu theo lên là thao tác không đúng thì ngừng ngay không được tiêm thuốc cho bệnh nhân mà phải chọn lại vị trí tiêm.


3. Các mũi vắc xin dành cho trẻ em thường tiêm vào những vị trí nào, thưa BS?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các mũi vắc xin dành cho trẻ em thường tiêm vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể trẻ như thực hiện ở bắp tay, bắp đùi, mông hoặc mu bàn tay..., miễn là nó không chạm vào động mạch và các dây thần kinh. Ngoài việc tránh các mạch máu và dây thần kinh ra, vị trí tiêm thường được xác định tại những nơi chứa nhiều mô để tránh chạm tới xương. Từ những yêu cầu trên, vị trí thích hợp nhất để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi được xác định là tại bắp đùi vì nơi có rất nhiều mô và không có dây thần kinh chính nào đi qua. Đối với trẻ trên 1 tuổi, tiêm ở bắp tay lại là giải pháp thích hợp hơn cả bởi khi trẻ đã biết đi, vết tiêm ở bắp đùi sẽ gây đau nhức và khó chịu cho trẻ.

Một số loại vắc xin yêu cầu được tiêm chính xác vào cơ trong khi đa số lại chỉ cần tiêm dưới da. Lý do là bởi những vắc xin đó được khuyến cáo sẽ phát huy tác dụng tốt nhất ở một lớp mô nhất định. Các bà mẹ không nên quá lo lắng việc con quấy khóc hay giãy giụa khi tiêm sẽ làm mũi tiêm không chính xác. Việc tiêm sai lớp mô sẽ không gây nguy hiểm cho bé nhưng tác dụng của vacxin sẽ bị chậm và giảm đi phần nào.


4. Một số trường hợp bị sưng, đau ngay tại vị trí tiêm là do nguyên nhân gì vậy ạ? Và cách xử lý tại nhà như thế nào? Khi nào thì chúng ta cần quay lại cơ sở y tế do sưng, đau ngay tại vị trí tiêm?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Một số trường hợp bị sưng, đỏ ,đau ngay tại vị trí tiêm là do là phản ứng tại chỗ sau tiêm hay phản ứng miễn dịch của cơ thể. Có thể xử trí tại nhà làm giảm bớt sưng đau như đặt một miếng vải ướt mát lạnh lên vị trí tiêm, hầu hết các phản ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Nếu chỗ tiêm sưng đỏ, mềm, đau nhức và kèm theo sốt và các triệu chứng kích thích toàn thân, khó chịu thì cần đến bác sĩ khám để xác định bệnh và có hướng xử trí kịp thời.


5. Áp xe là gì, thưa BS? Nhiễm trùng tại vết tiêm và áp xe tại vết tiêm có phải là một không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Áp xe là một ổ mủ hình thành trong các mô của cơ thể. Các dấu hiệu và triệu chứng đối với những áp xe ở gần da gồm: ửng đỏ, đau, nóng,  sưng, khi đè lên có cảm giác như một túi chất lỏng. Áp xe thường gây ra do nhiễm khuẩn. Thường nhiều loại vi khuẩn cùng gây ra một ổ nhiễm trùng.

Áp xe là một trong những phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm ngừa. Áp xe trông giống như những mụn nhọt thông thường, cũng có thể phát triển lớn hơn khi nhiễm trùng không được điều trị. Hầu hết các ổ áp xe thường được hình thành dưới da, các áp xe sẽ có thể phát triển ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Tuy nhiên trẻ bị áp xe chỗ tiêm phải được chăm sóc và điều trị đúng cách nếu không sẽ rất nguy hiểm.


6. Nhờ BS cho biết dấu hiệu trẻ bị áp xe chỗ tiêm? Cách chăm sóc áp xe vị trí tiêm như thế nào? Có nên để áp xe tự vỡ không ạ? Trường hợp nào phải đến BS?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Dấu hiệu trẻ bị áp xe chỗ tiêm:

- Thông thường, trẻ sau khi tiêm chỉ bị nhói đau một lúc và sưng ở da nhưng sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên nếu thấy những dấu hiệu sau, có thể trẻ bị áp xe chỗ tiêm.

- Ngày đầu sau khi tiêm, trẻ đau nhức, chai cứng chỗ tiêm, vết thường tấy đỏ, nóng và sưng lên. Càng về sau thì da lở loét rồi xuất hiện mủ, thân nhiệt trẻ giảm, cơ thể mệt mỏi, đau yếu, tâm trạng khó chịu.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn về nhi khoa

Cách chăm sóc áp xe ở vị trí tiêm:

- Không chạm tay hay để bất cứ gì lên chỗ tiêm trừ thuốc. Dùng băng gạc sạch thấm mủ hoặc dịch rỉ ra từ áp xe. Tránh để ngón tay chạm vào da trong khi thấm dịch. Dùng băng gạc xoa nhẹ nhàng lên áp xe theo chuyển động vòng tròn để mủ có thể chảy ra. Một chút máu rỉ ra lúc này là bình thường. Bỏ miếng băng gạc thấm dịch và không sử dụng lại rồi băng vết thương lại.

- Luôn rửa tay băng xà bông và nước trước và sau khi chăm sóc vết áp xe để tránh ổ nhiễm trùng lây lan.

- Cho một cốc nước ấm hoặc nóng nhưng không làm bỏng da, sau đó nhúng băng sạch hoặc mảnh vải mềm vào nước, đắp lên áp xe và vùng da xung quanh. Liệu pháp chườm gạc ấm hoặc nóng có thể giúp dẫn lưu áp xe, đồng thời giảm đau nhức và khó chịu.Chườm ấm mỗi ngày nhiều lần.

- Cho trẻ ăn uống bình thường, tăng cường uống nhiều nước hơn.

- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, dễ hút mồ hôi.

- Khi ổ áp xe dưới da nhỏ hơn 1cm thì bình thường sẽ vỡ lên bề mặt da để cho chảy mủ ra ngoài, và hoàn toàn có thể tự lành lại mà không cần phải điều trị. Song, nếu thấy có các dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ sớm đến BS  khi vùng đau lớn hơn 1cm và càng ngày đau càng tăng và vùng đau rộng ra, sốt trên 38,5°C, vùng đỏ lan rộng.


7. Nếu sưng, nhiễm trùng tại vị trí tiêm thì có nguy cơ để lại sẹo không, thưa BS?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu sưng , nhiễm trùng tại vị trí tiêm thì sau khi điều trị sẽ không để lại sẹo ngoại trừ tiêm ngừa lao, tại chỗ tiêm sẽ sưng sau đó nhiễm trùng có mủ, tự bể ra và sẽ để lại 1 vết sẹo nhỏ, đó là sẹo BCG. Đây là hiện tượng bình thường nên cha mẹ không cần lo lắng.


8. Trường hợp xung quanh vết tiêm hình thành một khối cứng chìm dưới da, không đau thì đó là gì, và khối cứng này có tan hết được không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trường hợp xung quanh vết tiêm hình thành một khối cứng chìm dưới da, không đau mà vùng tiêm có khối cứng như quả trứng, táo, thì nên chườm ấm, khối cứng sẽ tan dần, có thể khối cứng do tiêm loại thuốc dầu nên chậm tan thì sẽ tan dần không đáng lo ngại. Nếu sau 4-6 tháng theo dõi mà khối cứng đó không tan thì tốt nhất nên đến bệnh viện để bác sĩ khám, được hướng dẫn và điều trị thích hợp.


9. Khá nhiều bạn đọc AloBacsi gửi câu hỏi cho biết vị trí tiêm thuốc ở mông bị sưng đau, gây nóng sốt và mệt mỏi. Có phải tiêm ở mông thường xảy ra hiện tượng này không ạ? Theo BS, nên xử trí thế nào ạ?


BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Phản ứng thông thường thường gặp sau tiêm thuốc ở mông như: nóng  sốt, đau nơi tiêm, mệt mỏi, ngứa xung quanh vết tiêm, sưng, nóng đỏ nơi tiêm… các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày. Tiêm bắp tại vị trí nào cũng xảy ra hiện tượng này.


10. Cũng có bạn đọc bị chó cắn, sau khi tiêm phòng dại thì khi về nhà, tại vị trí tiêm bị ngứa và mẩn đỏ xung quanh. Tại sao lại như vậy? Nhờ BS hướng dẫn cách xử trí?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Sau khi tiêm phòng dại thì khi về nhà, tại vị trí tiêm bị ngứa và mẩn đỏ xung quanh là do phản ứng của cơ thể, tác dụng phụ của thuốc và khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thường sau chích ngừa về có ngứa và nổi mẫn đỏ xung quanh đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang đáp ứng miễn dịch, không sao cả.

Cách xử trí :

- Nên mặc quần áo thoáng mát dễ hút mồ hôi.

- Chườm lạnh cho đỡ ngứa.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý hàng ngày và uống nước nhiều hơn.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X