Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Rốn bé chảy nước và có mùi hôi, khắc phục thế nào?

Thông thường, trẻ sơ sinh thường rụng rốn khi được 5-7 ngày tuổi. Trong thời gian trên, nếu vệ sinh và chăm sóc rốn không tốt, có thể xảy ra tình trạng vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng rốn.


NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết, những bệnh thường gặp ở rốn trẻ em gồm những bệnh gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Những bệnh thường gặp ở rốn trẻ em gồm :

- Nhiễm trùng rốn lan tỏa và khu trú

- Uốn ván rốn

- Hoại tử rốn

- Viêm mạch máu rốn

- Viêm  rốn

- Thoát vị rốn


2. Khá nhiều bạn đọc AloBacsi lúng túng khi thấy rốn của con mình chảy nước và có mùi hôi, mặc dù vẫn tắm cho bé mỗi ngày. Theo BS, đây là tình trạng gì ạ, nguyên nhân do đâu?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ sơ sinh sau khi sinh  từ 7 đến 10 ngày hoặc hơn vài ngày thì cuống rốn khô và rụng. Trong khoảng thời gian này, rốn giống như một cánh cửa chưa kịp đóng. Nếu mẹ vệ sinh rốn trẻ không tốt và không đúng cách như: băng rốn quá chặt, tự ý ngắt cuống rốn, rắc chất lạ hay đắp lá cây giã nhuyễn lên rốn khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ hay do quên không vệ sinh tay trước khi chăm sóc rốn của bé. Tất cả những sai sót này đều khiến rốn bé bị vi khuẩn xâm nhập, dẫn tới tình trạng viêm nhiễm, sẽ dẫn đến nhiễm trùng rốn, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Mặc dù vẫn tắm bé mỗi ngày nhưng rốn trẻ chảy nước và có mùi hôi. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính khiến cuống rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi.


3. Dấu hiệu nào cảnh báo nhiễm trùng rốn và trẻ nên đến bệnh viện khám, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ bị nhiễm trùng rốn, nên đến bệnh viện khám khi mẹ thấy rốn và vùng bụng xung quanh rốn có những dấu hiệu sau:

Sưng phù, tấy đỏ

Rỉ dịch, mủ xanh, mủ vàng

Có mùi hôi

Vùng da quanh rốn sưng đỏ

Chảy máu trong rốn


4. Nếu trẻ bị nhiễm trùng rốn, cha mẹ nên vệ sinh rốn cho bé như thế nào, dùng dung dịch sát khuẩn nào phù hợp, một ngày lau mấy lần, nhờ BS hướng dẫn ạ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời: 

Nếu trẻ bị nhiễm trùng rốn, cha mẹ nên vệ sinh rốn cho trẻ sau khi đã tắm.

Sau khi rửa tay, mang khẩu trang, chuẩn bị dụng cụ như bông gòn, gạc, kềm, bông tăm vô trùng rồi dùng tay lấy gạt vô trùng nâng dây rốn lên, quan sát chân rốn, dây rốn, mặt cắt cuống rốn và da xung quanh rốn, dùng que gòn vô trùng  tẩm dung dịch sát trùng là Nitrat bạc hoặc Povidone Iodine 2-3 % lau sạch xung quanh chân rốn, từ chân rốn lên dây rốn, kẹp rốn và mặt cắt cuống rốn. Sau đó khử trùng từ chân rốn ra da xung quanh, để hở giúp cuống rốn mau khô và dễ rụng, khi rốn chưa rụng nên tắm trẻ và giữ rốn trẻ khô.

Chăm sóc rốn mỗi ngày từ 1-2 lần hoặc ngay sau khi rốn bị nhiễm trùng, quấn tã nên để  hở phần rốn để không khí có thể lưu thông, mặc tã dưới rốn. Hạn chế sờ, đụng vào cuống rốn và vùng quanh rốn để tránh nhiễm trùng thêm.

Tiếp tục chăm sóc sau khi rốn đã rụng đến khi chân rốn khô không còn dịch tiết.


5. Nhiễm trùng rốn nếu uống thuốc không khỏi, hoặc khỏi rồi nhưng tái đi tái lại thì đó là tình trạng gì, thăm khám như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nhiễm trùng rốn nếu uống thuốc không khỏi, hoặc khỏi rồi nhưng tái đi tái lại thì có thể  là tình trạng hoại tử rốn nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Nhi khám tìm nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán xác định bệnh và có hướng điều trị thích hợp.


6. Trường hợp nào phải phẫu thuật nang rốn? Ca mổ được tiến hành như thế nào, thực hiện trong bao lâu? Bé sẽ nằm viện mấy ngày ạ?
 
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nang rốn ở trẻ là bệnh tương đối ít gặp của đường tiết niệu. Tuy nhiên nếu bỏ sót sẽ gây nên các biến chứng thành ác tính ở độ tuổi trưởng thành và điều trị khó hơn.

Bình thường ống niệu rốn từ xoang niệu sinh dục và rốn được đóng kín và xơ hóa thành dây chằng rốn - bàng quang trong thời kỳ bào thai. Sự tồn tại của niệu rốn sẽ gây ra một số bệnh lý như trong tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ nhỏ. Do đó, nếu trẻ có nang rốn thì tiến hành phẫu thuật.

Ca mổ được tiến hành: trước tiên cho trẻ nằm ngửa, gây mê nội khí quản, tiến hành rạch bụng đường nhỏ giữa trên dưới rốn 3 cm rồi cắt và khoét bỏ nang niệu rốn, kiểm tra cầm máu, khâu lại.

Ca mổ thực hiện trong 30 phút, trẻ nằm viện 1 tuần.


7. Làm cách nào để phân biệt nang rốn và thoát vị rốn ạ, bởi cả 2 trường hợp này rốn đều lồi?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nang rốn là do ống niệu rốn nối từ xoang niệu sinh dục và rốn không được đóng kín tạo thành. Tình trạng này ít gặp ở trẻ sơ sinh. Khám nang rốn ở trẻ sơ sinh bằng cách sờ nắn bụng có thể sờ được phần u dạng nang, thể chất mềm và căng nằm ở ngay bên dưới rốn. Tuy nhiên qua thăm khám lâm sàng đơn thuần thì cũng không thể phân biệt được bệnh mà phải qua siêu âm.

Thoát vị rốn là tình trạng một phần ruột chui vào khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, khi mà cơ thành bụng chưa phát triển đủ để bịt kín ống dây rốn. Triệu chứng bệnh có thể dễ dàng nhận biết khi có một khối u mềm nhô lên tại rốn khi trẻ khóc, trẻ rặn và biến mất khi trẻ nằm im.


8. Thoát vị rốn được điều trị bằng những phương pháp nào, thưa BS? Thời điểm nào thích hợp để phẫu thuật?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Đa phần các trường hợp thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi khi bé được 1 đến 2 tuổi. Khi bé lớn lên thành cơ bụng khỏe, lúc đó sẽ có thể đóng kín lỗ của thành bụng, thoát vị sẽ từ từ mất đi mà không cần phải nhờ đến sự can thiệp ngoại khoa.

Nhưng khi trẻ có khối thoát vị lớn gây đau cho trẻ, to dần lên khi trẻ được 2 tuổi và không mất đi khi trẻ 5 tuổi, thì phải tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật thoát vị rốn bao gồm đưa ruột trở vào ổ bụng, khâu kín lỗ thoát vị, và khâu tăng cường để làm thành bụng vững chắc hơn.

Thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút.


9. Với trường hợp tồn tại ống niệu rốn thì cách điều trị như thế nào, thưa BS? Vì sao lại có tình trạng tồn tại ống niệu rốn? Bé nên mổ khi được bao nhiêu tuổi ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Với trường hợp tồn tại ống niệu rốn thì cách điều trị là phẫu thuật.
 
Ống niệu rốn nằm giữa mạc ngang và phúc mạc thành bụng vùng hạ vị, giữa hai dây chằng rốn. Ống có chiều dài thay đổi từ 3 đến 10 cm, đường kính 8-10 mm. Ống niệu rốn là đoạn nối thông giữa phần trên của xoang tiết niệu sinh dục và niệu nang với rốn. Bình thường ống niệu rốn bị tắc và chỉ tồn tại dưới dạng một dây xơ sau khi sinh. Khi ống niệu rốn tồn tại một phần hoặc toàn bộ sẽ gây nên một số hình thái bệnh lý.

Bé có thể mổ từ 2 tháng đến 2 tuổi tùy theo tình trạng khi thăm khám mà BS sẽ có chỉ định cụ thể.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X