Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Nhận biết những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em

Các bệnh về da thường “tấn công” trẻ nhiều hơn khi trời nóng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vậy những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ đó là gì? Cách phòng tránh thế nào?


NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Trẻ nhỏ thường bị những bệnh ngoài da nào ạ? Trong đó bệnh nào lây, bệnh nào không lây?

Trẻ nhỏ thường bị những bệnh ngoài da như: Dị ứng da (nổi mề đay), rôm sảy, ecpec mảng tròn (lác đồng tiền), chàm sữa, ban đỏ, thủy đậu, viêm da tiếp xúc, bệnh chốc lở, bệnh tay chân miệng.

Các bệnh lây như; ecpec mảng tròn, thủy đậu, chốc lở, tay chân miệng.

Các bệnh không lây như: nổi mề đay, rôm sảy, chàm sữa, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc.


2.  Nhờ BS hướng dẫn cách phân biệt những bệnh ngoài da ở trên?

Các bệnh ngoài da của trẻ dể nhận biết. Tuy nhiên, các bệnh trong rất giống nhau như bệnh vẩy nến, bệnh chàm và bệnh viêm da cơ địa rất khó khăn để phân biệt được ba bệnh này. Ngoài ra, để có thể chẩn đoán chính xác, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được hỏi kỹ lưỡng về quá trình bệnh và triệu chứng của bệnh. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện vài kiểm tra hoặc xét nghiệm da để chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị thích hợp và chữa khỏi bệnh.

Rôm sảy khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Nguồn Internet
Rôm sảy khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Nguồn Internet

Vệ sinh vùng tã không sạch sẽ tạo điều kiện cho hăm tã ghé thăm - Nguồn Internet
Vệ sinh vùng tã không sạch sẽ tạo điều kiện cho hăm tã ghé thăm - Nguồn Internet

Hai bên má là vị trí chàm sữa cực yêu thích - Nguồn Internet
Hai bên má là vị trí chàm sữa cực yêu thích - Nguồn Internet

Những bóng nước hình tròn, dẹp là dấu hiệu của bệnh chốc lở -  Nguồn Internet
Những bóng nước hình tròn, dẹp là dấu hiệu của bệnh chốc lở - Nguồn Internet

Viêm da cơ địa rất phổ biến ở trẻ nhỏ - Nguồn Internet
Viêm da cơ địa rất phổ biến ở trẻ nhỏ - Nguồn Internet

3. Cha mẹ có thể tự nhận biết những bệnh nào ạ? Trường hợp nào phải đi BS khám bệnh và xét nghiệm?

Cha mẹ có thể tự hận biết được các bệnh ngoài da như: Dị ứng da (nổi mề đay), rôm sảy, ecpec mảng tròn (lác đồng tiền, ban đỏ, thủy đậu, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, bệnh chốc lở, bệnh tay chân miệng.

Các bệnh ngoài da trẻ em cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ khám và xét nghiệm để chẩn đoán và có cách điều trị thích hợp.


4. Các thuốc bôi trị bệnh ngoài da cho trẻ có thể tự mua không, hay cần phải kê toa ạ? Những loại nào thông dụng?

Dù là dạng thuốc bôi trị bệnh ngoài da cho trẻ để dùng ngoài da của trẻ cha mẹ cũng phải hết sức thận trọng trong sử dụng đối với trẻ nhỏ. Nên lưu ý, nhiều bệnh ngoài da muốn điều trị hiệu quả, cả người lớn và trẻ con, tốt nhất là đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và chỉ định đúng thuốc.

Khi dùng thuốc, phải xem kỹ hướng dẫn để biết phạm vi sử dụng, tác dụng phụ và có chống chỉ định đối với trẻ hay không. Không vì đó là thuốc bôi ngoài da mà cứ thoa bừa lên da trẻ. Tuyệt đối nên tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, tránh dùng thuốc quá liều hoặc không đúng chỉ định vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Các loại thông dụng như: thuốc tím, xanh metylen, lactacid BB,…


5. Nhờ BS hướng dẫn cách nhận biết các loại thuốc bôi trị bệnh ngoài da có chứa corticoid? Những thuốc này nếu cha mẹ tự ý cho bé sử dụng sẽ có hậu quả gì?

Để nhận biết các  loại thuốc bôi ngoài da đang sử dụng có chứa corticoid hay không, cách tốt nhất là cha mẹ đọc mục các thành phần của thuốc bạn sẽ biết được thành phần đầy đủ của thuốc hoặc cách khác là cha mẹ có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ.

Thuốc có chứa corticoid nếu trong thành phần có đuôi “sone” hoặc “olone”  có những chất sau: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluocinolone, fluticasone; beclomethasone, betamethasone, dexamethasone...

Thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid ở trẻ em, thường gặp nhất là dùng thuốc bôi corticoid để tự chữa bệnh chàm thể tạng cũng có thể gây tác hại cho trẻ. Teo da là tác dụng phụ phổ biến nhất.

Chọn sản phẩm tắm an toàn và không gây kích ứng cho da bé - Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Chọn sản phẩm tắm an toàn và không gây kích ứng cho da bé - Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet

6. Khi trẻ đang bị bệnh ngoài da, trong ăn uống cần lưu ý điều gì, thưa bác sĩ?

Khi trẻ đang bị bệnh ngoài da, trong ăn uống cần lưu ý kiêng các món như hải sản, trứng, thịt gà, thịt đỏ, thực phẩm lên men chua, đồ chiên xào, …và nước uống có gas. 


7. Còn việc tắm giặt cho bé thì thế nào ạ?

Khi bị bệnh ngoài da, trẻ em không cần kiêng tắm mà ngược lại cần có một chế độ vệ sinh cơ thể hợp lý. Thay quần áo hàng ngày, tắm rửa bằng nước ấm có tác dụng giảm triệu chứng kích thích ở tổn thương do ngứa, làm sạch bề mặt da để tránh nguy cơ bội nhiễm do vi khuẩn.

Tuy nhiên khi tắm thì không nên tắm lâu như bình thường mà tắm nhanh hơn bằng nước ấm cho trẻ, tránh chà sát, gãi làm tổn thương da, sau khi tắm dùng khăn tắm mềm nhẹ nhàng thấm khô nước. Khi có sốt, việc tắm nhanh bằng nước ấm còn có tác dụng giúp hạ nhiệt cơ thể.

Cần lưu ý là khi tắm bằng bồn thì cần vệ sinh sạch sẽ bồn tắm trước và sau khi tắm. Mặc quần cho trẻ thoáng mát, dễ hút mồ hôi, rộng rãi .


8. Khi trong nhà có một trẻ bị bệnh ngoài da, các anh chị em của bé ở chung nhà cần chú ý điều gì?

Khi trong nhà có một trẻ bị bệnh ngoài da, các anh chị em của bé ở chung nhà cần chú ý các bệnh dể lây như sởi, tay chân miệng, thủy đậu… thì nên tránh tiếp xúc, sống cách ly 10-15 ngày để tránh lây nhiễm.

Các bệnh không lây như dị ứng da, rôm sảy,… thì không cần sống cách ly.


9. Nhờ BS hướng dẫn những cách để hạn chế bệnh ngoài da cho trẻ?

Vào mùa hè, trẻ dễ mắc các bệnh về da, để hạn chế bệnh ngoài da cho trẻ cha mẹ cần: Trẻ cần được tắm hằng ngày bằng nước ấm để da luôn sạch, thoáng mát, không thấm ẩm mồ hôi khiến mầm bệnh dễ phát triển, sau khi tắm xong cần lau khô thật nhanh, thật kỹ. Tuy nhiên, đừng chà xát da bằng khăn mà chỉ lau nhẹ nhàng để da trẻ có độ ẩm tự nhiên, sau đó thoa kem dưỡng da trong khi da vẫn còn giữ được độ ẩm.

Nguồn nước sử dụng để tắm cho trẻ phải đảm bảo chất lượng nên kiểm tra nguồn nước thường xuyên. Với những gia đình có nguồn nước không đảm bảo, có thể sử dụng biện pháp như lọc thô, lọc tổng hoặc sử dụng máy lọc nước để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Một chế độ ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Cha mẹ nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng cho bé bao gồm thức ăn có nhiều axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi, dầu cá và hạt lanh. Những axit béo lành mạnh này có thể giúp da giữ được độ ẩm tốt.

Bên cạnh đó, thực phẩm giàu protein, vitamin E và C cũng rất tốt cho làn da của bé. Thường xuyên bổ sung cho bé những loại hoa quả giàu dinh dưỡng, tốt cho da như bơ, chuối, xoài, dâu tây, thanh long… Nên lựa chọn hoa quả theo mùa. Bởi thường những loại hoa quả trái mùa có khả năng chứa nhiều chất độc hại hay lượng thuốc trừ sâu tồn dư nhiều hơn so với những loại quả đúng mùa…

Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng dầu ôliu hoặc dầu dừa để nấu ăn và hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến hay chứa nhiều đường…

Việc lựa chọn quần áo rất quan trọng trong việc phòng bệnh ngoài da cho bé. Vào hè, cơ trẻ thể tiết nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng. Nên chọn những loại vải mỏng, nhẹ, ngăn ngừa và thấm hút mồ hôi tạo cho trẻ cảm giác thoáng mát và thoải mái.

Cơ thể giữ đủ nước từ bên trong sẽ giúp giữ cho làn da của trẻ đủ nước. Trẻ luôn cần được bổ sung nước thường xuyên và đúng cách để có một cơ thể khỏe mạnh. Với mỗi độ tuổi nhu cầu về nước và hình thức bổ sung nước cho trẻ rất khác nhau. Có thể bổ sung nước cho trẻ qua thực phẩm hàng ngày hoặc qua việc chế biến đồ ăn lỏng.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X