Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Chàm sữa ở trẻ nhỏ có đáng ngại không?

Thời tiết trở lạnh là khoảng thời gian trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 02 tuổi có cơ địa mẫn cảm dễ bị bệnh viêm da dị ứng mà dân gian thường gọi là chàm sữa hay lác sữa. Vậy phải điều trị như thế nào và làm gì để bé dễ chịu hơn khi mắc phải bệnh này? Mời bạn đọc theo dõi những câu tư vấn hay từ BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình.

Theo thống kê, có tới 20% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc phải chàm sữa, nhưng có tới 90% các bậc cha mẹ lại không biết con đang mắc phải chàm sữa nên không chữa trị đúng cách làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Xin BS cho biết, trẻ ở độ tuổi nào có thể bị chàm sữa ạ? Bệnh này có thường gặp hay không? Có lây không ạ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Chàm sữa thường gặp ở trẻ sơ sinh đến 02 tuổi. Đây là bệnh mạn tính thuộc về cơ địa, không thể chữa dứt điểm, hay tái phát. Khi trẻ trên 2 tuổi bệnh mới từ từ hết, không lây.


Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa là gì, thưa BS? Có phải trẻ bị chàm sữa là sau này bé dễ bị dị ứng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

- Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh đến 2 tuổi là do thay đổi thời tiết đột ngột trong khi trẻ nhỏ chưa quen với trời lạnh; ăn những món dễ gây dị ứng; do dị ứng hóa chất như sữa tắm, đồ chơi trẻ em bằng nhựa,… làm cho “hàng rào da” để bảo vệ cơ thể trẻ bị hư tổn. Khi “hàng rào da” hư tổn, các vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào trong da gây viêm, kích ứng da. Nước trong da thoát ra ngoài quá mức gây nên nhiều bệnh như khô da, ngứa, đỏ.

- Trẻ bị chàm sữa sau này dễ bị dị ứng.

Hiện tượng chàm sữa thường xuyên xuất hiện ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hiện tượng chàm sữa thường xuyên xuất hiện ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Xin BS cho biết dấu hiệu nhận biết chàm sữa? Nó có dễ nhầm với bệnh ngoài da nào khác không ạ? Cha mẹ có thể nhận biết hay phải đưa bé đi BS khám để có chẩn đoán ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

- Những dấu hiệu để biết con bị chàm sữa bao gồm: Sờ tay thấy da khô ráp, có thể xuất hiện mụn nước li ti, ngứa, đỏ, thường xuất hiện chủ yếu ở vùng má mặt, ngoài ra còn có ở nếp gấp cổ, khuỷu tay, sau đầu gối và mu bàn tay, cổ tay, mắt cá chân. Chàm sữa thường xuyên tái phát, đặc biệt khi trời chuyển lạnh.

- Chàm sữa dễ nhầm với viêm da hay nẻ, cha mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp.


Cách điều trị chàm sữa như thế nào thưa BS? Cha mẹ có cần BS kê toa không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Vì chàm sữa là bệnh thuộc về cơ địa, không thể chữa dứt điểm, khi trẻ lớn lên dần bệnh sẽ tự hết. Cha mẹ nên tránh tác nhân gây bệnh như khi thời tiết lạnh nên giữ ấm cho bé; hạn chế cho bé chơi đồ chơi bằng nhựa; tránh dùng loại sữa tắm mà bé đã dị ứng; tránh cho bé ăn những thức ăn dễ dị ứng như trứng, các loại đậu, cà chua, hải sản. Cho bé dùng sữa mẹ đến 2 tuổi.

Ngoài ra cần chăm sóc tốt cho da của bé như: tắm cho bé bằng nước ấm để giảm tình trạng ngứa hoặc nhiễm khuẩn khi bé gãi; thường xuyên cắt móng tay, chân và hạn chế không cho bé gãi vào các vùng mẫn ngứa. Cho bé mặc các loại quần áo bằng vải mềm, mỏng, hút nước để tránh gây tổn thương da; nên thay tã 3 lần/ ngày và thay quần áo ngay sau khi tắm cho bé để tránh mồ hôi gây ẩm ướt khó chịu.

Nếu dùng các cách trên mà da bé không cải thiện thì nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Da Liễu khám, chẩn đoán xác định và điều trị thích hợp.


Nếu không điều trị, chàm sữa có thể tự khỏi được không? Có thể gây biến chứng gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Bệnh chàm sữa là một dạng viêm da dị ứng, thường gặp ở các trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi. Bệnh sẽ tự khỏi khi sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch của trẻ ổn định. Nhưng việc trẻ có tự hết hay không còn phụ thuộc vào cơ địa. Các vị trí thường bị chàm sữa là: mặt, hai bên má.

Bệnh tuy không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhưng thường gây ngứa khiến trẻ hay lấy tay gãi dẫn đến xước da, khó chịu, thường xuyên quấy khóc, bú kém, ngủ không ngon giấc. Bệnh chàm sữa có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có nhiều trẻ bệnh diễn biến phức tạp làm bé khó chịu, lười ăn, hay quấy khóc… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ không nên chờ bệnh tự hết mà nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ điều trị cho bé càng sớm càng tốt.


Theo BS, mẹo dân gian hướng dẫn giã các loại rau đắp lên da cho bé hoặc tắm nước lá có hiệu quả không, có nên áp dụng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Theo mẹo dân gian là giã các loại rau đắp lên da hoặc tắm cho trẻ bằng lá chè xanh, lá trầu không, lá rau đắng, khoai tây, hay lá ổi,… là những nguyên liệu dân gian được nhiều bậc cha mẹ sử dụng để điều trị chàm sữa cho con.

Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh hay sự khẳng định nào từ các nhà khoa học hoặc chuyên gia y tế đảm bảo phương pháp này đem lại hiệu quả tốt trong điều trị chàm sữa cho trẻ. Ngoài ra, khi trẻ có cơ địa dị ứng thì tình trạng kích ứng da, bệnh không hết mà sẽ diễn biến nặng hơn thêm. Do đó, để an toàn cho trẻ, cha mẹ nên suy nghĩ thật kỹ trước khi sử dụng.

Bố mẹ không nên tự ý bôi thuốc trị chàm sữa cho con. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bố mẹ không nên tự ý bôi thuốc trị chàm sữa cho con. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Làm sao để tránh cho bé cào, gãi, thưa BS? Và khi bé không được cào gãi thì cha mẹ nên làm gì giúp bé dễ chịu hơn ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Khi trẻ bị chàm sữa cha mẹ nên tránh cho trẻ cào, gãi và giúp trẻ dễ chịu hơn như cho mặc quần áo bằng vải mềm, mỏng, thoáng mát, dễ hút mồ hôi; tránh để cơ thể trẻ đổ mồ hôi ẩm ướt, giữ cho da bé luôn khô, thường xuyên thay tã lót khoảng 3 lần/ngày, tránh để lâu gây ẩm ướt vì đây là yếu tố dễ gây kích ứng da, thay quần áo ngay sau khi tắm cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, nhất là phòng ngủ của trẻ như đệm, chăn, gối, giường, đồ chơi,…; tránh để trẻ tiếp xúc với chó, mèo, khói bụi.


Bình thường thì chàm sữa sẽ lành trong bao lâu ạ? Sau khi lành, chàm sữa có để lại di chứng gì trên da, làm cho da xấu đi không, thưa BS?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Chàm sữa là do cơ địa và dị ứng nguyên cho nên những triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển thể chất của trẻ. Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của trẻ  mà thời gian điều trị cũng khác nhau. Thời gian điều trị  thông thường từ 2-3 tuần sau theo đơn của bác sĩ điều trị là bệnh có thể giảm và không để lại di chứng trên da nhưng bệnh dể tái phát.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị chàm sữa cho trẻ cha mẹ nên lưu ý: không được tự ý bôi thuốc hay uống thuốc mà phải có ý kiến của bác sĩ điều trị vì rất dễ dẫn đến tình trạng sốc phản vệ ở trẻ. Cha mẹ không nên tự ý đắp thuốc lá, áp dụng các bài thuốc dân gian cho trẻ vì rất dễ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn vì da của trẻ em vô cùng nhạy cảm. Trong thời gian điều trị cho trẻ cha mẹ không nên tiêm chủng ngừa cho trẻ.


Vì sao chàm sữa hay tái phát vậy BS? Có cách nào để hạn chế tái phát không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Chàm sữa tái phát do nhiều nguyên nhân như da khô thiếu độ ẩm, nhất là vào mùa đông không khí thường lạnh và khô. Khi ba mẹ có tiền sử bệnh dị ứng thì nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh chàm sữa càng cao. Dị ứng với hóa chất có trong sữa tắm, xà phòng hay đồ chơi. Lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng cho trẻ. Trẻ bị dị ứng với thực phẩm, quần áo…

Phương pháp hạn chế chàm sữa tái phát:

* Về dinh dưỡng:

- Mẹ nên duy trì việc cho con bú trong thời gian lâu nhất có thể.

- Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng và hải sản nên cho trẻ ăn khi trẻ trên 12 tháng tuổi; tránh cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thực phẩm lên men, trứng, các loại đậu nhất là đậu phộng...

* Môi trường sống:

- Cha mẹ không nên cho trẻ tắm với xà phòng hay sữa tắm chứa hóa chất tạo mùi, tạo bọt, hoặc các loại lá tắm dân gian chứa tạp chất, vi khuẩn…

 - Tránh cho trẻ mặc các loại quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp. Nên cho trẻ mặc những loại quần áo mềm, mỏng, dễ hút mồ hôi để tránh làm tổn thương da.

- Môi trường sinh hoạt của trẻ cần thoáng mát, không quá khô (chẳng hạn nếu bé ngủ trong phòng máy lạnh nên để thêm một thau nước to nhằm cải thiện độ ẩm trong phòng). Giữ môi trường xung quanh không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt nệm, chăn, gối, ga giường, đồ chơi của trẻ.

 - Tránh cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo.

Chàm sữa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chàm sữa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trong thời gian bị chàm sữa, trẻ có cần kiêng cữ gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Chàm sữa là bệnh da phổ biến ở trẻ, phát sinh do 2 yếu tố cơ địa và dị ứng nguyên. Do đó, nên cẩn thận với những thực phẩm lạ cho trẻ vì dễ gây dị ứng như hải sản, vịt xiêm, bồ câu, trứng,...
Nên vệ sinh da cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, dễ hút mồ hôi. Tránh dùng các loại xà phòng, sữa tắm của người lớn dùng cho trẻ.

Tránh cho trẻ sinh hoạt nơi nhiều bụi bặm, thú nhồi bông, đồ chơi bằng nhựa, nhiệt độ quá lạnh, hanh khô.

Mẹ nên tránh các thức ăn dễ gây dị ứng vì thông qua sữa mẹ sẽ dễ bị dị ứng.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian giải đáp giúp các bậc phụ huynh đang hoang mang với bệnh chàm sữa ở con trẻ. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình lần sau!

Thực hiện: Hải Yến
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X