Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Cai sữa cho bé thế nào để nhanh chóng, hiệu quả?

"Khi việc bú mẹ đã trở thành thói quen thì việc cai sữa cho bé sẽ trở thành nỗi lo không hề nhỏ đối với các bà mẹ. Việc cai sữa không chỉ ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sinh hoạt mà còn tác động rất nhiều đến tâm lý các bé" - BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình cho biết.

NỘI DUNG TƯ VẤN

BS Ngọc Bình trong buổi tư vấn cho bạn đọc sáng ngày 17/6/2019

1. Xin BS cho biết, bé bao nhiêu tuổi thì có thể cai sữa ạ? Và tại sao lại chọn thời điểm này? Nếu cai sữa sớm quá hay muộn quá có bất lợi gì không, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi trẻ đã trên 24 tháng tuổi thì nguồn sữa mẹ đã bị giảm về số lượng và chất lượng thì cha mẹ nên cai sữa cho trẻ. Trẻ có thói quen được bú sữa mẹ từ lúc lọt lòng, nên việc cai sữa sẽ có những khó khăn. Với trẻ, sữa mẹ không chỉ là thức ăn, là nguồn nước cung cấp dưỡng chất mà bú mẹ còn đem lại cho trẻ tình yêu thương, cảm giác ấm áp, an toàn. Sữa mẹ chứa hầu hết các chất dinh dưỡng như chất đạm, bột đường, vitamin khoáng chất và các yếu tố vi lượng hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, trẻ bú mẹ còn giúp phòng  ngừa được các bệnh thường gặp như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai và đường hô hấp, các bệnh dị ứng như chàm hoặc bệnh hen suyễn,….

Mặc dù bú mẹ đem lại nhiều lợi ích là vậy nhưng một số kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu mẹ thường xuyên cho con bú sau 24 tháng tuổi lúc đó số lượng và chất lượng sữa bị giảm đi sẽ không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ làm trẻ có nguy cơ  suy dinh dưỡng và tăng sâu răng cho trẻ.

Nếu cai sữa sớm thì trẻ bị đứt nguồn dinh dưỡng đột ngột, ảnh hưởng tới sức khỏe và làm giảm sức đề kháng của trẻ. Bởi vì, sữa mẹ  rất giàu dinh dưỡng và đặc biệt, sữa mẹ có thứ mà không có bất kỳ loại thực phẩm nào thay thế được, đó là kháng thể sống.


2. Có những trường hợp nào mà việc cai sữa cho bé nên tạm hoãn không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Việc cai sữa của trẻ thường  phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của trẻ và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Có những trường hợp mẹ phải tạm hoãn việc cai sữa của con lại như :

Khi trẻ bị bệnh thì mẹ phải tạm hoãn việc cai sữa, vì có thể khiến trẻ bệnh nặng thêm và việc cai sữa sẽ trở nên khó khăn. Khi đó mẹ nên chờ con khỏi bệnh rồi mới tiến hành cai sữa.

Nhiều trẻ chưa ăn dặm nhiều hay bị dị ứng với sữa công thức thì mẹ hãy đảm báo cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ sử dụng các loại sữa khác mà không bị dị ứng.

Khi gia đình thay đổi chỗ ở, đi du lịch xa thì mẹ không nên cho con cai sữa vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề chăm sóc cho con.


3. Nhờ BS hướng dẫn các việc mẹ cần chuẩn bị trước khi cai sữa cho bé ạ? Có cần chuẩn bị thức ăn hay đồ chơi gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Chọn bình sữa nơi cửa hàng uy tín, có xuất xứ rõ ràng  sản phẩm chất lượng và phải phù hợp với trẻ, núm vú của bình sữa phải mềm, sữa chỉ nhỏ giọt khi mẹ dốc ngược bình. Ngoài ra, mẹ nên chuẩn bị sữa công thức, dụng cụ vệ sinh bình sữa.

Mẹ nên cai sữa cho bé một cách từ từ, không nên cai sữa một cách đột ngột giảm dần các cử bú của trẻ và thêm những bữa ăn phụ như cho trẻ dùng thêm sữa công thức, ăn dặm để hệ tiêu hóa của trẻ quen dần và có thể tập cho trẻ ăn bằng muỗng.

Việc cai sữa mẹ không đúng lộ trình và không khoa học sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho trẻ. Do đó, tập cho trẻ quen dần cảm nhận việc cai sữa mẹ nhưng trẻ vẫn nhận được tình yêu thương của mẹ.

Cần chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ ăn dặm

Chế độ dinh dưỡng của trẻ khi ăn dặm phải đủ 4 nhóm ( tinh bột, chất béo, chất đạm, Vitamin và khoáng chất ) khi bé bắt đầu tập cai sữa. Mẹ nên bổ sung nhiều bữa ăn phụ cho trẻ để việc cai sữa diễn ra thuận lợi hơn.

Chuẩn bị thêm những món ăn mẹ chế biến cho bé nên mềm, nhỏ, mịn và tốt cho tiêu hóa để trẻ có thể dễ dàng hấp thụ, điều này cũng hạn chế nguy cơ hóc, nghẹn khi trẻ ăn các bữa phụ.

Khi cai sữa thì trẻ sẽ quấy khóc, mẹ nên chuẩn bị thêm đồ chơi mà trẻ yêu thích nhất. Có thể mẹ sẽ rất sốt ruột nhưng hãy kiên trì để có thể cai sữa cho bé đúng cách và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.


4. “Lộ trình” cai sữa hợp lý gồm những bước như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Khi trẻ được 24 tháng nên cai sữa cho trẻ bằng cách giảm bớt cữ cho trẻ bú mà thêm vào đó là cữ sữa hay cữ ăn dặm.

- Giảm bớt thời gian cho trẻ bú lại nếu như 6 lần/ngày thì giảm xuống 4 lần/ngày.

- Sau đó 2-3 tuần giảm tiếp tùy theo sức khỏe và tinh thần của trẻ mà điều chỉnh cho phù hợp.

- Trò chuyện với trẻ hay cho trẻ đi chơi bên ngoài để trẻ phân tâm không đòi bú bú mẹ.


5. Riêng với các mẹ đi làm ban ngày, đêm mới cho con bú thì việc cai sữa nên tiến hành như thế nào, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Ngay khi bắt đầu kế hoạch cai sữa, các mẹ nên tính toán thời gian cho con bú và số lần cho trẻ bú sữa trong ngày, bao gồm cả vào ban đêm.

- Mẹ nên áp dụng cách cai sữa đêm cho trẻ như làm xấu bầu vú làm trẻ ghê sợ mà không đòi bú mẹ, tránh việc dọa cho trẻ sợ, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

- Mẹ tạm xa trẻ để trẻ ngủ với cha hay người thân trong gia đinh như  gửi con về ông bà nội/ ngoại 2-3 ngày để con quen dần với việc thiếu hơi mẹ và quên việc đòi bú.

- Giảm bớt cữ bú đêm cho trẻ xuống chỉ còn 2/3. Chẳng hạn như, bình thường cho trẻ bú sữa mất khoảng 10 phút, thì bây giờ bạn chỉ cho trẻ bú 6-7 phút mà thôi. Thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức cho trẻ uống .

- Hạn chế quấy nhiễu ban đêm khi trẻ đang ngủ.


6. Nếu mẹ đã có các bước cai sữa hợp lý nhưng bé vẫn đòi ti thì nên làm gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Nếu mẹ đã có các bước cai sữa hợp lý nhưng trẻ vẫn đòi ti thì nên dỗ dành trẻ băng cách cho trẻ ngồi trên ghế lắc, cho trẻ chơi trò chơi mà trẻ thích nhất, đọc truyện hay hát ru cho trẻ nghe.

- Cố gắng biểu lộ tình cảm của mẹ như âu yếm, vuốt ve trẻ để trẻ cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ.

- Đề nghị các người thân trong gia đình giúp đỡ.


7. Trên mạng có đưa ra khá nhiều cách để làm mất sữa mẹ như sử dụng thuốc hay ăn một số loại thực phẩm làm mất sữa như hoa lài, lá bạc hà cay, lá ngải đắng, lá lốt hay lá dâu… theo BS những cách này có thật sự làm mất sữa không ạ, và nếu áp dụng thì cần lưu ý gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Nếu sử dụng thuốc làm mất sữa thì thuốc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng , phải có chỉ định hướng dẫn của BS vì khi uống thuốc dễ bị tác dụng phụ như hạ huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, táo bón, khô miệng,.. nếu gặp các trường hợp trên thì mẹ nên ngừng ngay thuốc và đến Bv để gặp BS xử trí kịp thời.

- Dân gian có khá nhiều cách để làm mất sữa mẹ như ăn một số loại thực phẩm làm mất sữa như hoa lài, lá bạc hà cay, lá ngải đắng, lá lốt hay lá dâu…thì chưa có nghiên cứu khoa học nào cụ thể về các thực phẩm có thể làm mất sữa. Nếu áp dụng thì cần lưu ý: phải rửa sạch để tránh để nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.


8. Theo BS, mẹ có nên áp dụng một số mẹo dân gian như bôi dầu gió hay thuốc đắng lên đầu ti, ăn tỏi để sữa có mùi khó chịu… hay không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các mẹ không nên áp dụng một số mẹo dân gian như bôi dầu gió hay thuốc đắng lên đầu ti, ăn tỏi để sữa có mùi khó chịu vì làm như vậy trẻ dể bị tổn thương sẽ ảnh hưỡng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ khi lớn lên.


9. Do ngưng cho bú, mẹ bị căng tức sữa, hiện tượng này sẽ kéo dài bao lâu? Nhờ BS hướng dẫn mẹ cách giúp giảm căng tức ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi cai sữa đột ngột sẽ làm vú mẹ bị căng tức sữa. Do đó, muốn tránh tình trạng này mẹ nên giảm dần cữ bú và lượng sữa cho trẻ và tránh kích thích đầu vú thì khoảng 10-15 ngày mẹ sẽ bị mất sữa.


10. Một số trẻ đã cai sữa thành công rồi nhưng vẫn có thói quen sờ ti mẹ trong thời gian dài. Theo BS, liệu có cách nào giúp trẻ mau chóng bỏ thói quen này không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Một số trẻ đã cai sữa thành công rồi nhưng vẫn có thói quen sờ ti mẹ trong thời gian dài. Để giúp trẻ mau chóng bỏ thói quen này thì :

- Khi thấy bàn tay bé nhỏ của con đang vươn ra với ý định chạm vào ti mẹ phải chặn lại ngay lập tức và kiêng quyết không cho nên để trẻ hiểu rằng đối với 1 đứa trẻ việc chạm vào ti của người khác là điều xấu không nên làm, nhất là trước đám đông.

- Điều quan trọng để ngăn chặn hành vi sờ ti của trẻ chính là sự hợp tác của cả gia đình. Nhiều trường hợp khi bố mẹ kiên quyết từ chối thói quen xấu này của con nhưng ông bà, những người trong gia đình lại không hợp tác, tiếp tục làm lơ nuông chiều sở thích của trẻ khiến trẻ càng nghiện sờ ti hơn.

- Cha mẹ có thể thay đổi thói quen xấu này của trẻ bằng cách cho trẻ đồ chơi khác thay thế để phân tán sự chú ý của trẻ. Đầu tiên có thể cho trẻ ôm búp bê, ôm gấu khi đi ngủ để thay thế cho thói quen sờ ti mẹ... Dần dần sự gắn bó với ti mẹ của bé sẽ dần chuyển sang những đồ chơi thay thế.

- Cha nên chơi và trò chuyện nhiều hơn để trẻ hiểu rằng mẹ không phải là người phụ thuộc duy nhất. Đây là biện pháp trực tiếp và hiệu quả nhất để giúp trẻ sớm từ bỏ thói quen sờ ti của mẹ.

Thực hiện: Thanh Thủy
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X