Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bé lười ăn rau, cha mẹ phải làm sao?

Trẻ từ 2 - 3 tuổi thường không thích ăn rau xanh là hiện tưởng phổ biến bởi ở độ tuổi này các bé thích những màu sáng và vui mắt. Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Mời các ông bố, bà mẹ theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình chiều ngày 2/5/2019 để giải tỏa lo lắng này.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Nhiều bậc cha mẹ đang đối mặt với cuộc chiến “nói không với rau” của con, nhất là khi bé được 2 - 3 tuổi. Theo BS, nếu bé ít ăn rau sẽ dẫn tới những nguy cơ gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Rau xanh với nhiều mắc sắc khác nhau là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, làm cho bữa ăn trở nên phong phú. Do đó, nếu chế độ ăn uống của trẻ thiếu thực phẩm rau xanh sẽ ảnh hưởng đến cơ địa của trẻ, dẫn đến tình trạng kém hấp thu thức ăn và giảm chức năng miễn dịch. 

Trẻ không ăn rau xanh sẽ dễ mắc các bệnh như: táo bón, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin và khoáng chất. Khi đó trẻ sẽ kém thông minh, có thể dẫn đến béo phì…


Cha mẹ nên tập cho bé ăn rau từ khi nào? Bắt đầu bằng những loại rau gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:


Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, cha mẹ nên bổ sung rau vào khẩu phần ăn dặm hàng ngày của trẻ bằng việc xay nhuyễn hay băm nhỏ các loại rau đa dạng nấu với bột/cháo để trẻ làm quen với mùi vị.

Ngoài ra, cần kết hợp các loại rau bằng cách trộn rau củ nhiều màu sắc để thu hút trẻ. Bạn cũng có thể cắt tỉa rau củ thành những hình thù ngộ nghĩnh, hoặc chơi trò chơi trồng rau trong vườn…

Khi trẻ lớn hơn, hãy cho bé tham gia lặt rau, rửa rau, tỉa rau… chế biến rau cho cả nhà.
Bắt đầu cho trẻ ăn những loại rau như: bồ ngót, mồng tơi, rau dền, các loại đậu, khoai lang, cà rốt, cà chua, bơ,…

Các thành viên trong gia đình ăn rau để làm gương cho trẻ và giúp cho trẻ hiểu rằng, ăn rau cũng cần thiết như ăn cơm, ăn thịt.


Theo BS, những nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc trẻ lười ăn rau là gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nguyên nhân chính cho việc trẻ lười ăn rau là do sự nhạy cảm của núm vị giác của trẻ. Núm vị giác là các đơn vị cảm thụ vị giác nằm trên các gai lưỡi, giúp chúng ta biết các vị như: chua, cay, mặn, ngọt, đắng,…

Một người trung bình có khoảng 10.000 núm vị giác. Các núm vị giác này được sinh ra rồi tiêu đi và được thay thế bởi các núm mới. Càng lớn tuổi khả năng thay thế các núm vị giác mới của con người càng kém. Đó chính là lý do tại sao trẻ em lại nhạy cảm với mùi vị hơn người lớn. Ngoài ra, vị số núm vị giác của trẻ cao gấp 2-3 lần của người lớn nên vị giác của trẻ nhạy hơn người lớn.

 
Ở tuổi nào trẻ có thể làm quen với các loại rau gia vị?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các loại rau gia vị như hành, tỏi, lá nguyệt quế, ngò rí,... rất quen thuộc trong bữa ăn của chúng ta. Tuy nhiên, bữa ăn của trẻ thường không được cho thêm khi chế biến mà chỉ đơn thuần có thịt, cá, rau củ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì vậy, khi trẻ lớn, đa số trẻ tìm cách gạt bỏ rau gia vị ra khỏi món ăn của mình. Do đó, khi trẻ được 12 tháng nên tập cho trẻ làm quen với mùi vị rau gia vị để khi trẻ lớn sẽ quen dần và thích ăn.

Theo khuyến cáo của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình, trái cây không thể thay thế hoàn toàn cho rau xanh. Ảnh: Internet

Trẻ lười ăn rau, có nên bù lại bằng trái cây không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Rau và trái cây đều cung cấp lượng dưỡng chất cần thiết cho cơ thể đặc biệt là Vitamin C, khoáng  chất, chất xơ. Ngoài ra, chúng còn là nguồn kháng sinh thực vật giúp tăng đề kháng cho sức khỏe.

Mặc dù trái cây dù tốt cho sức khỏe nhưng cũng không thể thay thế rau được vì mỗi loại thực phẩm sẽ có công dụng nhất định. Rau xanh cung cấp vitamin, chất xơ và khoáng chất giúp đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể, đồng thời tăng lượng Protein thực vật vào cơ thể. Do đó, nên đảm bảo phần rau cũng như trái cây trong mỗi bữa ăn của gia đình.

 
Vì con lười ăn rau nên một số mẹ dùng cách đem các loại rau củ quả để ép lấy nước cho bé uống, đến bữa khỏi phải nài nỉ con ăn rau. Theo BS như vậy có nên không? Vì sao ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Có thể lúc đầu ép nước rau củ cho trẻ uống để quen dần mùi vị của rau, nhưng sau đó chúng ta không nên làm như vậy. Bởi bã rau có rất nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ. Nếu không ăn rau trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và hay bị táo bón.


Theo BS những sai lầm nào có thể dẫn đến tình trạng bé ghét ăn rau, lười ăn rau?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Những sai lầm khi cha mẹ làm cho trẻ ghét ăn rau:

- Cha mẹ chiều trẻ quá mức nên hay để trẻ ăn ngậm, ăn lâu, không thích nhai mà chỉ thích ăn dạng lỏng dẫn đến trẻ biếng ăn...
 
- Cho trẻ ăn không đúng lúc, lúc nào cũng ép ăn khi trẻ không đói. Bên cạnh đó còn ép ăn những loại rau mà trẻ không thích lâu dần làm bé ghét ăn rau.

- Cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi hay điện thoại làm mất tập trung gây nên táo bón.
 
- Không khí căng thẳng trong bàn ăn làm trẻ sợ hãi, không thích ăn.

- Trẻ bị nhiễm bệnh khác như viêm hô hấp, hay viêm nhiễm khác, làm trẻ nhai khó nên lười ăn rau.

- Do yếu tố sinh học và môi trường.

- Ép trẻ ăn quá nhiều, quá no lâu dần trẻ rất sợ các bữa ăn.

BS Ngọc Bình giúp các bậc phụ huynh giải tỏa nỗi lo lắng khi con lười ăn rau xanh
Theo BS, có những “mẹo” nào để bé thích ăn rau hơn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để trẻ thích ăn rau, mẹ có thể tham khảo các bí quyết sau đây:

- Không nên ép trẻ ăn theo ý mình. Khi trẻ không ăn ba mẹ không nên đánh, hù dọa mà cho ăn rau kèm theo món trẻ thích.

- Luôn thay đổi các loại rau trong khẩu phần ăn cho trẻ.

- Tạo thực đơn đa dạng, phong phú, khuyến khích con ăn thức ăn có trên bàn.

- Luôn cho trẻ ăn đúng giờ và ngồi chung bàn với gia đình, tạo không khí ấm áp người lớn làm gương ăn rau trước để trẻ bắt chước ăn theo.

- Làm nước chấm ngon để chấm cùng rau, trình bày đĩa rau đẹp và hấp dẫn, gọt tỉa, trang trí rau củ thành những hình đẹp mà bé thích. Như vậy, các loại rau củ sẽ kích thích trí tò mò, trẻ thích khám phá sẽ giúp muốn ăn ngay.

- Làm sinh tố từ rau củ vị thơm ngon từ hoa quả cũng sẽ giúp trẻ dễ thích thú hơn là ăn rau.

 
Nhờ BS hướng dẫn cách chế biến món rau để trẻ thấy hấp dẫn hơn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Nên mua rau tại các cửa hàng uy tín, mua lượng rau nấu vừa đủ ăn trong ngày, không tích trữ rau, củ, quả quá lâu trong tủ lạnh vì sẽ có khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Thời gian tốt nhất để sử dụng rau xanh là trong vòng 24 - 48 giờ sau khi mua về.

- Rửa rau xanh thật kĩ nên ngâm rau trong nước 20 - 30 phút cho hết hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, rồi rửa lại bằng nước sạch 2 - 3 lần, kết thúc ngâm trong hỗn hợp nước muối nhạt từ 10 - 15 phút để rau được khử trùng hoàn toàn.
 
- Nên cho trẻ ăn loại rau có lá xanh vì có chứa nhiều loại vitamin hơn trong củ quả. Vì vậy nên chế biến các món từ rau lá xanh thật phong phú, hấp dẫn, kết hợp màu sắc ngon mắt thì chắc chắn trẻ sẽ thích ăn.
 
- Chế biến rau xanh cho bé đúng cách: Tuy lượng vitamin trong rau xanh rất dồi dào nhưng chúng cũng dễ bị mất đi, nhiều lúc còn biến đổi thành chất có hại nếu sơ chế và nấu rau không đúng cách.
 
- Ví dụ một số món rau cho trẻ:
 
1. Cải ngồng xào tỏi:

Cải ngồng là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng cho trẻ. Ảnh: Internet
Cải ngồng rửa sạch sẽ, trụng sơ với nước sôi khoảng 2 phút. Vớt ra cho vào nước đá rồi vớt ra để ráo nước.

Đập tỏi dập, sau đó cho dầu vào chảo, phi thơm tỏi hơi vàng. Sau đó cho rau vào xào với lửa lớn, thêm chút muối, dầu mè đảo đều. Khi rau vừa chín tới, tắt bếp.

2. Salad thịt bò:

- Rau xà lách, cà chua nhặt, rửa sạch, để ráo. Thái mỏng cà chua.

- Hành tím, tỏi bóc vỏ thái mỏng, bằm nhỏ.

- Thịt bò thái mỏng, ướp với hạt nêm, tỏi bằm, nước mắm, trộn đều để 15 phút cho ngấm gia vị.

- Đậu phộng rang, đập dập.

- Pha nước trộn gỏi: nước mắm, đường, nước cốt chanh theo tỉ lệ 1:2:1, khuấy đều cho tan đường. Cho ớt và tỏi bằm vào.

- Cho chảo lên bếp, phi thơm hành tỏi băm, sau đó vớt bớt 1 nửa ra chén, đổ thịt bò vào xào nhanh với lửa lớn. Thịt bò chín nhấc xuống.

- Lấy 1 tô lớn cho rau và nước trộn gỏi vào trộn đều, nếm vừa ăn sau đó cho thịt bò và hành tỏi phi vào.

- Cuối cùng cho ra đĩa, trang trí.

3. Chả rau củ:

- Hành tây, ớt chuông xanh, cà rốt xắt hạt lựu, cho vào chảo dầu xào chín.

- Khoai tây: luộc chín, lột vỏ, nghiền nhuyễn, trộn với ngò rí và hồn hợp rau củ đã xào chín. Thêm chút muối, tiêu trộn đều. Sau đó vo viên vừa ăn.

- Đánh tan lòng đỏ trứng.

- Bắc chảo đổ nhiều dầu, đun nóng, sau đó nhúng viên chả vào trứng rồi lăn qua bột chiên xù, thả vào chảo dầu, chiên vàng, vớt ra để lên giấy thấm dầu cho ráo.

- Làm sốt cà (Bắc chảo lên bếp, cho ít dầu, đun nóng rồi cho cà chua xắt hạt lựu, thêm ít muối, đường xào đến khi cà chua tan hết), cho ra chén ăn kèm với chả chiên.

4. Canh rau củ:

- Xương heo mua về rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn, ngâm 15 phút với ít muối và gừng. Sau đó vớt ra rổ cho ráo.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch tỉa hình bông hoa, các con thú cho đẹp mắt.

- Bông cải, ngò rí, hành lá và củ khoai tây rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.

- Hầm xương heo khoảng 45 phút, vớt bọt cho nước trong, cho cà rốt vào hầm. Sau khi cà rốt chín, xương heo mềm, cho khoai tây vào, nấu sôi rồi thả bông cải vào khoảng 10 phút, nêm gia vị vừa ăn. Tắt lửa cho ngò rí và hành lá vào.

Phương Thủy - Ảnh: Hoàng Long/ Anh Khoa
Cổng Thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi
.vn


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X