Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bé gái dậy thì sớm ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau này?

Trẻ dậy thì sớm sẽ gây ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe, cấu trúc xương… ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1.  Độ tuổi dậy thì bình thường ở nữ là bao nhiêu tuổi? Thế nào là dậy thì sớm, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Tuổi dậy thì bình thường ở trẻ em gái ở độ tuổi từ 8 và 12.

Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).

Các dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý, có  kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Còn nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu…


2. Nhờ BS cho biết các biểu hiện cho thấy bé gái dậy thì sớm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các biểu hiện cho thấy bé gái dậy thì sớm: ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt, tăng chiều cao và cân nặng.

Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm chúng ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành.

Cùng BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp những thắc mắc về dậy thì sớm ở bé gái

3. Theo BS, nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Dậy thì sớm được xác định là dậy thì khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái. Phần lớn bé gái dậy thì sớm thường chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Thường dậy thì sớm người ta chia làm hai loại là dậy thì sớm trung ương (trung tâm) và ngoại vi.:
- Dậy thì sớm trung ương: do hoạt động quá sớm của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục thường không rõ nguyên nhân. Ngoài ra do nguyên nhân tại não như  khối u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não, bức xạ lên não hay cột sống, suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormon), tăng sản thượng thận bẩm sinh...
- Dậy thì sớm ngoại vi: dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Nguyên nhân do chính bản thân các hocmon sinh dục tăng cao. Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến việc gia tăng sản xuất estrogen và testosteron gồm: khối u ở tuyến thượng thận hoặc trong tuyến yên tiết ra estrogen hoặc là testosterone, u nang buồng trứng, khối u buồng trứng, chế độ ăn nhiều chất béo,..


4. Tác hại của việc dậy thì sớm ở bé gái gồm những gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi dậy thì sớm thì cơ thể của bé gái thay đổi rất nhiều nên bị bạn bè trêu ghẹo bé thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy mình khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Điều này làm ảnh hưởng tâm lý khiến trẻ tự ti, dễ gây trầm cảm và để lại di chứng sau khi trưởng thành.

Khi trẻ dậy thì sớm là phát triển tăng nhanh theo tuổi xương, làm cho trẻ nhìn cao hơn so với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, trẻ dậy thì sớm sẽ làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành.

Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục trước tuổi trưởng thành. Trẻ còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn dể bị lợi dụng, khả năng tự khống chế kém nên không thể tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, khi quan hệ tình dục sớm nên dễ bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai ngoài ý muốn khi tuổi đời còn quá nhỏ dẫn đến nạo, phá thai, để lại những sang thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì làm cho việc học tập của trẻ sa sút như lơ là, bỏ bê việc học.

Chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.


5. Dậy thì sớm sẽ khiến bé bị thấp, lùn. Nếu cha mẹ nhận thấy con gái bị dậy thì sớm thì có cách nào trì hoãn hay kéo dài thời gian dậy thì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu cha mẹ nhận thấy con gái bị dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nên sớm đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Mẹ nên cùng con bước qua giai đoạn này, hãy tâm sự cùng con, hướng dẫn và giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi của cơ thể đang diễn ra là hoàn toàn bình thường để trẻ khỏi lo lắng, bỡ ngỡ.

Việc trì hoãn dậy thì sớm cho trẻ thường căn cứ vào nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ như: nếu do khối u thì cần phẫu thuật cắt bỏ khối u,… Một số biện pháp hỗ trợ trì hoãn dậy thì sớm có thể áp dụng với bé gái như: Tập luyện thể dục thường xuyên để giảm lượng mỡ thừa, chế độ ăn hợp lý với hàm lượng calo lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với các hoóc môn giới tính như estrogen, có trong chai nhựa, hộp nhựa, thuốc trừ sâu,...Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu quercitin như quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh... để giảm ảnh hưởng của estrogen ngoại lai.

 Việc trì hoãn dậy thì sớm tạo cho xương cơ hội phát triển theo tốc độ riêng trong giai đoạn dài hơn, các khớp không bị ngừng quá sớm và trẻ có cơ hội đạt chiều cao lý tưởng hơn khi trưởng thành. Điều này cũng giúp tâm trí, cảm xúc và các kỹ năng xã hội của trẻ có cơ hộp đuổi kịp sự phát triển thể chất. Nếu dậy thì xảy ra đúng thời điểm, các hệ cơ quan sẽ  sẵn sàng để có thể phối hợp nhịp nhàng.


6. Có cách nào giúp bé gái dậy thì sớm tiếp tục phát triển chiều cao như bình thường không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Chế độ tập luyện thường xuyên nghiêm túc hàng ngày là phương thức an toàn và hiệu quả nhất trong làm giảm tốc độ dậy thì sớm ở các bé gái.

Ngoài tập luyện đều đặn, các bé gái không nên để thừa cân, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng với hàm lượng calo lành mạnh, hợp lý.

Hạn chế ảnh hưởng của estrogen ngoại lai lên cơ thể sẽ giảm tốc độ dậy thì.

Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm có chứa estrogen có trong thịt, sữa (nếu người chăn nuôi sử dụng hoóc môn kích thích tăng trưởng), thuốc trừ sâu. Vì  estrogen có liên quan chặt chẽ tới các vật dụng làm từ chất dẻo (chai đựng nước, đồ đựng thức ăn, đồ chơi)… Mỗi lần uống một ngụm nước từ chiếc chai nhựa, ăn thức ăn được hâm nóng trong hộp nhựa, trẻ lại đưa vào cơ thể những hóa chất độc hại kích thích tổng hợp estrogen.

Nên bổ sung những thực phẩm sau:

- Thực phẩm giàu canxi có trong thịt, trứng, tôm, cua, cá... Canxi chiếm 99% trong cấu trúc xương và răng. Thiếu hụt canxi sẽ hạn chế chiều cao cơ thể.

- Uống nhiều sữa: Sữa chứa một hàm lượng canxi là điều cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì xương khỏe mạnh, do đó thúc đẩy chiều cao.

- Bổ sung vitamin: Vitamin A trong cải bó xôi, cải bắp, khoai lang, bông cải xanh, bí đỏ, cà rốt... giúp xương và mô phát triển. Vitamin D giúp xương chắc khỏe.

- Bổ sung kẽm từ các thực phẩm như thịt bò, thịt gà, sữa, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Kẽm giúp duy trì năng lượng và phát triển các mô.
  

7. Theo BS, khi nào thì cha mẹ nên đưa con gái đi khám dậy thì sớm? Và khám ở chuyên khoa nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu nhận thấy con trẻ khoảng 8 tuổi mà có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, cha mẹ nên cân nhắc đưa trẻ đến BV gặp bác sĩ nội tiết nhi khoa để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Mẹ hãy bình tĩnh, cùng con vượt qua giai đoạn này, giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi đang diễn ra là hoàn toàn bình thường.

Phụ huynh nên quan tâm, chia sẻ và giải thích khi trẻ dậy thì sớm. Ảnh minh họa


8. Các BS có cách nào can thiệp giúp giảm thiểu các điều bất lợi cho bé gái dậy thì sớm hay không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, lượng protein hấp thụ vào cơ thể không được vượt quá tiêu chuẩn, trong bữa ăn cần phải có thịt rau kết hợp, tuyệt đối không dùng dinh dưỡng dư thừa .

Không nên ăn nhiều thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ vì ăn nhiều thức ăn nhanh này thì khả năng dậy thì sớm là cao hơn gấp 2,5 lần so với những đứa trẻ bình thường.

Không nên cho trẻ dùng các loại thuốc bổ như sữa ong chúa, mật ong hoặc là các thực phẩm chức năng tăng cường trí tuệ, dinh dưỡng. Khi sử dụng phải tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong giai đoạn đang cho con bú các bà mẹ không nên dùng các sản phẩm chăm sóc ngực bôi lên vú hay uống các nội tiết tố để tránh cho trẻ bú vào bên trong cơ thể.

Nên hạn chế cho bé ăn những rau quả nghịch mùa , biến đổi gen và các thực phẩm có chất phụ gia.

Không nên để cho trẻ nhìn thấy lúc cha mẹ thân mật và cấm không cho trẻ xem sách báo, phim ảnh có liên quan đến giới tính.


9. Xin BS cho biết các giải pháp phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Dậy thì sớm ở bé gái có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý bên trong cơ thể, nhưng cũng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp để pháp phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái thì:

- Cha mẹ nên cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý và phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Thực phẩm chọn mua nơi uy tín, phải an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng .

- Cho trẻ tập luyện thể dục thường xuyên mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu.. không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.

- Cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hocmon sinh dục như estrogen và testosterol.

- Nên sớm đưa trẻ đến khám BS khi nghi ngờ trẻ dậy thì sớm.


10. Khi có con gái dậy thì sớm, cha mẹ nên quan tâm đến tâm lý của con như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi thấy con dậy thì sớm, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là nên chia sẻ, giải thích cho con hiểu và tâm sự với con như một người bạn, giúp con vượt qua sự khủng hoảng tâm lý nhất là bé gái. Khi bé gái dậy thì sớm, cần chuẩn bị tâm lý và giải thích cho bé hiểu, tránh để bé tự ti, sống thu mình lại, ngại giao tiếp vì thấy sự phát triển của mình khác hẳn với các bạn khác.

Trẻ dậy thì sớm nên chưa nhận thức được rõ vấn đề giới tính, vì vậy cha mẹ cần chú ý và hướng dẫn con vệ sinh hàng ngày, vệ sinh kinh nguyệt đúng cách, tránh tình trạng viêm nhiễm âm đạo ,cần theo dõi kinh nguyệt của con chặt chẽ, nếu bé gái bị ra huyết nhiều, cần đưa bé đến bệnh viện để BS khám và điều trị vì tình trạng này sẽ làm trẻ mệt mỏi, thiếu máu. Trong giai đoạn này, trẻ phát triển về sinh lý nhưng về tâm lý chưa thực sự phát triển đầy đủ, vì thế các bà mẹ cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị xâm hại tình dục.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X