Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bé bị táo bón, làm sao để giúp nhuận tràng?

Ngày 3/4, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sẽ giải đáp những thắc mắc về vấn đề giúp bé nhuận tràng khi con bị táo bón: cách điều trị táo bón tại nhà cho trẻ; chế độ ăn uống giúp bé nhuận tràng...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa của Alobacsi. Ảnh: Hoàng Long
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa của Alobacsi. Ảnh: Hoàng Long

Táo bón là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, để giúp trẻ luôn khỏe mạnh, phụ huynh cần xây dựng cho con chế độ dinh dưỡng hợp lý, thói quen sinh hoạt tích cực, khoa học.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Táo bón là một hội chứng không phân biệt giới tính hay bất kỳ tuổi tác nào. Tuy nhiên nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn hẳn đó là trẻ nhỏ, phụ nữ và người cao tuổi. Vì sao trẻ nằm trong nhóm đối tượng dễ bị táo bón ạ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trẻ dễ bị táo bón là do hệ tiêu hoá của trẻ còn non nớt chưa hoàn thiện nên khả năng co bóp của ruột kém.

Táo bón ở trẻ em 90-95% là táo bón chức năng thường do chế đội ăn uống, sinh hoạt, vận động hay tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh của trẻ như:

- Đối với trẻ sơ sinh - 06 tháng tuổi do ruột không hấp thu hết lượng đạm có trong sữa.

- Đối với trẻ trong độ tuổi ăn dặm, do thiếu chất xơ, thiếu nước, thiếu khoáng chất và đặc biệt là nhiều loại đạm ruột hấp thu không hết.

- Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi đi học thì do trẻ ít vận động, nhịn đi ngoài thường xuyên do mải chơi hay do nhà vệ sinh dơ làm trẻ bị ám ảnh sợ đi ngoài.


Táo bón có thể là dấu hiệu của những bệnh gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Táo bón ở trẻ em là dấu hiệu của một số bệnh như: trẻ biếng ăn và chậm lớn, bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng ruột, dị dạng ruột, viêm nhiểm hậu môn, hẹp hậu môn, hẹp kết tràng, suy tuyến giáp bẩm sinh, viêm cột sống và u tủy sống,…

Trẻ em là đối tượng dễ bị táo bón. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Trẻ em là đối tượng dễ bị táo bón. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tình trạng đi cầu của trẻ như thế nào gọi là táo bón? Và khi nào là táo bón bệnh lý? Táo bón ở mức độ nào thì cần phải đưa bé đi bác sĩ ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

- Táo bón thường gặp ở trẻ em là tình trạng đi ngoài không thường xuyên (dưới 3 lần/ tuần), bé rặn đỏ mặt hoặc đi ngoài đau, khó khăn, khó chịu, phân cứng và to có thể làm chảy máu hậu môn, phân dê...

- Táo bón bệnh lý: Thường xuất hiện từ lúc mới sinh trẻ đi ngoài phân su hơn 48 giờ sau sinh, phân nhỏ và dài như ngòi bút chì, phân có máu mà không có bệnh lý về hậu môn, suy dinh dưỡng, tuyến giáp bất thường, rối loạn chức năng ruột, dò hậu môn, hậu môn dị dạng...

- Cho trẻ đi khám bác sĩ nếu trẻ bị: táo bón kéo dài, sốt, nôn, trong phân có lẫn máu, đau bụng, trẻ sơ sinh bị chướng bụng không đi ngoài nhiều ngày, trẻ biếng ăn, trẻ sụt cân, trẻ suy dinh dưỡng, nứt hậu môn, dò hậu môn, đi ngoài như phân dê.

Bố mẹ nên lưu ý cho con đi bác sĩ ngay khi tình trạng táo bón kéo dài, sốt, phân có lẫn máu... Ảnh: Hoàng Long
Bố mẹ nên lưu ý cho con đi bác sĩ ngay khi tình trạng táo bón kéo dài, sốt, phân có lẫn máu... Ảnh: Hoàng Long

Theo bác sĩ, có những cách nào mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà để điều trị táo bón cho trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

- Nếu trẻ bú mẹ thì điều chỉnh chế độ ăn của mẹ; nếu trẻ uống sữa công thức thì điều chỉnh cách pha sữa, hàng ngày cho trẻ uống đầy đủ nước, tập cho trẻ đi ngoài đúng giờ.

- Nếu trẻ bắt đầu ăn dặm bột đặc: cho trẻ ăn thêm nhiều chất xơ (khoai lang, đậu,…), rau xanh, trái cây đã xay nhuyễn.

- Massage bụng cho trẻ: đây là phương pháp tốt hỗ trợ cho trẻ bị táo bón, đồng thời giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn. Bố mẹ nên đặt trẻ ở tư thế nằm, thoa một ít dầu ô liu hoặc dầu dừa lên bụng trẻ rồi bắt đầu massage từ rốn và sau đó massage ra ngoài theo vòng tròn xoáy trôn ốc chiều kim đồng hồ từ 3-5 phút rồi lặp lại vài lần trong ngày cho đến khi trẻ đi ngoài được.

- Động tác chạy xe đạp: cho trẻ nằm ngửa, mẹ ngồi ở dưới hai tay giữ hai chân của trẻ và di chuyển một cách nhẹ nhàng như đi xe đạp, khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày để kích thích nhu động ruột làm cho phân di chuyển.

- Tắm nước ấm cũng là một cách giúp cơ thể trẻ thư giãn, ngâm trẻ trong bồn nước ấm trong khoảng 15 phút. Sau đó, vừa massage bụng cho trẻ vừa lau khô cơ thể trẻ.

khi con bị táo bón, bố mẹ nên tăng cường cho con ăn chất xơ để dễ tiêu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Khi con bị táo bón, bố mẹ nên tăng cường cho con ăn chất xơ để dễ tiêu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chế độ ăn như thế nào sẽ giúp bé nhuận tràng ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là một trong những biện pháp giúp trẻ nhuận tràng:

- Nên cho trẻ ăn hoặc uống trái cây, không nên sử dụng nước ép bởi hầu hết hàm lượng dưỡng chất tồn tại trên phần thịt của rau củ quả…

- Không nên nấu rau quá kỹ, nấu chín kỹ thức ăn sẽ khiến các vitamin và khoáng chất có trong rau mất đi. Khi nấu cháo hoặc bột cho trẻ, nên cho rau vào cuối cùng, để thêm 5 phút rồi tắt bếp nhằm giúp rau bảo toàn vitamin, khoáng chất và hàm lượng chất xơ, thường xuyên thay đổi khẩu vị cho trẻ.

- Bổ sung đủ nước cho trẻ theo liều lượng phù hợp với từng độ tuổi như:

+ Trẻ từ sơ sinh - 6 tháng tuổi: Sữa mẹ hoặc sữa công thức pha đúng công thức được hướng dẫn để đảm bảo đủ lượng nước cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này.

+ Trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi: khoảng 200 - 300ml/ngày, lúc này lượng nước trong sữa mẹ vẫn đủ, chỉ cần bổ sung thêm một lượng nhỏ. Sau mỗi lần ăn, cho bé uống thêm khoảng khoảng 15 - 30ml nước sôi để nguội.

+ Trẻ trên 1 tuổi: uống theo nhu cầu, tối thiểu 400ml. Có thể dựa vào cân nặng của trẻ để xác định lượng nước cần cho cơ thể trẻ. Cụ thể: 4.5kg cần 425ml nước; 5kg - 510ml; 6.3kg - 595ml, 7.2kg - 680ml; 8.1kg - 765ml; 8.5kg - 850ml; 9kg - 935ml; 10.9kg - 992ml; 11.8kg - 1020ml, 12.7kg - 1077ml; 13.6kg - 1105ml.

Ngoài ra, nên tập thói quen cho trẻ đi ngoài đều đặn và đúng giờ, trẻ lớn hơn tập rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh bản thân để tránh các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

BS Ngọc Bình cũng lưu ý với phụ huynh rằng: ổ sung đủ nước cho trẻ theo liều lượng phù hợp với từng độ tuổi. Ảnh: Hoàng Long
BS Ngọc Bình cũng lưu ý với phụ huynh rằng: bổ sung nước cho trẻ theo liều lượng phù hợp với độ tuổi. Ảnh: Hoàng Long

Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách thụt hậu môn cho trẻ tại nhà?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Bước 1: Đầu tiên để trẻ nằm nghiêng bên trái, đầu gối gập lại, thả lỏng hai tay hoặc gập người lại. Hạ thấp đầu và ngực của trẻ về phía trước sao cho cánh tay trái áp vào mặt trái ở tư thế thoải mái nhất.

Bước 2: Mở nắp tuýp thuốc đưa thuốc từ từ và nhẹ nhàng vào trực tràng qua đường hậu môn, bóp mạnh bầu của tuýp thuốc để tạo lực cho thuốc được đưa hết vào trực tràng bé.

Bước 3: Khi thuốc đã vào hết trong trực tràng trẻ, rồi rút tuýp thuốc nhẹ nhàng ra khỏi hậu môn và dùng tay xoa nhẹ hậu môn trẻ để thuốc không tràn ra ngoài.

Đặt cho trẻ nằm nguyên vị trí từ 2-5 phút sau là trẻ có nhu cầu đi ngoài.

Thụt hậu môn là phương án cuối cùng khi các phương pháp tối ưu khác không giúp tình trạng táo bón của bé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Thụt hậu môn là phương án cuối cùng khi các phương pháp tối ưu khác không điều trị được tình trạng táo bón của bé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thuốc trị táo bón có thể tự mua mà không cần toa không ạ? Nếu lạm dụng thuốc này sẽ có hậu quả gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 
Khi trẻ bị táo bón thì nên thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học là cần thiết, nếu táo bón không được cải thiện thì dùng thuốc trị táo bón cho trẻ, tuy nhiên, cần phải có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa điều trị, vì khi sử dụng thuốc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể còn non nớt của bé.

Nếu lạm dụng thuốc trị táo bón lâu ngày sẽ gây ra một số tác dụng phụ như: tiêu chảy, nôn, trướng bụng, co thắt cơ bụng, rối loạn chức năng ruột…


Trẻ bị táo bón kéo dài lâu ngày sẽ có hệ lụy gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nếu trẻ bị táo bón lâu ngày sẽ bị:

- Trẻ ăn không ngon miệng, biếng ăn, kém hấp thu chất dinh dưỡng, gây tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng, thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.

- Táo bón lâu ngày khiến trẻ dể mắc bệnh về đường tiêu hóa như: Nứt hậu môn, rối loạn tiêu hóa, sa trực tràng, phình đại tràng, có nguy cơ ung thư trực tràng.

- Táo bón sẽ gây nên phân ứ đọng lâu gây tích tụ độc tố trong cơ thể lâu ngày là nguyên nhân gây ung thư và các bệnh lý nguy hiểm khác.

- Táo bón khiến trẻ hay quấy khóc, đau bụng quằn quại, khó chịu, cáu gắt, tính khí thất thường hay nổi nóng.

- Ngoài ra, khi trẻ trong độ tuổi đi học, táo bón sẽ làm phân ứ đọng dễ bị són phân ra quần khiến trẻ xấu hổ, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý.

BS Ngọc Bình chia sẻ: sụt cân, suy dinh dưỡng, thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Ảnh: Hoàng Long
BS Ngọc Bình chia sẻ: trẻ bị táo bón không chỉ gây sụt cân, suy dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ. Ảnh: Hoàng Long

Những sai lầm của cha mẹ khi điều trị táo bón cho trẻ là gì, mong bác sĩ chia sẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

- Khi trẻ bị táo bón cha mẹ thường hay đi mua thuốc thụt tháo về sử dụng cho trẻ, nếu dùng lâu ngày thì tạo thành thói quen cho cơ thể, tức là khi nào bơm thụt tháo thì trẻ mới đi ngoài được, như vậy khiến trẻ mất dần khả năng tự đi ngoài mà phụ thuộc vào thuốc bơm thụt tháo. Ngoài ra, còn làm rách hậu môn, viêm nhiễm hậu môn của trẻ.

- Khi trẻ bị táo bón cha mẹ lạm dụng thuốc nhuận tràng dễ gây rối loạn chức năng ruột.

- Cha mẹ lạm dụng men vi sinh khiến đường ruột trẻ mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, điều này khiến trẻ dễ bị tiêu chảy. Ngoài ra, khi lạm dụng men tiêu hóa sẽ làm mất sự điều tiết enzym tự nhiên trong cơ thể, khiến cơ thể lệ thuộc vào men được cung cấp, vì vậy không giúp cải thiện bệnh mà còn khiến tình trạng táo bón trầm trọng hơn.


Nhờ bác sĩ đưa ra những hướng dẫn giúp cha mẹ phòng ngừa táo bón cho trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

- Cách đề phòng táo bón tốt nhất là tập cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, đi ngoài mỗi ngày vào một giờ cố định.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón:

- Cho trẻ uống đủ lượng nước trong ngày theo lứa tuổi: uống nước sôi để nguội hay các loại nước trái cây giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua ruột.

- Bổ sung nhiều chất xơ: cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau xanh, khoai lang,…) có thể giúp ngăn ngừa táo bón.

- Nếu trẻ uống sữa công thức bị táo bón, mẹ nên pha sữa đúng theo công thức quy định.

- Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên thay đổi chế độ ăn.

Thay đổi chế độ sinh hoạt:

- Cho trẻ ra ngoài chơi đùa thay vì ngồi xem TV hay chơi điện thoại, tạo thói quen cho trẻ tập thể dục mỗi buổi sáng.

- Ngoài ra, có thể xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn để kích thích nhu động ruột.

- Nếu việc phòng táo bón ở trẻ em không hiệu quả thì cha mẹ nên đưa bé đi khám vì có thể táo bón là biểu hiện của một bệnh lý nào đó, khi phát hiện sớm sẽ được điều trị kịp thời.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề chăm sóc khi con trẻ bị táo bón. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Hoàng Long
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề chăm sóc khi con trẻ bị táo bón. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Hoàng Long

Chủ đề tiếp theo: Giải đáp thắc mắc quanh việc uống vitamin A

Vấn đề cách xổ giun cho trẻ sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp với quý bạn đọc vào sáng thứ sáu (05/04), từ 9h30 - 11h00.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Yến Thi - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X