Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Trẻ thừa cân, giảm cân thế nào?

Ngày 22/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn những thắc mắc về vấn đề thừa cân ở trẻ: Nguyên nhân trẻ thừa cân, béo phì? Những phương pháp khuyến khích trẻ tăng cường vận động?...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa thân thiết của nhiều bạn đọc có con nhỏ của Alobacsi. Ảnh: Hoàng Long

Trẻ bị thừa cân thường hay mặc cảm về dóc dáng của mình. Ngoài ra, cân nặng nhiều hơn bình thường cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của trẻ, là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật như thoái hóa khớp, đau thắt lưng do trọng lượng cơ thể tăng, sức nặng đè lên các khớp càng lớn. Trẻ khi lớn hơn 1 chút dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm, bệnh tim. Vì thế, điều chỉnh chế độ ăn uống là hết sức cần thiết, giúp cho trẻ phát triển thể lực tốt hơn, phòng tránh các bệnh mạn tính sau này.

Việc điều trị trẻ em thừa cân khác với người lớn, ngoài việc giảm cân còn phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các vi lượng như: canxi, sắt, kẽm... Tất cả những vấn đề này sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, hướng dẫn với các bậc phụ huynh, nhằm giúp thế hệ tương lai luôn khỏe mạnh.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1.  Xin chào BS,

BS có thể cung cấp bảng tính hoặc cách tính để phụ huynh theo dõi cân nặng của con em mình, thế nào là béo phì, thừa cân, thiếu cân không ạ? Khi nào thì bé mới áp dụng được cách tính BMI?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Ngày xưa, ông bà cha mẹ thường vui mừng khi con cháu mình mập mạp, tròn trĩnh nhưng ngày nay, trẻ thừa cân là nỗi lo lắng của các gia đình và cộng đồng. Chúng ta có thể theo dõi cân nặng của bé theo công thức sau:

Công thức tính cân nặng của bé bình thường :

X = từ 9kg - 9,5kg + 2(N-1)

Trong đó: A : là cân nặng trung bình lúc 1 tuổi khoảng 9kg - 9,5kg

2 : là số cân nặng tăng trung bình 1 năm

N là số tuổi.

Ví dụ: Nếu trẻ 3 tuổi, ta tính như sau X = 9,5kg + 2(3-1) = 13,5kg. Vậy cân nặng của trẻ 3 tuổi là 13,5kg.

Công thức tính chiều cao trẻ em:

Chiều cao mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Công thức tính chiều cao như sau:

X = 75 + 5(N-1)

Trong đó: N là số năm.

Ví dụ: Nếu con bạn 3 tuổi: X = 75 + 5(3-1) = 85 cm

Cách tính thừa cân của trẻ em:

- Cân nặng lý tưởng so với chiều cao (IBWH)

               cân nặng đo được (kg)
IBWH = -----------------------------
               chiều cao (m)

IBWH > 2SD : trẻ thừa cân , béo phì từ 1-5 tuổi

IBWH > 3SD : trẻ thừa cân , béo phì từ 6-19 tuổi .

IBWH < 1SD : trẻ thiếu cân , suy dinh dưỡng.

Theo WHO sử dụng chỉ số BMI tính từ : 10-19 tuổi:

- Chỉ số khối cơ thể (BMI)

            cân nặng (kg)
BMI = ---------------------
            (chiều cao)x2 (m).

-Thừa cân hay béo phì là tình trạng có nhiều chất béo trong cơ thể, do chế độ ăn dư thừa và ít vận động.

-Thiếu cân (suy dinh dưỡng) là người không đủ cân nặng hay không đủ sức khoẻ, người gầy gò do chế độ ăn thiếu dinh dưỡng.

Bên cạnh chuyện trẻ biếng ăn đã được BS Bình tư vấn hôm thứ tư 20/3 thì vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ cũng được nhiều phụ huynh quan tâm - Ảnh: Mỹ Thi

2. Trẻ thừa cân, béo phì do những nguyên nhân nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Nguyên nhân trẻ thừa cân có 2 dạng:

Dạng đơn thuần:
Do thay đổi cân bằng năng lượng, tăng lượng thu vào và giảm lượng tiêu hao làm tăng tích tụ mỡ trong cơ thể đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai.
Dạng tăng cân đơn thuần thường gặp ở những trẻ háu ăn, ít vận động và giảm chuyển hoá thân nhiệt.

Dạng bệnh lý:
Do các nguyên nhân: gen di truyền gia đình, suy giáp trạng, cường năng tuyến thượng, thiểu năng sinh dục, các bệnh về não, dinh dưỡng không hợp lý (khẩu phần năng lượng ăn vào vượt nhiều hơn nhu cầu năng lượng cơ thể cần, chế độ ăn giàu chất béo, giàu năng lượng) và trẻ ít vận động thể lực.

Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước có gas, thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tối nhất là trước khi đi ngủ cũng có nguy cơ thừa cân, béo phì.

3.Trẻ thừa cân, béo phì nếu không giảm cân thì có thể dẫn đến những hậu quả gì ạ? Có phải bé sẽ dễ dậy thì sớm, làm cho khó phát triển chiều cao?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như:

- Thoái hóa khớp, đau thắt lưng: Khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

- Hệ nội tiết, chuyển hóa: Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút.

- Rối loạn tiêu hóa: Dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ.

- Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: mặc cảm, tự ti về ngoại hình, nhút nhát, kém tự tin, không dám hòa đồng với bạn bè và mọi người xung quanh, thậm chí trầm cảm.

- Hệ tim mạch: Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

- Hệ hô hấp: Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ, đây là một biến chứng rất nguy hiểm.

- Mắc bệnh mãn tính khi đến tuổi trưởng thành: Trẻ thừa cân, béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...

Bé tăng cân, béo phì dễ dậy thì sớm sẽ hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ hoặc trẻ có thể không phát triển chiều cao khi lớn lên.

Là một trong những bác sĩ tham gia trực hotline AloBacsi, BS Ngọc Bình luôn sẵn sàng hỗ trợ các phụ huynh xử trí các vấn đề: trẻ ốm sốt, đau bụng, tiêu chảy, thiếu cân, thừa cân... - Ảnh: Mỹ Thi

4. Bên cạnh các biến chứng về thể chất, thừa cân, béo phì có ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Khi bé bắt đầu đi học, bé sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.


5. Theo BS, làm cách nào để giúp trẻ giảm cân? Trẻ thừa cân có nên ăn chay để giảm cân không ạ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Để giúp trẻ giảm cần, các mẹ cần lưu ý:

Chế độ ăn: Để hạn chế nguồn cung cấp năng lượng dư thừa của trẻ. Tuy nhiên, cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên hạn chế thực phẩm giàu năng lượng như thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đường, bánh kẹo ngọt, nước có gaz và cho trẻ ăn hạn chế tinh bột. Thức ăn dành cho trẻ cần đa dạng và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý.

Bổ sung sữa (không đường) vào bữa ăn học đường giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và phát triển chiều cao ở trẻ.

Tăng cường hoạt động thể lực (thể dục, thể thao, vận động thể chất) cho trẻ để làm giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, nên cho trẻ chơi môn thể thao phù hợp mà trẻ thích như nhảy dây, bơi lội, chạy bộ, trượt cầu trượt, đu quay và các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên, khu vui chơi giải trí.

Cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đúng giờ giấc.

Trẻ thừa cân không nên ăn chay để giảm cân mà nên ăn theo chế dộ dinh dưỡng dành cho trẻ bị béo phì.


6. Trường hợp nào trẻ béo phì được xem là bệnh lý và cần gặp BS dinh dưỡng? BS sẽ làm gì để giúp trẻ giảm cân?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Nếu bé đang bị dư cân nặng so với chiều cao hiện tại, để biết trẻ có phải béo phì bệnh lý hay không, cha mẹ nên đưa bé đi khám BS dinh dưỡng để được tư vấn, điều trị.

Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều chỉnh chế độ ăn, giúp trẻ không tăng cân tiếp hoặc tăng chậm nhưng vẫn đảm bảo phát triển chiều cao tốt so với tuổi:

- Giảm lượng tinh bột, giảm thức ăn béo, nhiều đường, nước ngọt, nước có gas...

- Tăng cường ăn có nhiều chất xơ, vitamin, chất khoáng và ít năng lượng như rau, củ ,trái cây ít ngọt (củ sắn, mận, dưa hấu, thanh long...), được chế biến dưới dạng hấp luộc, chọn thịt, cá nạc.

- Cho trẻ uống sữa, chọn sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì hoặc sữa không đường, tách béo giúp trẻ phát triển thể chất để hoàn thiện cơ thể.

- Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kỹ, không ép trẻ ăn quá nhiều, không cho trẻ ăn vặt, ăn sau 7 giờ tối

- Cho trẻ vận động nhiều, chạy nhảy ngoài trời, đặc biệt cho trẻ chơi những môn thể thao mà trẻ thích. Hạn chế để trẻ ngồi lì bên tivi hay chúi mũi vào smartphone.

7. Một số trang mạng giới thiệu thuốc giảm cân cho trẻ em. Theo BS trẻ nhỏ có được sử dụng thuốc giảm cân không? Thường thì thành phần những thuốc này là gì, có tác dụng gì?
Trả lời:


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Hiện nay, để giúp con giảm cân nhanh chóng mà không ít cha mẹ đã cho con uống thuốc giảm cân. Tuy nhiên, điều này không tốt vì trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển rất cần phải ăn uống tốt, cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để phát triển về thể chất (điển hình là chiều cao) và phát triển trí não (trí thông minh).

Khi trẻ uống thuốc giảm cân thì trẻ sẽ thấy chán ăn, không muốn ăn, các thành phần trong thuốc đánh lừa cảm giác no khiến trẻ không muốn ăn nhưng thực chất thì cơ thể trẻ lại đang rất cần năng lượng để hoạt động và phát triển.

Thuốc cũng sẽ ngăn cản các chất dinh dưỡng đi vào cơ thể trẻ, nhất là hấp thu chất béo, vì vậy trẻ sẽ bị sụt cân nhanh, thiếu chất dinh dưỡng nên không phát triển được, dẫn tới còi xương, suy dinh dưỡng, người còi cọc, trí thông minh kém, thiếu linh hoạt,….

Nhiều loại thuốc đang bán hiện nay thành phần chủ yếu là có chứa chất lợi tiểu, thuốc xổ nhằm mục đích khiến trẻ đi tiểu liên tục, đi tiểu cả ngày lẫn đêm cộng thêm bị tiêu chảy nên nhanh bị mất nước. Chúng ta biết rằng, cơ thể phần lớn là nước (60-70% cơ thể là nước) nên khi bị mất nước một cách đột ngột sẽ giảm cân nhanh. Như vậy, sự giảm cân ở đây thực chất là sự mất nước chứ không phải là giảm mỡ, các mẹ nên lưu ý điều này.

Ngoài ra, nếu trẻ uống nhầm thuốc giảm cân giả, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ như: thường xuyên bị đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, đầu óc căng thẳng, stress, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày, làm tăng nhịp tim, bệnh viêm dạ dày...

Do vậy, nếu trẻ bị thừa cân, béo phì thì cha mẹ không nên cho con dùng thuốc giảm cân, thay vào đó hãy giúp con giảm cân bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Theo BS Ngọc Bình, cha mẹ không nên cho con dùng thuốc giảm cân, thay vào đó hãy giúp con giảm cân bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học - Ảnh: Mỹ Thi

8.Với trẻ dưới 2 tuổi thì cách phòng ngừa thừa cân cho bé như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Đối với trẻ dưới 2 tuổi phòng ngừa thừa cân cho trẻ bằng cách:
- Bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng sau sinh.
- Không cho trẻ ăn nhiều quá, thể tích mỗi bữa phải phù hợp với tháng tuổi.
- Chọn loại cháo, bột có mức năng lượng thấp, không cho thêm các thực phẩm nhiều béo vào bột, cháo của trẻ như: bơ, phomat, sữa giàu béo .

9.Theo BS, việc trẻ nhỏ uống sữa có đường như lâu nay có cần thay đổi, chuyển qua sữa không đường không ạ? Hiện nay, những nước nào đang áp dụng việc cho trẻ em uống sữa không đường?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Trẻ không thừa cân béo phì thì không nhất thiết thay đổi sữa vì trẻ vẫn cần nhận đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi và phospho cho sự phát triển xương và răng, tăng trưởng chiều cao.

Tuy nhiên, trẻ từ 2 tuổi trở lên có dấu hiệu thừa cân hoặc béo phì thì mới nên cho trẻ uống sữa không béo và không đường để đề phòng trẻ béo phì nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ.

Nên cho trẻ uống đủ lượng sữa trước khi đi ngủ khoảng nửa tiếng để giúp trẻ dễ tiêu hóa và ngủ ngon hơn.

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, không nên cho trẻ uống sữa tươi không đường cũng như cho thêm đường vào sữa, đặc biệt là khi trẻ bị đói bụng vì lúc này hệ tiêu hóa của bé còn kém chưa thích ứng được, mẹ có thể cho trẻ uống sữa tươi có đường.

Hiện nay, nhiều nước đang áp dụng việc cho trẻ em uống sữa không đường, trong đó Nhật Bản.


10. Làm cách nào để khuyến khích trẻ tăng cường vận động? BS có mẹo gì hay không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Để giúp trẻ phát triển thói quen lành mạnh, chúng ta cần:
- Người lớn nên làm gương cho trẻ.
- Nói cho trẻ biết được ý nghĩa khi có sức khỏe tốt
- Cho trẻ hiểu được tầm quan trọng về các hoạt động thể thao, hoạt động tại trường học và những nơi sinh hoạt cộng đồng
- Trẻ em tập một giờ tập thể dục và không được ngồi quá 2 giờ trước màn hình máy vi tính, tivi và các thiết bị di động mỗi ngày.
- Cả gia đình nên có thói quen ăn uống hợp vệ sinh chọn các loại thực phẩm tốt cho cơ thể.
- Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc.

Các biện pháp giúp trẻ tăng cường vận động, đó là:
- Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao.
- Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động.
- Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao dễ dàng gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu, leo cầu thang, bơi lội...
- Tập cho trẻ lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc theo sức của trẻ
- Hạn chế ngồi xem tivi, chơi điện thoại, trò chơi điện tử...
- Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên cho trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ cách theo dõi cân nặng của con trẻ, giúp bé giảm cân thế nào là đúng cách. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo.

Chủ đề tiếp theo: Trẻ hăm tã, cha mẹ phải làm sao?

Vấn đề trẻ bị hăm tã sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp với quý bạn đọc vào chiều thứ hai (25/3), từ 15g-16g30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Ảnh: Mỹ Thi
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X