Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Tắm biển sao cho an toàn?

Những chuyến đi du lịch biển luôn mang đến cho bạn cảm giác háo hức, chỉ muốn chạy thật mau mau xuống bãi biển để vùng vẫy, tắm mát. Tuy nhiên, trong chương trình tư vấn chiều ngày 13/8, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình nhấn mạnh bạn đọc cần lưu ý một số điều sau để tắm biển thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe và an toàn tuyệt đối.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Để có chuyến du lịch biển an toàn, trước hết mọi người nên chuẩn bị thế nào về mặt sức khỏe ạ? Theo BS, nếu đang có những bệnh nào thì không nên tắm biển?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để có chuyến du lịch biển an toàn, trước hết mọi người nên chuẩn bị về mặt sức khỏe như lưu ý quan trọng khi tắm biển là đề phòng bị say nắng hoặc cảm lạnh. Ánh sáng mặt trời chỉ tốt cho cơ thể vào lúc trước 9g hoặc sau 15g, ngoài những giờ đó, ánh nắng rất gay gắt, gây tổn hại nhiều cho da và mắt. Vì thế, hãy bảo vệ da bằng kem chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành khi tắm biển và cả khi ngồi trên bờ.

Không nên để bụng quá đói hoặc quá no khi tắm biển. Nếu đói, cơ thể sẽ mất sức nhanh khi gặp những trường hợp bất khả kháng. Còn quá no sẽ khiến hai bên hông bị đau (vì sau khi ăn no, cơ thể cần nghỉ ngơi mà bơi lại là một hình thức vận động tiêu tốn nhiều năng lượng).

Trước khi xuống bơi nên để cơ thể vận động làm nóng các cơ bằng các động tác thể dục toàn thân. Đối với những người hay say sóng, nên uống thuốc chống say trước khi xuống biển 30 phút. Khi đang tắm, nếu thấy những biểu hiện ngứa ngáy, ớn lạnh, mệt mỏi khác thường, nhức đầu, đau gáy, chuột rút… thì nên vào bờ ngay.

Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế việc xuống tắm rồi lại lên nghỉ trên bờ nhiều lần, điều này có thể khiến cơ thể bị thay đổi thân nhiệt đột ngột, gây ra mệt mỏi, mất sức, nhất là với những người có thể trạng yếu.

Nên uống nước thường xuyên để cơ thể khỏi thiếu nước và tránh bị say nắng. Khi gặp những triệu chứng như da khô nóng, khô cổ họng, buồn nôn, khó thở... thì cần đưa vào chỗ râm, làm mát bằng cách chườm vải hoặc khăn thấm nước rồi liên hệ với nhân viên cứu hộ để được hỗ trợ.

Nếu có trẻ nhỏ đi cùng cần lưu ý thêm, khăn và dù luôn cần thiết để mang theo khi ra biển. Cha mẹ không nên để trẻ phơi nắng quá lâu và tắm liền 2 tiếng trên biển. Khi tắm xong lên bờ dội nước ngọt lại cho trẻ, sau đó cần phải lau người, thay đồ khô luôn cho trẻ, không nên để trẻ mặc đồ ướt chạy chơi trên cát bởi ở biển gió to rất dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh.

Du khách thường có thói quen sau khi tắm biển thì phải ăn hải sản ngay, thế nhưng, nếu người có cơ địa dị ứng thì phải cẩn trọng. Mặt khác, cũng nên mang theo thuốc chống dị ứng để phòng ngừa.

Tắm biển rất tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng tắm được, những người mắc các bệnh như viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, các bệnh về tim mạch, viêm tai giữa, viêm thận, người có bệnh tăng động thần kinh dể kích thích, chuột rút,….thì không nên tắm biển.

 

2. Bên cạnh các sản phẩm phục vụ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, kem chống nắng… về thuốc men thì người đi du lịch biển nên mang theo những loại thuốc nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bên cạnh các sản phẩm phục vụ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, kem chống nắng… về thuốc men thì người đi du lịch biển nên mang theo những loại thuốc sơ cấp cứu để cứu nguy kịp thời như thuốc say xe, say sóng, ăn không tiêu, thuốc rối loạn tiêu hóa, thuốc tiêu chảy, thuốc chống dị ứng, thuốc cảm sốt, ho sổ mũi, thuốc vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cơ thể, thuốc nhỏ mắt - mũi, thuốc sát trùng, băng keo cá nhân, dầu gió, bông ngoái tai, băng gạc, bông gòn, thuốc bôi trị côn trùng cắn khi chuẩn bị đồ đi du lịch.

Bạn cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho chuyến đi du lịch - Ảnh minh họa

3. Theo BS, ngoài những vấn đề như cảnh quan, chỗ ở, món ăn, đặc sản… thì chúng ta cần nắm bắt những thông tin nào về địa điểm du lịch?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Ngoài những vấn đề như cảnh quan, chỗ ở, món ăn, đặc sản… thì chúng ta cần nắm bắt những thông tin về địa điểm du lịch như: khoảng cách từ nơi tắm đến bệnh viện và Bệnh Xá bao xa, đi khoảng bao lâu thì đến, số điện thoại cấp cứu của cơ sở y tế nơi đó, số điện thoại của đội cứu hộ nơi đó.

Ngoài ra, trước khi tắm biển không nên ăn uống quá no, cũng không nên uống say vì như thế rất dễ gây chuột rút. Không nên tắm biển khi chỉ có một mình, nhất là với những người không giỏi bơi lội. Không nên tắm ở các bãi biển vắng vẻ, chỉ nên tắm ở những nơi có sự hiện diện của đội cứu hộ bờ biển. Nếu cảm thấy có dấu hiệu đuối nước hoặc chuột rút thì nên cố gắng ra hiệu để nhận được sự trợ giúp của đội cứu hộ.

Khi ngâm mình trong nước biển, nếu cảm thấy bỏng rát trên cơ thể thì rất có thể đó là do sứa cắn. Lúc này thì các bạn cần lên bờ ngay lập tức. Tìm một ít giấm hoặc nước cốt chanh để xoa lên vùng bị rát, sau đó thì tắm lại bằng nước ngọt. Trong trường hợp nguy cấp nhưng không có giấm hay chanh thì bạn có thể rửa với nước biển rồi đắp một ít cát sạch lên. Cách này có thể phần nào hạn chế được nọc độc của sứa.

Nghe dự báo thời tiết cũng rất quan trọng khi tắm biển nhất là khi bị biển động hay có mưa dông, bão tố. Khi tắm biển lâu thì ta cũng nên chú ý uống thêm nước cho cơ thể nữa nhé.

 

4. Điều kiện thời tiết như thế nào thì chúng ta không nên tắm biển ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Không nên tắm biển vào những ngày biển động, sóng mạnh, khi thời tiết dông bão (nhìn thấy bọt trắng của sóng hoặc nhìn thấy cây sóng), nhiệt độ ngoài trời thấp (dưới 25oC).

Không nên tắm khi trời nắng nóng giữa trưa.

 

5. Nhờ BS hướng dẫn cách sơ cứu người đuối nước?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Cách sơ cứu người đuối nước:

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy.

Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi. Tiếp đến, người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu, có nguy cơ gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.

Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.

Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.

Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho họ, thay quần áo và ủ ấm, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.

Cách sơ cứu cho người bị đuối nước - Nguồn Internet

6. Trường hợp đi bơi bị chuột rút thì phải làm sao ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu chẳng may bị chuột rút khi đang ở dưới nước thì cần bình tĩnh để nhờ người cứu hoặc tự cứu. Hãy hô to để gọi người tới cứu, hít vào thật sâu, thả lỏng để cơ thể nổi lên.

Tuyệt đối không được giãy giụa, vì càng giãy giụa thì dễ bị chìm và nhanh mất sức. Giãy giụa kịch kiệt khiến phần cơ bị chuột rút thêm đau đớn, kết quả là càng hoảng loạn. Hãy bình tĩnh thả nổi, thỉnh thoảng có thể nhích nhẹ chân để cơ thể nổi cao hơn một chút.

Nếu không có người đến cứu kịp thời, hãy cố gắng kéo dãn cơ và xoa bóp, hoặc vận động nhẹ vùng cơ bị chuột rút. Sau khi đỡ chuột rút thì bơi trở lại bờ.

Chuột rút là tình trạng cơ bị co thắt đột ngột, gây đau dữ dội, khó cử động. Chuột rút khi bơi thường xảy ra, có thể làm giảm khả năng bơi, nguy hiểm hơn có thể khiến người ta chết đuối. Trên thực tế có nhiều người bơi rất giỏi, nhưng bị tử chết đuối do chuột rút.

 

7. Nếu bị dị ứng với hải sản, người bệnh sẽ có biểu hiện ra sao, và cần xử trí như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Tất cả mọi loại hải sản đều có thể bị dị ứng, tuy nhiên, không phải ai cũng bị dị ứng đối với hải sản. Đối với những người có cơ địa không tiếp nhận với loại thực phẩm này mới dễ xảy ra tình trạng dị ứng. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau như:

- Người bệnh thường bị nổi mề đay từng vùng hoặc bị nổi khắp người. Cơ thể ngứa ngáy, người nôn nao rất khó chịu.

- Bên cạnh tình trạng nổi ban và ngứa ngáy, người bệnh còn bị phù nề mặt, môi, lưỡi, cổ họng và các bộ phận khác trong cơ thể, nôn, thở khò khè hay khó thở, đau quặn bụng. Xuất hiện hiện tượng nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu.

- Một số trường hợp dị ứng hải sản có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng, khi gặp hiện tượng này cần phải đến ngay những cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Khi gặp những biểu hiện sau có thể bạn đã bị sốc phản vệ: Cổ họng bị sưng hay nghẹn trong cổ họng, sốc với huyết áp sụt giảm nghiêm trọng, mạch đập nhanh, chóng mặt, choáng hoặc bất tỉnh.

Do đó khi bị dị ứng hải sản bệnh nhân không nên chủ quan cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị đúng cách. Không nên tự điều trị bằng những phương pháp không có cơ sở có thể làm bệnh nặng hơn và biến chứng phức tạp.

 

8. Còn nếu bị ngộ độc thực phẩm thì dấu hiệu nhận biết và cách xử trí thế nào, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm như:

- Người vừa mới ăn xong và khởi phát bệnh ngay sau đó.

- Có từ hai người trở lên có biểu hiện triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh.

Các dấu hiệu gợi ý ngộ độc thực phẩm là đau bụng, quặn bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau đầu. Nặng hơn còn bị tiêu chảy ra máu, môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn.

Quan sát thực phẩm thấy có biểu hiện nghi ngờ như ôi thiu, có mùi lạ.

Để điều trị bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm thì:

- Phần lớn bệnh nhân khi bị ngộ độc thực phẩm có thể tự khỏi mà không phải điều trị sau vài ngày, nhưng một số ca bệnh nặng lại bị ngộ độc thực phẩm kéo dài hơn.

- Bệnh nhân cần tự gây nôn để nôn hết thức ăn bị nhiễm khuẩn đã được đưa vào cơ thể.
- Sau đó, bệnh nhân nên uống Oresol để bù điện giải.

- Đối với bệnh co giật, ngưng thở, ngưng tim, nên được sơ cứu hô hấp nhân tạo rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Không nên ăn hải sản khi vừa tắm biển - Ảnh minh họa

9. Nếu bị sứa cắn, cần xử lý như thế nào, bôi thuốc gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

+ Đối với trẻ con:

- Cha mẹ cần hết sức bình tĩnh, trấn an để trẻ bớt lo lắng, sợ hãi.

- Hạn chế vận động vùng bị thương.

- Nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Có thể dùng dấm,chanh , cồn hoặc soda để rửa.

- Dùng vật có cạnh như que kem, thìa, vỏ sò, dao, hoặc bìa cứng cạo hay chà xát nhẹ lên vết đốt để đẩy các tế bào phóng độc ra khỏi vết thương, có thể chườm đá để giảm đau.

- Trong trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt với các biểu hiện như ớn lạnh, lo sợ, hoảng hốt, xuất hiện các triệu chứng nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa trên da, phù mắt, phù môi, ngạt mũi, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí và cần theo dõi trẻ trong 8 giờ.

+ Với người lớn:

- Người sơ cứu cần đeo găng hoặc quấn khăn, túi nilon… lấy các xúc tu hoặc tay sứa còn bám trên người ra khỏi nạn nhân.

- Nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Pha dung dịch gồm 10 phần nước với một phần chanh, dấm, soda hoặc đường hay bột ngọt sau đó bôi vào vùng bị thương, dùng dao hoặc các vật có cạnh (thìa, que kem…) để cạo nhẹ nhàng quanh vùng bị đốt, tránh làm mạnh tay kẻo gây ra những tổn thương trên da.

- Vết thương do sứa đốt thường mẩn đỏ, có dạng thẳng hoặc xoắn, gây đau rát dữ dội. Khi gặp phải vết thương này, cần hạn chế cử động, tránh chạm vào vùng bị thương, chườm lạnh lên vết thương trong vòng 1 tiếng đầu sẽ giảm được đau. Tại chỗ bị cắn có thể dùng một loại histamin bôi hoặc kem hydrocortison nhằm làm giảm ngứa, giảm sưng. Khi nạn nhân bị sứa đốt nếu có triệu chứng trầm trọng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X