Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Lựa chọn thuốc tẩy giun cho bé

Ngày 1/4, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sẽ giải đáp những thắc mắc về vấn đề tẩy giun cho bé: Nhiễm giun nguy hại như thế nào đối với sức khỏe trẻ em? Trẻ nên tẩy giun từ khi mấy tuổi? Thuốc tẩy giun cho trẻ loại nào tốt?...

d

NỘI DUNG TƯ VẤN

Nhiễm giun nguy hại như thế nào đối với sức khỏe trẻ em? Dấu hiệu nào cho biết trẻ đang bị nhiễm giun ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Mối nguy hại khi trẻ nhiễm giun:

- Trẻ rất dể chán ăn, ăn rất ít do giun làm giảm hấp thu dinh dưỡng gây thiếu Vitamin trong cơ thể trẻ.

- Giun ký sinh sẽ hút hết các chất dinh dưỡng dẫn đến cơ thể trẻ thiếu máu, thiếu protein.

- Khi dinh dưỡng trẻ  kém, thiếu hụt do bị nhiễm giun trong thời gian dài khiến trẻ bị xanh xao, ốm yếu kém tăng trưởng về thể chất (sức khỏe yếu dễ nhiễm bệnh, thấp còi) và trí tuệ (học không tập trung, học hành sa sút).

- Trẻ nhiễm giun nếu không được điều trị sớm dễ dẫn đến một số bệnh lý khác như: Viêm ruột thừa, tắc ruột và thủng ruột, rối loạn tim mạch khi nhiễm nhiều giun đũa; Nhiễm giun kim trong thời gian dài ở bé gái dễ dẫn đến tình trạng viêm âm đạo, viêm vòi trứng, nhiễm trùng tiểu.

Những dấu hiệu dễ phát hiện trẻ bị nhiễm giun:

- Biểu hiện trẻ ngứa vùng hậu môn vào ban đêm.

- Khó chịu trẻ hay quấy khóc.

- Khó ngủ, thỉnh thoảng hay đái dầm.

- Trẻ chán ăn.

- Đau bụng, bụng nổi nhiều gân xanh và có thể rối loạn tiêu hóa. Đi ngoài phân lỏng đôi khi có lẫn máu và chất nhầy.

- Ở trẻ em gái, có thể mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.

- Trẻ xanh xao có dấu hiệu thiếu máu - Ho khan. 

- Sáng sớm trẻ mới ngủ dậy hay có những hạt li ti hay sợi dài từ 5-10mm màu trắng di chuyển ở đáy quần trẻ, gối ôm hay ra giường.

Ảnh: Viết Hưởng
Là một trong những bác sĩ trực hotline AloBacsi, BS Ngọc Bình luôn sẵn sàng hỗ trợ các phụ huynh xử trí các vấn đề về sức khỏe của bé. Ảnh: Viết Hưởng

Việc tẩy giun (xổ giun) định kỳ có thể giúp loại trừ những loại giun nào? Thuốc tẩy giun có xổ được sán luôn không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Tẩy (xổ) giun định kỳ: Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun một lần theo hướng dẫn của bác sĩ…

- Thuốc tẩy giun dùng cho trẻ thường phải hiệu quả, đảm bảo an toàn, ít tác dụng phụ nên chỉ loại trừ được giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc.

- Thuốc tẩy giun đa số không tẩy được sán.

Trẻ nhiễm giun nếu không được điều trị sớm dễ dẫn đến một số bệnh lý như: Viêm ruột thừa, tắc ruột và thủng ruột,... Ảnh minh họa - nguồn internet
Trẻ nhiễm giun nếu không được điều trị sớm dễ dẫn đến một số bệnh lý như: Viêm ruột thừa, tắc ruột và thủng ruột,... Ảnh minh họa - nguồn internet

Trẻ nên tẩy giun từ khi mấy tuổi? Khi có dấu hiệu gì nên tẩy giun cho trẻ, hay là cứ đến thời điểm định kỳ là uống thuốc tẩy giun?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, việc tẩy giun không phải bắt buộc trẻ mà tẩy giun chỉ định khi trẻ có các yếu tố nguy cơ hay có dấu hiệu nhiễm giun. Tuy nhiên, trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn nhưng phải được bác sĩ tư vấn và chọn loại thuốc thích hợp.

Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm giun như:

Trẻ ăn uống kém, hoặc ăn tốt nhưng không tăng cân, thường xuyên đau bụng. Trẻ có nhiều giun đũa thì thường đau khi đói. Trẻ có thể nôn trớ hoặc buồn nôn lúc buổi sáng ngủ dậy. Một số trẻ có thể bị đi  tiêu chảy. Khi trẻ bị nhiễm quá nhiều giun, có thể nôn hoặc đi ngoài ra giun.

Trẻ bị nhiễm giun còn có biểu hiện thiếu máu, da dẻ xanh xao, kém ngủ, đêm ngủ hay quấy khóc, ngủ hay nằm sấp, trẻ mất tập trung. Nếu bị nhiễm giun kim, trẻ sẽ ngứa hậu môn, hậu môn có thể bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo.

Khi đến thời điểm định kỳ là xổ giun cho trẻ, không nên đợi đến trẻ bị nhiễm giun mới điều trị vì phòng bệnh dễ hơn trị bệnh.

Theo BS Ngọc Bình, nên định kỳ xổ giun cho trẻ, không nên đợi đến trẻ bị nhiễm giun mới điều trị vì phòng bệnh dễ hơn trị bệnh. Ảnh: Viết Hưởng
Theo BS Ngọc Bình, nên định kỳ xổ giun cho trẻ, không nên đợi đến khi trẻ bị nhiễm giun mới điều trị vì phòng bệnh dễ hơn trị bệnh. Ảnh: Viết Hưởng


Tẩy giun cho trẻ em và người lớn có khác nhau không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Tẩy giun người lớn và trẻ em trên 2 tuổi giống nhau. Thông thường, các thuốc tẩy giun ít có tác dụng phụ, hiệu quả cao, an toàn, thường dùng là nhóm Albendazol hay Mebendazol, 6 tháng uống 1 lần.

Đối với thuốc Albendazol: Uống 1 liều duy nhất, 2 viên/ hộp/ 400mg.

Đối với thuốc Mebendazol: Uống 1 liều duy nhất, 1 viên/ hộp/ 500mg.


Thuốc tẩy giun cho trẻ em loại nào tốt? Thuốc tẩy giun có tác dụng phụ gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Thông thường thuốc tẩy giun dùng cho trẻ em hiệu quả cao là: Albendazol hay Mebendazol.

Thuốc tẩy giun có thể có tác dụng phụ như: nổi mề đai, ngứa, tiêu chảy, táo bón, chán ăn, đau quặn bụng, mệt,…


Thuốc tẩy giun có tương tác với các thuốc điều trị bệnh khác không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Khi uống thuốc tẩy giun thì không nên uống các loại thuốc trị bệnh khác vì dễ xảy ra hiện tượng tương tác thuốc làm mất hiệu quả của thuốc hoặc gây phản ứng phụ đối với cơ thể.


Nhờ BS hướng dẫn cách sử dụng thuốc tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi và trên 2 tuổi?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Bình thường người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên, nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần, nên tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình, trong cùng một ngày.

Trẻ dưới 2 tuổi có thể tẩy giun nhưng khi thật cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định theo tình trạng nhiễm giun và thể lực của trẻ.

Trẻ em từ 2 tuổi trở lên, nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần, nên tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình, trong cùng một ngày. Ảnh: Viết Hưởng
BS Ngọc Bình cho biết, trẻ em từ 2 tuổi trở lên nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần, nên tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình, trong cùng một ngày. Ảnh: Viết Hưởng

 
Thuốc tẩy giun nên uống vào lúc nào? Trước hay sau bữa ăn? Sau khi uống có cần theo dõi phân của trẻ hay không, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Thuốc tẩy giun hiện nay thì uống bất cứ lúc nào, trước hay sau bữa ăn đều được. Tuy nhiên, uống vào buổi tối trước khi ngủ là hiệu quả nhất.

Sau khi uống không cần theo dõi phân của trẻ.

Lưu ý khi uống thuốc tẩy giun:

- Trước khi uống thuốc tẩy giun, cần cho trẻ ăn nhẹ để tránh sau khi uống thuốc trẻ có cảm giác buồn nôn, chán ăn.

- Nếu sau khi uống thuốc, có các triệu chứng như: buồn nôn, ngứa, mất ngủ và sau khi tẩy giun trẻ còn mệt mỏi, da xanh xao thì cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám lại.


Trong ngày tẩy giun, việc ăn uống, sinh hoạt của trẻ có gì khác so với ngày thường không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trong ngày tẩy giun, việc ăn uống, sinh hoạt của trẻ cũng giống như ngày thường.

Ảnh: Viết Hưởng
Thuốc tẩy giun hiện nay có thể uống bất cứ lúc nào, trước hay sau bữa ăn đều được. Ảnh: Viết Hưởng
 
Không nên tẩy giun cho trẻ trong trường hợp nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Không nên xổ giun cho trẻ khi trẻ bị bệnh lý khác vì khi uống thuốc dễ bị tương tác thuốc.


Ngoài việc tẩy giun, cha mẹ cần lưu ý điều gì để tránh cho trẻ bị nhiễm giun?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Ngoài việc tẩy giun cha mẹ nên chủ động phòng ngừa nhiễm giun cho trẻ:

Đối với người chăm sóc trẻ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống cho trẻ: Cần thường xuyên vệ sinh tay chân cho trẻ trước và sau khi ăn; rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng; không cho trẻ nút tay, cắn móng tay, không dùng tay bẩn bốc thức ăn; không để trẻ đi chân đất, nghịch đất, cát.

Gia đình nên sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và nấu ăn, đun nước uống cho trẻ. Rửa tay sạch khi chế biến thức ăn, khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh. Thức ăn khi chế biến và nước uống phải được nấu chín kỹ (ăn chính, uống sôi). Nếu là trái cây, rau sống thì phải rửa thật sạch trước khi cho trẻ ăn; thức ăn cần đậy kín tránh ruồi, kiến, côn trùng khác đậu vào.

Thực phẩm nên mua chỗ cửa hàng có uy tín, an toàn vệ sinh, có thương hiệu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm phải tươi ngon an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không vứt rác thải bừa bãi gần khu vực sinh hoạt và chơi của trẻ.

Cần giữ vệ sinh nhà ở và không gian sinh hoạt của trẻ được thoáng mát sạch sẽ, thường xuyên thay ra giường, tránh nước đọng, đất cát hoặc những yếu tố lý tưởng cho giun sán dễ phát triển, đồ chơi trẻ được rửa sạch sẽ trước khi cho trẻ chơi.

Đối với trẻ đi học: không nên cho trẻ ăn các hàng quán không đảm bảo vệ sinh, dạy trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cho trẻ ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Không đi chân đất hoặc bò lê dưới đất. Dạy trẻ vứt rác đúng nơi quy định.

Tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi 6 tháng/lần, nên tẩy giun cho cả gia đình để tránh nhiễm chéo.

Thường xuyên tẩy giun cho vật nuôi ở nhà.

Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về việc lựa chọn thuốc tẩy giun cho bé, giúp phụ huynh có hướng chăm sóc đúng đắn cho bé yêu của mình.

Kính chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe! Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo.


Thực hiện: Mỹ Thi - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X