Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình hướng dẫn: Cho bú thế nào để trẻ không bị nôn trớ?

Trong buổi tư vấn sáng ngày 8/5/2019, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình cho biết nôn trớ là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lại là biểu hiện của bệnh lý. Vậy làm sao nhận biết nôn trớ bình thường và nôn trớ bệnh lý? Cho bé bú thế nào để tránh bị nôn trớ?... Mời các bậc phụ huynh cùng "điểm" lại kinh nghiệm của mình xem đã đúng với kiến thức y khoa chưa nhé!


NỘI DUNG TƯ VẤN

Nôn trớ là hiện tượng phổ biến của trẻ nhỏ. Khi trẻ vừa bú xong hay vặn người nên sữa trào ra vùng miệng một cách bất ngờ, nhanh chóng, không co thắt bụng. Đây là triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 1 - 3 tháng tuổi. Bé nôn ra sữa vón cục và thường khóc khi nôn xong. Nôn trớ thường không nguy hiểm và hầu như bé nào dưới 1 tuổi cũng có hiện tượng này.

Nhiều bà mẹ mới sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm nên thường lo lắng khi thấy trẻ hay bị nôn trớ. Xin hỏi BS, vì sao trẻ hay bị nôn trớ vậy ạ?

Tình trạng nôn trớ của trẻ trong những tuần đầu sau sinh là bởi do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện khiến các van dạ dày hoạt động chưa đồng bộ. Những nguyên nhân gây gây tình trạng này như: bé bú quá nhiều, mẹ cho trẻ bú không đúng tư thế hoặc bú bình chưa đúng cách, trẻ vừa bú no cho trẻ nằm ngay hoặc do cha mẹ quấn khăn, tã quá chặt, xốc mạnh trẻ sau khi bú.


Làm sao để phân biệt thế nào là nôn trớ bình thường, thế nào là nôn trớ bệnh lý để đưa trẻ đi BS ạ?


Nôn trớ bình thường là hiện tượng phổ biến trong những tuần đầu sau sinh của trẻ, khi bú xong hay vặn người miệng trẻ sẽ trào ra sữa đã vón cục và sẽ khóc la.

Hiện tượng nôn trớ ở tuổi này là bình thường vì dạ dày của trẻ còn nằm ngang và non nớt, cơ thắt tâm vị yếu nên rất dễ nôn trớ.

Mỗi đứa trẻ đều sẽ nôn trớ ít hay nhiều sau khi chào đời và thường không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ cũng như sự phát triển của trẻ.

Nôn trớ bất thường thường ít gặp ở trẻ. Nếu có thường là do trẻ có bất thường về hệ tiêu hóa, bệnh viêm nhiễm, hay tác dụng phụ khi trẻ uống thuốc... Trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý sẽ có kèm các triệu chứng như: đau - chướng bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục sau bú, nôn ra dịch màu vàng và màu xanh kèm theo sốt, tiêu chảy, phát ban, khó thở..., Tình trạng này có thể do các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não... gây ra.

Nếu trẻ nôn trớ kèm máu kéo dài nhiều ngày và lượng máu ngày càng nhiều thì có thể trẻ bị nhiễm khuẩn dạ dày hoặc các mô trong dạ dày.

Nếu trẻ có các biểu hiện trên kèm theo lơ mơ, co giật... thì cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám kịp thời.


Nhờ BS hướng dẫn tư thế cho bé bú để tránh bị nôn trớ đối với trẻ bú mẹ?


 Để trẻ không bị nôn trớ, mẹ nên cho con bú đúng tư thế:

- Cho con bú trực tiếp luôn là cách lý tưởng nhất vừa cung cấp dinh dưỡng cho em bé lại tăng tình mẫu tử mẹ con gắn kết. Các mẹ nên ngồi ở tư thế thư giãn thoải mái, sau đó bế bé bằng 2 tay sao cho mặt bé đối diện với vú mẹ, và đầu với thân phải thẳng hàng. Khi cho bé bú mẹ nên áp sát bé vào người, bụng bé sát bụng mẹ và cằm bé phải chạm vào vú mẹ. Miệng bé cần há to và ngậm hết cả vùng quầng vú, để sữa có thể ra dễ dàng hơn.

 - Nên cho bé bú hết một bầu sữa rồi mới chuyển qua bầu còn lại, việc này vừa giúp bé có thể bú được sữa cuối vừa kích thích giúp vú sản sinh ra lượng sữa mới.


Nhờ BS hướng dẫn tư thế cho bé bú để tránh bị nôn trớ đối với trẻ bú bình?


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để chăm sóc trẻ sơ sinh, và tư thế cho con bú đúng sẽ giúp bé hấp thu nguồn sữa mẹ tốt nhất, giảm các nguy cơ hóc sặc, đầy hơi…, nhưng cũng có lúc mẹ không thể cho con bú trực tiếp mà phải thông qua cách bú bình. Do đó, để tránh tình trạng bị nôn trớ khi uống sữa bình, khi mẹ pha nên để lượng sữa luôn ngập kín phần núm vú, giúp bé không nuốt phải khí thừa.

Cho bé bú bình an toàn và đúng cách phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của bé, lượng sữa chảy qua, cách cầm bình sữa.

Mẹ nên để tư thế giữ bình sữa nằm ngang thay vì nằm nghiêng hoặc theo chiều thẳng đứng vào miệng em bé. Khi đặt bình sữa nằm ngang sẽ giữ cho sữa chảy chậm và từ từ giúp em bé bú được thoải mái nhất mà không bị sặc. Tư thế bú bình chính xác nhất là bình sữa với em bé tạo thành góc 45 độ với một tay giữ đầu em bé, để bé ở tư thế nằm ngửa, người dốc xuống với đầu ở vị trí cao hơn thân mình, ở tư thế này sẽ giúp bé dễ dàng nuốt và thở, giúp bé bú sữa tốt hơn.


 Làm sao biết bé đã bú no để ngưng cho bú, tránh nôn trớ, thưa BS?

Từ khi bé yêu chào đời cho đến vài tháng sau đó, một câu hỏi luôn thường trực trong đầu mẹ và bố đó là liệu bé đã no chưa. Thật không dễ gì để tìm ra câu trả lời khi mà mọi biểu hiện của bé chỉ là ríu rít, cười và khóc. Tuy nhiên vẫn có những biểu hiện bên ngoài như cách bé bú, phân của bé, tốc độ phát triển của bé, tần số bé đòi ăn… có thể cho mẹ biết liệu bé đã no hay chưa.

- Bạn hãy nhìn vào tay con sau khi bé đã bú xong và đi ngủ, nếu bàn tay bé nắm chặt tức là bé vẫn chưa bú đủ, còn khi bàn tay bé thả lỏng thoải mái thì mẹ yên tâm bé đã bú đủ và no bụng.

- Bé ngủ đủ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày, tự động ngừng bú khi thấy đủ và thái độ khi bú hợp tác, không quấy nhiễu.

- Khi cho con bú, mẹ không có cảm giác đau đớn và thấy thoải mái.

- Ngực bạn thấy mềm và ít căng hơn sau khi cho con bú.

- Núm vú giữ nguyên dáng sau khi cho bé bú, không bị cong, vẹo hay trắng bệch. Tuy nhiên, nếu núm vú bạn phẳng hay thụt vào thì sau khi cho con bú chúng sẽ lộ ra.

- Phân của bé tròn nhỏ cỡ đồng xu, màu vàng và cứ sau 24 giờ bé lại đi ngoài ra hai cục phân như vậy.

- Bạn có thể thấy bé nuốt sữa trong khi đang bú và bé ngậm đầu ti đúng cách, không bị lệch.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình và BTV Minh Khuê giúp các mẹ bỉm sữa giải tỏa nỗi lo lắng trẻ bị nôn trớ khi bú

Liệu có loại sữa nào giúp giảm tình trạng nôn trớ cho bé không ạ?

Có rất nhiều loại sữa giúp giảm tình trạng nôn trớ cho trẻ nhưng mẹ chỉ cho con dùng khi thật sự cần thiết và có chỉ định của BS điều trị.

Ngoài ra, sữa giảm nôn trớ cho trẻ phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như DHA, Taurin, Lutein, kẽm, calci, ARA, chất xơ, men vi sinh,…


Qua nhiều năm tư vấn cho bạn đọc AloBacsi, BS thấy các bà mẹ thường gặp sai lầm gì khiến tình trạng nôn trớ của con không giảm?


Trẻ sơ sinh thường hay bị nôn trớ nhưng chủ yếu là nôn trớ sinh lý bình thường không đáng lo do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, dạ dày còn rất nhỏ và nằm ngang nên rất dễ bị nôn trớ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bị nôn trớ có thể là các mẹ mắc phải sai lầm khi chăm trẻ như:

- Mẹ ép trẻ bú quá nhiều khiến dạ dày bé nhỏ của trẻ sơ sinh không thể chứa hết lượng sữa.

- Mẹ cho trẻ bú mẹ hay bình không đúng đúng tư thế và không đúng cách nên trẻ sơ sinh bị nuốt quá nhiều không khí vào dạ dày gây nên tình trạnh đầy bụng và dễ nôn trớ.

- Sau khi cho trẻ bú xong mẹ cho trẻ nằm xuống ngay mà không vỗ lưng để trẻ ợ hơi mà khi bú đã nuốt vào.

- Mẹ có thói quen bó trẻ thật chặt trong khăn và sử dụng băng rốn hoặc tã lót quá chặt dễ khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ.


Trường hợp trẻ bị sặc chất nôn trớ, cha mẹ phải xử trí thế nào thưa BS?

- Nên để trẻ nằm nghiêng hoặc đỡ trẻ ngồi dậy, vì khi trẻ nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm. Lau sạch miệng cho trẻ, thay áo và quàng khăn vào cổ trẻ đề phòng nôn trớ tiếp.

- Bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát. Do đó, nên chờ khi bớt nôn trớ thì cho trẻ uống ít nước đun sôi để nguội, hoặc dung dịch oresol, nước ép trái cây. Hoặc mẹ có thể cho trẻ uống nước đường nhạt, vừa giúp trẻ bù nước lại giúp trẻ giảm mệt mỏi và nhanh lại sức.

- Nếu trẻ đã ngừng nôn trớ sau 6 giờ thì có thể ăn uống bình thường nhưng phải cho ăn ít hơn so với bình thường, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn, vẫn cho trẻ uống nhiều nước.

Lưu ý: Khi trẻ nôn trớ, mẹ nên xem con có bị sốt hay đi phân lỏng, tiêu chảy, ho, hay sổ mũi, phát ban... kèm theo không? Nếu có là bé nôn trớ do một bệnh lý nào đó, khiến cơ thể mệt mỏi và gây ra nôn trớ.

- Nếu sau khi nôn, trẻ vẫn chơi bình thường thì đó là do cách ăn uống chưa hợp lý ở trẻ, không do bệnh lý, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Lúc này mẹ cần phải điều chỉnh cách cho ăn. Nên nhớ khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề nên cần nghỉ ngơi, chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng nôn trớ và bé càng quấy khóc nhiều hơn.

- Không được tự ý mua cho con dùng loại thuốc chống nôn trớ nào khi chưa cho con đi khám và được bác sĩ kê đơn. Nhất là với các bé dưới 6 tháng tuổi sẽ rất nguy hiểm.

- Không nên cho trẻ mặc quần áo quá chật.

- Không để trẻ nằm hoặc vừa ngủ vừa bú.

- Dùng tay bóp bầu vú để điều chỉnh dòng sữa chậm lại.

- Nếu đã bị sặc sữa hoặc đang ho, khóc thì nên cho trẻ ngừng bú đợi một lúc nữa hãy cho trẻ bú sữa lại.

- Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút và vỗ nhẹ vào lưng bé để ợ ra khí đã nuốt lúc bú  rồi mới đặt trẻ nằm.

- Nếu trẻ bú bình thì nên pha sữa đúng công thức và nên cho bú bằng thìa hoặc uống bằng cốc. Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.

Theo BS Bình, trẻ sơ sinh thường hay bị nôn trớ nhưng chủ yếu là nôn trớ sinh lý bình thường không đáng lo do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, dạ dày còn rất nhỏ và nằm ngang nên rất dễ bị nôn trớ.

Nôn trớ có liên quan đến độ tuổi không, thưa BS? Có trường hợp nào trẻ bị trào ngược dạ dày từ sơ sinh cho đến vài tuổi vẫn chưa khỏi không ạ? Nếu có thì nguyên nhân do đâu mà tình trạng nôn trớ kéo dài như vậy?


- Nôn trớ có liên quan đến độ tuổi, nôn trớ thường xảy ra cho trẻ dưới 1 tuổi.

- Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng phổ biến, xảy ra ở cả trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn khỏe mạnh, không gây biến chứng, trẻ bị trớ sữa, ọc sữa nhưng vẫn bú, ăn uống tốt, tăng cân bình thường và không bị bứt rứt khó chịu vì cơn trào ngược;

- Khi trẻ sơ sinh lớn lên thì dạ dày và thực quản sẽ thay đổi, trào ngược dạ dày thực quản sẽ giảm, hơn 50% trẻ hết trào ngược sau 10 tháng tuổi, 80% sau 18 tháng và 98% sau 2 tuổi.

- Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh nếu kéo dài và không có biện pháp khắc phục, trẻ có thể đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng như gầy xanh, không tăng cân, viêm họng, mắc các bệnh đường hô hấp…

 -Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày là hiện tượng sinh lý thường gặp. Do trẻ sơ sinh thì phần cơ vòng thực quản dưới chưa hoàn thiện nên giãn ra thường xuyên trong khi dạ dày có kích thước rất nhỏ, trẻ thường bú sữa khi nằm nên khi bú quá no rất dễ xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày.

- Trào ngược dạ dày có thể xảy ra nhiều lần trong ngày, chủ yếu vào thời điểm sau khi trẻ bú mẹ và không gây ra triệu chứng nào khác. Hiện tượng này không phải là bệnh.

Vậy cần làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày?

- Theo thống kê, có khoảng 70 - 85% trẻ sơ sinh có hiện tượng nôn trớ trong 2 tháng đầu đời.

- Trường hợp trào ngược dạ dày thực quản không biến chứng, cha mẹ không cần can thiệp quá mức. Sau khi cho trẻ sơ sinh bú, mẹ nên vỗ lưng cho con ợ hơi rồi cho nằm với vị trí đầu cao hơn người trong khoảng 30 phút.

- Nếu trẻ nôn trớ nhiều, nên chia nhỏ cữ bú, cho trẻ bú nhiều lần để lượng sữa tiêu hóa mỗi lần ít hơn, không nên quấn tã quá chặt, không xốc mạnh bé sau cữ bú nhằm giảm tình trạng trào ngược dạ dày.

- Khi hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh sẽ trở thành bệnh khi trẻ chậm tăng cân, rối loạn giấc ngủ, viêm thực quản, nôn ra máu, viêm phổi tái đi tái lại; nhiều trường hợp gây nên tình trạng ngừng thở, đột tử ở trẻ sơ sinh thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để khám và chẩn đoán xác định để có hướng điều trị thích hợp.

Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi.  Hẹn gặp bác sĩ trong chương trình tư vấn với chủ đề "Viêm khớp thiếu niên, chữa trị thế nào?" vào lúc 9g30 - 11g thứ 6, ngày 10/5/2019.


Thực hiện: Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X