Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Bảo vệ sức khỏe cho bé khi vui chơi ở nơi công cộng

Việc thay đổi môi trường như đi ngoài trời nóng, đi đến chỗ đông người, ăn uống thất thường… sẽ làm cho trẻ dễ mệt và dễ bệnh hơn. Trong buổi tư vấn từ 15g - 16g30, ngày 8/4/2019, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sẽ hướng dẫn cho các ông bố bà mẹ bí quyết để phòng ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn và dạy trẻ những kĩ năng để thực hiện những điều ấy.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Trong những ngày này miền Nam nắng nóng kèm mưa trái mùa, miền Bắc thì nóng lạnh thất thường. Xin bác sĩ cho biết thời tiết này trẻ em dễ bị bệnh gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trong những ngày này miền Nam nắng nóng kèm mưa trái mùa, miền Bắc nóng lạnh thất thường. Thời tiết này trẻ bị bệnh:

- Rôm sảy

- Say nắng, cúm

- Tiêu chảy

- Ngộ độc thức ăn

- Viêm đường hô hấp

- Viêm màng não

- Nhiễm siêu vi,…


Khi cha mẹ chuẩn bị đưa con đến những nơi công cộng, cần chuẩn bị thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Khi cha mẹ chuẩn bị đưa con đến những nơi công cộng, cần chuẩn bị:

- Tiêm ngừa đầy đủ, nhất là vaccine cúm.

- Chọn địa điểm phù hợp cho trẻ vui chơi (chỗ rộng, thoáng mát, bằng phẳng, tránh gần ao hồ…)

- Mặc quần áo gọn nhẹ, rộng rãi, thoáng mát, dễ hút mồ hôi.

- Nón đội, kính mát.

- Cho trẻ chọn vài món đồ chơi hoặc đồ dùng trẻ yêu thích, ví dụ:  gấu bông để gối đầu, vài cuốn truyện tranh.

- Ưu tiên những đồ dùng cần thiết bảo vệ sức khỏe như: nước uống; bình sữa; xe đẩy; sữa, cháo, bột ăn dặm để trong bình giữ nhiệt.

- Cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm.

- Tập cho trẻ thói quen tự lập, nên để trẻ tự mang hành lý của chính mình.

Khi đi ô tô, việc chọn vị trí ngồi an toàn cũng là yếu tố quyết định giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ và mức độ bị chấn thương nếu không may xảy ra tai nạn. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Trên xe hơi, vị trí nào phù hợp với trẻ, vì sao ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trên xe hơi, ghế an toàn và phù hợp với trẻ nhất là ghế giữa, hàng phía sau; nên thắt dây an toàn cho trẻ (nếu trẻ lớn).


Khi đưa con đến những nơi công cộng như siêu thị, quán ăn, cha mẹ cần lưu ý những điều gì để bảo vệ sức khỏe cho bé, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Khi đưa con đến những nơi công cộng như siêu thị, quán ăn, cha mẹ cần lưu ý:

- Không nên cho trẻ ngồi nơi máy lạnh thổi ra hay gần của phòng lạnh (do nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến bé dễ mắc bệnh);

- Không cho trẻ đứng gần thang máy hay đi thang máy 1 mình;

- Nên cho trẻ ngồi vị trí phù hợp với chiều cao của trẻ, nơi thoáng mát;


Còn nếu đưa bé đến các địa điểm ở ngoài trời, đông người, cha mẹ cần lưu ý gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Việt Nam có thời tiết được phân biệt rất rõ rệt: lên lịch thời gian vui chơi ngoài trời theo mùa và điều chỉnh phù hợp với từng điều kiện thời tiết mỗi ngày.

- Nếu vào mùa đông bố mẹ có thể cho bé chơi ngoài vào buổi sáng muộn khi nắng lên, không còn sương mù và chiều sớm để đảm bảo điều kiện thời tiết tốt nhất cho bé vui chơi. Thời gian để bé vui chơi ngoài trời ít nhất là 60 phút/ ngày để bé có được cơ hội rèn luyện thể lực, sức đề kháng tốt hơn khi thường xuyên được làm quen với điều kiện môi trường biến đổi.

- Ngoài ra, trẻ nhỏ thường rất hiếu động, hay khám phá mọi thứ xung quanh, vì vậy cần cho trẻ uống nước đầy đủ theo nhu cầu của trẻ.

- Nếu trẻ lớn hơn thì có thể dùng kem chống nắng.

- Khi đi chơi nên cho trẻ mặc quần áo gọn nhẹ, tránh mặc quần áo vải dày, đầm xòe (đối với bé gái).

- Nhớ mang khẩu trang cho trẻ.

- Không nên cho trẻ đi một mình.

Rửa tay, tắm sạch sẽ rồi thay quần áo là một trong những biện pháp bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây bệnh sau khi đi chơi ở nhà banh. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Một số phụ huynh lo ngại trẻ chơi trong nhà banh thì những trái banh là vật trung gian khiến bé mắc bệnh lây nhiễm. Theo bác sĩ, làm thế nào để trẻ được vui chơi mà vẫn an toàn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nhà banh cho trẻ em có ở mọi nơi như khu vui chơi, lễ hội, siêu thị, bệnh viện, trường học... Mỗi ngày có rất nhiều trẻ đến chơi nên vi trùng cũng nhiều hơn vì nơi này ít được dọn sạch sẽ thường xuyên. Trẻ nhỏ dễ bị lây bệnh, nhất là những trẻ có hệ miễn dịch kém.

Để trẻ không bị lây bệnh sau khi đi chơi ở nhà banh, cha mẹ cần làm như sau:

- Rửa tay, tắm sạch sẽ rồi thay quần áo cho trẻ. Việc làm này sẽ hạn chế các vi khuẩn có hại ẩn náu và phát triển trên người trẻ.

- Lựa chọn những khu vui chơi sạch sẽ, thoáng mát cho trẻ.

- Sau khi đi chơi về mà trẻ có những vết thương hở thì nên sát trùng và bôi thuốc ngay.


Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết và sơ cứu khi trẻ bị say nắng?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cách nhận biết trẻ say nắng:

- Trẻ bị say nắng thường sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, mắt lờ đờ, mặt đỏ gay, cơ thể nóng ran, sốt cao trên 40 độ C, không ra mồ hôi, các mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh. Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhức đầu do nhịp tim đập nhanh, khó thở, động tác chậm chạp, thiếu chính xác…

- Trường hợp nặng, ngoài các triệu chứng trên, trẻ có thể bị chuột rút khiến cơ thể co cứng, cơ bắp đau nhưng sau đó mềm nhũn, đau bụng, nôn mửa, mê man, mất ý thức. Thậm chí, trẻ có thể co giật, động kinh, không hiểu những gì người khác đang nói hoặc ngừng thở... Đây là những trường hợp rất nặng, nếu không cấp cứu nhanh sẽ dễ tử vong.

Sơ cứu khi trẻ bị say nắng:

- Lập tức đưa trẻ vào nơi mát mẻ, thoáng khí. Mở cúc áo, cúc quần hoặc quần dài để hạ nhiệt. Giải tán những người xung quanh, đồng thời quạt nhẹ cho trẻ, không quạt thẳng vào mặt.

- Sử dụng khăn sạch thấm nước mát lau khắp cơ thể. Chườm khăn ở trán, ngực, nách, cánh tay, đùi để lỗ chân lông của trẻ thông thoáng, nhiệt lượng thoát ra ngoài.

- Trong trường hợp hôn mê, nhúng người vào nước lạnh có thể cứu sống trẻ. Khi đã đỡ các triệu chứng nguy hiểm, bù nước và các chất điện giải bằng cách cho trẻ uống nước pha muối (4-5g muối ăn trong một lít nước), nước ép trái cây hoặc dung dịch oresol cho đến khi hết khát.

Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, không nên cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì khi chưa tỉnh, đợi sau khi tỉnh hẳn mới cho ăn, uống để bổ sung lượng nước và muối bị mất đi. Cần cho trẻ uống từ từ, từng chút một để tránh tình trạng nôn, mỗi lần uống không quá 300ml.

Sau khi được sơ cứu kịp thời, những biện pháp kể trên vẫn cần tiếp tục thực hiện trong xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện, vì chúng rất hữu ích cho việc xử trí say nắng tiếp nối.

BS Bình xem kỹ câu hỏi để đưa ra câu trả lời chi tiết, dễ hiểu nhất cho bạn đọc

Thời điểm nào trong ngày phù hợp để trẻ em đi bơi, thưa bác sĩ? Trước khi bơi cần chuẩn bị những gì cho bé? Sau khi bơi nên làm gì? Khi nào thì trẻ không được đi bơi?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com


- Thời gian để trẻ em đi bơi là vào đầu buổi sáng và cuối chiều, nhưng bơi lý tưởng và có lợi cho sức khỏe nhất là 9-11g sáng, nước âm ấm và không khí trong lành.

- Nên chuẩn bị cho bé trước khi bơi: Bể bơi an toàn, có áo phao đầy đủ, kính bơi.

- Không nên cho trẻ chạy nhảy sát bờ hồ, không cho trẻ xuống hồ 1 mình.

- Sau khi bơi bố mẹ cần cho bé tắm gội lại sạch sẽ, vệ sinh và nhỏ nước muối sinh lý 0.9% vào mắt, mũi, tai…

- Trong trường hợp có bất cứ điều gì bất thường như viêm tai, đau mắt… cha mẹ nên tạm ngưng cho bé đến hồ bơi, thay vào đó cần đến bác sĩ để khám và điều trị khỏi bệnh, sau đó mới cho trẻ đi bơi tiếp.

- Khi đi ngoài trời nắng, trẻ không nên xuống hồ bơi tắm liền mà nên nghỉ ngơi và khởi động khoảng 20 phút trước khi xuống hồ.

Những trẻ không nên đi bơi gồm:

- Trẻ bị dị ứng da.

- Trẻ bị bệnh về đường hô hấp hay bệnh lý khác…


Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị đuối nước?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cách sơ cứu trẻ đuối nước:

- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

- Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh ở cổ, ở bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không. Sau đó vừa sơ cứu vừa đưa trẻ đi bệnh viện.

 
Bác sĩ có thể đưa ra hướng dẫn chung dành cho các phụ huynh để nâng cao sức đề kháng cho trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

4 cách giúp trẻ tăng sức đề kháng:

- Cho trẻ da tiếp da với mẹ

Phương pháp da tiếp da (ôm trẻ sơ sinh không mặc quần áo trên ngực hoặc trên bụng trần của người mẹ ngay sau sinh). Trong quá trình da tiếp da, bé có thể tiếp xúc với những lợi khuẩn từ mẹ, sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt hơn.

- Chơi đùa ngoài trời

Cho bé khám phá thế giới bên ngoài. Khi vui chơi ngoài trời, bé có thể tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn nhưng lại tạo điều kiện cho hệ miễn dịch được tập luyện và hoàn thiện hơn. Phụ huynh lưu ý rửa tay sạch sẽ cho con sau khi chơi, đi vệ sinh xong, trước bữa ăn.

- Dinh dưỡng:

+ Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng sau sinh.

+ Cho bé ăn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng như: vitamin A, C, canxi, kẽm. Vitamin A có trong rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng. Cam, quýt hay quả chín có nhiều vitamin C. Các loại hải sản như: trai, ốc, hến, ngao, sò… giàu kẽm và các chất chống oxy hóa. Việc đảm bảo một bữa ăn đầy đủ và đa dạng các loại dinh dưỡng trong ngày sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và ít mắc bệnh hơn.

- Bên cạnh chế độ ăn uống, chúng ta cũng nên tăng cường vận động cho bé, bởi việc này không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt hơn mà còn giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt. Đồng thời, nó cũng là cách giúp trẻ có một giấc ngủ ngon, sâu vào buổi tối. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời là nguồn vitamin D vô cùng cần thiết để cơ thể chuyển hóa canxi, tăng trưởng về thể lực và chiều cao. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên cho bé ra ngoài vào buổi sáng, khi ánh nắng chưa gay gắt và nên hạn chế ra ngoài vào tầm 10g sáng đến 16g chiều.


AloBacsi xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình không quản đường xa đến văn phòng để kịp thời tư vấn cho bạn đọc theo lịch hẹn 1 tuần 3 buổi. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình tư vấn lần sau!

Chủ đề tiếp theo: Bổ sung vitamin D cho trẻ thế nào?

Theo thống kê, có đến 50% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ thiếu vitamin D. Trẻ thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể lực và trí tuệ. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách bổ sung vitamin D cho bé ngay sau khi chào đời.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sẽ tư vấn, giải đáp trong buổi tiếp theo vào 15g, ngày 10/4.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Yến Phương - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X