Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Phương Hồng Thọ tư vấn: Đột quỵ ở người trẻ, làm sao để tránh?

Chiều ngày 30/5/2019, BS.CK1 Phương Hồng Thọ - Trưởng Khoa Thần kinh - Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có hẹn với bạn đọc AloBacsi, giải đáp các thắc mắc về “Đột quỵ ở người trẻ, làm sao để tránh?”. Mời bạn đọc đón xem.

BS.CK1 Phương Hồng Thọ - Trưởng Khoa Thần kinh - Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã có kinh nghiệm khám, chữa bệnh gần 20 năm
BS.CK1 Phương Hồng Thọ - Trưởng Khoa Thần kinh - Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã có kinh nghiệm khám, chữa bệnh gần 20 năm
NỘI DUNG TƯ VẤN
Trước nay, các BS cho biết người trẻ bị đột quỵ thường do dị dạng mạch máu não. Xin hỏi BS, dị dạng mạch máu não có dấu hiệu nào mà bệnh nhân cảm nhận được hay không? Diễn tiến của đột quỵ do dị dạng mạch máu não xảy ra như thế nào ạ?


Dị dạng mạch máu não là một tổn thương mạch máu bẩm sinh, thường không có tính chất di truyền, tính chất rất đa dạng, có thay đổi theo thời gian, đôi khi tự khỏi hoặc tái phát sau khi đã điều trị tắc hoàn toàn.

Dấu hiệu của dị dạng mạch máu não có nhiều mức độ khác nhau, thường thì không có dấu hiệu gì báo trước.

+ Mức độ nhẹ: Đau đầu thường xuyên, kéo dài; đau nửa đầu, đau nhiều, có thể buồn nôn và nôn ói.

+ Mức độ trung bình: Có thể có biểu hiện khiếm khuyết thần kinh như tê mỏi nửa người, yếu nửa người thoáng qua.

+ Mức độ nặng: Biểu hiện cơn co giật động kinh, xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não.

Dị dạng mạch máu não chỉ được chẩn đoán chính xác khi được chụp hình mạch máu não. Nếu đột quỵ xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não là giai đoạn muộn, gây ra tàn phế hoặc nặng hơn có thể gây tử vong.


Gần đây, các phương tiện truyền thông đã ghi nhận những trường hợp nhồi máu não ở người trẻ. Xin BS cho biết nguyên nhân vì sao người trẻ có thể bị nhồi máu não?

Nhồi máu não có nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với những người trẻ tuổi, nguyên nhân thường gặp là do các bệnh lý từ tim, bất thường về hệ thống mạch máu não, bệnh lý huyết học… Một số trường hợp có thể do lối sống không lành mạnh, stress, căng thẳng quá mức…


3. Đột quỵ khi tắm là nguyên nhân thường được nhắc tới trong các tin tức về người trẻ bị đột tử. Nhờ BS giải thích hiện tượng này? Đột quỵ trong tình huống mới đi ở ngoài về rồi tắm ngay, và tắm khi mới vừa ngủ dậy có giống nhau không ạ?

Tình trạng này có một nguyên nhân chung là do cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Vì vậy các mạch máu trong cơ thể không đủ thời gian để đáp ứng cân bằng, dễ dẫn đến đột quỵ não.

Đột quỵ trong tình huống mới đi ở ngoài về rồi tắm ngay, và tắm khi mới vừa ngủ dậy là giống nhau do cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, từ trạng thái nóng sang lạnh hoặc lạnh sang nóng. Điều này làm mạch máu co thắt gây đột quỵ, hoặc mạch máu căng quá mức dễ vỡ và dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não.


Cường độ công việc cao dẫn đến nguy cơ đột quỵ như thế nào, thưa BS? Theo BS, có cách nào để bảo vệ sức khỏe mà vẫn tiếp tục công việc được?

Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì cần đòi hỏi mọi người phải sống năng động và tích cực hơn, tuy nhiên để vừa đảm bảo cho công việc và sức khỏe thì nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên tạo áp lực quá mức cho công việc cũng như bản thân, và cần có sự thoải mái trong lúc làm việc.

Theo BS, việc người trẻ hay thức khuya để làm việc hay xem phim, chơi game… có những tác hại gì và có liên quan như thế nào đến nguy cơ đột quỵ ạ?

Người trẻ thức khuya để chơi game, xem phim… do thời gian tập trung chơi game hoặc xem phim kéo dài, quên uống nước, nhịn ăn,.... điều này gây cô đặc máu và dẫn đến đột quỵ não.

Những trò chơi trong game cuốn hút người chơi dễ gây căng thẳng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Chế độ làm việc không hợp lý, chơi game và xem phim ảnh quá nhiều dễ dẫn đến sống ảo, không thực tế. Từ đó, dần dần tự tạo stress cho bản thân và cũng có thể gây đột quỵ não.


Nguy cơ đột quỵ có liên quan thế nào với việc người trẻ sử dụng thuốc lá, bia rượu, ma túy... thưa BS?

Thuốc lá là nguyên nhân gây ra tắc hẹp mạch máu dẫn đến đột quỵ não mà chúng ta đã từng biết. Còn đối với rượu, bia, ma túy là những chất kích thích độc hại, gây ra tình trạng tổn thương mạch máu cũng dễ gây ra đột quỵ não.

Từ thực tế điều trị cho bệnh nhân, BS có thể cho biết:

- Bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi là từ bao nhiêu tới bao nhiêu tuổi? Chiếm bao nhiêu % số lượng bệnh nhân đột quỵ?

- Bệnh nhân trẻ tuổi nhất là bao nhiêu tuổi? Bị đột quỵ loại nào?

- Tỷ lệ % các nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ?


Trong quá trình điều trị và thăm khám, bệnh nhân trẻ tuổi tôi đã từng gặp là nữ bệnh nhân 28 tuổi bị dị dạng mạch máu não.

Tỷ lệ nguyên nhân gây đột quỵ cao nhất ở người trẻ bao gồm: bệnh lý từ tim; dị dạng mạch máu não. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như chơi game nhiều giờ, sử dụng các chất kích thích độc hại…

Hậu quả do đột quỵ để lại ở người trẻ và khả năng hồi phục so với người lớn tuổi khác như thế nào, thưa BS?

Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế trong tất cả các loại bệnh. Đối với những người trẻ đang ở độ tuổi lao động bị đột quỵ là một gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội vì không làm việc được và phải sống phụ thuộc vào người thân.

Ở người trẻ tuổi thì khả năng phục hồi sau đột quỵ tốt hơn so với người già, lớn tuổi nếu so sánh ở cùng mức độ đột quỵ, tuy nhiên khả năng trở lại công việc trước đây cũng khó khăn. Do đó, người trẻ nên phòng ngừa hoặc tầm soát đột quỵ là cách tốt nhất.

Người trẻ thường chưa có bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Vậy, theo BS những người trẻ nên làm gì để phòng tránh nguy cơ đột quỵ?

Người trẻ nên có lối sống lành mạnh; chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, biết cách giải tỏa khi căng thẳng, stress… Cách tốt nhất là các bạn nên đến cơ sở y tế có trang bị máy móc, thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ hiện đại, chuyên sâu để tầm soát.

Tầm soát đột quỵ gồm có: Kiểm tra hệ thống mạch máu não (MRI 3 Tesla, siêu âm động mạch cảnh…), bệnh lý tim mạch (siêu âm tim, đo điện tim, điện tim gắng sức...), các xét nghiệm máu để tìm các bệnh lý như mỡ máu cao, tiểu đường, bệnh gút, một số bệnh lý về gan và thận...

Độ tuổi nên tầm soát: không giới hạn độ tuổi, từ 30 tuổi trở lên nên tầm soát đột quỵ.
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Phương Hồng Thọ đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về cách phòng tránh đột quỵ ở những người trẻ tuổi.

Chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe!


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

 

TÁI KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN ĐỘT QUỴ

Tiếp nối những thành công của chương trình tư vấn đột quỵ năm 2018, bắt đầu từ 1/5 đến hết tháng 12/2019, AloBacsi tiếp tục
phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược Hậu Giang tái khởi động chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” với tiêu chí: Tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày; Tổ chức các chương trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các vấn đề đột quỵ và Tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ...

Mời bạn đọc có các thắc mắc về đột quỵ, tai biến mạch máu não... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được các bác sĩ, chuyên gia trong ngành tư vấn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X