Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương tư vấn: Uống thuốc trị Hp và lao cùng lúc dễ gây xung khắc?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương tư vấn các thắc mắc các vấn đề về: tiêm ngừa vắc xin dại, uống thuốc trị Hp và lao cùng lúc, nội soi dạ dày, chụp MRI... Mời bạn đọc đón xem.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Phạm Phú Quốc - An Giang

Em bị trĩ nội, đi cầu ra máu. Máu dính theo phân kèm nhầy. Cho em hỏi bị trĩ có đi ngoài ra nhầy với máu không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đi cầu ra máu đỏ là triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa dưới, có thể gặp do nứt hậu môn, do trĩ, viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng, túi thừa đại trực tràng, nút dị dạng mạch máu ở niêm mạc đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, rối loạn đông máu...

trĩ độ 1 là đã cũng có thể gây đi cầu ra máu, đặc điểm là máu đỏ tươi chảy ra trước khối phân hoặc nhỏ giọt sau tiêu phân cứng, không hòa trộn với phân mà chỉ bọc ngoài phân. Kiểu đi cầu phân dính máu kèm có nhầy nữa thì không đặc trưng cho máu từ búi trĩ đâu, mà thường gặp trong viêm loét đại trực tràng nhiều hơn. Em cần phải khám ck tiêu hóa để BS khám tổng quát và khám bụng, khám hậu môn trực tràng, làm một số xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi đại trực tràng...) để xác định chắc chắn nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị thích hợp.


Thu Hang - thuh...@gmail.com

Em đi nội soi, bác sĩ kết luận bị chuyển sản niêm mạc tiền môn vị có sao không thưa bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Kết quả nội soi cho thấy bệnh lý dạ dày của em không đơn thuần là viêm dạ dày thông thường đâu, bởi vì viêm dạ dày có chuyển sản niêm mạc tiền môn vị là tình trạng tiền ung thư, có nguy cơ tiến triển đến ung thư nếu không điều trị sớm và đúng chuẩn. tuy nhiên, bệnh vẫn chưa đến mức là ung thư dạ dày.

Do đó, em cần kiên trì theo dõi bệnh và điều trị bệnh này với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, đồng thời hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, cafe, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý.


Nguyễn Tường Vy - Nthuy...@gmail.com

Em muốn hỏi là một tháng mình có thể chụp MRI 2 lần được không? Có hại gì không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tường Vy thân mến,

Bất kỳ loại xét nghiệm nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm của nó, vì thế chỉ làm xét nghiệm khi thật sự cần thiết mà thôi. Về phía chụp MRI thì hai điểm không mong muốn nhất là chi phí và nhiễm từ. Điều quan trọng để trả lời cho câu hỏi của em là bác sĩ cần biết em chụp MRI vị trí nào, lý do vì sao chụp, do bác sĩ chỉ định hay em tự yêu cầu chụp, chụp MRI có tiêm cản từ hay không, từ đó bác sĩ mới tư vấn cho em câu trả lời thích hợp được, em nhé!


Bạn đọc tên Thanh - Đồng Nai    

Bác sĩ ơi, cháu là nam, năm nay 21 tuổi, hay bị táo bón và tiêu chảy, phân không tiêu hoá hết. Cách đây 2 tháng cháu có đi khám tiêu hoá nội soi cả dạ dày và đại tràng, bác sĩ kết luận cháu bị viêm dạ dày nhẹ (hp+) và có búi trĩ nội nhỏ (không chảy máu), đại tràng không có dấu hiệu bất thường.

2 ngày nay cháu đi ngoài khó phải rặn nhiều và trong phân có lẫn những đường máu đỏ tươi nhưng khi lau bằng giấy thì không có máu. Phân số lượng ít màu vàng mềm không to cũng không nhỏ nhưng rất khó đi. Đi xong cháu cũng không thấy đau hay rát hậu môn. Trước đó cháu không ăn thực phẩm nào có màu đỏ cả. Cháu cũng không cảm thấy đau bụng hay ợ hơi. Vậy cháu có bị làm sao không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Em thân mến,

Theo thông tin em cung cấp thì hiện bác sĩ nghĩ nhiều là em bị viêm dạ dày Hp (+) kèm hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp của đại tràng, thường gây ra rối loạn tiêu hóa, hay gặp nhất là đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón có liên quan đến thức ăn, tâm lý. Tuy vậy, bệnh không gây ra tổn thương thực thể ở đại tràng.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp giúp bác sĩ quan sát trong lòng ống tiêu hóa nên rất đáng tin cậy. Trường hợp nội soi tiêu hóa bình thường nhưng vẫn đi cầu có máu thì có thể bất thường nằm ở tại ruột non (là phần chúng ta không khảo sát tới được vì chúng ta chỉ nội soi từ trên xuống tới dạ dày tá tràng, và từ dưới lên đến hết đại tràng, phần ruột non bị để lại), cũng có thể máu này là do nứt hậu môn hay trĩ do đi cầu nhiều lần.

Những trường hợp bệnh phức tạp hơn như bệnh lý ruột non hay bệnh hệ thống khác thì cần phải khám chuyên khoa tiêu hóa sâu mới tìm ra được nhưng cũng cần thời gian để bác sĩ theo dõi điều trị 1 thời gian, nếu không đáp ứng mới nghĩ đến tình huống hiếm gặp trên. Tuy nhiên, theo như miêu tả của em về tính chất phân thì bác sĩ không nghĩ em có đi cầu ra máu đâu.

Với tình trạng hiện tại, em nên tránh lo âu, suy nghĩ căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ, hạn chế thực phẩm cay nóng nhiều gia vị nhiều dầu mỡ, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh và hoa quả, nên tập luyện các môn giúp thư giãn như yoga, tẩy giun định kỳ và tái khám định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa là ổn, em nhé.

Chúc em sớm khỏe!


Nguyễn Văn Trường Bảo - baong...@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi dạo này đánh răng vào buổi sáng khi cạo lưỡi thì thấy ra dịch màu nâu. Xin hỏi bác sĩ tôi bị gì ạ? Có phải dấu hiệu ung thư không? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Dịch màu nâu này có thể gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, như màu của thực phẩm còn sót lại trong răng, kẽ nướu; hoặc đây là màu của máu cũ, máu cũ này có thể là từ răng lợi như bệnh nha chu, cũng có thể là viêm amidan mạn tụ mủ, cũng có thể là khối u ở hầu họng (ung thư)...

Do đó, chưa chắc gì em bị ung thư rồi đâu, nhưng cần phải kiểm tra xem vấn đề ở đâu để xử trí. Em nên đến khám kiểm tra tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt và chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám toàn diện, chẩn đoán rõ nguyên nhân và xử trí thích hợp sớm, em nhé.

Ngoài ra, em nên súc miệng nước muối ấm pha loãng trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh và không chà sâu), uống nhiều nước trong ngày, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, giữ ấm hầu họng.


Nguyen Hong Van

Em bấm lỗ tai 5 hôm rồi nhưng mà hôm đầu tiên về đã bị sưng (bấm lại lần 3) nổi thành cục. Em tháo ra lau bằng nước muối thì chảy máu 1 chút nhưng không có mủ. Sau khi bôi thuốc mỡ tra mắt thì cảm thấy hơi ngứa. Em phải làm thế nào ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bác sĩ không rõ "cục sưng" tại vị trí bấm lỗ tai của em sưng to cỡ nào, có chắc là không có mủ không, có chắc là không có biểu hiện viêm nhiễm hay không, thuốc mỡ tra mắt em dùng có thành phần gì?

Do đó, với tình trạng này, em nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra trực tiếp cho em, tùy tình trạng, mức độ vết thương và cơ địa mà sẽ kê thuốc thích hợp. Ngoài ra, nếu thủ thuật bấm lỗ tai không an toàn thì em còn cần phải tiêm ngừa uốn ván nữa. Em có thể đến Bệnh viện Da liễu hoặc bệnh viện đa khoa đều được.


ZL Béo

Thưa bác sĩ, con em bị gãy xương đòn vai. Ra viện nẹp đai số 8 sau 2 tuần đi chụp lại thì xương bị chồng lên nhau. Nhưng con em không sốt, vẫn ăn uống khoẻ mạnh. Vậy bác sĩ tư vấn giúp em nên làm như nào trong trường hợp này ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trong trường hợp 2 đoạn gãy của xương đòn tạo chồng lên nhau thì có 2 hướng giải quyết, một là để nguyên chấp nhận khớp xấu này, hai là nắn chỉnh và bắt vít cố định xương. Để quyết định hướng điều trị nào thì bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nhi phải đánh giá nhiều yếu tố của bé, như độ tuổi, mức độ chồng xương, hướng phát triển của khớp đòn vai... từ đó mới tư vấn cho gia đình hướng điều trị thích hợp nhất được. Em nên cho bé đến khám tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, phòng khám nhi, em nhé!


Triều Lê - leduc...@gmail.com

Em uống thuốc lao tháng này là tháng thứ 4. Em thấy đau ở vùng thượng vị, đi chụp phim phổi thì bình thường. Xét nghiệm dạ dày thì bị nhiễm HP và bác sĩ cho thuốc uống. Vậy vừa uống thuốc dạ dày vừa uống thuốc chống lao có sao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Helicobacter pylori là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Trị Hp thì bác sĩ sẽ phải dùng kháng sinh, vì đây là vi khuẩn, và phải dùng 2-3 loại kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế tiết dạ dày từ 1-2 tuần, vì chúng trú ẩn sâu trong thành của dạ dày. Có nhiều loại kháng sinh có thể dùng để điều trị Hp, mỗi loại có tác dụng phụ riêng. Nhưng nhìn chung, tác dụng phụ thường gặp của kháng sinh điều trị Hp là đắng miệng, thay đổi vị giác, buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu, khó ngủ, chóng mặt.

Em đang điều trị lao tháng thứ 4, chụp phim phổi đã về bình thường là điều tốt, uống thuốc lao đủ tháng đủ ngày bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, điều trị lao cũng dùng nhiều kháng sinh. Vừa điều trị lao vừa điều trị viêm dạ dày Hp (+) thì cộng lại là rất nhiều kháng sinh, như vậy tác dụng phụ của kháng sinh thường sẽ tăng lên.

Vì thế trong thời gian uống thuốc, nếu em có khó chịu thì không nên tự ý ngưng thuốc để tránh kháng thuốc, mà cần tái khám lại sớm, tùy triệu chứng mà bác sĩ sẽ có hướng kiểm tra và điều chỉnh cho em. Còn chuyện để thuốc dạ dày và thuốc chống lao không ảnh hưởng lên nhau thì em phải uống đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, thuốc nào uống mấy giờ, trước ăn hay sau ăn, em nhé


Thuy N - thanhth...@gmail.com

Thân chào bác sĩ,

Cha em 60 tuổi, trước đây 6 tháng bị chó cắn và đi tiêm ngừa được 3 mũi tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Cách đây 2 ngày cha em lại bị chó cắn, đến trung tâm thì bác sĩ nói là không chích nữa và cho biết vắc xin mà 6 tháng trước cha em đã tiêm ngừa có tác dụng trong 12 tháng nên không cần tiêm nữa. Vậy là đúng hay sai thưa bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hiệu lực miễn dịch của vắc xin không đồng đều cho tất cả mọi người, có người miễn dịch cao, có người miễn dịch thấp và thậm chí có người không được miễn dịch là do phản ứng của từng cá nhân đối với vắc xin không đồng đều. Nhưng nhìn chung, khi chúng ta tiêm đủ 5 mũi vắc xin ngừa dại với phác đồ 0,3,7,14,28 thì hiệu lực bảo vệ trung bình là 1 năm; còn hiệu lực bảo vệ khi chỉ tiêm 3 mũi vắc xin ngừa dại thì còn tùy vào phác đồ nào, 0,3,7 hay 0,7,21 do đó không dự đoán được hiệu lực cụ thể bao lâu. Vì thế, việc phân định đúng sai trong câu tư vấn của trung tâm y tế dự phòng huyện về trường hợp của cha em, tôi chưa có đủ thông tin để đưa ra nhận định của mình.

Cách an toàn hiện nay là theo dõi con chó đã cắn cha em cách đây 2 ngày, nếu con chó sau 10-15 ngày vẫn còn sống, chắc chắn là nó không bị dại và cha em cũng không bị lây dại, không cần chích ngừa, ngược lại thì cần chích ngừa.


Nghịch V - prox...@gmail.com

Chào bác sĩ. Em là nam, 20 tuổi. Em bị đau họng vài tháng trước. Dạo gần đây có cảm giác mắc vật gì đó ở cổ, khó nuốt, khi nuốt cảm giác như thức ăn phải xuống từ từ do hẹp, kèm theo là cổ như bị thắt lại khó thở. Giọng nói của em đôi khi bị rè.

Do sợ ung thư nên tháng trước em đã đi nội soi cả dạ dày và thực quản nhưng bác sĩ không phát hiện gì chỉ bảo bị trào ngược. Sau đó thì chứng nuốt khó xuất hiện. Cho em hỏi nội soi dạ dày có kiểm tra đuợc cả thực quản không, kết quả có chính xác không và em đang bị gì ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây khó nuốt, do dịch acid ở dạ dày trào lên đến hầu họng làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây kích thích ho, gây loạn cảm họng, gây nuốt vướng rất khó chịu, tổn thương vùng thanh môn và dây thanh âm có thể làm giọng khàn.

Nội soi dạ dày - thực quản thì chắc chắn có kiểm tra thực quản, lúc đưa ống soi vô kiểm 1 lần và lúc lấy ống ra kiểm 1 lần nữa, tuy nhiên, nội soi dạ dày thực quản không thể khảo sát kỹ vùng hầu họng - thanh môn được. Do đó, nếu kết quả nội soi dạ dày thực quản cho thấy không có vị trí nào bị hẹp tắc, thì để kiểm tra kỹ hơn những vùng viêm, hẹp có thể gây nuốt khó ở vùng hầu họng, em có thể nội soi hầu họng thêm, loại trừ nỗi lo ung thư. Em đăng ký khám chuyên khoa tai mũi họng, em nhé!

Vũ Lê - quang...@gmail.com

Trước đây một tháng em lao động có bị xước da và chảy máu ở mặt trên bàn tay sau đó bị chó nhà liếm vào vết thương. Em đã rửa sạch bằng xà phòng và theo dõi chó trong 15 ngày không có biểu hiện lạ, nhưng sau 1 tháng thì chó có biểu hiện ốm nôn khan ra nước bọt trắng và hay bỏ nhà đi. Vậy cho em hỏi em có nguy cơ mắc bệnh dại không ạ? Tính từ lúc em bị liếm tới giờ là tròn 1 tháng chó mới bị ốm. Em cảm ơn ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trong tình huống của em, tại thời điểm con chó con liếm vào vết thương trên da của em thì chắc chắn nó không bị nhiễm dại, vì nó vẫn còn sống qua mốc 15 ngày sau đó, do đó tại thời điểm đó chắc chắn em không bị lây virus dại, và vì thế em có thể không cần tiêm phòng dại.

Thực hiện: Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X