Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương: Sau bấm khuyên tai bị sưng mủ, xử trí như thế nào?

Tai có mủ sau 2 tháng bấm khuyên, ngón tay sưng sau khi bị cua gắp, thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày, rối loạn của đường tiêu hóa dưới... Những vấn đề bạn đọc thắc mắc được BS Cao Thị Lan Hương giải đáp trong bài tư vấn sau.

Ho Thach - tintin...@gmail.com

Hồi tháng 8/2018 em có bị chó cào, con chó này khá dữ nên đã bị rọ mõm lại, nhưng nó vẫn vồ lấy em được. Em không nhớ rõ có bị xây xát nhiều không.

Hiện giờ đọc thông tin thấy bị chó cắn có thể ủ bệnh trên 1 năm nên em cảm thấy lo lắng. Vì con chó này ở chỗ lạ, lúc em đi qua đó chơi nên không rõ con chó sau khi vồ em ra sao nữa. Mong AloBacsi cho em biết giờ em phải làm gì? Cảm ơn ạ.

Chào em,

Thời gian ủ bệnh dại trung bình từ 10 ngày đến 2 năm sau khi bị chó dại cắn, hiếm khi thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh dại phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi-rút xâm nhập.

Tình trạng của em chỉ là bị con chó nó vồ lấy, có thể để lại vết cào gây trầy xước da nhưng chắc là không nhiều vì em không có ấn tượng sâu sắc về việc đó. Vết cào của chó dại vẫn có thể lây truyền bệnh dại nếu dính nước bọt của nó và đi vào cơ thể người khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương.

Như vậy nguy cơ của em là có nhưng khá thấp, em nên đến cơ sở y tế để cân nhắc việc tiêm ngừa dại, em nhé.

Thân mến.

Xuân Thức - Incong...@gmail.com

Tôi bị tê bì 4 ngón tay từ ngón cái đến ngón đeo nhẫn, liên tục bị như vậy. Tôi đã bị 2 tháng rồi, ngón tay giờ yếu hơn. Tôi đã đi khám và điều trị 2 bệnh viện nhưng kết luận khác nhau và cũng không đỡ. Xin hỏi bác sĩ giờ tôi điều trị như thế nào hay khám ở viện nào cho chính xác? Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn là triệu chứng do thần kinh bị chèn ép, đoạn chèn ép có thể ở cổ tay trong hội chứng ống cổ tay, có thể ở tủy cổ, lỗ liên hợp thần kinh trong bệnh lý cột sống cổ...

Để xác định chính xác bệnh lý thì cần làm các trắc nghiệm tuần tự bao gồm kích thích điện cơ ở 2 tay, chụp cộng hưởng từ cột sống cổ... Chuyên khoa phù hợp nhất để bạn kiểm tra vấn đề này là chuyên khoa Thần kinh, bạn nhé.

Quân Đông - quandon...@gmail.com

Cho em hỏi là nếu bị gãy xương mác thì bao lâu mới có thể tập đi? Nên ăn uống gì để rút ngắn thời gian lành chân ạ?

Chào em,

Thời gian trung bình lành xương mác là 1-2 tháng. Để xương lành nhanh thì cần có chế độ tập vật lý trị liệu và ăn uống đúng cách. Về cách tập vật lý trị liệu thì sẽ khác nhau tùy vào việc em bó bột hay bắt nẹp vít. Nếu bó bột thì em tập gồng cơ trong bột trước, tới ngày tái khám để tháo bột thì hỏi bác sĩ điều trị cho em cách tập vật lý trị liệu, hoặc đến trung tâm tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng để được hướng dẫn cụ thể.

Trong trường hợp em bắt nẹp vít cũng vậy, em cần tập các động tác đơn giản trước, kiên trì tập sẽ đi lại được sớm, bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình hoặc bác sĩ Vật lý Trị liệu sẽ là người hướng dẫn em việc này rất tốt.

Trong vấn đề ăn uống thì không có kiêng cữ gì, ngoại trừ không nên hút thuốc lá vì thuốc lá làm chậm lành xương, hạn chế uống rượu để tránh té ngã do say xỉn.

Việc ăn uống nhiều thực phẩm có hàm lượng canxi cao (như hải sản) hay uống thêm thuốc/ sữa bổ sung canxi thật ra không được chứng minh là làm tăng khả năng liền xương hay rút ngắn thời gian liền xương ở người trước đây khỏe mạnh bình thường mà nên ăn uống đầy đủ chất là tốt nhất vì quá trình lành vết thương không chỉ cần canxi mà còn cần các chất khác như đạm, các vi khoáng chất, vitamin...

Thân mến.

N. Q. - bui...@gmail.com

Chào bác sĩ, vợ em bị té xe chảy nhiều máu, có bác tài sơ cứu bằng cách nhai cỏ hôi rồi đắp lên vết thương. Như vậy nếu bác tài đó nhiễm HIV và đang bị nhiệt miệng, thì với cách sơ cứu như vậy vợ em có bị nhiễm HIV không thưa bác sĩ?

Chào em,

Tình huống em đưa ra là có khả năng xảy ra, hay nói cách khác là nếu có sự tình cờ đó thì vợ em có nguy cơ nhiễm HIV thật. Nhưng nguy cơ lây nhiễm cho một lần tiếp xúc với nguồn HIV do kim đâm xuyên da vào cũng chỉ khoảng 0,3%, tỷ lệ này rất thấp.

Do đó, khả năng vợ em bị nhiễm HIV trong tình huống kể trên là rất thấp. Ngoài HIV, thì còn có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B, cái này thì còn dễ nhiễm hơn HIV.

Do đó, tốt hơn hết vợ em nên xét nghiệm kiểm tra tầm soát HIV và viêm gan B là tốt nhất. Vợ em có thể làm xét nghiệm HIV bằng phương pháp Ag/Ab Combo sau 28 ngày cho kết quả chính xác cao, chi phí xét nghiệm 300.000 - 400.000 đồng.

Nếu kết quả âm tính thì nên kiểm tra lại bằng xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể kháng HIV sau 3 tháng và 6 tháng để khẳng định kết quả 100%, chi phí xét nghiệm 100.000 đồng.

Thân mến.

Đình Hùng - Ledinhh...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em bị gãy xương gót chân. Chân em bó bột làm sao cử động các khớp chân hả bác sĩ?

Chào em,

Trong thời gian bó bột thì em không thể cử động các khớp ở vị trí nằm trong đoạn đã bị bó bột được. Điều em có thể làm là tập gồng cơ trong bột. Sau khi tháo bột thì mới bắt đầu tập lại  khớp cổ chân, em nhé.

Thân mến.

Đăng Phi - Hnb...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, bấm khuyên 2 tháng rồi nhưng cách 2 ngày có va chạm mạnh. Tai bắt đầu sưng to, để 1 ngày không hết sưng. Lúc tháo ra thì chảy mủ. Vậy có nên đeo tiếp không ạ?

Chào em,

Bây giờ em phải xử lý để lỗ khuyên tai lành cái đã, lỗ khuyên tai đang bị nhiễm trùng nên mới có biểu hiện chảy mủ.

Vì thế em phải tháo khuyên tai ra, và ghé bệnh viện để bác sĩ kiểm tra mức độ viêm nhiễm và xem xét các thuốc em đã uống gần đây để kê thuốc phù hợp cho em và làm sạch vết thương cho em. Khi lỗ khuyên tai lành rồi thì em đeo lại khuyên được.

Thân mến.

Như Đỏ - doannhu...@gmail.com

Tay em bị cua cắp, vết thương lành nhưng ngón tay sưng to. Em có uống kháng sinh nhưng ngón tay vẫn không giảm, không đau nhức, chỉ sưng ngón tay. Bây giờ làm sao để chữa trị ạ?

Chào em,

Trong các loài cua thì có loài độc, loài không độc. Tại xứ mình thì đa số là cua không độc. Đã là cua không độc thì cua trứng hay cua đực trong cùng một loài đều không độc như nhau, tức là khi bị cua đực hay cua trứng kẹp chảy máu thì đều nguy hiểm ngang nhau trong chuyện nhiễm khuẩn vết thương nhưng không có sự khác biệt trong chuyện nhiễm độc.

Ngón tay bị cua cắn sưng to nếu do nhiễm khuẩn thì uống kháng sinh mới có hiệu quả, nếu không phải do nhiễm khuẩn thì em uống kháng sinh cũng vô ích, chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc sau này, hại gan hại thận.

Bây giờ em cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem ngón tay sưng do đâu (chàm hóa ở vết cắn, do tổn thương khớp ngón tay...) thì mới có hướng xử lý thích hợp. Em khám ở chuyên khoa Cơ Xương Khớp, em nhé.

Thân mến.

Hồng Thơm - Hongthom...@gmail.com

Bé nhà em 3 tháng, xỏ tai đã được 1 tháng. Cách đây 4 hôm em có đeo khuyên bạc mới, nay thấy có mủ. Bây giờ em đã tháo ra đẩy lên thì thấy có hiện tượng mủ nhưng chưa vỡ. Em phải làm sao ạ?

Chào em,

Nếu lỗ khuyên tai của bé sưng nề, đỏ da, bé quấy khóc, khó chịu nhiều thì phải đưa bé đi khám bác sĩ vì tình trạng này viêm nhiễm nhiều rồi cần phải dùng thêm thuốc.

Nếu bé không có các biểu hiện trên thì em vệ sinh tai cho bé hàng ngày bằng nước sạch, ấm, lâu khô rồi thử dùng dầu mù u thoa mỗi ngày xem bớt không. Trong thời gian này không đeo gì vào lỗ khuyên tai của bé cả.

Khi lỗ khuyên tai lành thì em có thể đeo lại khuyên cho bé, cân nhắc đổi sang chất liệu khác như vàng trắng hay bạch kim, không thì đeo sợi chiếu, sợi chỉ cũng được vì có một số bé bị dị ứng với chất liệu bạc, em nhé.

Thân mến.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đã gắn bó với AloBacsi nhiều năm qua và mang đến những câu trả lời chi tiết đến bạn đọc

Linh Yên - nguyenkha...@gmail.com

Thưa bác sĩ, con năm nay học lớp 12, dù con không hề ngủ thiếu giấc và ngủ rất ngon nhưng con thường xuyên có hiện tượng mệt mỏi, buồn ngủ và hay quên. Bác sĩ có cách nào khắc phục tình trạng này không ạ? Con không hề bị stress hay ăn uống thiếu chất, nhưng người lúc nào cũng mệt mỏi và đặc biệt là buồn ngủ.

Chào em,

Cảm giác buồn ngủ nhiều vào ban ngày dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm, người mệt mỏi, hay quên là dấu hiệu báo động cơ thể có vấn đề về sức khỏe. Những nguyên nhân thường gặp là thiếu máu (kinh nguyệt nhiều phải chú ý cái này), hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh lý khúc xạ ở mắt, bệnh lý nội tiết tố (như bệnh tuyến giáp), do thuốc (điều trị ngứa, viêm mũi dị ứng)...

Hội chứng ngưng thở khi ngủ hay gặp ở người béo phì, thừa cân, cổ ngắn, ngủ hay ngáy, do não thiếu oxy và dư CO2 trong lúc ngủ nên gây trạng thái lừ đừ vào buổi sáng. Nếu biết mình ngáy to, ngáy nhiều gần đây thì nên khám chuyên khoa Hô Hấp để được hướng dẫn trị liệu thích hợp.

Nhìn chung, em nên báo với ba mẹ cho em đi khám để kiểm tra tổng thể, đăng ký khám tại chuyên khoa Nội thần kinh là tốt nhất, em nhé. Song song đó em chú ý tập thể dục thêm cho người khỏe khoắn hơn.

Đoàn Viên - dodoa...@gmail.com

Xin chào bác sĩ, vừa rồi đi khám sức khỏe cơ quan em thấy thông số xét nghiệm CEA trong máu là 4.42. Em là nữ, 37 tuổi. Thông số như vậy có cao quá không bác sĩ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

Chào em,

CEA là một protein được tìm thấy trong các mô phôi thai phát triển trong tử cung, nồng độ trong máu của protein này biến mất hoặc giảm xuống rất thấp sau khi sinh.

Ở người lớn, chỉ số CEA bình thường ở trong máu rất thấp (< 5 ng/mL). Khi chỉ số CEA tăng lên, nó có thể cảnh báo dấu hiệu ung thư, như ung thư vú, ung thư hệ sinh dục và tiết niệu, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến giáp, đặc biệt là những người có ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, trong điều kiện lành tính cũng có thể có sự gia tăng CEA trong máu (viêm túi mật, xơ gan và bệnh gan khác, viêm túi thừa, nghiện thuốc lá, bệnh lý viêm nhiễm ở ruột như viêm loét đại tràng, viêm phổi, viêm tụy, loét dạ dày).

Trường hợp của em với kết quả trị số CEA vẫn dưới 5 ng/mL là bình thường, em nhé.

Thân mến.

Ngọc Diễm - Tranthin...@gmail.com

Bác sĩ cho con hỏi con có thể bị bệnh gì khi con thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu, hay bị đau bụng tiêu chảy. Gần đây con đi vệ sinh ra máu (thấy trên giấy vệ sinh, nhìn phân thì không thấy máu), không cảm thấy đau (lúc đi có hơi rát nhẹ). Con có thể bị bệnh gì và phải chuẩn bị như thế nào trước khi đi khám ạ (nhịn ăn,...)?

Chào em,

Các triệu chứng của em hướng nhiều đến rối loạn của đường tiêu hóa dưới là đại trực tràng, dân gian gọi là ruột già. Rối loạn này có thể chỉ là hội chứng ruột kích thích, nứt hậu môn hay trĩ gây tiêu ra máu, có thể viêm loét đại trực tràng... nhưng bác sĩ cần khai thác kỹ hơn các triệu chứng trên để loại trừ những rối loạn ở nơi khác như viêm dạ dày, cường giáp... kèm theo.

Em nên khám ở chuyên khoa Tiêu Hóa, nên khám vào buổi sáng và nhịn ăn, để nếu cần làm xét nghiệm nội soi dạ dày thì làm luôn, còn nội soi đại trực tràng thì phải đăng ký trước rồi chuẩn bị ruột nên không thể làm ngay trong lần đầu khám được.

Thân mến.

Thái Sơn - Sakurai...@gmail.com

Sáng em thức dậy thì cảm giác chân và tay đều không có sức, đứng dậy không được. Gắng đứng dậy thì thấy đứng thẳng người không sao, nhưng khi bước thì em bị mất thăng bằng ngay lúc đó và quỵ xuống, cảm giác như có sức nặng gì đè nặng lên cả người em. Hôm qua em cảm thấy chân nặng nhưng đi bình thường, phần bắp đùi có cảm giác run thường xuyên.

Chào em,

Triệu chứng của em gọi là hiện tượng liệt chu kỳ, nguyên nhân do hạ kali máu. Bệnh thường xuất hiện ở thanh niên nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Mỗi đợt liệt kéo dài từ vài giờ cho tới vài ngày, tái đi tái lại nhiều lần.

Chẩn đoán bệnh này khá dễ dàng: cơn liệt thường xuất hiện lúc mới thức dậy, liệt tứ chi hoặc chỉ liệt chân, đặc biệt có thể hồi phục phần nào vài giờ hay vài ngày sau đó. Tuy nhiên cần phải khám và xét nghiệm rất nhiều cận lâm sàng để chẩn đoán tìm nguyên nhân và phân biệt các bệnh nguy hiểm khác.

- Tai biến mạch máu não: thường gặp bệnh nhân trên 50 tuổi, tuy nhiên người trẻ cũng có thể gập dị dạng mạch máu não, hoặu u não.

- Bệnh tủy sống: thường kèm mất cảm giác.

- Bệnh viêm đa dây thần kinh: gặp ở người nghiện rượu, tiểu đường, thiếu máu, thiếu B1.
Cần phải tìm nguyên nhân của liệt chu kỳ: cường giáp, cường Aldosterol do bướu thượng thận, Cushing do thuốc, do thuốc lợi tiểu,…

Do đó, em nên báo với gia đình khi xảy ra triệu chứng này, vào viện ngay lúc đó để lấy máu xét nghiệm là tốt nhất, phải biết nguyên nhân để điều trị thích hợp, em nhé.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X