Hotline 24/7
08983-08983

BS Lưu Phương giao lưu trực tiếp về “Kỷ nguyên mới trong điều trị viêm gan C”

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa Can Thiệp - BV Nguyễn Tri Phương giải đáp thắc mắc trong việc điều trị viêm gan C cho bạn đọc AloBacsi.

Ngay khi vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày tại Mỹ, BS Lưu Phương mong muốn nhanh chóng được cập nhật kiến thức mới nhất trong việc điều trị viêm gan C cho bạn đọc

Mỗi ngày có hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi về các bệnh liên quan đến Tiêu hóa - Gan mật, thế nên khi hay tin ThS. BS Lưu Phương vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày tại Mỹ để dự hội nghị về viêm gan, các biên tập viên của AloBacsi thở phào nhẹ nhõm.

Nhiều bệnh nhân biết đến bệnh viêm gan B nhưng lại bỏ qua viêm gan C. Nếu viêm gan B, là bệnh không thể trị dứt điểm và không quá nguy hiểm thì viêm gan C là căn bệnh trong yên lặng, có thể điều trị dứt điểm nhưng lại có tính sát thủ rất mạnh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh nhân viêm gan C dễ dàng chuyển sang xơ gan và ung thư gan.

Với những tiến bộ của y học hiện nay, bệnh viêm gan siêu vi C là hoàn toàn có thể điều trị và chữa khỏi. Vì vậy việc tầm soát và nhận biết được bệnh sớm để theo dõi, điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Tuy nhiên, muốn đẩy lùi viêm gan C, điều quan trọng nhất là phải nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh này. Đây là chìa khóa để chúng ta có thể chặn được đường lây của virus, từ đó giảm tỉ lệ người nhiễm bệnh, giảm biến chứng và cuối cùng là giảm tỷ lệ tử vong.

Đó cũng là chủ đề chính của cuộc giao lưu trực tuyến “Kỷ nguyên mới trong điều trị viêm gan C” diễn ra từ 9g - 11h ngày 26/12. Mời bạn đọc có thắc mắc xung quanh chủ đề trên đặt câu hỏi TẠI ĐÂY để được ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn trực tiếp.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

- Bạn đọc Thảo Uyên - 090809…, Lâm Đồng

Tôi đọc trên trang AloBacsi thấy có nói đến phương pháp mới sẽ là “Kỷ nguyên mới trong điều trị viêm gan C”. Điều này có nghĩa là bệnh viêm gan C hoàn toàn có thể chữa khỏi đúng không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Thảo Uyên,

Thật sự trong vòng 2 năm nay với các thuốc mới ra đời gọi là nhóm thuốc DAA có hiệu quả trên virus viêm gan C và đạt được kết quả thành công trên 90% với rất ít tác dụng phụ không đáng kể được xem như là một cuộc đột phá ngoạn mục trong việc điều trị viêm gan C của các BS. Bởi vì trong hơn 20 năm các BS đã tìm tòi rất nhiều các hóa chất để tiêu diệt trực tiếp virus C nhưng hầu như không có kết quả hoặc có kết quả thì rất là độc cho cơ thể con người.

Do đó, kể từ 2016 trở đi có thể nói 1 kỷ nguyên mới trong việc điều trị viêm gan C vì chúng ta có thể hoàn toàn chữa khỏi được viên gan C, lẽ dĩ nhiên là không có một loại thuốc nào có thể bảo đảm 100%.


- Bạn đọc Trần Hoài Nam - TPHCM

Thưa BS Lưu Phương, tôi muốn hỏi là hiện nay có những phương pháp nào điều trị viêm gan C. Các phương pháp này có ưu điểm, khuyết điểm gì? Có phải phương pháp điều trị càng cao thì càng có khả năng khỏi bệnh nhiều hơn?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Bạn Hoài Nam thân mến,

1. Có 3 phương pháp điều trị viêm gan C:

- Phác đồ cổ điển phối hợp thuốc chích PEG với thuốc uống RBV. Thông thường kéo dài từ 6 - 12 tháng, có khi phải kéo dài 18 tháng.

- Phác đồ mới bao gồm việc phối hợp các loại thuốc mới thuộc nhóm thuốc DAA tiêu diệt siêu vi trực tiếp. Thông thường kéo dài từ 3 - 6 tháng.

- Phối hơp phác đồ cũ và phác đồ mới trong vòng 3 - 6 tháng, đối với những trường hợp đặc biệt, khó điều trị, tái phát nhiều lần.

2. Ưu điểm của phác đồ cũ là tạo cho cơ thể bạn tự chống đỡ với virus viêm gan C nhưng cũng khá đắt tiền và nhiều tác dụng phụ, dễ tái phát (điều này giống như dạy nghề cho bạn rồi cho bạn ra đời tự kiếm sống, có thể giàu nghèo tùy khả năng của bạn và sự may mắn nữa).

3. Ưu điểm của phác đồ mới là ít tác dụng phụ, tác động mạnh nên khả năng lành bệnh cao nhưng ngược lại khả năng tự chống đỡ của bạn không tốt như phác đồ cũ (điều này giống như ba mẹ bạn để lại cho bạn 1 gia tài + công ty đang làm ăn phát đạt).

Trước đây, nhược điểm của phác đồ này là rất đắt tiền, không phù hợp với những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam nhưng hiện tại dưới sự đề nghị của Tổ chức Y tế thế giới thì các công ty phải nhượng quyền sản xuất lại các loại thuốc này nên giá thành đã có thể phù hợp hơn với người dân các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.


- Bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc - ngocnguyenact…@gmail.com

Tôi đọc trên trang AloBacsi mới đi Mỹ tham dự hội nghị về phương pháp mới điều trị viêm gan C tôi mừng lắm. Ông xã tôi bị viêm gan C 2 năm nay, điều trị tốn kém quá mà lại có kèm theo tác dụng phụ nên tôi rất lo lắng. Nhân đây có BS tư vấn nên tôi muốn hỏi luôn là với phương pháp điều trị mới này có những điểm gì ưu việt, thưa BS? Tác dụng phụ có giảm nhiều không? Chi phí như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Ngọc,

Với những thông tin mới từ Hội Gan mật của Mỹ và châu Âu thì gần như việc điều trị viêm gan C với phác đồ cũ bao gồm thuốc chích với nhiều tác dụng phụ đã không còn được ưu tiên nữa vì những thuốc mới nhất đã có mặt và thay thế với rất ít tác dụng phụ.

Trường hợp của chồng bạn tôi không rõ trước đây anh bị viêm gan C thuộc phân nhóm nào, độc lực cao hay không, nếu đúng là nhóm độc lực cao (tức là nhóm 1) thì xin chúc mừng bạn vì với thuốc mới được công nhận năm 2016 tại Hoa Kỳ thì không có gì phải lo ngại vì thuốc vẫn có thể sử dụng tốt với hiệu quả cao trên người bị suy thận mãn giai đoạn cuối.

Chi phí loại thuốc này ở Việt Nam hiện tại khoảng 50% so với chi phí chích trước đây với tỉ lệ thành công khoảng 90% cho những trường hợp tái phát. Ngoài ra, với những loại thuốc mới sản xuất nhượng quyền theo Tổ chức Y tế Thế giới thì chi phí chỉ còn khoảng 1/4 - 1/5 so với thuốc chích trước đây và cũng đạt hiệu quả cao.

- Bạn đọc Minh Thu - thutran14…@gmail.com

BS Lưu Phương ơi, xin hỏi là phương pháp điều trị viêm gan C mới nhất trong lần dự hội nghị tại Mỹ là phương pháp như thế nào ạ? Nếu ở Mỹ bây giờ mới có thuốc này thì liệu Việt Nam đã có liền hay chưa ạ? Nếu chưa thì khoảng bao lâu nữa mới có. Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Minh Thu,

Phương pháp điều trị viêm gan C mới nhất trong lần hội nghị này tại Mỹ vẫn là những loại thuốc uống theo phác đồ mới không cần chích với hiệu quả điều trị khỏi hoàn toàn lên đến 90% - 95%.

Hiện tại, ở Việt Nam đã có 3 phác đồ tương đối khá mới là phác đồ: (SOF + LDV), (SOF + DCV) và đặc biệt là phác đồ mới nhất của Hoa Kỳ năm 2016 là (ELB + GZV) đặc trị cho loại viêm gan C độc lực cao (độc lực nhóm 1) và sử dụng được trên những người suy thận mãn giai đoạn cuối với rất ít tác dụng phụ.

- Bạn đọc Ngô Đình Quang - Hải Phòng

BS ơi, loại thuốc mới điều trị viêm gan C có tác dụng phụ không ạ? Những tác dụng phụ này có ảnh hưởng đến sức khỏe không và phải làm thế nào để giảm tác dụng phụ của thuốc ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Chắc chắn không có loại thuốc nào mà không có tác dụng phụ ngay cả thức ăn lạ còn gây khó chịu, tuy nhiên những thuốc mới trị viêm gan C thì tác dụng phụ rất ít và hoàn toàn có thể dung nạp được, ví dụ như: ăn kém, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, buồn ngủ, ngứa ngáy.

Bạn không nên lo lắng quá mức vì những tác dụng này thoáng qua và tỷ lệ gặp cũng ít, hoàn toàn có thể dung nạp được, đặc biệt với kinh nghiệm thực tế của tôi, tôi nhận thấy các bệnh nhân được dùng các loại phác đồ mới này khi trị viêm gan C gần như không than phiền gì nhiều, ngoại trừ cảm giác lạt miệng, ăn ít và hơi mệt mỏi nhưng tất cả đều thoáng qua trong vòng 1 - 2 tuần đầu.

- Bạn đọc Nguyễn Đức Trung, 25 tuổi, michael…19@...

Xin nhờ AloBacsi gửi câu hỏi đến BS Lưu Phương giúp tôi,

Tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan C nhưng đã gần 1 tháng mà vẫn phải còn làm xét nghiệm sinh thiết gan trước khi điều trị. Tại sao phải làm xét nghiệm nhiều đến như thế?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Trường hợp của bạn tôi không khám bệnh trực tiếp nên không thể nói chính xác 100%, BS đang khám và điều trị trực tiếp cho bạn mới là người hiểu rõ tình trạng bệnh của bạn nhất. Qua những gì bạn kể tôi dự đoán rằng BS điều trị muốn xác định chắc chắn bạn bị nhiễm viêm gan C mạn tính đồng thời muốn biết chính xác lại độc lực của virus viêm gan C trong cơ thể bạn, cũng như đánh giá độ cứng và độ đàn hồi của gan bạn, đánh giá khả năng bù trừ của gan trước khi quyết định điều trị, nhất là khi điều trị theo phác đồ có thuốc chích.


- Bạn đọc Hoài Thương - Kon Tum

Ba tôi mắc bệnh khoảng 2 năm, mỗi lần men gan tăng là phải nằm viện hàng tháng trời. Mới đây ba tôi phải nhập viện vì men gan tăng lên gần 1000. Mấy hôm nay về nhà sao vẫn không ăn uống được, ăn vào khó chịu giống như triệu chứng ăn không tiêu nhưng bao tử vẫn tốt, không bị bệnh.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Hoài Thương,

Trường hợp của ba bạn tôi không khám bệnh trực tiếp cũng như không thấy xét nghiệm của bác nhưng với những gì bạn mô tả tôi dự đoán bác bị viêm gan mãn tính, tuy nhiên chưa biết nguyên nhân gì và bị từng đợt viêm gan cấp trên nên gan mãn và như vậy sẽ làm cho ăn uống kém, đầy bụng, khó tiêu giống như đau dạ dày.

Bạn cần đưa bác vào TPHCM khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm chuyên sâu tìm ra chính xác nguyên nhân của những đợt viêm gan cấp trên nền gan mạn nhằm điều trị thích hợp, giúp chặn đứng diễn tiến xơ gan - ung thư gan về sau.


- Bạn đọc Phương Linh, 54 tuổi - linhpham267…

Tôi năm nay 54 tuổi, vừa rồi thấy mệt mỏi chán ăn, tôi đi khám bệnh và được phát hiện mắc viêm gan C mạn tính, BS khuyên dùng Peg - interferon kết hợp với ribavirin để điều trị. Tôi xin hỏi, tại sao lại dùng kết hợp như vậy? Nếu dùng nhiều loại thuốc như vậy có gây tác dụng phụ nhiều không? Nếu bây giờ tôi không dùng thuốc đó thì có thể điều trị bằng phương pháp mới nhất không? Tôi xin cảm ơn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bác,

Trường hợp của bác việc dùng phác đồ nào là do BS điều trị quyết định. Theo như bác kể thì bác được dùng phác đồ cũ kết hợp thuốc chích và thuốc uống. Những ưu nhược điểm của các phác đồ này thì bác xem thêm câu trả lời của tôi cho bạn đọc Hoài Nam.

Ngoài ra, với lứa tuổi của bác nếu tôi khám bệnh trực tiếp cho bác và làm thêm 1 số xét nghiệm để tầm soát nội khoa tổng quát, thì tôi vẫn thiên về việc sử dụng những phác đồ thuốc uống mới cho bác vì không quá đắt tiền và ít tác dụng phụ.

- Bạn đọc Đặng Ngọc Vũ - TPHCM, 0165787…

Bác tôi mới đặt máy tạo nhịp tim. Sau đó thì phát hiện bị viêm gan C. Tôi nghe nói có thuốc mới để điều trị căn bệnh nay ít tốn kém và đạt hiệu quả cao. Vậy xin hỏi BS người bệnh mới đặt máy tạo nhịp tim như bác tôi thì có thể điều trị bằng các phương pháp mới không? Thuốc mới trong điều trị viêm gan C có chống chỉ định không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Thuốc mới điều trị viêm gan C không có chống chỉ định với máy tạo nhịp tim, tuy nhiên khi dùng thuốc cần lưu ý khả năng tương tác với những thuốc tim mạch thường hay dùng trên người bị loạn nhịp tim và đặt máy tạo nhịp. Bạn nên đưa bác của bạn đến khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được tư vấn điều trị cụ thể.


- Bạn đọc Lưu Ánh Đào - Đạ Tẻh, Lâm Đồng

Xin hỏi BS Lưu Phương,

Việc áp dụng phương pháp điều trị viêm gan C mới ở Việt Nam có gặp khó khăn gì cho người bệnh không ạ? Ví dụ như người bệnh ở huyện thì có thể tiếp cận phương pháp mới không hay phải lên các BV tuyến trên mới được áp dụng? Các thuốc mới này có được BHYT chi trả không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Hiện tại theo tôi được biết thì BHYT chưa chi trả cho các loại thuốc mới này. Về tương lai quyết sách như thế nào là do Bộ Y tế chủ trì, AloBacsi sẽ cập nhật thông tin mới nhất về vấn đề này, chúng ta cùng theo dõi nhé.


- Bạn đọc Nguyễn Tấn Phát - Đồng Nai

Em trai tôi năm nay 27 tuổi, cách đây bốn năm xét nghiệm phát hiện bị viêm gan C, sau đó có điều trị tiêm và uống, sau 6 tháng xét nghiệm lại thấy trở về âm tính, nên đã ngưng điều trị. Sau đó 1 năm có xét nghiệm lại thì phát hiện dương tính, xin BS cho tôi biết sau khi tái phát thì có cơ hội điều trị không? Và cơ hội trị khỏi bao nhiêu phần trăm?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Tấn Phát,

Tôi không rõ trước đây em bạn bị viêm gan C thuộc chủng độc lực nào, thông thường là phải điều trị 1 năm với phác đồ chích + uống. Nếu chỉ điều trị 6 tháng thì khả năng tái phát rất cao như vậy trường hợp của em bạn nên được điều trị lại với các phác đồ mới trong thời gian kéo dài từ 3 - 6 tháng với tỉ lệ thành công khoảng 90%, không bị tái phát. Tuy nhiên, em bạn nên đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được điều trị lại.




- Bạn đọc Hà Đình Đức - đường Cao Lỗ, Q.8, TPHCM

BS Lưu Phương ơi, cháu muốn hỏi là nếu điều trị khỏi bệnh viêm gan C bằng thuốc mới nhất hiện nay thì có nguy cơ bị tái nhiễm không ạ? Các thuốc này có tạo miễn dịch cho cơ thể luôn không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Đức thân mến,

Với phác đồ mới thì việc điều trị viêm gan C đạt tỷ lệ chữa khỏi cao nhưng vẫn có thể bị tái nhiễm lại với virus viêm gan C ở chủng độc lực khác với chủng độc lực bạn bị nhiễm ban đầu, nếu bạn không áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường máu. Tuy nhiên, khả năng này rất thấp, thường dưới 1%.


- Bạn đọc Hiền Võ - TPHCM

Thưa BS Phương, theo tôi được biết là hiện nay chưa có vắc xin ngừa bệnh viêm gan C, vậy tôi muốn hỏi là trong lần dự hội nghị tại Mỹ về viêm gan lần này có nói đến việc trong tương lai gần sẽ có vắc xin phòng ngừa bệnh này không? Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Hội nghị lần này tập trung vào việc công bố những phác đồ mới giúp điều trị hiệu quả viêm gan C tránh tái phát và giảm nguồn lây lan. Còn việc tìm ra vắc xin phòng bệnh hiệu quả trong thời gian gần là chưa có vì virus viêm gan C có gần 200 biến thể nên dễ làm cho vắc xin mất hiệu lực.


- Bạn đọc Đỗ Đình Khiêm, 45 tuổi - Quảng Ngãi

Tôi bị viêm gan C mạn type 2, đã điều trị năm 2009, phác đồ điều trị 6 tháng, đáp ứng thuốc tốt. Sau đó cứ mỗi 6 tháng 1 lần tôi làm xét nghiệm định lượng phương pháp Real-time RT_PCR với kỹ thuật Taqman kết quả đều cho âm tính.

Một năm nay tôi không xét nghiệm, xin hỏi tôi có cần làm xét nghiệm này nữa không? Khả năng tái phát lại là bao nhiêu %? Nếu tái phát, điều trị lại có gặp khó khăn hơn lần đầu không? Tôi sợ nếu tái phát sẽ chuyển thành ung thư mất. Mong BS giải đáp giúp tôi.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Xin chúc mừng bạn:

- Bạn đã từng bị nhiễm viêm gan C thể độc lực yếu nhất

- Bạn đã điều trị thành công và với kết quả xét nghiệm liên tục như vậy chắc chắn bạn đã tiêu diệt hoàn toàn virus viêm gan C và khả năng tái phát là rất thấp, có thể nói gần như là “zero”%.

Nhưng:

Bạn cần đi khám định kỳ với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để kiểm tra tình trạng gan định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần nhằm phát hiện những tổn thương gan ở giai đoạn sớm vì việc điều trị thành công viêm gan C chỉ làm giảm tỷ lệ biến chứng thành ung thư gan chứ không phải tiệt tiêu hoàn toàn tỷ lệ này trong tương lai.

- Bạn đọc tonyj…@jact… , 25 tuổi

Tôi nghe nói viêm gan C chữa trị có lúc khỏi, lúc không tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Xin hỏi điều đó có đúng không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Bất cứ một loại thuốc nào khi điều trị đều có tỷ lệ thành công nhất định và không bao giờ đạt 100% vì do nhiều yếu tố tác động ví dụ như: yếu tố cơ địa của bệnh nhân, bệnh đi kèm, yếu tố vi trùng hoặc virus sẵn có, độc lực của loại virus.

Với phác đồ cũ dùng thuốc chích điều trị viêm gan C tỷ lệ thành công đối với chủng độc lực mạnh chỉ khoảng 60% còn với các phác đồ mới hiện nay tỷ lệ thành công lên đến 90%, thậm chí lên đến 97% cho những trường hợp độc lực yếu.


- Bạn đọc Hậu Nhân - Buôn Ma Thuột

Sau khi điều trị viêm gan C, lịch kiểm tra định kỳ được thực hiện như thế nào? Nếu do điều kiện kinh tế phải ngưng điều trị ở tháng thứ 4 của quá trình điều trị (mà kết quả xét nghiệm tại thời điểm đó đã ở giới hạn an toàn) có ảnh hưởng tới điều trị và có thể tái phát không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Nếu bạn dùng theo phác đồ cũ tức là thuốc chích kết hợp thuốc uống thì việc chỉ điều trị 4 tháng rồi ngưng dù ở thời điểm đó kết quả xét nghiệm đó đã ở ngưỡng an toàn thì khả năng tái phát lại trong vòng 1 năm lên đến 70%.

Nếu bạn dùng phác đồ mới thì việc điều trị 4 tháng là khá đủ (tuy nhiên có trường hợp phải điều trị 6 tháng mới an toàn).

Sau khi ngưng thuốc điều trị tối thiểu bạn phải được kiểm tra lại ở thời điểm sau 1 tháng, sau 3 tháng và sau 6 tháng để bảo đảm 95% không bị tái phát. Kể từ thời điểm này trở đi bạn vẫn cần theo dõi định kỳ với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật ít nhất 1 năm/ lần nhằm phát hiện những tổn thường ở gan từ giai đoạn sớm vì việc điều trị thành công như vậy chỉ làm giảm tỷ lệ bị xơ gan, ung thư gan về sau chứ không phải đưa về 0%.


- Bạn đọc Ngoc Nga - ngocnga...@yahoo.com.vn

Xin BS tư vấn giúp gia đình tôi,

Gia đình tôi có người bệnh viêm gan C mạn tính,có kết quả chưa điều trị đính kèm, và đã điều trị uống thuốc 12 tuần hiệu LEDVIR 90mg/400mg của India,bắt đầu uống vào ngày 21/06/2016 uống thuốc ngày thứ 26 có xét nghiệm lại (kết quả đính kèm).


Ngày 25/07/2016 và tiếp theo đến hết lọ thuốc thứ 3 có kết qủa đính kèm tháng vừa rồi, và có kết qủa siêu âm đính kèm lúc chưa điều trị, có đo độ cứng của Gan F3 Bây giờ còn 2 lần xét trong năm xin BS tư vấn giúp tình trạng bệnh nhân không còn irut nữa, thì Gan cứng F 3 có phục hồi lại được không? Bệnh nhân cần uống thêm thuốc gì? để hổ trợ gan được tốt hơn? Xin chân thành cám ơn BS nhiều.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Với trường hợp của bạn thì hiện tại xét nghiệm tháng 11/2016 tức là đã ngưng điều trị được 3 tháng thì kết quả virus vẫn âm tính như vậy có thể nói là bạn đã tiêu diệt thành công virus viêm gan C với khả năng tái phát rất thấp (dưới 5%).

Tuy nhiên, với kết quả siêu âm của bạn thì bạn đã có viêm gan mãn tức là gan đã hơi “xù xì” rồi và bắt đầu cứng lại (giai đoạn F3). Như vậy ở giai đoạn này bạn cần phải theo dõi định kỳ 3 -6 tháng/lần với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để phát hiện sớm những khối u gan có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì việc điều trị tiêu diệt thành công virus viêm gan C chỉ làm giảm tỷ lệ hình thành ung thư gan về sau chứ không đưa về “zero”% mà nhiều người bệnh cứ đinh ninh và “ngủ quên trong chiến thắng”.

Còn vấn đề sau khi tiêu diệt thành công virus viêm gan C gan bạn sẽ từ từ hồi phục nhưng quan trọng là bạn phải có lối sống lành mạnh:

- Không để thừa cân

- Tập thể dục ít nhất 3 ngày/tuần vào mỗi lần 30 phút.

- Chú ý ăn nhiều rau xanh, trái cây.

- Hạn chế thức ăn béo, ngọt

- Tránh xa rượu, bia

- Không thức quá khuya

- Hạn chế thức ăn chiên, xào.

- Bạn đọc Ngoc Truc - trcph…@gmail.com

Kính gửi BS,

Cho em xin hỏi làm xét nghiệm định lượng viêm gan C để dùng thuốc đặc trị theo phác đồ mới là nằm trong khoảng bao nhiêu ạ? Em nghe nói nếu định lượng thấp thì không cần can thiệp thuốc đặc trị phải không ạ? Vậy nằm ở mức nào là thấp và mức nào là cao ạ? Em cảm ơn BS rất nhiều ạ. Rất mong hồi âm sớm.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Với thuốc đặc trị mới cho viêm gan C thì việc virus nằm ở ngưỡng định lương thấp sẽ cho tỷ lệ thành công cao hơn, có thể đến gần sát 100%.

Với những phương pháp xét nghiệm hiện đại mới nhất có tại Việt Nam hiện tại ngưỡng phát hiện virus là 15UI/ml máu còn những trường hợp nồng độ virus trên 10^6 UI được xem là nồng độ virus khá cao nên khả năng điều trị thành công sẽ thấp hơn nhưng với phác đồ mới cũng đạt 90%.

Em nên đi khám bệnh với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được tư vấn điều trị sớm nhé!


Tiếp theo đây, BS Lưu Phương tranh thủ trả lời các câu hỏi về viêm gan B của bạn đọc AloBacsi:


- Bạn đọc Trung - vuthanh…@gmail.com

Chào BS!

BS cho em biết về tình trạng bệnh của em được không ạ: HBSAg dương tính 4471.13 ati-Hbe 40.1 âm tính, định lượng dưới ngưỡng phát hiện, gan bình thường. Tất cả chỉ số Alt… đều bình thường. Em điều trị được hơn 2 năm rồi ạ, em cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em Trung,

Tôi không khám bệnh trực tiếp cho em nhưng với những gì em mô tả tôi dự đoán trước đây em bị viêm gan B thể hoạt động và đã được điều trị đặc trị kéo dài 2 năm và bệnh có đáp ứng. Tuy nhiên cơ thể em vẫn chưa tạo được kháng thể tối thiểu để ngừa khả năng tái phát khi ngưng thuốc nên em cần phải điều trị lâu dài vì chắc chắn bệnh sẽ bùng phát trong vòng 3 tháng sau khi ngưng thuốc. Em nên tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật nhé.


- Bạn đọc Phan Văn Chương - phanvanchuong…@gmail.com

BS cho hỏi em đi xét nghiệm máu viêm gan cho kết quả: kháng thể siêu vi gan B 202.5 dương tính và viêm gan siêu vi B kháng nguyên 0.17 âm tính. Em không hiểu lắm, mong BS giải thích giúp. Có phải em đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Xin chúc mừng em nếu những gì em nêu trong thư là chính xác thì em đã có đủ kháng thể tự nhiên do cơ thể em tự tạo ra để ngăn ngừa bệnh viêm gan B xâm nhập và dư sức dùng đến cuối đời mà không cần chích ngừa gì cả.


- Bạn đọc Phan Thị Mến - Khánh Hòa

Dạ em chào BS,

Em là Mến, 24 tuổi, em đã đi viện Pastuer xét nghiệm và định lượng có tới hơn 3 tỉ virus và là virus sống, nhưng tình trạng men gan vẫn tốt. Cho em hỏi là với tình trang này thì bệnh của cháu có thể lây truyền qua người khác qua đường nào?

Em có đứa em gái ở chung phòng, vậy khi ăn uống sinh hoạt trong phòng thì khả năng lây nhiễm có cao hay không và cách hạn chế lây nhiễm là sao ạ? Mong được BS trả lời giúp, em xin chân thành cảm ơn ạ!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Mến,

Với tuổi của bạn + xét nghiệm định kỳ của bạn, mặc dù chưa khám bệnh trực tiếp cho bạn tôi dự đoán bạn bị viêm gan B mạn thể người lành mang mầm nên vấn đề quan trọng là đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định đúng thể bệnh, từ đó có hướng theo dõi, điều trị thích hợp.

Với tình trạng virus như bạn thì vẫn có khả năng lây lan nhưng viêm gan B chỉ lây qua 3 đường: mẹ mang thai lây sang con, đường máu, quan hệ tình dục không an toàn. Việc ăn uống chung không lây viêm gan B trừ khi cả bạn lẫn em bạn đều bị lở loét miệng họng hoặc chảy máu răng.

Tuy nhiên, viêm gan B đã có thuốc chủng ngừa thì tại sao bạn không đưa em bạn đi khám, xét nghiệm, nếu chưa có bệnh thì chủng ngừa là cách đơn giản nhất.


- Bạn đọc Phúc Vo - vothien…@gmail.com

Có loại thuốc trị dứt điểm viêm gan B không ạ, em điều trị viêm gan B đã được 4 năm rưỡi và sức khỏe và men gan bình thường, và 4 năm chỉ dùng 1 loại thuốc là tenofovir.

Hôm nay em có đi khám ở BV, và có nghe BS nói chuyện với bệnh nhân là có thuốc 13 triệu/ tháng, uống 3 tháng là hết, và cách đây 1 tuần lúc đi mua thuốc ở tiệm thuốc tây họ cũng bảo có loại thuốc 14 triệu/2 tháng uống là hết. Vậy cho em hỏi có loại thuốc nào đắt tiền uống hết không ạ, vì em uống miết tenofovir sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này. Những loại thuốc đắt tiền đó uống có vấn đề gì không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Cho đến giờ phút hiện tại (tháng 11/2016) tại Hội nghị chuyên khoa Gan ở Hoa Kỳ mà tôi mới vừa tham dự thì chưa có thuốc nào mới nhất để điều trị viêm gan B trong vòng 3 tháng. Hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới cũng tương tự như vậy. Những loại thuốc bạn nghe nói tôi dự đoán là các loại thuốc mới trị viêm gan C hoàn toàn không áp dụng được cho bạn.

Trường hợp của bạn tôi dự đoán như trường hợp của bạn đọc Trung - vuthanhtrung…@gmail.com, mời bạn xem câu trả lời ở trên.


- Bạn đọc Tr. V. Dũng - Tiền Giang

Con chào BS, con vừa xét nghiệm ALT 229U/L AST 89U/L, chỉ số HBSAG của con là 4829 S/CO HBeAG 1249 S/CO. Con được kết luận là viem gan B mạn. BS có thể tư vấn giúp con tình trạng con như thế nào không ạ? Con cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Tôi không khám bệnh trực tiếp cho bạn nhưng với kết quả này tôi dự đoán bạn bị viêm gan B mạn thể hoạt động nên khả năng diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan là cao nếu không điều trị tích cực.

Bạn nên đi khám bệnh với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm thêm chuyên sâu đồng thời điều trị sớm và theo dõi định kỳ vì trường hợp của bạn, theo kinh nghiệm điều trị của tôi sẽ cần điều trị kéo dài ít nhất là 5 năm.

- Bạn đọc Anh Thang - anhthang…10@gmail.com

Tôi có đi xét nghiệm viêm gan B thì được kết quả là 30iu/l. Vậy cho hỏi chỉ số trên có nghĩa là gì? Tôi có phải tiêm phòng không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Kết quả bạn cung cấp không đầy đủ nên việc tư vấn sẽ không chính xác. Bạn nên chụp hình toàn bộ xét nghiệm và gửi lại cho chúng tôi qua maiil tuvan@alobacsi.vn nhé!


- Bạn đọc N.H. - d…@gmail.com

Em muốn sinh thêm con. Chồng em bị viêm gan B. Đã uống gentino 4 năm và hiện nay cũng đang uống. Kết quả men gan ổn định. Số đếm đạt ngưỡng cho phép. Vậy em có nên có con không? Và nếu có thì nên kiểm tra định kì như thế nào? Em xin cảm ơn..

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Việc uống thuốc của chồng bạn không ảnh hưởng đến việc sinh thêm con.

Bạn nên đi kiểm tra viêm gan B nếu chưa bị thì chích ngừa, đây là cách đơn giản nhất và lúc đó thì bạn mang thai hoàn toàn yên tâm không bao giờ bị lây cho con. Tuy nhiên, sau khi em bé ra đời thì em bé nên được tiêm ngừa viêm gan B để phòng bé bị lây từ cha trong suốt quá trình sinh hoạt, mặc dù khả năng này rất thấp nhất là khi cha của bé đã điều trị liên tục và nồng độ virus dưới ngưỡng.


- Bạn đọc Quang - quangbhxh…@gmail.com

Tôi đi xét nghiệm bị viêm gan B tôi đang dùng thuốc protevir (Tènovir 300mg) gần buổi chiều hay gặp cơn đau hạ sườn, phải thường xuyên dùng thuốc được 2 tháng. Cho tôi hỏi thuốc ý điều trị có tốt không và có còn phương pháp nào hiệu quả hơn không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Nếu chỉ có xét nghiệm viêm gan B mà không khám bệnh trực tiếp cũng như xét nghiệm đánh giá thể bệnh viêm gan B là thể hoạt động hay không thì thường BS chưa cho điều trị. Trường hợp của bạn tôi dự đoán bạn bị viêm gan B thể hoạt động và BS cho dùng thuốc như thế là hợp lý.

Tuy nhiên, bạn cần theo dõi điều trị lâu dài, thông thường sẽ kéo dài ít nhất 5 năm. Thuốc uống có thể có tác dụng phụ: ăn không ngon, buồn nôn, đau bụng, tuy nhiên bạn nên quay lại khám với BS cho thuốc để kiểm tra lại xem có bệnh gì kèm theo không, ví dụ như sỏi mật.


- Bạn đọc Thu Hà - Tây Ninh

Tôi xét nghiệm kết quả bị sán lá gan lớn, xin hỏi BS có điều trị hết không và liệu trình điều trị là bao lâu? Ở viện Pasteur có điều trị không? Cám ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Bệnh sán lá gan hiện tại ở Việt Nam đã có thuốc điều trị rất hiệu quả. Thông thường liệu trình điều trị sẽ theo dõi sát trong 1 tuần đầu rồi sau đó chỉ hỗ trợ gan chờ hồi phục. Quá trình hồi phục đôi khi mất tối thiểu 1 - 2 tháng. Bạn nên theo dõi với BS chuyên khoa Truyền nhiễm hoặc chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật.


- Bạn đọc Trần Thị Soàn - tranthisoan…@gmail.com

Chào BS Lưu Phương,

Tôi vừa đi xét nghiệm máu để chích ngừa viêm gan B. Thế nhưng, có kết quả rồi mà tôi vẫn không hiểu được. Kết quả là như sau:

HBSAg: Âm tính

Anti HBS: Dương tính (S/CO : 13.2)

BS cho tôi hỏi...Dương tính 13.2 vậy tôi có bị bệnh không?? (Tôi nghĩ dương tính là tôi đã bị bệnh nhưng nhẹ có thể chích ngừa và không bị nặng hơn về sau). Mong BS giaỉ thích rõ dùm. Tôi xin cCảm ơn!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Với kết quả của bạn là rất tốt, chứng tỏ bạn chích ngừa đã có hiệu quả phòng bệnh nhưng nồng độ kháng thể phòng bệnh của bạn còn yếu, sẽ mất dần theo thời gian. Theo tôi, bạn nên đi chủng ngừa tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì nồng độ kháng thể phòng bệnh này.


- Bạn đọc Phú Vinh - TPHCM

Chào BS mong BS tư vấn giúp em,

Chẳng là em có thằng bạn ba mẹ nó chết vì bệnh gan (em không biết viêm gan gì), em nghĩ nó cũng bị di truyền, nhưng do hoàn cảnh sinh viên nên em ở chung phòng với nó ăn uống chung dùng chung ly thì em nghĩ sẽ khó lây.

Nhưng cái em sợ nhất là bị muỗi chích nó hút máu mà bệnh lại lây qua dường máu, mà muỗi chích thì đập mà đập thì dính máu rồi. Vậy BS cho em hỏi em có bị lây không? Nếu bị lây thì biểu hiện là gì? Em xin chân thành cảm ơn các BS của AloBacsi đã tư vấn giúp em.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em Vinh,

Máu của chúng ta khi bị muỗi chích đã vào trong dạ dày của muỗi thì thay đổi môi trường không phù hợp với virus nên muỗi không truyền bệnh viêm gan B và HIV. Ngay cả việc muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là đã được chứng minh thì không phải loài muỗi nào cũng truyền được bệnh này.

Ví dụ loài muỗi thuộc giống Aedes thì mới truyền bệnh sốt xuất huyết chứ không truyền được bệnh sốt rét, loài muỗi giống Anopheles thì mới truyền bệnh sốt rét chứ không truyền được bệnh sốt xuất huyết.


- Bạn đọc Nhật Nguyên - nhat.nguyen…@gmail.com

Tôi bị viên gan B mạn tính nhưng đi khám BS ở BV nhiệt đới thì không cho uống thuốc mà chỉ để theo dõi bắt 3 tháng tái khám tôi đi khám được gần 1 năm rồi nhưng vẫn nói vậy. Cho hỏi BS là bệnh của tôi như thế nào và cần uống thuốc và nên kiêng cữ những thứ gì không và bệnh này có thể chữa hết không ạ? Cảm ơn BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Trường hợp của bạn tôi dự đoán bạn bị viêm gan B thể người lành mang mầm hoặc thể ngủ yên nên chưa cần điều trị mà chỉ cần theo dõi định kỳ khoảng 2 lần/ năm vì ở thể này rất hiếm khi gây biến chứng xơ gan, ung thư gan mà thuốc thì lại tác động trên virus rất yếu khi nó đang ở thể này, chỉ khi nào virus chuyển sang thể hoạt động thì mới cần điều trị để ngừa diễn tiến ung thư gan, xơ gan đồng thời ở thể này là lúc virus trở nên nhạy với thuốc hơn cả và lúc này là điều trị kéo dài tối thiểu là 5 năm.

- Bạn đọc Phúc Võ - Đà Nẵng

Em năm nay 22 tuổi, bị viêm gan B và đang điều trị được 4 năm với thuốc tenofovir, đã hơn 10 năm nay em không có chịu chứng của sốt hay cảm, sổ mũi hay viêm họng thì có, nhưng rất lâu rồi chưa bị sốt.

Em đọc trên các diễn đàn sức khỏe có thấy, lâu quá không bị sốt hay cảm cúm, thì rất dễ bị các bệnh nghiêm trọng, vì cơ thể đề kháng yếu nên không có phản ứng lại các tác nhân gây bệnh, vậy cho em hỏi có cách nào kiểm tra sưc đề kháng cơ thể không ạ, em đọc thấy bảo sức đề kháng yếu nếu mà bị bệnh thì sẽ rất nặng nên hơi lo ạ.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Xin chúc mừng bạn, như vậy là đề kháng của bạn rất tốt khi nhiễm bệnh cảm thông thường hoặc viêm họng thông thường, cơ thể bạn đã tự giải quyết rất nhanh chóng mà không cần dùng thuốc và không ảnh hưởng đến công việc và học hành của bạn. Vậy là điều đáng mừng chứ không phải đáng lo, em nhé.


- Bạn đọc Trí Quyết - 19…@gmail.com

BS ơi bé nhà em bi men gan cao 350, bé chữa xuống nữa rồi lại tăng. Xét nghiệm không tìm thấy nguyên nhân, vậy BS có cách nào chữa cho bé không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Trí Quyết,

Tôi nghĩ bạn nên cho bé đi khám chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật của nhi của BV Nhi đồng để xét nghiệm chuyên sâu cho bé vì ở trẻ nhỏ đôi khi có 1 số bệnh bẩm sinh mà ít khi gặp ở người lớn như rối loạn về chuyển hóa các chất trong cơ thể làm cho men gan tăng kéo dài.


- Bạn đọc Phương Trần - the...@gmail.com

Chào BS,

Bạn gái sắp cưới của em hôm đi khám ở viện Pasteur kết quả là bị viêm gan B, BS bảo 3-6 tháng sau tái khám. Hôm qua đi khám ở BV Nhiệt đới, BS bảo chỉ bị nhiễm chứ không viêm nên sẽ không lây cho chồng và sinh con cũng không lây cho con. BS cũng bảo đã bị từ nhỏ nhưng giờ mới phát hiện. Trước đây bạn em có đi hiến máu rất nhiều lần nhưng không nghe nói gì đến viêm gan B cả.

Vậy BS Lưu Phương cho em hỏi: Nhiễm với viêm khác nhau như thế nào? Có ảnh hưởng gì đến con (nếu sinh con) không? Bao lâu thì cần đi xét nghiệm lại? Bị nhiễm viêm gan B vẫn đi hiến máu được vậy có truyền bệnh cho người nhận máu không? Cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Trường hợp của bạn tôi dự đoán là đã bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính nhưng ở thể ngủ yên hoặc thể người lành mang mầm bệnh. Thể này thường chỉ cần theo dõi định kỳ.

Chữ “viêm” mà bạn nói thường để nói lên nhiễm virus viêm gan B mạn tính thể hoạt động. Thể này thường phải được điều trị tích cực để ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan về sau.

Nhiễm viêm gan B mạn tính thường không có triệu chứng gì cả nên được chúng tôi gọi là “mối nguy thầm lặng” ngay cả trường hợp ở thể hoạt động tức là có “viêm” thì chỉ có 1 số bệnh nhân có các biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, đầy bụng giống như đau bao tử , chỉ phát hiện được khi xét nghiệm chuyên sâu về bệnh lý gan đó.

Trường hợp bạn gái bạn có thể từ lần hiến máu trước thì chưa bị nhiễm, mới bị nhiễm trong thời gian 1-2 năm gần đây do quá trình sống và sinh hoạt hoặc trước đây khi độ nhạy của các bộ xét nghiệm chưa mạnh sẽ bỏ sót những trường hợp nồng độ thấp (tương tự ngày xưa bạn muốn có Iphone 7 sẽ không thể nào có mà chỉ có Iphone 4 hoặc 5 thôi, nhưng lẽ đương nhiên Iphone 7 sẽ nhạy hơn, mạnh hơn và chụp hình đẹp hơn).

Bạn gái bạn cần đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định đúng thể bệnh để lên kế hoạch theo dõi và điều trị nếu cần. Bệnh viêm gan B không cho máu được nhưng vẫn có thể mang thai được. Bạn xem thêm bài viết của tôi để hiểu rõ hơn về các thể bệnh nhé, chú ý 1 phụ nữ có thai.

>> Bệnh viêm gan B - Mối nguy thầm lặng


- Bạn đọc Phuong Dao - daothiphuong…@ic...com

Men gan cao ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không BS, có cần điều trị không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Tùy theo mức độ tăng của men gan mà có thể nói là có nguy hiểm hay không. Tuy nhiên ở lứa tuổi sơ sinh có rất nhiều bệnh hoàn toàn không liên quan đến gan mà vẫn có thể gây tăng men gan, đơn giản nhất là nhiễm trùng sơ sinh. Vậy bạn nên cho bé đi khám với BS chuyên khoa Nhi để có được tư vấn, theo dõi và điều trị tốt nhất.


- Bạn đọc Nhị Trinh - Long An

BS ơi mẹ con bị viêm gan B mạn và tiểu đường týp 2. Cho con hỏi bệnh gan đó có nguy hiểm không... ăn uống phải như thế nào uống thuốc tây có nóng lắm không, điều trị có khỏi không? Con cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Viêm gan B mạn tính có nhiều thể bệnh: thể người lành mang mầm, thể ngủ yên và thể hoạt động. Bạn cần cho mẹ bạn khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để xác định đúng thể bệnh nhằm lên kế hoạch theo dõi, điều trị, hạn chế biến chứng xơ gan, ung thư gan về sau.

Tiểu đường type 2 gây nhiều biến chứng trên tim mạch, thận, mắt, thần kinh nếu không được theo dõi, điều trị đầy đủ. Tuy nhiên, nếu xét riêng về bệnh gan thì tình trạng tiểu đường không kiểm soát tốt sẽ làm cho gan dễ nhiễm mỡ và làm ảnh hưởng đến chức năng gan, đồng thời cộng hưởng với bệnh viêm gan B sẵn có làm dễ bị biến chứng xơ gan nhiều hơn. Mẹ bạn cần theo dõi và điều trị định kỳ.


- Bạn đọc Hiền Nhân - tran…@gmail.com

Chào BS, năm nay em 20 tuổi khoảng 3 tháng trước em có xét nghiệm và biết mình nhiêm viêm gan B mạn. Trong vài ngày nay da em chuyển vàng, em đi xét nghiệm lại và có kết quả HBeAb âm tính 55.48 HBeAg dương tính 1701.407; còn lại các men gan thì bình thường, ổn định. Vậy cho em hỏi tình trạng bệnh em như thế nào và cần dùng thuốc gì?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Tôi không khám bệnh trực tiếp cho bạn nhưng với kết quả này tôi dự đoán bạn bị viêm gan B mạn thể hoạt động nên khả năng diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan là cao nếu không điều trị tích cực. Ngoài ra, nếu đúng bạn bị vàng da thì càng phải đi khám sớm vì ngoài bệnh viêm gan B thì còn có các bệnh liên quan đến đường mật cũng gây vàng da.

Bạn nên đi khám bệnh với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm thêm chuyên sâu đồng thời điều trị sớm và theo dõi định kỳ. Trường hợp của bạn theo kinh nghiệm của tôi sẽ cần điều trị kéo dài ít nhất là 5 năm.


- Bạn đọc N.T.K. Mai - Bình Thuận

Tôi bị K vú trái, đang điều trị ở BV Ung bướu TPHCM, đã vào hóa chất 2 lần, mỗi lần cách nhau 20 ngày. Đáng lý là đã 3 lần nếu tính đến ngày 21/12/2016 nhưng lần 3 cũng như lần 2 phải quay về nhà do men gan, chức năng gan tăng cao vượt ngưỡng qui định đến 3 lần.

Tôi xin hỏi: Có phải hóa chất còn trong cơ thể đã ảnh hưởng đến gan? Nếu cứ như thế gan có bị tổn thương không? Kính mong BS tư vấn, thành thật cảm ơn BS nhiều.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Mai,

Trường hợp của bạn bi tăng men gan là do tác dụng phụ của thuốc trị ung thư. Gần như tất cả các hóa chất trị ung thư nói chung đều có tác dụng độc tính trên gan và gây tăng men gan. Trường hợp của bạn chỉ vượt ngưỡng quy định 3 lần là tương đối nhẹ. Tuy nhiên, phải chờ cho gan hồi phục thì mới tiếp tục vào 1 đợt hóa chất nữa. Trong thời gian này bạn nên chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và khám thêm với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để dùng thêm thuốc hỗ trợ gan.


- Bạn đọc Nguyen Binh - nguyenthi…@gmail.com

Chào BS,

Cháu năm nay 25 tuổi. Hôm nay cháu đi xét nghiệm máu thì kết quả là dương tính với virut viên gan B. BS kê đơn cho cháu thuốc Tenofovin STADA 300mg. Hiện tại virut của cháu đang ở thể ngủ đông. Vậy điều trị thuốc trong vòng bao nhiêu lâu thì sẽ trở về âm tính ạ. Rất mong nhận được sự tư vấn của BS ạ .

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Tôi không khám bệnh trực tiếp cho bạn cũng như không cho xét nghiệm cũng như thấy xét nghiệm cụ thể của bạn nên tất cả chỉ là dự đoán, nếu đúng BS nói với bạn bạn bị viêm gan B đang ở giai đoạn ngủ yên thì chỉ cần theo dõi định kỳ chứ chưa cần uống thuốc đặc trị vì bạn còn khá trẻ.

Như vậy dường như trong thư bạn viết có 2 điều mâu thuẫn nên tôi không thể tư vấn sâu hơn được. Bạn xem thêm bài viết của tôi về các thể bệnh viêm gan B để hiểu rõ hơn: >> Bệnh viêm gan B - Mối nguy thầm lặng.


- Bạn đọc S.H. - hoa…@gmail.com

Chào BS,

Cháu năm nay 23 tuổi, cháu mắc bệnh viêm gan B. Thời gian mắc bệnh thì cháu k rõ nhưng cháu vừa xét nghiệm cách đây 1 tháng thì được kết quả là dương tính với viêm gan B. Giờ cháu muốn đi làm nhưng do các công ty nước ngoài người ta yêu cầu khám sức khoẻ và xét nghiệm. Vậy xin nhờ BS tư vấn giúp cháu. Cháu nghe nói uống thuốc tránh thai 1h là có thể làm sai lệch xét nghiệm,điều đó có đúng không ạ? Cháu cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Việc nhiễm viêm gan B không phải là 1 yếu tố để từ chối nhận bạn vào làm việc hay ngay cả việc xuất cảnh định cư sang các nước Úc, Hoa Kỳ… ngoại trừ bạn muốn mua bảo hiểm nhân thọ thì phí bảo hiểm sẽ mắc hơn bình thường.

Thuốc ngừa thai không làm thay đổi xét nghiệm viêm gan B mà chỉ có tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến men gan là hoàn toàn không tốt cho người nhiễm viêm gan B như bạn.

Với tuổi của bạn + xét nghiệm định kỳ của bạn, mặc dù chưa khám bệnh trực tiếp cho bạn tôi dự đoán bạn bị viêm gan B mạn thể người lành mang mầm. Vì vậy vấn đề quan trọng là bạn cần đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định đúng thể bệnh để có hướng theo dõi, điều trị thích hợp.

Bạn xem thêm bài viết của tôi để hiểu rõ về bệnh viêm gan B: >> Bệnh viêm gan B - Mối nguy thầm lặng.


- Bạn đọc Thanh Tùng - Q. Bình Thạnh, TPHCM

Xin hỏi BS,

Tôi đi khám sức khỏe định kỳ thì thấy gan có để là: Anti HBS (ECL): 2.00 (<10mUl/ml), HBSAg.: positive. Nhờ BS giải thích và cho lời khuyên. Chân thành cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Tùng,

Với kết quả xét nghiệm định kỳ cho thấy bạn đã bị nhiễm virus viêm gan B từ trước mà không biết. Bạn nên khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm chuyên sâu hơn nhằm đánh giá đúng thể bệnh, từ đó có hướng chỉ cần theo dõi định kỳ hoặc điều trị tích. Bạn xem thêm bài viết về viêm gan B của tôi để biết về các thể bệnh: >> Bệnh viêm gan B - Mối nguy thầm lặng.


- Bạn đọc Huyền Trân - huyentran…@gmail.com

Dạ BS cho con hỏi,

Ngày 18/11/ 2016 con có đi xét nghiệm viem gan B ở Pasteur để chuẩn bị chích ngừa. Nhưng kết quả của con bị dương tính nên không được chích ngừa viêm gan B. Kết quả của con như sau:

HBSAg dương tính 1699 (Col<1.0)

Anti HBS âm tính < 2.00(<10) IU/L

Total Anti HBc dương tính 0.006(Col >1.0)

SGOT(Ast) 34.2(32)ul/l

SGPT(ALT) 73.9 (<33) ul/l

A F P 2.75(<_7.0) ng/ml

HBeAg dương tính 2173 (col <1.0)

Anti HCV âm tính 0.036(col <1.0)

BS ở đó chỉ nói con bị viêm gan B mãn tính có nghĩa trên 6 tháng rồi. BS kê toa 1 tháng gồm 1 loại thuốc Silymarin 60 viên, ngày uống 2 lần. Hẹn 3 tháng sau xét nghiệm lại.

Xin BS Lưu Phương cho con biết bệnh của con có nghiêm trọng không? BHYT của con ở BV 115, con có cần phải đi BV 115 để điều trị lại không? Hay uống hết thuốc của BS ở viện Pasteur con nên tái khám ở đó? Con có nên uống thảo dược hay trà cà gai leo hỗ trợ không ạ?

Hiện tại con rất buồn và suy nghĩ lung tung. Mong BS hồi đáp cho con để biết bệnh của con như thế nào. Con xin cảm ơn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Huyền Trân thân mến,

Tôi chưa trực tiếp khám bệnh cho em nhưng với kết quả em cung cấp, tôi dự đoán em bị nhiễm viêm gan B mạn, trước đây ở giai đoạn ngủ yên và bây giờ có vẻ như virus sắp chuyển sang dạng hoạt động.

Em không nên suy nghĩ lung tung vì bệnh này vẫn có thuốc điều trị, chỉ có điều là phải uống thuốc lâu dài. Em hoàn toàn có thể lấy chồng, sinh con bình thường nên không có gì phải buồn chán.

Nếu em quá lo sợ, chỉ cần uống thuốc 1 -2 tháng rồi đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để xác định chính xác bệnh có thực sự sắp chuyển từ thể ngủ yên sang thể hoạt động hay không để lên kế hoạch điều trị kéo dài. Em có thể theo dõi bệnh tại nơi đã đăng ký BHYT.

Em xem thêm bài viết của tôi để hiểu hơn về bệnh viêm gan B: >> Bệnh viêm gan B - Mối nguy thầm lặng.


- Bạn đọc Trung Thực - trungthuc…@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Với kết quả xét nghiệm thì em bị viêm gan A hay B?

Dạ, cảm ơn lời tư vấn của BS ạ,

Em có câu hỏi thêm. HBSAg (nhanh) và Anti-HCV(nhanh) đều cho kết quả âm tính, vậy em có khả năng bị viêm gan B không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Với tình huống của em như tôi đã tư vấn lần trước, lần này em đưa 2 kết quả test nhanh đều âm tính thì vẫn chưa chắc chắn là em không bị viêm gan B và viêm gan C.

Điều em cần làm là nên khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm chuyên sâu về 2 bệnh viêm gan B và C nhằm chẩn đoán chính xác, nhất là ở giai đoạn “cửa sổ” thì phải xét nghiệm chuyên sâu thì mới phát hiện được. Ngoài ra, nếu không phải 2 bệnh này thì BS chuyên khoa sẽ tìm thêm những bệnh hiếm gặp khác.


- Bạn đọc Huỳnh Mỹ Uyên - hoamy…@gmail.com

Tôi và con đều bị viêm gan B (con tôi đc 7 tuổi) vậy có uống cây chó đẻ như thế nào là được?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Cây chó đẻ là một loại thảo dược thiên nhiên có tác dụng tốt cho gan, tuy nhiên không trị được viêm gan B vì nó không tiêu diệt virus viêm gan B.

Bạn và con bạn nên đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định đúng thể bệnh có ở thể hoạt động hay không để lên kế hoạch theo dõi điều trị lâu dài và phù hợp chứ không nên tự uống thuốc như vậy.


- Bạn đọc Ân Nguyễn - dieude…@gmail.com

Xin chào BS!

Hiện tại em không có bệnh lí nào về gan nhưng do tính chất công việc phải tiếp khách và sử dụng nhiều rượu bia. Em muốn bảo vệ gan tránh khỏi nguy cơ mắc các bệnh thì nên sử dụng loại thuốc bổ gan nào tốt ạh? Xin cảm ơn BS.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Ân,

Cho đến nay về khoa học và y học thì chưa có loại thuốc nào uống vào để bảo vệ gan rồi đi uống rượu. Các loại thảo dược cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ chức năng gan thôi chứ không thể bảo vệ gan để cho bạn yên tâm uống rượu bia mà không ảnh hưởng gan, bạn nhé.

Buổi tư vấn trực tiếp của BS Trần Ngọc Lưu Phương kéo dài thêm 1 giờ so với dự kiến vì lượng câu hỏi đổ về quá nhiều. Tuy đã quá 12g trưa nhưng BS Lưu Phương vẫn nhiệt tình trả lời đến câu hỏi cuối cùng.

Thay mặt bạn đọc, AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã chia sẻ những kiến thức mới nhất về điều trị viêm gan C, cũng như tấm lòng của ông đối với các bạn đọc - bệnh nhân của AloBacsi.


Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Một số kỳ tư vấn trước:


>>> BS Lưu Phương giải đáp thắc mắc về bệnh Tiêu hóa gan mật tối 9/11
>>> Giao lưu trực tuyến: Thức ăn nhanh lợi, hại cho sức khỏe như thế nào?
>>> BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải đáp thắc mắc về bệnh viêm gan B, C

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X