Hotline 24/7
08983-08983

BS Lan Hương hướng dẫn cách nhận biết cơn đau quặn mật điển hình

Đặc điểm nhận biết cơn đau quặn mật điển hình, kiêng cữ sau khi mổ ruột thừa nội soi, buồn nôn khi đánh răng,… là nội dung tư vấn của BS Lan Hương chiều 13/10.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương


 Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Ngọc Thủy - Tây Ninh

Chào BS!

Xin hỏi tôi đã siêu âm 2 lần kết quả đều có sỏi túi mật 10mm, thỉnh thoảng cũng hay bị đau bên hông phải ở bụng nhưng BS siêu âm chỉ giải thích về sỏi mật. Vậy trường hợp tôi có bệnh cao huyết áp thì phẫu thuật có nguy hiểm không? Và nếu phẫu thuật dịch vụ khoảng bao nhiêu? Xin BS tư vấn dùm. Cám ơn nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Thủy,

BS siêu âm chỉ giải thích về sỏi mật cho bạn là đúng, bởi vì BS siêu âm chỉ thông báo về kết quả siêu âm, BS khám trực tiếp cho bạn mới tổng hợp thông tin thăm khám + các kết quả xét nghiệm mới đưa ra chẩn đoán được.

Về vấn đề sỏi túi mật thì nếu bạn đau hạ bên hông lưng phải với đặc điểm của cơn đau quặn mật thì nhiều khả năng là do sỏi túi mật này làm tắc cổ túi mật gây đau.

Đặc điểm của cơn đau quặn mật điển hình là: thường xuất hiện sau ăn khoảng 1-2 giờ, đặc biệt là bữa ăn nhiều mỡ, hay ăn nhiều sau một thời gian nhịn đói kéo dài. Cơn đau xuất hiện đột ngột. Mức độ đau thường từ ttrung bình trở lên. Bệnh nhân có cảm giác đau quặn, đau ở dưới bờ sườn phải hay vùng thượng vị. Cơn đau thường kéo dài khoảng 30 phút đến hai giờ và đau liên tục. Sau đó cơn đau giảm nhiều và bệnh nhân còn cảm giác đau ê ẩm trong khoảng 6-12 giờ sau đó. Có thể kèm buồn nôn, nôn.

Ngược lại, nếu tính chất đau vùng hông lưng phải của bạn không điển hình như trên thì có thể do những nguyên nhân khác, không phải do sỏi túi mật gây ra, như thần kinh cơ, cột sống thắt lưng, thận...

Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng.

Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm…

Do vậy, bạn nên đem kết quả siêu âm này đến khám tại BS chuyên khoa ngoại tổng quát hay chuyên khoa nội tiêu hóa đều được, để BS thăm khám kỹ + kiểm tra tất cả xét nghiệm đã làm, từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp.

­­­

- Tr.Th. Thắm - Đắk Lắk

BS cho em hỏi em đi xét nghiệm BS cho kết quả bạch cầu % là NEU 44.30 SYM 44.30 MONO 5.83 và hồng cầu là 11.8. BS nói là không bình thường. Rất mong AloBacsi cho em biết đây là bệnh gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser của em có huyết sắc tố là Hemoglobin 11,8g/dL có hơi giảm nhẹ, là có thiếu máu nhẹ, vì em không nêu các giá trị khác của hồng cầu như MCV, MCHC nên BS dự đoán là trong giới hạn bình thường, cho thấy thiếu máu đẳng sắc đẳng bào.

Bên cạnh đó, nổi bật là tỷ lệ phần trăm bạch cầu thay đổi, với phần trăm Neutrophil giảm, Lympho tăng, giá trị tuyệt đối của mono bào tăng. Tình trạng này có thể gặp trong viêm nhiễm mạn tính, bệnh lý huyết học, cũng có thể do mono bào trong giai đoạn chuyển tiếp sang neutrophil (phần trăm bên neutrophil lại giảm nhẹ)...

Nhìn chung BS chỉ có thể kết luận là bất thường, chưa đủ dữ kiện để định bệnh cho em được, vì phải dựa vào thăm khám trên lâm sàng cùng các kết quả xét nghiệm khác nữa.

Em nên đến khám lại BV Truyền máu Huyết học ở TPHCM hoặc chuyên khoa/ BV huyết học tại địa phương để kiểm tra lại công thức máu và một số xét nghiệm có liên quan (BS sẽ chỉ định trong khi nhận bệnh), để chẩn đoán xác định và điều trị thích hợp.


- Hoàng Nam - Hà Nội

Câu hỏi trước:

>> Bị dính ruột sau mổ nội soi ruột thừa phải làm sao?

Dạ, BS cho em hỏi thêm với ạ,

Hiện tại em vẫn bị đau bụng liên tục mà công việc của em nghỉ nhiều không được tiện cho lắm. Em muốn hỏi BS thêm trường hợp như em thì em muốn mổ lại để khắc phục triệt để được không ạ? Em cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đối với các trường hợp có dây dính trong ổ bụng sau phẫu thuật vùng bụng thì BS sẽ cố gắng hết sức để không phải mổ bụng trở lại, trừ khi dính ruột gây tắc ruột (xuất hiện tứ chứng đau bụng, nôn ói, bí trung đại tiện, chướng bụng).

Còn lại không có chỉ định và không nên “mổ lại để khắc phục”, bởi vì sau mỗi lần mổ bụng thì sẽ tái hình thành dây dính nhiều hơn và nguy cơ dính ruột lại càng tăng. Để phòng bệnh, chủ yếu em chú ý ăn thức ăn dễ tiêu, hạn chế ăn rau sống, không chạy nhảy và tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng.


- Viet Duy - Đồng Nai

Thưa BS!

Em năm nay 26 tuổi. Gần đây mỗi lần ăn cơm xong em hay thấy mệt, bụng chướng rất khó chịu. Phải nghỉ 1 lúc mới đỡ, hay mất tập trung, hay quên và hay bị nôn trong lúc đánh răng. Cho em hỏi em bị gì vậy ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Duy thân mến,

Triệu chứng khó chịu, chướng bụng sau ăn cơm còn gọi là đầy hơi, khó tiêu. Cơm là thực phẩm nhiều tinh bột, hơi khó tiêu nếu ăn nhiều, nhất là ăn kèm với thức ăn nhiều dầu mỡ chua cay hay ở người vốn dĩ ít ăn cơm, cơm tấm hay gạo nếp khó tiêu hơn cơm bình thường, người nhai nhanh nuốt lẹ thì thường bị đầy hơi hơn người nhai chậm nuốt chậm.

Ngoài ra, triệu chứng này còn gặp trong một số bệnh lý, thường gặp nhất là viêm dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, nhiễm giun sán...

Vấn đề nôn trong lúc đánh răng có thể do đưa bàn chải vào sâu trong thành họng, cũng có gặp trong bệnh cảnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.

Do bệnh lý về dạ dày thường gặp nhất và nghĩ đến nhiều nhất em nên BS khuyên em nên khám BS chuyên khoa tiêu hóa để BS chẩn đoán xác định bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm, nếu nghi ngờ bệnh dạ dày thì tốt nhất nên nội soi dạ dày tá tràng xem viêm ở đâu, có loét không, có nhiễm Hp không) và kê thuốc thích hợp.

Song song đó, em cần ăn giảm tinh bột, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu và các thực phẩm làm tăng tạo hơi đường ruột (khoai, đậu, mì gói, nước có gas, trứng, rượu, đường nhân tạo).


- Ngô Văn Nam - Khánh Hòa

Tôi 53 tuổi, khi đi siêu âm tim BS chẩn đoán: hở van ĐMC 2,5/4 EF: 70%. Cho tôi hỏi vậy đã có chỉ định phẫu thuật chưa, và giá phẫu thuật là bao nhiêu? Tôi lâu lâu mới đau ngực và khó thở nhẹ khi lam nặng, van ĐMC 3 lá mảnh. Khi nào thì có chỉ định phẫu thuật. Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chú Nam,

Với các thông tin chú cung cấp, hiện chưa có chỉ định phẫu thuật đối với bệnh hở van động mạch chủ, chú cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ theo hẹn của BS chuyên khoa tim mạch ở nơi chú đang theo dõi bệnh.

Chỉ định phẫu thuật đối với bệnh hở van động mạch chủ là:

- Hở van động mạch chủ nặng, cấp tính.

- Bệnh ĐMC: khi đường kính gốc ĐMC > 50 mm dù hở van ở mức độ nào.

- Hở van động mạch chủ mạn tính có kèm theo:

+ Triệu chứng suy tim ứ huyết (NYHA > 2) hoặc có đau ngực.

+ Phân số tống máu thất trái EF < 50%.

+ Đường kính thất trái cuối tâm thu > 55 mm.

+ Đường kính thất trái cuối tâm trương > 75mm.

+ Phân số tống máu giảm khi gắng sức.

Phẫu thuật điều trị bệnh hở van động mạch chủ chủ yếu là thay van, đôi khi sửa van động mạch chủ. Chi phí tùy thuộc vào gói dịch vụ, có BHYT hay không, nhưng nhìn chung là lên đến cả trăm triệu đồng. Chú nên theo dõi bệnh ở trung tâm chuyên khoa tim mạch.


- Nhi Dương - duongmy…@gmail.com

Chào BS,

Con có tiền sử bị viêm amidan, hàng năm hay tái phát gây ho, sốt từ 1 đến 2 lần, amidan to từ nhỏ. Gần 1 năm nay thì không bị nữa. Nhưng cổ có đờm. Mấy hôm nay con thấy lưỡi gà hơi dài ra vướng cổ họng. Không đau, ăn uống bình thường nhưng khó nuốt nước bọt. Cho con hỏi phải làm sao để khắc phục?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Nhi,

Lưỡi gà không mọc dài ra theo thời gian, nguyên nhân khiến em cảm thấy vướng cổ họng, khó nuốt nước bọt thường gặp nhất là do viêm họng mạn tính (amidan là 1 thành phần ở thành sau họng). Em có tiền căn viêm amidan mạn tính, “amidan to từ nhỏ”, dù 1 năm nay không còn hành sốt + ho đàm tái phát trong năm, nhưng amidan viêm phì đại mạn tính có thể gây nuốt vướng.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể góp phần gây viêm họng mạn dẫn đến triệu chứng kể trên là trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi xoang chảy dịch mũi sau, khô họng là thiếu nước, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá...

Em cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng sớm để BS chẩn đoán chắc chắn, cho thuốc phù hợp với cơ địa, tiền sử dùng thuốc của em và cân nhắc cắt amidan nếu có chỉ định. Trong thời gian đó, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và khi ngủ dậy và sau khi đi ở ngoài về.


- Đ.N.T. Hiên - Biên Hòa, Đồng Nai

BS ơi giúp em với,

Chồng em nghiện rượu mấy năm rồi. Giờ chồng em uống rượu về là người không tỉnh táo và hay kiếm chuyện với em, nói chuyện lung tung. BS có thể tư vấn giúp em loại thuốc nào cai rượu tốt không ạ? Mong sớm nhận hồi âm.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nghiện rượu mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe và tinh thần và cả cuộc sống, công việc của người bị nghiện rượu, đồng thời ảnh hưởng lên người thân xung quanh người bị nghiện rượu. Để giúp người bị nghiện rượu cai rượu thì đầu tiên cần có sự ủng hộ, trợ giúp, khuyên nhủ của những người thân trong gia đình.

Em cũng nên khuyên chồng em đi khám tổng quát để kiểm tra tổng thể, xem ảnh hưởng của rượu lên cơ thể đến đâu rồi, đặc biệt là gan mật và bệnh lý thần kinh do rượu. Khi thấy mình bắt đầu có bệnh do rượu, có thể giúp người nghiện rượu thêm quyết tâm.

Hiện nay, thuốc cai rượu trên thị trường có nhóm disulfiram (Abperal, ABStinyl, Espéral, Antabuse… ), naltrexon (trong cai nghiện ma túy), Boniancol là được dùng rộng rãi nhất. BS cần phải kiểm tra sức khỏe cho chồng em rồi mới chọn lựa loại thuốc và liều dùng thích hợp, an toàn cho chồng em được. Em nên khuyên anh ấy đến khám chuyên khoa tiêu hóa, em nhé.

- Bạn đọc có email bboynn…@gmail.com

Cách đây 2 tháng cháu bị va quẹt xe., lên BV khâu lại với thương và bó bột ngón tay út 1 tháng. Sau khi tháo bột và tháo chỉ xong, đốt đầu ngón tay út của cháu không thể nào duỗi thẳng được. Tình trạng bị vậy được 1 tháng rồi, giờ cháu phải làm sao ạ ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp, có khả năng ngón tay út bị chấn thương của em đã bị can xương lệch, xương lành trong trạng thái lệch trục gây mất thẩm mỹ. Những nguyên nhân khác có thể gặp là cứng khớp, tổn thương gân cơ, thần kinh...

Em nên khám lại ở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, chụp lại phim Xquang bàn tay. Sau khi BS đánh giá sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho em.


- Bích Liễu - Lạng Sơn

BS ơi em vừa khám BV Tai Mũi Họng về, BS nội soi nói là bị hạt xơ thanh quản rồi kê đơn, khám lại sau hai tuần. Nếu không đỡ có bị mổ không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hạt xơ dây thanh là u nhỏ bằng hạt gạo mọc ở bờ tự do dây thanh vị trí ở 1/3 trước và 1/3 giữa, có thể ở 1 bên hay 2 bên của dây thanh. Triệu chứng chủ yếu là khàn tiếng và nói mất hơi, nhưng không gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh hạt xơ dây thanh điều trị bảo tồn là chính, bao gồm: hạn chế nói lớn, nói nhiều, sử dụng dụng cụ khuyếch đại âm thanh, nếu có nội khoa kèm theo như trào ngược dạ dày, dị ứng... thì cần phải điều trị dứt điểm.

Trường hợp hạt xơ to hay điều trị bảo tồn không khỏi (vẫn khàn giọng, thậm chí khàn giọng tăng dù đã uống thuốc theo chỉ định), BS sẽ khuyên người bệnh nên phẫu thuật.

Như vậy, nếu như em uống thuốc mà không đỡ thì có 2 lựa chọn, một là phẫu thuật, 2 là BS điều chỉnh thuốc rồi uống tiếp. Đây là bệnh không bắt buộc mổ nên em không cần lo ngại chuyện “bị” mổ hay không, quyết định là ở em. Tuy nhiên, em cần chú ý là: sau mổ nếu em vẫn không giữ gìn 2 dây thanh âm thì có thể bị tái phát, em nhé.


- Lương Hoàng - vandat…@gmail.com

Em 26 tuổi, chưa có gia đình, em ăn nhạt và cơ thể em uống ít nước đi tiểu nhiều, nếu càng uống nhiều nước càng đi nhiều,vậy em có thể tới làm xét nghiệm gì về chức năng thận, làm tại hòa hảo được không ạ? và chi phí hết khoảng bao nhiêu ạ? Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi không rõ em lượng nước em uống và đi tiểu trung bình 1 ngày khoảng bao nhiêu nên không thể kết luận là em thật sự có “uống ít mà tiểu nhiều hay không”. Em cần lưu ý rằng ngoài lượng nước em uống thì cơ thể em còn được cung cấp nước bởi nguồn thức ăn mỗi bữa (cơm, canh, rau, trái cây...) và dịch tiêu hóa.

Ngoài mất nước qua đường tiểu thì cơ thể em còn mất nước qua đường phân, mồ hôi, bay hơi do nhiệt... Do đó cộng trừ mọi thứ lại thì nếu trung bình em nhập vào 2 lít nước /ngày, tiểu 2 lít/ngày là cân bằng vừa đủ, không phải là thận có vấn đề.

Việc uống nhiều đi tiểu nhiều lên là điều bình thường, không phải dấu hiệu của bệnh thận.

Vấn đề ăn nhạt là do cảm nghĩ của mỗi người, chưa chắc gì là đã cung cấp ít muối trong ngày.

Do vậy, để kiểm tra chức năng thận, điện giải, nội tiết tố... do lo lắng có vấn đề gì ảnh hưởng lên việc ăn nhạt, uống nước và đi tiểu của mình hay không, tốt hơn hết em nên đăng ký khám chuyên khoa thận, hoặc chuyên khoa nội tiết.

Sau khi thăm khám + hỏi bệnh, BS sẽ cho chỉ định thích hợp để em làm, đồng thời cũng diễn giải kết quả cho em. Chúng tôi không khám trực tiếp cho em, với thông tin em cung cấp thì khó có thể kê chỉ định xét nghiệm cho đầy đủ, không dư không thiếu.


- Hồng Nhung - pedinh…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 20 tuổi, bị bệnh hở van tim, rất hay có cảm giác nôn ói khi mệt và ngửi thấy mùi hôi. Gần đây em thấy gai đầu lưỡi bị bẩn, hơi đen, hai bên lưỡi cũng có gai đen nhưng chỉ vài cái. Em cũng không rõ là xuất hiện lâu chưa. Lưỡi em như thế là vì sao ạ, do bệnh tim hay còn nguyên nhân gì khác? em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hồng Nhung,

Lưỡi khỏe mạnh có màu hơi hồng và gai lưỡi rõ, khi có vệt đen xuất hiện là biểu hiện sức khỏe có vấn đề. Em mới phát hiện mình bị đen lưỡi gần đây, không rõ có từ lúc nào, cũng không hút thuốc, không bị sụt cân hay mệt mỏi kéo dài, không bị nuốt nghẹn và phát hiện lưỡi có tổn thương loét, sần sùi... thì ít nghĩ đến bệnh lý ác tính.

Các yếu tố làm lưỡi có màu sậm hoặc đen là viêm nhiễm hầu họng, trào ngược dạ dày thực quản, màu thức ăn, thuốc, cafe, thuốc lá, thiếu nước, bệnh lý gan, thận...

Bệnh hở van tim nếu trở nặng có thể làm sậm màu niêm mạc, chứ không chỉ có vài vệt đen 2 bên lưỡi và ở đầu lưỡi. BS không rõ em bị hở van tim nào, mức độ ra sao, chức năng tim thế nào... cũng không khám trực tiếp cho em để kiểm chứng lại các triệu chứng em nêu nên chưa thể kết luận bệnh tim hiện tại ra sao, có thật sự gây ra tình trạng như em miêu tả hay không. Tuy nhiên, nôn ói khi ngửi thấy mùi hôi thì không đặc trưng cho bệnh tim.

Em nên khám chuyên khoa tai mũi họng để BS kiểm tra lại, soi vùng hầu họng, xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. Ngoài ra, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (nhưng không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.


- Phan Văn Dinh - Dinhsinger…@gmail.com

Con dẫm phải đinh nhưng lúc con đi chích ngừa thì BS chỉ chích huyết thanh kháng uốn ván 1500ui nhưng không có chích văcxin ngừa, vậy liệu có sao không BS? Cách đây 2 năm con cũng bị chích một mũi nhưng không biết là mũi gì, mong BS giải đáp thắc mắc.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Dinh thân mến,

Bản thân em cũng không rõ mũi thuốc chích cách đây 1 năm là gì thì BS cũng chịu, không thể biết được đó là loại thuốc nào.

Đối với phòng bệnh uốn ván thì có thể tiêm một trong hai hoặc cả hai loại sau:

+ Huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván (SAT hoặc TIG): sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, tạo miễn dịch thụ động.

+ Vắc-xin phòng bệnh để tạo miễn dịch chủ động, cơ thể sinh ra kháng thể chống lại trực khuẩn uốn ván.

Nếu chỉ tiêm huyết thanh chống uốn ván (SAT hoặc TIG) thì chỉ bảo vệ cơ thể được trong vòng 1 tháng.

Còn hiệu lực bảo vệ của vắc-xin khoảng 10 năm, sau mỗi 10 năm nên tiêm nhắc lại một lần.



 

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn

› Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123

› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;

 Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X