Hotline 24/7
08983-08983

BS Hồ Lê Bảo Ân: Cần hiểu và chăm sóc đúng để giảm ê buốt răng

Bạn đang bị ê buốt răng nhưng chưa tìm được giải pháp? Hãy tham khảo bài viết của bác sĩ Hồ Lê Bảo Ân - Giám đốc y khoa Trung tâm Nha Khoa A&K Dental để giải quyết tận gốc vấn đề này.

Tình trạng ê buốt răng hiện nay khá phổ biến khi có hơn 60% người trưởng thành tại Việt Nam cảm thấy không thoải mái khi ăn hay uống một số loại thực phẩm nhất định. Hơn nữa, một khảo sát trực tuyến gần đây đã cho thấy ê buốt răng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ăn uống, cảm xúc, sức khỏe và hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như giải pháp để giảm ê buốt và chăm sóc răng đúng cách, trong bài viết này bác sĩ Hồ Lê Bảo Ân, Giám đốc y khoa Trung tâm Nha Khoa A&K Dental, sẽ chia sẻ với bạn đọc những kiến thức liên quan đến răng ê buốt và cách giảm ê buốt.

Ê buốt răng là gì và làm sao để phát hiện sớm tình trạng này?

Ê buốt răng là một triệu chứng, có tên gọi khác là quá cảm ngà, tức là nhạy cảm quá mức ở vùng ngà răng.

Như mọi người đã biết, răng có lớp mô cứng vô cơ ngoài cùng là men răng, có tác dụng che chở, bảo vệ ngà răng. Khi men răng bị mòn, sẽ dẫn đến ngà răng bên dưới bị lộ, một mô sống có các đầu mút dây thần kinh, khi bị kích thích sẽ gây ra ê buốt răng.

Dấu hiệu nhận biết ê buốt răng dễ nhất là cảm thấy ê buốt, khó chịu khi sử dụng thực phẩm nóng lạnh, khi hít không khí lạnh, khi súc miệng chải răng,… nói chung cảm giác này không tự phát, phải có kích thích thì mới tạo ra.

Vì sao bị ê buốt răng?

Có nhiều nguyên nhân gây ê buốt răng như tụt nướu do bệnh lý nha chu làm lộ ngà dưới chân răng, hoặc mòn cổ răng do chải răng quá mạnh, không đúng cách làm lộ ngà vùng cổ. Hoặc khớp cắn không thuận lợi, dẫn đến tình trạng mòn răng, hoặc các bệnh lý sâu răng, chấn thương, mẻ vỡ răng, đều có nguy cơ làm cho ngàn răng bị lộ và nhạy cảm.

Thông thường, bệnh nhân bị ê buốt có biết về tình trạng này? Họ thường cảm thấy thế nào khi bị ê buốt răng?

Việc cảm nhận mức độ ê buốt răng nhiều hay ít tùy thuộc vào ngưỡng nhạy cảm (ngưỡng đau) của mỗi bệnh nhân. Một số bệnh nhân cảm nhận răng ê buốt rõ rệt nên đến tìm gặp bác sĩ; một số khác phát hiện những nguyên nhân ê buốt rang tình cờ trong quá trình khám răng định kỳ. Khi đó, chúng tôi sẽ dựa vào mức độ ê buốt rang và nguyên nhân để đề xuất giải pháp hợp lý cho bệnh nhân: sử dụng kem đánh răng chuyên dụng; hoặc điều trị chuyên sâu.

Trên thực tế, ê buốt răng, chưa được quan tâm, chú trọng nhiều. Bệnh nhân thường để khi nào quá nặng mới gặp nha sĩ, than phiền về việc ê buốt răng. Người Việt Nam có xu hướng chịu đựng, làm ngơ trước những cơn ê buốt, chỉ để đến khi nào vượt ngưỡng chịu đựng mới giải quyết. Đây là việc không nên làm, thay vì để vấn đề trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân nên tìm cách phòng ngừa và giải quyết kịp thời.

Ê buốt răng có thể ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân?

Tình trạng ê buốt răng chắc chắn ảnh hưởng đến sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, tuy nó không phải bệnh lý liên quan đến sinh tồn. Điển hình bệnh nhân không thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn với những hoạt động cơ bản, ví dụ ăn kem, uống nước lạnh, hít thở không khí lạnh…, lâu ngày làm giảm chất lượng cuộc sống, dẫn tới stress và ảnh hưởng đến sức khoẻ, công việc và mối quan hệ xã hội.

Thông thường, bệnh nhân có xu hướng tự cam chịu với tình trạng ê buốt bằng cách từ bỏ ăn, uống một số loại thực phẩm làm họ đau, buốt khi ăn; hoặc sẽ thay đổi thói quen ăn như nhai chậm, cắn thành miếng nhỏ, hạn chế chạm vào răng đau… nhưng tất cả chỉ là giải pháp tạm thời.

Nếu tình trạng ê buốt răng kéo dài có thể dẫn đến 2 hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân. Khi bị ê buốt bạn ăn ít lại sẽ không đủ chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện. Về tâm lý, khi cảm thấy đau, buốt bệnh nhân có thể bị mất ngủ, lo âu, ảnh hưởng đến giao tiếp, sinh hoạt. Ê buốt răng sẽ không có tác động, hậu quả ngay lập tức nhưng nếu kéo dài và âm ỉ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Đây còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý răng miệng khác như sâu răng, rối loạn khớp cắn, mòn răng…

Các hoạt động thẩm mỹ răng có làm răng ê buốt?

Cạo vôi răng đúng kỹ thuật là điều trị tốt, không là nguyên nhân gây ê buốt răng, nhưng nó là cơ hội để bệnh nhân khám phá ra mình có bị ê buốt hay không.

Ngược lại, tẩy trắng răng gây ra ê buốt, thường là ê buốt ngắn hạn.

Cần làm gì để giảm và ngăn ngừa ê buốt?

Khi bị ê buốt, điều cần làm ngay là không nên trì hoãn và chịu đựng ê buốt răng. Hãy sử dụng biện pháp chăm sóc tại nhà với kem đánh răng chuyên dụng, đi khám bác sĩ thường xuyên (6 tháng một lần) để phòng ngừa các bệnh lý sức khỏe răng miệng.

Nếu ê buốt răng ở mức nhẹ, chúng tôi khuyên bệnh nhân sử dụng kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng ê buốt. Kem đánh răng chuyên dụng có chứa Strontium Acetate hay Potassium Nitrate giúp giảm thiểu và dự phòng răng ê buốt, đồng thời cũng có đầy đủ công dụng của kem đánh răng thông thường phòng ngừa sâu răng. Cụ thể hơn, Potassium Nitrate có tác dụng làm dịu dây thần kinh, giảm ê buốt nhanh. Strontium giúp thay thế canxi ở ngà răng đã bị mất đi và bít các ống ngà bị lộ, bảo vệ răng khỏi các phản ứng kích thích tác động đến các dây thần kinh trong răng, giúp giảm tình trạng ê buốt một cách nhanh chóng và hiệu quả lâu dài.

Một số loại kem đánh răng đặc biệt sẽ được tích hợp công nghệ Novamin có khả năng tìm kiếm và bao phủ những vùng răng bị tổn thương, tạo nên một bề mặt với cấu trúc tương tự men răng, che phủ ngà răng bị lộ, giúp không ngừng phục hồi và bảo vệ răng ê buốt.

Khi chải răng bạn nên nghiêng lông bàn chải theo góc 45 độ về phía đường viền nướu, rung nhẹ và xoáy thành những vòng tròn nhỏ. Sử dụng bàn chải lông mềm và thay bàn chải mỗi 3 tháng một lần, một ngày chải răng không quá 3 lần.

Còn trong trường hợp tình trạng nặng hơn hoặc có kèm theo các bệnh lý răng miệng khác, thì bệnh nhân nên đi khám nha sĩ, để giải quyết tình trạng này.

Lâu dài, bệnh nhân nên duy trì việc sử dụng kem đánh răng chuyên dụng hằng ngày như một lối sống, mang tính chất phòng ngừa và bảo vệ lâu dài.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X