Hotline 24/7
08983-08983

BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn: Nám da, sạm da làm sao khắc phục?

Nám da, sạm da là nỗi lo âu của nhiều chị em phụ nữ, nhất là vào mùa nắng nóng. Trong buổi tư vấn cuối tuần, BS Đoàn Mạnh Khải - chuyên gia tư vấn về thẩm mỹ và da liễu của AloBacsi chia sẻ với chị em bí quyết khắc phục nám da, sạm da sao cho hiệu quả.



NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Thưa bác sĩ,

1. Nám da, sạm da từ chuyên môn gọi là gì? Nám da, tàn nhang, đồi mồi… khác nhau như thế nào ạ?


BS Đoàn Mạnh Khải:

Nám da và sạm da thường từ tiếng Việt dịch ra từ nguyên bản gốc của từ Melasma - trong tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là sự tăng sắc tố của da ở vùng mặt. Thường các mảng tăng sắc tố này sẽ xuất hiện ở vùng trán, vùng 2 bên má, vùng mũi và vùng môi trên.

Nám da, sạm da có đặc điểm sẽ xuất hiện các đốm nâu ở vùng mặt, trong tiếng Pháp là Chloasma, có nghĩa - mặt nạ trong thai kỳ, thường xảy ra đối với những phụ nữ mang thai.

Nám da khác với tàn nhang. Tàn nhang là những đốm nâu nhỏ, còn gọi là Freckle, có liên quan đến một số bệnh lý về di truyền, như bệnh da báo.

Còn đồi mồi là những đốm tăng sừng, thường gặp ở những người tiếp xúc với nắng thường xuyên hay những người người lớn tuổi.

Nám da, tàn nhang, đồi mồi cùng có điểm chung là tăng sắc tố ở da. Khác nhau: đồi mồi có hiện tượng tăng lớp sừng trên bề mặt da, nhô lên, hơi nhám.


2. Nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện tượng này ạ? Nám da thường gặp ở độ tuổi nào, những ai dễ bị nám da?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Nguyên nhân của nám do sự sản xuất quá mức melanin - đây là sắc tố tạo ra màu đen, hiện diện ở trong da cũng như ở lông, tóc, màu mắt. Sự tập hợp nhiều sắc tố dẫn đến hiện tượng tăng sắc tố và xuất hiện những đốm nâu.

Cơ chế làm tăng sản xuất melanin có rất nhiều nguyên nhân, gồm nguyên nhân bên trong và bên ngoài cơ thể. Nguyên nhân bên trong là nội tiết, liên quan đến yếu tố di truyền tức là do gen quy định. Còn nguyên nhân bên ngoài là môi trường, đặc biệt là ánh sáng mặt trời, tiếp xúc thường xuyên với nắng, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, nhất là những loại mỹ phẩm có chứa thành phần gây tổn hại da sẽ kích thích hiện tượng tăng sắc tố da. Hoặc da bị tổn thương lâu ngày do các biện pháp điều trị hoặc chăm sóc da không đúng cách cũng gây ra tình trạng tăng sắc tố da.

Với tàn nhang, đồi mồi thì tàn nhang là hiện tượng tăng sắc tố thường liên quan đến các bệnh lý di truyền nhiều hơn. Đồi mồi là tình trạng tăng sừng ở vùng da, tăng sắc tố da vùng da tổn thương do tiếp xúc thường xuyên với nắng. Đồi mồi sẽ xuất hiện trễ ở những người lớn tuổi.

Nám da thường gặp ở độ tuổi dậy thì, tức là tăng melanin liên quan đến nội tiết.

Nám da cũng thường gặp ở những người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sau sinh em bé lần đầu, do sự thay đổi nội tiết tố mà không có biện pháp bảo vệ, không chống nắng trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, những vết nám này sẽ giảm dần sau khi sinh. Cũng có một số trường hợp sẽ tồn tại vĩnh viễn hoặc tăng dần theo thời gian. Mặc dù vậy, không phải phụ nữ nào mang thai cũng bị nám da mà còn liên quan đến yếu tố di truyền.

Những người dễ bị nám da thường là những người có cơ địa về di truyền và thường xuyên tiếp xúc với nắng mà không có biện pháp bảo vệ da, hoặc sử dụng những loại mỹ phẩm có chứa các thành phần corticoid.


Phân biệt: nám da, tàn nhang, đồi mồi - Ảnh: AloBacsi tổng hợp


3. Điều trị nám da gồm những phương pháp nào, thưa BS? Thời gian điều trị khoảng bao lâu ạ?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Hiện tại, điều trị nám da có điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Nếu nguyên nhân gây nám xuất phát từ yếu tố di truyền thì không thể can thiệp được. Do đó, việc điều trị chỉ có thể hạn chế các yếu tố ngoại cảnh hoặc cải thiện những yếu tố gây nám nội sinh.

Điều trị tại chỗ thường sử dụng thuốc thoa. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc thoa khác nhau nhưng chỉ một số thành phần được bộ Y tế cũng như các tổ chức, Hiệp hội thẩm mỹ và da liễu công nhận có khả năng gây ức chế sự sản xuất của melanin ở da.

Bên cạnh việc điều trị thuốc thoa tại chỗ, người bị nám có thể sử dụng biện pháp toàn thân. Một số chất hiện được công nhận là chất chống oxy hóa tế bào, làm cho tế bào khỏe ra. Có rất nhiều chất trên thị trường được công nhận là an toàn như: Glutathion góp phần hỗ trợ quá trình điều trị sạm da bằng đường uống. Ngoài ra, Pynogenol là những chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin E, Astaxanthin, Tranexamic Acid… Trong số đó, một số chất đang được nghiên cứu và công nhận, tuy nhiên sử dụng những chất này qua đường uống cũng nên theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu sử dụng thuốc thoa không hiệu quả, có thể sử dụng biện pháp như lột da tại chỗ bằng cách thoa thuốc lên để bong bỏ lớp sừng, bởi vì tế bào sắc tố lắng đọng tại lớp sừng khiến da sạm đi nên chúng ta sẽ lột bỏ đi lớp sừng này, da sẽ sáng hơn. Tuy nhiên phương pháp này nên được sự chỉ định bác sĩ trước khi thực hiện.

Ngoài ra có thể sử dụng laser để trị nám. Không phải laser nào cũng có thể áp dụng vào điều trị được tình trạng nám da hoặc sạm da. Chỉ những laser có các bước sóng 532nm hoặc 1064nm (laser Nd yag) mới đáp ứng được khả năng hấp thụ sắc tố, hủy được tế bào sắc tố. 2 bước sóng này tương đối an toàn cho làn da người châu Á, đặc biệt là người Việt Nam.

Điều trị nám da thường kéo dài trong 1 khoảng thời gian dài, thường từ 3-6 tháng. Và kết quả sau khi điều trị thường cải thiện từ 40- 60% tình trạng nám da chứ không thể hết hoàn toàn vì còn có các yếu tố di truyền, lão hóa da.


4. Điều trị nám da bằng thuốc bôi áp dụng trong trường hợp nào ạ? Hiệu quả như thế nào, thưa BS?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Nám da đầu tiên sẽ cần điều trị bằng thuốc thoa với những trường hợp nhẹ hoặc nám nông, có thể kết hợp với những thực phẩm chức năng hỗ trợ. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ về các biện pháp chống nắng cho khách hàng, đây là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Thuốc thoa nhằm ức chế tế bào sắc tố, làm bong sừng nhẹ chỗ sạm. Đó thường là chất chống oxy hóa hoặc những chất có thể ức chế việc sản xuất sắc tố như Arbutin, vitamin C, Hydroquinone…
Thuốc thoa sẽ được ghi toa và chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa về da liễu hoặc thẩm mỹ.

Khi sử dụng thuốc thoa, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua sử dụng. Bởi vì những chất có trong thuốc chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn, sử dụng thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ, có thể gây ra tình trạng nám nặng hơn.

Nếu thuốc thoa có đáp ứng thì vẫn duy trì bằng thuốc thoa. Thường một số trường hợp khi sử dụng thuốc thoa kết hợp chống nắng có thể giảm được 30-40% tình trạng nám, nếu muốn đạt được hiệu quả hơn thì có thể áp dụng thêm những biện pháp khác như peel da hoặc sử dụng laser trong điều trị.


5. Nếu trị nám bằng lột (peel) thì làm sao để da đỡ bị kích ứng và không bị thâm, sạm hơn sau điều trị?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Peel có nghĩa là lột, thường sử dụng các loại axit nhẹ để lột trên bề mặt da, tức lột lớp sừng đi. Tuy nhiên, việc lựa chọn peel loại nào sẽ tùy thuộc vào nồng độ, cũng như tùy theo tính chất của axit.

Những loại peel nhẹ có bán trên thị trường thì bạn có thể sử dụng tại nhà, giống như hình thức đắp mặt nạ, đắp sữa chua vì trong sữa chua cũng có các axit lactic. Tuy nhiên, việc tự ý làm peel khá nguy hiểm, vì bạn không thể định lượng được thời gian lưu peel lại trên da là bao lâu. Nếu bạn không được chuyên gia về da liễu quan sát, theo dõi, có thể dẫn đến tình trạng cháy da, làm nặng hơn tình trạng nám da. Do đó, peel nên được thực hiện tại các cơ sở y tế hoặc những phòng khám chăm sóc da có bác sĩ chuyên khoa da liễu để đưa ra các chỉ định peel.

Thành phần trong peel phần lớn là axit có nguồn gốc từ trái cây nhưng tốt nhất bạn nên đến phòng khám hoặc chuyên khoa về da liễu và thẩm mỹ để được hướng dẫn chọn loại peel phù hợp với da của mình - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ biết được loại peel nào phù hợp với da nào, phù hợp cho từng loại da. Cũng như thời gian lưu peel trên da hợp lý nhất để không làm tổn thương da của khách hàng.

Về việc chăm sóc da sau peel, bạn chỉ cần chống nắng kỹ và thực hiện các bước thoa thuốc như thoa dưỡng ẩm để tái tạo da theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.


6. Điều trị nám da bằng laser có ưu điểm và nhược điểm gì ạ? Nhờ BS hướng dẫn cách chăm sóc da sau khi trị nám bằng laser?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Điều trị bằng laser là kỹ thuật mới trong điều trị nám da. Đây là một trong những bước phối hợp điều trị hoặc áp dụng điều trị cho các trường hợp sử dụng thuốc thoa không còn hiệu quả nữa.

Laser là thể thức tập trung ánh sáng với cường độ mạnh, là luồng ánh sáng một chiều nên nó có khả năng hấp thụ, tác động đến các tế bào sắc tố và làm vỡ chúng. Do đó, hiệu quả của việc sử dụng laser rất cao nếu chúng ta sử dụng đúng cách, tùy thuộc vào khả năng lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa và đánh giá mức năng lượng sử dụng cho từng trường hợp.

Tuy nhiên, laser có nhược điểm rằng chúng có thể làm tăng sắc tố sau viêm. Ở một số trường hợp, nếu sử dụng năng lượng quá mạnh hoặc sử dụng năng lượng quá thấp, không đạt đến ngưỡng có thể hủy tế bào sắc tố thì có thể gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm, tức là làm sậm vùng da xung quanh hơn. Thường tình trạng này sẽ ổn định sau vài tháng, hoặc có thể kết hợp với liệu trình chăm sóc da, hay áp lạnh để làm giảm hiện tượng tăng sắc tố sau viêm.

Về chăm sóc sau laser, mời bạn tham khảo câu trả lời trước đây của tôi: Những việc cần làm sau khi bắn laser?


7. Trị nám da bằng cách bổ sung vitamin E như thế nào là hợp lý ạ?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Vitamin E là chất chống oxy hóa tế bào, tan trong dầu, chỉ hấp thu vào cơ thể khi có thức ăn trong dạ dày. Bác sĩ thường khuyên mọi người nên sử dụng vitamin E trong bữa ăn hoặc sau khi ăn no.

Vitamin E giúp cho tế bào khỏe hơn, đồng thời làm giảm stress của tế bào và làm giảm việc sinh ra các gốc tự do hoặc trung hòa với gốc tự do, nhờ đó, làm giảm khả năng sản xuất các sắc tố trên bề mặt da.

Hiện nay, vitamin E chỉ có báo cáo về khả năng chống oxy hóa và chống gốc tự do chứ chưa có báo cáo về khả năng điều trị sạm da của vitamin E.

Rất nhiều bạn trẻ, phụ nữ sử dụng viên uống vitamin E một cách đại trà. Trên thực tế, vitamin E nếu uống dư sẽ tích lũy trong mỡ và sẽ không có tác dụng, có một số trường hợp sẽ dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, có thể hỗ trợ bằng việc uống vitamin E trong vòng 1-2 tháng, tạm nghỉ 1-2 tháng rồi lặp lại.

Về tác dụng chống oxy hóa của vitamin E thì nghiên cứu cho thấy thoa vitamin E sẽ hiệu quả hơn uống. Đồng thời, nó còn có tác dụng giữ ẩm nên ở một số trường hợp da bị khô, tổn thương do nắng, mọi người có thể bẻ 1 viên vitamin E để thoa trực tiếp lên da để làm dịu da, giảm tình trạng kích ứng do nắng hoặc viêm.


Vitamin E có khả năng chống oxy hóa và chống gốc tự do chứ chưa có báo cáo về khả năng điều trị sạm da. Và để làm đẹp da thì thoa vitamin E sẽ hiệu quả hơn uống. Ảnh minh họa: internet

8. Bị nám da có nên đắp mặt nạ hay bôi lotion không? Nếu được thì nên dùng những loại nào, mong BS hướng dẫn?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Đối với những bệnh nhân bị sạm da, nám da có thể đắp mặt nạ trái cây thông thường hoặc đắp mặt nạ bùn khoáng, có tính chất làm dịu da, dưỡng ẩm cho da mà không có mùi thơm sẽ mang lại kết quả hiệu quả hơn.

Các loại lotion dưỡng ẩm hoặc lotion có thành phần chống oxy hóa giúp da khỏe mạnh, không chứa các chất kích ứng da (mùi thơm nồng, chứa cồn…) thì vẫn có thể sử dụng.

Tuy nhiên để hiệu quả nhất, an toàn nhất thì vẫn nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ thăm khám và đưa ra lời khuyên cho việc nên sử dụng mặt nạ hay lotion nào thích hợp cho da.

Việc đắp mặt nạ hay thoa lotion chỉ là việc hỗ trợ hay chăm sóc cho da khỏe, chống oxy hóa cho da. Nhưng quan trọng nhất là mọi người phải điều trị tình trạng tăng sinh tế bào sắc tố, đồng thời phải sử dụng kem chống nắng. Phải thoa đúng, thoa đủ số lần trong ngày, kết hợp dùng các biện pháp cơ học như: mặc các loại áo che phủ, đội mũ rộng vành để bảo vệ da nhằm tăng hiệu quả điều trị.


9. Việc lựa chọn mỹ phẩm: kem chống nắng, kem-phấn trang điểm, nước hoa, sữa tắm… đối với người bị nám da có cần lưu ý gì không ạ?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Da nám tức là có tình trạng tăng sắc tố bất thường. Đặc biệt về sinh bệnh lý của nám có hiện tượng viêm, tăng sinh tế bào sắc tố bất thường. Khi bị nám da, mọi người nên dùng sản phẩm theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị kích ứng, làm nặng thêm tình trạng sạm da.

Ở những người sạm da nên hạn chế vì người sạm-nám da có liên quan đến tình trạng kích ứng do những chất có mùi thơm vì những chất đó có khả năng gây kích ứng cực kì cao. Do đó, những người bị nám da, sạm da hoặc có tình trạng kích ứng do thì nên sử dụng những sản phẩm không mùi và có thành phần chống oxy hóa da, làm dịu da.

Kem chống nắng là lựa chọn ưu tiên hàng đầu đối với những phụ nữ hay bệnh nhân, khách hàng bị sạm da. Vì kem chống nắng giống như lớp màng bảo vệ da khỏi các yếu tố ngoại cảnh. Phần lớn những trường hợp lão hóa da sớm chiếm 80% là do tiếp xúc với nắng, vì vậy sẽ kéo thêm tình trạng sạm da. Khi da không có khả năng tái sinh hay không còn khả năng miễn dịch nữa, sẽ kéo theo tình trạng lão hóa da. Chính vì vậy, chống nắng là việc vô cùng cần thiết để có thể góp phần cải thiện tình trạng sạm da và tăng hiệu quả điều trị.


10. Liệu có thực phẩm nên ăn và nên kiêng với người bị nám da không, thưa bác sĩ?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Nám da là tình trạng tăng sắc tố cũng như tăng sản xuất lượng melanin ở tế bào da. Do đó, không có chế độ ăn kiêng nào đối với người nám da vì nám da không liên quan đến thức ăn.

Nhiều chị em hỏi tôi: “Đã kiêng tuyệt đối không ăn nước tương mà sao da vẫn sạm?”. Trên thực tế, những thực phẩm có sậm màu như cà phê hay nước tương,… không ảnh hưởng đến sắc tố da.

Bạn có thể thấy, thực đơn chúng ta ăn hằng ngày có chứa rất nhiều tế bào sắc tố như cà rốt, cà chua, rau xanh, khoai tím… rõ ràng không phải chúng ta ăn món gì thì da ngả theo màu đó. Ngoại trừ trường hợp các thực phẩm màu đỏ và vàng cam thường có chứa nhiều beta caroten (tiền chất của vitamin A) như: bí đỏ, cà chua, cà rốt, đu đủ..., khi ăn quá nhiều sẽ bị ứ đọng beta caroten gây vàng da. Đặc điểm của vàng da kiểu này là chỉ vàng da lòng bàn tay, bàn chân.

Những sắc tố của thực phẩm sẽ được đào thải ra ngoài bằng đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu, cho nên quan niệm rằng ăn những thực phẩm sẫm màu có thể góp phần làm nám da, sạm da là không đúng.

~~~~~~~~~
AloBacsi chân thành cảm ơn BS Đoàn Mạnh Khải đã dành buổi sáng cuối tuần để chia sẻ những thông tin hữu ích và thú vị về hiện tượng nám da, sạm da, hiệu quả của từng phương pháp điều trị và cách chăm sóc da hợp lý. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X