Hotline 24/7
08983-08983

BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn: Bảo vệ da khi tia UV lên cực đỉnh?

Làm thế nào để bảo vệ da khi tia UV lên cực đỉnh? là chủ đề chính của buổi giao lưu với BS Đoàn Mạnh Khải chiều ngày 24/4. Mời bạn đọc đón xem để cùng biết cách bảo vệ da, chọn sản phẩm chống nắng đúng cách khi phải lao động, học tập giữa thời tiết nắng nóng, tia UV đạt đỉnh như hiện nay.

Dự báo của trang thời tiết Weatheronline, từ ngày 22 đến 25/4 chỉ số tia UV tại TPHCM ở mức 12, sau đó giảm dần. Đây là những chỉ số tia UV báo động, đặc biệt gây nguy hiểm cho da và mắt.

Làm thế nào để bảo vệ da khi tia UV lên cực đỉnh? là chủ đề chính của buổi giao lưu với BS Đoàn Mạnh Khải chiều ngày 24/4. Mời bạn đọc đón xem để cùng biết cách bảo vệ da, chọn sản phẩm chống nắng đúng cách khi phải lao động, học tập giữa thời tiết nắng nóng, tia UV đạt đỉnh như hiện nay.

BS Đoàn Mạnh Khải, chuyên khoa thẩm mỹ, laser, chăm sóc da sau 4 năm du học ở Pháp đã nhận lời tư vấn cho bạn đọc AloBacsi từ năm 2013

NỘI DUNG TƯ VẤN

Những ngày gần đây, chỉ số tia cực tím (UV) tại TPHCM lên đến 10-12 trong cái nắng gay gắt. Xin hỏi BS, điều này gây hại cho da như thế nào? Bao lâu thì những ảnh hưởng này xuất hiện (nhìn thấy được) trên da, thưa BS?

Theo bảng đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức độ tổn hại của tia UV được chia thành nhiều cấp khác nhau, từ 1 - 16. Trong đó 1 - 2 là rất thấp, mức độ vừa là 3 - 4 -5, cao hơn nữa là 6 - 7, rất cao là 8 - 9 - 10 - 11, và mức độ đặc biệt nguy hiểm là 11 - 16.

Thời tiết tại TPHCM trong thời gian gần đây là ở mức độ nguy hiểm, nếu thường xuyên tiếp xúc với nắng thì tác hại trước mắt có thể thấy là bỏng nắng.

Bỏng nắng có thể gây rát, tổn thương DNA của tế bào da bằng cách tích lũy dần và không có biểu hiện ngay lập tức hoặc rất ít các triệu chứng cảnh báo như nóng rát, khô da. Những tác hại về lâu dài như ung thư da thì thường xuất hiện rất chậm.

Da của chúng ta có khả năng miễn dịch với ánh sáng mặt trời nhưng khả năng này sẽ giảm dần theo độ tuổi và đặc biệt thấp ở trẻ em. Do đó khi chỉ số tia UV cao như hiện nay thì hạn chế cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Mặt khác, ở những người lớn tuổi do quá trình lão hóa da nên khả năng chịu được tia cực tím cũng thấp hơn, từ đó khả năng ung thư da xuất hiện sẽ cao hơn.


Theo BS, với tình hình nắng gắt và tia UV cực đỉnh hiện nay, nguy cơ ung thư da của người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng như thế nào ạ?

Người Việt Nam chúng ta thuộc chủng tộc da vàng nên khả năng bảo vệ, chịu đựng tia cực tím cao hơn người da trắng nhưng lại thấp hơn người da màu. Do đó, người có khả năng bị ung thư da nhiều nhất là da trắng, người ít (hiếm) bị ung thư da là người da màu.

Người da vàng, điển hình là Việt Nam khả năng chịu đựng tia UV mặc dù cao hơn người da trắng nhưng vẫn có nguy cơ ung thư da. Ở một số trường hợp hoặc những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như công nhân công trường, bốc vác… tùy theo nghề nghiệp cũng như thời gian phơi nắng của họ mà nguy cơ mắc ung thư da khác nhau.

Những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện ung thư da của người Việt cũng tăng nhiều tương tự như những loại ung thư khác. Tuy nhiên, ung thư da ở người Việt vẫn là dạng hiếm gặp và dễ điều trị nếu phát hiện sớm.

Ngoài ra, vấn đề gây lão hóa da sớm cũng xuất hiện nhanh với những người thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím, nhất là trong giai đoạn tia UV cực đại như hiện nay tại TPHCM.


Dấu hiệu nhận biết ung thư da là gì, thưa BS? Muốn tầm soát ung thư da thì nên đến chuyên khoa da liễu hay chuyên khoa ung bướu ạ?

Nếu da bạn xuất hiện những đốm hoặc dày sừng lên, thay đổi kích thước, bờ gồ ghề, màu sắc lạ… thì đó là những dấu hiệu báo trước của ung thư da.

Tuy nhiên, ung thư có thể phát triển trên nền những melanoma có sẵn, gọi là ung thư melanoma cũng bị ảnh hưởng bởi tia cực tím. Loại ung thư này nó làm kích thích những tế bào sắc tố (sang thương sắc tố) có sẵn gọi là tiền ung thư trên bề mặt da giống như nốt ruồi, những nốt này có thể thay đổi màu sắc, kích thước hoặc bị chảy máu.

Do đó, khi thấy trên da xuất hiện những sang thương bất thường như tăng sừng, tăng kích thước, chảy máu, thay đổi màu sắc da thì nên đến khám ngay tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc khoa da tại bệnh viện Ung Bướu.

Hiện nay, ung thư da dễ điều trị nếu phát hiện sớm và khả năng di căn, gây tổn hại cho các cơ quan khác cũng rất thấp. Để ngăn ngừa ung thư da thì với những người làm nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng nên cần có phương tiện bảo hộ như kem chống nắng, áo dài tay sậm màu để hỗ trợ cản trở tia cực tím.

BS Đoàn Mạnh Khải - “ngôi sao tư vấn làm đẹp” được đông đảo bạn đọc AloBacsi yêu thích

Nhờ BS cho biết dấu hiệu da bị cháy nắng và cách xử trí?

Da bị cháy nắng tùy thuộc vào thời gian cũng như thời điểm phơi nắng.

Dấu hiệu bị bỏng da là vùng da bị phơi nắng đỏ rực, châm chích, cảm giác nóng rất khó chịu. Một số trường hợp xuất hiện bóng nước trên bề mặt, ban đầu có thể là bóng nhỏ sau đó to hơn, da bóng trợt như bỏng nước sôi.

Bỏng nắng thường xảy ra trong các trường hợp phơi nắng trong thời gian dài, đặc biệt là mùa hè, đi tắm biển vào giờ tia cực tím đạt cực đại trong ngày hoặc đối với trẻ em mà không có biện pháp chống nắng, quần áo che phủ.

Bỏng nắng chia làm nhiều mức độ. Đối với người châu Á, trong đó có Việt Nam thường bỏng nắng nhẹ, hiếm khi có trường hợp báo cáo bỏng nắng nặng giống như người da trắng. Bỏng nắng thường biến mất sau 5-7 ngày, da bỏng cũng bong ra, lột bỏ như tế bào ngoài mất đi và thay thế bằng tế bào mới.

Bỏng nắng là hiện tượng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời gây tổn thương bề mặt da dẫn đến da bị bỏng và trở nên bong tróc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Mặc quần áo dày, màu tối có đủ để ngăn cản tia UV không ạ?

Quần áo, khẩu trang sậm màu có chỉ số SPF từ 5 - 6, nghĩa là rất thấp. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào kích cỡ của quần áo. Nếu mặc quần áo rộng, sậm màu thì khả năng chống nắng sẽ tốt hơn so với trường hợp mặc quần áo sậm màu mà chật bởi lúc này khả năng xuyên thấu của tia cực tím vào da cũng cao.

Cần lưu ý rằng, mặc quần áo sậm màu chỉ cản được tia cực tím ở mức độ thấp. Do đó, nếu bạn không sử dụng kem chống nắng mà chỉ mặc quần áo sậm màu thôi thì nên hạn chế đi ra trời nắng hoặc khi ra trời nắng thì cần tìm bóng râm mà trốn. 


Làm cách nào để tránh tác hại của tia UV một cách hiệu quả nhất, thưa BS?

Với những người thường xuyên làm việc ngoài trời (hoặc đi nhiều ngoài đường khi trời nắng), để tránh tác hại của tia UV hiệu quả nhất cần chuẩn bị bộ quần áo dài sậm màu để che chắn, đội nón rộng vành, đeo mắt kính đen bảo vệ mắt (nếu có thể), hạn chế ra ngoài trời khi tia cực tím đạt cực đại, tức là từ 10g - 15g đối với khí hậu ở Việt Nam. Ngoài ra, cần sử dụng kem chống nắng để hạn chế tác hại của tia cực tím.

Cần lưu ý rằng, tia cực tím vẫn có thể xuyên qua cửa sổ, đặc biệt là tia UVB gây lão hóa da, do đó nếu bạn ngồi trong nhà, nơi làm việc có cửa sổ thì vẫn nên sử dụng kem chống nắng.

Đối với trẻ em và người lớn tuổi cần đặc biệt lưu tâm vì làn da của trẻ em rất mỏng manh, nên sử dụng kem chống nắng cho trẻ em khi vào mùa hè, đi tắm biển, vui chơi ngoài trời… Chỉ số kem chống nắng (SPF) có khả năng bảo vệ được cho trẻ là dao động từ 30-50.


Nhờ BS hướng dẫn cách chọn kem chống nắng phù hợp với da dầu, da khô, da hỗn hợp?


Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại kem chống nắng, từ dạng fluid, dạng lỏng, dạng kem giữ ẩm, kem dày đến kem trang điểm có kết hợp chống nắng. Vì vậy, để lựa chọn được kem chống nắng phù hợp còn tùy thuộc vào cấu tạo của kem như đã kể trên.

Đối với da khô, da hỗn hợp thì bạn có thể chọn Emulsion hoặc fluid bởi nó có khả năng giữ ẩm tốt. Đối với da dầu thì nên chọn dạng lỏng để nó dễ thấm vào da hơn.

Ngoài cấu tạo thì chỉ số chống nắng SPF cũng là tiêu chí cần đảm bảo khi lựa chọn kem chống nắng. Chỉ số này phải đạt từ 30 - 50 thì mới đảm bảo được khả năng bảo vệ, cản trở tia cực tím thì 96 - 98%.
 
Mặc dù bận rộn với sứ mệnh chăm sóc, làm đẹp làn da cho các chị em nhưng đứng trước vấn đề nắng nóng, tia UV đạt mức cực nguy hiểm như hiện nay, BS Khải cũng không thể "ngó lơ", đồng ý đăng đàn giao lưu cùng bạn đọc AloBacsi

Có thông tin rằng, trong thời gian nắng nóng cực đỉnh này, chúng ta nên bôi kem chống nắng từ khi mặt trời mọc cho tới lúc tắt nắng. Ý kiến của BS thế nào ạ? Theo BS thì khoảng bao lâu nên bôi lại kem chống nắng một lần, mỗi ngày bôi mấy lần?

Để sử dụng kem chống nắng tốt nhất, tránh được tia cực tím thì chúng ta cần thoa kem trước khi ra nắng từ 15-20 phút và thoa lặp lại mỗi 2 tiếng. Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tắm hồ bơi, tắm biển thì sau khi bước lên phải thay 1 lớp kem chống nắng mới để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nên hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 10g - 16g.

Nếu bạn làm ở văn phòng kín, không có cửa sổ thì sử dụng kem chống nắng vào buổi sáng trước khi rời khỏi nhà. Sau khi ăn trưa, nếu có ra ngoài nắng thì nên thoa lặp lại một lớp kem mới, nếu ăn tại chỗ thì không cần thiết.

Với người thường xuyên làm việc ngoài trời, ngoài việc thoa kem chống nắng lặp lại mỗi 2 tiếng đồng hồ thì cũng nên đội nón rộng vành, đeo khẩu trang, mặc quần áo rộng, sậm màu, đeo kính đen… để hạn chế tác hại của tia cực tím.

Như đã nói ở trên, kem chống nắng thoa lặp lại sau mỗi 2 tiếng, nếu thường xuyên ở ngoài nắng thì việc thoa này có thể lặp lại từ 4-6 lần/ ngày.


Và ở trong nhà có cần bôi kem chống nắng không ạ?

Nếu trong nhà có kính và không có màn che chắn kỹ thì vẫn nên thoa kem chống nắng. Tia cực tím mặc dù không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng nó có thể xuyên qua cửa sổ, gây hại đến da, đặc biệt là trong thời điểm tia UV đang ở mức nguy hiểm như hiện nay.


Thực phẩm có thể giúp cơ thể chống tia UV không thưa BS? Đó là những món nào ạ?

Thực tế chưa có nghiên cứu nào cho thấy thực phẩm có thể giúp cơ thể chống tia UV. Bởi tia UV có thể xuyên qua cửa sổ, gây ảnh hưởng lớp thượng bì, có thể đi sâu và gây tổn hại, lão hóa da sớm. 80% nguyên nhân lão hóa bắt nguồn từ tia UV.

Việc bổ sung thực phẩm chỉ giúp da khỏe hơn, đồng thời giúp hạn chế 1 số tác hại do tia UV gây ra chứ không phải loại bỏ hoàn toàn. Việc uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bổ sung thực phẩm chứa DHA, vitamin hoặc omega3, chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C (như nước cam, trái cây tươi, đặc biệt là rau củ sậm màu) cũng có thể giúp cơ thể hạn chế gốc oxy hóa tự do do ánh nắng mặt trời gây tổn hại trên da.

Tóm lại, không có loại thực phẩm nào “thần kỳ” mà đến thời điểm này ăn mà cản trở tia cực tím xuyên vào da nhưng có khả năng giúp da khỏe mạnh hơn.

Theo BS Đoàn Mạnh Khải, kem chống nắng được đánh giá là tốt khi dựa vào các đặc điểm: Thành phần của kem chống nắng: phối hợp thành phần vô cơ và hữu cơ; Khả năng bảo vệ rộng: cản được cả tia UVA và UVB; Khả năng bám dính trên da: không dễ bị trôi rửa bởi mồ hôi, nước… và không gây kích ứng và tổn hại da. Ảnh - Nguồn Internet

Thay vì sử dụng kem chống nắng, có nhiều người chọn chống nắng bằng trà xanh (chè tươi), tự làm kem chống nắng bằng trà xanh. Theo BS, cách chống nắng này có hiệu quả không?

Kem chống nắng là sản phẩm được nghiên cứu qua nhiều thế kỷ, nó sẽ có những phân tử hấp thụ được tia cực tím hoặc làm phản xạ tia cực tím không đi xuyên qua da được.

Trong trà xanh có nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp da hạn chế được gốc tự do do tác động của môi trường bên ngoài như ô nhiễm, ánh nắng gây ra. Tuy nhiên, trà xanh không có tác dụng chống nắng, do đó việc sử dụng trà xanh đắp trên da không có tác dụng chống lại tia cực tím.

Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm chức năng được quảng cáo quá mức công dụng của chúng gây ra sự hiểu lầm về nhận thức, mang đến nguy cơ cho người sử dụng. Chẳng hạn như viên uống chống nắng có thể thay thế sản phẩm chống nắng.

Thực tế, chưa có nghiên cứu nào nói rằng viên uống chống nắng có thể thay thế sản phẩm chống nắng bằng cách thoa trực tiếp lên da. Do đó, bạn có thể sử dụng viên uống chống nắng nhưng đừng quên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình.

Từ Pháp trở về sau những năm tháng học về laser, thẩm mỹ, chăm sóc da… BS Đoàn Mạnh Khải hiện nay đang công tác tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Từ Dũ.

Ảnh hưởng cách làm việc từ các bác sĩ bên Pháp, BS Đoàn Mạnh Khải có một tác phong chuyên nghiệp, tận tâm với từng bệnh nhân. Với anh - phục vụ bệnh nhân như một thiên chức.

Kiên nhẫn giải thích về bệnh lý, thẳng thắn từ chối các “yêu cầu làm đẹp vẽ vời, chỉ tốn tiền của khách mà thực chất không hiệu quả”, anh được coi là “độc, lạ” trong ngành làm đẹp hiện nay. Danh sách các khách hàng nổi tiếng của anh đang rất dài, có những nghệ sĩ bay nửa vòng trái đất về để được anh chăm sóc da và xóa nhăn ở vùng đầu, cổ...

Trên chuyên mục Khám bệnh online trên trang AloBacsi, BS Đoàn Mạnh Khải đã tư vấn hàng ngàn thắc mắc về làm đẹp, chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ - hoàn toàn miễn phí.


Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X