Hotline 24/7
08983-08983

BS Đoàn Mạnh Khải chia sẻ bí kíp ngăn ngừa vết rạn da

Rạn da là những vết rạn nhỏ ở vùng da mỏng và yếu, xảy ra khi da giãn không đủ để thích nghi với sự thay đổi quá lớn của cơ thể.

Rạn da là gì?

Vết rạn da thường xuất hiện dưới dạng các dải nứt gãy song song trên da của bạn. Những đường này có màu sắc và cấu trúc khác với làn da bình thường với màu sắc thay đổi từ màu tím đến hồng sáng rồi xám nhạt hay trắng xà cừ. Khi bạn chạm vào các vết rạn bằng các đầu ngón tay, bạn có thể cảm nhận như sờ lên một vết sẹo nhẹ hoặc dấu ấn trên da. Đôi khi vết rạn da gây khó chịu hoặc gây đau cho bạn.

Những vết nứt da này thường xuất hiện trong hoặc sau khi mang thai hoặc sau khi thay đổi cân nặng đột ngột. Chúng cũng có xu hướng xuất hiện ở thanh thiếu niên thay đổi thể hình nhanh chóng. Vết rạn da không gây nguy hiểm và thường biến mất theo thời gian.

Bạn có thể bị rạn da ở bất cứ đâu, nhưng thường gặp hơn ở bụng, ngực, cánh tay trên, đùi và mông.

Nguyên nhân của rạn da là gì?

Vết rạn da là kết quả của việc kéo căng da và tăng lượng cortisone trong cơ thể bạn. Nhiều nghiên cứu đã xác định được hai yếu tố gây ra vết rạn da:

Thứ nhất, sự kéo căng da: Các vết rạn da là kết quả của việc căng da quá mức trong quá trình tăng cân nhanh và tăng cân nhiều. Lực kéo tác động lên các mô gây ra sự đứt gãy của các sợi đàn hồi ở lớp bì, luôn đi kèm với sự mất tính đàn hồi của da.

Thứ hai, sự gia tăng lượng cortisol trong cơ thể: hormone này được sản xuất bởi tuyến thượng thận và ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của da: khi nồng độ cortisol trong máu tăng lên, việc sản xuất collagen và elastin sẽ giảm. Cấu trúc của lớp bì bị biến đổi và da mất tính đàn hồi.

Hai hiện tượng này không liên quan với nhau một cách có hệ thống, nghĩa là: vết rạn da có thể xuất hiện từ bất kỳ sự thay đổi nào về mặt trọng lượng, đặc biệt ở người gầy, có hoặc không có liên quan đến hoạt động của hormone.

Rạn da thường gặp ở đối tượng nào?

Tuổi dậy thì: Trong giai đoạn hoạt động nội tiết tố cao này, tuyến thượng thận sản xuất nhiều cortisol, thúc đẩy sự hình thành các vết rạn da.

Mang thai: Mang thai là giai đoạn "có nguy cơ" cao nhất, vì hai yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện của các vết rạn da có liên quan một cách có hệ thống với nhau:

- Cơ thể sản xuất nhiều cortisol, như ở tuổi dậy thì.

- Tăng cân nhanh, tăng thể tích nhanh đặc biệt là ở bụng. Da phải chịu sức căng mạnh.

Kết quả, gần 75% phụ nữ mang thai có vết rạn da.

Rạn da thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ sáu của thai kỳ, và số lần mang thai trước đó không ảnh hưởng đến sự xuất hiện của vết rạn.

Căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng gây ra sự gia tăng bài tiết cortisol (nên hormone này còn có tên gọi là "hormone căng thẳng"), có liên quan đến sự ra đời của các vết rạn da.

Những người bị căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài có thể phát triển các vết rạn da đơn giản chỉ vì sự gia tăng tỷ lệ cortisol trong máu. Đây là nguyên nhân nhiều phụ nữ phát hiện các vết rạn trên da trong khoảng từ 25 đến 35 tuổi, ngoài thời gian mang thai hoặc tăng cân.

Hiện tượng này cũng thường được quan sát thấy ở các vận động viên chuyên nghiệp, bị căng thẳng vì thành tích thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại.

Do đó các bạn gái nhớ đừng căng thẳng, vì nó sẽ làm da không đẹp đâu!

Một số bệnh hoặc phương pháp điều trị sử dụng cortisone: một số bệnh hiếm gặp, như hội chứng Cushing, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos và các rối loạn khác của tuyến thượng thận có thể gây ra các vết rạn da bằng cách tăng lượng cortisone trong cơ thể. Các phương pháp điều trị dựa trên cortisone hoặc sử dụng các sản phẩm chứa corticosteroid tại chỗ (cortisone và các dẫn xuất của nó) cũng có thể gây ra các vết rạn da.

Sử dụng các sản phẩm làm trắng da "thần thánh" không rõ nguồn gốc: Hầu hết các sản phẩm này đều chứa dẫn xuất của cortisone, nguồn gốc của sự hình thành các vết rạn da.

Ai có yếu tố nguy cơ bị rạn da cao nhất?

Bạn sẽ có nguy cơ bị vết rạn da cao hơn những người khác khi bạn có các yếu tố sau:

- Bạn là phụ nữ
- Bạn có làn da trắng
- Bạn có tiền sử gia đình bị rạn da
- Bạn mang thai
- Bạn có tiền sử sinh con to hoặc sinh đôi
- Bạn thừa cân
- Giảm hoặc tăng cân đột ngột
- Sử dụng thuốc corticosteroid

Di truyền: Xu hướng rạn da thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.

Chất lượng collagen trong da: được quyết định về mặt di truyền, nó thay đổi từ cá nhân này sang cá nhân khác.

Hút thuốc: Các sản phẩm độc hại có trong thuốc lá làm suy giảm cấu trúc của lớp bì cũng như chất lượng của elastin và collagen được sản xuất.

Khó khăn trong việc ổn định cân nặng của bạn: Liên tục tăng và giảm cân làm suy yếu da.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa rạn da?

Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn vết rạn da, ngay cả khi bạn thường xuyên sử dụng kem hoặc lotion dưỡng da. Tuy nhiên, giữ cân nặng của bạn trong phạm vi an toàn bằng cách ăn uống tốt và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da do tăng hoặc giảm cân đột ngột.

Tăng cân khi bạn mang thai là cần thiết, nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về liệu trình tăng cân như thế nào trong thai kỳ là phù hợp với bạn.

Mặc dù bạn có nguy cơ bị rạn da cao hơn những người khác, bạn có thể thực hiện một số bước nhất định để giảm nguy cơ rạn da:

1. Kiểm soát cân nặng của bạn

Một trong những điều hữu ích nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa rạn da, cho dù bạn có thai hay không, vẫn nên duy trì cân nặng hợp lý. Rạn da có thể xảy ra khi da bạn tách ra nhanh chóng do tăng cân hoặc sau khi giảm cân quá nhanh trong thời gian ngắn, đặc biệt những bạn ở tuổi dậy thì, cũng như các bạn thể thao hạng nặng như thể hình,...

Một chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh sẽ giúp bạn quản lý cân nặng của mình. Nếu bạn nhận thấy tăng hoặc giảm cân quá nhanh ngoài tầm kiểm soát, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm hiểu lý do tại sao.

Khi mang thai: Theo dõi sự tăng cân của bạn theo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ sản khoa.

Cách tốt nhất để sản phụ ngăn ngừa rạn da là tăng cân từ từ trong thai kỳ. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ để tìm một chương trình ăn kiêng và tập thể dục để giúp bạn tránh thu nhập quá cao đồng thời chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi thai.

Giữ ẩm cho làn da của bạn mỗi ngày, đặc biệt là vùng bụng của bạn, để duy trì độ đàn hồi của da và giúp da có khả năng chống lại sức căng tốt hơn.

2. Giữ ẩm và cung cấp đủ nước cho da

Uống đủ nước có thể giúp cho làn da của bạn ngậm nước và mềm mại. Da mềm mại, căng nước sẽ không có xu hướng phát triển các vết rạn da nhiều như da khô. Bạn nên uống đủ nước hàng ngày như khuyến cáo từ 2-2,5 lít cho nam và 1,5-2 lít đối với nữ.

Nên nhớ rắng thức uống có chứa caffein, chẳng hạn như cà phê, làm tăng nguy cơ phát triển các vết rạn da. Nếu bạn uống cà phê, hãy cân bằng nhu cầu nước hàng ngày của mình với nhiều loại nước khác, như trà thảo dược và các chất lỏng không chứa caffeine khác.

Thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày ngay sau mỗi lần tắm.

Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, làm mất nước da và làm giảm độ đàn hồi của da.

3. Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng

Rạn da cũng có thể xảy ra nếu bạn thiếu hoặc kém dinh dưỡng ở một số giai đoạn trong đời.Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn bao gồm đủ các loại thực phẩm giàu: vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, protein để cải thiện sức khỏe của da có thể giúp làm giảm nguy cơ rạn da.

Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đường và muối cao để tránh cơ thể bạn bị "hiệu ứng yoyo".

Cách đảm bảo tiêu thụ nhiều loại chất dinh dưỡng là bạn nên chọn thực phẩm chưa qua chế biến có màu sắc khác nhau. Ví dụ, một bữa sáng gồm trứng, bánh mì nướng và quả mọng hỗn hợp,... vừa tô thêm màu sắc cho bữa ăn vừa đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các vitamine thiết yếu.

4. Cung cấp đủ vitamin C trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn

Collagen giúp cho da của bạn khỏe và đàn hồi tốt cũng như giúp giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, và cũng quan trọng để ngăn ngừa vết rạn da.

Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của collagen. Vitamin C có thể được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả. Trái cây họ cam quýt, như cam và chanh, là một nguồn vitamin C tuyệt vời.

(còn tiếp)

BS Đoàn Mạnh Khải

Từ Pháp trở về sau những năm tháng học về laser, thẩm mỹ, chăm sóc da…BS Đoàn Mạnh Khải hiện nay đang công tác tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Từ Dũ.

Ảnh hưởng cách làm việc từ các bác sĩ bên Pháp, BS Đoàn Mạnh Khải có một tác phong chuyên nghiệp, tận tâm với từng bệnh nhân. Với anh - phục vụ bệnh nhân như một thiên chức.

Kiên nhẫn giải thích về bệnh lý, thẳng thắn từ chối các “yêu cầu làm đẹp vẽ vời, chỉ tốn tiền của khách mà thực chất không hiệu quả”, anh được coi là “độc, lạ” trong ngành làm đẹp hiện nay. Danh sách các khách hàng nổi tiếng của anh đang rất dài, có những nghệ sĩ bay nửa vòng trái đất về để được anh chăm sóc da và xóa nhăn ở vùng đầu, cổ...

Trên chuyên mục Khám bệnh online trên trang AloBacsi, BS Đoàn Mạnh Khải đã tư vấn hàng ngàn thắc mắc về làm đẹp, chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ - hoàn toàn miễn phí.


BS Đoàn Mạnh Khải

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X