Hotline 24/7
08983-08983

BS Đoàn Khánh Ngọc tư vấn “Chăm sóc răng sâu và niềng răng”

BS Đoàn Khánh Ngọc - BS phụ trách Nha khoa của AloBacsi tư vấn về “Chăm sóc răng sâu và niềng răng” vào sáng thứ sáu (26/8).

Là một trong những BS giàu nhiệt huyết, gắn bó với AloBacsi gần 5 năm qua, BS Đoàn Khánh Ngọc luôn trong top các BS tư vấn nhanh nhất. Dù đi công tác nước ngoài, nữ BS trẻ này vẫn online tư vấn kịp thời, không để bạn đọc phải chờ lâu.


Tại buổi tư vấn trực tuyến cùng Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.com vào sáng thứ 6 (26/8), BS Đoàn Khánh Ngọc trả lời các thắc mắc của bạn đọc xoay quanh việc chăm sóc răng sâu niềng răng như: răng sâu không nhổ thì sao? Răng trẻ mọc lệch khi nào cần niềng? Niềng răng trong bao lâu, chi phí thế nào?...

Buổi tư vấn của BS Đoàn Khánh Ngọc diễn ra vào sáng thứ 6 (26/8) lúc 8g30.

Bạn đọc thắc mắc về răng miệng có thể gửi câu hỏi ngay hôm nay để được BS Đoàn Khánh Ngọc tư vấn. Cũng trong khung giờ trên, bạn đọc có thể gọi vào hotline 08983 08983 để gặp trực tiếp BS Khánh Ngọc.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP


Bạn đọc Lê Thị Mỹ - Lâm Đồng

Chào BS Khánh ngọc,

Em năm nay 24 tuổi. Răng em bị hô từ nhỏ nhưng không hô nhiều, răng không đều, khiến em mất tự tin trong giao tiếp. Giờ em muốn cải thiện tình trạng này. Cho em hỏi độ tuổi của em có niềng răng được không, nếu niềng răng thì em phải mất khoảng bao lâu mới xong? Em có tiền sử bị bệnh tim ạ. Xin cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn Mỹ,

Đối với việc răng mọc lệch lạc là hô hoặc móm thì cách tốt nhất để điều trị là niềng răng. Thông thường không có giới hạn độ tuổi cho phương pháp điều trị này ngay cả bệnh nhân 60-70 tuổi vẫn có thể làm được. Bạn năm nay 24 tuổi vẫn có thể thực hiện phương pháp này, thời gian điều trị tùy thuộc theo độ phức tạp của từng ca.

Thông thường, thời gian điều trị khoảng từ 2-3 năm cho độ tuổi của bạn. Bạn có tiền sử bị bệnh tim thì cũng không ảnh hưởng đến việc điều trị. Để biết chắc chắn mất khoảng bao nhiêu lâu bạn nên đến các BS chuyên chỉnh nha để xác định rõ tình hình và độ phức tạp nhằm đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp.

Bạn đọc Đoài Thị Trang - trangdoai…@gmail.com

Em bị bệnh sâu răng đã khá lâu, hiện nay chỗ bị sâu đã lõm xuống khá sâu ở răng cấm. Vậy em muốn hỏi bệnh này có thể chữa được không, cách chữa như thế nào và mất nhiều thời gian không? Em xin cảm ơn.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Trang thân mến,

Tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh mà cách điều trị sẽ khác nhau. Nhìn chung nếu sâu răng chưa ảnh hưởng đến tủy răng thì chỉ cần trám lại là được và việc trám lại chỉ diễn ra trong vòng từ 30-60 phút. Nếu vi khuẩn đã lan vào tủy răng bắt buộc phải chữa tủy trước rồi mới trám. Việc chữa tủy thường diễn ra trong khoảng 2-3 buổi hẹn, tùy thuộc theo tủy răng bị nhiễm trùng nặng hay nhẹ.

Tuy nhiên nếu răng này là răng khôn đôi khi chúng ta không cần phải chữa mà nhổ bỏ bởi răng khôn không có chức năng ăn nhai mà lại khó giữ vệ sinh nên rất dễ tái phát bệnh. Tóm lại bạn nên đến BS chữa răng sớm để tránh nhiễm trùng lan rộng dễ gây ra các biến chứng khác.

Bạn đọc Huỳnh Thu Thảo - thuthao11…@gmail.com

BS ơi, em muốn đi trám răng sâu bị mẻ và cũng đến hẹn đi cạo vôi răng nhưng em đang mang thai 6 tháng. Xin hỏi BS em có nên đi trám và cạo vôi răng không ạ?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào Thu Thảo,

Chu kỳ giữa của thai kỳ từ 4-6 tháng là khoảng thời gian thích hợp nhất để chăm sóc răng miệng bởi nếu để trễ hơn cơ thể nặng nề sẽ gây khó khăn cho bạn khi nằm trên ghế nha. Việc trám răng và cạo vôi răng không hề ảnh hưởng gì đến em bé. Ngược lại nếu không điều trị sâu, làm sạch vôi răng thì sẽ dễ dẫn đến các tình trạng bệnh lý khác nặng nề hơn do trong thời kỳ mang thai sự thay đổi các hormone làm tăng sự mẫn cảm của cơ thể thai phụ.

BS Đoàn Khánh Ngọc coi việc tư vấn trên AloBacsi như một phần trách nhiệm của lương y

Bạn đọc Trần Hà Ngân - TPHCM

Răng tôi bị đen khiến tôi mất tự tin khi giao tiếp. Tôi định đi tẩy trắng răng nhưng nghe bạn bè nói tẩy trắng răng không tốt, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và răng miệng. Có đúng không, thưa bác sĩ? Tôi đọc trên mạng thấy người ta nói đánh răng với bột trà xanh sẽ cải thiện tình trạng này. Tôi có nên làm theo không ạ?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Bạn Ngân thân mến,

Nếu răng bạn bị các vết dính màu đen bám vào thì chỉ cần đi cạo vôi đánh bóng là sẽ sạch hết phần đen. Còn nếu bản thân màu răng của bạn màu đen thì phương pháp tẩy trắng răng có thể giúp cải thiện điều này. Phương pháp tẩy trắng răng hoàn toàn không có hại cho răng nướu nếu được thực hiện đúng cách. Sau khi tẩy trắng răng khoảng 1 tuần men răng trở lại hoàn toàn bình thường, do đó cho dù mỗi năm tẩy trắng 1 lần cũng không gây hại gì cả.

Trên mạng hiện nay có rất nhiều phương pháp được xem là giúp tẩy trắng răng như chải răng với baking soda hay thậm chí chải răng với chanh, việc này thậm chí còn gây hại nhiều lần so với việc tẩy trắng răng bởi các tác nhân này bào mòn men răng mỗi ngày trong suốt thời gian dài và không để cho men răng có thời gian hồi phục. Vì vậy sau 1 thời gian men răng bị mòn trầm trọng gây ê buốt thường xuyên.

Nên lưu ý rằng một khi đã mất đi men răng thì nó không hồi phục lại. Do đó tốt nhất bạn nên nhờ sự trợ giúp của BS để nhìn thẩm mỹ hơn chứ đừng nên tùy tiện nghe theo các thông tin trên mạng.

Trần Văn Toàn - Cần Thơ

Con trai tôi năm nay 6 tuổi, do đùa nghịch với bạn nên bị một vật cứng va vào hàm trên trúng ngay chân răng cửa, bị thủng 1 lỗ làm lòi chân răng cửa ra ngoài.

Sau đó tôi đưa cháu đi nhổ chiếc răng cửa ấy (chiếc đó cũng đã bị sâu nặng). Nhưng không hiểu sao sau một tuần một chiếc răng cửa vĩnh viễn mọc lên nhưng thay vì mọc ngay lỗ chân răng vừa mới nhổ thì nó lại mọc ngay chỗ lỗ thủng bị vật cứng va vào làm chiếc răng mọc lệch lên trên hàm trông rất xấu.

Vậy tôi phải xử lí thế nào? Tôi có đưa cháu đến bác sĩ nha khoa nhưng họ nói đó là răng vĩnh viễn nên không làm gì được. Vậy nếu tôi nhổ cái răng đó thì sau này có mọc lại được không? Nếu không mọc thì ở độ tuổi của cháu có nên lắp răng giả không ạ. Chân thành cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Toàn thân mến,

Con người chỉ có 2 bộ răng là răng sữa và răng vĩnh viễn, nếu bạn nhổ răng vĩnh viễn này đi chắc chắn sẽ không có răng nào khác mọc lên thay thế. Răng mọc lên ở vị trí nào còn tùy thuộc vào vị trí của mầm răng. Không phải lúc nào răng vĩnh viễn cũng mọc lên ngay tại vị trí của răng sữa vừa nhổ. Trong đa phần các trường hợp răng vĩnh viễn thường mọc lệch về phía ngoài hoặc phía trong 1 chút.

Khi răng đã mọc hẳn lên rồi sẽ có sự thay đổi vị trí và chiều hướng, do đó hiện tại việc răng mọc lệch cũng chưa nói lên được điều gì và còn cần theo dõi thêm 1 thời gian. Nếu sau khi các răng bên cạnh đã mọc lên đầy đủ mà răng cửa này vẫn bị lệch thì lúc đó chúng ta có thể can thiệp bằng phương pháp chỉnh nha.

Khoảng 8-9 tuổi bạn có thể đưa bé đi khám để xem có cần can thiệp sớm hay không, nếu chưa cần thì khoảng 11-12 tuổi là bé có thể chỉnh nha được.

Bạn đọc Mai Tuyết Trang - 27 tuổi, TPHCM

Chào BS Khánh Ngọc,

Tôi dự định tháng sau đi bọc răng sứ nên có một số câu hỏi muốn nhờ BS tư vấn giúp tôi ạ,
1. Chi phí bọc răng sứ khoảng bao nhiêu? Tôi thấy các phòng khám quảng cáo nhiều giá khác nhau. Tại sao lại có sự chênh lệch này ạ, có phải càng mắc tiền thì càng tốt?
2. Răng sứ có bị đổi màu không? Chăm sóc răng bọc sứ như thế nào thì tốt ạ?
3. Làm răng sứ có bền không thưa BS? Mình có thể giữ được bao lâu ạ
Xin chân thành cảm ơn BS đã dành thời gian tư vấn giúp tôi.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào Tuyết Trang,

Tôi xin trả lời những vấn đề của bạn như sau:

1. Hiện nay chưa có sự thống nhất về giá giữa các trung tâm nha khoa nên khá khó trả lời câu hỏi này của bạn. Nhìn chung hiện nay răng sứ chia ra làm 2 loại: răng sứ có lõi kim loại bên trong và răng sứ có lõi sứ bên trong.

Răng sứ có lõi sứ bên trong nhìn chung là đẹp và bền chắc hơn loại còn lại. Do đó giá thành cũng cao hơn. Thông thường chi phí cho loại răng sứ này từ 4-6 triệu/răng. Răng sứ kim loại thì tùy theo loại kim loại là gì, nếu là kim loại thường thì khoảng 1-3 triệu, nếu là kim loại quý như vàng thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.

2. Răng sứ chắc chắn không bị đổi màu, cho dù 10-20 năm sau màu sắc vẫn sẽ y như vậy. Răng bọc sứ không cần chế độ chăm sóc đặc biệt chỉ cần bạn đảm bảo chải răng đúng cách từ 2-3 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên, đi khám và cạo vôi định kỳ mỗi 6 tháng và tuyệt đối không ăn những đồ gì quá cứng thì chắc chắn răng sẽ tồn tại lâu dài.

3. Như trên tôi đã nói nếu chăm sóc đúng cách thì răng sẽ rất bền, có những trường hợp sau 15-20 năm răng vẫn còn nguyên vẹn.Tất nhiên, vai trò của BS cũng rất quan trọng, nếu BS làm đúng kĩ thuật đường viền của răng sứ ôm sát vào mô răng thật không bị hở đường viền, tiếp xúc với răng 2 bên tốt, khớp cắn với răng đối diện tốt thì răng sẽ tồn tại lâu dài.


Nguyễn Thị Diễm Hương - huongbidlf…@gmail.com

Chào BS, hàm răng của con tôi vô cùng xấu, răng cháu mọc lổm nhổm. Xin hỏi trẻ ở độ tuổi nào mới được niềng răng. Tôi có thể đưa con đến BV nào để niềng răng và chi phí hết bao nhiêu ạ? Xin chân thành cảm ơn.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Thông thường độ tuổi chỉnh nha bắt đầu trong khoảng từ 11-12 tuổi là khi răng sữa đã thay hết. Trong 1 vài trường hợp nếu hô hoặc móm quá nhiều hoặc bé có thói quen xấu ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng như: tật đẩy lưỡi, thở miệng… thì cần can thiệp sớm hơn khoảng tầm 9-10 tuổi.

Chi phí cho chỉnh hình răng miệng dao động từ 20-40 triệu đối với phương pháp phổ thông nhất là gắn mắc cài còn nếu sử dụng các phương pháp khác như invisalign thì chi phí sẽ cao hơn. Bạn có thể đưa trẻ đến các trung tâm uy tín hoặc BV Răng hàm mặt để được điều trị.


Bạn đọc Trần Hoàng - 34 tuổi, Đồng Nai

Nhờ BS tư vấn giúp tôi cách chăm sóc răng hiệu quả? Ngày nên đánh răng mấy lần, có cần chà chanh cho răng trắng sáng như tôi đọc được trên internet không ạ. Việc dùng chỉ nha khoa hay nước súc miệng có cần thiết không? Xin cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Hoàng thân mến!

Cách chăm sóc răng hiệu quả bao gồm: chải răng từ 2-3 lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên, sử dụng các loại nước xúc miệng không có cồn, đi khám và cạo vôi định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Việc dùng chỉ nha khoa là cực kỳ cần thiết bởi những mảng bám li ti bám ở ngay kẽ răng rất khó chải sạch, các mảng bám này dễ bỏ sót, cứng lại tạo thành vôi răng gây ra viêm nướu, viêm nha chu.

Do đó việc sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước giúp giảm quá trình hình thành vôi giúp đảm bảo cho việc vệ sinh răng miệng tốt hơn. Đối với nước súc miệng thì tốt nhất là sử dụng nước muối 9/1000 mua tại nhà thuốc, các loại nước súc miệng có cồn dễ gây ra khô miệng khiến tăng nguy cơ sâu răng nên không dùng hằng ngày.

Trên mạng hiện nay có rất nhiều phương pháp được xem là giúp tẩy trắng răng như chải răng với baking soda hay thậm chí chải răng với chanh, việc này thậm chí còn gây hại nhiều lần so với việc tẩy trắng răng bởi các tác nhân này bào mòn men răng mỗi ngày trong suốt thời gian dài và không để cho men răng có thời gian hồi phục. Vì vậy sau 1 thời gian men răng bị mòn trầm trọng gây ê buốt thường xuyên. Nên lưu ý rằng một khi đã mất đi men răng thì nó không hồi phục lại. Do đó tốt nhất bạn nên nhờ sự trợ giúp của BS để nhìn thẩm mỹ hơn chứ đừng nên tùy tiện nghe theo các thông tin trên mạng.


Bạn đọc Thùy Linh - linhlinhqq2…@gmail.com

Tôi thường xuyên bị chảy máu chân răng, sáng dậy nước bọt có máu khi ít khi nhiều và viêm nếu.Tôi vệ sinh răng miệng cẩn thận ngủ dậy ngậm muối súc miệng ăn sáng xong đánh răng, ăn trưa xong súc listerine, ăn tối xong đánh răng. Xin hỏi tôi cần làm thêm gì nữa. Cám ơn BS rất nhiều.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào Thùy Linh,

Cách chăm sóc răng hiệu quả bao gồm: chải răng từ 2-3 lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên, sử dụng các loại nước xúc miệng không có cồn, đi khám và cạo vôi định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Việc dùng chỉ nha khoa là cực kỳ cần thiết bởi những mảng bám li ti bám ở ngay kẽ răng rất khó chải sạch, các mảng bám này dễ bỏ sót, cứng lại tạo thành vôi răng gây ra viêm nướu, viêm nha chu.

Do đó việc sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước giúp giảm quá trình hình thành vôi giúp đảm bảo cho việc vệ sinh răng miệng tốt hơn. Đối với nước súc miệng thì tốt nhất là sử dụng nước muối 9/1000 mua tại nhà thuốc, các loại nước súc miệng có cồn dễ gây ra khô miệng khiến tăng nguy cơ sâu răng nên không dùng hằng ngày.

Việc bạn chỉ chải răng và ngậm nước súc miệng là chưa đủ. Chảy máu chân răng là dấu hiệu của viêm nha chu hoặc viêm nướu. 2 bệnh lý này đều do vôi răng gây ra. Bạn nên đến BS để làm sạch vôi răng để chắc chắn tình trạng chảy máu sẽ chấm dứt. Sau đó cứ 6 tháng 1 lần bạn đi cạo vôi răng để đảm bảo tình trạng này không tái phát.


Bạn đọc Thảo Mai - maithithao…@gmail.com

Con gái tôi năm nay 6 tuổi cháu đang thời kỳ thay răng, nhưng răng cháu mọc không đều. Vậy làm sao để khắc phục những chiếc răng này cho mọc đều (đang mọc nhú lên và có thể sẽ không thẳng hàng?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Thảo Mai thân mến,

Vào thời kỳ khi răng sữa bắt đầu mọc vị trí và chiều hướng răng chưa nói lên được điều gì. Sau khi các răng đã mọc thẳng lên tùy theo mối tương quan với các răng bên cạnh cũng như tương quan với môi má lưỡi mà vị trí và chiều hướng của răng sẽ có sự điều chỉnh.

Nếu như sau quá trình này răng vẫn mọc lệch thì lúc đó mới cần can thiệp chỉnh nha. Độ tuổi thích hợp nhất cho chỉnh nha là từ 11-12 tuổi. Tuy nhiên khoảng 8-9 tuổi bạn có thể đưa bé đi khám để xem có cần can thiệp sớm hay không, nếu chưa cần thì khoảng 11-12 tuổi là bé có thể chỉnh nha được.


Nguyễn Thị Mỹ Tiên - TPHCM

Thưa BS Khánh Ngọc,

Tình trạng răng miệng của em hoàn toàn tốt, không sâu, không có vôi răng, em không bị bệnh gì vì em mới đi kiểm tra về nhưng em thấy phần lợi quanh chân răng càng ngày càng tụt để lộ chân răng ngày càng nhiều. Em sử dụng bàn chải lông mềm, và chải răng theo phương pháp xoay tròn nhưng sao lại bị tụt lợi? Thưa bác sĩ có cách nào khắc phục và hạn chế tình trạng tụt lợi chân răng không ạ?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn Tiên,

Tình trạng tụt nướu có nhiều nguyên nhân như: chải răng không đúng cách, viêm nha chu, hoặc đôi khi do ăn đồ cứng quá nhiều tạo nên lực nén đến vùng cổ răng. Bạn nên đi kiểm tra 1 lần nữa xem có vôi răng dưới nướu hay không (có thể vừa rồi BS chỉ kiểm tra vôi răng trên nướu).

Thứ 2 bạn nên dùng bàn chải dành cho những người bị ê buốt mòn răng để đảm bảo lông bàn chải đủ mềm bởi đôi khi bàn chải của bạn sử dụng còn quá cứng so với tiêu chuẩn. Ngoài ra nên giảm bớt ăn đồ cứng, kết hợp thêm súc miệng mỗi ngày với nước muỗi theo nồng độ tiêu chuẩn mua tại nhà thuốc.


Bạn đọc Nhan Tran - tuongnhan...@gmail.com


BS cho em hỏi răng khôn như hình thì có cần nhổ không? Nếu nhổ thì có cần nhổ luôn răng khôn hàm dưới không? Em sợ chạy răng nếu không nhổ. Với lại răng em có mấy vết nứt dọc mà sau khi cạo vôi răng 1 tháng mà vẫn chưa hết, không biết có bị sao không nữa BS.



BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Thông thường nếu răng khôn bị mọc lệch, kẹt thì chắc chắn là phải nhổ, còn nếu răng mọc thẳng đều, không bị sâu thì tạm thời có thể để lại. Tất nhiên nếu bạn không muốn giữ lại mà muốn nhổ luôn thì cũng không sao do răng không có chức năng ăn nhai mà lại khó giữ vệ sinh nên việc nhổ sớm cũng tốt.

Theo như trong hình răng của bạn không quá lệch và cũng có vẻ chưa bị sâu nên nếu sợ tạm thời vẫn có thể để lại còn nếu bạn muốn giải quyết một lần để không cần phải lo lắng nữa thì bạn vẫn có thể nhổ răng bất cứ lúc nào.

Các vết nứt dọc xuất hiện sau khi cạo vôi răng là một hiện tượng ngẫu nhiên hiện vẫn chưa giải thích được, tuy nhiên nó không gây hại ngoài vấn đề thẩm mỹ. Do đó bạn không cần phải lo lắng về vấn đề này.


Bạn đọc Quỳnh Như - truongquynh...@gmail.com

Thưa BS, lúc trước em bị sâu răng hàm số 6 dưới bên trái, đã lấy tủy và bọc mão sứ. Hôm nay em bị đau nướu đi khám BS chẩn đoán là mọc răng khôn nên yêu cầu chụp X-quang, BS bảo em có răng khôn mọc lệch và răng số 6 thấy trên X-quang hình như có vấn đề bảo em cần cắt mão và điều trị tủy lại.

Em không biết có nên làm không vì từ lúc bọc sứ tới nay răng không hề bị đau, em vẫn ăn uống bình thường. Nếu làm, thì phải tháo mão sứ ra để chữa và lắp lại cái mới hay có cách nào khác không? Cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Đối với răng khôn mọc lệch thì chắc chắn là bạn nên nhổ, còn đối với răng số 6 nếu thực sự có vấn đề thì tốt nhất là điều trị sớm vì răng chữa tủy mà không tốt sẽ tạo ra nang quanh chóp lâu dần sẽ tích tụ mủ gây tiêu xương tạo lỗ dò…

Hiện tại có thể chưa có dấu hiệu do nang đang phát triển âm thầm bên trong chưa bùng phát ra bên ngoài. Để chắc chắn bạn có thể đi khám thêm 1 BS khác để xem ý kiến của BS như thế nào. Nếu cả 2 BS đều có cùng chẩn đoán thì bạn nên làm.

Bạn đọc Loan Võ - vothiloan...@gmail.com

Chào BS, cho em hỏi sau khi nhổ răng bao lâu thì có thể trồng răng sứ lại được. Quy trình mình trồng răng sứ như thế nào? Em làm việc cho công ty nên xin nghỉ hơi khó nên em hỏi để sắp xếp thời gian. Mong BS tư vấn giúp em.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Loan Võ thân mến,

Sau khi nhổ khoảng 2 - 4 tuần là bạn có thể trồng răng sứ. Nếu bạn trồng răng sứ theo kiểu làm cầu răng thì thông thường mất khoảng 3 buổi hẹn xen kẽ trong vòng 1 tuần. Nếu không sắp xếp được thời gian bạn có thể đi mỗi tuần 1 lần cũng vẫn được. BS sẽ tùy theo lịch làm việc của bạn để sắp xếp quy trình cho hợp lý.

Đầu tiên BS sẽ lấy dấu làm răng tạm, sau đó buổi thứ 2 BS sẽ mài nhỏ 2 răng 2 bên, lấy dấu chính thức và gửi cho labo để đúc thành cầu răng sứ. Buổi thứ 3, 4 BS sẽ gắn thử cầu răng để xem có cần chỉnh sửa gì hay không, nếu không cần chỉnh sửa BS sẽ gắn chính thức cho bạn và đến đây là xong.

Còn nếu bạn làm răng sứ bằng cách cắm implant thì thời gian sẽ mất lâu hơn do sau khi cắm implant ta phải chờ từ 2-6 tháng để implant ổn định rồi mới tiếp tục làm răng sứ bên trên. Tất nhiên cách làm này tốt hơn do bạn không cần phải mài 2 răng 2 bên nên bảo tồn được răng thật của mình.


Bạn đọc Nguyen Van Minh - Nghệ An

BS cho em hỏi, em bị nổi hột màu đỏ nhạt bằng hạt đậu nằm chỗ gần răng sâu thì có nghiêm trọng không thưa BS?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Van Minh thân mến,

Theo như bạn mô tả thì đây rất có thể là lỗ dò, xuất phát từ răng sâu đó. Khi 1 răng sâu không được chữa trị vi khuẩn sẽ tấn công vào tủy răng gây hoại tử tủy.

Nếu ở giai đoạn này bạn vẫn không chữa trị thì vi khuẩn trong ống tủy sẽ lan ra xung quanh xương ổ răng tạo nang quanh chóp, nang quanh chóp sẽ tích tụ mủ gây ra tiêu xương ổ tạo lỗ dò để đổ mủ ra ngoài. Do đó bạn nên đi chữa răng này để làm sạch phần tủy hoại tử nhằm loại bỏ ổ mủ trong xương có như vậy thì mới hết lỗ dò.


Bạn đọc Vũ Thị Thanh Thuỷ - Đồng Nai

Chào BS Ngọc,

Trước đây 2 năm rưỡi em có gặp tai nạn và mặt em bị gãy xương gò má. Sau đó, em có đến BV Răng Hàm Mặt TPHCM để phẫu thuật lại nhưng phía bên má phải (bên bị nạn) vẫn còn sưng nề, đến nay đã 2 năm rưỡi nhưng em vẫn không thấy trở lại như lúc đầu.

Em có đi khám lại ở BV Răng Hàm Mặt TPHCM, BS có nói sẽ tự hết nhưng đến nay vẫn không thuyên giảm. Em rất mặc cảm vì 1 bên mặt cứ sưng nề như thế nhưng đụng vào hay masage vào chỗ đó thì không có cảm giác hay đau gì cả ạ.

Em muốn hỏi BS có phương pháp nào để điều trị chỗ gò má bị nạn của em không còn sưng nề nữa không ạ? Vì bây giờ em đang ở xa chưa về Việt Nam để kịp thăm khám, BS có loại thuốc nào để em uống giúp nó tan bớt phần sưng phù nề được không ạ?

Sau đó em sẽ sắp xếp về thăm khám nên em nhờ BS chỉ dẫn giúp em nên đến BV nào và khoa nào để khám và điều trị thích hợp ạ. Em sợ đến không đúng chuyên khoa sẽ dẫn đến trường hợp điều trị không tốt ạ. Em xin chân thành cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Thanh Thủy thân mến,

Hiện tại ở TPHCM BV Răng Hàm Mặt TPHCM là một trong những trung tâm uy tín nhất về tất cả các bệnh liên quan đến răng hàm mặt. Do đó bạn đã đến đúng địa chỉ. Thật sự mỗi trường hợp đều có những vấn đề khác nhau do mỗi con người đều có 1 cơ địa khác nhau, phản ứng khác nhau đối với sự điều trị, do đó có những trường hợp nằm ngoài dự liệu của BS cũng là điều dễ hiểu.

Tôi không nắm rõ trường hợp của bạn từ đầu đến cuối nên cũng khó trả lời rõ ràng việc nguyên nhân từ xương hay từ phần mềm, có thể phẫu thuật lại hay không hay chỉ cần dùng thuốc là được. Rất tiếc chỉ có BS khám trực tiếp theo dõi trường hợp của bạn ngay từ đầu mới có thể đưa ra được câu trả lời chính xác.


Bạn đọc Mỹ - TPHCM

Chào BS Khánh Ngọc,

Mẹ cháu năm nay 60, gần 2 năm trước mẹ có bị sâu răng, đi khám và BS nói mẹ bị tiểu đường kèm cao huyết áp nên không thể nhổ được. Họ có cho thuốc uống cầm chừng để đó rồi thôi. Gần 1 năm nay, cái răng đó thỉnh thoảng nó lại hành mẹ cháu nóng, đau đầu rất nhiều, lở miệng và lên máu nhưng sau đó lại hạ.

Khoảng vài ngày trước, mẹ bỗng nhưng đau đầu, nhức răng kèm theo đó là lên máu tận 18 và sưng 1 bên má và khi cháu hỏi mẹ phải cái răng kia không thì mẹ bảo cái khác. Cháu rất lo, cháu biết bệnh mẹ cháu nghiêm trọng.

Cháu xin hỏi bệnh mẹ cháu như thế có trị hết được không ạ? Nếu cháu muốn nhổ mấy cái răng sâu kia thì có ảnh hưởng gì không? Và giờ cháu nên làm gì? Cháu cám ơn BS rất nhiều.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn Mỹ,

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường nhưng đã được kiểm soát tốt hoặc có cao huyết áp nhưng đã được theo dõi và uống thuốc thường xuyên giúp huyết áp ổn định luôn ở trong ngưỡng cho phép thì vẫn có thể nhổ răng được.

Trước mắt bạn nên đưa mẹ đến BV để làm giảm cơn đau nhức trước, kiểm soát nhiễm trùng vì sưng 1 bên má là tình trạng khá nghiêm trọng, nếu không xử lý có thể nhiễm trùng sẽ lan rộng, thậm chí gây nhiễm trùng máu. Sau đó bạn nên đưa mẹ đến BV để nhổ răng sẽ tốt hơn là nhổ ở các trung tâm nha khoa ở bên ngoài, do trong BV thì sẽ an toàn hơn do có nhiều biện pháp cấp cứu dự phòng.


Hải - hhai...@gmail.com

Chào BS,

Răng khôn của em mới mọc trồi lên hàm, không đau, không sưng nhưng sáng nay ngủ dậy thấy bị chảy máu nhiều là bị làm sao thế ạ? Em cảm ơn ạ!

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Thông thường khi răng khôn mọc lên rất dễ gây nhét thức ăn vào kẽ nướu xung quanh răng khôn. Thức ăn bị mắc kẹt ở đó lên men gây viêm nướu. Chảy máu chính là 1 dấu hiệu của viêm nướu. Bạn nên đi cạo vôi để BS làm sạch phần nướu xung quanh răng có như vậy thì mới hết chảy máu được. Tuy nhiên, tình trạng này rất dễ tái diễn nên tốt nhất bạn nên nhổ răng khôn này đi do răng không có chức năng ăn nhai mà lại khó giữ vệ sinh nên việc nhổ sớm cũng tốt.


Bạn đọc Liên - lienthi...@gmail.com

Chào BS,

Do bị tai nạn em bị mất 2 cái răng cửa và đã đi làm lại và đã gắn răng sứ em muốn hỏi là bao lâu sau làm răng mình mới có thể ăn đồ cứng, dai được ạ?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn Liên,

Cho dù là răng sứ hay răng thiệt thì nếu muốn răng được bền chắc bạn không nên ăn những đồ quá cứng vì những thứ quá cứng có khả năng gây mẻ răng thật hoặc gây vỡ răng sứ. Do đó bạn nên tránh ăn những thứ như xương, sụn hay các động tác như dùng răng mở nắp chai, nếu muốn hàm răng của mình bền chắc lâu dài. Những thứ đồ ăn còn lại bạn vẫn có thể ăn được thoải mái.


Bạn đọc Ha Pham - thanhha...@gmail.com

Chào BS,

Con tôi đang thay răng, tuy nhiên tôi thấy 2 răng cửa của cháu mọc không bình thường. Tôi đã chụp ảnh đính kèm. Xin BS tư vấn cho tôi về cách thức điều chỉnh, có nên điều chỉnh ngay không hay phải chờ thay hết răng sữa và địa chỉ tin cậy để tôi có thể cho bé đến điều chỉnh. Cảm ơn BS nhiều.


BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Vào thời kỳ khi răng sữa bắt đầu mọc vị trí và chiều hướng răng chưa nói lên được điều gì. Sau khi các răng đã mọc thẳng lên tùy theo mối tương quan với các răng bên cạnh cũng như tương quan với môi má lưỡi mà vị trí và chiều hướng của răng sẽ có sự điều chỉnh. Nếu như sau quá trình này răng vẫn mọc lệch thì lúc đó mới cần can thiệp chỉnh nha.

Độ tuổi thích hợp nhất cho chỉnh nha là từ 11-12 tuổi. Tuy nhiên khoảng 8-9 tuổi bạn có thể đưa bé đi khám để xem có cần can thiệp sớm hay không, nếu chưa cần thì khoảng 11-12 tuổi là bé có thể chỉnh nha được.

Bạn có thể đưa bé đến các trung tâm nha khoa uy tín hoặc BV Răng hàm mặt để được tư vấn thêm.


Bạn đọc Phan Thị Ngọc Anh - Khánh Hòa

Chào BS,

Cháu bị hôi miệng từ 2 năm nay, cháu đã đi khám nha khoa và BS chẩn đoán bị viêm nướu và nha chu. Cháu đã điều trị bằng cách lấy cao răng và uống thuốc chữa trị. Cháu cũng vệ sinh răng miệng ngày 3 lần nhưng vẫn còn hôi lắm ạ. BS ơi cháu phải làm sao để hết bệnh bây giờ căn bệnh này làm cháu khổ sở lắm! Mong BS cho cháu lời khuyên.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Ngọc Anh thân mến,

Hôi miệng có khá nhiều nguyên nhân, thông thường là do vôi răng nhưng cũng có thể là do sâu răng, răng có tủy bị hoại tử, hoặc do có bệnh dạ dày, bệnh viêm xoang. Nếu BS chẩn đoán bạn bị viêm nha chu thì việc cạo vôi thông thường có thể chưa lấy hết được vôi răng bám sâu bên dưới mà phải điều trị nha chu cho tới nơi tới chốn như xử lý mặt gốc răng hoặc thậm chí tiểu phẫu để làm sạch vôi răng.

Sau khi làm sạch vôi và chữa tất cả các răng có bệnh, nếu tình trạng hôi miệng vẫn còn thì bạn nên đi khám xem có vấn đề với xoang và dạ dày hay không.


Bạn đọc Lực Hoàng - gialuc...@gmail.com

5 năm trước em bị tai nạn nên có một cái răng cửa của em bị nứt gần chân răng, răng bị đen lại nhưng không đau hay buốt. Dạo gần đây mỗi khi uống nước lạnh hay nóng thì răng em đều có cảm giác buốt và nhức lắm ạ. Em muốn hỏi như vậy có thể chữa được không và cách nào, chi phí bao nhiêu ạ. Cám ơn BS nhiều.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Răng bị tai nạn sẽ dễ gây chấn thương tủy răng. Răng bạn bị đen hơn bình thường là 1 dấu hiệu cho thấy tủy răng bị tổn thương không hồi phục. Do đó bạn cần phải chữa tủy thì răng mới hết nhức được. Thông thường việc chữa tủy tốn khoảng 500-1 triệu cho răng cửa. Tuy nhiên việc chữa tủy không làm cho răng hết đen được do đó sau khi chữa tủy nếu muốn bạn có thể làm răng sứ để làm tăng tính thẩm mỹ cho khuôn mặt. Chi phí các loại răng sứ tùy thuộc theo chất liệu thường từ 1-6 triệu.


Bạn đọc Thanh Hien - hienthanh9...@yahoo.com.vn

BS cho em hỏi, cách đây 4 năm, em có đi trám răng vì bị sâu răng (trám có lấy tủy) nhưng sao khoảng 1 tháng nay răng bị trám của em thỉnh thoảng khi ăn sẽ bị thốn. Em phải xử lý chiếc răng này như thế nào ạ? Hiện em là nữ 21 tuổi. Em rất mong nhận được hồi âm sớm từ BS. Chân thành cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Bạn nên đi khám và chụp phim xem thử trám và điều trị tủy trước đây có tốt chưa. Nếu chưa tốt thì bắt buộc chữa tủy lại còn nếu đã tốt rồi thì ta phải tìm nguyên nhân khác. Một vài nguyên nhân khác bao gồm: răng có vôi răng nên bị dị cảm, răng bị chấn thương khớp cắn nên dây chằng nha chu phản ứng gây đau.

Nếu do vôi răng thì chỉ cần cạo vôi làm sạch, nếu do chấn thương khớp cắn thì chỉnh khớp và uống thuốc nếu cần. Do triệu chứng của bạn cũng khá mơ hồ nên bạn cần đi khám trực tiếp thì mới có câu trả lời chính xác.


Bạn đọc Châu Ngọc Thái - chauthaikara...@gmail.com

Thưa BS,

Nướu răng em bị sưng nhưng không đau gì hết. Răng bị sưng nướu là cái răng nằm gần với răng cùng, răng này của em bị sâu lâu lăm rồi. Mấy ngày đầu thì em bị đau răng và xuất hiện sưng nướu kèm theo mủ, sau đó thì hết mủ nhưng nướu vẫn không xẹp. Em có dùng thuốc nhưng vẫn không giảm. Em nặn chỗ bị sưng thì chỉ có máu chảy ra. Không biết tình trạng như em có gì nguy hiểm không ạ?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Theo như bạn mô tả thì đây rất có thể là lỗ dò, xuất phát từ răng sâu đó. Khi 1 răng sâu không được chữa trị vi khuẩn sẽ tấn công vào tủy răng gây hoại tử tủy, nếu ở giai đoạn này bạn vẫn không chữa trị thì vi khuẩn trong ống tủy sẽ lan ra xung quanh xương ổ răng tạo nang quanh chóp, nang quanh chóp sẽ tích tụ mủ gây ra tiêu xương ổ tạo lỗ dò để đổ mủ ra ngoài. Do đó bạn nên đi chữa răng này để làm sạch phần tủy hoại tử nhằm loại bỏ ổ mủ trong xương có như vậy thì mới hết lỗ dò.

Việc uống thuốc không có tác dụng để điều trị mà chỉ giúp giảm phần nào triệu chứng. Lỗ dò có thể xẹp nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại bởi ổ mủ bên trong vẫn tồn tại. Chưa kể việc bạn dùng tay nặn mủ là việc làm cực kỳ nguy hiểm bởi vi khuẩn trên tay bạn có thể làm tình trạng nhiễm trùng nặng nề thêm, theo dòng máu tấn công khắp nơi (tình trạng nhiễm trùng máu).


Bạn đọc Tuyết Nga - ngalamj...@gmail.com

Thưa BS Ngọc,

Cho em hỏi là ở nướu chỗ mọc răng khôn của cháu bị 1 lỗ nhỏ giống như bị sâu răng, không thấy đau nhưng mà càng ngày lỗ càng rộng ra. Ban đầu chỉ bị quanh chân răng, nhưng giờ lan ra và ăn sâu xuống. Vậy em bị gì và cách chữa như thế nào ạ, em bị gần 1 tuần rồi ạ. Xin cảm ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào Tuyết Nga,

Tôi chưa rõ trường hợp của bạn là răng khôn đã mọc hẳn lên hay chưa. Nếu răng khôn đang mọc thì nướu nứt ra là để chuẩn bị cho răng khôn mọc. Nếu răng khôn đã mọc rồi và phần nướu bao quanh răng khôn có vấn đề thì bạn nên sớm đi khám để được chẩn đoán và chữa trị.

Thông thường khi răng khôn mọc lên rất dễ gây nhét thức ăn vào kẽ nướu xung quanh răng khôn. Thức ăn bị mắc kẹt ở đó lên men gây viêm nướu. Đó có thể là nguyên nhân khiến cho nướu bị tụt, nếu đúng là vậy thì bạn cần cạo vôi răng làm sạch răng.

Sau 1 thời gian nướu sẽ dần dần hồi phục lại. Tuy nhiên, tình trạng này rất dễ tái diễn nên tốt nhất bạn nên nhổ răng khôn này đi do răng không có chức năng ăn nhai mà lại khó giữ vệ sinh nên việc nhổ sớm cũng tốt.


Hoang Nam - mr...@gmail.com)

Em mới nhổ răng hàm được 4 hôm. Trong răng em thấy có 1 lớp màu vàng nhẹ giống như mủ. Em vệ sinh răng hàm sau khi nhổ rất sạch sẽ. Cục bông cầm máu đã tiêu. Nhưng bây giờ có nước chảy vào lỗ chân răng là nhức. Như thế có làm sao không BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Hoang Nam thân mến,

Thông thường sau khi nhổ răng từ 3-5 ngày thì sẽ hoàn toàn bình thường trở lại, không đau nhức hay chảy máu. Cục bông cầm máu màu trắng đục khi tiêu đi từ từ thường hay ngả vàng, do đó tôi cũng chưa rõ có phải bạn bị chảy mủ hay không. Việc thỉnh thoảng nhức lỗ chân răng cũng không phải quá bất thường nếu cường độ nhức không quá mạnh.

Dấu hiệu của nhiễm trùng sau khi nhổ răng bao gồm chảy máu, chảy mủ liên tục, nổi hạch, sốt, đau nhức, hôi miệng… Nếu có các dấu hiệu trên thì chắc chắn bạn cần phải đi khám lại. Nếu không có bạn vẫn có thể quay lại để BS khám và bơm rửa cho sạch sẽ để yên tâm hơn.

Bạn đọc Thu Sương - Long An

Thưa BS,

Tôi nhổ răng được 10 ngày rồi do nướu có mủ, lấy tủy răng rồi mà vẫn không hết được nên đi nhổ. Hiện nướu răng tiết ra nước có mùi hôi màu hơi vàng, đi khám thì BS nói là không có gì, đó chỉ là nước dịch do mới nhổ răng, mấy ngày nay nó sưng lên nữa. BS tư vấn nên làm gì để trị hết được ạ.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Thu Sương thân mến,

Dấu hiệu của nhiễm trùng sau khi nhổ răng bao gồm chảy máu, chảy mủ liên tục, nổi hạch, sốt, đau nhức, hôi miệng…

Nếu như bạn đã nhổ răng 10 ngày mà tình trạng ngày càng tệ, lúc đầu không sưng nhưng bây giờ lại sưng thì nên đến BV để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng hay không. Nếu có nhiễm trùng thì BS sẽ bơm rửa làm sạch ổ răng và cho thuốc nếu cần.


Bạn đọc Nguyễn Thị Mai - Vĩnh Long

Xin chào AloBacsi,

Em hay cảm thấy đau ở tai khi nhai, đi khám thì BS bảo em bị viêm khớp thái dương hàm và cho em 2 tuần thuốc. Tuy nhiên em uống hết thuốc mà thấy không giảm mà còn rất đau ạ. Xin hãy giúp em cải thiện tình hình. Cảm ơn BS!


BS Đoàn Khánh Ngọc:

Mai thân mến,

Hội chứng loạn năng khớp thái dương hàm có thể liên quan tới rất nhiều nguyên nhân gây bệnh và việc điều trị sẽ tùy theo nguyên nhân gây bệnh là gì. Thuốc chỉ giúp giảm triệu chứng chứ không giúp điều trị nguyên nhân do đó bạn không cảm thấy tình hình có cải thiện.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do sai lệch khớp cắn, mất răng không làm răng giả, do các tình trạng về xương và cơ gây ra. Nếu ở Vĩnh Long, bạn nên cố gắng lên TPHCM đến BV Răng Hàm Mặt hoặc khoa Răng hàm mặt trường Đại học Y dược TPHCM để được xác định rõ nguyên nhân mới đưa ra cách điều trị đúng được.

Bạn đọc Duong Canh - duongcanhl...@gmail.com

Chào BS,

Em có một cái răng nhai bị sút vết trám cũ, răng này bị mòn, em có cảm giác rất ê. Em đi khám nha sĩ đã không trám cho em mà chỉ bào đi xung quanh chiếc răng. Em cảm thấy không được thoải mái khi ăn nhai. BS cho em hỏi giờ em phải làm sao ạ?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Trong trường hợp răng bị mòn thì việc trám lại hầu như không có giá trị do sau khi trám rất dễ bị cộm và cho dù không cộm thì cũng rất dễ bị sút. Nếu cảm thấy quá ê buốt khó chịu thì bạn có thể bọc răng sứ để che đi phần mô răng bị lộ ra.

Nếu chưa muốn làm răng sứ ngay bạn có thể thử sử dụng các sản phẩm kem đánh răng dành cho người nhạy cảm, hay bị ê buốt. Tất nhiên phương pháp này cũng mất thời gian mới có hiệu quả chứ không thể có hiệu quả ngay được.


Bạn đọc Lâm Thi Hồng - Bình Phước

Khoảng 1 tháng trước em bị ngã xe, từ lúc đó em có cảm giác hàm hơi ê, buốt. Không dám ăn đồ nóng, lạnh, lúc đánh răng không dám chà mạnh nữa ạ, nhất là 2 cái răng cửa. BS cho em hỏi, em có thể uống thuốc gì để cải thiện tình hình. Mong BS giúp em chữa trị.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn Hồng,

Khi bị tai nạn thì răng của bạn cũng đồng thời bị chấn thương. Chấn thương này có gây ra tổn thương vĩnh viễn hay không tùy thuộc vào sức khỏe của răng. Nếu răng bị tổn thương nhưng vẫn có thể hồi phục thì sau 1 thời gian ngắn răng sẽ từ từ trở lại như trước đây (ngoài ra BS có thể điều chỉnh nhẹ khớp cắn để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn).

Còn nếu như răng đã bị tổn thương vĩnh viễn hay nói cách khác là viêm tủy không hồi phục thì bắt buộc phải chữa tủy. Hiện tại bạn nên đi khám BS để xác định mình rơi vào trường hợp nào nhằm xử lý thích hợp chứ không có thuốc nào có thể cải thiện tình hình.


Bạn đọc Nguyễn Nam - TPHCM

Chào BS!

Em bị sưng nướu, em uống thuốc 3 ngày rồi vẫn cảm thấy đau nhức ở má, sờ vào thì như kiểu có cục ở bên trong nướu, liệu em có đang bị nang chân răng không ạ? Cảm ơn BS!

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào em Nguyễn Nam,

Nướu sưng có thể có 2 trường hợp:

Trường hợp thứ 1 là do viêm nướu hoặc viêm nha chu. Trong trường hợp này cần phải làm sạch hết vôi răng thì chắc chắn nướu sẽ bình thường trở lại.

Trường hợp thứ 2 liên quan đến răng. Khi 1 răng sâu không được chữa trị vi khuẩn sẽ tấn công vào tủy răng gây hoại tử tủy, nếu ở giai đoạn này bạn vẫn không chữa trị thì vi khuẩn trong ống tủy sẽ lan ra xung quanh xương ổ răng tạo nang quanh chóp, nang quanh chóp sẽ tích tụ mủ gây ra tiêu xương ổ tạo lỗ dò để đổ mủ ra ngoài.

Nướu bạn bị sưng có thể là do nguyên nhân này. Bạn nên đi chữa răng này để làm sạch phần tủy hoại tử nhằm loại bỏ ổ mủ trong xương có như vậy thì mới hết sưng nướu.
Trong cả 2 trường hợp việc uống thuốc không có tác dụng gì.


Bạn đọc Bùi Hồng Quang - quanggiat...@gmail.com

Em đi khám BS chẩn đoán viêm, áp xe quanh răng, BS bảo nhổ răng số 3-8 (nhổ lúc vẫn đang viêm, sưng). Em nhổ 1 tuần rồi. Hiện đỡ nhưng các hạch nổi ở hàm với mặt trong má nó vẫn còn gây khó chịu, mở hàm rất khó, vẫn phải ăn cháo.

Xin hỏi trường hợp của em thì khoảng bao lâu sẽ giảm sưng, các hạch lặn đi? Cám ơn BS!

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Hồng Quang thân mến,

Thông thường sau khi nhổ răng khôn từ 3 - 7 ngày, các triệu chứng sẽ giảm dần rồi hết hẳn. Tuy nhiên đôi khi ở những người có cơ địa mẫn cảm thì quá trình này diễn ra lâu hơn. Mặc dù đã 1 tuần bạn chưa hết đau hẳn nhưng các triệu chứng giảm dần đi nên đây cũng là 1 dấu hiệu tốt. Bạn nên chú ý bổi bổ thêm để quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn. Nếu muốn yên tâm bạn có thể đến BS để kiểm tra xem có nhiễm trùng hay không và bơm rửa cho sạch.


Bạn đọc Hoàng Phúc - Đồng Nai

Chào BS,

Răng bên hàm trái phía trên của em bị sâu rất to được BS chữa tủy lại, sau khi chữa tủy xong em làm răng. Làm xong em thấy chân răng hơi yếu, ban đầu BS làm mòn răng rồi đạy răng sứ lên (răng titanium).

Sau khi về em thấy viền răng vẫn có màu đen, nướu ở đó cũng hơi bị thâm, em không đau. BS cho em hỏi là làm răng sứ sao viền răng còn màu đen và em có cảm giác răng không chắc, hơi lung lay?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Hoàng Phúc thân mến,

Theo như bạn mô tả thì BS đã làm đúng kĩ thuật còn về răng có viền màu đen thì đó là việc hiển nhiên bởi răng sứ titanium có lõi kim loại bên trong nên màu kim loại dễ bị ánh ra bên ngoài, đặc biệt ở phía mặt trong của răng sứ sẽ là 1 đường viền kim loại mỏng và không phủ sứ lên phần này. Nếu muốn trắng đẹp thì chỉ có răng toàn sứ (không có lõi kim loại bên trong) mới đảm bảo được.

Về việc răng không được chắc thì có thể do răng đã bị sâu rất lớn, mô răng không còn nhiều, chưa kể trước đây việc nhiễm trùng có thể gây tích tụ mủ gây tiêu xương, do đó khiến răng bị lung lay. Bạn nên ăn uống nhẹ nhàng, không nên ăn những đồ quá cứng, nhằm tạo điều kiện cho răng được bình phục hoàn toàn.

Bạn đọc Tuan Tran - market...@gmail.com

Cách đây 3 tháng, cái răng kế trong cùng (hàm dưới) của em nhức vô cùng. Cái răng trong cùng của em bị sâu và em đi trám lại. Tuy nhiên một thời gian sau thì lợi của cái răng kế này thỉnh thoảng bị sưng nhẹ và bưng mủ nhưng không đau.

Em đi khám nhiều chỗ, các BS chẩn đoán qua tờ phim chụp là răng khôn của em bị mọc lệch nên phải nhổ 1 trong 2 cái nhưng em rất sợ nhổ răng.

Mong BS cho em lời khuyên và nếu em cứ để không nhổ thì lâu dài có biến chứng gì xảy ra không? Em cám ơn BS.

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn,

Răng khôn khi mọc lệch, kẹt có thể dẫn tới 1 số vấn đề như: gây sâu hoặc tiêu chân răng kế bên, gây viêm nướu, gây nhồi nhét thức ăn… Do đó nếu không nhổ răng này thì răng kế cận có thể cũng phải nhổ bỏ như vậy là bạn mất cả 2 răng.

Một số vấn đề khác có thể xảy ra như: răng khôn đẩy về phía trước khiến các răng còn lại bị chen chúc, răng tạo nang gây yếu xương hàm nên dễ gãy nếu xảy ra tai nạn, răng khôn bị nhiễm trùng dễ phát triển thành viêm mô tế bào là 1 biến chứng nặng…

Do đó, dù sợ nhưng bạn nên giải quyết sớm vấn đề này tránh để tình trạng ngày càng trầm trọng hơn thì lúc đó việc điều trị sẽ còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.


Bạn đọc Nguyễn Văn Định - hoangmang...@gmail.com

Em bị sâu răng, giữa răng có lỗ nhưng không đau, khi nhai phải thức ăn dính vào thì hơi đau. Vì vậy khi ăn em hay ăn một bên trái. Mấy ngày nay em đau 1 bên, phần hàm trong cùng bên trái mà hình như là đau phần quai hàm chứ không đau nướu hay răng, khó chịu khi há miệng và khi nhai có cảm giác đau. Nhìn vào thì phần thịt bên trong má có màu đỏ khác với bình thường. Em xin hỏi BS em bị gì và điều trị ra sao?

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Chào bạn Định,

Khi bạn nhai 1 bên liên tục sẽ dẫn đến tình trạng quá tải của khớp khiến cho khớp bị viêm, đau. Bạn nên đi trám lại răng sâu và tập ăn 2 bên trở lại để chia đều lực nhai lên toàn bộ xương hàm có như vậy thì mới hết đau được.


Hà Nguyễn - ngocha...@gmail.com)

Xin chào BS,

Con em 7 tuổi. Lúc 6 tuổi cháu bắt đầu mọc 1 chiếc răng (gần răng nanh), răng vẫn chưa nhú ra khỏi lợi và chỉ nhìn thấy phần trắng của răng. Tuy nhiên kể từ đó đến giờ hơn 6 tháng mà chiếc răng đó vẫn chưa có dấu hiệu mọc thêm. Em không bao giờ cho cháu ăn đồ lạnh, chế độ ăn bổ sung canxi và đầy đủ dưỡng chất.

Xin được hỏi BS trường hợp của cháu răng bị làm sao mà đến giờ vẫn chưa mọc thêm? Xin BS tư vấn các giải pháp. Cảm ơn BS!

BS Đoàn Khánh Ngọc:

Hà Nguyễn thân mến!

Thông thường vào lúc 6 tuổi bé sẽ mọc các răng cửa giữa. Vào khoảng 7 tuổi bé sẽ mọc các răng cửa bên (kế răng nanh) do đó tình trạng của bé cũng chưa có dấu hiệu gì bất thường. Nếu như bạn cảm thấy sốt ruột, bạn có thể đưa bé đến BS khám để xem có gì bất thường hay không. Nếu cần BS có thể rạch 1 đường nhỏ ngay nướu để giúp răng dễ mọc hơn.


Đã hết thời gian của buổi tư vấn, AloBacsi chân thành cảm ơn BS Đoàn Khánh Ngọc đã dành thời gian giải đáp thắc mắc cho bạn đọc xung quanh việc chăm sóc răng sâu và niềng răng.

AloBacsi.com
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X