Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh: Ung thư đại trực tràng - dấu hiệu cảnh báo và các phương pháp điều trị

Ung thư ruột hay ung thư đại trực tràng là đề tài được BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân dân 115 đã chia sẻ cùng bạn đọc AloBacsi nhằm giúp bạn đọc phòng tránh bệnh và đi tầm soát vào thời điểm phù hợp.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1.
Ung thư đại trực tràng gồm những ung thư , thưa BS? Người Việt thường bị loại nào ạ?

Kính thưa quý vị đang theo dõi chương trình,

Ung thư trực tràng thường ở dạng ung thư biểu mô tế bào tuyến và ung thư biểu mô tế bào không tuyến, trong đó có thể có tế bào gai, tế bào vảy hoặc bướu sắc tố.

Người Việt Nam cũng như người nước ngoài nói chung, đa phần ung thư đại trực tràng là ung thư biểu mô tuyến và tùy theo từng giai đoạn, từng vị trí mà người ta có thể định vị, ví dụ: ung thư ống hậu môn, ung thư trực tràng hoặc ung thư đại tràng sigma, ung thư đại tràng trái, ung thư đại tràng ngang, ung thư đại tràng phải, ung thư manh tràng…

Đó là một số các vị trí ung thư thường xảy ra. Tuy nhiên, theo thống kê thì thấy trên 65% - 75% ung thư thường tập trung ở đại tràng sigma là chủ yếu.

Tên gọi các vị trí của đại tràng - Ảnh minh họa: internet

2. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng là gì thưa BS?

Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng rất “lu mờ”, có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý mà thường ngày chúng ta có thể hay gặp và những dấu hiệu cảnh báo cũng mang tính mơ hồ. Chính vì vậy, khi thấy bất thường cơ thể, chúng ta nên tới bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tầm soát và chẩn đoán sớm.

Những dấu hiệu cảnh báo của ung thư đại trực tràng sớm thường hay xuất hiện: suy kiệt, rối loạn đi cầu (đi cầu bón, tiêu chảy, đi cầu bón lẫn tiêu chảy), sử dụng thuốc để cầm nhưng không cầm được, bệnh lý diễn tiến kéo dài, coi chừng đó là ung thư đại tràng. Hoặc là những triệu chứng như: đi cầu ra máu, rất dễ chẩn đoán.

Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân ung thư đại trực tràng lại đi cầu ra máu theo dạng máu tiềm ẩn trong phân, nghĩa là màu phân vẫn vàng nhưng xét nghiệm thì có sự hiện diện của hồng cầu hoặc máu ở trong phân, coi chừng là ung thư đại trực tràng được phát hiện trong giai đoạn sớm. Đây cũng là xét nghiệm mà ở các nước tiên tiến trên thế giới hay sử dụng (xét nghiệm FOBT) là những xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể phối hợp với các triệu chứng giống như trĩ, rất dễ cho chúng ta đến bệnh viện để thăm khám bác sĩ.

Và một triệu chứng nữa cũng dễ bị lầm tưởng qua bệnh khác, đó là triệu chứng đi cầu kiết lị, đi cầu ra chất nhầy, ra đàm, ra muối mà chúng ta cứ nghĩ bị kiết lị rồi uống thuốc hoài mà không hết, coi chừng ung thư đại trực tràng.

Đặc biệt khi 40 tuổi trở lên mà có triệu chứng như trên, tốt nhất chúng ta cần đến bệnh viện để khám, từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra các biện pháp cận lâm sàng phù hợp để có thể chẩn đoán sớm cho bệnh nhân.


3. Nhiều người đi cầu ra máu, tưởng là trĩ, đi khám mới ra ung thư trực tràng
. Vậy có cách nào phân biệt 2 bệnh này không ạ? Bệnh trĩ có thể tiến triển thành ung thư không, thưa BS?

Kính thưa các bạn, rất nhiều trường hợp đi cầu ra máu thì chúng ta tưởng bệnh trĩ, và đích thị bệnh trĩ rất thường hay gặp trong cuộc sống. Đó là hiện tượng giãn tĩnh mạch trực tràng dưới do rất nhiều nguyên nhân và từ đó gây ra xuất huyết.

Khi chúng ta đi cầu bón thì triệu chứng đặc thù “chảy máu do trĩ” thường là phân ra rồi, máu sẽ ra kèm theo. Máu chảy ra ở trĩ thường xịt ra từng tia, máu thường là máu đỏ. Còn với ung thư đại trực tràng thì máu quyện lẫn với phân, máu có thể đen hoặc màu hồng và ít khi có máu đỏ (máu đỏ chỉ có thể là khi kết hợp với polyp ngay trực tràng chảy máu).

Máu chảy ra ở trĩ xịt thành tia vì rách tĩnh mạch trực tràng dưới do sự giãn làm cho người bệnh thường hoảng hồn và thấy xót dưới hậu môn.

Cách phân biệt duy nhất 2 bệnh lý này: tốt nhất chúng ta phải đến bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, ngay cả bác sĩ chuyên khoa mà chưa nhiều kinh nghiệm đôi khi chẩn đoán nhầm giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng nếu không có biện pháp thăm khám hậu môn cho bệnh nhân. Thậm chí kể cả đã thăm khám, có khi cũng không thể xác định nó có phải trĩ hay ung thư trực tràng.

Và, thường chúng tôi phải sử dụng biện pháp cao nhất là nội soi trực tràng để chẩn đoán. Như vậy, nội soi trực tràng là biện pháp chẩn đoán cuối cùng để xác định được có ung thư hay không ung thư. Đương nhiên, nội soi phải kết hợp với sinh thiết và chỉ có kết quả tế bào học cuối cùng thì mới trả lời chính xác được.

Bệnh trĩ có thể tiến triển thành ung thư hay không thì cho tới giờ phút này chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng tỏ rằng trĩ có tiến triển thành ung thư. Nhưng có một số trường hợp xuất hiện ung thư sau khi phẫu thuật mổ trĩ thì đó không phải là bệnh trĩ gây ra ung thư mà có thể là hai bệnh song song với nhau, khi xử lý trĩ thì ung thư đang ở giai đoạn sớm, chúng ta chưa phát hiện mà thôi.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, với những bệnh nhân mổ trĩ thì chúng tôi phải lấy búi trĩ đem đi giải phẫu bệnh lý để chẩn đoán đó là trĩ hay bệnh khác .

Ảnh minh họa: internet


4. Những ai nên tầm soát ung thư đại trực tràng thưa BS? Tầm soát gồm những công đoạn nào, chi phí bao nhiêu ạ?

Bệnh nhân ung thư tại Việt Nam: trung bình một năm gần 200.000 trường hợp mắc ung thư mới, trong đó có 135.000 trường hợp tử vong và thường bệnh nhân tới trễ.

Tại trung tâm của chúng tôi, đa phần 70-80% bệnh nhân cũng tới trong giai đoạn 3, thậm chí có bệnh nhân đến trong giai đoạn 4. Như vậy đã quá trễ. Vì vậy, tầm soát là hướng ưu tiên để chúng ta phát hiện bệnh sớm.

Thế thì những ai nên tầm soát? Hiện tại, ung thư bây giờ mỗi ngày một trẻ hóa. Hồi xưa, chúng tôi hay gặp bệnh nhân ung thư 35, 40 tuổi trở lên thì sau này chúng tôi gặp 18 tuổi đã ung thư, thậm chí 15 tuổi cũng đã có ung thư rồi. Chính vì vậy, những ai có các triệu chng lâm sàng bất thường như tôi đề cập ở trên thì nên đi tầm soát.

Ung thư trực tràng và tiền căn ung thư trực tràng đa số là do tế bào của các polyp tại đại trực tràng phát triển một cách thái quá rồi chuyển hóa thành ung thư. Chính vì vậy, những người có tiền sử gia đình, ba hoặc mẹ hoặc ông nội, ông ngoại bị ung thư… cũng là những người nên đi tầm soát ung thư.

Ngoài ra, những người trên 40 tuổi bất kể nam hay nữ thì cũng nên tầm soát ung thư trực tràng 1 lần/năm với phương pháp là nội soi đại trực tràng.

Hiện tại ở Mỹ, khi bạn đặt vấn đề mua một món bảo hiểm liên quan đến sức khỏe thì đối với nam trên 40 tuổi, công ty bảo hiểm sẽ đề nghị phải nội soi đại trực tràng trước khi bán bảo hiểm. Dễ nhận thấy, ung thư đại trực tràng là một bệnh ung thư khá là phổ biến.

Tầm soát gồm những công đọan nào và chi phí khoảng bao nhiêu thì các bạn cũng biết, khi một bệnh nhân đến tầm soát ung thư đại trực tràng thì chúng tôi phải hỏi thăm tiền sử, thói quen, sở thích ăn uống của bệnh nhân, đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng khiến bệnh nhân khó chịu. Tóm lại là 12 dấu hiệu cảnh báo ung thư. Từ đó, chúng tôi sẽ có những chỉ định cho bệnh nhân nên làm nội soi đại trực tràng hay không.

Nếu bạn không cần phải gây mê để nội soi đại trực tràng thì chi phí khoảng 600.000 đ. Nhưng nếu phải gây mê để nội soi đại trực tràng, chi phí có thể 1.200.000 – 1.500.000 đ cho mỗi lần nội soi đại trực tràng. Và tôi nghĩ rằng, nội soi đại trực tràng có thể cho chúng ta chẩn đoán dương tính ở bất cứ ung thư đại trực tràng nào nếu có.


5.
Nội soi đại tràng viên nang là gì thưa BS? Nó có vai trò như thế nào trong tầm soát ung thư?

Nội soi viên nang là một kỹ thuật khá mới đã được phổ cập tại Việt Nam khoảng 6-8 năm về trước. Chúng ta hình dungmình uống 1 viên nang, trong viên nang đó có hệ thống camera và đương nhiên, trước khi uống cần làm sạch ruột (dùng thuốc xổ).

Khi đưa viên nang vào trong miệng, lập tức hệ thống camera bắt đầu hoạt động. Camera trong viên nang sẽ quay toàn bộ ống tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, tá tràng, hng tràng, ruột non, hồi tràng, đại tràng. Cuối cùng, sau 24 tiếng đồng hồ, nó sẽ ra khỏi ống hậu môn. Lúc đó, bác sĩ lấy lại viên nang của bệnh nhân, đưa lên hệ thống máy vi tính để camera phát lại toàn bộ những hình ảnh mà nó đã chụp trên suốt con đường mà viên nang đi qua.


Nội soi viên nang - Ảnh minh họa: internet

Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này đắt đỏ và việc đọc hình ảnh do viên nang cung cấp thì không phải bác sĩ nào cũng đảm nhận được vì đòi hỏi kinh nghiệm đọc viên nang nhiều lần. Ở Singapore hay một số các nước tiên tiến cũng phải có bác sĩ chuyên ngành đọc về nội soi ảo thì mới có thể thấy được bệnh.

Chẳng hạn, nếu ruột chưa sạch, vẫn còn sót mẩu phân dính ở đó, viên nang đi qua ghi nhận hình ảnh mẩu phân, người đọc tưởng mẩu phân là cục bướu hoặc ngược lại, dễ lẫn lộn. Tất nhiên, phân và bướu có những đặc tính riêng nhưng qua hình ảnh quay được thì không dễ phân biệt. Đây là một trong những bất lợi của nội soi ảo.

Và một bất lợi lớn của nội soi ảo nữa đó là: khi thấy được sang thương rồi thì nội soi ảo cũng chỉ chụp hình và đi qua. Còn đối với nội soi thật, chúng ta có thể trực tiếp sinh thiết cục bướu đó và có được giải phẫu bệnh lý, khẳng định chính xác là ung thư hay không. Còn nội soi ảo đi ngang qua rồi cuối cùng cũng phải sử dụng nội soi thật để tiếp cận để mà làm sinh thiết.

Đó là những cái ưu và nhược mà nội soi ảo mang lại.


6.
Xin BS cho biết đặc điểm nhận diện của những polyp ở ruột già và trực tràng có nguy cơ cao sẽ tiến triển thành ung thư?

Bệnh polyp trực tràng thì xảy ra bởi nhiều yếu tố, trong đó: yếu tố về viêm niêm mạc trực tràng, co thắt đại trực tràng một cách thái quá có thể để lại polyp.

Tuy nhiên, bệnh polyp mà người ta sợ nhất là bệnh polypos tức là bệnh đa polyp, mang các gen trội và ảnh hưởng bởi các yếu tố về gia đình (yếu tố di truyền). Nếu trong gia đình bệnh nhân có người thân bị ung thư mà bản thân bệnh nhân có nhiều polyp ở ruột già và trực tràng thì nguy cơ cao sẽ tiến triển thành ung thư. Đây là đặc điểm nhận diện ung thư thứ nhất.

Thứ nhì, những polyp có đường kính trên 1cm, nguy cơ có thể thành ung thư.

Thứ ba, những polyp mà chân rất ngắn và những polyp có hình ảnh dạng sần sùi, dễ chảy máu thì coi chừng rất dễ ung thư.

Với 3 trường hợp trên, chúng ta cần phải làm sinh thiết.

Hình ảnh nội soi một ca polyp khó được điều trị thành công tại Đơn vị nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để nhận diện polyp đại trực tràng có nguy cơ sẽ tiến triển thành ung thư hay không sẽ do bác sĩ nội soi đại trực tràng nhận diện. Với những kinh nghiệm sẵn có của bác sĩ thì họ có thể nhìn thấy và có thể nhận định được polyp này có cần làm sinh thiết để xác định ung thư hay không.

Hiện tại, đa số các bác sĩ nội soi đại trực tràng mà thấy polyp, nếu polyp chân dài thì sẽ cắt polyp và đem đi giải phẫu bệnh lý. Còn polyp chân ngắn, nếu nghi ngờ thì bác sĩ sẽ bấm làm sinh thiết.

Chính vì vậy, nói về đặc điểm nhận diện rất khó. Tuy nhiên, hễ cứ thấy polyp là cắt hoặc bấm rồi làm sinh thiết vì thông thường 80% ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ các polyp đại trực tràng.


7.
Điều trị ung thư đại trực tràng gồm những phương pháp nào ạ? Trong đó, phẫu thuật nào có thể nội soi ạ?

Điều trị ung thư đại trực tràng có rất nhiều phương pháp. Vấn đề quan trọng là chúng ta phát hiện sớm hay trễ.

Nếu như ung thư đại trực tràng phát hiện sớm ở trong giai đoạn T1, T2, N1 hoặc trong giai đoạn chưa di căn, chưa xâm lấn thì phẫu thuật vẫn ưu tiên hàng đầu. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mổ mở. Do đó, phẫu thuật nội soi được sử dụng thường xuyên trong điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm.

Còn ung thư đại trực tràng trong giai đoạn trễ thì sao? Như chúng ta biết, ung thư đại trực tràng phát hiện trễ, có thể bệnh nhân rơi vào tình trạng tắc ruột, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột gây viêm phúc mạc. Khi đó, cách xử trí ung thư đại trực tràng tùy theo thể trạng bệnh nhân, tùy theo giai đoạn bệnh cũng như những biến chứng của bệnh.

Bệnh nhân xảy ra biến chứng thì chúng ta có những biện pháp điều trị sao cho phù hợp. Có trường hợp chúng ta cắt được đoạn ung thư và đưa hai đầu ra, hoặc có những trường hợp không cắt được đoạn ung thư đại trực tràng, phải mở hậu môn nhân tạo để giảm áp.

Thường thì ở giai đoạn trễ và giai đoạn có biến chứng thường là phẫu thuật mở, bởi vì còn phải xử lý những sang thương, những biến chứng của ung thư đại trực tràng gây ra nữa. Do đó, phẫu thuật nội soi trong giai đoạn này ít được áp dụng.

Ngoài ra, sau khi phẫu thuật ung thư đại trực tràng xong, đặc biệt ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 thì ở tại trung tâm chúng tôi còn phải điều trị thêm hóa trị bổ trợ.

Còn đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng đoạn 1/3 dưới của ung thư trực tràng trong giai đoạn T2 hoặc giai đoạn di căn hạch thì thường chúng tôi có xạ trị trước thu nhỏ khối u, sau đó tiến hành phẫu thuật. Và, đây là những phác đồ mà trên thế giới rất ưa chuộng sử dụng.

Nói tóm lại, điều trị ung thư đại trực tràng đó là điều trị đa mô thức, chúng ta có thể kết hợp vừa phẫu thuật, vừa hóa trị, vừa xạ trị và vừa chăm sóc giảm nhẹ nếu bệnh nhân chúng ta không thể phẫu thuật được.

Hình ảnh ung thư trực tràng của bệnh nhân được ghi nhận tại Đơn vị Nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp


8. Sau xạ trị ung thư đại tràng, bệnh nhân có cần cách ly với thai phụ và trẻ em không ạ?

Xạ trị đối với ung thư đại trực tràng sử dụng tia xạ ngoài và hiện tại đa phần đang sử dụng máy gia tốc tuyến tính. Do đó, khi bệnh nhân ra khỏi phòng xạ không còn nhiễm bởi các tia xạ đó nữa. Vì vậy, cũng không cần thiết cách ly với thai phụ và trẻ em.


9. Sau khi phẫu thuật để xử lý ung thư, việc đại tiện của bệnh nhân sẽ như thế nào ạ?

Đối với ung thư manh tràng, ung thư đại tràng phải, ung thư đại tràng ngang, ung thư đại tràng góc gan, ung thư đại tràng góc lách, ung thư đại tràng sigma, tất cả ung thư đó sau khi cắt thì thông thường chúng tôi đều có thể lưu thông đường ruột để bệnh nhân có thể đi cầu trở lại như bình thường. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào vị trí của ung thư, ví dụ ung thư trực tràng nằm ở 1/3 giữa và 1/3 trên, chúng tôi vẫn có thể cắt được cục bướu, sau đó, tái lập lại lưu thông giúp bệnh nhân đi cầu trở lại bình thường.

Còn những trường hợp ung thư ở ngay ống hậu môn thì đây là vấn đề rất khó khăn, phải phẫu thuật để lấy hết tế bào ung thư. Sau khi cắt thì chúng tôi phải khoét toàn bộ hậu môn của bệnh nhân để lấy hết tế bào ung thư. Vì vậy, chuyện bệnh nhân sẽ phải đi cầu vĩnh viễn ở trên bụngkhông tránh khỏi.

10. Ung thư đại trực tràng có di truyền không, thưa BS?

Thứ nhất, ung thư đại trực tràng có tỉ lệ khoảng 13% – 17% có mang yếu tố di truyền. Nếu không may bạn có cha mẹ, ông bị ung thư đại trực tràng coi chừng bạn cũng sẽ bị ung thư đại trực tràng. Vì vậy bạn cần phải lên một kế hoạch tầm soát dài hơi và định kỳ để không bỏ lỡ nếu chẳng may bị ung thư đại trực tràng.

Thứ nhì, nếu bạn cũng bị bệnh lý polyp, giống như cha hoặc mẹ bạn thì tỷ lệ ung thư đại trực tràng của bạn có thể tăng lên 50% hoặc 60% và lúc đó, bạn cần phải cn thận hơn nữa trong vấn đề tầm soát ung thư.

Nói tóm lại, ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền và tất cả những người sinh ra trong một gia đình không may có cha mẹ, ông bà bị ung thư đại trực tràng hoặc bệnh đa polyp đại trực tràng… thì cần có kế hoạch tầm soát để chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng.

AloBacsi trân trọng cảm ơn bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã dành thời gian quý báu để tư vấn những thông tin hữu ích về bệnh ung thư đại trực tràng, dấu hiệu cảnh báo, những ai có nguy cơ cao nên đi tầm soát để phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm. - Ảnh: Hoàng Long

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào buổi tư vấn tiếp theo!

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Anh

Trường Y: Tốt nghiệp trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 1982

Bằng cấp chuyên môn:

- Bằng bác sĩ chuyên khoa 1 năm 1988 - Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
- Bằng bác sĩ chuyên khoa 2 năm 1998 - Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh

Đào tạo nâng cao:

Cử nhân quản lý hành chánh nhà nước - Trường Học viện Hành chính Quốc gia năm 2000 - 2003

Quá trình công tác:

- Từ năm 1994 - 1999: Phó khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện Chợ Rẫy
- Từ năm 1999 - 2008: Trưởng trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy
- Từ năm2008- 2013: Trưởng khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115
- Từ năm 2013 đến nay: Trưởng trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân - Bệnh viện Nhân dân 115

Công trình khoa học:

- Điều trị ngoại khoa viêm tụy hoại tử
- Đánh giá điều trị ung thư đầu mặt cổ bằng phương pháp X-knife
- Góp phần nghiên cứu 115 ca ung thư thanh quản giai đoạn sớm điều trị xạ trị
- Điều trị bệnh lý u màng não bằng Gamma Knife và điều trị dị dạng mạch máu não bằng Gamma Knife.


Thực hiện: Mỹ Thi - Hồng Nhung
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X